Nhà Hậu Trần được 2 đời vua là Giản Định Đế (1407 - 1409)
và Trùng Quang Đế (1409 - 1413)
Nhà Minh bắt hết vua quan nhà Hồ đưa về Tàu, áp dụng chính sách cai trị khôn khéo khi mua chuộc các quan lại nhà Trần, mời ra trao cho một số chức quyền để được lòng dân.
Tuy nhiên, mục đích muôn đời của người Tàu là muốn tìm cách đồng hóa nước Nam, nên đưa Tam Giáo vào để gột bỏ tinh thần Nhân - Trí - Hùng của truyền thống dân tộc Việt; bắt nam nữ phải bận y phục như kiểu người Hán bên Tàu.
Đồng thời thu thập các loại sách giá trị của hai triều Lý Trần, đưa về Tàu nghiên cứu. Một số nhân tài và phụ nữ nhan sắc cũng bị bắt đưa về Tàu làm nô lệ. Trong đó có những người rất tài giỏi giúp Tàu chế súng thần công như Hồ Nguyên Trừng, xây dựng Tử Cấm Thành như Phạm Văn Thành...
Khi Trương Phụ về Tàu, bọn Lý Bân, Mã Kỳ sang cai trị, đã áp dụng một chính sách hà hiếp bóc lột dã man, giết người bừa bãi, oan khuất khắp nơi, khiến người dân Nam phẫn uất, anh hùng hào kiệt bị lương tâm cắn rứt, hoặc thời thế giác ngộ, đã đứng lên tìm cách chống giặc ngoại xâm.
Giản Định Đế tên là Trần Qũy, con thứ vua Nghệ Tông, khi nhà Minh đô hộ đã phiêu bạt về ẩn náu ở làng Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, được Trần Triệu Cơ tôn làm vua nối nghiệp nhà Trần, lấy niên hiệu là Hưng Khánh.
Buổi đầu thế lực còn yếu kém, nên Giản Định Đế bị quân Minh đánh thua, phải chạy vào Nghệ An.
Lúc đó Đặng Tất là quan trấn thủ Hóa Châu từ đời nhà Trần, được quân Minh phủ dụ cho giữ nguyên chức cũ; nay thấy quân Minh tàn ác, đã giết bọn quan nhà Minh, đem quân theo Giản Định Đế.
Đặng Tất là tướng giỏi, lại được Nguyễn Cảnh Chân có tài làm tham mưu giúp sức, nên đánh thắng quân Minh, tiến ra đến Trường An, Ninh Bình.
Thấy tình thế bất lợi, vua Minh sai Mộc Thạnh đem 40.000 quân sang giúp tướng Lữ Nghi đánh lại quân nhà Trần.
Khi quân Minh tiến đến Bô Cô, bị quân Đặng Tất đánh thua, giết tướng Lữ Nghi, Mộc Thạnh hoảng sợ bỏ chạy.
Giản Định Đế định thừa thắng đánh thẳng ra Đông Đô, nhưng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân muốn quân các lộ về đầy đủ, mới tổng phản công.
Từ đó vua tôi bất hòa, rồi Giản Định Đế nghe lời dèm pha, giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, cùng sát hại những người đã từng theo giặc, khiến lòng người chán nản, hàng ngũ rã rời.
Trần Qúy Khoách là con thứ của Mẫn Vương Trần Ngạc, cháu gọi vua Trần Nghệ Tông là ông nội, gọi Giản Định Đế là chú ruột, lên ngôi ngày 17-3 năm Kỷ Sửu (1409); bị quân Minh bắt vào tháng 11 năm Qúy Tỵ (1413) tại Hà Tĩnh, đưa về Trung Quốc tháng 4 năm Canh Ngọ (1414), nhảy xuống sông tự vẫn trên đường đi.
Con của Đặng Tất là Đặng Dung, con của Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị, thấy cha bị giết oan uổng, giận Giản Định Đế, đem quân bản bộ vào Hà Tĩnh, tôn cháu vua Nghệ Tông là Trần Qúy Khoách lên làm vua, đặt niên hiệu là Trùng Quang Đế.
Thấy thế lực Giản Định Đế suy yếu, Trùng Quang Đế mời Giản Định Đế về, tôn làm Thái thượng hoàng, để cùng nhau khôi phục cơ đồ nhà Trần.
Được tin Mộc Thạnh thua trận, nhà Minh phái Trương Phụ đem đại binh qua giúp.
Quân nhà Trần đang tấn công ra Bắc, Giản Định Đế chiếm vùng Hải Dương gặp đại binh của Trương Phụ, bị thua bắt đem về Tàu.
Đặng Dung trấn giữ Hàm Tử quan, do thiếu lương thực yếu thế, phải rút về Nghệ An.
Quân Minh làm chủ trở lại miền Bắc, thực hiện chính sách trả thù, khủng bố dữ dội những ai bị chúng tình nghi giúp nhà Hậu Trần.
Năm 1410, Trùng Quang Đế tiến ra bắc đánh thắng, chiếm lại Bình Than, được dân chúng căm thù quân Minh hưởng ứng, nổi lên theo giúp rất đông.
Trương Phụ lại áp dụng chiến thuật phủ dụ, lấy nhân nghiã lợi lộc cám dỗ, khiến những kẻ tham lam bỏ chính nghiã theo giặc khá nhiều.
Thấy vậy Trùng Quang Đế sai Nguyễn Biểu cầu hòa với Trương Phụ, theo như sự phủ dụ giả nhân nghiã của hắn.
**
Hùng tâm Nguyễn Biểu:
Tương truyền Trương Phụ muốn thử gan Nguyễn Biểu, dọn cỗ đầu người mời Nguyễn Biểu. Nguyễn Biểu thản nhiên lấy đũa móc hai con mắt ăn, rồi nói: 'Mấy khi người Nam được ăn đầu người Bắc'.
Trương Phụ cảm phục, dụ Nguyễn Biểu đầu hàng sẽ ban cho chức tước bổng lộc. Nguyễn Biểu mắng Trương Phụ: 'Bọn ngươi bên trong mưu đồ đánh chiếm, bên ngoài rêu rao nhân nghiã. Đã hứa lập con cháu họ Trần, lại đặt thành quận huyện phụ thuộc nước Tàu, không chỉ cướp bóc của cải châu báu, lại còn tàn sát sinh linh, thực là loài ác tặc'.
Biết không thể mua chuộc, Trương Phụ đã trói Nguyễn Biểu dưới chân cầu, để nước thủy triều dâng lên dìm chết dần dần, rất ác độc.
**
Khí tiết Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung:
Đặng Dung một lần đang đêm đánh úp Trương Phụ, nhảy được lên thuyền của Trương Phụ nhưng do không biết mặt Trương Phụ đã để hắn trốn thoát. Quân Minh bị đánh tan nát, thuyền bè vũ khí mất đến một nửa.
Do tướng Nguyễn Súy không chịu hợp binh đánh, Trương Phụ thấy quân của Đặng Dung ít, quay lại phản công, khiến quân của Đặng Dung thua.
Đến tháng 11- 1410 Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bị bắt. Nguyễn Cảnh Dị mắng Trương Phụ: 'Tao định giết mày, không ngờ nay bị mày bắt'. Phụ tức giận, giết Cảnh Dị lấy gan ăn, mong bổ gan hầu được can đảm như Cảnh Dị.
Trùng Quang Đế chạy qua Lào, cùng quần thần bị bắt, chấm dứt nhà Hậu Trần.
Đặng Dung là người văn võ toàn tài, có làm bài thơ 'Thuật Hoài' tỏ chí khí của người anh hùng không gặp vận, được truyền tụng:
'Thế sự du du nại lão hà!
'Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
'Thời lai đồ điếu thành công dị.
'Sự khứ anh hùng ẩm hận đa.
'Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
'Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
'Quốc thù vị phục đầu tiên bạch,
'Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma!
Bản dịch của Trần Trọng Kim:
'Việc đời bối rối tuổi già vay,
'Trời đất vô cùng một cuộc say.
'Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
'Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
'Vai khiêng trái đất, mong phò chúa,
'Rắp gột sông trời, khó vạch mây.
'Thù trả chưa xong, đầu đã bạc,
'Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày?!
Nguyễn Tycal dịch thoát ý:
'Thế sự chưa yên, tuổi đã già!
'Đất trời lồng lộng, hận trường ca.
'Gặp thời, chiến thắng đâu mấy khó?
'Thất thế, anh hùng cũng phải thua!
'Chí muốn đem tài phò minh chúa,
'Không đường tìm lối giúp quốc gia!
'Nợ nước chưa xong, đầu đã bạc,
'Mài gươm dưới nguyệt, dạ xót xa.
Lời bàn của sử sách
** Ngô Sĩ Liên:
'-Đường Thái Tông dùng binh, phần nhiều nhân thế chẻ tre mà giành thắng lợi, là vì có tư thế anh hùng, mà tướng và quân vốn đã rèn sẵn. Giản Định Đế tính kế quyết thắng nhưng Đặng Tất không theo, cố nhiên là đáng tiếc. Song có lẽ Đặng Tất tiên liệu vua mình không phải là bậc anh hùng như Đường Thái Tông, mà quân thì từ xa đến, lương thực có thể không tiếp tế được, còn quân ở các kinh lộ thì chưa tập hợp được, chẳng thà theo phép hơn địch gấp 10 lần thì bao vây, hơn địch gấp 5 lần thì đánh (Binh pháp Tôn Tử) là hơn. Nếu không thế thì thành Cổ Lộng chỉ cách Bô Cô không quá nửa ngày đường, sao vẫn không thể thừa thế chẻ tre mà đánh, huống chi thành Đông Quan. Kế ấy cũng chưa lấy gì làm hỏng lắm, chỉ vì vua tin lời gièm mà giết Đặng Tất thôi. Than ôi! Đặng Tất sau khi phá được giặc mạnh, trổ tài mới trong khoảng một tuần, một tháng, công việc chưa làm được một nửa mà bị chết oan. Đó là cái họa sụp đổ của nhà Trần, chứ đâu phải là tội của Đặng Tất?!
'-Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Nguyễn Cảnh Chân giỏi bày mưu lược, đủ để lập được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận Bô Cô, thế nước lại nổi, thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hai người bề tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh của mình, thì làm sao nên việc lớn được! Cho nên đức của người làm vua qúy ở chỗ cương quyết, sáng suốt. Cương quyết thì có thể xử đoán được, sáng suốt thì có thể xét rõ được. Ôi! nếu lúc đó vua gọi hai đại thần đến, dẫn mấy đứa gièm pha kể tội rồi chém chúng đi, thì uy lệnh được thi hành, mà bọn Đặng Tất dũng cảm càng tăng, cảm kích càng sâu; giả sử có manh tâm chuyên quyền chả lẽ không sợ uy mà phải từ bỏ, sợ gì khó kiềm chế nữa. Đã không làm được như thế, thì chỉ có long đong rồi đến chết chìm mà thôi!
'-Lời nói của bề tôi ngay thẳng không phải lợi cho mình, mà lợi cho nước. Nhưng các vua chúa tầm thường thì không hay coi đó là lợi, mà cứ muốn hại người ta. Đó là do họ bị che lấp nặng rồi!
'-Trận đánh ở Sái Già, Đặng Dung và Nguyễn Súy đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc, làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có thể làm được như thế hay không? Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời! Tuy thất bại cũng vẫn vinh quang. Vì sao vậy? Bọn Dung vì nghiã không thể cùng sống với giặc, phải tiêu diệt bọn chúng mới nghe, cho nên mới hết lòng hết sức giúp Trùng Quang để mưu khôi phục. Trong khoảng 5 năm kiên trì chống đối với giặc, dẫu có bất lợi nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng đến kiệt sức mới chịu thôi. Lòng trung vì nước của người tôi, dẫu trăm đời sau còn tưởng thấy được! Ngày xưa nước Lỗ đánh nhau với nước Tề ở đất Can Thì bị thất bại, thánh nhân không vì thua mà kiêng né, lại chép rõ để nêu niềm vinh quang chiến đấu với kẻ thù, chứ không bàn đến việc thành bại. Thế thì trận đánh ở Sái Già, quân Minh bị tan vỡ một nửa, quân ta đến khi sức kiệt mới chịu thua, cũng vinh quang lắm thay!
'-Trùng Quang đế lấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước trong lúc loạn lạc lưu ly, ví như dùng một cây gỗ để chống giữ ngôi nhà lớn đã đổ, chả lẽ không biết rằng thế không thể cứu vãn được nữa hay sao? Nhưng hãy làm hết bổn phận nên làm, ngõ hầu có thể vãn hồi được thiên mệnh! Còn như khi bị giặc bắt đem về, giữ nghiã không chịu nhục, cam lòng nhảy xuống biển mà chết, để cùng mất với đất nước, thực đúng là ''Quốc quân chết vì xã tắc'', mà các bề tôi của ngài như Cảnh Dị chửi giặc mong cho chúng giết ngay mình, Nguyễn Biểu kể tội ác của giặc rồi chết, đều là những người tiêu biểu đáng ca ngợi cả. Chỉ có Hồ Ngạn Thần đi sứ làm nhục mệnh vua, đã bị giết rồi, Phan Liêu đem tình hình mạnh yếu trong nước đi báo cho giặc tuy được thoát chết trong một thời, nhưng sau lại bị Thái Tổ Cao Hoàng Đế giết chết. Than ôi! người làm tôi trung với nước tuy chết vì nghiã không có tội gì, mà còn để lại tiếng thơm mãi mãi. Còn bọn bất trung phản quốc không thể tránh khỏi chết, lại còn để tiếng xấu ngàn năm, thực đúng như thế.
**Ngô Thời Sĩ:
'-Người Minh cấp về cầu nhân tài như thế, có phải thật lòng hiếu hiền đâu, chúng chỉ sợ người anh hùng của ta không bao giờ hết, nên cuộc nội thuộc đã thành rồi tất sẽ có người ra phá hoại mất, cho nên chúng mới đưa lời nói ngọt, nhử cho tước vị để ràng buộc lấy; làm cho loài kiến ham mỡ, con sâu thấy lửa đỏ, thì lăn vào, rồi chúng một mẻ bắt hết cả. Xem như việc Nguyễn Đái và Bá Kỳ thì thấy rõ, còn Ứng Đẩu và Tử Cấu không bị phồn hoa bó buộc thân, thật là bậc kiệt sĩ.
'-Bô Cô ở sông Thanh Quyết, theo thủy triều đi thuyền 3 trống canh có thể đến Lạc Tràng, đi thẳng lên Đông Đô không đến một ngày. Thừa thế trận thắng lớn như vậy mà không tán thành lời quyết định của vua Giản Định, ai chả tiếc là thất cơ. Nhưng mà Đặng Tất đã vất vả ở Bố Chính, bị Trương Phụ đuổi phiá sau, Thế Căng ngăn ở mặt trước, mà phá được Thế Căng lấy lại Tân Bình, mới điều động được quân các trấn Thuận - Quảng - Hoan - Ái, để có quân tiến đánh Đông Đô; lặn lội hàng tuần đến được Bô Cô, may bẻ gẫy được gươm giáo của quân Điềm và Kiềm, phô trương thanh thế quân Thanh - Nghệ, còn một bước nữa thì đến Thăng Long, còn xa gì nữa mà phải dùng dằng không tiến. Thực ra Đặng Tất đã trù tính kỹ lắm rồi, Mộc Thạnh mới sang, xa xôi nghìn dặm, quân bị đói khát mỏi mệt, thoát chết ở Bô Cô là may lắm. Còn Trương Phụ là tay cáo già, như con hổ ngồi nhìn Đông Đô, nay toán quân cô độc của ta xa xôi kéo đến, chưa dễ thủ thắng. Vạn nhất trước mặt, sau lưng đều có quân địch, ta không đủ quân lương cứu viện, có phải là dẫn thân đến chỗ chết không? Cho nên thà nghỉ ngơi để mà điều độ, mới là kế vạn toàn. Đặng Tất cũng là trí tướng đấy chứ. Nếu được dùng hết mưu đồ của ông, thì người Minh cũng phải có một phen khốn đốn, quyết không dám bảo nước ta vô nhân. Tiếc thay! Vua Giản Định tự phá hoại bức trường thành của mình đó!
'-Chính khí ở trong trời đất, sấm sét gió bão cũng không sợ, qủi thần không dám gần, xem như lời Nguyễn Biểu, Cảnh Dị, Đặng Dung mắng quân giặc, giống tiếng sét đánh tan mọi vật, sương mùa thu làm sém cỏ, coi sống chết là tầm thường, dù gươm giáo cũng không tan chí khí băng sương, nát tấm lòng vàng đá được.
**Sách Thiên Nam Ngữ Lục:
'Bấy chừ Đặng Tất con là Đặng Dung'
'Một mình âm ỷ đau lòng,
'Bèn đến nói cùng Cảnh Dị sự duyên:
'Giản Định nghe kẻ sàm ngôn,
'Nỡ giết tướng hiền đương thuở kỳ khu.
'Ra lòng nông nổi thờ ơ,
'Ăn gửi nằm nhờ mong sáng mà đi.
'Manh hành nên cơm cháo gì,
'Thấy thời lạt lạt, gậm thì chua le.
'Còn mong đạo nghiã ấy chi,
'Chúng ta trở về quê cũ Nghệ An.
'Có con tiểu tốt ra than:
'-Tướng quân về chẳng báo oan ru là!
'Nghiã nào trọng hơn nghiã cha,
'Mà thằng Nguyễn Dực nó hòa làm hư!
'Cơn này dễ bắt họa ra,
'Tôi xin trở lại báo thù tiên quân'.
'Nguyễn Đặng khuyên cùng chư quân:
'-Tư thù mỗ để mười phân vào lòng.
'Bây giờ việc nước chưa xong,
'Nó đã dại rồi, mình cũng dại ru?!
'Nó cùng Giản Định làm cơ,
'Chống nhau cùng giặc, chúng ta vững vàng.
'Nước an ta sẽ liệu đường,
'Nay khi vận nước vẫn còn dở dang,
'Nếu ta làm loạn nhà vương,
'Nghêu cò đua sức cho chàng ngư ăn.
'Chẳng bằng ta chớ cất quân,
'Về nhà kiếm chước lập thân cùng người'.
'Nghệ An khi về đến nơi,
'Nguyễn - Đặng hai người chung sức lo toan.
'Kiếm tìm tôn thất lập nên...
-'Cảnh Dị lòng chẳng động lòng,
'Hễ kẻ anh hùng thắng bại thời liên.
'Ngẩng đầu quắc mắt lên nhìn,
'Mắng thằng Trương Phụ là hèn lắm thay.
'Lẽ ra tao chém đầu mày,
'Tai trời, ách nước, nên mày bắt tao.
'Trương Phụ cả giận tức sao,
'Giết ngay Cảnh Dị, đầu treo cửa thành.
'Mổ gan đem nấu làm canh,
'Hận vì bị nhục, mà thành ác nhân.
**Trần Trọng Kim:
-'Nhà Minh không phải yêu gì nhà Trần mà sang đánh nhà Hồ, chẳng qua là nhân lấy cái cớ nhà Trần mất ngôi mà đem binh sang chiếm nước Nam. Lại nhân vì người An Nam ta hay có tính ỷ lại, có việc gì thì chỉ muốn nhờ người, chứ tự mình không biết kiên nhẫn, không cố gắng mà làm lấy. Một ngày gì nữa mà còn lạ cái lòng hùm beo của người Tàu, thế mà hễ khi nào trong nước có biến loạn, lại chạy sang van lạy để rước chúng sang. Khác nào đi rước voi về giày mồ vậy. Dẫu mà người Tàu có lòng vị nghiã mà sang giúp mình nữa, thì cũng nên nghĩ rằng chẳng vẻ vang gì cái việc đi nhờ người ta, huống chi kỳ thực lúc nào chúng cũng chực đánh lừa mình, như đánh lừa trẻ con, để bóp cổ mình. Thế mà người mình vẫn không biết là dại, là tại làm sao?!
'Tại cái nghiã ''dân'' với ''nước'' ta không có mấy người hiểu rõ. Nhà nào làm vua, cho cả nước là của riêng của nhà ấy; hễ ai mất thì tìm cách lấy lại, lấy không được thì lại đi nhờ người khác lấy lại cho, chứ không nghĩ đến cái lợi chung trước cái lợi riêng, cái quyền nước trước cái quyền nhà. Thế cho nên mình cứ dại mãi, mà vẫn không biết là dại.
**Phạm Văn Sơn:
-'Quân kháng chiến mỗi ngày một tan rã, Qúy Khoách cùng các thủ túc phải lẩn vào rừng núi, sau này cũng bị bắt hết giải về Yên Kinh. Đi đến nửa đường, Qúy Khoách nhảy xuống bể tự tử, còn bọn Nguyễn Súy, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị cũng đều tử tiết cả.
'Để tưởng niệm họ Đặng có lòng trung quân ái quốc, nhân dân có đền thờ ông ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
'Nhà Hậu Trần thất bại không phải là điều ngạc nhiên, vì kiểm điểm tình trạng của mấy triều vua cuối cùng của dòng họ Đông A, năng lực của các nhà lãnh đạo và sự kiệt quệ của nhân dân đời bấy giờ, ta thấy rõ rệt triều Trần không thể tồn tại mãi trên sân khấu chính trị Việt Nam. Nền móng đã lún, cột kèo đã mục, thì làm thế nào khỏi sự sụp đổ.
'Dẫu sao ta cũng phải ngợi khen con cháu nhà Trần đến lúc suy tàn còn có một phen quật khởi. Nhưng cũng do sự xụp đổ hoàn toàn của họ Trần, ta thấy rõ lý do xã hội Việt Nam cần phải thay trò đổi cảnh. Con thuyền quốc gia mỏng manh như vậy, mà trao mãi cho những tay lái bất tài, thì sinh mạng của những kẻ đồng hành há là rơm rác sao?!
'Ngoài ra, nhân dân Việt Nam đã ủng hộ cuộc kháng chiến của họ Trần đến như thế, cũng là hết lòng, mà họ Trần không tái tạo nổi cơ đồ, thì không còn phiền trách vào đâu nữa. Công nghiệp vĩ đại của họ Trần trước đây là chống xâm lăng, thì sau này con cháu họ Trần bất lực đem lại cái họa vong quốc, họ Trần phải lãnh một phần trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc.
'Rồi đây, cũng với trời đất non sông ấy, nhân dân ấy, người nông dân đất Lam Sơn làm được những sự nghiệp thế nào, ta sẽ hiểu dân tộc chúng ta không bao giờ thiếu nhân tài, tinh thần ái quốc và chiến đấu.
'Để cho quân giặc xông pha vào bờ cõi như vào chốn không người, chẳng qua những kẻ cầm đầu chính trị cũng như quân sự đã quá ư hèn nhát. Giặc vừa tới nơi đã bỏ giáo hàng giặc, giặc vừa thét ngoài biên, đã mở cửa thành đón giặc. Quan liêu, trí thức, đâu đâu cũng khoanh tay cúi đầu chịu lệnh của giặc, tâm lý của cả một lớp người thời đó như vậy, mà lại trách Qúy Ly làm mất nước chẳng đáng buồn cười lắm sao!
Nhận Định
Nhà Hồ và Hậu Trần là những bài học tiêu biểu về nguy cơ mất nước, không chỉ cho thời trước mà còn cho cả sau này.
Việc nhà Hồ thoán ngôi nhà Trần, nào có khác gì việc Ngô Đình Diệm truất phế vua Bảo Đại?!
Việc con cháu nhà Trần rước quân Minh về đánh Hồ, nào có khác gì Hồ Chí Minh đưa Nga Tàu vào Việt Nam nhuộm đỏ quốc gia & dân tộc, để đến nay bọn Việt Cộng phải đền ơn dâng một phần lãnh thổ & lãnh hải cho Trung Cộng?!
Lời bàn của Sử gia Trần Trọng Kim rất phù hợp với cuộc chiến tranh Quốc & Cộng cuối Thế kỷ XX, khi cả hai phe đều dựa dẫm vào các thế lực ngoại bang để tranh thắng. Do vậy mới lâm vào cảnh khi Mỹ quyết định không giúp, chính thể miền Nam sụp đổ, thua bọn Cộng sản, đẩy cả nước vào chỗ lầm than khổ ải, mất hết quyền tự do dân chủ.
Nhưng điều quan trọng nhất, vẫn là việc người dân khi được hưởng tự do hạnh phúc, phải biết trân qúy lo toan gìn giữ, thay vì đấu đá nhau do các vấn đề riêng tư như tôn giáo, đảng phái chính trị... làm cho thế nuớc & sức dân bị suy yếu, giúp kẻ thù dễ dàng chinh phạt?
Người dân miền Nam từ năm 1954 đến năm 1975, có hơn 20 năm để xây dựng và phát triển quốc gia như Tây Đức, Nam Hàn. Nhưng chỉ vì các lãnh tụ nắm quyền hành không biết kết hợp các tôn giáo và đảng phái chính trị + người dân chưa biết tích cực lo việc nước, chưa biết dùng lá phiếu bầu cử, đòi hỏi nhà cầm quyền phải tiến hành thực hiện một thể chế tự do dân chủ đích thực; khiến kẻ lộng quyền mới có cơ hội kéo bè kết đảng, ứng cử độc diễn, đưa cả nước vào bước đường cùng.
Do vậy nếu chê trách giới lãnh đạo đương thời một phần, thì bản thân người dân đương thời cũng phải nhận một phần trách nhiệm, để tu tỉnh căn cơ, dấn thân lo chuyện cứu quốc trong tư thế khác hẳn trước, với tư tưởng và hành động sáng suốt hơn, mới mong không đi vào vết xe chia rẽ cũ trong việc quang phục quê hương.
Người Việt ở trong nước cũng như ở hải ngoại, ngày nay cần phải nuôi chí tự lập, tự cường, trong việc quang phục quê hương. Không nên trùm chăn, rồi ỷ lại kẻ khác, thò cổ ra hỏi bao giờ đất nước sẽ tự do, dân chủ?!
Những thành quả của người Việt tỵ nạn nơi hải ngoại, bấy nay vẫn chỉ mang các giá trị riêng tư trong phạm vi nhỏ hẹp của gia đình, khi ai nấy giàu có, con cái thành đạt.
Trên phạm vi cộng đồng và dân tộc, chúng ta thấy:
-Các cộng đồng nơi người Việt tỵ nạn ngụ cư, vẫn không thể đoàn kết & liên kết theo kiểu 'hợp quần làm nên sức mạnh'; chưa biết kết hợp quyền ứng cử và bầu cử của mình, để từ đó dùng nghị trường nước tạm cư đấu tranh cho cộng đồng ở sở tại, cũng như gây áp lực quốc tế với bọn bạo quyền Cộng sản trong nước.
-Các cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn chưa thể kết hợp được với nhau một cách chặt chẽ & tương thông từ nước nọ qua nước kia, tạo thành một sức mạnh quốc tế, để phát triển và có thể giúp người dân trong nước noi theo..,
Bấy nay sách sử Việt Nam trong và ngoài nước vẫn chỉ được ghi chép như một cuốn biên niên sử bao gồm các sự kiện khô khan, thay vì cần có những tham luận của nhiều thời đại, nhiều khuynh hướng và quan điểm khác nhau, mới có thể thuyết phục hầu rút ra những bài học giá trị hữu ích cho mai hậu.
Lịch sử và Văn họcViệt Nam bấy nay chỉ được giảng dạy một cách hời hợt, không xoáy mạnh vào những tấm gương anh hùng của dân tộc, bàn luận so sánh các vị này với các tấm gương dũng cảm trên thế giới, hầu gạt bỏ tâm lý tự ty & vọng ngoại.
Đây chính là mục đích của sách Khởi thảo Kinh Thư Việt Nam II và III, rất mong được khai triển sâu rộng vậy.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.