Vào đời Hùng Vương thứ 3, khi giặc Ân mưu toan sang xâm lăng nước ta. Nhà vua lo lắng, khẩn cầu thần linh giúp sức.
Nhà vua được Long Thần báo mộng là cần tìm người tài giỏi trong nước đánh giặc, sẽ chiến thắng.
Theo lời Long Thần mách bảo, nhà vua cử sứ giả đi khắp nơi trong nước tìm người ứng mộng. Khi sứ giả tới làng Gióng (sau là làng Phù Đổng), thuộc Vũ Ninh (nay là huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội), thì có một cậu bé sinh ra đã ba năm, không biết nói cười đi đứng, chợt mở miệng nói với mẹ mời sứ giả của nhà vua vào.
Sứ giả lấy làm lạ, vào hỏi thì cậu bé nói:
Sứ giả tâu sự việc lên nhà vua, các quan triều thần nghi hoặc, thì nhà vua cho biết sự việc đúng như Thần đã báo mộng, phải tâm thành thực hiện.
Khi nhà vua cho đem ngựa sắt và các thứ tới đúng như lời dặn, cậu bé liền đứng dậy vươn vai thành người to lớn, ăn hết nhiều nong cơm và cà do dân làng các nơi đem tới. Dân chúng các làng lân cận cũng giúp vải lụa để may quần áo cho cậu bé.
Sau khi ăn no, mặc quần áo chỉnh tề, đội nón sắt, cậu bé tay roi tay kiếm nhảy lên ngựa sắt phi như bay ra trận. Quân lính triều đình và dân làng theo sau.
Quân nhà Ân nhìn thấy cả sợ thất kinh, cho là gặp tướng nhà Trời chống đỡ không nổi, thua chạy toán loạn. Tới 600 năm sau nhà Ân vẫn không còn dám tính chuyện xâm lăng nước ta nữa.
Cậu bé sau khi dẹp xong giặc, phi ngựa sắt đến vùng nay là Phù Lỗ, cởi giáp sắt cùng roi kiếm treo lên một cây đa cổ thụ, rồi thúc ngựa lên đỉnh núi Sóc Sơn bay về trời.
Nhà vua ghi công đánh giặc giúp nước, phong làm Thánh Gióng.
Các sắc phong thần từ đời nhà Lý về sau, đều suy tôn là Phù Đổng Thiên Vương.
Theo truyền thuyết của dân chúng địa phương làng Gióng kể lại, có một số chi tiết đáng ghi thêm như sau:
Hội Gióng
Hàng năm làng Gióng mở hội vào tháng 4 âm lịch, do 15 giáp của 4 làng thuộc tổng Phù Đổng xưa, đứng ra tổ chức Hội Gióng.
Hội Gióng ngoài các trò vui chơi giải trí bình thường, còn có hèm diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân.
Giáp nào đến phiên chủ trì lễ hội, được hưởng đặc ân chọn 6 người làm tướng của Thánh Gióng, gồm: 2 tướng tiên phong, 1 tướng làm nguyên soái, 3 tướng làm Hiệu Cờ, Hiệu Chiêng, Hiệu Trống.
Tướng Hiệu Cờ quan trọng nhất, vì cờ tượng trưng cho hiệu lệnh của Thánh Gióng.
Bốn làng cử 100 trai tráng sung đội quân của Thánh Gióng, lựa chọn 28 cô gái trẻ làm đội quân của giặc Ân.
Hai làng Đổng Viên và Đổng Xuyên cử người vào đội quân tiền thám và vận tải lương thực. Sau các cắt đặt, lễ hội diễn ra theo trình tự:
Mở đầu là Lễ Rước Cờ từ Đền Mẫu trở về Đền Thượng, do Tướng Hiệu Cờ dẫn đầu đoàn quân oai nghiêm của Thánh Gióng.
Khi đoàn về đến Đền Thượng thì pháo nổ ran đón mừng, cùng với pháo hoa bắn lên cao muôn ngàn hào quang rực rỡ.
Phường Ải Lao trình diễn cách săn hổ, bắt hổ.
Giữa lúc đó có tin của đội tiền thám cấp báo, giặc Ân từ phương Bắc đang kéo tới xâm lăng.
Thế là đoàn quân nhanh chóng chấn chỉnh hàng ngũ chỉnh tề, rầm rộ lên đường đánh giặc dưới hình thức một đám rước lớn, nhưng chia làm đội ngũ theo cách hành binh bố trận hẳn hoi.
Đi đầu là vị tướng Tiên phong, tiếp đến 12 cậu bé cầm roi, rồi đến phường Ải Lao cùng ông Cọp vừa trình diễn trong màn bắt cọp. Các viên tướng và đoàn quân hùng dũng tiến bước tiếp nối trong tiếng trống trận thúc quân vang lừng.
Kế đến một con ngựa trắng có chở y phục của Thánh Gióng, do một người dắt đi sau cùng.
Lúc qua Đền Mẫu, tất cả im lặng cúi đầu tưởng niệm bà mẹ của người anh hùng, rồi tiến ra chiến trường ở xã Đổng Viên.
Chiến trường là một bãi đất lớn bên một hồ sen rộng.
Giặc Ân ở phiá bên kia hồ sen.
Quân của Thánh Gióng dàn binh đối diện trên một bãi đất rộng rãi bằng phẳng.
Ba chiếc chiếu hoa cạp điều được trải ra trên mặt đất, trước một ban thờ nghi ngút khói nhang.
Chiếu giữa có một chiếc bát úp trên một tờ giấy.
Chiếc chiếu vuông vắn tượng trưng cho Đất. Chiếc bát tròn tượng trưng cho Trời. Tờ giấy tượng trưng cho Mây Gió.
Đoàn quân của Thánh Gióng dàn thành ba đội ngũ chỉnh tề, vũ khí tuốt trần.
Vị Thủ từ đại diện cho vua, trao cờ lệnh cho tướng Hiệu Cờ.
Cuộc chiến được diễn tượng trưng bằng một màn múa cờ theo các thế võ rất oai phong lẫm liệt, giữa tiếng trống trận vang lừng.
Nhận được cờ lệnh, tướng Hiệu cờ bước vào chiếc chiếu giữa, lấy chân khều chiếc bát để tờ giấy bay theo gió, rồi biểu diễn múa cờ di chuyển theo hình chữ 'lệnh'.
Múa xong, tướng Hiệu cờ phất cờ xoay mình theo chiếu cờ từ phải sang trái 3 lần (theo phương chuyển dịch của mặt trời).
Khi tướng Hiệu cờ rời khỏi chiếu, mọi người xô vào cướp lấy chiếc chiếu, xé ra nhiều mảnh chia nhau mang về, dùng làm khước suốt năm.
Tướng Hiệu cờ diễn tiếp trên hai chiếc chiếu còn lại. Khi điệu múa cờ kết thúc ở hai chiếc chiếu còn lại - hai chiếc chiếu cũng dân bị xé nát chia nhau giữ lấy khước - là tiếng chiêng nổi lên cùng tiếng trống, báo hiệu thu quân khi quân Ân đã bị đánh tan.
Quân của Thánh Gióng hát vang những khúc ca chiến thắng, kéo về Đền Mẫu.
Ngay lúc đó có tin cấp báo, giặc thu thập tàn quân kéo về đánh làng Gióng, đang dàn quân giữa Đền Thượng và Đền Mẫu.
Toàn quân lại chỉnh trang đội ngũ, tiến về phiá quân giặc. Tướng Hiệu cờ cùng toàn quân tiến vào chiến trận. Tiếng pháo trận nổ vang, tiếng trống trận thúc liên hồi. Tướng Hiệu cờ múa cờ tới lui giữa ba quân.
Khi quân của Thánh Gióng bắt giữ được hết quân Ân - do 28 thiếu nữ đóng giả trang - tướng Hiệu Cờ tiến vào 3 chiếc chiếu mới, nhưng động tác múa lần này ngược lại, là quay từ trái sang phải.
Điệu múa cờ kết thúc, 3 chiếc chiếu cũng bị xé ra thành nhiều mảnh để ai nấy lưu giữ làm khước.
Ông Thủ từ làm lễ tước kiếm của quân Ân, lột mũ áo trận, rồi tha tội chết, chỉ bắt nằm xuống đặt roi lên người, tượng trưng cho hình phạt roi răn đe mà không sát hại.
Chỉ đến khi tướng giặc mang lễ vật tới xin hàng. Lúc đó quân của Thánh Gióng mới làm lễ khao quân mừng chiến thắng
Mọi người bắt đầu tiến hành nhiều trò vui chơi mừng chiến thắng, bao hàm cả hai khí thế văn võ như Đấu vật, Hát chèo... tổ chức ngay nơi sân đền.
Những bài học sâu sắc từ sự tích Thánh Gióng:
**Thánh Gióng đã thực hiện trận chiến chống xâm lăng đầu tiên của dân tộc ta, đạt thắng lợi vẻ vang, khiến mãi 600 năm sau quân Ân không còn dám léo hánh tính chuyện trả thù hay xâm lược nữa.
Thắng lợi lớn lao có được là nhờ:
**Vũ khí của Thánh Gióng khiến chúng ta cần lưu tâm nghiên cứu:
Việc này cho thấy ngay từ xa xưa, người Việt đã biết chế tạo các loại thiết xa, dùng để xung trận?
Tưởng cũng nên biết người Việt là dân tộc đầu tiên trên thế giới biết chế thuốc súng và đại bác, qua những ghi nhận trong sử sách về đời nhà Hồ vào năm 1400.
**Sau khi đánh xong giặc, Thánh Gióng cởi chiến bào và roi kiếm trả lại nhà vua, bay về trời; thể hiện tinh thần chiến đấu bảo vệ quốc gia dân tộc là do trách nhiệm chứ không phải là để sau đó hưởng công trạng, nên không được lấy đó để đòi hỏi đền đáp chức vị, quyền lợi?
Đây chính là đạo lý 'Chí công vô tư' và 'Công thành thân thoái' rất cao cả của người Việt ngay từ thời Hùng Vương, về sau mới được Nho Giáo đề cao xưng tụng một vài bậc tôi hiền như Trương Lương... để làm gương.
**Long Thần là sự hiện thân của Lạc Long Quân, đã hiển hiện khi con cháu cần sự giúp đỡ khấn vái cầu xin, như ước hẹn với Âu Cơ từ thuở trước.
Nhân vật được Long Thần chọn lọc đứng ra cứu quốc, là một đứa trẻ - mang ngụ ý cái tâm cứu quốc phải trong sáng, không được có những mục đích tư thù, tư lợi... mới có thể kết hợp mọi người, tạo nên sức mạnh thần thánh cho cuộc chiến vì quốc gia & dân tộc. Đây là một bài học cho đến nay, và mãi mãi về sau vẫn luôn luôn đúng.
Nhìn vào thế sự can qua trong thế kỷ 20 gần gũi chúng ta nhất, chúng ta thấy đa số các lãnh tụ đấu tranh hàng đầu của các phe phái Việt Nam vẫn mang nặng những hiềm thù, mưu danh lợi cho bản thân và gia đình cũng như bè phái... là chính, mà sinh ra chia rẽ, thù hận rất tai hại?!
Lễ Hội Thánh Gióng là một lễ hội tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu chống xâm lăng của dân tộc Việt Nam. Tuy cách nay gần 5.000 năm, nhưng đến nay vẫn có thể nghiên cứu tìm hiểu, để rút ra những bài học hữu ích.
Thiên Anh Hùng Ca & Sử Thi:
Câu chuyện Thánh Gióng đánh giặc thật đẹp đẽ và hào hùng từ đầu đến cuối, cần được ghi chép và phân tích, lưu lại như một thiên Sử Thi về Anh Hùng Ca Việt Nam:
Lòng yêu nước trước nạn ngoại xâm đã khiến mọi người - kể cả một cậu bé bệnh tật - cũng mạnh mẽ đứng lên, chung lưng góp sức bảo vệ quốc gia dân tộc.
Lòng yêu nước thương nòi khiến ai nấy đều cầm vũ khí đánh giặc, mau chóng trở thành các anh hùng & liệt nữ, như hình ảnh một cậu bé bỗng vươn vai trở thành người chiến sĩ dũng mãnh.
Đây chính là hình ảnh được nhắc tới trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm dưới ngòi bút của Đặng Trần Côn và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, khi những kẻ thư sinh cũng phút chốc trở thành các trang hào kiệt:
'Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
'Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
'Thành liền mong tiến bệ rồng,
'Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời.
'Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
'Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
'Giã nhà đeo bức chiến bào,
'Thét roi cầu Vị ào ào gió thu...
Đây cũng là ý chí và mộng ước của người dân Việt, qua lời thơ hào hùng của Nguyễn Công Trứ:
'Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
'Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
'Chí những toan xẻ núi lấp sông,
'Làm nên tiếng phi thường đâu đấy tỏ.
Khi đánh giặc thì dùng mưu trí, chế tác các chiến cụ và biến mọi thứ thành vũ khí để tăng sức chiến đấu, nhưng vẫn lấy sự chiêu dụ răn đe kẻ thù làm chính, hơn là tàn sát đối phương.
Lúc chiến thắng thì từ bỏ vũ khí, không lấy công trạng để đòi hỏi quyền lợi riêng tư, coi việc vệ quốc như một trách nhiệm cao cả thiêng liêng, chứ không phải là thứ để mưu cầu lợi danh, chức vị, quyền hành... cho bản thân hay gia đình, đảng phái.
Đây tuy là bài học đầu tiên về chiến tranh vệ quốc, nhưng lại có rất nhiều giá trị để muôn đời sau nghiên cứu, noi theo.
So sánh với Kinh Thư Trung Quốc
Thiên II: Đại Vũ Mô của Kinh Thư Trung Quốc, viết:
Những dòng trên trong Kinh Thư của Trung Quốc tán tụng một cách chủ quan là 'chỉ vua Nghiêu' mới biết 'không bỏ sót bậc thiên tài nơi đồng áng, không bỏ rơi người khốn cùng...'.
Thực ra ngay dưới thời vua Hùng Vương thứ 3 tại Việt Nam, nhà vua đã biết chiêu hiền đãi sĩ, không thua kém gì đời vua Nghiêu bên Trung Quốc, khi cử người đi khắp nơi trong nước chiêu mộ nhân tài lúc có giặc đến xâm lăng.
Hơn thế nữa, nhà vua không hề nghi ngờ việc một đứa bé tàn tật đòi đánh giặc, sẵn sàng thực hiện các yêu cầu khó khăn, như rèn ngựa sắt, đúc kiếm sắt và roi sắt...
So với chỉ mấy lời tán tụng vua Nghiêu của Kinh Thư Trung Quốc, câu chuyện Phù Đổng Thiên Vương của Việt Nam có nội dung rất phong phú và hoàn chỉnh, bao hàm được nhiều ý tưởng qúy giá về nhiều bài học trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.
Đã mấy ai thể hiện được tấm lòng với người dân, khi đi nói chuyện chính trị, mà có chương trình thăm các Hội Cao Niên, Hội Phụ Nữ, học sinh các trường Việt ngữ cuối tuần...
Chỉ khi nào ai nấy noi theo được tấm gương trong sáng của Phù Đổng Thiên Vương, khi dấn thân đánh giặc cứu quốc bất vụ lợi, lúc đó đại cuộc mới mong thành đạt, quốc gia dân tộc mới mở mày mở mặt với thế giới.
Nhìn vào cả hai phe Quốc - Cộng trong cuộc chiến mới nhất vào cuối Thế kỷ 20, chúng ta mới thấy chiến thắng quân Ân đầu tiên trong lịch sử vệ quốc, rất xứng đáng được coi là một 'thắng lợi', vì sau chiến thắng đã không hề diễn ra những cuộc trả thù, những công thần cậy thế làm càn... khiến dân tộc được hưởng trọn vẹn cuộc sống hạnh phúc, quốc gia thanh bình thịnh trị.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.