Trong cuốn Phương Pháp Luận (Discours de la Méthode), Triết gia Pháp René Descartes (1596 - 1650) cho rằng:
'Lý trí được phân chia đồng đều giữa mọi người, sự khác biệt tư tưởng giữa chúng ta không do người này nhiều lý trí hơn người kia, mà là do chúng ta tự hướng dẫn tư tưởng của mình theo các đường hướng khác nhau'. Do vậy 'Có Lý trí đứng đắn chưa đủ, điều cốt yếu là phải áp dụng phương pháp luận thích đáng'.
Triết gia Pháp Claude Bernard (1813 - 1878) nói về sự cần thiết và quan trọng của Phương Pháp Luận:
'Những Phương Pháp Luận Hay có thể giúp chúng ta phát triển những khả năng sẵn có. Còn những Phương Pháp Luận Dở cản trở, không cho chúng ta thu hoạch kết quả nào tốt đẹp'.
Do vậy mà bước đầu của Triết học là nghiên cứu về ưu khuyết điểm của các Phương Pháp Luận, nhằm giúp mỗi người có thể làm tốt trong việc 'Tư Duy về Các Tư Duy' - định nghiã ngắn gọn nhất của khoa Triết học Tây phương.
Theo nguyên ngữ Hy Lạp: Meta là hướng về - Odos là con đường, nên Phương pháp (Methode) là truy tầm một mục tiêu theo chiều hướng nào đó.
***
Khi nghiên cứu về Ca Dao Việt Nam, sẽ thấy Người Việt Bình Dân ngay từ xa xưa, đã có những 'Phương pháp Tư duy' uyên bác, mà sau này Triết học Tây phương mới tìm tòi, nêu lên thành những nguyên tắc khác nhau, như Trực Giác - Suy Luận, Phân Tích - Tổng Hợp, Quy Nạp - Diễn Dịch...
Theo sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm, Phương Pháp Luận của Ca Dao Việt Nam thể hiện qua Cách Kết Cấu như sau:
'Theo cách kết cấu, nghiã là cách sắp đặt các ý tứ cho thành một bài văn, thì ca dao chia làm 3 thể:
1/ Thể Phú: Phú nghiã là phô bày mô tả; trong thể này, muốn nói về người nào, việc nào, thì nói thẳng ngay về người ấy, việc ấy - Như vậy Thể Phú là cách sáng tác theo Trực Giác, như định nghiã của Triết gia Đức Schopenhauer (1788 - 1860) : 'Trực giác là nhận thức diễn ra rất nhanh chóng, mà không nhờ ý niệm làm trung gian'.
''Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
''Non xanh, nước biếc như tranh họa đồ.
''Ai vô xứ Nghệ thì vô.
2/ Thể Tỷ: Tỉ nghiã là ví, so sánh; trong thể này, muốn nói gì, không nói thẳng ra, lại mượn một sự vật ở ngoài làm tỉ ngữ để người nghe ngẫm nghĩ mà hiểu lấy cái ý ngụ ở trong - Như vậy Thể Tỷ là cách sáng tác theo lối Suy Luận như định nghiã của Triết gia Laland 'Suy luận là nhận thức tiến về mục tiêu, bằng cách vượt qua một số tác động làm trung gian'.
''Bầu ơi! Thương lấy bí cùng,
''Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
3/ Thể Hứng: Hứng là nổi lên, đây nói về tình của người ta nhân cảm xúc vì vật ngoài mà phát ra. Trong thể này, trước tả một vật gì làm câu khai mào, rồi mượn đấy mà tiếp tục xuống ý mình muốn nói - Như vậy thể Hứng là cách sáng tác theo cả Diễn Dịch Pháp lẫn Quy Nạp Pháp: Diễn dịch Pháp là một loại suy luận, căn cứ theo các quy luật luận lý, để từ một hay nhiều mệnh đề gọi là tiền đề, đưa ra được mệnh đề hậu quả tất yếu của các mệnh đề trên. Đó là Phương Pháp Tam Đoạn Luận - Quy Nạp Pháp là một loại suy luận khởi từ một số mệnh đề đặc thù gọi là mệnh đề chủ nạp, đi tới một mệnh đề tổng quát hơn, gọi là mệnh đề thụ nạp.
''Quả cau nho nhỏ,
''Cái vỏ vân vân,
''Nay anh học gần,
''Mai anh học xa.
''Tiền bạc là của mẹ cha,
''Cái nghiên, cái bút thực là của em.
Nếu các Phương Pháp Luận của Tây phương chỉ đề ra một cách suy luận, thì Ca Dao Việt Nam lại có thể gồm hai ba lối suy luận khác nhau vào một bài, nên mang tính triết lý rất cao, như bài Bông Sen bao gồm 2 thể Phú và Tỷ:
''Trong đầm gì đẹp bằng sen,
''Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.
''Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
''Gần bùn mà chẳng hôi tang mùi bùn.
***
Không chỉ dừng lại nơi các biện pháp lý luận cổ điển như Trực Giác - Suy Luận, Diễn Dịch - Quy Nạp, Phân Tích - Tổng Hợp... như trên, mà Ca Dao Việt Nam còn đạt tới đỉnh điểm của Triết Học Hiện Đại, khi thường dùng các Phản Đề trong lập luận, để bắt người nghe phải tự có Hợp Đề. Đó là lối Luận Lý Biện Chứng của Triết gia Đức Hegel (1770 - 1831): Hegel cho rằng mâu thuẫn nơi các sự vật không là mầm mống hủy diệt, trái lại chính là điều kiện cốt yếu của mọi tiến bộ, chuyển biến. Chính sự mâu thuẫn giữa Chính Đề (Thèse) và Phản Đề (Antithèse) sẽ tạo ra Hợp Đề (Synthèse):
''Con kiến mày ở trong nhà,
''Tao đóng cửa lại, mày ra đằng nào?
''Con cá mày ở dưới ao,
''Tao tát nước vào, mày sống được chăng?
Điều đặc biệt là lối Luận Lý Biện Chứng của Người Việt từ xa xưa, là hình thức 'nói lái' & nội dung 'nói ngược', 'đố tục giảng thanh'... lấy Phản Đề làm chính trong các nội dung, khi nói về cái sai để bắt người nghe phải 'phản biện' nghĩ về cái đúng, được dùng phổ biến trong các bài Đồng Dao, giúp trẻ ngay từ nhỏ đã biết nhận ra cái đúng & cái sai, để hình thành tâm thức biết phân biệt trái phải, không cúi đầu tuân thủ mọi sự, như lối giáo dục một chiều làm nô lệ hóa tư tưởng, của các giáo lý - giáo điều do các tôn giáo, chính trị giáo đưa ra.
Và như vậy, câu sau đây không thể là ca dao của Người Việt, mà do những Nhà Nho thấm nhuần Đạo Tam Cương, Tam Tòng... viết ra:
''Cá không ăn muối cá ươn,
''Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Bằng chứng là các bậc Thánh Nhân của Việt Nam như Chử Đồng Tử, Đức Thánh Trần đều cãi lời cha, không hề hư mà còn đề ra được một đạo lý cao đẹp hơn bao giờ hết.
Đó cũng là quan điểm của Văn Thánh Cao Bá Quát (Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán), khi cho rằng Vua có Ân, Thần mới phải báo - Cha có sự nghiệp tốt, Con mới phải thừa kế. Còn nếu Vua xấu, Cha tồi bại mà vẫn kế thừa, thì không gì tai hại cho bằng.
Do vậy khi vua Tự Đức viết 2 vế đối:
'Thần khả báo Quân Ân,
'Tử năng thừa Phụ Nghiệp.
Cao Bá Quát đã sửa lại, khiến Tự Đức không thể bắt bẻ:
'Quân Ân, Thần khả báo,
'Phụ Nghiệp, Tử năng thừa.
Trong khi đó, các Tôn giáo chỉ nêu Tiền đề (Thèse), không cho phép Phản đề (Antithèse), coi Tiền đề như Hợp đề (Synthèse). Chính điều này đã khiến không ít tín đồ của một số tôn giáo hiện nay trở nên cuồng tín, đòi Thánh Chiến với bất cứ ai không chịu tuân thủ giáo điều của Tôn giáo mình theo?!
Khởi Thảo Kinh Thi Việt Nam
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.