Tổng thống Ngô Đình Diệm sinh năm 1897 tại Đại Phong, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình theo Thiên Chuá Giáo. Cha là Ngô Đình Khả (1846 - 1914) làm
Trưởng phòng thông ngôn của Khâm sứ Rheinart, có công thời kỳ đánh phá các phong trào Cần Vương trong các thập niên 1880 và 1890. ông Ngô Đình Diệm thường sống với gia đình cha nuôi là Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài.
Ông Ngô Đình Diệm đỗ Cao đẳng Tiểu học (Diplome), theo học trường Hậu Bổ, năm 1928 làm Tuần vũ Phan Rang, rất thanh liêm và có tinh thần canh tân cao, được Pháp vừa ý và sự hậu thuẫn của đại thần Nguyễn Hữu Bài, nên thăng quan tiến chức nhanh. Tháng 5-1933 được Toàn quyền Pasquier đặc cách làm Thượng thư Bộ Lại, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Cải cách.
Do đề nghị cải cách không được Pháp chấp thuận, ông xin từ chức.
Ngày 16-6-1954, Quốc trưởng Bảo Đại ủy quyền ông Ngô Đình Diệm từ nước ngoài về làm Thủ tướng, với toàn quyền về dân sự và quân sự, trong khi Bảo Đại từ Paris qua Cannes sinh sống, không về nước.
Thủ tướng Ngô Đình Diệm được Mỹ qua giúp thay thế Pháp, hỗ trợ tổ chức thành trì chống Cộng sản Quốc tế, đã có công lớn trong việc:
- ổn định cuộc sống của 1 triệu người Miền Bắc di cư vào Nam, tạo điều kiện giáo dục hình thành một tiềm lực phát triển Quốc gia & Dân tộc chống Cộng mai hậu.
- dẹp yên các cuộc nổi loạn của cảnh sát, quân đội thuộc các giáo phái; thành lập Đệ Nhất Cộng Hòa.
- đưa Miền Nam bước vào một thời kỳ tự do dân chủ thịnh trị nhất trong 2 thế kỷ 19 và 20.
Nhờ vậy mà Việt Nam có được nhiều nhân tài có trình độ cao, có thể hoà nhập dễ dàng khi ra nước ngoài tỵ nạn sinh sống, hình thành các cộng đồng duy trì phát huy một nguồn nhân lực tinh hoa trên nhiều phương diện khác nhau, từ Chính trị, Giáo dục, Kinh tế, Tài chánh... rất quan trọng cho công việc phục hồi đất nước mai sau.
Rất tiếc chỉ sau 9 năm cầm quyền quang minh chính đại, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã dung túng để cho các anh em trong gia đình thao túng về tôn giáo, chính trị; đàn áp Phật Giáo và đối lập; làm mất niềm tin qúy giá ban đầu, nên đã bị quân đội đảo chính.
Do không giữ lời hứa trong lần bị đảo chính thứ nhất, nên hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị quân đội sát hại trong lần đảo chính thứ hai ngày 2-11-1963.
**Các đảng phái chính trị đương thời:
Hiệp định Genève chia đôi đất nước, hơn 2 triệu người dân từ Miền Bắc di cư vào Miền Nam, hình thành nhiều đảng phái hoạt động chung với các đảng phái cũ mới ở Miền Nam, tạo ra một không khí sinh hoạt chính trị nhộn nhịp:
*Sinh viên & Học sinh di cư chống cộng:
Trước khi có phong trào di cư, người dân Miền Nam còn chưa hiểu mấy về cộng sản, ngoại trừ các giáo phái như Hòa Hảo... bị Việt Cộng ám hại vị giáo chủ.
Các sinh viên & học sinh di cư đã mở đầu phong trào chống cộng triệt để, bằng cuộc biểu tình đuổi phái bộ Việt Cộng, do tướng Văn Tiến Dũng cầm đầu, tại khách sạn Majestic, Sài Gòn. Chính các sinh viên & học sinh này sau đó khi trưởng thành, đã đóng góp rất nhiều công sức vào các sinh hoạt chính trị, quân sự, văn học, giáo dục... chống cộng tại Miền Nam.
*Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia:
Tập hợp nhiều tổ chức quân sự, cảnh sát của Bình Xuyên và các giáo phái Cao Đài, Hòa hảo, do Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc của Cao Đài làm chủ tịch.
Tháng 4-1955 Mặt trận cử phái đoàn đòi Thủ tướng Ngô Đình Diệm phải chia quyền. Không được chấp thuận, Bình Xuyên nổ súng tấn công, bị đánh tan.
*Hội đồng Nhân dân Cách Mạng Quốc gia:
Tháng 4-1955 khi vua Bảo Đại từ Pháp muốn cách chức của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, Thủ tướng Diệm đã triệu tập Hội nghị gồm 18 chính đảng và 29 nhân sĩ quốc gia tại dinh Độc Lập, họp bàn đi tới quyết định truất phế vua Bảo Đại, ủy nhiệm ông Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ lâm thời, tổ chức tuyển cử thành lập chế độ Đệ I Cộng Hòa Việt Nam.
*Các đảng phái ủng hộ ông Ngô Đình Diệm:
Ông Ngô Đình Nhu lập đảng Cần Lao Cách Mạng Nhân Vị, và một số tổ chức hỗ trợ chính quyền như Phong trào Cách Mạng Quốc Gia, Liên đoàn Công Chức Cách Mạng Quốc Gia, Thanh niên Cộng Hòa, Phụ nữ Liên Đới.
Chính quyền cũng mua chuộc và được một số đảng ủng hộ, như đảng Xã Hội Việt Nam của ông Cổ Văn Hai, Đại Việt Duy Dân chi phái Thái Lăng Nghiêm...
*Các đảng phái chống đối ông Ngô Đình Diệm:
Khi lên làm Tổng thống, nắm vững quyền hành, ông Ngô Đình Diệm bắt đầu tìm cách vô hiệu hóa các đối kháng của 2 giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, các đảng và tổ chức như Đại Việt, Việt Quốc, Việt Cách, Dân Xã, Bình Xuyên, nhóm Caravelle...
Lời bàn của sử sách
**Con Rồng Việt Nam:
*'Tôi (Bảo Đại) cho vời một viên quan tỉnh trẻ tuổi nhứt là Ngô Đình Diệm, lúc ấy làm Tuần vũ tỉnh Phan Thiết, để đảm trách Bộ Lại. Vốn dòng quan lại, anh ruột ông ta làm Tổng đốc tỉnh Faifo. Diệm năm ấy 31 tuổi, nổi tiếng là thông minh, liêm khiết. Đây là một người quốc gia bảo thủ.
*'Sau 4 tháng, vào đầu tháng 9-1933, Ngô Đình Diệm không tìm thấy ở Phạm Quỳnh một sự giúp đỡ gì, liền xin gặp tôi:
'-Tâu Hoàng thượng, hạ thần đến để xin Hoàng thượng cho từ chức, và cũng xin Hoàng thượng cho giải nhiệm luôn tất cả những chức vụ mà Hoàng thượng đã trao phó từ trước.
'-Quan Thượng, viên thư ký Nguyễn Đệ đã tâu trình Trẫm tất cả nỗi khó khăn của ông, nhưng Trẫm nghĩ rằng ông nên tiếp tục ở lại.
'-Tâu Hoàng thượng, xin Hoàng thượng tha tội cho kẻ hạ thần, nhưng quả không thể nào ở được. Ở lại chức vụ này, quả nhiên là một trò hề đau khổ của hạ thần, mà hạ thần không thể nào kham nổi. Người Pháp đã nắm lấy hết quyền hành, họ đã cai trị trực tiếp, luôn nhân danh hòa ước bảo hộ, nhưng họ không lúc nào không vi phạm từng ngày, từng giờ.
'-Quan Thượng, Trẫm hiểu tinh thần trách nhiệm của quan Thượng. Sự liêm khiết ấy đã tôn vinh ông lên rất nhiều, nhưng cần phải chờ thời. Đất nước ta chưa sẵn sàng.
*'Công việc không dễ dàng gì cho Ngô Đình Diệm. Việc ông đến Sài Gòn, chẳng được ai hoan nghênh. Người ta cần phải động viên tinh thần mọi người cả nước đã rơi vào tình trạng hoang mang. Ngày 30-6-1954 ông ta ra Hà Nội, mà những điều ông ta thấy không ai có thể tưởng tượng được. Chống lại Cộng sản, chẳng ai nghĩ đến... Trái lại nữa, người Pháp bắt đầu di tản trước tiên. Hàng trăm ngàn người đau khổ, trong đó có những người Công giáo thuộc các giáo phận miền Bắc, mà ông tin tưởng sẽ đứng bên cạnh ông, thì chỉ nghĩ đến chạy vào Nam. Thật quá chậm trễ để không thể hành động gì được nữa.
*'Gạt bỏ được sự chống đối của các giáo phái, hất bỏ cái di sản ám ảnh về tổng tuyển cử sắp đến ngày cận kề, với quân đội trong tay, vào cuối hè năm 1955, Diệm đã là kẻ đắc thắng, và chỉ còn có một trở ngại cần loại trừ để thỏa mãn tham vọng của mình: làm Quốc trưởng...
'Trong giới thân cận tôi, người ta liền khuyên tôi, khi tôi hãy còn quyền lực trong tay, là truất phế Thủ tướng trở về Sài Gòn để tự tay cầm đầu một chính phủ mới. Nhưng tôi không còn tin vào một sự phiêu lưu mới trong tình trạng hiện tại của quốc gia. Sau cuộc thất bại của giải pháp Pháp, một giải pháp Mỹ như đang được thực hiện, chỉ có thể đưa đến một sự thất bại mới, còn to lớn, nặng nề và sâu đậm cho dân tộc Việt Nam hơn nữa. Nước Việt Nam chỉ được tự mình cứu rỗi, có lẽ phải qua đến bước đường cùng, để lấy làm nguồn để bắt đầu.
*'Người ta đã dùng Diệm. Chính tôi đã cho tìm ông ta, khi ông ta mải mê theo tu học, và tôi đã đưa ông ta vào quyền hành. Than ôi, rất nhanh chóng, nước Việt Nam bị đặt dưới quyền gia đình trị của ông ta. Toàn gia ấy đã làm hỏng việc của Diệm.
**Các Vua Cuối Triều Nguyễn:
*'Trong những buổi họp Hội đồng Cải cách, Diệm đặc biệt quan tâm đến những vấn đề lương tâm và sự mưu tìm một lý tưởng xã hội đặc trưng Ki-tô giáo, rất giáo điều và đôi khi không tưởng (utopique). Theo Pasquier, Diệm chỉ quan tâm đến sự sùng tín, chẳng đoái hoài gì đến tài sản và danh vọng ở đời, và ngay vào cơ hội đầu tiên sẽ xin về hưu.
*'Tư liệu trong kho Cambodge - Laos - Vietnam ghi nhận Ngô Đình Diệm, ít nữa cho tới ngày 7-11-1961, không những muốn đón nhận quân chiến đấu Mỹ và các nước bạn, mà còn tuyên bố ''Đại đa số dân miền Nam tán thành việc này''. Như thế, những lời tuyên bố chống Mỹ vào đầu năm 1963 của vợ chồng Ngô Đình Nhu chỉ ''nhắm vào các cố vấn quân sự Mỹ'' sau khi Ngô Đình Nhu đã bí mật gặp nhiều đại diện Cộng sản, kể cả Phạm Hùng, người sẽ trở thành Bí thư B-2 từ năm 1967, với hy vọng ''tháu cáy'', chống lại áp lực cải tổ chính trị và nhân sự - nhất là việc bắt Tổng Giám Mục Thục cùng hai vợ chồng Cố vấn Nhu rời nước'.
'...Nhân chứng đương thời khẳng định Tổng thống Diệm ''biết rất rõ'' mọi diễn biến, từ chính sách kỳ thị Phật giáo do Ngô Đình Thục chủ trương tới cuộc đàn áp của Đặng Sĩ tối ngày 8-5-1963 ở Huế.
**Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm:
*'Riêng ông Ngô Đình Diệm, chắc không ai phủ nhận đạo đức của ông. Ông Diệm sống như một nhà tu hành, không có tham vọng vật chất. Lòng yêu nước của ông cũng rõ ràng, tuy ông quan niệm công việc lo cho dân cho nước theo kiểu của một ông quan thời phong kiến. Nghiã là ông là ''cha mẹ dân'', ông tự tin vào lương tâm trong sáng của mình, thì ông có quyền bắt dân phải nghe theo mệnh lệnh của mình. Ông không theo kịp thời thế, nên không hiểu được nguyện vọng của người dân để đáp ứng thỏa đáng.
'Vì quá tự tin, thành ra tự tôn, đưa đến sự xem thường dân chúng. Chẳng những chỉ xem thường dân chúng, mà ngay cả những người hợp tác với ông Diệm, cũng bị ông xem thường.
*'-Đức cha đầu óc quan liêu lắm! Ông lấy thế là anh của Tổng thống, lấn át ý kiến của người khác, kể cả người trong nhà. Những người khác có ý kiến, nhưng Đức cha Thục bao giờ cũng thường dùng ý mình lấn át ý người khác, lấy quyền huynh trưởng trong nhà... Những chuyện ở địa phương ông Nhu ông Diệm không lường được, không đề phòng được.
*'Vốn là người có cá tính mạnh, lớn lên trong một gia đình thả lỏng con cái theo lối sống Tây phương, lại không được học cao, nên bà Nhu không phải là con người sống trong khuôn mẫu của lễ giáo. Đến khi có quyền, bà lại càng sinh ra kiêu mạn, khinh rẻ tất cả.
*'Ông Diệm vốn dĩ phải dựa dẫm rất nhiều vào ông em cố vấn. Trong lúc bình thường ông đã cần tới ý kiến của ông Nhu trong nhiều lãnh vực, huống hồ vào giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của cuối năm 1963. Bất cứ việc gì do cấp dưới trình lên, ông Tổng thống đều thường hỏi ''Đã trình ông Cố vấn chưa?''. Nếu đáp ''đã'' thì ông cứ theo ý kiến ông Nhu, chẳng cần hỏi han gì. Nếu đáp ''chưa'' là y như ông nhăn mặt, khó chịu. Thậm chí, đến cái diễn văn, cũng không qua khỏi tay ông Nhu.
*'Ông Diệm trợn mắt:
'-Tại sao dám bảo người ta như vậy? Người ta là những nhà tu hành đạo đức.
'-Thưa Cụ, họ là những người đạo đức, nhưng không biết gì về chuyện ngoài đời. Như tôi đây, trước có ở trong nhà tu nên tôi biết. Mới 11-12 tuổi vô nhà dòng, được gọi là Chú. Vài năm sau lên chủng viện, các cụ già nhà quê gặp mặt vội chắp tay ''Bẩm Thầy''. Khi ra làm linh mục thì suốt ngày nghe ''bẩm Cha, trình Cha''. Bởi thế họ sinh kiêu. Các ông sư và cha tuy đạo đức, nhưng họ không hiểu việc đời nên dễ tin người, dễ bị gạt.
**Cụm A 22 Tình báo chiến lược Hà Nội tại dinh Độc Lập:
*'Hai Long được Hà Nội tuyên dương anh hùng gián điệp, phong quân hàm đại tướng, tô điểm thêm thắt công lao, quả quyết chính Hai Long đã phá hủy rất nhiều kế hoạch tối cao của phủ Tổng thống và bộ Tổng Tham mưu quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sự thực không phải như vậy, Hai Long cũng chỉ là một điệp viên tầm thường chẳng có gì để thần thánh hóa. Hắn chỉ nhờ may mắn quen biết Đức cha Lê Hữu Từ. Năm 1951, Việt Minh phái hắn tìm cách len lỏi rồi làm phụ tá cha Hoàng Quỳnh. Ở đây, hắn có môi trường phát triển thế lực cá nhân. Cho nên, năm 1954 theo Đức Cha trá hình di cư vào Nam hoạt động, hắn được nhiều thiện cảm các nhân sĩ Miền Nam và được xác nhận là ''Chiến sĩ công giáo chống Cộng''.
**Việt Nam 1945 - 1995:
*'Từ giữa năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch ''tố cộng'' mãnh liệt trên toàn miền Nam để loại trừ mọi hoạt động cộng sản hay thân cộng. Miền Bắc ghi nhận con số cán bộ bị bắt giữ hay bị giết rất cao: ''Chỉ trong 4 năm (từ 1955 - 1958), 9/10 cán bộ đảng viên ở miền Nam đã bị tổn thất. Riêng Nam Bộ, chỉ còn khoảng 5.000 so với 60.000 đảng viên trước đó. Ở đồng bằng Liên Khu V, có khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên bị địch bắt giết hại. 12 huyện không còn cơ sở đảng. Ở Quảng Trị, chỉ còn 176 trong số 8.400 đảng viên trước đó''.
*'Tháng 3-1959 chính phủ Ngô Đình Diệm tuyên bố đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh. Ngày 6-5-1959 Tổng thống Diệm ký đạo luật số 10/59 thiết lập Tòa án Quân sự Đặc biệt xét xử cán bộ cộng sản và bị can không có quyền chống án. Tuy nhiên, các hoạt động tuyên truyền của miền Bắc sách động quần chúng nổi dậy vẫn tiếp tục. Từ năm 1960, phong trào ''Đồng Khởi'' có được nhiều điều kiện khách quan hết sức thuận lợi. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã trở thành một chế độ độc tài gia đình trị, gây nhiều bất mãn trong giới chính trị cũng như quân đội, mà hậu quả là cuộc đảo chính hụt của nhóm Nguyễn Chánh Thi - Vương Văn Đông ngày 11-11-1960 và những khó khăn về sau ngày càng trầm trọng.
'Về mặt quốc tế , VNDCCH vẫn được Trung Quốc nhiệt tình ủng hộ từ thời chiến tranh chống Pháp, nay vì mối mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc từ 1956 mà cả hai nước đều phải gia tăng chi viện cho Hà Nội để giữ được uy tín và ảnh hưởng với các nước cộng sản khác trên thế giới.
*'Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (gọi tắt là MTGPMN) ra đời trong những điều kiện thuận lợi đó. Ngày 19-12-1960 (Kỷ niệm ngày khởi đầu chiến tranh chống Pháp), khoảng 60 người đã hội họp tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh để thành lập MTGPMN. Phần lớn số người này không phải là đảng viên cộng sản, nhưng thành phần nòng cốt đều là đảng viên cộng sản cao cấp, trong đó có 3 người lãnh đạo ban tổ chức là Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hiếu và Trần Bửu Kiếm.
**Cuộc chiến tranh xâm lăng Việt Nam:
*'Thật là một sự trớ trêu của lịch sử khi Cộng sản Bắc Việt, kẻ thù của Miền Nam Tự do, lại hoàn toàn đứng ngoài vụ thảm sát anh em vị lãnh tụ Miền Nam, mà họ phải công nhận là những người yêu nước. Họ chẳng nhúng tay hay tiếp tay vào tội ác này, mà chỉ hưởng lợi lâu dài hậu quả của nó, cho đến khi Miền Nam suy yếu, rồi bị đồng minh phản bội và rơi rụng như một trái cây quá chín vào tay họ. Cuộc đảo chính tháng 11-63 đã có tác dụng đầy đủ của một loạt bom nổ, phá hủy nhanh chóng nền móng của Miền Nam...
**Lịch Sử Chính Trị Việt Nam Cuối Thế Kỷ XX (1945 - 2000):
*'Tổng thống Ngô Đình Diệm vì muốn giữ chính nghiã quốc gia, nhưng gia đình và thân hữu lại có dị chí khiến bị sát hại năm 1963. Hoa Kỳ làm ngơ, Vatican đứng nhìn, Pháp thản nhiên.
**Việt Nam Nhân Chứng:
*'Ngô Đình Diệm càng ngày càng làm mất lòng dân, chính khách bất bình, quân đội ngao ngán vì tính quan liêu, độc tài, gia tộc trị và tôn giáo trị. Ngô Đình Nhu có tinh thần cách mạng, có tài nhưng quá nhiều thủ đoạn nên người ta nể mà sợ, người tâm phục không có mấy, chỉ nhan nhản kẻ theo lợi hùa về.
**Những ngày cuối cùng của Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam:
*'Ngoài ra tôi cũng còn biết một số Linh mục, hoặc vô tình hoặc cố ý, lợi dụng chiếc áo khoác trên người để đến cơ quan này hay đơn vị nọ để xin xỏ một vài đặc ân, đặc lợi. Thậm chí còn có những Cha đến các đơn vị xin lính về làm những công việc riêng tư...
*'Khi Mỹ gây áp lực muốn đưa quân đội vô Việt Nam, Tổng thống cùng ông Nhu không chịu và để đối phó, dằn mặt Hoa Kỳ, ông Nhu bèn chỉ thị cho ông Trương Công Cửu, Bộ trưởng Ngoại giao mở cuộc tiếp tân Ngoại giao đoàn... Trong buổi tiếp tân này, ông Nhu đã úp mở thổ lộ rằng miền Nam có thể thương nghị thẳng với Hà Nội và trao đổi kinh tế với họ... Mục đích của Tổng thống cũng như của ông Cố vấn rằng không muốn Mỹ đưa quân vô Việt Nam, vì khi Mỹ đưa quân vô Việt Nam thì Hà Nội lấy cớ mở rộng chiến tranh và lớn tiếng nói rằng Chống Mỹ xâm lược, vì thế Tổng thống chỉ muốn ngăn chặn chiến tranh lan rộng mà thôi.
*'Và theo sự tiết lộ của Giáo sư Mỹ Francois Xavier Winters trình bày trong tác phẩm ''The Year of the Hare'' viết về cuộc Đảo chính 1-11-63 cho chúng ta thấy:
'...Ngày 29-8-1963, Tổng thống Kennedy đã quyết định khuyến khích lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, và trong 2 tháng trời ông đã đích thân giám sát cuộc lật đổ này, tuy ông ý thức rõ ràng có rất ít khả năng người quốc trưởng thay thế ông Diệm sẽ tài giỏi hơn.
'... Tổng thống Kennedy còn nói rằng: ''Tôi đã xúc động mạnh về cái chết của ông Diệm''. Và ông hồi tưởng lại đã gặp ông Diệm những năm đầu tiên, ông nói: ''Ông Diệm là một người có nhân cách phi thường. Vào những tháng cuối cùng, ông trở thành hơi cực đoan, tuy thế trong 10 năm trời, ông đã giữ cho xứ sở ông được đoàn kết... Cái cách mà ông bị giết làm cho vụ này đặc biệt ghê tởm''.
**Thời đại của tôi II:
'Tôi thiếu sáng suốt trong sự đánh giá Ông Diệm và bào đệ của Ông. Tôi đã tưởng lầm là hai vị này cũng có tinh thân dân chủ, cũng muốn thiết lập ở Việt Nam một nền dân chủ kiểu tây phương, trong đó các chính đảng được tự do hoạt động. Lúc hiểu rõ thì đã quá muộn!
**Sự thực có sức giải phóng:
-'Sau này Đức Cha Ngô Đình Thục coi vụ bào đệ bi thảm sát là bằng chứng Vatican đã không lên tiếng bênh vực em mình, cho nên rất bất mãn với Đức Giáo Hoàng Phao Lô Đệ Lục.
(trích sđd trang 73)
-'Điều tôi nhấn mạnh ở đây là có lẽ Vatican đã bị người Mỹ ảnh hưởng cách nào đó cho nên cũng đã tin rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm phạm tội kỳ thị và đàn áp Phật giáo, rồi đồng tình với chính sách thay ngựa giữa dòng hết sức tai hại của chính phủ Kennedy. Đặc biệt, theo tài liệu của Bộ Ngoại Giao Mỹ và của Ngũ Giác Đài mới được giải mật thì người Mỹ đã sắp xếp để Vatican gọi Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục qua Vatican và lưu lại đó dài hạn vào đúng thời điểm diễn ra cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963.
(trích sđd trang 157)
Nhận Định
Bi kịch của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam là:
-Hoàng đế Bảo Đại sau khi bị Hồ Chí Minh giam lỏng, uy hiếp... đã không còn dám về nước trong cơn nguy biến, nên mới dễ dàng bị truất phế. Nhưng nếu về mà dùng những người như Nguyễn Văn Hinh, Bẩy Viễn... thì còn tồi tệ hơn?
-Ông Ngô Đình Diệm là một vị quan rất mẫu mực, tức chỉ là một người có khả năng thừa hành tốt, nên không thể lãnh đạo đất nước. Bằng chứng là mọi sự ông đều nhờ người em Ngô Đình Nhu làm cố vấn quyết định. Đáng tiếc hơn, ông Diệm lại có một người người anh Ngô Đình Thục tuy đi tu cao đạo, mà vẫn không dứt được lòng tham lam; một cô em dâu Trần thị Lệ Xuân thuộc vào loại phụ nữ lăng loàn, cùng nhau tác hại?!
-Việc gia đình họ Ngô chuyên quyền theo lối gia đình trị & tôn giáo trị thiếu sáng suốt, gây chia rẽ đối đầu... còn ác hại hơn cả một kẻ độc tài. Việc tù đầy, triệt hạ các nhân tài như Nhất Linh... đã khiến về sau không còn người đủ khả năng và uy tín gánh vác trọng trách để giới tướng tá thao túng, làm suy yếu chính quyền, đi tới chỗ mất nước về tay Bạo quyền Việt Cộng?!
Có thể nói Tổng thống Ngô Đình Diệm đã có giai đoạn hoạt động khởi đầu thành công rất tốt đẹp, tạo dựng được Miền Nam trở thành thịnh vượng nhất bấy nay, khi coi trọng việc giáo dục đào tạo - phát triển nhân tài, qua việc thi cử tuyển chọn người giỏi vào 2 trường Đại học Sư phạm và Quốc Gia Hành Chánh; thành lập Viện Đại học với nhiều phân hoa hữu ích khác nhau, giúp mọi người đủ điều kiện theo học tự do, không phải lo tiền học phí, thu hút đông đảo sinh viên... hình thành một đội ngũ học thức có nhiều khả năng về chính trị và văn hóa giáo dục đào tạo về sau - lúc vẫn có thể tiếp nối đấu tranh chính trị và giáo dục đào tạo các nơi tỵ nạn lưu cư ở hải ngoại.
Trong tài liệu ''5 năm vàng son 1955-60 của VNCH'', Cựu Tổng trưởng Nguyễn Tiến Hưng ghi nhận:
'Miền Nam đã phát triển giáo dục rất nhanh:
'Tiểu học: 1960 đã có tới 4.266 trường tiểu học công và 325 trường tiểu học tư thục. Tổng số học trò lên tới gần 1.200.00'.
'Trung học: các trường trung học công lập tăng từ 29 lên 101 trường. Nguyên trường Gia Long số học sinh đã tăng từ 1.200 lên 5.000'.
'Đại học: trước năm 1954, Miền Nam không có đại học. Muốn học cử nhân phải ra Hà Nội. Năm 1955 chính thức thành lập Đại học Sài Gòn, rồi tới Đại học Huế , Đà Lạt. Tới năm 1962 tổng số sinh viên lên tới 12.000'.
Nhưng do bị ảnh hưởng không tốt từ mấy người thân trong gia đình, ông đã đưa đẩy đất nước tới chỗ mất đoàn kết mà bại vong.
Từ Tổng thống Ngô Đình Diệm nhìn lại lịch sử mấy ngàn năm qua, chúng ta thấy mỗi khi xuất hiện một nhà lãnh đạo tài giỏi - như Lê Lợi, Nguyễn Huệ... đất nước mới có thể từ chỗ nguy nan trở thành thịnh trị.
Mà những Lê Lợi, Nguyễn Huệ... thường là các bậc anh hùng áo vải, xuất thân từ chốn dân giả, không chịu ảnh hưởng bao nhiêu của lề lối giáo dục chuyên đào tạo giới thừa hành của Nho Giáo... qua các nguyên tắc Tam Cương, Tam Tòng...
Muốn có thành phần lãnh đạo giỏi từ trên xuống dưới, để đạt thành quả kiến quốc rực rỡ, chúng ta nên tìm hiểu các giá trị đạo đức chính trị cổ truyền đời vua Hùng với các tấm gương quên mình như Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Tản Viên, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... nghiên cứu thêm các nền giáo dục của các quốc gia hùng cường như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh Quốc... là các nước lúc nào cũng đào tạo được nhiều nhân tài đảm nhận từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc giám đốc một cơ sở, cai trị một tiểu bang, đến cả liên bang.
Điểm quan yếu của các nhân vật lãnh đạo tài ba, là cần phải biết quên mình, quên gia đình của mình, quên đảng phái của mình, quên tôn giáo của mình... chí công vô tư, hy sinh tất cả, đặt quyền lợi của Tổ quốc và Người Dân lên trên hết.
Lịch sử xưa nay cho thấy chỉ khi nào Quốc Gia & Dân Tộc được hưởng đầy đủ sự Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, lúc đó các tôn giáo và đảng phái mới có thể phát huy chính đáng và tốt đẹp; giúp cho dân giầu & nước mạnh thêm.
Do vậy, việc ưu tiên lo cho Quốc Gia & Dân Tộc, chính là biết lo xa cho bản thân, gia đình, xã hội... nhờ đó các tôn giáo và đảng phái chính trị mới có nhân sự và hoàn cảnh phát huy chính đáng, trở thành quan trọng và hữu ích?
Lịch sử Việt Nam trước và sau 1975, là một minh chứng nhỡn tiền cho chúng ta thấy, muốn cứu quốc cần ưu tiên cho việc chấn chỉnh giáo dục tâm lý, tư tưởng và hành động theo quan điểm dân tộc tự chủ & tự cường Nhân Trí Hùng của Tổ tiên Rồng Tiên - thay vì trông chờ vào người khác, nước khác.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.