Nhà Trần có 11 đời vua nắm quyền, 2 đời vua sau cùng bị nhà Hồ chế ngự cướp ngôi, khiến quân Minh bên Tàu lấy cớ giúp nhà Trần, đưa quân sang cai trị:
1/ Trần Thái Tông 1225 - 1258
2/ Trần Thánh Tông 1258 - 1278
3/ Trần Nhân Tông 1279 - 1293
4/ Trần Anh Tông 1293 - 1314
5/ Trần Minh Tông 1314 - 1329
6/ Trần Hiến Tông 1329 - 1341
7/ Trần Dụ Tông 1341 - 1369
8/ Trần Nghệ Tông 1370 - 1372
9/ Trần Duệ Tông 1372 - 1377
10/ Trần Phế Đế 1377 - 1388
11/ Trần Thuận Tông 1388 - 1398
Trần Cảnh nguyên quán làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường - nay là xã Tức Mặc, huyện Hỹ Lộc, tỉnh nam Định. Cha là Trần Thừa, được tôn làm Thượng hòang khi mất có miếu hiệu là Thái Tổ, mẹ họ Lê. Sinh ngày 16-6 năm Mậu Dần (1218) tại làng Tức Mặc, năm 1224 Trần Cảnh được vào cung phục dịch Lý Chiêu Hoàng, năm 1225 kết hôn với Chiêu Hoàng, rồi được vợ nhường ngôi lên làm vua.
Trần Cảnh lên ngôi năm 8 tuổi, lấy hiệu là Trần Thái Tôn, mọi việc do Thái sư Trần Thủ Độ quyết đoán.
Thủ Độ tuy học thức không bao nhiêu, nhưng thông minh và thâm hiểm, sẵn sàng làm các việc từ gian hùng đến anh hùng để bảo vệ chế độ.
Đầu tiên Thủ Độ tìm cách giết vua nhà Lý, là Lý Huệ Tông đang tu hành ở chùa Chân Giáo, mặc dầu nhà vua đã nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng.
Sau đó vào năm 1232, trong dịp tôn thất nhà Lý làm lễ tế ở thôn Thái Đường, Thủ Độ sai người đào hầm phiá dưới, đánh sập hầm chôn vùi hết những nhân vật hàng đầu của tôn thất nhà Lý, bắt các người mang họ Lý còn lại phải đổi ra họ Nguyễn, để xóa hẳn họ Lý trong nước Việt.
Một số quan quân nhà Lý phải bỏ chạy ra nước ngoài, trong đó có một vị đại thần nhà Lý chạy sang Cao Ly, giúp vua Cao Ly chiến thắng quân Nhật xâm lược, lưu được tông tích họ Lý Việt tại Cao Ly, tới nay con cháu có người đã tìm về thăm Đình Bảng là nơi cố đô của họ Lý.. .
Thấy Lý Chiêu Hoàng 12 năm không có con, Thủ Độ liền giáng xuống làm công chúa, bắt chị của Chiêu Hoàng là vợ Trần Liễu đang có mang 3 tháng, đưa vào cung tôn làm hoàng hậu, để lấy người họ Trần nối giõi. Trần Liễu tức giận làm loạn không thành, bị Thủ Độ toan giết, nhưng nhà vua can rồi phong làm An Sinh Vương.
Trước những việc làm thất đức của Thủ Độ, vua Trần Thái Tông cũng buồn lòng, đang đêm bỏ kinh thành trốn ra chùa Phù Vân, trên núi Yên Tử. Thủ Độ mời về không được, liền di chuyển cả triều đình lên chùa, làm náo động chốn thiền môn, khiến chính vị trụ trì chùa phải kêu nài, nhà vua mới chịu hồi kinh.
Tuy Thủ Độ là kẻ gian ác với nhà Lý, nhưng lại có công với nhà Trần và đất nước, khi giúp vua Trần còn nhỏ tuổi chỉnh đốn chính sự, góp công giúp dân tộc kiên cường đánh thắng quân Mông Cổ mạnh nhất thế giới đương thời tới 3 lần, thoát ách nô lệ ngoại bang.
* Việc Cai trị:
Năm 1242 chia nước làm 12 lộ, mỗi lộ có quan An phủ sứ cai trị, lộ chia làm nhiều tiểu tư xã gồm mấy xã do quan Tư xã cai quản.
Quan chức chia làm văn võ và nội ngoại, 10 năm thăng 1 hàm, 15 năm thăng một chức. Vua quan thân cận chỉ giữ lễ lúc làm việc, còn khi đãi yến cùng múa hát chứ không bắt phải thủ lễ nghiêm khắc như các đời trước và sau.
* Việc Giáo dục:
Năm 1232 mở khoa thi Thái học sinh (tương đương với thi Đình lấy các tiến sĩ về sau), lấy đỗ cao thấp theo Tam giáp.
Khoa thi năm 1247 mới đặt ra Tam khôi là trạng nguyên, bảng nhỡn, thám hoa; lấy Lê Văn Hưu đỗ bảng nhỡn. Cùng năm có mở khoa thi Tam Giáo, chứng tỏ việc học hành chưa câu nệ theo hẳn Nho Giáo.
* Việc Quân sự:
Các thân vương ai cũng được quyền thành lập binh đội riêng, trai tráng trong nước đều phải đi lính, nên sau mới có đủ 200.000 quân đánh Mông Cổ.
* Việc Pháp luật:
Đặt ra luật lệ nghiêm minh, phạm tội trộm cắp tùy theo nặng nhẹ mà bị chặt tay, chặt chân, voi giày... nên trên dưới ai nấy kinh sợ mà sống ngay thẳng.
* Các Võ công:
Do kết hợp được các ưu điểm trên, ngay đầu đời nhà Trần đã có những võ công hiển hách giúp quốc thái dân an.
**Đánh dẹp giặc trong nước:
Từ khi nhà Lý bị nhà Trần tiếm ngôi bất chính, nhiều nơi bất bình nổi lên chống đối.
-Ở Quốc Oai có người Mường nổi lên.
-Ở Hồng Châu có Đoàn Thượng chiếm đất Đường Hào, tự xưng làm vua.
-Ở Bắc Giang có Nguyễn Nộn xưng vương ở làng Phù Đổng.
Buổi đầu Trần Thủ Độ lo trấn áp dòng họ nhà Lý, chỉnh trang triều chính mới, nên chia đất phong cho Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn, đưa đẩy hai người này tới chỗ tương tranh tự diệt. Năm 1228 Nguyễn Nộn đem quân đánh thắng Đoàn Thượng, nhưng chỉ được mấy tháng Nguyễn Nộn chết, đất nước thống nhất trở lại.
**Đánh Chiêm Thành:
Từ khi nhà Trần cầm quyền, nước Chiêm Thành đã sang tiến cống, nhưng muốn đòi lại đất cũ và hay cướp phá vùng biên giới. Năm 1252 vua Thái Tông ngự giá thân chinh đi đánh, dẹp yên.
**Đánh Mông Cổ:
Khi nhà Lý mất ngôi, thì nhà Tống bên Tàu cũng bị quân Mông Cố tiến đánh, Hốt Tất Liệt (Koubilai) sai một đạo quân đánh nước Đại Lý (thuộc Vân Nam hiện nay), và sai sứ sang nói vua Trần Thái Tông phải thần phục, nhưng vua Trần không chấp nhận.
Tưởng cũng nên biết Mông Cổ vào đầu thế kỷ VII dân số chỉ có 3 triệu, sống theo lối du mục ở vùng Hắc Long Giang (Amour), có tài cưỡi ngựa và bắn cung, chiến đấu bằng kỵ binh rất mau lẹ hung dữ.
Năm 1206 thủ lãnh là Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan), đã đem quân đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Tây Âu, Hồi Quốc, Nga...
Tới năm 1280 Mông Cổ trở thành một đế quốc lớn, làm chủ hơn nửa thế giới, chiếm cứ 40 nước từ Á qua Âu, hơn cả đế quốc của Alexander và Napoleon. Nhưng khi đánh tới Việt Nam đã bị đại bại 3 lần.
Chiến thắng Mông Cổ lần thứ I:
Năm 1257 Vua Thái Tông bắt giam sứ Mông Cổ, sai Trần Quốc Tuấn đem binh trấn giữ phiá bắc.
Triều đình Mông Cổ cả giận, sai tướng Ngột Lương Hợp Thai (Wouleangotai) từ Vân Nam theo sông Thao tiến đánh Thăng Long. Trần Quốc Tuấn giữ không nổi, lui quân về Sơn Tây. Thái Tông ngự giá thân chinh đem đại binh tiếp chiến cũng bị thua, lui về Phú Lương, rồi phải bỏ Thăng Long chạy ra sông Thiên Mạc, tỉnh Hưng Yên.
Trong thế nguy, Thái úy Trần Nhật Hiệu muốn đầu hàng, thì Thái sư Trần Thủ Độ khảng khái nói: 'Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ Hạ đừng lo'.
Ít lâu sau, quân Mông Cổ không quen thủy thổ bị bệnh nhiều, Thái Tông mới vây đánh trở lại, quân Mông Cổ thua rút về Vân Nam.
Nhưng chẳng bao lâu, Mông Cổ dứt được nhà Tống, chiếm nước Tàu, muốn bắt nước ta phải thần phục triều cống.
Vua Thái Tông sai dũng tướng Lê Phụ Trần làm sứ giả xin 3 năm cống một lần.
Năm 1258 vua Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng, làm Thái Thượng Hoàng để chỉ dẫn việc nước, được 19 năm mới mất, thọ 60 tuổi, trị vì 33 năm.
Trần Hoảng là con thứ hai của vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên thái hậu, họ Lý, sinh ngày 25-9 năm Canh Tí (1240) tại Thăng Long. Ngay khi sinh đã được lập là thái tử, được truyền ngôi ngày 24-2 năm Mậu Ngọ (1258).
Thái tử Hoảng lên ngôi là vua Thánh Tông, đổi niên hiệu là Thiệu Long.
Thánh Tông là ông vua nhân từ, ăn ở trung hậu với anh em họ hàng.
Nhà vua cho rằng: 'Thiên hạ là của ông cha để lại, nên để cho anh em cùng hưởng phú qúy chung'.
Rồi để các hoàng thân vào nội điện ăn cùng mâm, nằm cùng giường, rất thân ái. Chỉ khi nào làm việc công mới phân thứ tự theo đúng phép tắc mà thôi.
Trong 21 năm vua Thánh Tông trị vì, không có giặc giã trong nước, nên việc học hành được mở mang. Nhà vua sai hoàng đệ là Trần Ích Tắc mở trường dạy học cho dân, Mạch Đĩnh Chi xuất thân từ trường này.
Lê Văn Hưu hoàn thành bộ Đại Việt Sử Ký, chép từ đới Triệu Võ Vương đến Lý Chiêu Hoàng. Nước Việt nhờ vậy có bộ quốc sử đầu tiên.
Biết Mông Cổ có ý xâm lăng, nhà vua ra lệnh các vương hầu phải chiêu tập những người nghèo đói lưu lạc khẩn hoang, lập thành các trang trại, luyện tập binh mã.
Do chưa ổn định được tình hình bên Tàu, Mông Cổ chưa thể tiến đánh ngay nước ta sau khi bị thua lần đầu, nên chỉ tìm cách hoạnh họe đòi tiến cống, cử sứ sang thăm dò tình hình.
Năm 1266 vua Thánh Tông sai sứ sang Tàu, xin miễn tiến cống nho sĩ, thày bói, thợ thuyền. Vua Mông Cổ ưng chịu, nhưng đòi nhà vua phải sang chầu, cho con hay em sang làm con tin, nộp sổ đinh, nộp thuế và chịu binh dịch cùng đặt quan cai trị.
Năm 1271 Hốt Tất Liệt bình định xong nước Tàu, cải quốc hiệu Tàu là Đại Nguyên, đòi vua Thánh Tông sang chầu, nhưng nhà vua cáo bệnh không đi.
Năm 1275 vua Thánh Tông sai sứ sang Tàu nói nước Nam không phải là xứ man di mà cần có quan giám trị. Nhà Nguyên không chấp nhận. Vua Thánh Tông cũng không chịu, nên nhà Nguyên biết dụng mưu không thành, sai thăm dò tình hình nước Nam. để cử binh tiến đánh.
Năm 1277 Thái Thượng Hoàng Thái Tông mất, năm sau vua Thánh Tôn nhường ngôi cho Thái tử Khâm, về Thiên trường làm Thái Thượng Hoàng.
Vua Thánh Tông trị vì được 21 năm, làm Thái Thượng Hoàng được 13 năm, thọ 51 tuổi.
Trần Khâm là con trưởng của vua Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh ngày 11-11 năm Mậu Ngọ(1258), được lập làm thái tử tháng 12 năm Giáp Tuất (1274), được truyền ngôi ngày 22-10 năm Mậu Dần (1278).
Vua Trần Nhân Tông trị vì 14 năm, làm Thái Thượng Hoàng 13 năm, thọ 51 tuổi, nhưng để lại sự nghiệp có giá trị lớn lao về văn học và võ công. Nhất là nhà vua biết kết hợp nhân tâm quân & dân, già & trẻ, để chống ngoại xâm, qua Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng năm 1282, ngay khi Thoát Hoan đem quân xâm lăng.
* Về Văn học:
-Quan Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên được ghi nhận là người khởi đầu dùng chữ nôm làm thơ phú. Nguyễn Thuyên là người Thanh Lâm, Hải Dương, làm bài văn nôm đầu tiên 'Đuổi cá sấu' như bài 'Tế Ngạc Ngư Văn' của Hàn Dũ bên Tàu, nên được vua Nhân Tông cho đổi ra họ Hàn thành Hàn Thuyên.
[Hàn Dũ (768 - 824) là nhà văn nổi tiếng đời Đường, đề xướng 'Văn & Đạo', là nhân vật cự phách về ngôn ngữ của Trung Quốc, có công sáng tạo nhiều ngôn từ mới, sau biến thành các thành ngữ như 'lạc tỉnh hạ thạch', 'tạp loạn vô chương', 'bất bình tắc minh'...]
Các bài thơ của Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão... đương thời thể hiện khí thế yêu nước hào hùng của một thời đại đất nước cường thịnh.
-Trần Hưng Đạo viết bài Hịch Tướng Sĩ bằng Hán văn, động viên tướng sĩ vệ quốc, thể hiện cái 'tâm' lớn của một vị tướng hết lòng vì nước, vì dân, rất đáng để chúng ta ngày nay sau khi bị Cộng sản cướp nước đọc và suy ngẫm, rút ra bài học phục quốc, hưng quốc:
Hịch Tướng Sĩ của Hương Đạo Vương
(bản dịch của Trần Trọng Kim)
Ta thường nghe chuyện Kỷ Tín liều thân chịu chết thay cho vua Cao Đế; Do Vu lấy mình đỡ ngọn giáo cho vua Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước; Kính Đức là một chức quan còn nhỏ mà liều thân cứu vua Thái Tông thoát vòng vây; Kiểu Khanh là một bề tôi ở xa, mà kể tội mắng thằng Lộc Sơn là quân nghịch tặc.
Các bậc trung thần nghiã sĩ ngày xưa bỏ mình vì nước, đời nào cũng có. Giả sử mấy người ấy cũng cứ bo bo theo lối thường tình, chết già ở xó nhà, thì sao cho lưu danh sử sách đến nghìn muôn đời như thế được?
Nay các ngươi vốn dòng vũ tướng, không hiểu văn nghiã, nghe những chuyện cổ tích ấy, nửa tin nửa ngờ, ta không nói làm gì nữa; ta hãy đem chuyện Tống Nguyên mới rồi mà nói:
Vương Công Kiên là người thế nào? Tỳ tướng của Vương Công Kiên là Nguyễn Văn Lập lại là người thế nào, mà giữ một thành Điếu Ngư nhỏ mọn, chống với quân Mông Kha kể hàng trăm vạn, khiến cho nhân sự nhà Tống đến nay còn đội ơn sâu. Đường Ngột Ngại là người thế nào? Tỳ tướng của Đường Ngột Ngại là Xích Tu Tư lại là người thế nào, mà xông vào chỗ lam chướng xa xôi, đánh được quân Nam Chiếu trong vài ba tuần, khiến quân trướng đời Nguyên đến nay còn lưu tiếng tốt.
Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nan này, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tổ phụ, lại cậy thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, ỷ thế Vân Nam Vương để vét bạc vàng. Của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau!
Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được sả thịt lột da quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng.
Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền, cũng đã lâu ngày, không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta tăng cấp, đi thủy thì ta cho đi thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc hoạn nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười, những cách cư xử so với Vương Công Kiên, Đường Ngột Ngại ngày xưa cũng chẳng kém gì.
Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát...
Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp; mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy ngàn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn khi ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết, tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai.
Khi bấy giờ chẳng những là những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng hết; chẳng những là gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau tiếng xấu hãy còn mãi mãi; mà gia thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục. Đến bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ, phỏng có được hay không?
Nay ta bảo thật các ngươi: nên cẩn thận như nơi củi lửa, nên giữ gìn như kẻ húp canh, dạy bảo quân sĩ, luyện tập cung tên, khiến cho người nào cũng có sức khỏe như Bàng Mông và Hậu Nghệ, thì mới có thể dẹp tan được quân giặc, mà lập nên công danh.
Chẳng những là thái ấp của ta được vững bền, mà các ngươi cũng đều được hưởng bổng lộc; chẳng những gia quyến của ta được yên ổn, mà các ngươi cũng được vui với vợ con; chẳng những tiên nhân ta được vẻ vang, mà các ngươi cũng được phụng thờ tổ phụ, trăm năm vinh hiển; chẳng những một mình ta được sung sướng, mà các ngươi cũng được lưu truyền sử sách, nghìn đời thơm tho. Đến bấy giờ các ngươi dầu không vui vẻ, cũng tự khắc được vui vẻ.
Nay ta soạn hết các binh pháp của các nhà danh gia hợp lại, làm một quyển gọi là 'Binh Thư Yếu Lược'. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo, thì mới phải đạo thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo, thì tức là kẻ nghịch thù.
Bởi cớ sao?
Bởi giặc Nguyên cùng ta, là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết dạy quân sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc, khiến cho sau trận Bình Lỗ mà ta phải chịu tiếng xấu muôn đời, thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa.
Vậy nên ta phải làm bài hịch này để cho các ngươi biết bụng ta.
(Trích từ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim)
* Về Võ công:
Chiến thắng Mông Cổ lần thứ II:
Nhà Nguyên nghe tin vua Thái Tông mất, vua Thánh Tông nhượng ngôi cho con là Nhân Tông, để làm Thái Thượng Hoàng, liền sai Lễ bộ Thương thư là Sài Thung sang thăm dò tình hình. Thung tỏ ra hống hách trịch thượng, đưa ra những đòi hỏi triều cống quá đáng, đều bị vua Nhân Tông thoái thác.
Năm 1282 vua Nguyên lại cho Sài Thung qua đòi vua nhà Trần phải sang chầu, nếu không đi được phải đưa vàng ngọc và nhân tài qua thay thế.
Vua Nhân Tông đưa người chú họ là Trần Di Ái đi thay. Vua Nguyên không bằng lòng, lập ngay Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương, sai Sài Thung cùng 1.000 quân đưa Trần Di Ái về nước nắm quyền.
Khi bọn Sài Thung và Trần Di Ái mới đến gần ải Nam Quan, có tin phi báo về. Vua Nhân Tông liền sai tướng đón đánh, Sài Thung bị bắn mù một mắt bỏ chạy về Tàu, bắt được Trần Di Ái đầy làm lính.
Vua Nguyên thấy vậy cả giận, sai con là Thoát Hoan cùng hai đại tướng Toa Đô và Ô Mã Nhi dẫn 500.000 quân giả cớ mượn đường qua đánh Chiêm Thành, để đánh nước Nam.
**Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng:
Tháng 10-1282 thấy tình thế khó tránh khỏi chiến tranh, nhà vua triệu tập văn võ bá quan mật nghị tại Bình Than, thăm dò ý kiến. Chỉ có Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư chủ chiến. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản nhỏ tuổi không được dự bàn, tức giận trước sự yếu hèn của văn võ bá quan, bóp nát quả cam cầm trong tay lúc nào không biết. Ra về, Trần Quốc Toản liền tập hợp được hơn 1.000 người tâm phúc, làm lá cờ thêu 6 chữ 'Phá cường địch - Báo hoàng ân' tự dẫn binh đi tham chiến, khiến ai nấy nức lòng noi theo.
Mặt khác, vua Nhân Tông mời các bô lão đến điện Diên Hồng hỏi ý kiến nên hòa hay nên chiến. Các bô lão đều đồng thanh xin quyết chiến.
Tháng 10-1283 vua Nhân Tông phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Tiết chế thống lĩnh đại quân đương đầu với quân Nguyên.
Quân Nguyên chia làm hai đạo thủy bộ tiến quân:
-Bộ binh do Thoát Hoan thống lĩnh đến ải Nam Quan, tiến thẳng vào Việt Nam.
-Thủy binh do Đại tướng Toa Đô tiến vào Chiêm Thành, để đánh từ phiá nam ra.
Trận đầu quân Nam thua, phải rút về ải Chi Lăng, rồi vua tôi chạy về Vạn Kiếp.
Thấy thế giặc quá mạnh, vua Nhân Tông muốn đầu hàng để dân khỏi họa binh đao. Trần Hưng Đạo khảng khái nói: 'Nếu bệ hạ muốn hàng, xin chém đầu tôi trước'.
Rồi Hưng Đạo Vương soạn ra sách 'Binh Thư Yếu Lược' chỉ dẫn tướng sĩ cách hành binh, truyền 'Hịch Tướng Sĩ' khích lệ ba quân, khiến ai nấy nức lòng đánh giặc, lấy mực thích vào cánh tay hai chữ 'Sát Đát' (nghiã là giết quân Mông Cổ).
Thoát Hoan đánh đến Thiên Trường, bắt được tướng Trần Bình Trọng, muốn dụ hàng hứa sẽ cho làm vua nước Nam.
Trần Bình Trọng khảng khái mắng: 'Ta thà làm qủy nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì chỉ có chết mà thôi, can gì dụ hỏi lôi thôi'.
Thoát Hoan thấy dụ không được, mới sai quân đem chém.
Thoát Hoan đánh chiếm Thăng Long, Toa Đô không thể đem đại quân xâm nhập Chiêm Thành vì địa thế hiểm yếu, liền tính đánh ngay vào Nghệ An.
**Trận Hàm Tử Quan:
Toa Đô không vào được Chiêm Thành, đưa quân đánh Nghệ An. Trần Quang Khải trấn thủ mặt nam, liền lui quân giữ các nơi hiểm yếu, khiến Toa Đô đánh mãi không được. Thấy lương thảo cạn dần, Toa Đô bàn cùng Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền, ra Bắc hợp binh với Thoát Hoan.
Trần Quang Khải hay tin phi báo, vua Nhân Tông cùng Trần Hưng Đạo bàn kế đón đường chặn đánh, ngay khi quân giặc vừa mệt mỏi vượt biển sóng gió từ miền nam ra.
Tháng 4-1285 các tướng Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái chặn đánh ở Hàm Tử Quan, (thuộc huyện Đông An, Hưng Yên). Trong quân của Trần Nhật Duật có bọn Triệu Trung là tướng của nhà Tống chạy sang xin tòng chinh, vẫn ăn bận binh phục của nhà Tống. Quân Nguyên thấy binh sĩ nhà Tống, tưởng nhà Tống đã khôi phục được từ bên Tàu cử quân sang đánh, cả sợ bỏ chạy. Quân Nguyên thua to phải lùi ra cửa Thiên Trường.
**Trận Chương Dương:
Thắng trận Hàm Tử, vua tôi nhà Trần nức lòng, phản công đánh Thăng Long.
Vua Nhân Tôn ra lệnh Trần Nhật Duật giữ không cho quân Toa Đô ra bắc hợp sức với Thoát Hoan, rồi sai Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão phục binh vây đánh đại quân của Thoát Hoan. Lúc đó đại binh của Thoát Hoan đóng ở Thăng Long, còn chiến thuyền ở bến Chương Dương.
Quân của Trần Quang Khải từ Thanh Hóa dùng chiến thuyền theo đường biển đánh vào Chương Dương với khí thế mạnh mẽ, khiến quân Nguyên cả thua bỏ chạy về Thăng Long. Quân Nam thừa thắng đuổi theo, Thoát Hoan đem quân ra cứu bị phục binh đánh, phải bỏ Thăng Long dùng thuyền chạy qua Kinh Bắc (Bắc Ninh).
Trần Quang Khải báo tin thắng trận về Thanh Hóa, vua Nhân Tôn cùng triều đình từ Thanh Hóa ra đóng ở Tràng An (Ninh Bình).
**Trận Tây Kết:
Toa Đô lui quân đóng ở Tây Kết, rồi tìm cách liên lạc với Thoát Hoan, nhưng bị quân Nam chặn đường cô lập.
Trần Hưng Đạo tập trung quân đánh Toa Đô trước, đánh Thoát Hoan sau.
Tháng 5-1285 quân Nam đánh vào Tây Kết quá mạnh, khiến Toa Đô và Ô Mã Nhi phải bỏ thuyền chạy. Toa Đô trúng tên chết, còn Ô Mã Nhi chạy thoát xuống một chiếc thuyền nhỏ, trốn được về Tàu. Quân Nam bắt sống hơn 30.000 quân Nguyên.
Khi các tướng đem đầu Toa Đô về nộp, vua Nhân Tôn cởi áo hoàng bào đắp lên đầu Toa Đô nói: 'Làm bầy tôi nên như người này'.
**Trận Vạn Kiếp:
Thoát Hoan nghe tin Toa Đô tử trận, Ô Mã Nhi chạy thoát về Tàu, lại bị bệnh thời khí khiến quân chết nhiều, nên tính đường rút binh.
Trần Hưng Đạo biết ý, sai Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão dẫn 30.000 mai phục trong rừng sậy bên sông Vạn Kiếp. Còn chính Trần Hưng Đạo đem đại quân đánh Thoát Hoan.
Thoát Hoan thua chạy đến Vạn Kiếp, bị phục binh giết hại một nửa, tướng Lý Hằng bị bắn chết. Các tướng Phàn Tiếp, A Bát Xích, Lý Quán cố giúp mở đường máu đưa Thoát Hoan trốn, bằng cách cho Thoát Hoan chui vào ống đồng, để lên xe kéo chạy.
Về đến gần biên giới, lại bị quân Nam đổ ra vây đánh, Lý Quán trúng tên chết. Phàn Tiếp và A Bát Xích liều chết mở đường mới đưa được Thoát Hoan thoát về Tàu.
Chỉ trong 6 tháng - từ tháng 12-1284 đến tháng 6-1285, quân Nam đã đánh đuổi 500.000 quân Nguyên uy vũ nhất thế giới đương thời, khiến chiến sử thế giới vào Thế kỷ XX tôn vinh Trần Hưng Đạo là 1 trong 10 vị tướng tài giỏi nhất thế giới.
Bị thảm bại khi tướng sĩ chết một nửa, chịu nhục nhã lúc bản thân Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn chạy, vua Nguyên từng bách chiến bách thắng từ đông sang tây... lấy làm tức giận, muốn chém hết lũ người bại trận, khiến quần thần phải can ngăn mãi mới thôi.
Lúc đó nhà Nguyên đang chuẩn bị đem quân đánh Nhật Bản, liền ra lệnh ngưng đánh Nhật Bản, tập trung lực lượng hợp cùng 3 tỉnh Giang Tây, Hồ Quảng, Giang Hoài, đóng thêm 300 chiến thuyền, định lập tức đem quân sang đánh trả thù nước Nam.
Quan đầu tỉnh Hồ Nam là Tuyến Kha phải dâng sớ nói là quân sĩ mới thất trận trở về, thương tích chưa khỏi, xin cho một thời gian nghỉ ngơi dưỡng thương. Vua Nguyên nghe lời, cho quân sĩ nghỉ vài tháng mới tiến binh.
Vua Trần Nhân Tông nghe tin quân Nguyên sẽ đem quân đánh phục thù, lo ngại hỏi ý Trần Hưng Đạo, thì được phân tích tình hình:
-Nước ta lần trước quân dân hưởng thanh bình, đã lâu không quen việc chiến trận, nên khi quân Nguyên tới mới có kẻ hãi sợ theo hàng giặc. May nhờ oai linh tổ tông và uy vũ của nhà vua, nên đã đánh thắng được giặc. Còn như bây giờ quân ta đã quen chiến trận, đánh thắng quân Nguyên hai phen, rất hăng hái tòng chinh. Trong khi đó nay quân Nguyên phải từ xa tới, thân xác mệt mỏi, tinh thần vẫn còn hoảng sợ khi thấy các tướng Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán tử trận, ắt không còn nhuệ khí nữa. Do vậy mà lần này chiến thắng dễ hơn lần trước. Xin bệ hạ an tâm.
Vua Nhân Tông nghe bàn thấy hợp tình hợp lý, giao toàn quyền điều binh khiển tướng cho Trần Hưng Đạo.
Tháng 2-1287 vua Nguyên kén chọn 70.000 quân tinh nhuệ, 500 chiến thuyền, hợp sức với 6.000 quân ở Vân Nam, cùng 15.000 quân ở 4 châu ngoài bể, cử Thoát Hoan làm Đại nguyên soái cùng các tướng A Bát Xích, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, đem tổng cộng thủy bộ 300.000 quân sang đánh nước Nam, lấy cớ đưa Trần Ích Tắc về nước lập làm An Nam Quốc Vương.
Vua Nguyên lại sai tướng Trương Văn Hổ theo đường biển, chở 17.000 thạch lương tiếp tế nuôi quân sĩ.
Tháng 11-1287, Thoát Hoan dẫn bộ binh tiến đánh phiá bắc, sai Ô Mã Nhi dẫn thủy quân đánh từ phiá biển đông nam.
Vua quan nhà Trần muốn tuyển thêm binh, Trần Hưng Đạo nói: 'Binh cần giỏi, không cần nhiều. Vì nhiều mà không giỏi, chẳng ích lợi gì'.
Rồi Trần Hưng Đạo chia quân làm 3 mặt trấn đóng:
-Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái dẫn 30.000 quân trấn giữ mặt Lạng Sơn.
-Trần Quốc Toản, Lê Phụ Trần dẫn 30.000 quân trấn giữ mặt Nghệ An.
-Tự mình thống lĩnh đại quân trấn giữ hai mặt thủy bộ ở Quảng Yên.
Khi thấy thế giặc mới sang mạnh mẽ, Trần Hưng Đạo lui đại binh về Vạn Kiếp, rồi về Thăng Long cố thủ, đưa nhà vua tạm lánh vào Thanh Hóa.
Thoát Hoan đem binh đánh Thăng Long không được, rút ra chiếm đóng Vạn Kiếp, Chí Linh và Phả Lại.
**Trận Vân Đồn:
Thoát Hoan đóng lâu ở Vạn Kiếp, thấy thuyền chở quân lương của Trương Văn Hổ vẫn chưa tới, liền sai Ô Mã Nhi đem chiến thuyền đi đón, bị quân của Trần Khánh Dư chặn đánh ở Vân Đồn. Ô Mã Nhi thúc quân đánh mạnh khiến quân của Trần Khánh Dư thua chạy. Quân Ô Mã Nhi đón được thuyền chở lương của Trương Văn Hổ từ ngoài biển vào.
Vua Trần Nhân Tôn nghe tin Trần Khánh Dư khinh địch, bị thua, liền sai sứ bắt Trần Khánh Dư về hỏi tội.
Thua trận, Trần Khánh Dư đang tính kế phục thù, thì thấy sứ giả đến bắt, liền xin cho vài ngày để có thể lập công chuộc tội.
Trần Khánh Dư đoán Ô Mã Nhi mới cả thắng, ắt khinh địch mà vội về trước báo tin thắng trận với Thoát Hoan, bỏ mặc thuyền lương theo sau không bảo vệ, nên thu tàn quân, chờ cho quân Ô Mã Nhi đi qua, mới chặn đánh các thuyền chở lương của Trương Văn Hổ, cướp được toàn bộ lương thực và vũ khí tiếp viện của quân Nguyên. Tướng Trương Văn Hổ trốn xuống một thuyền nhỏ, chạy thoát về Quảng Châu.
Trần Hưng Đạo nhân đó, cho một số tù binh chạy về báo tin mất hết lương thực với Thoát Hoan, khiến Thoát Hoan nao núng.
**Trận Bạch Đằng Giang:
Thua trận Vân Đồn, mất hết lương thực, Thoát Hoan muốn cho người về Tàu cầu viện thêm quân binh và lương thực.
Trần Hưng Đạo đoán biết, sai người chặn hết các đường, không cho người nào qua lại phiá biên giới hai nước.
Thấy quân Nam mạnh mà mình không thể có viện binh lẫn lương thực, lại gặp thời tiết mùa hạ nóng bức gây ra nhiều thứ bệnh về thời khí, nên Thoát Hoan quyết định rút quân về Tàu bảo vệ thực lực, sau đó sẽ tính kế tiến đánh khác.
Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đưa thủy binh rút theo ngả sông Bạch Đằng, còn mình dẫn bộ binh lui về Tàu.
Trần Hưng Đạo sai quân thám thính, biết rõ tình hình, liền chia binh phản công:
-Sai Nguyễn Khoái lên thượng lưu sông Bạch Đằng, cắm cọc gỗ vót nhọn bịt sắt giữa giòng sông, lợi dụng thủy triều lên xuống để mai phục đánh úp.
-Sai Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghiã đem quân lên Lạng Sơn chờ quân Nguyên chạy tới vây đánh..
-Trần Hưng Đạo đem đại quân tới sông Bạch Đằng tiếp trợ, khi qua Hóa Giang trỏ sông mà thề rằng: 'Trận này không phá xong giặc Nguyên, quyết không về đến dòng sông này nữa'.
Quân sĩ cũng đồng lòng thề xin quyết chiến.
Tháng 3-1288 các chiến thuyền của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp theo sông Bạch Đằng toan rút ra ngoài biển để về Tàu, thì bỗng thấy quân Nam do tướng Nguyễn Khoái từ hai bên bờ kéo ra khiêu chiến. Ô Mã Nhi tức giận thúc quân đánh, Nguyễn Khoái giả vờ yếu thế bỏ chạy, dụ chiến thuyền của quân Nguyên vào bãi cọc đúng lúc thủy triều rút xuống, mới quay lại phản công, khiến các chiến thuyền của quân Nguyên bị cọc đâm thủng, vỡ nát. Ngay lúc đó, đại quân do Trần Hưng Đạo đổ tới tiếp chiến, khiến quân Nguyên hoảng sợ bị giết chết rất nhiều, máu loang đỏ cả khúc sông.
Các tướng Nguyên là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc đều bị quân ta bắt sống cùng 400 chiến thuyền và rất nhiều quân sĩ.
**Đại phá quân Nguyên:
Thoát Hoan nghe tin thủy quân của mình đã bị đánh tan, cả sợ vội dẫn bộ binh chạy về Tàu gấp rút.
Khi đến ải Nội Bàng, quân Nguyên bị quân của Phạm Ngũ Lão vây đánh, khiến các tướng Trình Bằng Phi, A Bát Xích, Aó Lỗ Xích, Trương Ngọc, Trương Quân phải lập thành một hàng rào bảo vệ Thoát Hoan tháo chạy.
Tướng Nguyên là Trương Quân cùng 3.000 quân đi bọc hậu, bị Phạm Ngũ Lão chém chết. Khi đến núi Kỳ Cấp, quân Nguyên lại bị quân Nam phục kích bắn tên như mưa, khiến hai tướng A Bát Xích và Trương Ngọc trúng tên chết cùng hàng ngàn quân sĩ, thây chất ngổn ngang.
Quân Thoát Hoan khi chạy được về Tàu, tổn thất đến 60%.
**
Tuy đánh thắng quân Nguyên 3 lần, nhưng triều đình nhà Trần biết mình là nước nhỏ, sẽ bị kiệt quệ nếu chiến tranh triền miên, nên tháng 2-1289 sai đưa bọn quan quân nhà Nguyên thua trận về nước. Duy có tên Ô Mã Nhi vì thấy là kẻ dũng mãnh rất lợi hại, mới phải tìm cách ám hại trừ hậu hoạn, bẻ gẫy nanh vuốt quân Nguyên.
Nhà Nguyên muốn động binh đánh nữa, nhưng do Nguyên Thế Tổ là Hốt Tất Liệt mất, Nguyên Thành Tông mới lên ngôi bãi việc binh, thông hòa với nước Nam.
**
**Văn tài Mạc Đĩnh Chi
Việc bãi binh này cũng có công lao do văn tài tuyệt luân của Mạc Đĩnh Chi, bấy nay chưa được sử sách nhận định đúng tầm mức.
Việt Sử Tiêu Án kể lại như sau:
'Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Nguyên, mừng vua Nguyên Võ Tôn mới lên ngôi.
'Đĩnh Chi người thấp bé, bị người Nguyên khinh bỉ. Trong phủ Tể tướng nhà Nguyên có bức trướng thêu chim sẻ vàng đậu trên cành trúc. Đĩnh Chi kéo con chim sẻ xuống xé nát ra, người Nguyên hỏi cớ sao? Ông nói: ''Cổ nhân có vẽ mai và tước, chưa thấy có vẽ trúc và tước (sẻ). Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, bức trướng thêu này để đứa tiểu nhân lên trên quân tử, nên tôi vì Thánh triều mà trừ mối tệ ấy đi.
'Đến khi vào chầu, có người nước ngoài dâng cái quạt, ông cùng sứ Triều Tiên phụng mệnh làm bài minh vào quạt. Sứ thần nước Triều Tiên làm xong trước có 4 câu 16 chữ. Đĩnh Chi trông thế bút viết, biết được bài của sứ Triều Tiên, liền theo ý mà làm phiên câu văn đi, lại dẫn thêm 3 câu ở trong truyện làm câu kết, được khen thưởng hơn, đủ biết ông có tài và mẫn tiệp, người Nguyên càng thêm kính phục.
'Bài minh của sứ thần Triều Tiên:
'Uẩn long trùng trùng, Y Doãn, Chu Công.
'Vũ tuyết thê thê, Bá Di, Thúc Tề.
(Nghiã là: Khi nóng bức thì quạt đắc dụng như Y Doãn và Chu Công. Khi mùa đông giá rét, thì quạt bị xếp xó, như Bá Di và Thúc Tề bị chết đói).
'Bài minh của Mạc Đĩnh Chi:
'Lưu Kim thước thạch địa vi lô, nhĩ ư tư thời hề Y Chu cự nho.
'Bắc Phong kỳ thê vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thời hề Di Tề ngã phu.
'Y, dụng chi tắc hành, xá chi tắc làng, duy ngã dữ nhĩ hữu thi phù.
(Ý phần trên cũng như bài của sứ Triều Tiên, có thêm đoạn chữ ở sách Luận Ngữ, ý là: Ai dùng ta thì ta làm, ai không dùng ta thì ta để đó. Điều ấy chỉ mày với ta mới có được thôi.)
Bài của Mạc Đĩnh Chi hay hơn về câu này, mà lại được là chữ sách có nhân, dùng rất đắt.
Chúng tôi thiển nghĩ nhà Nguyên còn kính phục Mạc Đĩnh Chi ở bài văn tế vị công chúa, được truyền tụng như sau:
Vua nhà Nguyên qua mấy việc trên, muốn thử tài mẫn tiệp của Trạng nguyên Việt Nam họ Mạc, đã nhờ Mạc Đĩnh Chi đứng làm chủ tế, đọc văn tế khóc một vị công chúa mới mất.
Mạc Đĩnh Chi những tưởng triều đình Nguyên viết sẵn bài văn tế chỉ nhờ mình đọc, vì nếu nhờ mình viết thì phải cho biết một số điều về người quá cố. Nào ngờ đến khi đọc, dở bài văn tế ra, chỉ thấy viết có 4 chữ 'nhất'!
Không hề hốt hoảng, Mạc Đĩnh Chi liền đọc:
'Thanh thiên 'nhất' đóa vân
'Hồng lô 'nhất' điểm tuyết
'Thượng uyển 'nhất' chi hoa
'Giao trì 'nhất' phiến nguyệt
'Y!
'Vân tán!
'Tuyết tan!
'Hoa tàn!
'Nguyệt khuyết!
(Nghiã là nàng công chúa quá cố có vẻ đẹp thanh cao như một đóa mây trắng trên bầu trời xanh, nhan sắc kiêu kỳ như một điểm tuyết trong lò lữa, kiều diễm như một đóa hoa duy nhất trong vườn thượng uyền, vằng vặc như trăng soi trên ao. Than ôi! Nay mây kia đã trôi! Tuyết kia đã tan! Hoa kia đã tàn! Trăng kia đã khuyết!)
***
Tháng 4-1289 nhà vua mới định công tội, ban khen người có công, sai văn thần ghi chép công trạng của các tướng thành sách 'Trung Hưng Thực Lục', lại sai họa sĩ vẽ tranh các tướng để treo ở gác công thần.
Thượng Hoàng sai đốt cái tráp đựng biểu hàng giặc của một số quan để tha tội. Chỉ những ai theo giặc chống lại triều đình mới bị trị tội, nhẹ bị đày, nặng mới bị xử tử.
Định công tội xong, Thái Thượng Hoàng ra phủ Thiên Trường tu, đến năm 1290 mới mất.
Vua Trần Nhân Tôn làm vua đến năm 1293, thì nhường ngôi cho thái tử Trần Thuyên, lên làm Thái Thượng Hoàng.
Trần Thuyên là con trưởng của vua Nhân Tông, mẹ là Bảo Thánh hoàng thái hậu, sinh ngày 17-9 năm Bính Tí (1276), được phong làm thái tử tháng 2 năm Nhâm Thìn (1292), được truyền ngôi tháng 3 năm Qúy Tỵ (1293),
Thái tử Trần Thuyên lên ngôi là vua Anh Tông, lấy niên hiệu là Hưng Long. Buổi đầu nhà vua hay uống rượu, đêm thường lén ra ngoài đi chơi, có khi bị bọn vô lại xúc phạm.
Một lần nhà vua uống rượu say đến độ Thái Thượng Hoàng đến mà không tỉnh để ra đón, khiến vua cha tức giận trở về Thiên Trường. Khi vua Anh Tông tỉnh rượu, hoảng sợ chạy ra ngoài cung, gặp một người học trò là Đoàn Nhữ Hài, nhờ làm một bài biểu tạ tội. Nhữ Hài qùy suốt đêm ngoài trời dâng biểu, khiến Thượng hoàng mủi lòng, mới dâng được biểu. Thái Thượng Hoàng xem biểu, thấy ý tứ lời lẽ tỏ ra chân thành hối hận, nên chỉ quở mắng rồi tha tội. Đoàn Nhữ Hài được ban cho chức Ngự sử Trung Tán.
Từ đấy nhà vua cũng cảm được ý tứ của bài biểu, dứt khoát không uống rượu nữa, trở thành một vị minh quân, từ bỏ những việc như không xâm mình, không mê tín dị đoan như các vua thời trước.
Trong triều lại được hai vị quan văn võ là Trương Hán Siêu và Phạm Ngũ Lão tài giỏi, hết lòng phò tá, nên thịnh trị.
**Việc Ai Lao:
Sau khi quân Nguyên thua chạy về Tàu, mặt Bắc tạm yên, thì ở phiá Tây Nam có quân Ai Lao thường vào Thanh Hóa, Nghệ An quấy nhiễu. Vua Nhân Tông thân chinh đi đánh mấy lần cả thắng, nhưng khi rút về quân Ai Lao lại qua quấy nhiễu. Chỉ đến khi Phạm Ngũ Lão cầm quân trừng phạt, giết lũ phiến quân Ai Lao rất nhiều, từ đó vùng Thanh Nghệ mới tạm yên.
**Việc Chiêm Thành và Huyền Trân Công Chúa:
Năm 1301 Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tôn qua Chiêm Thành xem phong cảnh, có hứa gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm là Chế Mân, nên ít lâu sau Chế Mân dâng hai châu Ô và Ri làm lễ vật. Vua Anh Tông thấy đổi người lấy đất có lợi mai hậu, mới thuận gả vào năm 1306.
Huyền Trân Công Chúa lấy Chế Mân chưa được một năm thì Chế Mân mất, Huyền Trân sẽ bị hỏa thiêu chết theo chồng, như phong tục của Chiêm Thành, nên vua Anh Tông sai Trần Khắc Chung mượn tiếng viếng tang, lập mưu đưa được Huyền Trân về nước.
Con Chế Mân là Chế Chí lên làm vua Chiêm, không giữ giao ước tiến cống hàng năm, nên năm 1311 vua Anh Tông đem binh hỏi tội, bắt Chế Chí đem về triều, phong cho người em Chế Chí là Chế Đà A Bào làm vua Chiêm. Chế Chí được phong làm Hiệu Thuận Vương, nhưng chẳng bao lâu thì chết ở Gia Lâm, gây ra thù oán giữa hai nước về sau.
Năm 1308 Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông mất.
Năm 1314 vua Anh Tông nhường ngôi cho Thái tử Mạnh, làm Thái Thượng Hoàng rồi mất năm 1320. Nhà vua trị vì được 21 năm, nhường ngôi được 6 năm, hưởng thọ 54 tuổi.
**Đức thánh Hưng Đạo Vương:
Năm 1300 Hưng Đạo Vương qua đời, được nhà vua sai lập đền thờ ở Vạn Kiếp, nơi tư dinh cũ của ngài.
Hưng Đạo Vương làm quan đến đời vua Anh Tông mới xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Khi ngài sắp mất, vua Anh Tông đến thăm hỏi việc quốc sự, ngài phân tích:
'Nước ta thuở xưa, Triệu Võ Vương dựng nghiệp, Hán Đế đem binh đến đánh, Võ Vương sai dân đốt sạch đồng áng, không để lương thảo cho giặc chiếm được, rồi đem đại quân sang châu Khâm, châu Liêm đánh quận Tràng Sa, dùng đoản binh mà đánh được, đó là một thời.
'Đến đời Đinh, Lê, nhiều người hiền lương giúp đỡ, bấy giờ nước Nam đang cường, vua tôi đồng lòng, bụng dân phấn chấn; mà bên Tàu đang lúc suy nhược, cho nên ta đắp thành Bình Lỗ (ở Thái Nguyên) phá được quân nhà Tống, đó là một thời.
'Đến đời nhà Lý, quân Tống sang xâm lăng, Lý Đế sai Lý Thường Kiệt đánh mặt Khâm, Liêm, dồn đến Mai Lĩnh, quân hùng tướng dũng, dó là có thế đánh được.
'Kế đến bản triều, giặc Nguyên kéo đến vây bọc bốn mặt, may được vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh, mới thắng được giặc kia, cũng là lòng trời giúp ta mới được thế.
'Đại để, kẻ kia cậy có trường trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với trường, phép dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm như gió như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị; thì ta nên kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến. Dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.
[Những lời bàn trên, rất đáng để chúng ta suy nghĩ, khi Trung Cộng đang âm mưu chiếm cứ đô hộ Việt Nam, bằng cách 'dần dà như tằm ăn lá...' mà Trần Hưng Đạo đã vạch ra?!]
Trần Hưng Đạo được vua phong làm Hưng Đạo Vương, được dân tôn làm Đức Thánh Trần, là do tài đức của ngài đã tạo nên công đức lớn cho cả quốc gia dân tộc, được ai nấy tri ân đời đời, lập nơi thờ phượng nhiều nơi trong nước từ bắc chí nam tới cả hải ngoại ngày nay, để làm gương sáng.
Xuất thân, ngài quên thù nhà để lo nợ nước, khi không theo lời cha là Trần Liễu để hãm hại vua nhà Trần.
Lúc cầm quân, ngài quên thân mình để lo việc nước, khảng khái chiến đấu đến cùng, không chịu cúi mình làm nô lệ cho ngoại bang, để cầu mong một kiếp sống đớn hèn.
Khi hưu trí, ngài vẫn tính kế giúp vua lo chuyện mai hậu, lưu lại sách binh thư và những lời khuyên vệ quốc đến nay vẫn đúng, cần phải nghiên cứu ứng dụng.
Do vậy mà Ngài được tôn làm 'Đức Thánh Trần', vinh danh như một vị cha của dân tộc:
'Tháng 8 giỗ Cha,
'Tháng 3 giỗ Mẹ.
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có một đoạn viết về Đức Thánh Trần như sau:
'Quốc Tuấn là con Yên Sinh vương, lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: Đứa trẻ này ngày sau có thể giúp nước cứu đời.
'Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. Yên Sinh vương trước đây vốn có hiềm khích với vua Trần Thái Tông, mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ về dạy Quốc Tuấn.
'Lúc sắp mất, Yên Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng: Con mà không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.
'Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải. Đến khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người gia nô can ông: Làm kế ấy tuy được phú quí một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay đại vương há chẳng đủ phú và qúy hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu. Chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi.
'Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người.
'Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con cả của ông là Hưng Vũ Vương: Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?
'Hưng Vũ Vương trả lời: Dẫu khác họ cũng còn không nên làm, huống chi là cùng một họ!
'Quốc Tuấn ngẫm cho là phải.
'Lại một hôm QuốcTuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa: Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.
'Quốc Tuấn rút gươm kể tội: Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra. Rồi định giết Quốc Tảng. Hưng Vũ vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha.
'Đến dây ông dặn Hưng Võ vương: Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã, rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng.
Câu chuyện cho thấy Hưng Đạo vương không chỉ rắp chí trung thành, mà còn sợ người thân tín xung quanh cậy công lớn của mình, nuôi ý phản vua hại nước hại dân, nên mới thăm dò tâm ý mọi người thân cận để trừ hậu họa.
Hưng Đạo vương còn sưu tập binh pháp nổi tiếng của các đời, soạn thành Bát quái Cửu cung đồ, đặt tên là 'Vạn Kiếp tông bí truyền thư', được Trần Khánh Dư viết tựa như sau:
'Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết.
Sách Thông Luận bàn rằng:
'Hưng Đạo cũng như Quách Tử Nghi (danh tướng đời nhà Đường), mà cảnh ngộ lại khó hơn. Là người họ nhà vua giữ binh quyền, bị tiếng ngờ vực. Có tài văn võ mà không dám cậy tài. Anh hùng lừng danh hai nước, mà không dám khoe công. Thế lực có thể lật núi lấp sông mà lúc nào cũng kính cẩn như có vua trước mặt. Xem đến các việc làm của ông, thì theo đại nghiã chứ không theo lời cha, chỉ biết có nước chứ không biết đến nhà. Bỏ cái nhọn sắt đầu gậy để đi hộ giá, rút gươm mà kể tội con, sự trung thành ấy tỏ như mặt trời. Ví với Quách Tử Nghi còn cao hơn một bậc.
Sử gia Trần Trọng Kim ca ngợi:
'Hưng Đạo vương thực là hết lòng với vua, với nước, tuy rằng uy quyền lừng lẫy, mà vẫn giữ phận làm tôi, không dám điều gì kiêu ngạo. Đang khi quân Nguyên quấy nhiễu, ngài cầm binh quyền, Thánh Tông, Nhân Tông cho ngài được chuyên quyền phong tước, tự tước hầu trở xuống, cho ngài được phong trước rồi mới tâu sau. Thế mà ngài không dám tự tiện phong thưởng cho ai cả. Phàm những người nhà giàu mà ngài có quyên tiền gạo để cấp cho quân ăn, ngài chỉ phong cho làm 'giả lang tướng' mà thôi, nghiã là tướng cho vay lương. Ngài cẩn thận như thế và ở với ai cũng thật là công chính, cho nên đến khi ngài mất, tự vua cho chí bách tính ai cũng thương tiếc. Nhân dân nhiều nơi lập đền thờ phụng để ghi nhớ công đức của ngài.
Sử gia Phạm Văn Sơn nhận định:
'Với Hưng Đạo vương, nghệ thuật đánh giặc là một chuyện, người làm tướng còn phải là nhà chính trị lỗi lạc. Và chính trị phải dựa vào chính sách thân dân cùng tinh thần dân chủ..
...
'Coi qua mấy nguyên tắc, ta thấy Hưng Đạo vương đã nghiên cứu rất kỹ lịch sử chiến tranh từ thượng cổ, giữa Bắc phương và chúng ta.
[Nhân đây chúng tôi muốn nêu một số chi tiết về Quan Vũ (? -219), là một vị tướng Trung Quốc cũng được phong thánh như Đức Thánh Trần Hưng Đạo của Việt Nam. Trong sách '100 Danh Nhân Trung Quốc' xuất bản năm 1992 của Chu Tích Minh - Trương Diễm Quốc, có phần viết về Quan Vũ như sau: 'Nói một cách công bình, loại chiến tướng kiêu dũng tương tự như Quan Vũ trong lịch sử Trung Quốc cổ đại nhiều vô số, huống hồ gì, bản thân Quan Vũ có không ít khuyết điểm... Thế mà dân gian Trung Quốc vẫn một lòng thờ kính Quan Vũ, đặt ra nhiều truyền thuyết tô vẽ về ông. Quan Vũ được gia công liên tục trở thành một đại anh hùng trung dũng tín nghiã. Địa vị của Quan Vũ từ 'hầu', 'công', 'vương' thăng lên tới 'đế'. Hai tôn giáo Đạo và Phật đều dùng nhân cách Quan Vũ để quyến dụ tín đồ, lấy võ dũng của ông ra trừ ma, đuổi qủy. Theo sách Sơn Đông Dân Tục, miếu thờ Quan Đế nhiều không kém miếu thờ Thổ Địa.]
Trần Mạnh là con thứ tư vua Anh Tông, mẹ là Chiêu Hiến hoàng thái hậu họ Trần, con gái của Bảo Nghiã Đại Vương Trần Bình Trọng, sinh năm Canh Tí (1300), được lập làm thái tử năm Ất Tỵ (1305), được truyền ngôi ngày 18-3 năm Giáp Dần (1314).
Thái tử Mạnh lên ngôi là vua Minh Tông, lấy niên hiệu là Đại Khánh. Năm 1324 đổi niên hiệu là Khai Thái.
Dưới triều vua Trần Minh Tông có nhiều quan văn võ tài đức như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn... nên đất nước được hưởng thái bình.
Duy Chiêm Thành hay sang quấy nhiễu, bị Phạm Ngũ Lão và Huệ Võ vương Trần Quốc Chân dẹp tan.
**Danh thần Phạm Ngũ Lão:
Tháng 11-1320, Điện Súy tướng quân Phạm Ngũ Lão mất, thọ 66 tuổi. Vua ra lệnh nghỉ chầu 5 ngày, đó là ân điển đặc biệt.
Ngũ Lão người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, châu Thượng Hồng. Lúc ông hơn 20 tuổi hàn vi, ngồi đan sọt bên đường, mải nghĩ việc quốc sự, bị quân hầu của Trần Hưng Đạo dẹp đường đâm thủng đùi mà không biết đau, vẫn ngồi suy nghĩ.
Trần Hưng Đạo thấy vậy mới quan tâm gọi tới hỏi han, cho là người kỳ tài, đem con gái nuôi gả cho, rồi ban chức lớn. Các tướng của Trần Hưng Đạo thấy thế tỏ ý không phục. Ngũ Lão xin về nhà tập luyện, lấy cát đổ đầy hai ống quần rồi tập chạy nhảy, sau đó vào thi tài, đánh bại các tướng, mới khiến ai nấy nể phục.
Tuy là võ tướng, nhưng Ngũ Lão rất thích đọc sách. Ông là người phóng khoáng, có chí lớn, thích thơ văn mà ít để ý đến binh bị, nhưng lại là vị tướng tài đức lớn. Đội quân của ông chỉ huy, thực là đội quân phụ tử, ai nấy coi nhau như cha con, hễ đánh là thắng.
Ông huấn luyện quân đội rất kỷ luật, đối đãi với quân sĩ như người nhà, đồng cam cộng khổ với binh sĩ, nên tiến quân đến đâu không giặc nào địch nổi. Tất cả chiến lợi phẩm thu được đều sung vào kho quân, coi của cải như không, là bậc danh tướng của một thời vậy.
Bà thứ phi của vua Anh Tông tên hiệu là Tĩnh Huệ, con gái của Phạm Ngũ Lão, trước đã xuất gia. Sau khi vua Anh Tông băng, bà trở về quê hương. Một hôm lên chùa Bảo Sơn xã Phù Ủng, bà than rằng: 'Chùa này do cha ta dựng lên. Ta tuổi đã cao, làm nhà ở đây vừa có thể thờ vua lại vừa có thể cúng tổ tiên, trung hiếu vẹn cả đôi đường. Đó là sở nguyện của ta'.
Thế rồi bà sửa lại chùa đó, làm lại điện phiá bên đông chùa và làm nhà ở phiá đằng sau để cúng lễ Tổ tiên + Phật + Thần thánh. Khi làm xong, Thượng hoàng ngự đến thăm, ban cho biển ngạch để biểu dương lòng hiếu kính của bà.
**
**Đức lớn của vua Trần Minh Tông
Minh Tông vốn là ông vua có lòng nhân hậu, yêu thương dân, nhưng vì nghe lời nịnh thần đã giết lầm một vị đại thần là Huệ Võ vương Trần Quốc Chân.
Trần Quốc Chân là thân sinh hòang hậu, có công đánh Chiêm Thành, chỉ vì hoàng hậu không có con trai, bị Trần Khắc Chung vu tội muốn làm phản mà bị giết. Sau dó mới được minh oan.
Minh Tông làm vua đến năm 1329, thì nhường ngôi cho Thái tử Vượng, lên làm Thái Thượng hoàng.
Minh Tông là một vị vua thông minh, phóng khoáng và thức thời rất mực. Khi nhà vua nối ngôi đã lâu, mẹ đích mới sinh con trai. Hôm người con ấy đầy năm, thì Thượng hoàng Anh Tông đi tuần ở biên giới vắng, mọi việc do Minh Tông quyết định. Có người xin làm lễ theo tư cách thế tử. Các quan còn nghi ngại thì Minh Tông bảo họ: 'Còn ngại gì nữa. Trước đây vì con đích trưởng chưa sinh, nên ta ở tạm ngôi này. Nay đã sinh rồi, thì đợi khi lớn lên, ta sẽ trả lại ngôi vua chứ khó gì'.
Minh Tông từng dạy các hoàng tử rằng: 'Con nào mà dốc sức mưu tính sản nghiệp, keo sẻn làm giàu thì không phải con ta. Nếu quả làm chuyện đó, thì chẳng thà phân tán hết của cải cho nghèo đi còn hơn. Vì như vậy dẫu không tránh khỏi túng thiếu, vẫn còn là hành vi của bậc qúy nhân."
Các quan triều thần như Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn xin vua canh cải chế độ, Minh Tông nói: 'Nhà nước đã có phép tắc riêng, nam bắc khác nhau; nếu nghe kế của bọn bạch diện thư sinh tìm đường tiến thân, thì sinh loạn ngay'.
Khi Minh Tông bịnh, triều đình muốn lập đàn chay cầu xin cho vua khỏi bịnh, nhà vua biết chuyện cho là nhảm nhí cấm làm.
Hiến Từ thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho nhà vua khỏe lại, Minh Tông thưa: 'Thân ta không thể lấy con heo, con dê mà đổi mạng được'.
Khi bệnh đã trầm trọng, nhà vua cho gọi các quan thái y là Trâu Canh, Vương Định, Phạm Thế Thường vào xem mạch. Quan Thái y Trâu Canh nói mạch phiền muộn, nhà vua liền ứng khẩu một bài thơ để châm biến Trâu Canh vì vị thái y này thường mê tín dị đoan rất mực:
'Chẩn mạch hưu luân phiền muộn đa,
'Trâu công lương tễ yếu điều hòa.
'Nhược ngôn phiền muộn vô hưu yết,
'Chỉ khủng trùng chiêu phiền muộn gia.
Nghiã là:
'Xem mạch chớ bàn nhiều muộn phiền,
'Ông Trâu tìm thuốc cắt cho yên.
'Nếu còn nói mãi phiền cùng muộn,
'Chỉ khiến càng tăng phiền muộn thêm.
Khi biết bệnh nặng, Minh Tông không uống thuốc, nói: 'Người ta ở đời bao nhiêu khổ não. Nay ta thoát được khổ não này, ngày khác lại phải chịu khổ não khác'.
Khi bệnh nguy kịch, nhà vua sai đốt bản thảo tập thơ ngự chế của mình, thấy cận thần do dự, ngài bảo: 'Thân đáng tiếc mà còn không thể tiếc được, tiếc làm gì thứ ấy'.
Và ngài nói lời cuối với các hoàng tử: 'Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc nào hay thì theo, việc nào dở thì lánh, cần gì phải cha dạy'.
Nhà vua lại dặn Hiến Từ thái hậu: 'Sau khi ta mất, hãy ở lại cung Thánh Từ, đừng vào núi đi tu. "
Thái hậu tuân theo lời dặn, không thụ giới nhà Phật..
Trần Vượng là con thứ của vua Minh Tông, mẹ là Minh Từ hoàng thái phi, sinh ngày 17-5 năm Kỷ Mùi (1319), được lập làm thái tử ngày 7-2 năm Kỷ Tỵ (1329), được truyền ngôi ngày 15-2 cùng năm.
Thái tử Vượng là con bà thứ, mới 10 tuổi lên làm vua, tức là vua Hiến Tông, lấy niên hiệu là Khai Hữu.
Trong suốt 13 năm làm vua, Hiến Tông không tự chủ được việc gì, vì quyền bính vẫn nằm trong tay Thái Thượng hoàng Minh Tông.
Dưới thời vua Hiến Tông có giặc Mường Ngưu Hống ở Đà Giang và giặc Ai Lao quấy nhiễu ở Thanh Hóa.
Do vua Hiến Tông còn nhỏ tuổi chưa thể điều quân khiển tướng, nên Thái Thượng hoàng Minh Tông đều thân chinh đánh thắng.
Hiến Tông làm vua đến năm 1341 thì mất, trị vì 13 năm, thọ 23 tuổi.
Trần Hạo là con thứ mười của vua Minh Tông, em của vua Hiến Tông, mẹ là Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu, sinh ngày 19-10 năm Bính Tí (1336), được lên ngôi ngày 21-8 năm Tân Tỹ (1341).
Vua Hiến Tông không có con, nên Thái Thượng hoàng Minh Tông lập người em tên Hạo làm vua, là vua Dụ Tông, lấy niên hiệu Thiệu Phong (1341- 1357), Đại Trị (1358 - 1369).
Trong thời Thiệu Phong, Thái Thượng hoàng Minh Tông nắm quyền hành quyết đoán mọi việc, nên tuy mùa màng thất bát, dân chúng đói khổ, triều chính vẫn ổn định.
Đến thời Đại Trị, khi Thái Thượng hoàng Minh Tông mất, các đại thần tài đức như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn cũng mất theo, bọn gian thần kết bè được vua Dụ Tông tin dùng, làm nhiều chuyện gian ác.
**Danh sĩ Trương Hán Siêu
Tháng 11-1354 Trương Hán Siêu mất. Hán Siêu người làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, phủ Trường Yên, là người chính trực, bài xích dị đoan, có tài văn chương và chính sự. Nhà vua chỉ gọi ông là thầy chứ không gọi tên. Ông từng soạn bài văn bia chùa Khai Nguyên ở Bắc Giang, nội dung tóm lược như sau:
'Chùa bỏ rồi lại dựng, đã chẳng phải ý muốn của ta. Dựng bia rồi khắc chữ, ta biết nói chuyện gì. Ngày nay thánh triều muốn truyền bá phong hóa nhà vua, để chấn hưng phong tục đang bị suy đồi, dị đoan đáng phải truất bỏ, thánh đạo nên được phục hưng. Làm sĩ đại phu, không phải đạo Nghiêu Thuấn thì không trình bày, không phải đạo Khổng Mạnh thì không trước thuật. Thế mà cứ bo bo lải nhải chuyện Phật, ta định lừa dối ai đây?"
**Danh sư Chu Văn An
Ông Chu Văn An đang làm quan tại triều, thấy nhiều tên gian thần bại hoại, dâng Thất Trảm Sớ xin chém đầu 7 tên gian thần không được, liền từ quan về núi Chí Linh mở trường dạy học.
Ông không chỉ là người tiết tháo, mà còn tài cao - học rộng - đức lớn; tuy không thể trực tiếp làm quan giúp đời, nhưng ông đã giúp nhiều học trò trở nên người tài đức, hữu dụng cho quốc gia dân tộc.
Chính khí của ông còn được lưu lại trở thành gương sáng mãi về sau, hun đúc thành nhiều thế hệ học sinh Chu Văn An hữu dụng từ bắc chí nam trong Thế kỷ XX - bản thân người viết là học sinh Chu Văn An từ bắc vào nam (1951 - 1958) nhờ tinh thần này mà đã cố gắng tu thân lập chí theo con đường của Ngài.
[Nhân đây, chúng tôi muốn nêu một vài nét về Bao Công (999 - 1062), tên thật là Bao Chửng, sống dưới thời Bắc Tống, có lòng dạ lạnh như băng, tâm địa như sông núi, tận trung báo quốc, nắm triều chính không thiên lệch, thanh danh vĩ đại vạn cổ không suy. Khi giữ chức Ngôn Quan, ông đàn hặc các nhân vật quyền thế nhất trong triều, từ hoàng thân quốc thích đến tể tướng. Ông từng 7 lần dâng sớ hài tội Trương Nghiêu Tá là bác của Trương Qúy phi, không sợ làm phiền đến vua Nhân Tông. Dân gian cho rằng đến bậc chí cao vô thượng của trần gian là Hoàng Đế, người tối cao nơi âm phủ là Diêm Vương cũng phải sợ ông. Hình tượng Bao Công được nghệ thuật quần chúng lẫn học giới ca ngợi, phổ biến đến mức không ai là không biết, hễ biết là ngưỡng mộ kính phục vô vàn. Đây là một nhân vật có thực mà thành huyền thoại rất hiếm có trong nhân quần.]
***
Vua Dụ Tông không còn bị ai can gián, rượu chè chơi bời phóng túng, cho người giàu có vào cung đánh bạc, bắt các quan thi uống rượu, ai uống nhiều được thăng thưởng hai trật!
Chính sự nhà Trần bắt đầu đổ nát, giặc nổi lên nhiều nơi trong nước, dân tình rất khổ sở.
-Với nước Tàu, do nhà Minh mới dẹp xong nhà Nguyên, nên tuy biết nước Nam suy nhược cũng chưa thể đem quân sang đánh, chỉ sai sứ đòi nước Nam triều cống như lệ cũ.
-Với nước Chiêm Thành, lúc đó có vua Chế Bồng Nga là một nhân vật vũ dũng, có tài dụng binh, thấy nước Nam suy yếu nên năm 1368 sai sứ sang đòi nước Nam trả đất Hóa Châu, đem quân đánh phá vào Thăng Long mấy lần.
Năm 1369 vua Dụ Tông mất, không có con nối ngôi, triều đình lập anh vua Dụ Tông là Cung Định vương lên ngôi, nhưng bị Hoàng Thái hậu lập người con nuôi của Cung Túc vương là Dương Nhật Lễ lên ngôi. Nhật lễ bỏ họ Trần, lấy lại họ Dương rồi giết luôn Hoàng Thái hậu và Cung Định vương, toan dứt nhà Trần để lập triều đại họ Dương.
Cung Tĩnh vương là người nhu nhược, đang ở kinh sư thấy vậy bỏ chạy lên Đà Giang. Nhờ các quan tôn thất nhà Trần hội binh giết được Dương Nhật Lễ, rước Cung Tĩnh vương về làm vua.
Trần Nghệ Tông
(1370 -1372)
Trần Phủ là con thứ ba của vua Minh Tông, mẹ là Minh Từ hoàng thái phi họ Lê, sinh tháng 12 năm Tân Dậu (1321), lên ngôi ngày 15-11 năm Canh Tuất (1370).
Trần Phủ Cung Tĩnh vương lên ngôi, là vua Nghệ Tông, lấy niên hiệu Thiệu Khánh.
Dương Nhật Lễ bị giết, mẹ Nhật Lễ chạy sang Chiêm Thành xin vua Chiêm là Chế Bồng Nga đem quân đánh nước Nam. Quân Chiêm vượt bể vào của Đại An, theo đường sông đánh chiếm Thăng Long, đốt cung điện, lấy hết châu báu, bắt nhiều con gái mới rút về. Vua tôi nhà Trần địch không nổi, phải về Đình Bảng.
Vua Nghệ Tông giao hết quyền bính cho Lê Qúy Ly, một người dòng dõi họ Hồ bên Tàu, nhiều đời qua nước Nam sinh sống, sau làm con nuôi ông Lê Huấn, mới đổi họ Hồ ra họ Lê. Lê Qúy Ly có hai người cô lấy vua Minh Tông. Một người sinh ra vua Nghệ Tông, một người sinh ra vua Duệ Tông, nên được tin dùng.
Năm 1372 vua Nghệ Tông truyền ngôi cho em là Kính, lên làm Thái Thượng hoàng.
Trần Kính là con thứ mười một của vua Minh Tông, em của vua Nghệ Tông, mẹ là Đôn Từ hoàng thái phi, sinh ngày 2-6 năm Đinh Sửu (1337), được lập làm thái tử tháng 4 năm Tân Hợi (1371), được truyền ngôi ngày 9-11 năm Nhâm Tí (1372).
Em vua Nghệ Tông là Kính lên ngôi, là vua Duệ Tông, niên hiệu Long Khánh.
Duệ Tông là người dũng cảm, thấy quân Chiêm Thành sang đánh phá hoài, quyết định mang quân đánh Chiêm Thành.
Năm 1377 Duệ Tông thân chinh cầm quân đánh thẳng đến kinh thành Đồ Bàn của vua Chiêm, nhưng bị phục binh vây đánh, nhà vua tử trận, quân sĩ tan tác. Lê Qúy Ly và Đỗ Tử Bình không cứu được vua, bỏ chạy về.
Trần Hiện là con trưởng của vua Duệ Tông, mẹ là Gia Từ hoàng thái hậu, họ Lê, sinh ngày 6-3 năm Tân Sửu (1361), được lên ngôi ngày 13-5 năm Đinh Tỵ (1377).
Thái Thượng hoàng Nghệ Tông lập con của Duệ Tông là Hiện lên ngôi, là vua Phế Đế, niên hiệu Xương Phù.
Sau khi giết được vua nhà Trần là Duệ Tông cùng nhiều quân sĩ nước Nam, vua Chiêm là Chế Bồng Nga đã liên tiếp đem quân sang đánh phá tận Thăng Long, vào các năm 1378, 1380, đến năm1382 Lê Qúy Ly và tướng Nguyễn Đa Phương mới phá được quân Chiêm.
Tháng 6-1383 Chế Bồng Nga lại đem quân sang đánh tận Thăng Long, khiến kinh thành trở nên chốn ra vào phá phách của quân Chiêm nhiều năm, đến độ nhà Trần không muốn sửa chữa nữa.
Lúc này tuy Nghệ Tông vẫn làm Thái Thượng hoàng để giữ việc triều chính, nhưng Lê Qúy Ly đã nắm hết quyền hành trong tay. Triều thần toàn là lũ xu nịnh Qúy Ly.
Vị đại thần còn lại là Trần Nguyên Đán cũng trở nên yếu hèn, xin về trí sĩ. Lúc vua Nghệ Tông đến hỏi việc quốc sự, Trần Nguyên Đán đã tỏ ra đớn hèn khi khuyên vua 'thờ nhà Minh như cha, yêu nước Chiêm như con'.
Nguyên Đán biết Qúy Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần, thay vì lo trừ hậu họa, lại kết làm thông gia với Qúy Ly. Nhờ vậy mà khi Qúy Ly tiếm quyền, chỉ có dòng họ Trần của Nguyên Đán được hưởng phú qúy mà thôi!
Vua Phế Đế thấy Thái Thượng hoàng Nghệ Tông quá tin dùng Lê Qúy Ly, mới bàn với các quan mưu trừ Qúy Ly. Qúy Ly biết chuyện, tâu với Nghệ Tông. Nghệ Tông liền giáng Phế Đế xuống làm Minh Đức đại vương, lập con út của Nghệ Tông là Chiêu Định vương lên ngôi.
Sau Phế Đế cùng nhóm tướng sĩ mưu diệt Qúy Ly, đều bị Qúy Ly giết hết.
Trần Ngung là con út của vua Nghệ Tông, mẹ là Lê thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ (1378), lên ngôi năm Mậu Dần (1388).
Chiêu Định vương lên ngôi là vua Thuận Tông, niên hiệu Quang Thái.
Việc Qúy Ly chuyên quyền giết vua Phế Đế, khiến nhân sĩ nhiều nơi bất nình, nổi lên chống đối: Thanh Hóa có Nguyễn Thanh xưng là Linh Đức Vương. Nông Cống có Nguyễn Kỵ xưng là Lỗ Vương. Quốc Oai có nhà sư Phạm Ôn chiêu binh đánh về kinh đô, chiếm giữ 3 ngày mới rút binh về. Sau nhờ có tướng Hoàng Phụng Thế đang đóng quân ở Hoàng Giang đem binh về bắt Phạm Ôn, dẹp yên giặc.
Năm 1389 Chế Bồng Nga lại đem chiến thuyền đánh Thăng Long. Thái Thượng hoàng Nghệ Tông sai tướng Trần Khát Chân đem binh ứng phó. Năm 1390 nhờ có một tướng hầu cận của Chế Bồng Nga làm phản, sang đầu hàng chỉ chiến thuyền nơi Chế Bồng Nga ở. Trần Khát Chân tập trung hỏa lực bắn tan chiến thuyền đó, khiến Chế Bồng Nga trúng đạn chết. Quân Chiêm mất quốc vương, bỏ chạy. Tướng của Chiêm Thành là La Khải chạy thoát về Chiêm, nhân đó chiếm ngôi, khiến hai con của Chế Bồng Nga phải chạy sang nước Nam xin hàng, được phong tước hầu và cho lưu cư.
Từ khi giết được Chế Bồng Nga, dẹp yên giặc Chiêm Thành, Lê Qúy Ly ngày càng cậy quyền, xúi Thượng hoàng giết hết những ai ngầm chống đối, đưa người phe cánh của mình vào triều nắm giữ hết các chức vị quan trọng. Ai dâng sớ can ngăn, đều bị Thượng hoàng đưa cho Qúy Ly xem, để Qúy Ly sát hại, nên chẳng còn ai dám chống đối nữa.
Cuối năm 1394 Thái Thượng hoàng Nghệ Tông mất, trị vì 3 năm, làm Thái Thượng hoàng 27 năm, thọ 74 tuổi.
Xét ra chính Nghệ Tông quá tin Qúy Ly, mới khiến cơ nghiệp nhà Trần bị mất về tay Qúy Ly vậy.
Nghệ Tông mất, Qúy Ly lên làm quan Phụ Chính thái sư, chấn chỉnh nhiều việc theo ý riêng của mình.
Năm 1396 Qúy Ly bắt vua Thuận Tông phải dời đô về Thanh Hóa, lập Tây Kinh, để dễ bề thoán đoạt.
Tháng 3-1397 Qúy Ly bắt vua Thuận Tông đi tu tiên, nhường ngôi cho con là Án.
Trần Án là con trưởng vua Thuận Tông, mẹ là con gái Hồ Qúy Ly, hiệu Khâm Thánh hoàng thái hậu, sinh năm Bính Tí (1396), lên ngôi ngày 15-3 năm Mậu Dần (1398).
Qúy Ly lập thái tử Án lên ngôi khi mới 3 tuổi, là vua Thiếu Đế, niên hiệu Kiến Tân.
Qúy Ly sai người giết Thuận Tông, để lên làm vua.
Một số tôn thất nhà Trần còn lại như Trần Nguyên Hãng, Trần Khát Chân cùng nhiều người mưu diệt Qúy Ly, nhưng cơ sự bại lộ, bị bắt giết tổng cộng 370 người.
Sau khi giết hết các công thần nhà Trần cùng những người muốn phục hồi nhà Trần, Qúy Ly xưng là Quốc Tổ chương hoàng, phế bỏ vua Thiếu Đế, tự xưng làm vua thay nhà Trần.
Nhà Trần làm vua 175 năm, với 12 đời vua, có công lớn trong việc giữ nước trước cuộc xâm lăng của quân Nguyên, mở nước về phiá Nam lấn đất Chiêm Thành.
Triều đình nhà Trần cũng chấn chỉnh việc nội trị, phát huy văn hóa, để lại nhiều thành quả tốt đẹp lưu truyền về sau.
**Ngô Sĩ Liên:
'-Tam Đại xưa lấy được thiên hạ là vì lòng nhân. Cho nên những vua có đức lớn mà không làm nhiều việc ác quá lắm thì trời chưa bao giờ vội dứt bỏ họ. Nhà Hạ nếu không có Kiệt, nhà Thương nếu không có Trụ, thì việc truyền ngôi hẳn cũng chưa hết. Xem như cuối đời nhà Chu, các nước chư hầu cưỡng bức, tiếm lấn mà ngôi chính thống vẫn truyền nối mãi không dứt. Đó là do nhân sâu & ơn dầy của tổ tông để lại mãi đến đời sau vậy. Họ Lý được nước không kém gì Tam Đại, truyền nối nhiều đời, đến Huệ Tông không có con trai, lại mắc bệnh tật, chắc là ơn trạch của tiên vương đến đây là hết rồi, cho nên họ Trần mới có thể lấy được nước. Đã lấy nước của người ta, lại giết vua của người ta, thì thực bất nhân quá lắm. Sau này Trần Phế Đế phải thắt cổ chết, Nguyên quân bị giết, mình làm thế nào thì phải chịu thế ấy, đạo trời là như vậy đó. Dù không có lời nguyền rủa của Huệ Tông, cũng tin là phải thế. Thủ Độ coi việc đó là hết lòng trung lo việc nước, nhưng có biết đâu thiên hạ đời sau đều chỉ mặt gọi là giặc giết vua, huống chi còn làm thói chó lợn.
'-Giặc Nguyên vào cướp là nạn lớn của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bày tôi họp bàn, há lại không có kế gì chống giặc, mà phải đợi ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, cùng để dân chúng nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ dược cái nghiã người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy.
'-Thánh Tông nối nghiệp Thái Tông, giữa chừng gặp tai họa giặc cướp, đã ủy nhiệm tướng thần, cùng với Nhân Tông chung sức, cùng nhau vượt qua, khiến cho thiên hạ đã tan lại hợp, xã tắc đã nguy mà lại yên, suốt đời Trần, không còn nạn xâm lược của giặc Nguyên nữa. Công lao ấy to lớn lắm.
'-Nhân Tông trên thờ Từ Cung làm sáng đạo hiếu, dưới dùng người giỏi, lập nên võ công. Nếu không có tư chất nhân, minh, anh, võ, thì sao được như thế? Chỉ có một việc xuất gia là không hợp đạo trung dung, là cái lỗi của bậc hiền giả.
'-Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm Ngũ Lão thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, không chỉ chuyên về nghề võ, thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, đã tấn công là chiếm được, người xưa cũng không một ai vượt nổi các ông. Lê Phụ Trần (tức Trần Bình Trọng) thì dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong trận giặc, tùy cơ ứng biến, chống đỡ cho chúa trong lúc gian nguy; mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo thái tử. Đủ biết, nhà Trần dùng người vốn căn cứ vào tài năng của họ để trao trách nhiệm.
'-Gốc của thiên hạ là ở nước, gốc của nước là ở nhà, gốc của nhà là ở mình. Có dạy được người nhà mình thì sau mới có thể dạy người trong nước. Đời Đường Ngu thịnh trị chẳng qua cũng là như vậy. Kinh Thư ca ngợi Đế Nghiêu dẫn dắt muôn dân bỏ ác làm thiện, đi tới thịnh trị, thì hẳn là vì trước hết ông biết thân yêu họ hàng, cũng tức là đã thực hiện giáo hóa bắt đầu từ trong nhà vậy. Tôi đọc sử chép về Anh Tông, thấy nhà vua không ngần ngại sửa bỏ lỗi lầm, kính cẩn thờ phụng cha mẹ, hòa mục với họ hàng, truy tôn tổ tiên để làm hậu, chu đáo trong cúng tế, trân trọng trong tang lễ, đều là phải đạo. Trong nhà đủ làm khuôn phép, người ngoài bắt chước theo, cho nên trên thì Nhân Tông khen là hiếu, dưới thì Minh Tông tuân khuôn phép. Nước trở nên văn minh, dân tới chỗ giàu thịnh. Như thế chẳng phải là hiệu quả trị nước vốn gốc ở tu thân tề gia là gì? Dù lời khen trong Thi Thư cũng không hơn thế.
'-Cái đức của vua Minh Tông mà nên được, tuy là do thiên tư tốt đẹp, cũng còn do sức dạy bảo của vua cha. Khi vua ở Đông cung, đang tuổi ấu thơ, có lần nghịch làm hư chiếc giá đèn bằng tre, Anh Tông đòi xem, sợ không dám dâng. Hôm khác vào hầu tẩm điện, Anh Tông đang rửa mặt, nhân hỏi đến trò nghịch cũ, Anh Tông giận lắm, cầm ngay cái chậu rửa mặt ném vua. Vua nấp vào cánh cửa tránh dược, chậu rơi trúng cánh cửa vỡ tan. Được sự răn dạy nghiêm ngặt như vậy, cho nên tài đức của vua do đấy mà nên, và cả các con cũng đều có tài nghệ cả.
'-Dụ Tông bị ngã xuống nước suýt chết duối, được Trâu Canh chữa khỏi, nhưng bị chứng liệt dương, chẳng lẽ không biết là mình sẽ không có con hay sao? Nhật Lễ là con đứa làm trò, chẳng lẽ lại không biết nó không phải là con của Dụ hay sao? Huống chi các con của Minh Tông đều có tài nghệ cả, nếu nghĩ tới xã tắc làm trọng thì chọn người nào có tài đức lập làm thái tử để yên lòng mong đợi của thiên hạ, như thế gốc nước sẽ được vững bền. Đã không biết làm như thế, đến khi ốm nặng không bàn với Thái hậu tính kế vì xã tắc, lại xuống chiếu gọi Nhật Lễ vào nối đại thống để cho mình bị tuyệt tự, mà sau khi chết còn vạ lây đến Thái hậu Hiếu Từ và Thái tể Nguyễn Trác. Nếu không có Nghệ Hoàng và các vi tôn thất khác thì quốc gia đã không còn là của nhà Trần nữa rồi. Vua biết tôn trọng thầy dạy, nhưng lại không bàn việc nước với thầy. Vì thế bậc hiền năng không nên chỉ để làm vì. Chu An đi rồi, không còn ai bảo ban vua đạo hay lẽ phải nữa. Đó thực là ''không tin bậc nhân hiền thì nước trống rỗng như không có người'' vậy.
'-Người hiền được dùng ở đời, thường lo vua không thi hành những điều sở học của mình. Vua sử dụng người hiền, thường lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên vua minh - tôi hiền gặp nhau, từ xưa vẫn là rất khó. Những nhà nho nước Việt ta được vua dùng ở đời không phải không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú qúy, kẻ thì về hùa với bọn xấu, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nên đức tốt, cho dân được nhờ ơn... Bấy giờ Lê Quát cũng muốn làm sáng đạo thánh hiền, gạt bỏ dị đoan, nhưng rút cục vẫn không thực hiện được. Ông từng làm bài văn bia chùa Thiệu Phúc ở Bắc Giang như sau:
'Thuyết họa phúc nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế? Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dẫu đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gấm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở, tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư. Đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng. Ta thuở trẻ đọc sách, để tâm khảo xét xưa nay, cũng hiểu sơ sơ đạo của thánh nhân để giáo hóa dân chúng, mà rốt cuộc vẫn chưa được một hương tin theo. Ta thường dạo xem sông núi, vết chân trên khắp nửa thiên hạ, đi tìm những ''Học cung'', ''Văn miếu'' mà chưa hề thấy một ngôi nào! Đó là điều khiến ta vô cùng hổ thẹn với tín đồ nhà Phật. Nay viết ra đây để tỏ lòng ta.
'-Kẻ sĩ lúc bé đi học, là muốn biết những điều mình sẽ làm; lớn lên đi làm, là làm những điều mình đã học... Đình Thám được như vậy đó. Huống chi gặp thời buổi tiếm vị, cướp ngôi, lại biết tự giấu mình để tránh quyền vị, thì thực đáng gọi là kẻ sĩ, đáng coi là không phụ với học vấn của mình vậy!
'-Bọn loạn thần tặc tử mà thực hiện được mưu kế của chúng, nguyên nhân không phải là một sớm một chiều. Việc đó có ngọn nguồn hình thành dần từ lâu rồi. Cho nên, thánh nhân phải nhận biết âm mưu đó từ sớm, và thận trọng phòng giữ như giẫm lên sương. Họ Hồ cướp ngôi nhà Trần chẳng những vì Nghệ Hoàng không thận trọng trước âm mưu của nó, mà còn vì chính mình đã gây ra đầu mối nữa.
'-Làm rõ điều nghiã mà không mưu lợi, làm sáng đạo lớn mà không kể công, đó là tấm lòng người qyân tử. Nguyên Đán là bậc đại thần cùng họ với vua, biết họ Hồ sắp cướp ngôi, cơ nghiệp nhà Trần sắp hết, thế mà không nghĩ đến việc vững vàng vượt qua gian nan, cùng vui cùng lo với nước; lại đem con mình gửi gấm cho họ Hồ để làm kế về sau. Thế là mưu lợi mà không nghĩ đến nghiã, bỏ đạo mà chỉ tính đến công, sao gọi là người hiền được? Hơn nữa, lúc ấy tai họa người Chiêm là việc cần kíp, mà lại bảo yêu Chiêm Thành như con, thờ nước Minh như cha, thì chỉ là câu nói tầm thường chung chung về đạo thờ nước lớn, yêu nước nhỏ, có bổ ích gì cho việc nước lúc đó? Tiếc rằng học vấn kiến thức của ông biết trước mọi điều, mà lòng nhân thì không giữ được!
'-Đạo của tiên thánh nếu không có Khổng Tử thì không ai phát huy được; hậu thánh sinh ra, nếu không có Khổng Tử thì không còn ai làm khuôn phép nữa. Từ khi có sinh dân đến nay, chưa có ai nổi tiếng hơn Khổng Tử, thế mà Qúy Ly lại dám khinh suất bàn về ngài thì thực là không biết tự lượng sức mình.
(Lời bàn trên của Ngô Sĩ Liên khi phê bình sách Minh Đạo của Hồ Qúy Ly gồm 14 thiên. Đại lược cho Chu Công là tiên thánh, Khổng Tử là tiên sư... cho sách Luận Ngữ có 4 chỗ đáng ngờ, như Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử, Khổng Tử bị hết lương ở nước Trần, Công Sơn, Phật Hất cho gọi, mà Khổng Tử đều muốn tới giúp... Cho Hàn Dũ là 'đại nho'; cho bọn Chu Mậu Thúc, Trình Di... tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo cóp nhặt văn chương người xưa...)
Sự việc cho thấy các đệ tử Nho Gia như Ngô Sĩ Liên là những kẻ chỉ đọc một sách, tin một sách... nên ai phê phán là bị đả kích ngay... chẳng khác gì bọn Cộng sản với Mác Lê ngày nay? Do vậy chúng ta khi chê cười bọn VC cũng nên tự xét mình xem có đi vào vết cũ của các Nho Gia và lý thuyết gia của bọn Cộng sản hay không?).
**Ngô Thời Sĩ:
'-Thủ Độ chỉ bị tiếng giết vua, mà nhà Trần phải chịu họa báo ứng: Vua Thái Tôn là con rể đã cướp nước còn giết cha vợ, sau này Qúy Ly đối với nhà Trần cũng là con rể mà cướp nước, lại còn là cha vợ mà giết con rể; sự hưng vong như giấc mộng, việc báo ứng như cái vòng tròn, ăn ở bất nghiã có ích gì đâu?
'-Mấy năm đầu vua Thái Tôn có tính tà dâm, đều do Thủ Độ xui bảo cả; đến mấy năm sau để ý học vấn, tấn tới được nhiều, lại càng nghiên cứu điển cố trong kinh sách, có làm ra sách ''Khóa Hư Lục'' mến cảnh sơn lâm, coi sinh tử như nhau, tuy ý hơi giống đạo Phật không hư, nhưng mà chí khí thì khoáng đạt sâu xa, cho nên bỏ ngôi báu coi như trút giầy rách thôi.
'-Vua Thái Tôn ở ngôi vua 21 năm, tính trung hiếu và nhân thứ, biết tôn người hiền, trọng đạo học, nhưng quá mê tín đạo Phật, không phải là thịnh đức của bậc Đế Vương.
'-Nhà Trần xử với tộc thuộc hòa vui không hiềm nghi gì, trong đạo vua tôi ở với nhau như người nhà, khi vô sự thì thơ từ xướng họa, vui vẻ hết đường; khi hữu sự thì đồng lòng góp sức, thân hơn chân tay, đó là phong tục tốt của đời ấy, ít ai theo kịp. Vua Thánh Tôn có tư chất nhân hậu, được môn học tâm tính; đã từng đọc qua Cơ Cừu Lục của vua biết được các bài tụng Đả Mã, Toàn Quy, có nghiã tinh vi nhập thần; ngoài ra câu nào cũng huyền diệu, chữ nào cũng thiết thực, không phải thâm đạo không làm được thế; cho nên gặp việc mà suy rộng ra đều là có thiên lý, hòa vui với anh em, có thể tưởng tượng được tấm lòng chí thành, nên mới có hiệu quả chống nổi giặc mạnh lúc bấy giờ, và sự dạy bảo thân yêu họ hàng còn để lại về sau, thật là vị vua hiền.
'-Quốc Tuấn có gia nô là Dã Tựợng và Yết Kiêu. Kiêu giữ thuyền ở bến đò Bãi, một mình Tượng theo ông đi; quan quân ta bị thất lợi, Quốc Tuấn muốn noi theo đường sơn cước mà tiến quân. Tượng nói: Kiêu chưa gặp vương, tất không nhổ thuyền đi nơi khác. Vội đến bến đò Bãi, quả nhiên còn độc một thuyền của Kiêu ở đó, Quốc Tuấn mừng lắm, nói: ''Chim Hồng và chim Hộc bay được cao, tất phải nhờ có lông cánh mạnh, nếu không thì chẳng khác gì chim thường'.
'-Trần Bình Trọng là con cháu vua Lê Đại Hành, làm quan với nhà Trần, được đổi họ tên từ Lê Phụ Trần thành Trần Bình Trọng, phong làm Bảo Nghiã Vương. Ông đánh nhau với quân Nguyên ở bãi Đà Mạc, thua bị bắt, quân giặc hỏi quốc sự, ông không trả lời mà nói ''Ta thà làm qủy nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc''. Ông bị giặc giết, vua được tin thương xót vô cùng.
'-Mỗi lần báo có tin quân Nguyên sang cướp, thì tất là Vua thân hành ra ngoài trông coi quân, khi đi đông đi tây, không đi nhất định đường nào; khi ở trên bộ, khi ở dưới nước, không đóng nhất định ở đâu. Đó không phải là nhát, mà là vua ở bên ngoài thì dễ hiệu triệu thiên hạ. Cổ lệ lòng hăng hái của quân sĩ, chư tướng thì tiện việc tâu xin mệnh lệnh, ba quân thì vui lòng xông pha, lính tráng đều là quân của nước, tiền của nhà giàu là của nước, có cơ hội nào thì cổ động quân sĩ xông vào trước, gặp tình thế không may thì tùy tiện mà chống giữ, khi tiến quân thì nhanh như chớp nhoáng, khi lui về thì như rồng rắn ẩn thân, giặc không biết đâu mà lường đặc được. Nếu chỉ nấp giữ ở trong thành, thì địch coi đó là sào huyệt, chúng sẽ chặn đường không cho vận lương đến, giữ viện binh không vào được, đến nỗi lương hết, lực cùng, chẳng nguy lắm sao? Có tin giặc đến mà vua lập tức đi ra ngoài, đó là kỳ kế liệu sức giặc và tính cách đánh giặc của nhà Trần.
'-Vua tôi triều Trần thân nhau như một, người ở xa không hiềm là xa mà kiêng kỵ; người ở gần không dám cậy gần vua mà khen chê bậy; lại biết kính lễ sĩ phu, nên các bậc nho có văn học tự trọng, phát huy phong tục tốt của cổ nhân.
'-Lúc quân Nguyên đến xâm lăng, trong bọn thần liêu nhiều kẻ đi lại biếu xén ở trại giặc, đến khi giặc tan, bắt được nhiều tráp chứa đầy tờ biểu xin đầu hàng. Thượng hoàng sai đốt tất cả đi, để yên lòng kẻ phản trắc. Duy có người đã đầu hàng thì tuy thân ở triều đình của địch, nhưng cũng tuyên xử tội lưu đầy hay tử hình, tịch thu điền sản; còn các quan quân và dân mà hàng giặc thì tha cho tội chết, chỉ bắt chuyên chở gỗ đá, làm cung điện để chuộc tội. Hai làng Ba Điểm và Bằng Hà khi giặc đến đã đầu hàng trước, thì bắt tội dân hai làng ấy phải làm tôi tớ, không được làm quan.
'-Sau khi thắng quân Nguyên Mông, vua đi chơi gặp gia đồng các nhà vương hầu, tất gọi tên đến hỏi: Chủ mày đâu? Vua răn bảo các vệ sĩ không được quát mắng những người ấy, vì khi có hoạn nạn xưa chỉ có lũ chúng ở lại, vua cảm công lao đã hộ tụng mà cho ân huệ đó. Khi nước rút thì bờ bến mới hiện ra, gặp vận cùng thì lòng tiết nghiã mới rõ rệt; khi vô sự và khi lâm nạn, hoàn cảnh khác mà lòng người thường thay đổi, mới biết những kẻ mồm mép sốt sắng không bằng người lão thực mà chuyên nhất. Hai lần đánh lui quân Nguyên, trèo non lội biển, gối giáo nằm sương, thật là công lao to lớn của chư thần, yêu người mà yêu lây cả chim quạ đậu nóc nhà, quen mặt nhớ tên, gặp ở đường cũng ân cần thăm hỏi, có tình chủ bộc thân yêu nhau. Vua Nhân Tôn như thế thật là khoan hậu.
'-Điều Ngự (tên vua Nhân Tôn khi xuất gia) trút áo rồng, bỏ ngai vàng mà thế phát tu hành ở trên núi, tịch tĩnh mà chứng được chân thừa dứt trần tục, thành được bậc chính giác; cùng Pháp Loa có duyên từ mấy đời, ngay lúc mới gặp nhau ở Nam Sách rồi cho tên là Thiện Lai, đi theo thụ giới và thuyết pháp, tham thiền vãng cảnh ở các nơi Linh Sơn, Long Động, Sùng Nghiêm, Vân Mộng, thoát hết phiền não mà đến cõi thanh tĩnh, giữ được phẩm hạnh cao, ngộ được chân lý, hết thẩy vinh hoa phú qúy ở đời không vật gì làm cho động tâm. Thế nên vua Nhân Tôn xuất gia lên núi, vui về sự hóa thân ở am Ngọa Vân, Pháp Loa thì quên hết thế lợi di chúc, hỏa hòa rồi mới tâu vua biết, người đời đều khen là đạo đức cao mà tin lòng. Vua Anh Tôn cũng phải kính trọng mà không nỡ bắt tội.
[Vua Nhân Tôn khiến chúng ta liên tưởng tới ngài Huệ Năng (638 - 73) đời Đường, Trung Quốc. Huệ Năng đã Trung Quốc hóa Phật Giáo, qua việc kiến lập Thiền tông, lý luận khác với Phật Giáo Ấn Độ, thích hợp với người Trung Quốc hơn; khiến nhiều tư tưởng gia Nho học lúc đầu cực lực phản đối Phật Giáo, cuối đời quay về với Phật. Cụ thể như Lý Cao là học trò Hàn Dũ, dùng lý luận của Thiền Tông viết 3 chương 'Phục Tính Thư', đem khái niệm 'Bản tâm thanh tĩnh' của Thiền tông phối hợp với khái niệm 'Tính thiện luận' của Nho gia, hợp thành 'Tân Nho Học'. Do vậy cống hiến sáng tạo của Huệ Năng có một số điểm giống với việc làm của vua Nhân Tôn.]
'-Lúc nhà Trần đương thịnh, mỗi lần quân Nguyên sang là bị thua kéo về; đến lúc nhà Trần suy, mỗi lần quân Chiêm đến, cướp bóc no chán rồi về; quân Nguyên là giặc mạnh, quân Chiêm là mán rợ nhỏ, sao nhà Trần đối với quân Nguyên thì mạnh thế, đối với quân Chiêm thì yếu thế, chẳng qua là tại người cả. Vua Nghệ Tôn nhút nhát, không được bằng vua Nhân Tôn có hùng tài; mà bầy tôi càng kém nữa, không bàn mưu kế với ai được, không giao phó biên giới cho ai được, cửa biển không có quân tuần phòng, trên sông không có đồn canh giữ, quân giặc đến thì mê man, quân giặc đi thì lại cô tức; thậm chí đem cả tượng thần chạy đến An Sinh, đem hết của báu giấu ở Thiên Kiện, không kế gì để tự thủ, thấy giặc đi làm mừng. Nếu mà Chế Bồng Nga chưa chết, không biết nhà Trần lúc ấy chống đỡ bằng cách nào? Tử Bình giỏi về nghề ăn cắp vàng, không biết trù liệu việc binh; Quý Ly giỏi về cách ăn cắp nước, không biết cách làm tướng. Đáng than phiền cho thời vận và nhân tài khi bấy giờ nhiều lắm!
'-Vua Nghệ Tôn già lẫn quá lắm. Trước kia đã nhường ngôi cho con, lại lập cháu làm vua, không coi ngôi vua là của riêng, lòng đó sao quang minh thế. Đến khi tuổi già, mê hoặc về câu ''bán con - nuôi cháu'', chia ra khinh và trọng trong chỗ con và cháu, không nghĩ rằng ''xã tắc là trọng, người nào hiền đức thì lập lên'', còn phân biệt con với cháu làm gì. Vả lại trong hàng con vua Nghệ Tôn, duy chỉ Trang Định lớn tuổi mà hiền đức, Qúy Ly vẫn sợ xưa nay, thanh ngôn rằng tất phải lập ông ấy làm vua, để cho ông có lời từ chối. Ông đã từ chối rồi, liền khen ông là đại đức, để ngăn ý Nghệ Tôn không định kiến gì, lầm tin sự giả dối của nó làm cho thật. Lão già 60 tuổi, trao ngôi vua cho đứa trẻ 10 tuổi; gửi con nhỏ cho quạ già, mà dặn nó ''Đừng ăn thịt con ta, đừng phá hủy nhà ta'', không biết rằng con quạ già có tin được đâu. Than ôi! Lòng người muốn làm mất nước của người ta, tất phải làm hôn mê trí lự của kẻ đương cục, như có vật gì che mắt đi, người đứng xem bên ngoài tuy có sáng suốt, nhưng vì hoàn cảnh dở dang trái ngược, không làm gì được, nên mới đến nỗi thế đó.
'-Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, gặp vận nước không may, chỉ lấy sự rút lui để toàn thân cho là đắc sách. Biết chơi thắng cảnh ở động Thanh Hư, mà không hỏi đến xã tắc ở Thiên Trường an hay nguy; chỉ mưu tính cho anh em Mộng Dữ, mà không nhìn đến cha con vua Nghệ Tôn được lợi hay bị hại. Đến khi vua hỏi đến hậu sự, cũng không nói rõ; mà không biết rằng Qúy Ly đã không che chở gì cho mình, thì sao còn đưa Mộng Dữ gửi nó? Một khi vua mất nước, bày tôi an toàn một mình thế nào được? Lời răn dạy của cổ nhân đúng lắm.
'-Vua Nghệ Tôn lúc trước lầm cho rằng Qúy Ly là người gửi con cháu được, đến lúc mất hết quyền, mới biết là trúng kế của nó. Đến năm tàn sắp chết mới tỉnh ngộ, xem trong đồng tính, vây cánh tôn thất không có ai; xét ngoài triều thần, thân đảng của tên gian thần đã bền chắc, không còn làm sao được. Hối thì đã muộn! Cho nó bức tranh Tứ Phụ, là mong còn kéo lại phần nào chăng? Câu nói ''khả phụ, khả thủ'', mặc nó muốn sao thì làm, chứ có phải thật bụng mong nó giúp vua như 4 vị ở trong bức tranh đâu. Đến chuyện nhà Trần lấy vợ người cùng họ, là răn sợ bị họ ngoại lấy mất nước như nhà Lý, thế mà con cái họ Hồ vào làm phi tần nhà Trần sinh 2 vị vua, để làm cái mầm cho Qúy Ly nắm quyền. Con gái họ Trần gả cho họ Hồ, sinh một cháu ngoại, để làm câu nói cho Hồ Hán Thương xin quyền nhận việc nước. Thật là trời mượn việc đó mà làm nhà Trần mất nước, báo thù cho vua Lý Huệ Tôn, con tạo xoay vần khéo đến thế!
**Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái:
'Văn học và võ công nhà Trần:
'Thượng hoàng phút đã từ trần,
'Thái Tông tuổi mới đến tuần mười hai.
'Cao minh đã có tư trời,
'Lại thêm Thủ Độ vẽ vời khôn ngoan.
'Sùng Văn tô tượng Khổng Nhan,
'Dựng nhà Quốc học, đặt quan Giám thần.
'Bảy năm một hội thanh vân,
'Anh tài náo nức dần dần mới ra.
'Trạng nguyên, bảng nhỡn, thám hoa,
'Kẻ kinh, người trại cũng là tài danh.
'Lại thi Thái học chư sinh,
'Lại thi Tam Giáo chia rành ba khoa.
Thân chinh trỏ ngọn thiên qua,
Chiêm nam, Nguyên bắc đều là dẹp tan.
**Trần Trọng Kim:
'-Nhà Trần làm vua nước Nam ta, kể từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế, với 12 ông vua, được 125 năm, công việc trong nước sửa sang được nhiều, chính trị luật lệ đều chỉnh đốn lại, học hành thi cử thì mở mang rộng thêm ra. Lại chống với nhà Nguyên giữ được giang sơn, lấy đất Chiêm Thành mở thêm bờ cõi, thật là có công với nước Nam. Nhưng chỉ có điều luân thường trong nhà thì bậy: cô cháu, anh em, trong họ cứ lấy lẫn nhau, thật là trái với thế tục.
'-Còn như cơ nghiệp nhà Trần xiêu đổ là tại vua Dụ Tông và vua Nghệ Tông. Dụ Tông thì hoang chơi, không chịu lo gì đến việc nước, mà lại làm loạn cả kỷ cương để đến nỗi dân nghèo nước yếu. Nghệ Tông thì không biết phân biệt hiền gian, để kẻ quyền thần được thể làm loạn, thành ra tự mình nối giáo cho giặc, tự mình làm hại nhà mình vậy.
Nhận định về Nhà Trần
Triều đại nhà Trần hưng vong trong 125 năm, 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất trên thế giới đương thời, là nhờ Vua sáng suốt & Tướng sĩ giỏi & Văn quan tài đức & Dân trí hào hùng... nên có rất nhiều bài học để chúng ta nghiên cứu, dùng làm kinh nghiệm phát triển Quốc gia & Dân tộc.
Chúng tôi xin căn cứ trên 3 yếu tố Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa, hầu có thể lần lượt phân tích các nguyên nhân thành bại.
**Về Thiên thời:
Có thể nói đời nhà Trần, các vị minh quân vào đầu triều đại này, khi cầm quyền đã sáng suốt khi nhận biết thời thế, đặt quyền lợi Quốc gia & Dân tộc lên trên Tam Giáo, nên chỉ lúc hoàn thành nghiã vụ tốt đẹp với Quốc gia & Dân tộc, các ngài mới vãn cảnh & tham thiền, dứt bỏ ngai vàng tu hành để tìm sự thanh thản cho tâm hồn sau bao lo toan vì trách nhiệm với Quốc gia & Dân tộc.
Nếu nhận xét kỹ sẽ thấy mặc dù tu theo Phật Giáo pha lẫn với Lão Giáo, các vị này vẫn chọn vùng đất Yên Tử là nơi vừa di dưỡng tinh thần, vừa có thể quan sát tình hình đất nước phiá bắc để phòng Bắc phương xâm lăng.
Việc khai sáng phái Trúc Lâm Yên Tử, có nội dung tu đạo mà vẫn lo chuyện Quốc gia & Dân tộc, cho thấy đạo hạnh của các vị minh quân đời Lý & Trần luôn đặt quyền lợi của Tổ Quốc trên tôn giáo, phát huy được truyền thống yêu nước thương nòi từ thời Lạc Long Quân & Âu Cơ (mà chúng tôi sẽ khai triển ở phần nghiên cứu về Nhân hòa của đời nhà Trần).
Có điều đáng trách là tuy đã nắm được thời cơ thay nhà Lý để cai quản đất nước, nhưng Trần Thủ Độ đã quá tàn ác với họ Lý, trở thành kẻ gian hùng đối với sử sách, khiến 125 năm sau, nhà Trần bị báo oán đúng như những gì Trần Thủ Độ đã làm với nhà Lý.
Ở đây cho thấy Đạo Trời công minh theo nhân sinh quan ''Trời Có Mắt'' của truyền thống Việt, quan niệm lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát, làm lành được lành, làm dữ sẽ bị báo oán.
Ngoài ra, trong chiến trận Trần Hưng Đạo còn biết lợi dụng thổ nhưỡng sinh ra những loại bệnh thời khí, chờ khi quân giặc không quen khí hậu ngã bệnh, mới thực hiện các cuộc phản công, đạt thắng lợi vẻ vang, mà lại ít hao tổn sức người. Đây có thể coi như môt thứ vũ khí vi trùng tự nhiên?
**Về Địa lợi:
Biết vận dụng lại chiến thuật của vua Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo đã tận dụng thủy triều của sông Bạch Đằng, và nhiều địa thế hiểm trở trên lãnh thổ ém quân phục kích đánh thắng bọn hung đồ phương Bắc.
**Về Nhân hòa:
Nghiên cứu kỹ yếu tố Nhân hòa, chúng ta sẽ thấy nhà Trần đã biết tuân thủ truyền thống Rồng Tiên, vận dụng sức người một cách tốt đẹp thượng thừa, qua 3 yếu tố Nhân - Trí - Hùng:
*Yếu tố Nhân:
Lòng nhân của người Việt được thể hiện một cách thâm sâu qua lời dạy hình thành nghiã 'đồng bào' của Mẹ Âu Cơ xa xưa, khi khuyên 'Các con cùng bọc trứng (y khoa hiện đại gọi là noãn) của mẹ sinh ra, phải biết thương yêu đùm bọc nhau'.
Nói khác đi, Mẹ Âu Cơ đã lấy yếu tố huyết thống từ 'Lòng Mẹ' để kết hợp người Việt lại với nhau, đi tới cảnh giới ''tâm huyết'' để chung lo đại sự, trong khi bậc quân tử theo quan niệm về chữ nhân của Không Giáo dựa trên giáo dục đào tạo, chưa đạt đến cảnh giới cao nhất của chữ ''đồng'' qua quan điểm 'Quân tử hòa nhi bất đồng'?!
Triều đại nhà Trần được ca ngợi là vua tôi cùng họ hàng thân thiết với nhau rất mực, cùng nhau ăn uống vui chơi hòa đồng khi hết việc triều chính... nên sống chết luôn sát cánh bên nhau.
Khi quân Nguyên sang xâm lấn, nhà vua đã mở liên tiếp 2 hội nghị: Hội nghị Bình Than để lấy lòng quan quân, Hội nghị Diên Hồng để lấy lòng dân chúng; thu phục nhân tâm, hầu ai nấy một lòng hy sinh cho việc vệ quốc.
Lúc thắng rồi, nhà vua không hề quên công ơn chẳng những chỉ các vị tướng tá, mà ngay quân hầu hèn mọn của các vị này cũng được nhà vua thăm hỏi, ra lệnh cho quân túc vệ không được khinh thường.
Chỉ có triều đại nhà Trần mới không xảy ra việc giết hại công thần, là do vua tôi coi nhau như họ hàng, quan quân coi nhau như thủ túc.
Ngay với những kẻ hèn yếu sợ hãi theo giặc khi đất nước lâm nguy, cũng được nhà vua đốt bỏ hết các thư đầu hàng, không xét tội. Những kẻ manh tâm theo giặc cũng được tha tù đầy, chỉ bị bắt đi làm thợ tái thiết các đền đài bị chiến tranh hủy hoại mà thôi.
Tâm địa của các bậc đế vương cổ kim đông tây thường rất tàn bạo, gây ra những vụ giết hại các công thần, riêng các vị minh quân nhà Trần nhờ biết phát triển 'văn hiến Đồng Bào Việt Nam' từ Mẹ Âu Cơ, mà trở thành gương sáng mãi mãi cho mai hậu.
Văn hiến về chữ Nhân qua 'nghiã đồng bào' của Mẹ Âu Cơ Việt Nam, vẫn vàng vặc trong đời sống dân gian, khi người Việt là dân tộc duy nhất trên thế giới coi nhau như có liên hệ huyết thống, tùy theo tuổi tác, thân sơ mà gọi nhau lúc riêng tư là bác, là chú, là dượng, là cô, là dì, là anh ba, là em tư... gọi chung là 'bà con cô bác'....
*Yếu tố Trí:
Yếu tố Trí của người Việt đã được Lạc Long Quân thăng hoa thành 'Đức Trí', khi lấy sự dấn thân đem kiến thức của mình ra trực tiếp giúp Quốc gia & Dân tộc, đưa 50 người con xuống biển phát triển giang sơn, cùng ăn - cùng ở - cùng làm - cùng chiến đấu, thể hiện sự 'tri hành đồng nhất' trên cả 4 phương diện.
Lúc giặc đến, vua Nhân Tôn thay vì ở một nơi an toàn, đã đi khắp đó đây, di chuyển không biết mệt mỏi để nắm vững binh tình, trực tiếp ứng phó với các tình thế, nhanh chóng có các quyết định thích hợp. Đây chính là truyền thống 'văn hiến Dấn Thân Việt' có từ khi Lạc Long Quân cùng các con xuống biển lo xây dựng đất nước, chân lấm tay bùn theo cả nghiã đen lẫn nghiã bóng.
Sau năm 1975, rất nhiều những người cha Việt cũng dấn thân vượt biển, đưa con cái đến bến bờ tự do, tuân thủ 'văn hiến Dấn Thân' có trong máu huyết từ thời Lạc Long Quân, mà ít ai hay biết?
Nhìn vào văn võ bá quan dưới triều đại nhà Trần thời thịnh trị, chúng ta thấy:
-Các Văn thần như Mạc Đĩnh Chi chỉ dùng văn tài mà khiến nhà Nguyên kính nể, gác bỏ chuyện trả thù. Chỉ khi Thất Trảm Sớ của Chu Văn An không được nhà vua thực hiện, vị văn quan tài đức này từ quan, triều đình nhà Trần mới bị suy sụp do tin dùng bọn quyền thần tồi bại, mà mất nước về tay nhà Hồ.
-Các Võ tướng như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Bình Trọng... đều là những người văn võ toàn tài, biết bày trận - cầm quân - vung gươm đánh giặc - cũng như làm văn thơ đề cao chính khí. Trần Quốc Toản là hình ảnh của một Phù Đổng Thiên Vương, dù tuổi trẻ cũng tham gia đánh giặc giúp nước, nêu cao ý chí 'Phá cường địch - Báo hoàng ân'.
*Yếu tố Dũng so với Hùng:
Nếu phân tích các danh tướng Tàu, qua điển hình Ngũ hổ tướng của Lưu Bị, thì thấy các tướng bên Tàu hầu hết chỉ là các 'dũng tướng'; các nhân vật như Kinh Kha, Cao Tiệm Ly... chỉ là các dũng sĩ... chứ không thể là các bậc anh hùng. Bằng chứng là câu nói của Tào Tháo với Lưu Bị 'Trong thiên hạ chỉ có tôi với ông là anh hùng' - nhưng thật ra cả hai đều là gian hùng.
Nếu các vị tướng Tàu thường lấy việc trung thành với vua làm mẫu mực, thì Trần Bình Trọng dòng dõi Lê Đại Hành, đã theo giúp nhà Trần, khi được Thoát Hoan dụ hàng, đã nói một câu hùng khí ngất trời 'Thà làm qủy nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc'.
Đây chính là truyền thống anh hùng có từ thời các vua Hùng được ghi nhận nhắc nhở trong suốt 2.000 năm qua các cổ tích, trong khi Dũng chỉ là một yếu tố 'ắt có' chứ 'chưa thể đủ' để làm nên bậc anh hùng. Vì Dũng là sự tự hoàn thiện bản thân - giúp 'thành nhân'; còn Hùng ngoài việc 'thành nhân', còn phải 'thành công' khi dấn thân giúp ích không gây hại cho Quốc gia & Dân tộc.
Chữ 'Dũng' như quan niệm 'Phú qúy bất năng dâm - Bần tiện bất năng di - Uy vũ bất năng khuất' chỉ là những tính can đảm tốt cần có để thắng mình. Còn chữ 'Hùng' đòi hỏi không chỉ thắng mình mà còn phải thắng người. Điều kiện tiên quyết về chữ 'chiến thắng' của người anh hùng là phải đem lại 'thắng lợi' lớn cho quốc gia dân tộc, chứ không là 'thắng hại' - thắng mà chỉ lợi cho bản thân, phe phái... gây tai hại cho quốc gia dân tộc, như kiểu Cộng sản Việt Nam chiến thắng các năm 1954 ở miền Bắc và 1975 ở miền Nam; sau đó gây ra không biết bao điều ác hại cho Quốc gia & Dân tộc?!
Do vậy những 'anh hùng' của bọn VC thực chất qua thử thách cho thấy hầu hết chỉ là những tên hạ tiện, sẵn sàng hy sinh cho một chế độ - giúp bản thân hưởng lợi, khi thấy thối nát mà vẫn cúi đầu tuân phục. Chúng cũng chưa thể là dũng sĩ, vì khi phú qúy chúng trở thành bọn dâm dật 'ôm' đủ thứ, tham ô móc ngoặc vô liêm sỉ vì đồng tiền. Lúc thấy chế độ chuyên chính ác hại, hầu hết đã không đủ hùng tâm dũng khí trước uy vũ bạo tàn, chiến đấu tiếp cho quyền lợi Quốc gia & Dân tộc?!
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.