Trong Việt Nam Sử Lược, sử gia Trần Trọng Kim viết:
'Người nước Nam nhiễm văn minh của Tàu: Từ khi vua Vũ Đế nhà Hán sai Lộ Bác Đức sang đánh lấy Nam Việt cho đến đời Ngũ Quí, ông Ngô Quyền đánh đuổi người Tàu về nước, tính vừa 1.050 năm'.
Trong khoảng thời gian này, tại Việt Nam có một số vị anh hùng dấy binh đánh thắng quân Tàu, như Bố Cái Đại Vương, Mai Hắc Đế... nhưng do không đứng vững được trong một thời gian lâu dài, đủ để chỉnh trang triều chính, thiết lập các cơ cấu thể chế mới mẻ biệt lập, phát huy văn hóa truyền thống... nên không tạo được những sắc thái đáng kể.
Vì vậy, ảnh hưởng văn hóa ngoại lai qua Tam Giáo 'Nho - Lão - Phật' đã có dịp phát triển mạnh mẽ trong giới học thức thư lại, trở thành dài lâu biến dần thành thói quen của một giới người; mặc dù bị bản địa hóa đáng kể trong đời sống dân gian.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã nhầm lẫn khi cho rằng Tam Giáo đã chi phối & khống chế được văn hóa Việt Nam, tạo được những ảnh hưởng sâu xa trong đời sống tinh thần người Việt Nam từ thuở xa xưa đó, khi người Việt chưa hình thành được các giá trị tinh thần vững chắc...?!
Điều này không đúng, vì trước thời kỳ này, dưới đời vua Hùng Vương đã có những truyện cổ tích mang nội dung bao hàm được Vũ trụ quan và Nhân sinh quan Việt Nam riêng, khác biệt rất cao thâm, khi kết hợp sẽ là một Kinh Thư của Việt Nam.
Cao thâm đến độ nhiều nhà nghiên cứu mấy ngàn năm qua đã không thể nhận ra, mà đánh giá các cổ tích thời Hùng Vương là những truyện truyền kỳ huyền hoặc cổ tích, không bao hàm được các triết lý, đạo lý cao thâm để diễn giảng, nên chỉ đáng để giải trí cho trẻ con, không khả năng khai triển sâu rộng trong các chương trình giáo dục đào tạo để phát huy?!
Điều này có thể thấy qua việc hàng loạt các học giả của nhiều thời kỳ, chỉ ghi chép lại rất nhiều cổ tích theo chiều hướng 'dị & kỳ', xuyên tạc nhiều sự thật... do không am hiểu được các ngụ ý cao đẹp của tiền nhân gửi gấm trong mỗi truyện cổ tích, sự tích.
Giáo sư Trần Ngọc Ninh gần đây đã viết trong bài 'Tư tưởng và Tư tưởng Chính trị Việt Nam' như sau:
'Nhưng vẫn có thể hy vọng rằng một ngày nào đó, sẽ khai phá được những ý nghiã che đậy của các mảnh huyền thoại dân tộc mà truyền thống dân gian còn giữ một cách trung kiên tới ngày nay'.
Trong phần thứ nhất của cuốn I 'Khởi thảo Kinh Thư Việt Nam', chúng tôi đã nêu ra một số ý nghiã ẩn tàng trong một số cổ tích Việt Nam, cho thấy những ý thức hệ cao thâm, thể hiện suối nguồn văn hóa tư tưởng Việt Cổ rất phong phú, có thể hệ thống thành một nền văn hiến mang những nội dung triết lý cao thâm.
Nơi đây, chúng tôi muốn phân tích Tam Giáo đã du nhập vào Việt Nam như thế nào? được bản địa hóa khi lưu truyền ra sao? bị ngộ nhận khá nhiều bấy nay vì đâu?
Nho Giáo
Đời Lê, sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn thư, có nhận định tha hóa & vong bản một cách chủ quan đáng trách, khi viết:
'Nước ta sở dĩ thông Thi Thư, tập Lễ Nhạc, để thành được một ''văn hiến chi bang'', chính là từ thời Sĩ Nhiếp. Cái công đức ấy, đâu phải chỉ riêng ở thời bấy giờ, mà còn truyền xa cho tới các thời sau, há chẳng phải là thịnh lắm ru?'
Cũng trong Đại Việt Sử Ký Toàn thư, Ngô Sĩ Liên còn ghi:
'Vương (tức Sĩ Nhiếp) đại lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương. Danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người'.
Trong Việt Nam Sử Lược, sử gia Trần Trọng Kim nhận định:
'Nhà làm sử thường cho nước ta có văn học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý kiến ấy có lẽ không phải. Vì rằng từ khi nhà Hán sang cai trị đất Giao Chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao Chỉ đã có người học hành thi đỗ hiếu liêm, mậu tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có Nho học thì chẳng sai lắm ru. Hoặc giả ông ấy là một người có văn học rồi trong khi làm quan, lo mở mang sự học hành, hay giúp đỡ những kẻ có chữ nghiã, cho nên về sau mới được các tiếng làm học tổ ở nước ta, tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn'.
Những nhận định trên cho thấy mấy điều:
1/ Nho học đã vào nước ta từ thời trước Sĩ Nhiếp?
2/ Nho học với nội dung nặng về lý, coi nhẹ tình, trói buộc kẻ dưới vào người trên, đàn bà vào đàn ông, nhằm mục đích hình thành một hệ thống chính trị duy lý khắt khe, khiến mọi người trở thành bầy tôi nô lệ cho một người duy nhất là ông vua, được coi là Thiên Tử (con Trời), thất nhân tâm rất mực, nhưng vẫn tự coi là có Tâm Đạo rất lớn?!
3/ Nho học được giới học thức vì quyền lợi bổng lộc riêng tư mà sùng bái rất mực, đến độ coi văn hiến & văn học Việt do Nho Giáo mà ra, không còn biết đến văn hóa cội nguồn có từ trước, đã và đang hiện diện ẩn tàng sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc qua cổ tích, ca dao... uyên áo như thế nào?!
Cho đến nay, nhiều vị học thức vẫn còn u mê coi ai sống đạo hạnh là thực hiện nề nếp Nho phong như các ông Mạnh Tử, Tăng Tử, Nhan Hồi, Mẫn Tử Khiên... mà không chịu hiểu rằng đạo hạnh của Tản Viên, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, An Tiêm... cao xa hơn nhiều về chữ 'hiếu', chữ 'trung', mà vẫn có thể duy trì & phát triển được chữ 'Tâm' lớn lao, không hề giả dối như kiểu 'Quân tử hòa nhi bất đồng' của Nho Giáo, bị người Việt chê là 'bằng mặt mà không bằng lòng' của những con tim và đầu óc hẹp hòi trong xử thế?!
Nếu tìm hiểu vấn đề một cách cẩn trọng, chúng ta sẽ thấy mấy đặc điểm của Nho Giáo tại Việt Nam, vào thời kỳ này như sau:
1/ Nho Giáo mới chỉ đào tạo ra giới học thức thư lại, chưa xuất hiện được những nhà trí thức văn hóa nào lỗi lạc đáng kể, chưa có những tác giả và tác phẩm nào có giá trị lớn về văn chương tư tưởng.
2/ Nho giáo chỉ đem lại những bổng lộc, lợi danh cho giới quan lại, được giới này xưng tụng. Trong khi đó người bình dân Việt vẫn tôn qúy cội nguồn văn hóa Việt, được truyền tụng qua tục ngữ, ca dao, cổ tích...
3/ Các tu sĩ Phật Giáo buổi đầu ở miền Bắc đã thông qua chữ Nho để học kinh Phật từ Trung Quốc truyền qua, nên nội dung Nho học chưa được triển khai theo các chiều hướng bản địa hóa như Phật học, để được người bình dân am tường hâm mộ như Phật giáo.
4/ Nhân sinh quan của Nho Giáo có những nguyên tắc ràng buộc chặt chẽ con người vào những qui tắc sống nô lệ giữa con người với nhau, như Tam Cương, Tam Tòng... khác hẳn nếp sống hồn nhiên của người Việt, nên không được người bình dân Việt ưa thích, thỏa hiệp; còn nhận ra nhiều điều sai trái, dùng tục ngữ ca dao bình phẩm một cách xác đáng, sáng suốt không u mê như giới học thức vong bản?!
Giữa giới Nho học còn mang tính thư lại, vọng ngoại tha hóa vì quyền lợi; và người bình dân qúy trọng văn hóa truyền thống, đã có những quan điểm khác biệt đối chọi song song suốt chiều dài lịch sử nhiều ngàn năm, mãi mãi về sau không dứt:
*Cụ thể Nho Giáo đề cao vai trò của Kẻ Sĩ - tức giới học thức - qua sự phân định 4 đẳng cấp trong xã hội, theo thứ tự Sĩ - Nông - Công - Thương, như trong mấy câu thơ của Nguyễn Công Trứ sau này:
'Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt,
'Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên.
'Có giang sơn thời sĩ đã có tên,
'Từ Chu Hán, vốn sĩ này là qúi...
*Trong khi người bình dân Việt luôn đề cao vai trò của nông dân, qua các câu:
-'Nhất sĩ nhì nông,
'Hết gạo chạy rông,
'Nhất nông nhì sĩ.
-'Có thực mới vực được đạo.
miệt thị:
-'Theo đạo kiếm gạo ăn.
5/ Do thiếu các yếu tố thuận lợi buổi đầu với người Việt về Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa rất độc lập trong đời sống dân giả, nên Nho Giáo đã không thể đi sâu vào tâm hồn người Việt, nhanh chóng bị người Việt lập hàng rào ngăn cản vững chắc trong đời thường:
*Các nông dân Việt đã hình thành một chế độ xã thôn tự trị, dùng hương ước, cổng làng và lũy tre làng làm hàng rào phòng thủ kiên cố, ngăn chặn ảnh hưởng Nho Giáo từ triều đình vào thôn xóm:
-'Phép vua thua lệ làng'.
*Các quan lại được tôn là 'phụ mẫu chi dân' theo quan điểm Nho Giáo, nhưng người dân Việt không chấp nhận:
'Quan có cần, nhưng dân chưa vội.
'Quan có vội, quan lội quan đi.
Người bình dân Việt không coi các quan lại là các bậc 'phụ mẫu', mà còn châm biếm rất mực:
'Ban ngày quan lớn như thần,
'Đến đêm quan lớn tần mần như ma!
'Ban ngày quan lớn như cha,
'Đến đêm quan lớn rầy rà như con!
Trước các đối kháng rất mực, giới Nho học đã phải mượn cả hình thức tục ngữ ca dao của người bình dân để mong có thể tuyên truyền phổ biến các tư tưởng Nho Giáo trong giới bình dân, đồng thời tìm cách biến các cổ tích thành các loại truyện truyền kỳ hoang đường, hầu làm lệch lạc các tư tưởng văn hóa truyền thống Rồng Tiên một cách rất tệ hại (như chúng tôi đã trình bày trong phần Lời Tựa của Phần Thứ Nhất sách Khởi thảo Kinh Thư Việt Nam).
Các Nho Gia làm ca dao khuyên con cái theo quan điểm 'nam ngoại - nữ nội', lấy khoa cử theo Nho giáo làm con đường vinh thân phì gia:
'Con ơi muốn nên thân người,
'Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
'Gái thì giữ việc trong nhà,
'Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.
'Trai thì đọc sách ngâm thơ,
'Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
'Mai sau nối được nghiệp nhà,
'Trước là đẹp mặt, sau là hiển thân.
Người nông dân Việt đối lại:
'Văn chương phú lục chẳng hay,
'Trở về làng cũ học cày cho xong.
'Ngày ngày vác cuốc thăm đồng,
'Hết nước thì lấy gầu sòng tát lên.
'Hết mạ thì lại gánh thêm,
'Hết lúa ta lại mang tiền đi đong.
'Một mai lúa chín đầy đồng,
'Gặt về đập sẩy bõ công cấy cày.
Tưởng cũng nên biết là trong khi các nền luân lý đông tây - cổ kim thường khuyên người ta làm điều tốt theo những ý kiến chủ quan cá biệt, thì nền luân lý cổ truyền của người Việt Nam khuyên người ta tránh điều xấu, vì cho rằng không làm điều xấu cũng đã là tốt:
'Chị em ta bánh đa, bánh đúc,
'Chị em người dùi đục, cẳng tay!
'Chị em ta đồng quà, tấm bánh,
'Chị em người đòn gánh, gót chân!
Quan niệm đạo đức cổ truyền Việt là tránh làm điều xấu, dễ thực hiện hơn phải làm điều tốt?
Nhận định
Nho Giáo vào Việt Nam từ trước đến nay hầu như chỉ được giới Nho học đề cao vì những quyền lợi 'vinh thân phì gia' ích kỷ tự tôn riêng tư của cá nhân, giai cấp... hơn là ích quốc & lợi dân.
Điều này đã được chính vị Á Thánh của Nho Giáo là Mạnh Tử khẳng định:
'Dân vi qúy - Xã tắc thứ chi - Quân vi khinh'
(tức là Dân tộc qúi trọng nhất, sau mới đến Quốc gia, ông vua đáng coi nhẹ nhất)
thể hiện sự bất đồng với quan niệm 'tôn quân' qua đạo Tam Cương (Quân Thần - Phụ Tử - Phu Phụ) của Khổng Tử.
Do vậy mà Nho giáo không thể xâm nhập vào đời sống tinh thần, với quan niệm 'bái nhân' có công trong tín ngưỡng thờ Địa linh & Nhân kiệt, 'trọng nhân' rất 'nhân bản' của người bình dân Việt Nam qua việc trọng 'thiên tước' (tuổi tác) hơn 'nhân tước' (chức vị) theo thứ bậc trong làng, nên Nho giáo bị người Việt Nam chê cười nhiều điều.
Cho đến nay, sự chê cười đã trở thành chê trách, khi có những kẻ không am hiểu tinh thần truyền thống Rồng Tiên của giống nòi Lạc Việt, hàm hồ vẫn coi tinh thần Nho giáo là tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, xưng tụng Việt Nho - trong khi luân lý Việt rất khác với Nho giáo?!
Cụ thể các nho sĩ đặt câu ca dao:
'Cá không ăn muối cá uơn,
'Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Là không dúng với truyền thống tinh thần Việt, khi 2 vị thánh của Người Việt là Chử Đồng Tử và Đức Thánh Trần đều không tuân lời cha dặn, mà vẫn không bị coi là ''hư''?
Nói khác đi, 'Việt Nho' chỉ là sự bản địa hóa Nho Giáo khiên cưỡng của giới Nho sĩ, trong ý đồ muốn lấp liếm các sai trái vong bản, vong thân, nô lệ... nhằm thủ lợi thấp hèn?
Phật Giáo
Phật Tổ là Đức Thích Ca Mầu Ni, được các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng ngài sinh vào khoảng từ năm 558 đến 520 trước Tây lịch, tức cùng thời với Khổng Tử.
Đạo Phật phát tích ở Ấn Độ, truyền đến Việt Nam qua hai ngả khác nhau:
**Ngả thứ nhất từ Nam Ấn, Sri Lanka, Nam Dương... vào Việt Nam qua các thương thuyền của các doanh nhân, hình thành Nam Tông áo vàng, tu theo Tiểu thừa.
Gần đây, những tìm hiểu cho biết vào năm 240 trước Tây Lịch, con vua Asoka là Mahoda đã đưa Phật Giáo vào Việt Nam theo ngả này?
**Ngả thứ hai từ Đông Bắc Ấn, tới Trung Quốc qua đường bộ của các thương đoàn do lạc đà vận chuyển, hình thành Bắc Tông áo nâu, tu theo Đại Thừa.
Tuy nhiên, do tinh thần khai phóng của truyền thống Tiên Rồng, Phật Giáo Việt Nam đã được bản địa hóa một cách đặc sắc, bằng việc dung hợp và điều hòa cả Nam Tông và Bắc Tông.
Nếu Phật Giáo chủ trương bất lập văn tự, thì các vị thiền sư Việt Nam xưa nay đã để lại rất nhiều trước tác có giá trị.
Một số vị thiền sư như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không còn kết hợp với cả Lão Giáo, thực hiện các pháp thuật trừ tà, chữa bệnh. Đây là lối chữa bệnh theo khoa Tâm lý học, mà sau này Sigmund Freud (1856 - 1939) mới xiển dương?
Sự bản địa hóa của Phật Giáo tại Việt Nam, được Đại đức Thích Nguyên Tạng ghi nhận qua bài viết 'Ảnh hưởng của Phật Giáo trong tư tưởng người Việt', trong Tủ Sách Nghiên Cứu Việt Học của Tập san Tư Tưởng Sydney - Úc Châu do Luật sư Cung Đình Thanh chủ biên, nguyên văn như sau:
'Điều đặc sắc ở đây là trong khi khai triển Phật Giáo ở Việt Nam, các thiền sư Việt Nam đã không theo thiền kiểu mẫu của các thiền sư Ấn Độ và Trung Hoa mà mở lấy một con đường riêng, phù hợp với dân tộc.
'Và trong khi tiếp nhận với hai luồng ảnh hưởng ấy, các thiền sư Việt Nam đã khéo léo điều chỉnh tính hai cực, Ấn Độ - Trung Hoa: một bên thì quá ham chuộng sự bay bổng, thần bí; một bên quá thực tiễn duy lý.
'Khi Phật Giáo vào Trung Hoa đã gây cho các nhà Phật học những cuộc tranh luận sôi nổi về giáo pháp. Rồi suốt cả quá trình lịch sử của nó là sự phát sinh ra những tôn giáo, là những cuộc đấu tranh tư tưởng dữ dội, điển hình là cuộc đấu tranh giữa phái Thiền Nam Phương của Huệ Năng với Thiền Phái Miền Bắc của Thần Tú vào thời kỳ Sơ Đường.
'Còn ở Việt Nam thì khác, trên pháp đàn tư tưởng thời Lý cũng như thời Trần, thời kỳ vàng son của Phật Giáo Việt Nam và các thời kỳ sau này không có những mâu thuẫn đối lập, mà tất cả đều quy về một mục đích chính là tu hành giải thoát.
Nội dung nhận xét trên cho thấy quan niệm qua lối đặt tựa đề 'Ảnh hưởng của Phật Giáo trong tư tưởng Việt Nam' của các học giả Việt bấy nay là không chính xác, mà nên đặt là 'Ảnh hưởng của tư tưởng Việt Nam trong Phật Giáo' hoặc 'Sự bản địa hóa tư tưởng Phật Giáo tại Việt Nam' mới thể hiện được thực trạng của vấn đề?
Vì những vị thiền sư Việt Nam không chỉ tìm sự giải thoát cho bản thân, cho chúng sinh như chủ trương của Phật Tổ, mà còn tìm sự thăng hoa cho tinh thần Quốc Gia & Dân Tộc - thể hiện sự không bao giờ quên cội nguồn - qua một tín ngưỡng có chủ trương siêu thoát dễ thu phục lòng người.
Điều này được thể hiện qua việc tích cực tham chính của các vị thiền sư danh tiếng của các triều đại từ Đinh, Lê, Lý, Trần, cho đến nay... nổi bật nhất là hai Thiền Phái 'Trúc Lâm Yên Tử' đời Trần ở Bắc Việt, và 'Phật Giáo Hòa Hảo' thời Pháp thuộc ở Nam Việt:
Phật Giáo Trúc Lâm Yên Tử
Vua Trần Nhân Tôn (1279 - 1293) là vị Tổ Thứ Nhất của phái Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời của ngài đã thể hiện sự hoàn hảo của cả Nho tính lẫn Phật tính - được bản địa Việt hóa một cách cao siêu:
**Ngài đã đạt cả 3 đức tính Nhân - Trí - Hùng được đề cao trong sách Trung Dung của Nho Giáo lẫn nhân sinh quan Việt Nam:
-Hùng tâm & Dũng khí lãnh đạo dân tộc 3 phen đánh bại quân Mông Cổ mạnh nhất thế giới đương thời.
-Lòng Nhân đức đối với binh sĩ và dân chúng. Hơn nữa còn độ lượng với cả kẻ thù bại trận.
-Trí sáng suốt lãnh đạo cuộc chiến chống ngoại xâm, tiên liệu mọi trường hợp trước và sau cuộc chiến. Công thành thân thoái, truyền ngôi cho con để xuất thế tìm sự thanh thản cho tâm hồn, không tham quyền cố vị.
**Ngài đã sáng tạo lối tu của Phật Giáo Trúc Lâm, được Giáo sư Nguyễn Đăng Thục diễn giải trong tác phẩm 'Lịch sử Tư Tưởng Việt Nam' quyển 4, nguyên văn như sau:
'Nhưng Nhân Tông không chủ trương phải xuất thế ngay để cầu giác ngộ. Trái lại muốn giác ngộ ngài đòi phải lấy cuộc đời nhân quần xã hội làm kinh nghiệm thử thách, từng trải mà giải thoát, chứ không trầm tư mặc tưởng.
'Cho nên, mở đầu ''Cư trần lạc đạo'' ngài viết:
'Minh ngoài thành thị
'Nết dụng sơn lâm
'Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính
'Nửa ngày rồi, tự tại thân tâm
'Bởi thế đối với Nhân Tôn, cảnh sống Đời và cảnh sống Đạo, Nhân sinh với Thiên nhiên là một quá trình liên tục không từng gián đoạn.
'Đấy là biện chứng giải thoát của Nhân Tông, như hoa sen trong bùn, luôn vượt lên tất cả các mâu thuẫn để đến Phật Quốc.
(sđd các trang 233, 234)
Và Giáo sư Nguyễn Đăng Thục nhận định về nhân vật Cư sĩ Thượng Sĩ, người điểm hóa cho vua Trần Nhân Tông như sau:
'Xem qua hành trang trên đây, chúng ta đã nhận thấy cái điểm đặc biệt của một Cư sĩ Thiền sư Việt Nam thời Trần, không ăn chay giữ giới mà đạo cao đến làm bậc thầy, sư phụ cho vị Thánh tổ vương của phái Thiền học Trúc Lâm. Và cũng được nhà vua ''thuần túy tôn giáo'' như Trần Thánh Tông tự hiệu là 'Vô nhị thượng nhân'' tôn làm sư huynh.
(sđd trang 153)
Người bình dân Việt Nam cũng quan niệm vấn đề tu hành theo Phật Giáo rất khác với các lối tu của Trung Hoa và Ấn Độ... khi đánh giá:
'Thứ nhất là tu tại gia,
'Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
'Tu đâu cho bằng tại nhà
'Thờ Cha, kính Mẹ, chính là chân tu.
Phật Giáo Hòa Hảo
Sách 'Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ' của Phật Giáo Hòa Hảo, viết:
'Người sáng lập Đạo Phật Giáo Hòa Hảo là Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Ngài sanh năm 1920 tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Đốc.
'Ngài là trưởng nam của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm; một gia đình trung lưu nhiều phúc hậu và nhiều uy tín với địa phương.
'Thuở nhỏ, vừa học đến hết bậc tiểu học thì đau ốm liên miên, nên Ngài phải rời nhà trường về dưỡng bịnh. Từ 15 đến 21 tuổi, Ngài không lúc nào dứt được cơn đau và không một lương y nào trị được.
'Năm 1939, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất Sơn và Tà Lơn - những núi non được nổi tiếng linh thiêng hùng vĩ - Ngài tỏ ra đại ngộ.
'Ngày 18-5 Kỷ Mão (1939) Ngài chính thức mở Đạo. Bắt đầu công việc chữa bệnh, Ngài chữa lành được các chứng hiểm nghèo với phương pháp thật giản đơn là chỉ dùng lá cây, nước lã, giấy vàng, khiến các bác sĩ Tây y, các dược sư Đông y lẫn các danh gia phù thủy đều phải kinh dị.
'Song song với việc chữa bịnh, Ngài thuyết pháp thao thao bất tuyệt. Nhiều thi sĩ văn gia hoặc luật gia nghe tiếng, đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu phàm.
'Cũng từ năm 1939, Ngài sáng tác thật nhiều kệ giảng nội dung tiên tri chiến cuộc sẽ tràn lan, nhân loại sẽ điêu linh và kêu gọi mọi người nên bỏ dữ về lành, thực hành Tứ Ân, trau dồi Thiền Tịnh để trở thành thiện nhân trong xã hội và tiến đến sự nhập diệu cõi đạo...
'Giáo pháp của Đức Giáo Chủ tuy cao siêu nhưng không kém phần thực tế, có thể áp dụng cho bất cứ một nơi nào trên thế gian.
'Ngài là một nhà đại cách mạng tôn giáo. Vì trước khi Ngài ra đời, Đạo Phật Việt Nam bị đình đốn sai lạc, và Đạo Phật Thế Giới chưa nói tới việc canh tân.
'Ngài đã cắt bỏ tất cả những nghi lễ phiền toái mà nguyên căn không phải của Đức Thích Ca chủ trương, đồng thời còn canh tân nhiều điểm trong phương pháp thực hành đạo Phật mà trước kia không hề có.
'Nhờ Giáo pháp thức thời đó nên chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được hai triệu tín đồ tại miền Nam Việt Nam và ảnh hưởng mỗi lúc càng lan rộng thêm.
(trích sđd các trang 5 và 6)
Năm 1945, trước tình hình chính trị đổi thay do ảnh hưởng cuộc Thế Chiến II vừa chấm dứt, Đức Huỳnh Giáo Chủ dấn thân hành động cứu quốc, thể hiện tinh thần yêu nước thương nòi, đặt quốc gia & dân tộc lên trên hết.
Ngài thành lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội để đoàn kết các tín đồ Phật Giáo, lập Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội để hình thành mặt trận cứu quốc.
Sau khi Nhật đầu hàng, sợ đất nước trở lại tình trạng đô hộ của Pháp, Ngài liên hiệp với các đảng phái và tôn giáo, thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất để tạo thế lực đấu tranh chung. Do tinh thần đoàn kết quốc gia, Mặt Trận này đồng ý kết hợp với Mặt Trận Việt Minh, và Ngài là vị đại diện đầu tiên của Miền Nam Việt Nam.
Nhưng khi thấy Hồ Chí Minh ký Hiệp ước 6-3-1946 với Pháp, chấp nhận sự hiện diện của Pháp, Đức Huỳnh Giáo Chủ liền liên kết với các lãnh tụ ái quốc, thành lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp, được ủng hộ sâu rộng, nhưng bị Việt Minh tìm cớ giải tán, lập ra Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam Hội âm mưu thống trị. Vì tinh thần đoàn kết, Ngài ưng thuận tham gia với trách vụ Ủy viên Đặc Biệt.
Ngày 21-9-1945 khi nhận ra dã tâm của Việt Minh, Ngài thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, với chủ trương thực hiện một chế độ dân chủ đích thực tại Việt Nam. Đồng thời Ngài liên lạc với các nhà ái quốc đang lưu vong ở hải ngoại, để thành lập Mặt Trận Thống Nhất Toàn Quốc.
Đầu năm 1947, các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây Nam Việt chống tại những hành vi độc tài của Việt Minh. Đức Huỳnh Giáo Chủ đứng ra hóa giải.
Ngày 16-4-1947, Ngài đến họp với Ủy ban Hành Chánh Việt Minh, Ngài bị họ bắt tại Đốc Vàng Hạ, Đồng Tháp Mười, rồi mất tích từ đó.
***
Vào tháng 5-1945, Huỳnh Giáo Chủ đã viết quyển sách thứ 6 về đạo lý của Phật Giáo Hòa Hảo, có những nội dung rất quan trọng.
Đầu tiên ngài phân biệt hai thành phần tu hành khác nhau:
*Hạng Xuất Gia: là những người dốc lòng tu, mong mau thành Phật Quả, thoát kiếp luân hồi.
*Hạng Tại Gia: là hạng người học Phật tu Nhân.
Đức Huỳnh Giáo Chủ xác định:
'Toàn thể trong Đạo chúng ta thuộc hạng Tại Gia Cư Sĩ, học Phật tu Nhân vậy'.
Và Ngài chủ trương:
'Thiên kinh vạn điển hiếu nghiã vi tiên (Muôn vạn quyền kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghiã làm đầu). Hôm nay đã quy y đầu Phật tu niệm tại gia, ta hãy cố gắng vâng lời Thầy, Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu nghiã.
'Đức Thầy Tây An thuở xưa thường khuyến khích các môn nhơn đệ tử rằng: muốn làm xong hiếu nghiã có bốn điều ân ta phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn:
'1/ Ân Tổ Tiên, cha mẹ
'2/ Ân Đất Nước
'3/ Ân Tam Bảo
'4/ Ân Đồng Bào và Nhơn Loại (với kẻ xuất gia thì ân đàn na thí chủ).
(trích các trang 151, 152 sách Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Phật Giáo Hòa Hảo)
Đọc các lời dạy trên, chúng ta thấy Đức Huỳnh Giáo Chủ đã coi ân cao nhất là ơn sinh thành, giống với đạo 'Thờ Ông Bà' của người Việt từ xưa đến nay.
Tiếp đến là Ân Đất Nước, thể hiện tình cảm ái quốc được đề cao rất mực qua tín ngưỡng thờ Địa linh & Nhân kiệt của truyền thống Việt Nam.
Sau đó mới đến Ân Tam Bảo tức 'Phật - Pháp - Tăng' giúp 'khai mở trí óc cho sáng suốt', an bình...
Như vậy Phật Giáo Hòa Hảo qua quan niệm của Huỳnh Giáo Chủ, đã bản địa hóa Phật Giáo rất mực, phù hợp với tư tưởng và tình cảm thờ phượng Ông Bà trong gia đình, và tôn thờ Địa Linh & Nhân Kiệt ngooài xã hội của người Việt, nên phát triển rất nhanh chóng, có hàng triệu tín đồ chỉ trong ít năm, là điều thành công hiếm có đối với các tôn giáo trên thế giới.
Tại Việt Nam hiện nay, Phật Giáo Hòa Hảo bị Cộng sản Việt Nam lo sợ nhất, tìm cách diệt trừ nhiều năm không được, mới phải chấp nhận dùng hình thức tôn giáo quốc doanh để mong hóa giải phần nào.
Nhưng kết quả cho thấy các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã nặng lòng với Đệ Nhị Ân là Ân Đất Nước hơn ai, kiên quyết đấu tranh cho sự tự do dân chủ của quốc gia dân tộc.
Đây là điều rất đáng ngưỡng mộ vậy.
Nhận Định
Từ Phật Giáo Trúc Lâm đến Phật Giáo Hòa Hảo, chúng ta thấy một số các nhà ái quốc Việt Nam chân chính đã mượn màu Thiền để tô thắm tấm lòng son sắt với Gia đình và Quốc gia & Dân tộc, kích thích được lòng yêu nước thương nòi, khi tin Đạo mà không hề xa rời Đời.
Sự hài hòa giữa Đời và Đạo trong Phật Giáo từ vua Trần Nhân Tôn đến Huỳnh Giáo Chủ, cho thấy tâm hồn người Việt bao đời đã biết kính đạo mà không quên lo đời, nên mới có thể giúp dân tộc trải qua bao thăng trầm mà vẫn duy trì được tinh thần truyền thống, không tha hóa mất gốc như một số học thức vọng ngoại, coi đạo hơn đời, quên cả cội nguồn.
Một đặc điểm khác, là người Việt thường mượn cảnh chùa Phật Giáo, để tôn vinh các Phụ nữ tài đức, có công với dân tộc, quê hương... từ bắc chí nam, như các chùa Bà Đá, Bà Đanh, Bà Đen...
Lão Giáo
Lão Giáo do Lý Đam người nước Sở khởi thủy, ông sinh vào năm 604 trước Tây lịch, đời vua Định Vương nhà Chu, mất năm 81 tuổi.
Lão Tử soạn ra Đạo Đức Kinh, được các đệ tử là Văn Tử, Thi Tử, Trang Tử, Liệt Tử khai triển truyền bá.
Buổi đầu, Đạo Đức Kinh là một triết học rất cao siêu. Sau biến đổi dần thành hai nẻo khác nhau:
1/ Đạo Học: Lão Tử, Liệt Tử, Trang Tử... chủ trương Thanh Tĩnh & Vô Vi.
2/ Tiên Học: Ngụy Bá Dương (Thế kỷ 2), Lữ Đồng Tân (798 - ), Trương Bá Đan (984 - 1082)... chủ trương tu tiên để trường sinh bất lão, biến thái thành nhiều hệ phái khác nhau:
*Hình thành một tôn giáo thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, suy tôn Lão Tử là Thái Thượng Lão Quân và tôn sùng như hiện thân của Thượng Đế từ đời nhà Hán, như Hán Văn Đế (179 - 156), Hán Vũ Đế (140 - 86) rồi tới các vua nhà Đường, nhà Tống... có các đạo sĩ như Trương Đạo Lăng, Trương Giác... đặt nặng vấn đề giao tiếp với thần tiên, cầu trường sinh bất tử.
*Hình thành một môn phái bùa chú, phù thủy, trừ ma qủy...
*Hình thành các phép Khí Công, Tĩnh Công, Võ Công (như Thái Cực quyền)...
*Hình thành khoa y học bổ dưỡng tâm & thân, luyện thuốc trường sinh bất lão.
*Hình thành nhân sinh quan thoát tục như Trúc Lâm Thất Hiền đời Tam Quốc.
Lão Giáo du nhập và bản địa hóa tại Việt Nam
Có thể Lão Giáo du nhập Việt Nam khoảng Thế kỷ 2, sau khi Hán Linh Đế mất năm 189, xã hội Trung Quốc đại loạn, người Hán chạy sang Giao Châu lánh nạn rất đông. Lúc này Lão Giáo đã mang màu sắc của Tiên Học.
Nhìn chung thì thấy Lão Giáo đến Việt Nam được 2 giới học thức và bình dân tiếp nhận khác hẳn nhau:
A/ Giới học thức và Lão Giáo:
Đạo Học với các Vũ trụ quan và Nhân sinh quan của Lão Tử, Liệt Tử, Trang Tử được giới học thức Nho học Việt Nam chịu ảnh hưởng, nhưng bản địa hóa rất nhiều trong cuộc sống.
Nếu ở Trung Quốc, giới học thức một khi đã theo một học phái nào sẽ tôn thờ đến trọn đời; thì ở Việt Nam các người học thức thường chỉ sau khi theo Nho học thành công hoặc thất bại, rồi mới có nhân sinh quan và vũ trụ quan theo Lão Giáo.
Đó là quan niệm xuất xử: Gặp thời vận tốt, có thể thi thố tài năng thì xuất, ra giúp đời. Thời vận chưa đến, hoặc thất cơ mạt vận, hoặc vận hết về già... thì xử, tìm sự nhàn lạc trong cuộc sống xa lánh đời:
-Nguyễn Bỉnh Khiêm (1492 - 1587)
Ông hiệu là Bạch Vân cư sĩ, tục gọi là Trạng Trình, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương.
Thời trẻ, ông học giỏi nổi tiếng, nhưng là người giỏi về cả về Nho học, Đạo học lẫn Tiên học, biết rõ thời cơ tao loạn, nên ông không đi thi ra làm quan.
Mãi tới năm 1536, khi ông 44 tuổi mới theo lời khuyên của anh em, đi thi đỗ Trạng Nguyên, làm quan đời nhà Mạc đến chức Đông Các Đại Học Sĩ. Làm quan được 8 năm, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần, khi không được như ý ông về trí sĩ, lập am Bạch Vân để an hưởng cảnh nhàn theo Lão Giáo.
Tương truyền ông có để lại tập Sấm Ký và những lời khuyên giúp các vua chúa đương thời biết thời cơ tiến thoái hầu không bị hại, đóng góp không nhỏ vào việc giảm nội chiến tương tranh - ổn định phần nào tình hình đương thời.
Tuy ông đã từ quan ẩn dật, vua nhà Mạc vẫn kính trọng, phong ông làm Trình Quốc Công, thường đến hỏi han chính sự, cũng như các chúa Trịnh và chúa Nguyễn cùng thời.
Ông để lại Bạch Vân thi tập và một tập Sấm Ký có nhiều linh ứng về các việc cho đến tận nay.
Hồi năm Quang Thiệu đời vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) có việc biến loạn, khi Trịnh Tuy và Mạc Đăng Dung tranh quyền, đánh nhau mấy năm. Ông tính số Thái Ất đoán biết nhà Lê lại khôi phục, làm một bài thơ để cảnh tỉnh hai họ Mạc và Trịnh:
'Non sông nào phải buổi bình thời,
'Thù đánh nhau chi khéo nực cười!
'Cá vực chim rừng ai khiến đuổi?
'Núi xương sông huyết thảm đầy nơi!
'Ngựa phi ắt có hồi quay cổ,
'Thú dữ nên phòng lúc cắn người.
'Ngán ngẩm việc đời chi nói nữa,
'Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi!
Ngoài ra, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn làm nhiều bài thơ theo quan niệm Thanh Tĩnh & Vô Vi của Lão Giáo, nhưng có phong thái Việt Nam:
'Một mai, một cuốc, một cần câu,
'Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
'Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
'Người khôn, người đến chốn lao xao.
'Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
'Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
'Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
'Nhìn xem phú qúi tựa chiêm bao.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà lý số đáng để chúng ta noi theo, khi biết dùng môn học này để giúp các bậc vua chúa bớt tham vọng, giảm chuyện binh đao, khiến dân chúng đỡ phần nào phần thống khổ.
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858)
Ông tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu là Hi Văn; người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông tuy học giỏi, nhưng đến năm 1819 mới đỗ Giải Nguyên, ra làm quan năm 1820 lúc đã 42 tuổi. Cuộc đời làm quan của ông nhiều thăng trầm, cũng như thuở hàn vi nhiều khổ cực, nên ông thường mượn quan niệm của Lão Trang để tự an ủi những khi bất như ý.
Năm 71 tuổi Nguyễn Công Trứ mới hưu trí, sống an vui làm thơ ca tụng nhàn tản trong 10 năm cuối của cuộc đời.
Nguyễn Công Trứ tiêu biểu cho quan niệm sống tùy thời mà tuân thủ theo Nho Giáo hay Lão Giáo, không cố chấp:
'Thị tại môn tiền náo
'Nguyệt lai môn hạ nhàn
Nghiã là cùng một không gian như nhau, nhưng tùy thời gian mà sống khác nhau, không câu nệ - khác hẳn quan niệm sống của giới học thức Trung Quốc, khi theo Nho thì không theo Lão, hoặc khi theo Lão thì không theo Nho.
Chính quan niệm sống rất phóng khoáng đã giúp Nguyễn Công Trứ không bất mãn chán nản, duy trì sự lạc quan trong mọi hoàn cảnh sống lúc vinh, cũng như khi nhục.
Khi chưa gặp thời, Nguyễn Công Trứ an ủi bằng tư tưởng của Lão Trang:
'Bần tiện song le tính vốn lành,
'Gặp sao hay vậy, dám đành hanh.
'Phím đàn, níp sách là nghề cũ,
'Quạt gió, đèn trăng ấy của riêng.
'Nhân nghiã tước trời thì phải giữ,
'Lợi danh đường nhục cũng nên khinh.
'Tin xuân đã có cành mai đó,
'Chẳng lịch song mà cũng biết giêng.
Khi hưu trí, Nguyễn Công Trứ mới chịu từ bỏ quan niệm nhập thế dấn thân của Nho Giáo, để đắm mình vào quan niệm xuất thế hưởng nhàn của Lão Giáo:
'Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
'Cúc, tùng, phong, nguyệt, mới vui sao!
'Đám phồn hoa trót bước chân vào,
'Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết!
'Quá giả vãng nhi bất thuyết,
'Cái hình hài làm thiệt cái thân chi?
'Cuộc đời thử ngẫm mà suy,
'Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu.
'Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
'Vui cùng phong nguyệt một câu thơ.
'Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ,
'Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt.
'Mặc xa mã thị thành không dám biết,
'Thú yên hà trời đất để riêng ta,
'Nào ai ai biết chăng là!
Như vậy, mộng tưởng của Nguyễn Công Trứ theo Nho Giáo là mong chuyện 'công danh' giúp đời, nhưng Nho Giáo thực sự chỉ đem lại miếng mồi 'lợi danh', khiến ai nấy tranh giành rất bỉ ổi, làm cho Nho gia Nguyễn Công Trứ thất vọng chán chường?!
Thực sự Nguyễn Công Trứ là một người có tư tưởng 'anh hùng' theo truyền thống Nhân - Trí - Hùng từ thời các vua Hùng. Cung cách hưởng nhàn của Uy Viễn Tướng Công vì vậy cũng mang những nét khoáng đạt của người Việt biết an nhiên tiêu dao tự tại, sau khi đã một đời tận tụy vì dân.
B/ Giới bình dân và Lão Giáo
Từ trước, người bình dân Việt Nam đã có tín ngưỡng 'Bái Địa' và 'Bái Nhân' thờ Địa Linh & Nhân Kiệt ở khắp nơi, qua Đền Thờ Quốc Tổ Hùng Vương, bốn vị nhân thần được coi là Tứ Bất Tử, các vị anh hùng liệt nữ, các thần thành hoàng ngoài xã hội, thờ tổ tiên ông bà trong gia đình...
Tinh thần Bái Nhân của người Việt hình thành thế Tam Tài 'Thiên - Địa - Nhân' bình hòa theo 3 đỉnh của một tam giác đều đặt nằm ngang; trong khi các tôn giáo Đông Tây hình thành thế Thiên - Địa - Nhân độc tôn theo một tam giác cân dựng đứng:
*Nếu Bái Thiên rất mực thì sẽ là tam giác cân có 1 đỉnh ở trên, 2 đỉnh còn lại nằm phiá dưới như hình kim tự tháp.
*Nếu Bái Thiên hay Bái Vật (Bái Địa) rất mực, thì sẽ là tam giác cân chổng ngược.
Tam Giáo vào Việt Nam được người bình dân thỏa hiệp với quan niệm Thiên - Địa
- Nhân theo tam giác đều nằm ngang rất bình đẳng, nên trong tục ngữ và ca dao có nhiều câu thể hiện sự ca ngợi cũng như châm biếm Tam Giáo, khách quan trong khen chê như đối với Trời ('Trời có mắt' khi đúng - 'Trời không có mắt' khi sai).
Lão Giáo qua khuynh hướng Tiên Học, biết lợi dụng y học và tâm lý học điều trị bệnh, tạo được sự mến mộ của người Việt Nam, nên đã phát triển mạnh theo khuynh hướng này qua:
1/ Các Đạo Quán của giới học thức:
Một số vua quan Việt tin tưởng Lão Giáo, đã lập những đạo quán để thờ theo kiểu Tiên Học:
-Ở vùng Bạch Hạc (Việt Trì) có dựng Thông Thánh Quán quán khoảng thế kỷ 7, đến thế kỷ 14 không còn nữa.
-Ở kinh thành Thăng Long, vua Lý Thái Tổ khi mới về đóng đô năm 1010 có cho dựng Thái Thanh Cung cùng với chùa Vạn Tuế gần bên nhau.
Cùng thời còn xây Trấn Vũ Quán thờ đức Huyền Thiên Trấn Vũ để hộ trì phiá Bắc thành Thăng Long. Đến đời vua Lê Hy Tông (1676 - 1704) mới đúc tượng đức Trấn Vũ bằng đồng đen cao 3.96m, nặng 4 tấn. Đó là đền Quan Thánh bên Hồ Tây hiện vẫn còn đến nay.
-Ở trên núi Đại Lai, Thanh Hóa, có Ngọc Thanh Quán là nơi Hồ Qúy Ly ép vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398) thoái vị, đến đây tu tiên.
-Ở cửa Đại Hưng, nay là cửa Nam - phố Hàng Bông Hà Nội, vua Lê Thánh Tông dựng Vọng Tiên Quán để kỷ niệm việc nhà vua đi chơi Hồ Tây gặp một thiếu nữ xinh đẹp, xướng họa thơ rất ưng ý. Nhà vua rước lên xe mời về cung, nhưng đến đây thì biến mất.
-Ở hồ Kim Âu, nay gần ga Hàng Cỏ Hà Nội, có Tiên Tích tự, do vua Lê Hiển Tông đi chơi hồ Kim Âu gặp hai cô tiên, dựng lên kỷ niệm.
-Ở hồ Hoàn Kiếm có đền Ngọc Sơn dựng trên khu đất nổi trên hồ. Lúc đầu thờ đức Quan Thánh Đế Quân, sau trùng tu thờ Phật gọi là chùa Ngọc Sơn. Năm 1841 biến thành đền thờ đức Văn Xương Đế Quân. Về sau thờ thêm đức Lữ Tổ và đức Trần Hưng Đạo.
-Ở Thăng Long năm 1796 Phan Huy Ích dựng Bảo Chân Quán.
Nổi bật nhất tại Việt Nam là môn phái Thượng Sư Nội Đạo - một môn phái lớn của
Lão Giáo tại Việt Nam, do Trần Toàn đời Hậu Lê thành lập.
Đạo sư Trần Toàn người làng Yên Đông, huyện Quảng Xương, phủ Gia Tĩnh, tỉnh Thanh Hóa. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê (1527 - 1529) ông từ quan về quê tu hành, đắc đạo, tự cho là mình được Thiên Đình phong chức Thượng Sư, chuyên trừ tà khử quái ở hai vùng châu Hoan (Thanh Hóa) và châu Ái (Nghệ An), mở đạo trường ở làng Từ Minh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, được vua Lê Thần Tông (1619 - 1662) ban cho mỹ danh Nội Đạo Trường. Lúc mất Thượng sư Trần Toàn được vua truy phong là Phục Ma Thượng Đẳng Phúc Thần, cho lập đền thờ.
Thượng sư Trần Toàn có 3 con trai là Nhật Quang, Nguyệt Quang và Ngọc Quang đều tinh thông đạo pháp chân truyền của cha, hành đạo nổi danh được xưng tụng là Tam Thánh Nội Đạo.
Do được triều đình đương thời công nhận phong tước vị, nên Nội Đạo Trường phát triển mạnh, lập nhiều đạo quán các nơi, như ở làng Yên Đông huyện Quảng Xương, Thanh Hóa - ở hạt Huệ Lai tỉnh Hưng Yên - ở làng Nhật Tảo tỉnh Hải Dương - ở làng Giảng Võ thành phố Hà Nội...
Triều vua Lý Cao Tông (1195) và triều vua Trần Thái Tông (1247) mở khoa thi Tam Giáo, bài thi về Lão Giáo nội dung có những câu hỏi và đáp án như sau:
-Pháp môn là gì?
Mọi pháp quy tôn, muôn đời chẳng đổi, muôn thánh ngàn thần, một môn đồng hội, ấy gọi là pháp môn vậy.
-Phù thủy là gì?
Khí âm khí dương hỗn hợp mà thành ra thiêng, dùng nước đại bi phun cho ma sợ, ấy gọi là phù thủy vậy.
-Pháp môn lấy ai làm Thánh?
Pháp môn do Thái Thượng Lão Quân lập ra, nên tôn ngài làm Thánh.
-Phù thủy lấy ai làm Thầy?
Phù thủy do Chân Vũ Tiên Sinh lập ra, nên tôn ngài làm Thầy.
-Tứ Thánh, Tứ Giác, Tứ Tung, Tứ Duy là ý thế nào?
Thiên bồng, Thiên du, Bảo đức, Hắc sát gọi là Tứ Thánh. Càn, Khôn, Tốn, Cấn gọi là Tứ Giác. Thiên hoa, Địa hoa, Lão hạc, Đồng trụ gọi là Tứ Tung. Tí, Ngọ, Mão, Dậu gọi là Tứ Duy.
-Tam Giới, Tam Thanh, Tam Động, Tam Ty là thế nào?
Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới ấy là Tam Giới - Ngọc thanh, Thượng thanh, Thái thanh ấy là Tam Thanh - Động chân, Động huyền, Động vi ấy là Tam Động - Lôi đình, Linh bảo, Thái huyền ấy là Tam Ty.
-Ôn, Hoàng, Dịch, Lệ sinh vào buổi nào?
Vua Hoàng Đế có 4 người con bất tài tên là Ôn, Hoàng, Dịch, Lệ, sinh vào đời Chuyên Húc.
-Tốn, Ly, Khôn, Đoài sinh được mấy con?
Tốn sinh được 4 con là Đông Tây Nam Bắc - Ly sinh được 9 con từ Nhất Bạch, nhị Hắc đến Bát Bạch, Cửu Tử - Khôn sinh ra 6 con tức là Thái âm, Lục khí - Đoài sinh ra 7 con tức là Bắc Đẩu thất tinh. Vậy Tốn Ly Khôn Đoài có 26 con.
-Hành mãn Tam Thiên Số, thời Đương Tứ Vạn Niên là gì?
Số trời thành 1.000, số đất thành 1.000, số người thành 1.000, ấy là Mãn hành Tam thiên số - Từ Thái dịch đến Thái sơ là 10.000 năm, từ Thái sơ đến Thái thủy 10.000 năm, từ Thái thủy đến Thái tố 10.000 năm, từ Thái tố đến Thái cực 10.000 năm. Ấy là thời Đương Tứ Vạn Niên.
-Đạo cao Long Hổ phục, đức trọng Qủy Thần kinh, chỉ về Thầy nào?
Đạo chí cao không thể vượt qua được, mà rồng là dương tính cọp là âm tính, đều phục đạo cao. Đức chí hậu không thể vượt qua được, mà qủy là khí tán, thần là khí tinh, đều sợ đức trọng. Ấy là đạo cao Long Hổ phục, đức trọng Qủy Thần kinh, chính là sư Phổ Am vậy.
-Phép bắt tà trói qủy dùng linh phù nào? Đọc thần chú nào?
Nếu được đàn tràng cho chỉnh túc, pháp tịch cho hẳn hoi, niệm thấy tam giới mà muôn thánh đều tới, trống đánh ba hồi mà muôn thần đều đến họp, trước phải gọi tướng, thứ phải sai đi. Tướng đến thiên võng mà kín đáo ra bùa, bắt tay ấn mà thiêng liêng chú bút, 4 chữ Thánh đè 5 chữ Qủy, hợp với vạn linh. Dùng bùa thiêng Bạch Xà, Độc Cước, đọc các thần chú Thái Thượng, Tề Thiên.
-Muốn cho đời này, dân này đều vào trong Đài Xuân, cùng bước lên Cõi Thọ, thì phải dùng thuật gì?
Nếu trước hết chính tâm thì bọn tà mị không thể rục rịch. Trước hết chính thân thì khí tà không thể xâm phạm. Tâm chính rồi thì lấy đó ra ơn cho dân. Thân chính rồi thì lấy đó giúp chúng.
Nội dung trên cho thấy Lão Giáo gia nhập vào Việt Nam nặng về Đạo Giáo (Taoist religion) hơn là Đạo Học (Taoist philosophy).
2/ Các Đạo Đàn và Đền Miếu của người bình dân:
Người bình dân Việt Nam tin Lão Giáo ở mặt Đạo Giáo, không cần biết đến Đạo học ra sao.
Một số nơi lập các đạo đàn, đền miếu để cầu tiên ban phúc, trừ tà ma cầu khỏi bệnh; đồng thời cũng lấy đó làm nơi thờ Điạ Linh & Nhân Kiệt Việt Nam, để không bị người Tàu đô hộ tìm cách cấm đoán.
Hầu như giới học thức các thời đại đã không hiểu được điều này, coi các nơi thờ tự của các đàn và đền là mê tín dị đoan, buông ý chê bai, mà không hiểu công đức của người bình dân Việt đã mượn Phật Giáo và Lão Giáo làm chốn nương nhờ thờ phượng cho các vị anh hùng liệt nữ và Đạo Nội Việt Nam.
Cụ thể nơi Chùa Bộc cạnh Gò Đống Đa, người bình dân đã tạc tượng vua Quang Trung để thờ ngay dưới triều đại nhà Nguyễn, khi vua Gia Long hận thù vua Quang Trung đến độ đào mộ lên để hành hạ cả hài cốt.
Vào đầu thập niên 1980, bản thân chúng tôi có đến Chùa Bộc thấy tượng vua Quang Trung một chân đi hia, một chân trần trên một ban thờ riêng biệt. Lật tượng lên coi mới thấy hai chữ Quang Trung khắc bên dưới tượng.
Ngay như một số bài hát chầu văn dùng trong nghi thức lên đồng, có nội dung ca ngợi các thắng cảnh và các vị anh hùng & liệt nữ Việt Nam rất cao đạo, phù hợp với tinh thần của việc tôn thờ Địa Linh & Nhân Kiệt từ xa xưa của người Việt, qua việc bái nhân thờ Quốc Tổ Hùng Vương và bốn vị Thánh Tứ Bất Tử...
3/ Cao Đài Giáo:
Đạo Cao Đài có tên đầy đủ là "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ'.
Ý nghiã của hai chữ 'Cao Đài' được giải thích như sau:
*Cao Đài nghiã đen là cái đài, cái tháp cao, ám chỉ đỉnh cao nhứt của vũ trụ, là đích tiến hóa sau cùng của chúng sanh.
*Cao Đài là tá danh của Đức Thượng Đế khi mở Đạo kỳ thứ 3 này, nhằm nêu lên thiên lý là Đấng Tối Cao đang đến dìu dắt nhân loại quay trở về nguồn cội cao nhất của mình chính là Thượng Đế.
*Cao Đài cũng chính là chỗ cao nhứt trong tâm linh con người, đạo pháp gọi là Nê Hườn Cung trong não bộ. Đạt đến nơi đó con người có thể thông công, hiệp nhứt được với Thượng Đế là Cao Đài của vũ trụ.
Đạo Cao Đài có thánh tượng là Thiên Nhãn.
Thánh tượng Thiên Nhãn của đạo Cao Đài hiện ra lần đầu cho người đệ tử đầu tiên thấy được là ông Ngô Minh Chiếu tại Dương Đông, Phú Quốc vào năm 1921.
Ông Ngô Minh Chiếu trực nhận đây là mặc khải của Đức Thượng Đế để chọn làm tượng thờ cho Đạo, và đã họa lại Thiên Nhãn là hình con mắt trái rất uy nghiêm, làm tượng thờ tối cao trong toàn đạo Cao Đài, tại các thánh thất cũng như tại tư gia các tín đồ.
Đức Cao Đài dạy rằng Thiên Nhãn là 'lý màu nhiệm' của Đạo, có thể suy nghiệm các nghiã lý căn bản, phổ quát của Thiên Nhãn như sau:
*Ý nghiã tôn giáo:
Thờ một con mắt là thờ độc thần (monothéiste), ám chỉ đạo Cao Đài là tôn giáo độc thần khác với tín ngưỡng đa thần thời trung cổ, giống với các tôn giáo lớn như Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo. Vì Thượng Đế là đấng vô hình, đấng Cha chung của mọi giống dân, không thể dùng vật tượng hay nhân tượng để thờ, chỉ Thiên Nhãn khả dĩ tượng trưng cho một giá trị phổ quát đại đồng nhứt, và thể hiện được sức mạnh tinh thần của mọi chủ thể.
*Ý nghiã giáo lý công truyền:
Thiên Nhãn là biểu tượng của 'Tâm', vì 'Nhãn thị chủ tâm'. Mà hướng nội, hướng tâm hay qui tâm, theo giáo lý Tam Giáo là đường tu tiến của con người vì 'Tâm' là gốc. là chủ tể, nguyên nhân của tất cả các nguyên nhân. 'Tâm' là 'Đạo', là Chơn ngã.
*Ý nghiã giáo lý tâm truyền:
Thiên Nhãn là biểu tượng của 'Thần', vì 'Thần cư tại nhãn'. Thần là sức mạnh siêu nhiên của chủ thể.
Vậy thờ Thiên Nhãn là thờ Thượng Đế hữu ngã, và là thờ Chơn Thần của vũ trụ tức Thượng Đế vô ngã, là Bản nguyên của vũ trụ vạn vật, mà cũng là cứu cánh của chúng sinh.
Đạo Cao Đài có tôn chỉ:
-Tam Giáo quy nguyên:
Tổng hợp Nho Lão Phật, vì Nho Giáo có khả năng xây dựng con người chân chính, xã hội an lạc; Lão Giáo dạy con người biết tu dưỡng thể xác và tinh thần để sống thung dung tự tại; Phật Giáo giải khổ.
-Ngũ chi phục nhất:
Tức Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo là đường lối tu hành tuần tự như lên 5 nấc thang.
Ngoài ra đạo Cao Đài còn nên lên tinh thần 'Vạn giáo nhất lý', tức Đại Đạo khả dĩ giác ngộ nhân loại toàn cầu.
Sách 'Lịch sử các Đảng phái Chính trị Việt Nam' của Nguyễn Khắc Ngữ, viết:
'Giáo phái Cao Đài là một giáo phái có các đảng phái tổ chức tương đối khá chặt chẽ như:
'1. Việt Nam Phục Quốc Hội do các ông Nguyễn Thành Phương, Huỳnh Văn Hiệp, Trần Văn Chiêu và Nguyễn Duy Tài lãnh đạo.
'2. Mặt trận Quốc gia Kháng chiến do các ông Trương Lương Thiện, Nguyễn Tấn Mạnh (em tướng Trình Minh Thế) điều khiển....
Nhận định
Cao Đài Giáo có phương pháp cầu cơ, nên gần với Lão Giáo. Cũng như Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài Giáo đã thể hiện sự bản địa hóa rất mực khi Đạo và Đời luôn gắn bó theo truyền thống thờ Địa Linh & Nhân Kiệt của người Việt Nam, nên khi quốc biến các tín đồ đều đứng ra kết hợp đấu tranh cho quốc gia dân tộc.
Nhận Định Chung về Tam Giáo khi vào Việt Nam
Qua các tư liệu viết về Tam Giáo 'Nho - Lão - Phật' kể trên, chúng ta thấy Tam Giáo khi vào Việt Nam thay vì phát triển theo nguyên mẫu, thì đã được bản địa hóa, trở thành động lực kích thích người Việt có cuộc sống đạo và đời chan hòa hơn, nên ai nấy có thể vừa tuân thủ các tôn chỉ cao đẹp của Tam Giáo, vừa giữ được tấm lòng son sắt với quốc gia dân tộc, không quên Quốc Tổ Hùng Vương của mình.
Nhờ vậy mà các tôn giáo tại Việt Nam đã giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển tinh thần quốc gia & dân tộc từ trước đến nay.
Cuối Thế kỷ XX, cuộc đấu tranh chống Cộng sản vô thần rất quyết liệt của các tôn giáo trong nước, từ Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài Giáo, là minh chứng cho thấy tinh thần Đạo và Đời hợp nhất của người Việt rất cao đẹp, giúp quốc gia & dân tộc trường tồn mấy ngàn năm qua, trước các làn sóng xâm lăng của nhiều cường quốc trên thế giới, từ đông qua tây, từ cổ chí kim.
Chỉ những kẻ thấp kém do tha hóa mà vong thân mới có thể quên cội nguồn, ung dung tu đạo quên đời giữa khi Quốc Gia & Dân Tộc lâm nguy?!
Nhờ các lý giải này, mà nay chúng ta có thể nhận định về các tổ chức tôn giáo quốc doanh, qua một số chủ trương cho rằng cần cứu đạo, ưu tiên giúp đạo tồn tại trong sóng gió... mà không hiểu rằng làm như vậy là đã biến tôn giáo thành tôi tớ của các chế độ vô luân, làm mất đi sự cao đẹp nguyên thủy của đạo lý các tôn giáo, có mục đích kết nối Thiên - Địa - Nhân, xây dựng cuộc sống tinh thần cao qúy của loài người?!
Việc hồi tháng 5-2010, các tín đồ Thiên Chúa Giáo tại Hà Nội công khai và mạnh mẽ bày tỏ lòng kính mến với Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, khi ngài bị Vatican tuân theo ý muốn bọn Việt Cộng, bứng ngài ra khỏi giáo phận, đưa Phó Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn về thay thế; cho thấy rất nhiều các tín đồ Thiên Chúa Giáo nay đã nhận định rõ vai trò của tôn giáo chân chính cần phải được điều hành ra sao?
***
Nếu lưu tâm quan sát, chúng ta sẽ thấy vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, người Việt từ trong đến ngoài nước không phân biệt tôn giáo, đều trân trọng tham dự đông đảo.
Đây sẽ là khởi điểm để chúng ta có thể đoàn kết dân tộc trở lại, tái tạo tinh thần Nhân Trí Hùng của truyền thống Việt Nam.
Do quan điểm 'Nhân Hùng' mà tổ tiên Người Việt từ khởi thủy đã coi Trời và Đất trong Tam tài 'Thiên - Địa - Nhân' như những thế lực đồng hành; khác hẳn các tôn giáo trên thế giới luôn đặt Trời ở vị trí tối cao để mượn đó làm thế lực đe dọa, trấn áp đồng loại.
Chỉ duy nhất ở Việt Nam, người ta mới dám nhận định về sự đúng sai của Trời tức Thượng Đế... khi nói:
-'Trời có mắt'.
-'Trời không có mắt'.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.