Cách nay gần 100 năm, nhiều nhà văn hóa Việt đương thời đã nhận ra tầm quan trọng của Tục ngữ & Ca Dao.
Năm 1919, học giả Đào Duy Anh nhận định:
'Nếu ta nhận rằng muốn kiến thiết văn hóa mới, ta không thể không nghiên cứu văn hóa cũ, thì sự nghiên cứu tục ngữ và ca dao, ta phải cho là cần thiết'.
Năm 1939, học giả Phan Khôi nhận định:
'Sau một hồi nghiên cứu về tục ngữ phong dao, tôi thấy ra nó có cái địa vị trong văn học vững vàng mà rực rỡ lắm. Vậy tôi muốn có nhiều người nghiên cứu thêm nữa, có lẽ sẽ phát kiến nhiều cái trọng yếu và quý giá hơn nữa chăng?'.
Năm 1958, học giả Nguyễn Văn Ngọc nhận định:
'Ngày nay, ai là người đã lưu tâm đến Quốc Văn quốc túy mà không lo sợ rằng những câu lý thú tối cổ của ông cha để lại, tức là cái kho vàng chung cho cả nhân loại, mà không chịu mau mau thu nhặt, giữ gìn lấy thì rồi tất mỗi ngày một sai suyển lưu lạc đi, thực rất là đáng tiếc. Cho nên chúng tôi quả không dám chọn, lựa lọc san thi gì. Chúng tôi chỉ vụ thu thập cho được nhiều câu, không phân biệt thế nào là thành ngữ, lý ngữ, sấm ngữ, phương ngôn, đồng dao, ca dao hay phong dao gì cả. Đối với công việc sưu tập bây giờ, thiết tưởng ta còn phải quí hồ đa trước, rồi nhiên hậu mới có nơi khảo cứu mà qúy hồ tinh được.
Trương Tửu trong phần mở đầu cuốn Kinh Thi Việt Nam hồi giữa Thế kỷ XX, viết:
'Tóm lại, chúng ta cũng có một Kinh Thi qúy giá không kém gì Kinh Thi của người Tàu, Bổn phận chúng ta ngày nay là phải ghi chép nó, san định nó, chú thích nó, như Chu Công đã ghi chép, Khổng Tử đã san định, Chu Hy đã chú thích Kinh Thi của Trung Hoa.
và Trương Tửu tự đánh giá về cuốn Kinh Thi Việt Nam của mình:
'Đây không phải là một kiến thiết mới, đây chỉ là một công trình khôi phục.
'Hoặc nói một cách văn chương hơn, tôi thử cùng bạn đọc tìm đến những cỗi rễ tâm lý và xã hội của nền thơ bình dân Việt Nam. Căn cứ vào đó, chúng ta sẽ san định và chú thích quyển Kinh Thi Việt Nam - kinh của chúng ta, mạch đất chung của tinh thần dân tộc trong dĩ vãng.
**
Nhưng đã cả trăm năm nay, do chiến tranh triền miên, nên cả hai miền Nam và Bắc của đất nước vẫn chỉ có những công trình sưu tầm, hệ thống hóa đơn sơ một số tục ngữ ca dao, chưa có sự gạn lọc loại bỏ những câu do quan lại hủ nho, cán bộ CSVN vong bản làm để tuyên truyền phổ biến học thuyết. Cũng chưa có ai san định & nghiên cứu & chú thích nhằm xếp đặt & lý giải nội dung uẩn áo của một số bài ca dao giá trị tiêu biểu, giúp các nhà giáo dục có cơ sở để đưa vào các chương trình giảng dạy, từ bậc tiểu học đến bậc đại học.
Điều này phần nào có thể hiểu được, vì một khi nghiên cứu thâm sâu, trình bày ra một cách thẳng thắn không thiên vị, ắt sẽ có sự đụng chạm mạnh đến các thế lực tư tưởng, tôn giáo đang ngự trị đất nước, bấy nay vô tình hoặc cố ý coi nhẹ cội nguồn.
Hơn thế nữa, các học giả thành danh vì những tung hô vong bản, trở thành các cổ thụ văn hóa bất khả xâm phạm từng thời kỳ của đất nước bị văn hóa ngoại lai chế ngự, còn tìm nhiều cách đóng thêm đinh gia cố vào tấm bạt văn hóa ngoại lai trùm lên văn hóa cổ truyền; khiến người đi sau muốn nhổ đinh - gỡ bạt gặp nhiều trở lực rất đáng kinh hãi?!
**
Là một thành viên của Nhóm Nghiên Cứu Quốc Văn, tham gia soạn thảo Chương trình Quốc Văn lớp 12 của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, chúng tôi được nhóm giao cho phần nghiên cứu khởi đầu chương trình - về nền Văn Hóa Cội Nguồn qua Tục ngữ - Ca dao - Cổ tích.
Tuy nhiệm vụ công bộc đã chấm dứt theo chiến cuộc vào năm 1975, nhưng bản thân chúng tôi vẫn thấy có trọng trách phải tiếp tục công việc nghiên cứu Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam, không vì lý do thời cuộc nhất thời mà sao lãng.
Sau khi hoàn thành cuốn Khởi thảo Kinh Thư Việt Nam, nghiên cứu về nền văn hóa & tư tưởng trong các cổ tích, và ảnh hưởng của nó trong suốt hơn 2.000 năm lịch sử, cấu tạo thành một nền nếp văn hiến sáng lạn; nay may mắn đã ngoài tuổi cổ lai hy mà vẫn còn chút sức mọn, nên chúng tôi gắng công bắt tay ngay vào việc Khởi thảo Kinh Thi Việt Nam, bàn tiếp về tục ngữ & ca dao, mong đóng góp thêm một số ý kiến và tư liệu vào việc phục hồi & phát huy Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam.
***
Nếu Kinh Thư - Kinh Xuân Thu có nội dung nặng về tìm hiểu & hướng dẫn các tình huống lịch sử và chính trị, để giới cầm quyền về sau lấy đó làm kinh nghiệm chấn chỉnh hành động, thì Kinh Thi là những minh dẫn về giáo dục đạo đức cho mọi người.
Do vậy các nhà Nho vẫn coi Kinh Thi như một cuốn sách giáo khoa thiết yếu căn bản. Khổng Tử nói:
'Không học Kinh Thi lấy gì mà nói... hưng khởi ý chí là ở Kinh Thi'.
Sách Khổng Tử Gia Ngữ viết:
'Cách dạy người của Khổng Tử trước là dùng Thi - Thư, rồi mới lấy hiếu đễ dẫn đạo người ta, lấy nhân nghiã mà giảng dụ, lấy lễ nhạc mà khiến ta xem xét, sau cùng mới lấy văn lấy đức mà làm cho nên người'.
Như vậy chứng tỏ Kinh Thi mang trọng trách về giáo dục là chính, nên chúng tôi sẽ đặt nặng nội dung giáo dục khi Khởi thảo Kinh Thi Việt Nam; cố gắng làm nổi bật về 'Nghệ thuật Truyền đạt của phương pháp Giáo dục Cổ Truyền Việt Nam' qua tục ngữ & ca dao, với các ưu điểm Thực tế - Dễ dạy - Dễ học - Dễ hiểu và Nhớ lâu.
Đây chỉ là công việc 'khởi thảo' nhằm đưa ra các gợi ý ban đầu - không hề kết luận về bất cứ điều gì, nên chúng tôi chỉ mong giúp mai hậu nếu ai để tâm nghiên cứu, có thêm cơ sở nghiên cứu phát huy, và chỉ nên coi đây như một tài liệu để tham khảo.
Một điều rất đáng ngạc nhiên khi nghiên cứu về Ca dao Việt Nam, là nội dung của ca dao uẩn áo tới mức phải có một trình độ kiến thức cao & đầu tư tâm ý thâm sâu lâu dài mới có thể khai phá.
Nói khác đi, nền văn học bị các người viết sách giáo khoa bấy nay coi là 'bình dân', thì lại 'bác học' cao siêu hơn cả nền văn học từng được bao thế hệ coi là 'bác học'. Cao siêu đến mức độ chính một số các nhà viết sách giáo khoa trước đây, cũng phải thừa nhận chưa đủ sức hiểu giá trị để khai phá, chẳng khác gì người thợ đẽo đá không thể đẽo ngọc, như một số học giả nêu trên phát biểu?!
Do vấn đề quá cao xa, biển học mênh mông mà kiến thức của một người chỉ có hạn, nên chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các bậc cao minh, hầu có thể chỉnh sửa khi tái bản.
Xin trân trọng nhắc lại, cũng như khi Khởi thảo Kinh Thư Việt Nam, chúng tôi chỉ đưa ra các 'nhận định' có tính cách gợi ý, mà không hề 'kết luận', hầu tránh sự khẳng định chủ quan hạn hẹp, làm nghèo nàn đi kho tàng tư duy lớn lao của tiền nhân Việt Nam.
Trân trọng,
Nguyễn Xuân Khoan & Nguyễn Xuân Hương
Úc Châu Mùa Xuân Kỷ Sửu 2009
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.