Trưng Trắc và Trưng Nhì là hai chị em sinh đôi, tài sắc vẹn toàn, cha là Hùng Định làm Lạc tướng đất Mê Linh.
Cha mất sớm, hai bà được mẹ là cụ bà Man Thiện mời các người tài giỏi văn võ về dạy, nên trở thành người văn võ tài đức vẹn toàn.
Lớn lên, Trưng Trắc kết duyên cùng Thi Sách, con một vị Lạc tướng đất Chu Diên.
Lúc đó nước Việt ta bị lệ thuộc vào nhà Đông Hán từ năm Kiến Vũ thứ 10 - tức năm 34 theo Tây lịch. Vua Hán sai Tô Định sang làm Thái Thú đất Giao Chỉ, bao gồm 10 huyện là Luy Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên.
Tô Định là một tên tham quan nổi tiếng từ bên Tàu, từng khiến quan đồng triều là Mã Viện cũng phải nhận định 'Tô Định là kẻ giương mắt lên vì tiền'. Khi sang cai trị Giao Chỉ, Tô Định nắm toàn quyền sinh sát trong tay, càng tham tàn bạo ngược không bút nào tả xiết, khiến người dân vô cùng khổ cực.
Dân đất Giao Chỉ nhiều lần nổi dậy chống đối, đều bị Tô Định triệt hạ đẫm máu, trong đó có Thi Sách ở Chu Diên, là chồng của Trưng Trắc.
Thi Sách là huyện trưởng huyện Chu Diên, cùng với em trai là Thi Huy chiêu binh mãi mã chuẩn bị khởi nghiã, được chị em Trưng Trắc và Trưng Nhì đồng tâm hiệp lực chung lo đại sự.
Việc ở huyện Chu Diên bại lộ, Thi Sách và Thi Huy cùng nhiều người khác bị Tô Định bất ngờ vây bắt giết chết.
Nợ nước cùng với thù chồng, tháng 2-40, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhì truyền hịch kể tội Tô Định, phất cờ khởi nghiã, ở cửa sông Hát, được anh hùng hào kiệt khắp 10 huyện đất Giao Chỉ cùng nhiều nơi khác về theo.
Hai bà cùng các tướng quân lập đàn thề:
'Một xin khôi phục nước nhà
'Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
'Ba xin rửa mối thù chồng
'Bốn xin vẹn cả tư công đôi bề.
Khi xuất quân, Trưng Trắc chưa hết tang chồng, nhưng bà mặc chiến bào lộng lẫy. Các tướng thắc mắc hỏi, bà nói:
-Viêc binh phải tòng quyền, nếu giữ lễ làm dung nhan xấu xí là tự giảm nhuệ khí, nên ta phải mặc đẹp để làm tăng khí thế. Địch quân thấy thế cũng nhụt nhuệ khí chiến đấu, giúp ta dễ chiến thắng.
Mọi người đều cho thế là phải, càng nức lòng hơn.
Hai bà khởi binh đánh chiếm được hết các thành trì ở Giao Chỉ, vây hãm thành Luy Lâu của Tô Định. Tô Định không địch nổi, phải bỏ cả ấn tín vàng bạc, vặt râu thay áo chui lỗ chó mới trốn thoát về nước.
Đánh đuổi xong Tô Định, lấy lại sơn hà, bà Trưng Trắc lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh, miễn thuế cho dân 2 năm, cắt đặt các tướng đem quân đi trấn giữ các thành lũy.
Năm Tân Sửu (41) Nhà Hán sai một đại tướng giỏi nhất là Mã Viện, đem 20.000 quân cùng 2.000 chiến thuyền sang đánh phục thù.
Bộ binh của Mã Viện theo đường Lạng Sơn tiến qua, bị nữ tướng Thánh Thiên của Bà Trưng đánh cho đại bại, phải rút về.
Mã Viện chỉnh đốn lại quân ngũ, lấy thêm binh mã, phối hợp bộ binh cùng với các chiến thuyền tiến vào sông Bạch Đằng.
Hai Bà lập phòng tuyến ở Lãng Bạc, một vùng đất trũng ở sông Cầu.
Hai bên xung trận dữ dội, quân của Hai Bà bị quân thủy bộ của Mã Viện bao vây, thiệt hại nặng nề, phải rút về Cẩm Khê cầm cự hơn một năm.
Trong trận chiến cuối cùng ở Cẩm Khê, hai bà tử chiến, voi của hai bà cũng bị tử thương. Hai bà bỏ voi xung trận đến khi không còn sức chiến đấu, chết giữa trận tiền.
[Sử sách chép hai bà gieo mình xuống Hát Giang tự tận là không đúng, vì đền thờ Hai Bà một số nơi cho đến nay dùng toàn màu đen, không dùng sơn son thiếp vàng, là muốn kiêng màu đỏ của máu.]
Tuy thắng được Hai Bà Trưng, quân của Mã Viện cũng bị thiệt hại nặng nề. Sách Hậu Hán Thư cho biết: 'Mùa thu năm sau, Mã Viện đem quân về kinh đô, quan quân cũng chết bốn năm phần', tức gần nửa số quân mang theo.
Hiện có 3 nơi lập đền thờ chính Hai Bà là đền Hạ Lôi, đền Đồng Nhân, đền Hát Môn.
Dân chúng lập đền thờ Hai Bà ở Hạ Lôi, Hà Nội, nằm trên nền nhà cũ của Hai Bà, mặt nhìn ra sông Hồng, lưng tựa một tòa thành đất. Hai con voi của Hai Bà cũng được tạc tượng lập miếu thờ ở làng Cẩm Viên.
Đền Hạ Lôi thờ Hai Bà Trưng nằm trên gò đất có hình con chim diều hâu đang dang cánh, tương truyền được xây dựng từ thời Đinh Tiên Hoàng, có qui mô lớn qua câu hát:
'An Cư có đất Thành Dền
'Hạ Lôi thì có ngôi đền thờ vua
'Lạc Hồng xây đắp nền xưa
'Hai Bà công đức ngàn thu lưu truyền.
Trên tấm bia đá 'Cải chính miếu hương bi ký' khắc năm Thành Thái thứ nhất (1899), ghi lại việc xưa hướng đền nhìn ra đê sông Hồng. Cổng đền lớn đẹp, trên có khắc 4 chữ 'Ly Chiếu Tứ Phương' (tức Ánh sáng chiếu ra bốn phương). Sau cổng là sân rộng, cuối sân có hồ bán nguyệt, trên bờ hồ là nhà tiền tế, đặt bia và chuông đồng đúc năm Gia Long thứ hai (1803).
Phiá trong nhà tiền tế là hậu cung, trên cao có bức hoành phi đề 4 chữ 'Nam Quốc Sơn Hà' (tức Sông núi nước Nam) và bức hoành phi phiá dưới có đề 3 chữ 'Hoàng Đế Từ' (tức Đền Đức Vua).
Hậu cung có tượng Trưng Trắc và Thi Sách đặt ngang hàng với nhau. Xưa tượng bằng đất, năm 1822 thay bằng tượng gỗ. Tượng bị hủy hoại trong chiến tranh năm 1947.
Phiá ngoài là bài vị bà Trưng Nhì.
Năm 1142, lập đền thờ Hai Bà Trưng ở bãi Đồng Nhân sát bên sông Hồng, Hà Nội, vẽ lại tranh theo tượng thờ ở Hạ Lôi để thờ. Đến năm 1819, bãi bị lở, đền được chuyển vào một bãi tập võ trong làng, tức ngôi đền hiện nay.
Đền Hát Môn, nằm trên đường từ Hà Nội đi Sơn Tây, ngay cửa sông Hát là nơi Hai Bà lập đàn thề trả nợ nước & thù nhà, truyền lệnh khởi binh vào Mùa Xuân năm 40.
Lễ hội Hát Môn diễn ra vào ngày 6-3 âm lịch, có tục làm 100 bánh trôi hình quả trứng dâng cúng. Sau khi cúng xong, đem 49 chiếc đặt trong lòng những bông hoa sen thả trôi trên sông Hát, nhằm nhắc lại thần tích các con theo Cha Lạc ra vùng đất ven biển đảo khai hoang.
Một số nơi, đồ thờ toàn màu đen, kiêng kỵ màu đỏ, hầu tỏ lòng tưởng nhớ đến cái chết đẫm máu giữa trận tiền của Hai Bà Trưng, chứ không chết vì tự trầm như nhiều sử sách ghi chép.
Theo một sưu tra chưa đầy đủ vào cuối Thế kỷ XX, một số tướng tá của Hai bà Trưng còn được dân lập đền thờ ở một số nơi như:
-Bà Lê Chân thờ ở Hải Phòng.
-Bà Ngọc Quang thờ ở Ninh Bình.
-Bà Bát Nàn thờ ở Thái Bình.
-Các Bà Thánh Thiên, Diệu Tiên, Vĩnh Huy, Liễu Giáp, Ả Tắc, Ả Di thờ ở Bắc Ninh, Bắc Giang.
-Các Bà Bảo Chân, Nguyệt Thai, Nguyệt Độ thờ ở Hải Dương, Hưng Yên.
-Vợ chồng Ông Bà Đào Lý, Nàng Tía, Quốc Nương, Ông Khỏa Ba Sơn, Ông Đống, Ông Nà thờ ở ngoại thành Hà Nội.
-Các Ông Chu Thước, Đỗ Năng Tế, Hoàng Đạo, Liên Quang Cai, Các Bà Ả Lã, Nàng Đê, Phùng Thị Chính thờ ờ Hà Tây.
-Ba anh em họ Trương thờ ở Quảng Ninh.
-Ông Đào Trung Á, Bà Mã Châu, Bà Nguyệt Nga thờ ở Hà Nam.
-Bà Bật Nương, 5 mẹ con Bà Lê Thị Hoan, các ông Đinh Kham, Đường Liễu Đồng thờ ở Thanh Hóa.
-Bà Thục Nương, Bà Thục Trinh, Bà Xuân Nương, Các Ông Quang Tảo, Cao Doãn thờ ở Vĩnh Phú...
Như vậy đạo tôn thờ 'Địa Linh & Nhân Kiệt' tại Việt Nam phải chăng được hình thành từ thời Hai bà Trưng, tiếp nối việc thờ các Vua Hùng và Phù Đổng, Tản Viên, Chử Đồng Tử, là một trong những tôn giáo thờ Các Nhân Thần cổ xưa của nhân loại?
Sự sai lầm của sử sách do giới Nho sĩ viết về cái chết của Hai Bà, đã làm mất đi truyền thống 'chiến đấu đến giọt máu cuối cùng' của Việt Nam; khiến sau này rất nhiều vị quan và tướng tá khi đại sự bất thành đã chọn sự tử tiết.
Tử tiết vì nước cũng là điều đáng kính, nhưng càng qúy giá hơn nữa, nếu các vị anh hùng chấp nhận bảo toàn mạng sống của mình, tiếp tục tìm cách lo đại sự?
Việc 5 vị tướng Việt Nam Cộng Hòa tử tiết ngày 30-4-1975 được chúng ta ca ngợi, nhưng nếu cả 5 vị này tìm cách giữ lại mạng sống để lo cho đại cuộc phục quốc tiếp theo, ắt hẳn cuộc đấu tranh ở hải ngoại không bị mấy viên tướng hèn kém lừa dối, làm ai nấy mất niềm tin qúy giá thuở ban đầu, không còn biết trông vào ai để ủng hộ?!
Lời bàn của sử sách:
**Lê Văn Hưu:
'Trưng Trắc và Trưng Nhị là đàn bà, vậy mà hô một tiếng, các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều nhất tề hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, xem thế cũng đủ biết hình thế nước Việt ta có thể dựng nghiệp bá vương được.
'Tiếc thay, trong khoảng hơn ngàn năm, từ sau họ Triệu đến trước họ Ngô, bọn đàn ông chỉ biết cúi đầu khoanh tay làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng là xấu hổ với hai chị em đàn bà người họ Trưng hay sao?
'Ôi! như thế cũng có thể nói là tự vất bỏ mình rồi vậy!
**Ngô Sĩ Liên:
'Họ Trưng giận Thái Thú nhà Hán bạo ngược, liền vung tay hô một tiếng mà khiến cho quốc thống của nước nhà có cơ hội được khôi phục, khí khái anh hùng đâu phải chỉ khi sống thì dựng nước xưng vương, mà còn cả ở khi chết còn có thể ngăn chặn tai họa.
'Phàm gặp những tai ương hạn lụt, cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả đến Trưng Nhì cũng vậy.
'Ấy là vì đàn bà mà có đức hạnh của kẻ sĩ, cho nên khí hùng ở trong khoảng trời đất chẳng vì thân đã chết mà kém đi.
'Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy khí phách cương trực và chính đại đó hay sao?
** Nguyễn Nghiễm:
'Từ khi Cù Thị gây ra tai nạn, quân Hán kéo sang, bảy quận Lĩnh Nam đều về tay người Hán. Sau đó những người có trách nhiệm chăn dắt dân, ngoài hai ông Nhâm Diên và Tích Quang ra, lũ Thạch Đới và Thúc Lương tuyệt không có chính sự gì, mà còn tham lam, hà khắc, dân không chịu nổi.
'Như lũ Tô Định có thể nào dung cho chúng làm càn một ngày nào được nữa?
'Bà Trưng Vương nổi giận, khích lệ đồng bào, nghiã binh đi đến đâu, gần xa đều hưởng ứng, 50 thành Ngũ Lĩnh đều khôi phục được hết, dân sự đang khổ sở đắng cay, lại được trông thấy mặt trời.
'Bà quả là bậc anh hùng hơn người nhiều lắm, tuy rằng một đám quân mới tập hợp, mới nhóm lên đã tan vỡ, nhưng cũng hả được lòng phẫn uất của thần dân.
**Sách Thông Luận:
'Không gì khó thu phục được là nhân tâm, không gì khó nắm giữ được là quốc thể. Lại càng khó hơn nữa là một người đàn bà mà tập họp được cả trai tráng đồng lòng cộng tác.
'Nước ta thời đó bị ngoại thuộc đã lâu, phục tòng pháp chế cho là quen, bị bọn tướng lại thống trị cho là việc thường ngày. Huống chi đương lúc nhà Hán trung hưng, thu thập được nhiều tay trí dũng, ai dám chống cùng oai hổ.
'Trưng Vương là đàn bà góa, búi tóc đứng lên, những con trai trong nước đều cúi đầu chịu Bà chỉ huy, các quan to ở 50 thành cũng đều nín hơi, không dám kháng cự. Lưu Văn Thúc là người diệt được quân hùng, chống nổi đại địch, mà khi tập binh khiển tướng, còn phải ăn trưa ngủ muộn lo nghĩ cơ mưu. Mã Viện làm cỏ nước Tiên Linh, phá tan đất Tham Lang, mà khi đóng quân ở Lãng Bạc, cũng phải lo xa nghĩ kỹ náu mình bên hồ sâu.
'Tiếng tăm hùng dũng của Bà chấn động cả Trung Hoa, cơ nghiệp mở mang của Bà dọc ngang trong trời đất, thật là anh hùng.
** Ngô Thời Sĩ:
'Trong sách Bắc sử về đời Hán, Đường, cũng có vua đàn bà, như họ Lã, họ Vũ, nhưng đều là nhờ thế đã làm mẫu hậu rồi, mà nắm lấy quyền chủ nhân, thì dễ dàng lung lạc được trong nước, múa may với đàn trẻ.
'Đến như Bà Trưng là một đàn bà thường mà khởi lên được thì khó lắm. Xem trong Nam sử khi ngoại thuộc Lương và Trần, có các ông Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, sẵn là cường hào, hay có gia thế, lòng người đã sẵn qui phục, thế nước đã có xu hướng mà khởi lên còn có phần dễ. Đến như Bà Trưng là con gái thì lại càng khó lắm.
'Tuy thế cũng chưa lấy gì làm kỳ cho lắm. Vợ trả thù cho chồng, em giúp chị, một là tiết phụ, một là nghiã nữ, ở cả vào một nhà, thế mới lạ kỳ.
'Ông vua bị mất nước, hoặc là bị bắt, hoặc là đầu hàng; con gái ở cảnh nhà tan, hoặc phải bỏ đi, hoặc bị tủi nhục. Bà chị mất nước, bà em cũng tuẫn tiết theo chị, không chịu đầu hàng, cũng không chịu để bị bắt. Người chồng ở dưới mộ được nhắm mắt, kẻ gian tà trông thấy thế cũng phải cúi đầu. Vua tôi nhà Hán không làm gì nổi.
'Chết rồi mà tiếng thơm vẫn còn. Thế mới càng kỳ nữa.
'Than ôi! Hồng nhan trẻ đẹp xưa nay chôn vùi đã biết bao nhiêu người, nhưng từ Nữ Oa có việc vá trời đến giờ, chỉ có hai chị em Bà Trưng nữa đây thôi.
**Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái:
'Bà Trưng quê ở châu Phong,
'Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
'Chị em nặng một lời nguyền,
'Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
'Ngàn Tây nổi áng phong trần,
'Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
'Hồng quần nhẹ bước chinh yên.
'Đuổi ngay Tô Định, dẹp tan biên thành.
'Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
'Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
'Ba thu gánh vác sơn hà,
'Một là báo phục, hai là bá vương.
** Trần Trọng Kim:
'Hai bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài trí người đàn bà mà dấy được nghiã lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để các tiếng thơm về muôn đời. Đến ngày nay có nhiều nơi lập đền thờ Hai Bà để ghi tạc cái danh tiếng hai người nữ anh hùng nước Việt Nam ta..
'Nay ở làng Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, và ở làng Đồng Nhân, gần Hà Nội, có đền thờ Hai Bà, đến ngày mồng 6 tháng 2 thì có hội.
**Nguyễn Đăng Thục:
'Hai Bà là cả một bản năng dân tộc nổi dậy, cả một sức phản kháng của chế độ xã hội Lạc Việt bột khởi, cả một huyết thống Việt tộc chống đối đế quốc nhà Hán.
** Đào Duy Anh:
'Cuộc khởi nghiã của Trưng Trắc là biểu hiện sự đấu tranh bất khuất của nhân dân và quí tộc nước Âu Lạc không chịu cúi đầu dưới ách thống trị của ngoại tộc. Nhờ sự đoàn kết giữa các bộ lạc không cam chịu mất tự do và được nhân dân ủng hộ, cuộc khởi nghiã đã thành công dễ dàng.
Nhận Định:
1/ Trên thế giới, từ đông sang tây, từ cổ chí kim, về phiá phái nữ lo quốc sự duy nhất chỉ có cuộc khởi nghiã của Hai Bà Trưng là toàn thắng, lập được một vương quốc oai hùng.
Điều này cho thấy các vị nữ anh hùng của Việt Nam rất oanh liệt, khiến lòng người về sau ai nấy đều phải cảm phục, ca ngợi hết lời.
Đọc các lời bàn của các sử gia kể trên, chúng ta thấy các Nho gia Việt Nam đã quên cả cái học Khổng Mạnh coi thường nữ giới của Trung Quốc, viết những câu vinh danh Hai Bà thật hết ý, nhưng lại chê bai nam giới nặng lời, vẫn còn thể hiện tư tưởng phân biệt nam nữ của Khổng Giáo?!
2/ Hai Bà Trưng là nhân vật lịch sử có thật, cho thấy vai trò của người phụ nữ Việt từ xa xưa đã không hề thua kém nam giới, được mọi người tin tưởng trong cả địa vị của người lãnh đạo dân tộc đấu tranh, lẫn khi làm vua cai trị quốc gia.
Sau này khi bị các nền văn hóa ngoại lai xâm nhập, đẩy người phụ nữ Việt vào trong phạm vi gia đình, người phụ nữ Việt vẫn đảm đang cả việc nhà lẫn việc nước, giúp chồng rất nhiều trong trách nhiệm tề gia, trị quốc.
Nếu không có sự hỗ trợ của người phụ nữ giúp ổn định trong gia đình, an ủi khuyến khích và hỗ trợ trong công việc quốc gia thời bình cũng như thời loạn... đàn ông con trai Việt khó có thể hoàn thành nghiã vụ của mình với quốc gia dân tộc một cách hào hùng, trải bao lần binh đao suốt mấy ngàn năm qua.
Ngay như nơi cung đình, nếu các bà hoàng hậu Đông Tây Cổ Kim khi có cơ hội thường chuyên quyền làm suy yếu chuyện triều chính, thì Hai Bà Trưng, ý Lan Phu Nhân, Dương Vân Nga của Việt Nam... đã giúp các triều chính rất nhiều trong việc thịnh trị, cũng như chống giặc ngoại xâm.
3/ Cái chết của hai Bà Trưng là cái chết hào hùng, khi chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chỉ lúc không còn cơ may nào, Hai Bà mới chịu chết giữa trận tiền.
Điều này khác hẳn với các việc tuẫn tiết vì sĩ khí hão của đạo đức Trung Quốc, mà sau này một số đáng kể các vị anh hùng Việt Nam đã chịu ảnh hưởng một
cách đáng tiếc.
[Nếu tử tiết khi thất bại là hành động anh hùng đáng cho chúng ta ngưỡng mộ vái ba vái; thì nếu các vị anh hùng này chọn sinh lộ để tiếp nối cuộc đấu tranh khác... sẽ đáng để chúng ta vái chín vái?]
Cụ thể, giả thử anh hùng Nguyễn Thái Học chấp nhận lánh qua Tàu để tồn tại tiếp tục lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng về sau, có thể Hồ Chí Minh chưa chắc đã một mình một cõi tạo ảnh hưởng, đưa cả quốc gia dân tộc vào vực thẳm do chủ nghiã Cộng sản gây ra bao nhiêu năm?
Giả sử nếu các vị tướng lãnh anh hùng của VNCH hồi 1975 không tử tiết, đem cái hào khí của mình ra hải ngoại để lãnh đạo tiếp công cuộc đấu tranh, không bị những kẻ trốn chạy hèn nhát đứng ra làm nhiều điều sai trái, khiến lòng người mất tin tưởng vào công cuộc quang phục quê hương, cục diện 50 năm sau 1975 chắc sẽ có chiều hướng khác với hiện nay?
Thế nên Hai Bà Trưng là sự tiếp nối hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam từ huyền sử đến chính sử, từ Mẹ Âu Cơ đến các vị như Bà Triệu, ý Lan Phu Nhân, Bùi Thị Xuân, Cô Giang...
Những hình ảnh cao đẹp này đã rực rỡ tỏa sáng vào cuối Thế kỷ XX, qua hình ảnh các bà mẹ, bà vợ của quân cán chính VNCH giúp chồng con vượt qua tù đầy, đến bến bờ tự do, thành lập những cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn thịnh vượng về cả đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần.
Đầu Thế kỷ XXI, những vị như Luật sư Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Phương Uyên, Tạ Phong Tần, Mẹ Nấm... can đảm đấu tranh với bạo quyền ngay trong nước, hơn một lần thắp sáng ngọn lửa đấu tranh trong lòng người.
Không cần đòi hỏi sự bình đằng hay ưu tiên... chỉ bằng những việc làm của mình, người phụ nữ Việt từ xưa đến nay đã khiến đồng bào và chồng con phải ghi công, đề cao...
Tuy không còn chế độ mẫu hệ xa xưa, nhưng truyền thống trách nhiệm lớn lao với gia đình, xã hội, quốc gia, dân tộc... của người phụ nữ Việt vẫn tồn tại trong huyết quản và tâm linh, hình thành tâm thức 'đảm đang' rất cao đẹp, mang nhiều ý nghiã hy sinh tận tụy cao cả hiếm thấy trên thế giới.
Tinh thần này cần được khai triển, ca ngợi, nhắc nhở trong các dịp lễ hội, quan hôn tang chế, cũng như trong các bài học nơi nhà trường... để các thế hệ sau ngưỡng mộ, ghi nhớ công ơn, noi theo vậy.
Trước năm Mậu Thìn 248, nhà Đông Ngô cai trị rất hà khắc, dân chúng oán giận.
Ngay năm đó, sau một thời gian chiêu binh mãi mã Triệu Thị Trinh cùng người anh là Triệu Quốc Đạt, khởi binh đánh nhà Ngô.
Sử Việt chép rằng Bà Triệu là người ở Nông Cống (nay thuộc làng Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), thuở nhỏ cha mẹ mất sớm, ở với anh là Triệu Quốc Đạt. Triệu Thị Trinh sức vóc lớn mạnh hơn người, ưa tập võ nghệ, từng khuất phục được con voi dữ một ngà, dùng làm voi trận.
Triệu Quốc Đạt làm huyện lệnh với nhà Ngô, nhưng thấy bọn quan cai trị nhà Ngô tham tàn, sưu cao thuế nặng, ngầm mưu chuyện đánh đuổi quân Ngô.
Năm Triệu Thị Trinh 20 tuổi, chị dâu là vợ của người anh Triệu Quốc Đạt muốn bà đi lấy chồng, bà nói:
-Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cứu dân ra khỏi chốn lầm than; chứ tôi không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tỳ thiếp cho người ta.
Người chị dâu tức giận mật báo với quân Ngô về công cuộc chuẩn bị khởi binh của em chồng, quân Ngô mang quân tới vây đánh. Bà Triệu biết chuyện, giết chị dâu, rồi cùng anh đem nghiã quân vào núi Nưa bày trận đánh trả, được dân chúng theo rất đông. Đương thời người dân có câu ca dao:
'Ru con, con ngủ cho lành,
'Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi.
'Muốn coi, lên núi mà coi,
'Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.
Trẻ con còn có bài đồng dao, nay mới sưu tầm được ở vùng núi Nưa, Thanh Hóa, nơi Bà Triệu khởi binh ngày xưa:
'Này dao móc câu
'Này đấu này thưng
'Này gươm này ná
'Này gậy này lao
'Nghe cồng Bà rao
'Nghe lệnh Ông gióng
'Nghe tiếng voi rống
'Chong chóng chạy về.
Bà Triệu cùng anh là Triệu Quốc Đạt đánh chiếm thành Tư Phố, hạ thành Cửu Chân, tấn công nhiều nơi khác.
Quân sĩ thấy bà can đảm, mưu lược, liền tôn bà lên làm chủ tướng. Khi ra trận, bà cưỡi voi, mặc áo giáp vàng, xưng là 'Nhụy Kiều Tướng Quân'.
Quân Ngô sau nhiều phen thất bại, đã tìm đủ mọi thủ đoạn xảo quyệt, thậm chí dùng cả tước hiệu Lệ Hải Bà Vương để chiêu dụ Bà, nhưng ý chí tự chủ của Bà trước sau vẫn không bị lung lạc.
Sau nhà Ngô phải cử viên tướng lừng danh là Lục Dận sang, điều binh nhiều nơi về tiếp sức. Do quân ít thế cô, bà thua chạy về xã Bồ Điền (nay là xã Phú Điền, huyện Mỹ Hóa), thì mất. Bấy giờ bà mới 23 tuổi.
Bà Triệu tuy tử trận giữa trận tiền, nhưng quân giặc không lấy được xác Bà, nên Bà được an táng trên ngọn núi Nưa, lập đền thờ dựa vào núi Gai
Về sau vua Nam Đế nhà Tiền Lý, khen bà là người phụ nữ trung dũng, sai lập miếu thờ, phong làm 'Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân'.
Nơi bà mất, là xã Phú Điền, tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn lăng và đền thờ Bà Triệu trên núi Nưa. Thời Lê Trung Hưng, do binh hỏa, đền bị hư hỏng. Đến thời Nguyễn mới được tu sửa, tồn tại cho đến ngày nay.
Tương truyền Lý Nam Đế (544 - 518) khi đem quân bình định phiá nam, qua đền có xin Bà phù hộ, nên khi thắng trận trở về đã phong thần.
Tại đình Lâu Thượng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, thờ thần thành hoàng là Hai bà Trưng và bà Triệu.
Các triều đại nối tiếp nhau về sau đều tỏ lòng kinh trọng, làm sắc phong Bà Triệu bằng những mỹ tự cao đẹp nhất, như Anh Liệt - Hùng Tài - Vĩ Tích - Anh Mẫn - Trinh Nhất...
Lời bàn của sử sách:
** Sách Giao Chỉ (của Tàu):
'Trong núi ở quận Cửu Chân, có người con gái em họ Triệu, vú dài 3 thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, đi guốc gỗ, ngồi đầu voi đánh nhau, sau chết làm thần'.
**Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:
'Năm Mậu Thìn 248, người Cửu Chân lại đánh hãm thành ấp, châu quận rối động. Ngô Vương cho Hành Dương đốc quân đô úy Lục Dận (có sách chép là Lục Thương) làm thứ sử kiêm hiệu úy. Dận đến nơi, lấy ấn tín hiểu dụ, ra hàng phục đến hơn 3 vạn nhà, trong châu lại yên. Đến năm sau, người con gái ở quận Cửu Chân là Triệu Ẩu (Ẩu vú dài 3 thước, vắt ra sau lưng, thường ngồi trên đầu voi đánh nhau với giặc), họp quân đánh cướp quận huyện. Dận dẹp yên được'.
**Việt Nam Sử Lược:
'Bà là một người có sức mạnh, lại có chí khí và lắm mưu lược, vào ở trong núi chiêu mộ hơn 1.000 tráng sĩ để làm thủ hạ'.
và có một chú thích ghi:
'Bà Triệu, các kỳ xuất bản trước để là Triệu Ẩu. Nay xét ra nên để là Triệu Thị Trinh.
**Sách Thế thứ Các Triều Vua Việt Nam:
'Về thực chất, bộ chỉ huy khởi nghiã do Bà Triệu cầm đầu cũng là một guồng máy chính quyền. Bà Triệu chưa xưng đế hay xưng vương, cũng chưa đặt quốc hiệu hay niên hiệu, nhưng rõ ràng guồng máy chính quyền sơ khai do Bà Triệu lập ra, hoàn toàn biệt lập và đối nghịch sâu sắc với nhà cầm quyền đô hộ của quân Ngô.
Nhận định
Tới Thế kỷ 20, sử gia Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam Sử Lược buổi đầu còn viết Bà Triệu là Triệu Ẩu, sau mới sửa đổi khi nhận ra chữ 'ẩu' người Tàu dùng để chỉ phụ nữ một cách rẻ rúng.
Nhiều sử sách khác của các sử thần, sử gia Việt như Đại Việt Sử Ký, Việt Sử Tiêu Án... đều chỉ ghi ngắn gọn về bà Triệu theo sử sách của người Tàu, nên mang nội dung xấc xược như 'Ẩu vú dài 3 thước, vắt ra sau lưng', 'họp quân đánh cướp'...
Đây chính là quan niệm ảnh hưởng Nho Giáo, coi nhẹ các hành động phi thường của các vị anh thư Việt Nam, rất đáng chê trách.
Bà Triệu là một vị nữ anh hùng quả cảm, dám đứng ra đương đầu với quân cai trị nhà Ngô, được quân sĩ kính phục tôn lên làm chủ tướng.
Tuy sự nghiệp của Bà Triệu không bằng sự nghiệp Hai Bà Trưng, nhưng cũng thể hiện tài đức của một bậc nữ nhi anh hùng, trước cảnh đất nước bị ngoại xâm hà hiếp bóc lột, can đảm đứng ra chống lại.
Trên thế giới, sau này ở Pháp mới có được một vị nữ anh hùng dân tộc như Bà Triệu, là Jeanne D'Arc (1412 - 1431), được nước Pháp tôn sùng, ca ngợi rất mực.
Nếu luận anh hùng không kể được thua, chỉ kể đến chí khí và hành động, sẽ thấy Bà Triệu ở trong tư thế cô đơn khó khăn hơn Hai Bà Trưng, nhưng vẫn quả cảm đứng ra chiến đấu cho hạnh phúc của dân tộc, để lại một tấm gương sáng vì nước vì dân, đáng được đề cao hơn những gì sử sách đã viết.
Năm 542, vào năm thứ 8 đời vua Vũ Đế nhà Lương bên Tàu, ở huyện Thái Bình (thuộc Sơn Tây - Việt Nam ngày nay) có người tên Lý Bôn còn gọi là Lý Bí, tài kiêm văn võ, thấy dân nước bị đô hộ khổ sở, phất cờ nổi lên, đánh đuổi thứ sử Tiêu Tư về Tàu, chiếm giữ thành Long Biên.
Sau đó lại đánh đuổi quân Lâm Ấp, rồi tự lập làm vua năm 544, xưng là Nam Việt Vương, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức, phong Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu văn quan, Phạm Tu đứng đầu võ quan.
Năm 545 vua nhà Lương sai tướng Trần Bá Tiên phò Dương Phiêu sang làm thứ sử Giao Châu, đánh Nam Việt. Nam Việt Vương Lý Bôn thua chạy về thành Tân Xương, tức Phong Châu hiện nay.
Quân Lương đuổi theo đánh, Lý Bôn chống không nổi, rút quân lên đóng ở động Khuất Liêu (nay thuộc Hưng Hóa). Một năm sau Lý Bôn khôi phục thế lực, đem quân đánh nhau với Trần Bá Tiên, nhưng lại bị thua, chán nản giao binh mã cho Triệu Quang Phục, rồi trở về Khuất Liêu náu mình.
Triệu Quang Phục là con quan Thái phó Triệu Túc, người ở Châu Diên (Vĩnh Yên ngày nay), theo cha giúp Lý Bôn lập được nhiều công trạng.
Khi được Nam Việt Vương Lý Bôn giao trọng trách cầm quân, thấy thế quân Lương quá mạnh, liệu địch không nổi, Triệu Quang Phục liền rút quân vào đầm Dạ Trạch, ngày ẩn nấp, đêm tối mới cho quân dùng thuyền độc mộc đánh, cướp lương thực về nuôi quân sĩ.
Dạ Trạch ở quận Chu Diên, quanh co không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây rậm rạp, ở giữa có một bãi nổi lên có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người và ngựa khó vào được, chỉ có thuyền độc mộc đẩy bằng sào lướt trên cỏ nước, mới có thể đến được.
Tuy nhiên vẫn phải có người biết lối dẫn đường, mới không bị sa vào chỗ nguy hiểm, làm mồi cho rắn rết.
Triệu Quang Phục đem 2 vạn quân vào đóng trong Dạ Trạch, ban ngày tắt hết khói lửa và xóa mọi dấu vết lối vào, ban đêm mới dùng thuyền độc mộc đưa quân ra đánh úp, cướp lương thực của địch đem về dùng.
Do địa thế quá hiểm trở, Trần Bá Tiên đánh mãi không được.
Năm 548 Nam Việt Vương Lý Bôn mất, binh quyền về tay Lý Thiên Bảo, năm sau Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương, cầu khấn xin được Chử Đồng Tử ban cho đầu mâu bằng móng rồng, dùng đánh giặc chiến thắng lừng lẫy, không ai địch nổi.
Lúc đó bên Tàu có loạn Hầu Cảnh, vua Lương phải triệu Trần Bá Tiên về, để phó tướng Dương Sàn ở lại. Triệu Quang Phục thừa thế đem quân ra khỏi Dạ Trạch, đánh đuổi quân Lương về Tàu, bắt Dương Sàn, chiếm lại thành Long Biên.
Năm 555, Lý Thiên Bảo mất, không có con nên binh quyền nhà Lý về tay một người trong họ là Lý Phật Tử. Trước đó Lý Thiên Bảo cùng Lý Bôn bị quân Lương đánh thua, phải chạy sang Lào, đóng quân ở động Dã Năng. Khi Nam Việt Vương Lý Bôn mất, Lý Thiên Bảo thay quyền xưng là Đào Lang Vương, lấy quốc hiệu mới là Dã Năng.
Năm 557 Lý Phật Tử đem quân đánh Triệu Việt Vương. Đánh mấy trận không thắng, Lý Phật Tử mới xin giảng hòa. Triệu Việt Vương nghĩ tình họ Lý, cũng thuận chia đất cho Lý Phật Tử.
Lý Phật Tử đóng đô ở Ô Diên (nay là Ô Cầu Giấy, Hà Nội), còn Triệu Việt Vương đóng đô ở Long Biên.
Lý Phật Tử xưng là Hậu Nam Đế, có con là Nhã Lang xin lấy con gái Triệu Việt Vương. Nhã Lang sinh tà ý, hỏi vợ về bảo bối đánh giặc của Triệu Việt Vương. Người vợ thực tình kể hết sự việc, đem đầu mâu bằng móng rồng cho chồng xem.
Nhã Lang ngầm lấy móng rồng thật, thay bằng đồ giả, rồi lấy cớ xin về thăm gia đình, mưu cùng cha đánh úp Triệu Việt Vương.
Khi quân của Hậu Nam Đế tới, Triệu Việt Vương đem đầu mâu móng rồng cự địch, thấy không còn linh nghiệm, bị thua phải bỏ chạy.
Bị đuổi riết đến cửa biển Đại Nha (nay thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), không còn đường, Triệu Việt Vương liền nhảy xuống biển tự tận. Người đời sau thương tiếc, thấy linh ứng nhiều việc, lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha.
Về sau những người họ Lý hậu duệ của Lý Phật Tử lập đền thờ Hậu Lý Nam Đế ở cửa biển Tiểu Nha, đối diện với Đại Nha. Nhưng chỉ trong một đêm mưa gió bão bùng, sấm sét dữ dội, sáng hôm sau ngôi đền họ Lý ở cửa Tiểu Nha bị đánh bạt xuống sông, không còn tăm tích.
Dân địa phương, vốn lập đền thờ họ Triệu ở Đại Nha, sau này dựng thêm ngôi đền nữa ở Tiểu Nha thờ Ngô Nhật Khánh là một trong các vị sứ quân thời nhà Đinh, sau đó gần 400 năm.
Lúc đó vua Văn Đế nhà Tùy thống nhất nước Tàu về một mối, sai tướng giỏi là Lưu Phương đem quân sang xâm lăng Giao Châu.
Lý Phật Tử thấy thế quân của Lưu Phương mạnh, không dám đánh mà xin đầu hàng ngay, bị bắt đưa về Tàu. Nhà Tiền Lý mất từ đó.
Lời bàncủa sử sách:
**Ngô Sĩ Liên:
'Lấy bá thuật mà xét thì Hậu Lý Nam Đế tức Lý Phật Tử đánh Triệu Việt Vương là đắc kế. Lấy vương đạo mà xét thì việc này không bằng chó heo.
'Sao thế?
'Là vì khi Tiền Nam Đế ở động Khiết Lạo đem việc quân ủy cho Triệu Việt Vương. Việt Vương thu nhặt tàn quân giữ hiểm ở Dạ Trạch bùn lầy, đương đầu với Trần Bá Tiên là người hùng một đời, cuối cùng bắt được tướng của y là Dương Sàn, khiến người phương Bắc phải lui quân.
'Bấy giờ vua Hậu Nam Đế trốn trong đất Lạo, chỉ mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May mà Bá Tiên về Bắc, Lý Thiên Bảo chết, mới dám đem quân đánh Triệu, rồi dùng mưu gian trá xin hòa, kết làm thông gia.
'Việt Vương lấy lòng thành đối đãi, cắt đất cho ở. Những việc làm của Việt Vương đều là chính nghiã, giao hảo phải đạo, thăm viếng phải thời, há chẳng phải là đạo trị yên lâu dài hay sao?
'Thế mà Hậu Nam Đế lại dụng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ chính đạo nhân luân, kíp tham công lợi mà diệt nhân nghiã, đánh cướp lấy nước, tuy rằng lấy được mà Nhã Lang chết trước, bản thân cũng không khỏi làm tù, có lợi gì đâu?
'Nam - Bắc mạnh yếu đều từng có lúc. Đương khi phương Bắc yếu thì ta mạnh. Phương Bắc mạnh thì ta cũng thành yếu. Đại thể trong thiên hạ như vậy.
'Phàm kể có nước phải sửa sang giáp binh, chỉnh đốn xe cộ quân lính, phòng bị việc bất ngờ, thủ hiểm để giữ nước, lấy lễ mà thờ nước lớn, lấy nhân mà vỗ về nước nhỏ. Ngày nhàn rỗi thì dạy điều hiếu, đễ, trung, tín, để cho người trong nước biết rõ cái nghiã kính thân người trên, chịu chết cho người trưởng.
'Hoặc thấy có họa xâm lăng thì phải dùng lời văn để sửa đổi ý định của họ, dùng lời nói mà bảo họ, lấy lễ vật ngọc lụa mà biếu cho họ.
'Như thế mà vẫn không tránh được, thì dù đến khốn cùng cũng phải quay lưng vào thành mà đánh một trận, thề tử thủ cùng với xã tắc mất còn, rồi sau mới không hổ thẹn.
'Lẽ nào mới thấy quân giặc đến cõi, chưa xáp binh đao, đã sợ hãi xin hàng!
'Vua đã hèn nhát mà tướng văn, tướng võ đương thời cũng không ai từng có một lời nào nói đến, có thể bảo là trong nước không có người vậy!
**Ngô Thời Sĩ:
'Hậu Đế nhờ cơ nghiệp cũ của Đào Lang, thu thập nắm lửa tàn của nước Dã Năng. Năm trận đánh ở Thái Bình, chia cương giới với Triệu, liền đánh úp Triệu, nối được chính thống nhà Lý, còn có điều đáng khen.
'Tiếc rằng dàn xếp với Triệu, bình hết Mán Lèo, đã có cái thế nổi dậy được, túng xử chưa dứt khoát được với Triệu, thì nên nghĩ dần mưu chước đánh hay giữ, chứ không nên chia đất và thông hôn; đã cùng nhau hòa, lại còn bội ước, cái đầu mâu chả đáng là gì, mà nghe gian mưu của trẻ con, theo lối cũ của Triệu Đà, bất trí quá lắm!
'Đến khi quân Tùy kéo đến, chưa bắn một mũi tên nào, đã chịu nhục dâng ngọc, dắt dê xin đầu hàng. Sao trước thì trí mà sau lại ngu, trước thì hung mà sau hèn nhát thế? Thật lấy làm lạ!
**Đào Duy Anh:
'Nhờ sự đoàn kết của giai cấp quí tộc bản quốc và sự ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân, cuộc khởi nghiã đã thành công dễ dàng. Lại nhờ được tình trạng suy yếu của Nam triều ở Trung Quốc, nên Triệu Quang Phục, rồi đến Lý Phật Tử, đã duy trì được thành quả trong khá lâu.
'Nhưng sự chia rẽ khuynh loát nội bộ giữa họ Triệu và bà con họ Lý làm cho thế nước phải suy. Họ Triệu bị họ Lý đánh đổ. Lý Phật Tử là người tham bạo nhu nhược cho nên khi quân nhà Tùy mới tiến đến gần kinh đô, thì Phật Tử liệu thế không chống nổi phải đầu hàng ngay.
Nhận định:
1/ Từ An Dương Vương đến Triệu Việt Vương, trước sau cùng bị Triệu Đà và Hậu Lý Nam Đế là Lý Phật Tử dùng mưu cầu hôn rồi ăn cắp bửu bối, phản trắc giết hại, chiếm mất ngôi vua.
Lỗi không do những cô con gái cưng hay các chàng rể ma mãnh, mà chính vì nhà vua cùng triều thần không đề cao cảnh giác, cẩn trọng việc bảo mật mới nên nông nỗi?!
Việc lớn là thế, việc nhỏ cũng vậy: Con cái trong gia đình nảy sinh trộm cắp cũng là do gia pháp không nghiêm; bề trên chểnh mảng, kẻ dưới mới có thể manh tâm.
Từ chuyện xưa đến chuyện nay, thấy sự việc cũng chẳng khác đi là bao nhiêu, khi Hồ Chí Minh năm 1945 kêu gọi đoàn kết dân tộc, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, nói là để cùng nhau sát cánh chống xâm lăng.
Lúc đó từ nhà vua là Bảo Đại đến các chính trị gia như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tường Tam... đều cả tin, một lòng ủng hộ. Nhưng khi nắm được quyền hành, Hồ Chí Minh bèn tìm cách cô lập, hãm hại hoặc gạt bỏ những người ngoài phe đảng, thực hiện chế độ cộng sản chuyên chính, gây tai hại nhiều bề cho quốc gia & dân tộc.
Đến thời 1975, Cộng sản Việt Nam sau khi lợi dụng bọn bù nhìn ngu dại GPMN Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình... chiếm miền Nam, cũng lại vắt chanh bỏ vỏ, giao cho những chức vụ ngồi chơi sơi nước. Một số bộ trưởng như Trương Như Tảng, Lê Văn Hảo... phải bỏ trốn ra nước ngoài nương thân, viết sách báo tố cáo!
Vậy mà sau hai bài học lịch sử 1945 và 1975 thể hiện sự lừa dối rất bất nhân bất nghiã của Cộng sản Việt Nam kể trên, đến nay ở hải ngoại vẫn còn lắm kẻ chủ trương 'hòa giải & hòa hợp' với họ, thì quả là điều khó hiểu, người có trí ắt không ai làm?!
Đối nội gian manh là vậy, nhưng khi đối ngoại với Liên Sô, Trung Cộng, thì Cộng sản Việt Nam lại tỏ ra qụy lụy yếu hèn, hết núp bóng Nga đến Tàu, dâng lãnh thổ lãnh hải để cầu mong được hỗ trợ vũ khí, bao che nắm quyền, hầu tiếp tục ra tay đàn áp tôn giáo, ức hiếp dân lành hung hãn dữ dằn, tham tàn bạo ngược không bút nào tả siết!
2/ Lý Phật Tử là một cái tên đẹp đẽ biết là bao, nhưng xét các hành động phản trắc ác độc với người hiền là Triệu Việt Vương không ai bằng? hèn hạ với tướng Lưu Phương của nhà Tùy cũng chẳng ai bì?
Thời nay thì Nguyễn Tất Thành cũng lấy nhiều tên thật là đẹp như Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh... nhưng hành động với vợ con, với đồng chí, với dân, với nước, thì cùng hung cực ác khi thực hiện những cuộc thảm sát, thanh trừng, những màn đấu tố vô luân... Trong khi với Liên Sô và Trung Cộng thì hết lời nịnh hót, ca ngợi, xưng tụng, luồn cúi... bắt văn nghệ sĩ làm văn thơ tung hô hết lời:
'Stalin! Stalin!
'Yêu biết mấy khi nghe con tập nói
'Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
...
'Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
'Thương mình thương một, thương ông thương mười!
(thơ Tố Hữu khóc khi Stalin chết)
3/ Công tội không chỉ sử sách ghi chép đánh giá, mà người dân Việt xưa nay cũng sáng suốt, tùy theo công lao mà tôn thờ:
*Tiền Lý Nam Đế là Lý Bôn, còn gọi là Lý Bí, có miếu thờ ở xã Tử Đường, nay là Thái Thụy, Thái Bình.
Sự thờ tự không lớn lao chỉ là ngôi miếu nhỏ, không có các sự tích linh ứng được kể lại.
*Hậu Lý Nam Đế là Lý Phật Tử thì bị dân chúng chê trách, không lập nơi thờ tự.
*Triệu Việt Vương được dân chúng cảm nhớ công đức, lập đền thờ nơi ngài tự trầm mình bên bờ biển Đại Nha, xã An Trạch, với nhiều linh ứng:
-Đời nhà Trần, quân Mông Cổ xâm lăng lần thứ hai, Thượng hoàng và vua Trần Nhân Tôn phải rút khỏi thành Thăng Long, vào Tam Điệp. Khi qua đền thờ Triệu Việt Vương, nhà vua có cầu xin âm phù diệt giặc ngoại xâm.
Năm đầu Trùng Hưng 1285, quân Việt đại thắng quân Mông Cổ, giết gần 50 vạn quân giặc. Vua nhà Trần nhớ công, tôn phong 'Minh Đạo Hoàng Đế'.
Khi quân Mông Cổ xâm lăng lần thứ ba, vua Trần Nhân Tôn sai sứ về đền cầu đảo xin phò trợ. Sau khi đánh thắng giặc ở trận Bạch Đằng năm 1288, nhà vua tôn phong thêm mỹ tự 'Khai Cơ'.
Sau đó hai tướng nhà Trần là Trần Khánh Dư và Trần Khát Chân đem thủy quân đi đánh Chiêm Thành, qua đền xin phò trợ, cũng chiến thắng, bắt được vua Chiêm là Chế Củ, tâu vua tôn phong 'Thánh Liệt & Thần Vũ'.
Như thế dưới thời nhà Trần, Triệu Việt Vương hiển linh phò trợ ba lần, được tôn phong: 'Minh Đạo, Khai Cơ, Thánh Liệt, Thần Vũ'.
Đến đời vua Lê Thánh Tôn, nhà vua thân chinh cầm quân đi đánh Chiêm Thành, qua đền thờ, mộng thấy một vị tướng cầm cờ vàng tới giúp. Tỉnh dậy vua đến đền làm lễ xin phò trợ. Sau đó quả nhiên đánh thắng quân Chiêm Thành, nhà vua cho tu sửa lại đền, phong làm Thượng Đẳng Thần.
Đến năm Phúc Thái thứ 5 (1647) vua Lê Chân Tông phong 'Bảo Dân Thiên Tôn Đại Vương'.
***
Ngày nay Hồ Chí Minh ngay khi còn sống đã hỗn hào, mới 50 tuổi xưng là 'bác', là 'cụ', bắt người dân phải đưa hình ông ta lên ban thờ Tổ Quốc để tế sống. Nhưng ông ta đã gieo không biết bao nhiêu tai họa thảm khốc cho quốc gia dân tộc, khiến ngoài bọn đảng viên thủ lợi, ai nấy đều căm ghét oán hận.
Cuối đời, chính Hồ Chí Minh bị bọn Lê Duẩn trói chặt vào vai diễn 'Cha Già Dân Tộc', chẳng những không cho chính thức hóa tình nghiã vợ chồng, mà còn bắt phải giết vợ, từ bỏ con, cô lập an trí tại vùng Sơn Tây cho tới chết.
Lúc chết, Hồ Chí Minh đã chịu sự quả báo nhỡn tiền, khi bị bọn đệ tử đảng viên phanh thây moi ruột phơi xác nơi quảng trường Ba Đình, cho khắp bàn dân thiên hạ tới nhìn cái xác của một tên cùng hung cực ác - chịu cùng một thứ tội 'bêu xác' với tên hung đồ Lenin... Trung Cộng hiểu rõ điều này, nên chỉ lập lăng Mao Trạch Đông ngay Bắc Kinh, mà không hề mổ xác phơi bày.
Thảm thương thay, bọn Cộng sản Liên Sô - Việt Nam coi việc bêu thây là vinh dự, để mượn xác chết làm mộc che những tội ác của chúng... mà không hiểu rằng về phương diện tâm linh thì khi chết bị phanh thây là điều ghê khiếp, vì chỉ những tội nặng nhất ngày xưa mới bị xử lăng trì, tứ mã phanh thây, bêu xác mà thôi?!
Hồ Chí Minh khi sống tự thần thánh hóa, muốn được muôn đời tôn thờ. Nhưng do làm những việc gian ác quá nhiều, cuối đời bị bọn đệ tử ruột phản bội cô lập, giết vợ, chết chẳng toàn thây, bị đời sau nguyền rủa mỗi khi nhắc đến tên.
Đạo lý 'Quả báo nhỡn tiền' của người Việt linh ứng lắm vậy thay?!
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.