Phần này chúng tôi xin trích một số ý kiến từ các sách báo, đề cập đến vấn đề Đồng Dao mà chúng tôi có duyên may sưu tầm được.
Xin tri ân Qúy Tác Giả đã giành nhiều tâm huyết cho Giới Trẻ Việt Nam, giúp bảo tồn và phát huy các truyền thống cao đẹp về cội nguồn.
Nguyễn Văn Vĩnh
(trích từ 'Trẻ con hát - Trẻ con chơi' - Tứ Dân Văn Uyển, Hà Nội 1935)
Trong những câu hát trẻ con, đời đời truyền khẩu cho nhau, thường có cái ý vị, cái tinh thần tự nhiên, ai hiểu được thì cho là hay hơn cái ý vị cái tinh thần của một nhà văn sĩ thêu dệt được nêu trong câu văn câu thơ một người đặt ra vậy.
Nhiều ngô nghê mà có lý thú, rất tối nghiã mà khiến cho ta tưởng tượng không biết bao nhiêu sự huyền bí của đời dĩ vãng mà sử ký không chép được hết.
Những câu hát trẻ con của dân tộc ta, phân ra làm 3 mục, theo cái lẽ trước sau tự nhiên của người mẹ, người vú thường theo mà dạy con trẻ:
1/ Trước hết là những câu vừa hát vừa chơi, bởi vì đối với con trẻ, cái nghiã câu hát ở ngay trong trò chơi, không phải ai diễn giải nó cũng hiểu.
2/ Sau là đến những câu hát không phải có cuộc chơi, thì tất nó đã có cái nghiã trừu tượng hơn một chút. Con trẻ đã hiểu được ít nhiều rồi, thì mới thuộc được.
3/ Thứ ba là những câu ru trẻ ngủ. Mục này để về sau là vì hát mà ru trẻ tùy người mẹ, người vú thuộc ít hay thuộc nhiều, muốn hát câu gì cũng được. Trong câu ru, cái nghiã lý nhiều khi là để cho người ru nghe, duy chỉ có cái giọng ru, và cái tiếng ề! a! hỡi hời hời! bống bông bông! là để cho lọt tai trẻ mà thôi. Tuy vậy cũng có nhiều câu ru có ý nghiã riêng đối với đứa trẻ ngủ.
Doãn Quốc Sĩ
(trích từ Lời Mở Đầu - Ca dao Nhi đồng - NXB Sáng Tạo, Sài Gòn 1969)
Trẻ nhỏ Việt nào mà chẳng thuộc, không ít thì nhiều, vài bài ca dao mà các em cảm thấy thích thú, ca dao đã đóng góp một phần không nhỏ vào đời sống tươi vui hồn nhiên của các em. Hầu hết trò chơi của các em đều là ca dao.
...
Ca dao nhi đồng Việt Nam có thể chia làm mấy loại chính sau đây:
A/ Những bài hát luân lý:
Đây thường là những bài hát ru mộc mạc mà sâu sắc. Vào những trưa hè oi nồng, hay trong đêm thanh vắng tịch mịch có tiếng các bà mẹ, các chị vừa đưa võng kẽo kẹt vừa cất tiếng hát ru êm ái ngọt ngào. Những lời nhắn nhủ hiền hòa đó vang lên êm đềm, nỉ non, theo nhịp điệu, thật là cả một phương pháp giáo dục tuyệt hảo. Em bé thoạt tuy không hiểu nhưng nghe mãi dần dà thấm thiá, nhất là khi em đã lớn, tới tuổi cắp sách đến trường, em vẫn có thể nghe lại những bài đó hát ru em bé của mình, do đấy em đã được thấm nhuần tới tiềm thức những lời mẹ hay chị khuyên răn nhắc nhở.
B/ Những bài hát vui:
Tối đại đa số những bài ca nhi đồng đều có tính cách vui tươi ngộ nghĩnh để trẻ em đọc lên thấy thích thú ngay. Thuộc vào loại này có thể là những bài:
1. Kể một câu chuyện vui như bài 'Thằng Bờm có cái quạt mo', hoặc những bài nhân cách hóa các loài vật, đồ vật. Ở tuổi này trí tưởng tượng các em đương đà phồn thịnh nên chúng ta thực không ai ngạc nhiên khi thấy các em ưa thích loại này vô cùng.
2. Kể một câu chuyện ngược đời để chọc cười như bài:
'Bao giờ cho đến tháng ba
'Ếch cắn cổ rắn mang ra ngoài đồng.
Loại này tương ứng với loại mà Anh - Mỹ mệnh danh là Contradiction.
3. Có thể bài hát không thành câu chuyện gì hết, mà chỉ cốt có vần có điệu một cách ngộ nghĩnh, làm nở trên môi các em những nụ cười, gieo vào lòng các em cái vui tươi.
Loại này tương ứng với loại mà Anh - Mỹ mệnh danh là Nonsense. Suy cho kỹ những bài này còn tác dụng làm giàu ngữ vựng cho các em nữa, thật cũng đúng với những câu trong sách Luận ngữ: 'Bất học thi vô dĩ ngôn'.
C/ Con cò trong ca dao Việt Nam:
Nước Việt Nam là một nước nông nghiệp, trên 90% dân chúng sống và làm lụng giữa thiên nhiên đồng nội, thì việc những lũy tre xanh, những đàn cò trắng xuất hiện trong ca dao chẳng có chi là lạ.
Thật ra trên thế giới thiếu gì những nước căn bản nông nghiệp; đặc biệt những nước thuộc Á châu với những nét văn hóa tương đồng với nước ta, vậy mà trong suốt khoảng thời gian hai năm - từ 1966 đến 1968 trong công việc nghiên cứu về văn chương nhi đồng quốc tế, phải tìm đọc tài liệu ca dao, truyện cổ tích quốc tế tại nhiều thư viện lớn Hoa Kỳ, kể cả Library of Congress tại Hoa Thịnh Đốn, soạn giả nhận thấy hình ảnh con cò được nhân cách hóa một cách gần gũi, thân mật nhường kia quả là một sự độc đáo của riêng ca dao Việt Nam, khi thì tượng trưng người mẹ quê, khi là cô gái quê, khi là em bé quê, khi thì chỉ dùng làm một hình ảnh khởi hứng...
Chính vì tính cách vừa trong sáng vừa ngộ nghĩnh của hình ảnh đó mà tất cả những bài ca dao nói tới con cò, hoặc vài loài tương tự đều được soạn giả xếp thành một đề mục riêng của ca dao nhi đồng Việt Nam.
...
D/ Những bài nói về nếp sống nông nghiệp và những tập tục xưa:
Những bài này được giới thiệu để các em cảm thấy hết cái đẹp của nếp sống gần thiên nhiên của nhà nông xưa, cùng một số tập tục ngộ nghĩnh có thể là xa lạ với các em ngày nay. Riêng ở điểm này, ca dao là một viện bảo tàng văn hóa giúp các em không bị cắt lià ra khỏi dĩ vãng.
E/ Linh tinh:
Phần này gồm những bài ca dao không thuộc loại trên, nhưng lời và ý ngộ nghĩnh đẹp vẫn thích hợp với các em.
F/ Những trò chơi nhi đồng:
Đây là những bài hát áp dụng trong trò chơi của các em.
G/ Những câu đố:
Tuổi này vốn là tuổi hiếu thắng, tuổi ganh đua. Những câu đố sẽ vừa khích động trí thông minh, vừa tôi luyện trí suy đoán của các em.
...
Nguyễn Tấn Long - Phan Canh
(Trích từ 'Đồng Dao' - Thi ca Bình dân - Tập 4 - 1969)
I/ Nguồn gốc của đồng dao
Đồng dao tức là ca dao nhi đồng.
Xã hội loài người cũng như mọi hiện tượng trong vũ trụ, những gì trưởng thành đều bắt nguồn ở mầm non, những hiện tượng sơ sinh. Những hiện tượng sơ sinh vẫn có một sức sống, đóng góp vào sức sống chung của muôn loài vạn vật. Cho nên nhân loại khi có người lớn phải có trẻ con.
Có trẻ con, không phải chỉ có những hình hài nhỏ bé, non nớt, mà có cả tâm tư và sinh hoạt của chúng nữa.
Đành rằng tâm tư trẻ con không phải là tâm tư người lớn, sinh hoạt trẻ con không phải là sinh hoạt người lớn, nhưng nếu thiếu đi sức sống của tuổi thơ, thiếu đi những mầm non trong một rừng cây đang và sắp bị già nua cằn cỗi, thì đó là một điều mất mát trầm trọng trong tài nguyên nhân loại.
Hình bóng của nhi đồng, tiếng nói của nhi đồng, tâm tư của nhi đồng, sinh hoạt của nhi đồng chính là những môi trường đang vươn lên, những sức sống triền miên, chứng minh sự trường tồn của thế giới loài người.
Tâm tư và sinh hoạt nhi đồng lại là một phần trong tâm tư và sinh hoạt chung của xã hội, nên vẫn phải chịu ảnh hưởng qua dòng lịch sử của thời gian, không gian.
Mặt khác, khi đã chung một thời gian, không gian, tâm tư trẻ con trở thành tấm gương phản chiếu vào tâm tư và sinh hoạt của người lớn. Bởi vậy, khi có ca dao người lớn, phải có ca dao nhi đồng.
Một cô gái gánh nước bên bờ suối, cất giọng hát véo von thì một em bé ngất ngưởng trên lưng trâu cũng nghêu ngao hát với cỏ hoa, đồng nội. Thời gian, không gian làm sao có thể chia cắt được tình cảm con người có liên hệ mật thiết giữa cuộc sống hàng ngày?
Cũng như khi nước Việt Nam đang chìm trong khói lửa chiến tranh, người lớn vác súng ra chiến trường chống giặc. Sự biến đổi của sinh hoạt xã hội trong một thời điểm, khiến tâm tư và sinh hoạt trẻ con cũng xoay theo chiều hướng ấy. Trò chơi của chúng là dao găm, súng gỗ, tâm tư của chúng là hiềm khích, đấm đá lẫn nhau.
Trở lại với thanh bình, trong hồn dân tộc, sinh hoạt thi ca bình dân đã chiếm lại một địa vị quan trọng đối với lẽ sống, thì thế giới nhi đồng tất nhiên cũng phải phản ảnh trạng thái hồn nhiên ấy.
Tuy vậy, khi nói đến nhi đồng là nói đến tính chất vô tư, hồn nhiên, mộc mạc, khác với hệ thống ca dao của người lớn.
Sự vô tư, hồn nhiên, mộc mạc ấy chưa pha trộn những mâu thuẫn xã hội. Chưa chứa đựng những dục vọng cá nhân, chưa bị nẩy nở bởi những tình cảm yêu đương, cho nên đối với loại đồng dao chỉ là những mẩu hiện tượng thiên nhiên được phản ảnh một cách đứt đoạn qua một tấm gương trong mà thôi.
Chúng ta không lấy làm lạ khi đọc lên một câu đồng dao không hàm chưá một ý nghiã nào hết, hoặc những ý nghiã đứt đoạn từ hiện tượng này sang hiện tượng khác.
...
II/ Tác dụng của đồng dao trong sinh hoạt nhi đồng
Nếu ca dao là nguồn sống tâm tư của người lớn, và sinh hoạt thi ca là hình thức giao cảm giữa cuộc sống đồng quê; thì đối với đồng dao cũng lại tác động vào nguồn sống nhi đồng cùng tính chất tương tự.
Lớp người dân quê lớn tuổi đã dùng câu hát, điệu hò để giải khuây, và phô diễn tình cảm chung trong lúc làm việc, còn nhi đồng cũng lại dùng đồng dao để làm vui trong lúc cắt cỏ, chăn trâu, và cũng dùng đồng dao tổ chức các trò chơi khi chúng họp nhau thành đoàn bên sườn núi, dưới lũy tre, trong ánh sáng đêm trăng.
Cho nên đồng dao tác dụng trong sinh hoạt nhi đồng cũng chẳng kém gì ca dao tác động trong sinh hoạt người lớn.
Vũ Ngọc Phan
(trích từ 'Hát Vui Chơi' - Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam - nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1971)
Loại dân ca này không phải chỉ riêng trẻ em hát, mà những khi trông coi con em mình, người lớn hát trước, rồi trẻ em hát theo; hay có khi ru trẻ ngủ, người mẹ hay người chị cũng dùng để hát, tuy những bài trong mục này không hẳn là những bài hát ru em.
Nhiều bài hát chỉ có ý nghiã dạy cho con trẻ biết về các thứ cây, các giống vật, các nghề v.v...; nói tóm lại nó giống như những bài học thường thức, nhưng lại vần vè và nội dung thường vui, phần nhiều ngộ nghĩnh, làm cho trẻ thích thú muốn nghe.
...
Tô Ngọc Thanh
(trích từ Tạp chí Văn Học, Hà Nội 1974)
Lứa tuổi của đồng dao là lứa tuổi của câu hỏi 'Vì sao? Thế nào? Ở đâu?'. Đó là lứa tuổi mà thiên nhiên, cuộc sống xã hội mở ra mênh mông trước cặp mắt ngạc nhiên, ham hiểu biết của trẻ em.
Nguyễn Hữu Thu
(trích từ 'Hát ru và hệ thống diễn xướng đồng dao' - nxb Phụ Nữ 1987)
Ngay từ lúc lọt lòng cho đến 3 tuổi, đứa con được hưởng trực tiếp tiếng hát ru của mẹ. Từ 3 tuổi trở đi, trẻ không được hưởng tiếng hát ru, hát nựng của mẹ một cách trực tiếp, mà chuyển sang môi trường sinh hoạt văn hóa có tính chất tập thể, chúng tự hành động theo tâm lý lứa tuổi.
Rơi khỏi tay mẹ, trẻ theo anh chị cùng chơi, cùng hát.
Diễn xướng đồng dao là sự chuyển tiếp và phát huy vai trò tích cực trong vấn đề giáo dục đạo đức và phát triển thể lực, trí lực của trẻ. Mặt khác, nếu tiếng hát ru của mẹ là sự biểu hiện tình cảm và chức năng giáo dục giữa mẹ và con, thì diễn xướng đồng dao lại mang tính chất giáo dục tập thể và xã hội. Đó là sự hòa đồng văn hóa, tình cảm giữa trẻ em của gia đình này với trẻ em các gia đình khác. Đứa con từ hình thức tiếp nhận tiếng hát của mẹ một cách thụ động chuyển sang tự động. Chúng tìm trò chơi, tìm câu hát và bước đầu làm quen với hành động sáng tạo văn hóa cộng đồng.
Diễn xướng đồng dao không chỉ là bước nối tiếp tạo thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã, mà nó còn làm nền tảng cho tư cách văn hóa cá nhân của đứa trẻ khi bước chân vào ngưỡng cửa nhà trường.
...
Đồng dao được kết cấu bằng nhiều thể thơ: 2 chữ, 4 chữ, 5 chữ, tiết nhịp thích hợp với trẻ em.
Đặc trưng kết cấu của đồng dao chủ yếu là tiết tấu ngắn gọn, giầu nhạc điệu tiết tấu đưa trẻ vào thế giới thơ. Kiểu tiết tấu phân đôi gắn liền với sự hoạt động của chúng: đi, đứng, chạy, nhẩy. Hát xong rồi chạy đuổi nhau, hoặc vừa đi vừa hát...
Đặc điểm về nhịp điệu đồng dao là khi trẻ hát tập thể thường dễ khớp nhau, đều tăm tắp, gây hứng thú. Cho nên chúng ta cần nghiên cứu để kết hợp trong vấn đề giáo dục giữa truyền thống và hiện đại, sao cho hài hòa; bởi văn hóa gia đình vẫn là cơ bản đối với bất cứ chặng đường ấu thơ nào.
...
Nếu cho rằng, những bài đồng dao đã cũ, thực ra chỉ đúng với ý nghiã thời gian của nó. Vì khi ta nhìn sản phẩm văn hóa của người xưa bằng con mắt của người đời này, thì sẽ không hiểu được hết ý định của tổ tiên mình trong việc lấy nghệ thuật âm nhạc, lấy trò chơi và ngôn ngữ thi ca để giáo dục nhân cách con cháu.
Đó là những bài học đã được sàng lọc từ đời này sang đời khác, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa gia đình và cộng đồng làng xã, với tất cả tài trí thông minh và tấm lòng nhân ái.
Chiếc nôi, cánh võng là những vật thân thiết cùng với tiếng hát ru của mẹ, của bà đưa đứa trẻ vào giấc ngủ... Thời gian đã cho ta thấy rằng, trải qua hàng bao nhiêu thế hệ chúng ta vẫn không bỏ được những câu hát ru của bà, của mẹ:
-'Công cha như núi Thái Sơn,
'Nghiã mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
-'Con ơi muốn nên thân người,
'Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru.
Dù là những bậc cha mẹ truyền thống hay hiện đại, hẳn không ai là người không chấp nhận những câu hát trên?
...
Và, nếu một đứa trẻ nào đó chưa hề được nghe những câu hát về công cha, nghiã mẹ, về tình thương yêu gia đình, về danh dự, về lòng tự trọng, về chí làm trai thì chắc chắn, đứa trẻ đó sẽ có một trái tim cứng rắn, ích kỷ, thô bạo... hơn những đứa trẻ được tắm gội bằng những câu hát, những lời ru giáo huấn đầy tình cảm thương yêu của ông bà, cha mẹ.
...
Câu hát ru của mẹ thường bao hàm nhiều nội dung ý nghiã. Trong câu hát của mẹ có trăng sao, đồng ruộng, có chim muông hoa lá, con lợn, con gà... có cả những tấm lòng cao cả, cả nỗi buồn đau, chua xót, ngậm ngùi...
Nghiêm Đa Văn
(trích từ 'Vị trí của Đồng Dao' - trong 'Vì Trẻ Thơ', Hà Nội 1995)
Nhà chiến lược thiên tài thời Tam Quốc là Khổng Minh thường lắng nghe những khúc đồng dao, vì ông tin rằng điềm trời thường mượn miệng trẻ thơ để báo trước cho trăm họ.
Ức Trai Nguyễn Trãi mượn miệng trẻ thơ hát khúc đồng dao:
'Nhong nhong ngựa ông đã về,
'Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn.
để báo cho muôn dân vùng lên đánh trận cuối cùng, thu giang sơn về một mối.
Đào Duy Từ mượn tiếng hát của trẻ con chăn trâu nơi nội cỏ để tỏ ý chí của mình, ý của dân và vận của nước...
Vậy tiếng hát trẻ thơ muôn đời, những khúc hát đồng dao từ vạn cổ, đâu chỉ là những câu hát 'ngô nghê và êm ái', đâu chỉ là những bài giáo huấn của những cụ đồ nghiêm khắc mượn miệng trẻ con để dạy con trẻ.
Bấy lâu, chúng ta đã quên rằng: Đồng dao có cả một sứ mệnh vô cùng lớn lao. Lớn lao đến mức trí lực như Khổng Minh, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ không dám bỏ qua. Thánh nhân như Khổng Tử phải nhặt lấy mà san định vào Kinh Thi, trí lự như Trạng Trình góp lại làm sấm truyền báo trước cho vạn thế...
Bước vào Thế kỷ 21 của công nguyên - Thiên niên kỷ thứ 5 của Đồng dao Bách Việt... chúng ta hãy trả lại cho Đồng dao 4.000 tuổi thơ Bách Việt cái trong trẻo ngây thơ tươi mát, nguyên thủy của ngọn nguồn với ngôn ngữ mộc mạc thô sơ vụng về của sấm và cơ trời.
Sự mất gốc của một số người từ có học đến ít học bấy nay, là do họ đã vì tôn giáo, đảng phái... mà tha hóa, vong bản, quên cội nguồn, dễ trở thành mâu thuẫn đấu đá nhau; ngoài đầu óc hẹp hòi còn một phần là vì các hệ thống tư tưởng khác biệt gây ra.
Điều này trải qua nhiều thế kỷ chìm đắm trong tương tranh - chiến tranh, tạo thành các thành kiến, rất khó gột rửa. Vì cho dù chúng ta thức tỉnh, dễ gì người khác đã tỉnh thức?
Nay không còn hy vọng đánh đổ được các tư duy vọng ngoại đã mọc rễ trong đầu từ bao đời, chúng ta chỉ còn cách hướng về giới trẻ khi đầu óc chúng còn trắng trong, giúp chúng học hỏi tìm hiểu về văn hóa cội nguồn, tâm lãnh được đạo lý lớn lao cao đẹp của hai chữ 'Đồng Bào' do Mẹ Âu Cơ nêu lên từ hơn 4.000 năm trước, hình thành Văn Hiến Đồng Bào khi mọi người tùy theo tuổi tác mà coi coi nhau như người trong một gia đình, gọi nhau bằng Cụ - Ông Bà - Chú Bác - Cô Dì - Anh Em - Con Cháu....
Từ đó mà trước đây một số tôn giáo cũng tùy theo tuổi tác mà xưng hô thân mật như Sư Cụ, Sư Ông, Sư Bà, Sư Cô, Đức Ông, Đức Cha, Sư huynh... qua các câu:
'Bầu ơi thương lấy bí cùng,'Tuy rằng khác giống, nhưng chung một dàn
Ở Đồng Dao, trẻ em đã được chỉ dẫn điều này một cách hồn nhiên hơn, qua những câu như:
-'Bí Ngô là cô Đậu Nành,'Đậu Nành là anh Dưa Chuột,'Dưa Chuột cháu ruột Dưa Gang,'Dưa Gang cùng làng Dưa Hấu,'Dưa Hấu là cậu Bí Ngô,'Bí Ngô là cô Đậu Nành...
-'Kỳ đà là cha Cắc ké,'Cắc ké là mẹ Kỳ nhông,'Kỳ nhông là ông Kỳ đà,'Kỳ đà là cha Cắc ké...
Một khi người trên biết giữ đúng với tư cách vai vế theo tuổi tác của mình, sẽ được kẻ dưới tôn trọng.
Một khi lấy Quốc Gia & Dân Tộc làm mẫu số chung cho các Tôn Giáo - Đảng Phái, mọi cách biệt sẽ không thể tồn tại để chia rẽ.
Đây chỉ là một trong rất nhiều tư duy cao cả của Việt Nam từ xa xưa, nếu tập trung lại có thể san định thành kinh sách, mang nội dung đầy đủ các môn học của Triết học, như Siêu hình học, Đạo đức học, Tâm lý học, Luận lý học, Khoa học Thực nghiệm, Toán học, Xã hội học... bằng các ý nghiã thâm sâu qua các truyện Cổ tích, các câu Ca dao, Đồng dao, Tục ngữ, Câu đố...
Nếu việc nghiên cứu trong tay các học giả chỉ quan trọng một phần, thì việc phổ biến trong tay của các nhà giáo sẽ quan trọng gấp bội phần.
Trong khi chờ đợi rất lâu mới có thể có những cuốn sách và chương trình giảng dạy cụ thể, thiển nghĩ mỗi nhà giáo từ mẫu giáo đến đại học, nên tìm các cơ hội truyền đạt văn hóa dân tộc qua các Cổ tích, Ca dao, Tục ngữ... và các trò chơi giải trí của trẻ em, người lớn.
Quan trọng hơn cả, các cô gái Việt cần như người xưa, tìm hiểu về các điệu ru, câu hát, các trò chơi cổ truyền để truyền đạt cho con cái ngay từ tấm bé, hình thành tâm thức Việt Nam cho chúng; như các Bà Mẹ Việt từng được Thơ Nhạc ca ngợi, tri ân:
'Xin Chị hãy yên nghỉ,'Em sẽ đọc Kinh Thi,'Ngợi ca các bà mẹ,'Trong đó có cả Chị.
(Thơ Tycal)
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.