Nguyễn Huệ là người tài trí dũng mãnh, quyền biến nhưng nhân hậu, giúp anh là Nguyễn Nhạc làm nên nghiệp Đế, được phong làm Bắc Bình Vương, đóng đô ở Phú Xuân để lo trấn giữ phiá Bắc.
Cả hai lần trước ra Bắc giúp vua Lê, Nguyễn Huệ đều không nghĩ đến chuyện giành ngôi, trả hết binh quyền cho con cháu nhà Lê. Rất tiếc hậu duệ nhà Lê không người tài giỏi nên không thể khôi phục quyền hành, lại còn mắc tội đưa quân Thanh về giày xéo Tổ quốc.
Năm 1788, quân nhà Thanh đưa Lê Chiêu Thống về nước, mượn tiếng cứu nhà Lê để lập tâm đô hộ Việt Nam.
Tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở thấy thế quân Tàu quá mạnh, phải rút quân về núi Tam Điệp trấn giữ, rồi phi báo về Phú Xuân cho Nguyễn Huệ biết, xin cấp cứu.
Trong khi đó tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị đưa Lê Chiêu Thống vào Thăng Long, đọc sắc vua Thanh phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương, nhưng ra lệnh các văn thư từ nay phải để niên hiệu Càn Long, bắt vua Chiêu Thống tới chầu chực, tỏ vẻ khinh rẻ, khiến người dân Bắc Hà nhận xét:
'Nước Nam ta từ xưa tới nay, chưa có vị vua nào hèn hạ đến thế, việc gì cũng phải đến thưa bẩm với người Tàu, khác nào đã bị nội thuộc Bắc phương?!'.
Trong khi đối với quân Tàu khúm núm sợ hãi, thì Chiêu Thống đối với trong nước rất tàn ác, giết hại những người từng theo Tây Sơn. Quân Tàu nhũng nhiễu, cướp phá dân gian bừa bãi, nên lòng người Bắc Hà vô cùng chán nản.
[Việc này chẳng khác gì bọn Việt Cộng ngày nay khúm núm với Trung Cộng, tàn ác với dân chúng?!]
Nguyễn Huệ biết quân nhà Thanh đang giày xéo đất Thăng Long, lập tức hội các tướng sĩ bàn việc đem quân tiến đánh.
Nhận thấy Lê Chiêu Thống nay không còn thể thống, bị ai nấy khinh khi, chẳng còn đủ tư cách làm vua, các tướng và dân chúng đều xin Nguyễn Huệ hãy lên ngôi, để lấy chính danh khi ra Bắc đánh đuổi quân nhà Thanh.
Ngày 25-11 âm lịch năm Mậu Thân 1788, vua Quang Trung làm lễ lên ngôi Hoàng đế, rồi tự thống lĩnh đại binh thủy bộ Bắc tiến.
Ra đến Nghệ An, vua Quang Trung dừng lại 10 ngày để chấn chỉnh quân ngũ, lấy thêm tinh binh, tất cả được 100.000 quân và hơn 100 voi xung trận.
Ngày 12-12 âm lịch, đại binh đến Tam Điệp, hợp với quân của Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm. Nhà vua cho tướng sĩ ăn Tết trước, để đúng đêm trừ tịch thì tiến binh, định ngày mồng 7 tết sẽ vào thành Thăng Long mừng năm mới.
Với lối hành quân tốc chiến tốc thắng, lương thực là bánh đa & bánh tét, tướng sĩ cáng nhau đi khi bị mệt, nên chỉ 2 ngày đã đánh tan quân nhà Lê trên đường tiến quân, và đêm mồng 3 tết vây đánh chiếm xong đồn Hạ Hồi của Tàu, rồi tiến đánh Đống Đa, giết Đề đốc Hứa Thế Hanh và tướng tiên phong Trương Sĩ Long, khiến Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tận, để khỏi bị bắt sống.
Tôn Sĩ Nghị nửa đêm nghe tin thất trận khắp nơi, không kịp mắc áo giáp, bỏ cả ấn tín và mật thư cùng mấy tên kỵ binh tâm phúc, chạy qua qua sông Hồng thoát thân. Quân Tàu thấy chủ tướng bỏ chạy, tranh nhau qua cầu khiến cầu sập, chết đuối xác trôi đầy sông.
Vua Chiêu Thống cũng bỏ chạy theo sang Tàu, rồi chết rất thảm não ô nhục, đến độ khi bốc mộ trái tim u uất không thể tan rữa.
Hai đạo quân ở Vân Nam và Qúi Châu nghe tin Tôn Sĩ Nghị đại bại, cũng bỏ chạy về nước.
Như thế Nguyễn Huệ đã chiến thắng quân nhà Thanh ngày mồng 5 tết, trước dự liệu 2 ngày, tạo nên một chiến công vẻ vang làm rạng rỡ trang sử chống xâm lăng vô cùng oanh liệt của Việt Nam.
Khi vào dinh Tôn Sĩ Nghị, vua Quang Trung lấy được cả ấn tín của Tôn Sĩ Nghị,và cả mật dụ của vua Càn Long, dặn dò Tôn Sĩ Nghị thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam.
Vua đem tờ mật dụ cho Ngô Thời Nhậm xem, rồi nói: 'Nay quân Thanh đã bị ta đánh thua tả tơi, tất xấu hổ mà không chịu yên. Hai bên đánh nhau nữa chỉ khổ dân. Vậy ông nên dùng lời hóa giải nạn binh đao'.
Ngô Thời Nhậm thảo thư, Nguyễn Huệ sai người đem thư qua Tàu, cùng với việc trao trả các hàng binh.
Vua Thanh nghe tin Tôn Sĩ Nghị cả thua, nổi giận, sai quan Nội các là Phúc Khang An thay Tôn Sĩ Nghị làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, tụ tập binh mã 9 tỉnh, dự tính sang Việt Nam đánh phục thù.
Phúc Khang An đến Quảng Tây tham khảo tình hình, thấy lối dùng binh của vua Quang Trung thuộc loại 'sấm nổ không kịp bưng tai', trong bụng đã có ý sợ, muốn tìm kế hòa hoãn; nên khi nhận được thư của vua Quang Trung, đã khuyên vua Quang Trung dâng biểu tạ tội, cho yên việc binh đao.
Vua Quang Trung theo lời, lại đem vàng bạc cho Phúc Khang An và quan Nội thần là Hòa Thân, được cả hai đồng lòng xin vua Thanh là Càn Long cho giảng hòa.
Vua Càn Long vốn qúy mến nhân tài, rất nổi tiếng với những cuộc vân du khắp Trung Quốc để gặp gỡ các anh hùng hào kiệt, được viết thành những sách như 'Càn Long du Giang Nam', 'Càn Long du Giang Bắc'... khi biết Nguyễn Huệ là viên tướng bách chiến bách thắng, tỏ lòng hâm mộ muốn gặp mặt, nên đòi vua Quang Trung sang triều kiến.
Vua Quang Trung phải sai một người có hình dung giống mình là Phạm Công Trị qua Bắc Kinh, được vua Càn Long cho làm lễ ôm gối, như tình cha con một nhà, cho ăn yến với các thân vương, sai thợ vẽ truyền thần, ban ân lễ rất hậu, phong vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương.
Sau khi xếp đặt xong mọi việc, vua Quang Trung để Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ở lại Thăng Long coi việc binh, còn việc giao tiếp với nhà Thanh ủy quyền cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, rồi trở về nam.
Vua Quang Trung xưng đế, lập bà Ngọc Hân làm Bắc Cung hoàng hậu, lập người con thứ là Quang Toản làm thái tử. Nhà vua lấy thành Nghệ An là vùng đất tổ xưa, cũng là nơi trung tâm lãnh địa của mình, làm kinh đô, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô, cải Thăng Long làm Bắc Thành, chia đất Sơn Nam làm 2 trấn Thượng và Hạ.
Tuy chỉ ở ngôi trong 4 năm thì tạ thế, nhưng ngoài sự nghiệp về võ công hiển hách, cầm quân chưa từng thua trận nào, vua Quang Trung còn tỏ ra có cả khả năng canh tân đất nước với tầm nhìn xa trông rộng về Bắc phương, thực hiện các cải cách mang tính cách mạng dân tộc, phục hồi Văn hóa Quốc gia... rất đặc sắc trên một số phương diện:
**Về Văn Hoá:
Vua Quang Trung là vị vua đầu tiên coi trọng tiếng Việt, bắt dùng chữ Nôm trong thi cử và văn thư hành chánh. Nhờ việc này mà chữ Nôm được đề cao rất mực, xuất hiện nhiều tác giả & tác phẩm thơ văn chữ Nôm danh tiếng, hình thành một nền văn học chữ Nôm rất đặc sắc được phát huy, lưu truyền ca ngợi, với nhiều bậc tài danh nối tiếp nhau xuất hiện, như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Chu Mạnh Trinh... đặt nền tảng cho cả việc phát huy thơ văn
Quốc Ngữ về sau.
**Về Tôn Giáo:
Nhận định các triều đại trước quá hâm mộ Phật Giáo, phát sinh nhiều điều chưa tốt, vua Quang Trung thấy làng nào cũng có chùa, những người tu hành phần đông ngu dốt, chỉ mượn tiếng Phật để bòn rút tiền của của người dân... nên nhà vua xuống chiếu bỏ các chùa nhỏ, đem gỗ gạch dựng ở mỗi phủ huyện một ngôi chùa lớn, tuyển các vị chân tu có trình độ học vấn và đạo đức lo việc tế tự. Ai không xứng đáng, bắt hoàn tục làm ăn.
Ý vua Quang Trung muốn việc thờ Phật phải tôn nghiêm, xứng đáng.
**Về Ngoại Giao:
Tuy cầu hòa với nhà Thanh bên Tàu, nhưng vua Quang Trung muốn bành trướng thế lực về phương Bắc, vì phương Nam đã thuộc về Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ cai quản.
Sau khi chuẩn bị binh lực hùng hậu, năm 1792, vua Quang Trung sai sứ sang Tàu xin cầu hôn, và xin hai đất Lưỡng Quảng làm hồi môn.
Bất ngờ vua Quang Trung bị bạo bệnh mất, nên việc cầu hôn không tiến hành.
[Một tư liệu cho rằng, vua Càn Long rất yêu qúy tài năng dụng binh như thần của vua Quang Trung, muốn gả công chúa và dùng ngài làm một vị tướng hàng đầu của Thanh triều để đánh đông dẹp bắc, mở mang Thanh triều như thời Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ. Việc này khiến các cận thần của vua Càn Long hoảng sợ, tìm cách sớm đầu độc vua Quang Trung, qua việc gửi tặng một hoàng bào có tẩm thuốc độc, khiến vua Quang Trung chỉ mặc một lần lúc nhận áo theo nghi lễ, bị trúng độc chết ngay, khi ngài đương mạnh khỏe mới 40 tuổi].
Vua Quang Trung mất năm Nhâm Tí 1792, làm vua được 4 năm.
Lúc nghe tin vua Quang Trung mất, vua Càn Long rất thương tiếc, gửi tặng bài văn tế, có những câu như:
'Chầu ngôi Nam cực,
'Lòng trung nghiã hết đạo thờ vua.
'Chôn đất Tây Hồ,
'Nghiã thần tử vẫn còn mến chúa.
Khi vua Quang Trung mất, thái tử Quang Toản mới 10 tuổi, được triều đình tôn lên làm vua, lấy hiệu là Cảnh Thịnh, mọi việc do Thái sư Bùi Đắc Tuyên là anh ruột bà Thái Hậu nắm hết, nên nhiều người không phục, chia rẽ, bị Nguyễn Ánh phục hồi, tiêu diệt.
Những lời bàn của sử sách:
**Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái:
'Quang Trung đại phá quân Thanh:
'Quân Thanh đã được Thăng Long,
'Một hai rằng thế là xong việc mình.
'Dùng dằng chẳng chịu tiến binh,
'Nhác đường phòng thủ, mống tình đãi hoang.
'Ngụy Tây nghe biết sơ phòng,
'Giả điều tạ tội, quyết đường cất quân.
'Dặm tràng nào có ai ngăn,
' Thừa hư tiến bức đến gần Thăng Long.
'Trực khu đến lũy Nam Đồng,
'Quan Thanh dẫu mấy anh hùng mà đang?
'Vua Lê khi ấy vội vàng,
'Cùng Tôn Sĩ Nghị sang đàng Bắc Kinh.
'Qua sông lại sợ truy binh,
'Phù kiều chém đứt, quân mình thác oan!
**Trần Trọng Kim:
'Những người làm quốc sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra ''chính thống'' và ''ngụy triều''. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng tạo ra cơ nghiệp; hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục; ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung nguyên, thì cho là ''chính thống''. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán đoạt không thành; hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa; ba là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua, thì cho là ''ngụy triều''.
'Vậy nay lấy những lẽ ấy mà xét xem nên cho nhà Nguyễn Tây Sơn làm chính thống hay ngụy triều, để cho hợp lẽ công bằng và cho xứng danh hiệu những người anh hùng đã qua.
'Nguyên nước ta là nước quân chủ, lấy nghiã vua tôi làm trọng hơn cả, thế mà từ khi nhà Lê trung hưng lên trở về sau, họ Nguyễn hùng cứ phương Nam, họ Trịnh xưng chúa miền Bắc; trên tuy còn tôn vua, nhưng mà quyền về cả nhà chúa. Trong nước ta đã có vua lại có chúa, làm thành ra vua không phải là vua, tôi không phải là tôi, ấy là một thời loạn.
'Đến sau ở trong Nam thì có Trương Phúc Loan chuyên quyền làm bậy, ở ngoài Bắc thì có kiêu binh làm loạn, giết hại quan đại thần, vua chúa phải nhún mình mà chiều đãi, đình thần phải khoanh tay mà chịu một bề, ấy lại là một lúc đại loạn vậy.
'Lúc ấy anh em Nguyễn Nhạc là người dân mặc áo vải, dấy binh ở đất Tây Sơn, chống nhau với nhà Nguyễn để lập nghiệp ở đất Qui Nhơn. Tuy rằng đối với họ Nguyễn là cừu địch, nhưng mà đối với nước Nam, thì chẳng qua cũng là một người anh hùng lập thân trong lúc biến loạn đó mà thôi.
'Còn như Nguyễn Huệ là vua Thái Tổ nhà Nguyễn Tây Sơn, thì trước giúp anh bốn lần vào đánh đất Gia Định đều được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Tiêm La, chỉ còn được mấy trăm người lủi thủi chạy về nước; sau lại ra Bắc Hà, dứt họ Trịnh, tôn vua Lê, đem lại mối cương thường cho rõ ràng. Ấy là đã có sức mạnh mà lại biết làm việc nghiã vậy.
'Nhưng vì vua nhà Lê nhu nhược, triều thần lúc bấy giờ không ai có tài kinh luân, lại để cho Trịnh Bồng và Nguyễn Hữu Chỉnh nối nhau mà chuyên quyền, đến nỗi thành ra tán loạn. Dẫu thế mặc lòng, khi Nguyễn Huệ giết Vũ Văn Nhậm rồi, không nỡ dứt nhà Lê, đặt Giám quốc để giữ tông miếu tiền triều; như thế thì cách ở với nhà Lê không lấy gì làm bạc.
'Sau vua Chiêu Thống và bà Hoàng thái hậu đi sang kêu cầu bên Tàu, vua nhà Thanh nhân lấy dịp ấy mượn tiếng cứu nhà Lê, để lấy nước Nam, bèn sai binh tướng sang giữ thành Thăng Long. Bấy giờ cứ theo như tờ mật dụ của vua nhà Thanh thì nước Nam ta bề ngoài tuy chưa mất hẳn, nhưng kỳ thật đã vào tay người Tàu rồi.
'Vậy nước đã mất, thì phải lấy nước lại, ông Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng đế, truyền hịch đi các nơi, đường đường, chính chính, đem quân ra đánh một trận phá 20 vạn quân Tàu, tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín mà chạy, làm cho vua tôi nước Tàu khiếp sợ, tướng sĩ nhà Thanh thất đảm. Tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có võ công nào lẫm liệt như vậy.
'Vả đánh đuổi người Tàu đi lấy nước lại mà làm vua thì có điều gì mà trái đạo? Há lại chẳng hơn nhà Lý, nhà Trần nhân lúc ấu quân, nữ chúa, mà làm sự thoán đoạt hay sao? Vậy thì lấy lẽ gì mà gọi là ngụy? Huống chi sau vua nhà Thanh cũng công nhận cho ông Nguyễn Huệ làm vua nước Nam, và lại sai sứ sang phong cho ông làm An Nam quốc vương theo như lệ các triều trước. Như thế thì nhà Nguyễn Tây Sơn mở nước có khác gì nhà Đinh và nhà Lê không?
'Tuy rằng chẳng được bao lâu nhà Nguyễn Tây Sơn sinh ra rối loạn, vua Thế tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn lại thu phục được cơ nghiệp cũ, mà nhất thống cả nam bắc lại làm một; nhưng thành bại hưng vong là mệnh trời, vả lại hai người anh hùng đuổi một con hươu, tất là người nọ gọi người kia là cừu địch.
'Vậy lấy lẽ tôn bản triều mà xét thì nhà Nguyễn Tây Sơn là ngụy, nhưng lấy công lý mà suy thì vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một ông vua cùng đứng ngang vai với vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Thái Tổ; mà nhà Nguyễn Tây Sơn cũng là một triều đại chính chống như nhà Đinh và nhà Lê vậy.
**Đào Duy Anh:
-'Bọn thống trị ở Đàng trong cũng hết sức xa xỉ dâm ô. Nguyễn Phúc Chu tự phụ là thông Phật học, làm chùa rất nhiều - tự hiệu là Thiên Tùng đạo nhân - mà có đến 146 đứa con vừa trai vừa gái. Cái đời xa xỉ dâm dục như thế, sử cũ cho là đời thái bình nhất. Nhưng đến Nguyễn Phúc Khoát thì sự xa xỉ của chúa Nguyễn lên đến cực điểm.
-'Phúc Thuần nối ngôi Phúc Khoát, từ nhỏ đã thích chơi hát tuồng, lại vì dâm dục quá độ nên có bệnh dương suy. Tự nghỉ không gần đàn bà được thì nghỉ bắt bọn ca đồng nuôi trong cung dâm loạn với bọn cung nữ để nghỉ ngồi xem.
**Phạm Văn Sơn:
-'Năm Quang Trung thứ tư, trong nước khắp nơi đều được mùa vì mưa hòa gió thuận. Cuộc sinh hoạt đã bắt đầu đầm ấm, phát đạt tới nửa phần thuở thanh bình trước, do chính sách ưu ái nhân dân của triều đình. Xin nhắc rằng, nếu năm nào có tai trời ách nước, triều đình lại ra ân xá thuế, giảm tội cho dân chúng.
'Chính sách nhân hậu này của triều Tây Sơn được nhiều người ngoại quốc ca ngợi và minh chúng: tỉ dụ nhà du hành người Anh là ông Crawfurd đến viếng nước ta vào năm 1822 là năm vua Gia Long đã mất, và Minh Mạng lên ngôi được 3 năm. Ông chống hẳn lại những lời phê bình bất công của một số sử gia Tây phương đối với nhà Tây Sơn.
'Ông viết như sau: ''Bảo rằng nhân dân khao khát dòng vua chính thống được khôi phục như một số người Tây phương chỉ biết có tán tụng vua Gia Long chưa chắc đã đúng, và triều Tây Sơn đâu có thất nhân tâm như thế. Tôi được một số nhà buôn Trung Hoa đã sinh sống lâu năm tại xứ này dưới quyền chúa Nguyễn và cả dưới quyền nhà Tây Sơn, đoan chắc với tôi rằng các nhà cầm quyền Nguyễn Tây Sơn cai trị dân chúng còn công bằng và khoan hòa hơn nhà vua hiện tại (chỉ Minh Mạng và Gia Long)''.
-'Quang Trung Hoàng đế tuy là một quân nhân thượng võ, múa gươm trên mình ngựa mà lấy thiên hạ, nhưng sau cuộc đại định cũng đã tỏ ra biết chú trọng đến nhân tài, văn hóa và chính trị. Trong các sự việc này nhà vua đã có nhiều sáng kiến đặc biệt phát sinh ở một tinh thần cách mạng và quốc gia rất sáng suốt và cấp tiến.
'Trong việc dùng người, nhà vua biết phục thiện nghiã là nghe ai là kẻ tài giỏi hoặc hiền đức, nhà vua biết lấy lẽ Tân Sư (vừa coi là khách vừa coi là thầy) để mời tham gia việc nước. Đó là trường hợp đối xử với Nguyễn Thiếp tức La Sơn Phu tử, Nguyễn Đăng Trường, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích...
'Về việc học, nhà vua cho lập trường học từ ở các thôn xã trở lên, dùng đền chùa làm nơi giảng dạy. Các Huấn đạo được cử đến đây để khuếch trương nền giáo dục. Dưới quyền các quan Huấn đạo là các nho sĩ lựa trong đám người có học và có hạnh... Các ông Cống triều Lê cũng được đắc dụng, nếu chưa làm chức gì triều đình vời ra nhận các chức Huyện quan hay Huấn đạo.
...
'Đáng chú ý là việc trọng dụng chữ Nôm, đã biểu lộ một tinh thần quốc gia mãnh liệt, một ý niệm cách mạng rất thực tế của vua Quang Trung, nghiã là tuy trong khoa cử học hành, chữ Nho vẫn được dùng; nhưng trong chiếu, biểu, sắc, dụ, thi phú... văn Nôm đã được đặt vào một địa vị quan trọng.
Nhận Định
Vì vua Quang Trung là người trực tiếp cầm quân diệt chúa Nguyễn ở miền Nam, trở thành kẻ thù của Nguyễn Triều, từng bị vua Gia Long hết sức căm hận, truy tìm mồ mả đào xương cốt hành hình... nên sử sách nhà Nguyễn đã gọi triều đại Tây Sơn là Ngụy triều, hủy hoại nhiều chứng tích, xuyên tạc, làm nhiều điều rất đáng tiếc. Cụ thể như việc không lập nhà học và trạm y tế ở vùng Bình Định & Qui Nhơn... khiến dân chúng vùng này lâm cảnh dốt nát nghèo khổ cùng cực hàng trăm năm sau!
Ngay như sử gia Trần Trọng Kim viết Việt Nam Sử Lược dưới thời vua Bảo Đại - vị vua cuối của triều Nguyễn - cũng phải tìm cách lập luận kín kẽ khi ca ngợi vua Quang Trung.
Ngoài ra nhiều vị giáo sĩ Tây phương được vua Gia Long ưu đãi, cũng viết những trang ký hùa theo Nguyễn Triều, mà miệt thị nhà Tây Sơn...
Do vậy, mà một số người như ông Nguyễn Gia Kiểng viết cuốn Tổ Quốc Ăn Năn đã không sáng suốt, khi căn cứ vào các trang viết của một vài giáo sĩ Tây phương lưu giữ ở Pháp, miệt thị vua Quang Trung, là điều rất đáng tiếc và đáng buồn?!
Khi được sinh sống nơi hải ngoại, ngoài vòng cương tỏa của mọi thế lực chính trị, tôn giáo... chúng tôi mới có thể mạnh dạn nghiên cứu, trình bày các vấn đề sử học theo chiều hướng khách quan, trả lại sự thật cho nhiều vấn đề bấy nay bị các 'sử quan' của các triều đại ghi chép theo lệnh trên.
(Xin được ghi đôi hàng riêng tư nơi đây: Khoảng năm 1968, thời Đệ II VNCH lúc được Hội Bách Khoa Bình Dân Sài Gòn, do Luật sư Cung Đình Thanh làm chủ tịch, mời phụ trách Nguyệt san Phát Triển Văn Hóa, bản thân chúng tôi có viết một bài về sự tích Bánh Dầy & Bánh Chưng, nêu việc Phật đản sinh sau đời Hùng Vương cả mấy ngàn năm, nên Phật không thể chỉ dẫn Lang Liêu - nhất là giết heo làm nhân bánh... Báo nhận trợ cấp của chính quyền bắt in ở nhà in của Viện đại học Vạn Hạnh, ngay cầu Trương Minh Giảng, theo điều kiện sự trợ giúp tài chính của Quốc vụ khanh Văn hóa là ông Phật tử Mai Thọ Truyền đương thời. Một vị Phật tử sửa lỗi bản in thấy vậy đã trình lên bề trên, phản ảnh lên Quốc vụ khanh Mai Thọ Truyền, áp lực bắt phải sửa hoặc bỏ bài viết này. Chúng tôi không đồng ý, chấp nhận hủy bỏ số báo và từ nhiệm - Thời Đệ I VNCH, Học giả Nguyễn Hiến Lê cũng từng bị một linh mục Thiên Chúa Giáo ngăn cấm một cuốn sách, khi đề cập đến vài sự việc của Thiên Chúa Giáo thời cấm đạo dưới triều Nguyễn).
So sánh giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, Nguyễn Ánh đã hai lần cầu cứu nước ngoài là Xiêm La và Pháp, để mong phục hồi quyền hành của dòng họ, gây nguy hại cho quốc gia & dân tộc. Hậu quả là nếu Nguyễn Huệ không đánh tan được quân Xiêm La, đất nước khó thoát khỏi bị Xiêm La đô hộ? Và việc Việt Nam bị Pháp đô hộ, rồi nảy sinh ra việc Hồ Chí Minh qua Pháp, xin học làm quan không được, theo Cộng Sản tàn hại quốc gia & dân tộc một cách kinh khủng nhất từ xưa đến nay, nguyên do sâu xa cũng từ việc Nguyễn Ánh đưa con là Hoàng tử Cảnh cho Linh mục Bá Đa Lộc đem qua Pháp, xin viện binh?!
Trong khi đó Nguyễn Huệ là một vị vua chẳng những dụng binh như thần, trăm trận trăm thắng, khi lên ngôi còn là vị vua đầu tiên sau mấy ngàn năm có ý thức hạn chế ảnh hưởng văn hóa ngoại lai, đề cao tinh thần tự chủ dân tộc, lấy tiếng Việt làm gốc, dùng chữ Nôm để phát triển văn học, phát huy tình tự dân tộc qua chính ngôn ngữ của dân tộc.
Nhờ có văn học chữ Nôm thịnh hành từ thời này, mà khi chuyển qua văn học Quốc ngữ về sau, có sẵn nền tảng mới có thể dễ dàng phát huy.
Bằng chứng là chương trình Quốc văn, luôn có hai phần giảng dạy về Cổ văn và Kim văn - trong đó Cổ văn là phần truyền đạt giảng dạy quan trọng nhất?
Nhân đây, chúng tôi nêu giả thuyết, nếu Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ cai quản phương Nam thay vì là Nguyễn Lữ, ắt dưới triều Tây Sơn nước Nam ta có thể mở rộng qua Lục Chân Lạp (tức Cao Miên) và cả Xiêm La?
Vì việc đại phá quân Thanh của Nguyễn Huệ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, Nguyễn Huệ có thể hoàn thành mở rộng cõi biên thùy miền Nam bất cứ lúc nào, nếu nắm trọng trách này?
**
Xét về tiêu chuẩn 'chính thống' trong gần hai ngàn năm được trình bày trong Quyển II - Khởi thảo Kinh Thư Việt Nam thời kỳ Đối đầu Bắc phương, thì Sử Việt chỉ có 4 vị vua không phạm phải tội thoán đoạt phản phúc, lúc giành quyền hành từ tay ngoại cường, hoặc khi đất nước hỗn loạn không có chủ quyền. Đó là Trưng Nữ Vương, Đinh Tiên Hoàng, Bình Định Vương Lê Lợi và vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
Đặc biệt cả bốn vị này đều xuất thân từ dân dã, ít chịu ảnh hưởng văn hóa & giáo dục ngoại lai, nên đã nêu cao chính nghiã quốc gia & dân tộc, được dân chúng một lòng ủng hộ, mà làm nên nghiệp lớn ích quốc & lợi dân, thay vì hại nước & hại dân.
Do vậy chúng tôi mạo muội phân chia lịch sử theo cột mốc văn hóa tư tưởng, coi ảnh hưởng của Tây phương khởi đầu một thời kỳ mới, hầu có thể đi sâu vào các phương diện triết học, xã hội học, tâm lý học, đạo đức học (cụ thể là quan điểm đạo lý của các tôn giáo)... hầu áp dụng các phương pháp của luận lý học - như phân tích & tổng hợp, quy nạp & diễn dịch nhiều tư liệu khác nhau - điều nghiên tâm ý các nhân vật có tầm ảnh hưởng đến từng giai đoạn, nêu lên những những kinh nghiệm tốt xấu, đưa ra những bài học để ai nấy đều có thể tự tư duy nhận định khi xem xét các vấn đề lịch sử, mà tham gia cứu quốc, kiến quốc một cách chính đáng; không bị lợi dụng vào các âm mưu lừa gạt hèn kém, cụ thể như bị Cộng sản Việt Nam... đã dối lừa.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.