Phần Thượng Thư, nơi Quyển I nói về Thần thoại & Cổ tích Việt, chúng tôi đã phân tích một số Cổ tích tiêu biểu, có nội dung mang nhiều tư tưởng uyên bác & tình cảm cao đẹp của các vị Tiên hiền Việt Nam, khác với các Quân tử Tàu, nêu ra một số kinh nghiệm và bài học qúy giá về nhân luân truyền thống Việt; có kèm theo nhiều điểm so sánh với Kinh Thư Trung Quốc - cho thấy không những tương đương, mà còn có thể vượt trội hơn ở một số phương diện.
Nơi phần Giới Thiệu cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên, học giả Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê viết:
'Môn sử được tôn trọng đến nỗi có bộ sử được gọi là ''kinh'' như ''Kinh Thư'', còn loại truyện tưởng tượng thì bị khinh, gọi là ''tiểu thuyết'', có lẽ vì vậy mà loại này phát triển chậm hơn ở phương Tây'.
Do vậy, phần Trung Thư chúng tôi sẽ ghi chép chọn lọc một số nhân vật và sự kiện lịch sử đáng quan tâm ghi nhớ, học hỏi trong sử sách Việt Nam, trích dẫn một số lời bàn của khoảng hơn 70 cuốn sử sách và gần 30 bài viết cùng một số ý kiến của các tác giả & chính khách Cổ đại, Cận đại và Hiện đại về từng người và việc, sau đó mới nêu thêm một số nhận định riêng tư nhằm phân tích & tổng hợp hoặc diễn dịch & quy nạp theo các quan điểm triết học, chính trị học, sử học, xã hội học, tâm lý học, đạo đức học... Đông Tây - Cổ Kim; hầu có thể từ đó rút ra những bài học qúy giá thích hợp với trào lưu phát triển quốc tế của Quốc gia & Dân tộc trong và ngoài nước hiện nay, mong có thể ích lợi đến mai sau.
Do hiện nay phim truyện Trung Quốc tràn lan trong đời sống người Việt từ trong đến ngoài nước, tôn vinh một số nhân vật Trung Quốc làm mê hoặc nhiều giới người từ trẻ đến già, nên chúng tôi sẽ có thêm phần so sánh giữa một số nhân vật hàng đầu của Sử Việt và Sử Trung Quốc, làm nổi bật những nét đáng tự hào nhiều hơn của các danh nhân Việt, hầu từ đó có thể diễn dịch & quy nạp, phát triển tư duy về chính trị học, đạo đức học, tâm lý học, xã hội học... trong các ngành văn học nghệ thuật, như tiểu thuyết, kịch nghệ, điện ảnh... tương tự nhà văn Kim Dung đã giúp canh tân văn hóa tư tưởng Trung Hoa Hậu bán Thế kỷ XX rất sâu đậm từ nơi thế giới Tư bản đến Cộng sản, từ trong đến ngoài nước... chỉ bằng mươi cuốn tiểu thuyết võ hiệp?
Cụ thể như so sánh giữa Lý Thường Kiệt với Địch Thanh - Trần Hưng Đạo với Quan Vân Trường - Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) với Nostradamus (1503 - 1566)... nhất là sự điều binh tốc chiến & tốc thắng bất bại kiệt xuất của vua Quang Trung mà sử sách trên thế giới chưa ai có thể sánh bằng, kể cả Napoléon của Pháp...
Tuy nhiên đây chỉ là những gợi ý, để các tiểu thuyết gia, điện ảnh gia... lưu tâm khai thác, đưa lịch sử vào đời sống văn hóa đại chúng, như các văn gia, điện ảnh gia Trung Quốc đã & đang làm, gặt hái nhiều thành công về cả tinh thần lẫn vật chất.
Việc đầu năm 2019, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình phải ra lệnh ngưng công chiếu một số bộ phim lịch sử bình dân như ''Diên Hi Công Lược'' mang nhiều tính phê phán giới hữu quyền sắc bén, cho thấy tác động của chúng không thể coi thường?
Vì không gian và thời gian nghiên cứu ở Úc Châu hạn hẹp, xa vời các thư viện lớn quốc tế, nên chúng tôi mới chỉ có duyên may tìm được một số sử sách & tài liệu hạn hẹp, cũng như chỉ có cơ may gặp một số nhà văn hóa ít ỏi, qua một số chuyến đi đến Pháp, Mỹ, Canada... ngắn ngủi - chưa thể sưu tầm được thêm những tư liệu khác, nên rất mong sẽ được bổ túc dần dần các sử liệu qúy giá mới mẻ nữa.
Nơi đây, chúng tôi chỉ nêu một số tư liệu tạm đủ cho việc gợi ý, giúp các nhận định có thể phần nào trung thực, khách quan.
Bước đầu mong sẽ giúp người đọc khi chỉ đọc một cuốn sử, mà vẫn có thể biết gần một trăm cuốn sử sách & tác giả khác đã nhận định về cùng một nhân vật và một sự kiện khác nhau ra sao, hầu so sánh các tư duy khác biệt, đi tới các nhận định tổng hỡp mới mẻ trung thực, phần nào có thể khách quan hữu ích hơn.
Điều đáng quan tâm, là qua các sử sách của nhiều sử gia + sử thần + nhân chứng Việt Nam và người nước ngoài bấy nay, chúng tôi thấy các lời bàn thường không được khách quan, khi các người viết sử hầu hết cũng chỉ là sử quan hoặc công chức - cán bộ của các chế độ, dễ bị áp lực & ảnh hưởng của triều đại và sở học theo một giáo trình độc tôn duy nhất nào đó... nên đã có những lời bàn chủ quan thiên vị, mang tính đối phó nhất thời, nhiều khi có thể gây ra những ảnh hưởng ác hại cho mai hậu.
Đó là chưa kể có khá nhiều sự kiện lịch sử bị cố tình chép sai sự thực, bẻ cong theo chiều hướng có lợi cho tác giả và chế độ đương thời, chẳng khác bao nhiêu với việc các nhà viết sử dưới chế độ Cộng sản tại Việt Nam hiện nay, đã tìm cách xuyên tạc nhiều sự kiện lịch sử cũ mới, nhằm thực hiện ý đồ bóp méo lịch sử, dùng lịch sử làm phương tiện tuyên truyền lấp liếm sai trái của chế độ, bôi bác hạ thấp các thể chế khác!
Cụ thể phải đến năm 2008, các cán bộ sử quan Cộng sản Việt Nam mới dám đòi phục hồi các sử liệu chân thực về triều Nguyễn, mà bấy nay họ nhục mạ...
Với hiện tình trong nước bị Cộng sản Việt Nam xuyên tạc lịch sử rất thô bạo và trâng tráo - ở ngoài nước lại ít mấy ai quan tâm chỉnh đốn sử sách theo chiều hướng trung thực, thoát ra ngoài quan điểm & tư tưởng bị tha hóa của không ít sử gia vong thân trước đây... nên chúng tôi chỉ mong đây là viên đá đầu tiên tái xây dựng một quan điểm chép sử phản ảnh tinh thần độc lập của dân tộc, không lệ thuộc các giáo điều và sách vở ngoại lai quá đáng... hầu có thể phát huy tinh thần Văn Hiến Tiên Rồng đích thực từ ngàn xưa, qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước; và phát triển quốc gia theo tình tự văn hóa đặc thù của dân tộc, từng có nhiều thời đại rất vẻ vang, oanh liệt.
Còn gì đáng buồn cho bằng những trang sử Việt luôn bị ghi chép, lý giải bằng những tài liệu, tử tưởng ngoại lai, như kiểu trước kia thì nêu tôn chỉ 'ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo'... nay thì 'Karl Marx' với 'Tổ quốc XHCN'...
Lẽ ra cần phải có quan điểm phân tích 'sự bản địa hóa' của các tư tưởng trên tại Việt Nam khi viết sử, làm sách?
Rất nhiều học giả khi nghiên cứu về 'Tư tưởng Việt Nam', đã và đang không tập trung nghiên cứu cội nguồn xuất phát, mà chỉ lo nghiên cứu sự tha hóa trong các thời kỳ về sau, do giới học thức vong bản và các tu sĩ & sử sĩ nước ngoài khá chủ quan khi viết, để rồi đi tới những kết luận sai lạc, khiến không ít người đọc cảm thấy Việt Nam không hề có tư tưởng và hành động lịch sử & văn hóa nào đáng kể?!
Ngoài ra, chúng tôi cũng không ngần ngại trích dẫn những quan điểm trái ngược & mâu thuẫn với nhau về người và việc, để Độc Giả có thể tự xem xét vấn đề, rút ra các nhận định trung thực hơn, không bị một số sử sách thiên lệch & quá khích & thành kiến... lung lạc tư duy.
Trong sách 'Cuộc phỏng vấn các nhà văn' của Lê Thanh, ấn hành năm 1945 có ghi lại hai phát biểu về việc Nghiên cứu Văn học sử của hai giả lỗi lạc đương thời, nguyên văn như sau:
-Trần Trọng Kim: 'Viết một bộ sử có 3 công việc là: Tìm tài liệu, phê bình và chọn tài liệu, viết thành bộ sử'.
(trích sđd trang 19)
-Nguyễn Văn Tố: 'Nhà làm sử bắt đầu phải tìm tài liệu cho thật đủ, chọn lọc và phê bình tài liệu, rồi mới dùng tài liệu để viết thành sách'.
(trích sđd trang 43)
Do các ý trên, trước khi soạn sách này chúng tôi đã đọc nhiều sách sử cũ và mới có thể có được, chọn lọc lấy tư liệu, trích các phê bình khác nhau về từng người và việc, giúp người đọc có thể thấy được nhiều cái nhìn rất khác nhau về cùng một người, cũng như cùng một việc, hầu khách quan hơn trong tư duy.
Tác giả cẩn chí
Nguyễn Xuân Khoan & Nguyễn Xuân Hương
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.