Nguyễn triều gồm 13 đời vua:
-Gia Long (1802 - 1820)
-Minh Mạng (1820 - 1840)
-Thiệu Trị (1841 - 1847)
-Tự Đức (1847 - 1883)
-Dục Đức (1883)
-Hiệp Hòa (1883)
-Kiến Phúc (1883 - 1884)
-Hàm Nghi (1884 - 1885)
-Đồng Khánh (1885 - 1889)
-Thành Thái (1889 - 1907)
-Duy Tân (1907 - 1916)
-Khải Định (1916 - 1925)
-Bảo Đại (1926 - 1955)
Vua Gia Long tên là Nguyễn Phúc Chúng, tự Phúc Ánh, là con thứ 3 của Nguyễn Phúc Luân. Nguyễn Phúc Luân là con thứ 3 của Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Nguyễn Phúc Luân bị Trương Phúc Loan giết hại vào năm 1765. Ông có 5 người con trai nhưng 4 người mất sớm, chỉ còn lại Nguyễn Phúc Ánh.
Nguyễn Phúc Ánh sinh ngày 15-1 năm Nhâm Ngọ 1762.
Năm 1774 khi quân của Chúa Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, Chúa Nguyễn chạy vào Miền Nam để trốn tránh quân Trịnh và Tây Sơn, Nguyễn Ánh theo Chúa Nguyễn vào Gia Định củng cố lại thế lực.
Năm 1780 khi Chúa Nguyễn bị Tây Sơn giết, Nguyễn Ánh thoát chết, được tôn lên ngôi vương, chạy qua Tiêm La ẩn náu, phải đi đánh giặc Miến Điện, Mã Lai giúp vua Tiêm La để được tin cẩn giúp đỡ. Nhờ vậy Nguyễn Ánh được vua Tiêm La giúp đưa quân Tiêm La về nước đánh Tây Sơn. Khi bị Nguyễn Huệ đánh thua, Nguyễn Ánh lại chạy qua Tiêm La trốn tránh, gặp Giám mục Bá Đa Lộc, nhờ xin cầu viện với Pháp.
Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, lúc 40 tuổi, lấy hiệu là Gia Long, sau 25 năm chiến đấu và lưu vong gian khổ, đã hoàn thành sự thống nhất nước Việt Nam từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.
Nếu vua Quang Trung - Nguyễn Huệ có công thống nhất sự chia cắt đất nước của Trịnh Nguyễn, đập tan âm mưu xâm lược của Thanh triều... thì vua Gia Long đã thừa hưởng thành quả trên, khi vua Quang Trung - Nguyễn Huệ sớm mất, nhà Tây Sơn không có ai đủ tài thao lược để duy trì quyền hành.
Vua Gia Long đã thực hiện một số việc đáng kể như sau:
**Về Đối Nội:
*Việc Cai trị:
Để tránh sự lấn quyền và ảnh hưởng đến sự độc tôn của vương quyền, vua Gia Long đặt lệ 'Tam bất lập' là không lập Hoàng hậu, không phong Tể tướng, không lấy người thi đỗ Trạng nguyên.
Việc nội trị giao cho 6 bộ Lại - Hộ - Lễ - Binh - Hình - Công điều hành.
Chia nước thành 3 miền: Trung ương là Huế do nhà vua trực tiếp cai quản, Bắc Hà từ Ninh Bình trở ra, do quan Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cai trị, Nam Hà từ Bình Thuận trở vào, do Tổng trấn Lê Văn Duyệt cai trị.
*Việc khẩn hoang:
Có thể nói các Chúa Nguyễn ở phương Nam đã có công khẩn hoang rất lớn, đưa dân đi khai phá khắp nơi, biến nhiều vùng đất mới hoang dã thành đồng ruộng phì nhiêu.
Đến thời vua Gia Long và các vị vua kế tiếp, chương trình khẩn hoang trở nên quy củ và hữu hiệu với các công trình lớn lao như hệ thống kênh đào của Thoại Ngọc Hầu ở Miền Nam, khai hoang vùng biển Nam Định - Ninh Bình của Nguyễn Công Trứ ở Miền Bắc, đắp đê làm thủy lợi ở Thái Bình...
*Việc Luật pháp:
Do bị chê trách đã nhờ Xiêm La và Pháp giúp đánh Tây Sơn, lại thêm mặc cảm gốc gác chúa Nguyễn nhiều đời ở miền Nam hoang dã, yếu kém về văn hóa, bị dân chúng miền Bắc kỳ thị coi nhẹ, vua Gia Long cũng có mặc cảm như nhà Thanh với dân Trung Hoa khi chiếm cứ cai trị Trung Quốc, nên nhà vua đã sai Nguyễn Văn Thành soạn bộ Luật Gia Long ban hành năm 1815, sao chép gần như nguyên văn luật nhà Thanh, hầu có thể dùng nhiều biện pháp khốc liệt trấn áp các thành phần chống đối. Luật đã dữ dằn, mà các lệ còn khốc liệt hơn - qua hình thức các chiếu chỉ, sắc, dụ của nhà vua, bắt mọi người tuân thủ gay gắt hơn cả luật. Do vậy mà dưới triều Nguyễn có hàng trăm cuộc nổi loạn chống đối: Thời Gia Long khoảng 90 cuộc, thời Minh Mạng khoảng 250 cuộc, thời Thiệu Trị khoảng 50 cuộc...
*Việc trả thù Tây Sơn:
Vua Gia Long đã trả thù Tây Sơn rất man rợ, với cả người sống lẫn người chết.
Bốn anh em con vua Quang Trung là Quang Toản, Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn đều bị xử lăng trì, cho 5 con voi xé xác. Hài cốt của Nguyễn Nhạc bị đem giã nát, Xương sọ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Quang Toản bị giam ở Đồ Ngục. Nhà thờ mồ mả dòng họ Tây Sơn đều bị phá nát. Các tướng Tây Sơn như Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều bị chặt cổ bêu đầu... Gia Long và các vua kế vị đều thực thi chính sách rất khác nghiệt về kinh tế, giáo dục, y tế như không cho mở trường học và các y viện... với người dân Bình Định, nơi phát tích của Tây Sơn, khiến vùng này đến nay vẫn còn bị nghèo khổ kém cỏi, cách phát âm nhiều từ vẫn cá biệt so với sự phát triển ngôn ngữ từ Bắc chí Nam.
*Việc Giết hại Công thần:
Không chỉ xử ác độc với kẻ thù Tây Sơn, mà vua Gia Long còn tỏ ra đa nghi và ác độc với cả các quan đại thần của mình, giết hại nhiều công thần hàng đầu như Nguyễn Văn Thành, Đỗ Thành Nhân, Đặng Trần Thường...
**Về Đối Ngoại:
*Với Tiêm La:
Năm 1784 sau khi bị Tây Sơn đánh bật khỏi Phú Xuân, Nguyễn Ánh chạy sang Tiêm La cầu viện, được vua Tiêm La là Rama I dành cho một khu lưu cư ngoại vi thành Bangkok. Thấy vua Tiêm tử tế, Nguyễn Ánh liền đón mẹ cùng cung quyến sang, hầu tránh sự truy lùng của Tây Sơn. Chỉ sau khi Nguyễn Ánh trổ tài thao lược giúp vua Tiêm đánh thắng Miến Điện, Mã Lai... vua Tiêm mới thuận giúp Nguyễn Ánh 50.000 quân Xiêm, chia 2 đường thủy bộ do cháu của vua là 2 tướng Chiêu Tăng và Chiêu Xương chỉ huy. Nguyễn Ánh được cấp 5.000 quân cùng 300 chiến thuyền làm tiên phong dẫn đường.
Tháng 7-1784 quân Tiêm La tiến tới Gia Định, ỷ thế làm càn, cướp phá ngang ngược, khiến dân tình oán than.
Tháng 1-1785, đích thân Nguyễn Huệ cầm quân, đánh tan quân Tiêm La và quân của Nguyễn Ánh tại Rạch Gầm - Xoài Mút, Mỹ Tho. Nguyễn Ánh cùng thuộc hạ lại phải bỏ chạy sang Tiêm La ẩn náu trở lại.
Do vậy về sau dù nhờ Pháp giúp trở nên mạnh và giành được ngôi báu, Nguyễn Ánh vẫn sai người đem vàng bạc sang cống vua Tiêm La, coi vua Tiêm La như minh chủ; nhưng khéo léo từ chối các giúp đỡ tiếp theo của vua Tiêm La, vì sợ bị Tiêm La đòi trả các công lớn lao từng giúp đỡ Gia Long.
Ảnh hưởng những năm tháng sống ở Tiêm La của Nguyễn Ánh khá sâu đậm, như lối ẩm thực rất cay của triều đình Huế, các điệu múa hát cung đình...
*Với Trung Quốc:
Do các Chúa Nguyễn ở Miền Nam từng nhờ thế lực của các tướng sĩ nhà Minh lưu vong trốn chạy qua khi Trung Quốc bị nhà Thanh thống trị, giúp chống lại sự đánh phá của Tây Sơn, Tiêm La, Cao Miên... cụ thể như dòng họ Mạc ở Hà Tiên, nên khi thống nhất đất nước Nhà Vua đã dùng nhiều quan chức người Minh Hương, chịu ảnh hưởng Khổng Giáo qua các giới chức này rất sâu đậm.
Gia Long và các vua kế tiếp luôn coi Thanh triều bên Tàu là ưu tiên hàng đầu, để nhờ vả trông cậy... ngay cả việc sau này chống nhau với Pháp.
Chính vì không nhận ra thế yếu do sự hủ lậu của Tàu, mà nhà Nguyễn đã khiến nước Việt cũng bị thảm bại với người Tây phương như nhà Thanh.
Năm 1802 ngay khi lên ngôi, Gia Long đã cử 2 sứ đoàn sang Trung Quốc, trao lại nhà Thanh những sắc ấn đã ban cho Lê triều, xin đặt quốc hiệu là Nam Việt và cầu phong, bị nhà Thanh đổi lại là Việt Nam. Về sau các vua Nguyễn đổi thành Đại Nam, đến thời Bảo Đại mới trở lại với quốc hiệu Việt Nam.
Các vua Nguyễn xem việc tuyên phong của Trung Quốc là điều chính danh định phận với người dân trong nước, để áp đảo các thế lực đối kháng của các cựu thần nhà Lê và Tây Sơn.
Triều Nguyễn có thông lệ triều cống nhà Thanh đều đặn. Ngoài ra mỗi khi có việc tang, mừng thọ hay lễ lớn... đều cử sứ bộ mang lễ vật qua dâng nộp. Trong sách 'Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ' do Nội các triều Nguyễn biên sọan, có tới 4 cuốn chép tỉ mỉ các quy định chặt chẽ mà triều Nguyễn phải thực hiện với nhà Thanh - từ cách thức đi sứ, lễ vật, văn thư... đến đón tiếp sứ giả Thanh triều.
*Với Pháp:
Trong cuộc chiến với Tây Sơn, Gia Long đã nhờ vả rất nhiều sự giúp đỡ của các giáo sĩ Pháp nói riêng, tư bản pháp nói chung - hơn là triều đình Pháp, vì lúc đó nước Pháp đang lâm cảnh nội loạn.
Căn cứ vào việc quân Pháp nhờ các loại súng tân tiến áp đảo quân của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu... sau này ra sao, chúng ta mới có thể hiểu được phần nào việc vua Gia Long đã được Pháp giúp vũ khí, đánh thắng Tây Sơn như thế nào?
Do vậy Gia Long khi lên ngôi đã dùng hàng chục cố vấn Pháp, chủ yếu là các giáo sĩ, trong việc dịch sánh và các tài liệu, dạy học các hoàng tử công chúa... buổi đầu rất trọng vọng tử tế với Thiên Chúa Giáo.
Nhưng từ lúc thấy Hoàng tử Cảnh ở Pháp về, theo ngoại đạo không chịu làm lễ trước ban thờ Tổ tiên, mới khiến Gia Long bắt đầu lo sợ, phản ứng mạnh mẽ.
Việc ông chọn Minh Mạng nối ngôi, là muốn chấm dứt sớm ảnh hưởng của Pháp qua Hoàng tử Cảnh, và các con cháu của vị thế tử này.
Nói khác đi, Gia Long muốn dùng Minh Mạng để không trả món nợ lớn với các giáo sĩ nói riêng, Thiên Chúa Giáo nói chung. Do vậy mà Minh Mạng có chủ trương cấm đạo rất dữ dội, đặt Thiên Chúa Giáo ra ngoài vòng pháp luật.
Một tài liệu còn cho rằng Minh Mạng đã tàn nhẫn giết hết vợ con hoàng tử Cảnh, để trừ đạo ngay trong triều đình và dứt mầm mống tuân phục Pháp chính trong dòng họ?
Sử gia Pháp Buttinger nhận định việc cấm đạo của vua Minh Mạng ngay sau khi Gia Long mất, về thực chất chỉ là thực hiện đường lối của Gia Long căn dặn lại mà thôi.
**Vấn đề Tôn Giáo:
Vấn đề Thiên Chúa Giáo đến Việt Nam, bấy nay vẫn là một sự kiện khó hiểu gây nhiều tranh cãi. Nay chúng tôi sưu tầm được một số tư liệu mới, xin được trình bày để có thêm một ánh sáng soi rọi, như sau:
Đạo lý chính thống của Đức Chúa Trời Jesus Christ, theo Kinh Thánh của Hội Watch Tower Bible:
'Jesus nói người ta có thể nhận biết tôn giáo giả qua những kết quả của nó. Ngài nói: Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé. Các ngươi nhờ những sai trái đó mà nhận biết được... Hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt, nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt. Hễ cây nào chẳng sanh trái tốt thì phải đốn mà chụm đi.
'Mathieu 7: 15-20
Các nghiên cứu tại Âu Mỹ hiện nay cho thấy, từ thế kỷ III, Constantine the Great của La Mã, đã nhân danh là Đại điện Đức Chúa Trời, thành lập Giáo Hội Gia Tô La Mã, tự xưng là Giáo Hoàng - có nghiã là Vua của các Vua, kiêm nhiệm chức Giáo chủ tối cao của Gia Tô Giáo, với tham vọng dùng tôn giáo để làm bá chủ chính trị toàn cầu.
Điều này đã khiến các vị giáo sĩ chân chính của Thiên Chúa Giáo phản ứng, bằng cách thành lập ra nhiều giáo phái khác nhau, với các tôn chỉ riêng tư khác biệt.
Riêng Việt Nam đã được truyền đạo Thiên Chúa lần đầu tiên qua một giáo sĩ Dòng Tên Jesuits là Pigneau de Behaine - tức Bá Đa Lộc, từng đưa Hoàng tử Cảnh con trưởng Nguyễn Ánh qua Pháp xin cầu viện.
Dòng Tên Jesuits do Thánh Ignatio thành lập mang tên Chúa Jesus, chứ không do Chúa Jesus đích thân sáng lập.
Thánh Ignatio tên thật là Ignatius de Loyola Recaldo, sinh năm 1491 tại tỉnh Guipuzcoa, Tây Ban Nha. Ông nguyên là một đại úy phế binh, có vợ con, bản tính hung bạo, thích các cuộc chiến chinh phục.
Vào thời điểm giữa Thế kỷ XV, nội bộ Giáo Hội La Mã đang bị lủng củng, khiến nhiều giáo sĩ ly khai, tách khỏi Giáo Hội La Mã, thành lập các giáo hội mới theo tôn chỉ trung thực với lời Chúa Jesus.
Vị Giáo Hoàng La Mã sau đó là Paul III (1534 - 1549) đã nhờ Cựu đại úy Ignatius tổ chức đạo binh tu sĩ gián điệp, gia nhập các giáo hội ly khai để tìm cách phá hoại, ám sát các nhân vật lãnh đạo hàng đầu. Đạo binh này lấy tên là Dòng Tên Jesuits, còn được Pháp gọi là Compagnie de Jesus, Anh gọi là The Church Militant - là một đạo binh nhà thờ trực thuộc Vatican.
Ngày 15-8-1534, Đại úy phế binh Ignatius (1491 - 1556) thành lập Hội Jesus (The Society of Jesus) hay Dòng Tên (The Jesuits) tại nhà thờ Notre Dame trên đồi Montmartre - trở thành xương sống của Giáo Hội La Mã.
Dòng Tên xây dựng trên nguyên tắc 'trầm tư siêu việt' (Transcendental meditation) tham bác tinh hoa của Phật Giáo được nhào nặn biến chế qua các môn về Triết học, Siêu hình học, Luận lý học, Tâm lý học, Phân tâm học, Tâm lý trị liệu, Thần giao cách cảm, Thôi miên, và cả Ma thuật (Scientific witchcraft)... để lý giải Kinh Thánh tùy theo trình độ giáo dân mỗi địa phương, hầu có thể mê hoặc.
Do xuất thân từ Dòng Tên, mà Giám mục Bá Đa Lộc đã xa rời nhiệm vụ tôn giáo chân chính, đi sâu vào vai trò chính trị, lũng đoạn triều đình Việt Nam bằng nhiều thủ thuật, như xúi giục tín đồ phản loạn, gây ra các vụ thảm sát tôn giáo đẫm máu.
Do vậy mà các vụ bài đạo thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cần được lưu tâm xem xét theo quan điểm mới, để thấy trách nhiệm không chỉ do một phiá triều đình mà thôi?
Lời bàn của sử sách
**Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu:
'Ngài (tức Nguyễn Ánh) sai người mời ông Bá Đa Lộc tại Chân Bôn (tên một nơi ở nước Xiêm). Ông là người nước Pháp, thường qua lại giảng đạo ở Chân Lạp, Gia Định; đã vào yết kiến Vua xin hiệu dụng. Ngài lấy lễ khách mà đãi, đến lúc đòi vào Ngài dụ rằng: 'Bây giờ giặc Tây Sơn chưa dẹp được, bốn phương chưa được yên ổn, khi ở Thổ Châu, khi ra Phú Quốc, chỗ ở chưa an, vận nước đương lúc gian truân, ngươi cũng biết rõ. Ngươi có thể về bên Đại Pháp nhờ qúy quốc đem quân giúp ta được không?'. Ông Bá Đa Lộc xin đi, tâu xin ban cho cái gì làm tin. Ngài nói rằng: 'Các nước giao hiếu với nhau, đem con làm tin. Con ta là Cảnh mới 4 tuổi vừa rời tay mẹ, ta giao Cảnh cho ngươi, nhờ ngươi trông nom cho...'
**Việt Nam Sử Lược:
'Công nghiệp của ngài thì to thật, tài trí của ngài thì cao thật, nhưng chỉ hiềm có một điều là khi công việc xong rồi, ngài không bảo toàn cho các công thần, mà lại lấy những chuyện nhỏ nhặt đem giết hại những người có công với ngài, khiến cho hậu thế ai xem đến những chuyện ấy, cũng nhớ đến vua Hán Cao, và lại thở dài mà thương tiếc cho những người ham mê hai chữ công danh về đời áp chế ngày xưa.
**Lịch sử Việt Nam:
'Sự thắng lợi của Nguyễn Phúc Ánh đặt cuộc thống nhất trên một lãnh thổ rộng rãi hơn ở thời Tây Sơn. Song nó lại khôi phục sự thống trị của một tập đoàn phong kiến phản động hơn và xóa bỏ những cải cách tương đối tiến bộ mà nhà Tây Sơn đã mang lại cho nhân dân. Phúc Ánh lại mang cái tội cầu viện người Pháp để cho bọn thực dân Pháp có cơ sở mà thực hiện mưu mô xâm lược nước ta sau này.
**Việt Sử Toàn Thư:
'Vài ý kiến về Vua Gia Long
'Ở vua Gia Long, từ con người quân nhân đến con người chính trị có nhiều điểm đặc biệt khiến ta phải coi vua Gia Long cũng là một nhân vật kỳ hiệt của lịch sử trên nhiều phương diện. Nhân vật này có nhiều điều hay cũng như có nhiều điều dở.
'Chiếu theo cỗi rễ thì Gia Long thuộc về một dòng họ có nhiều danh tướng, giàu mưu cơ, đởm lược, nhẫn nại, cần cù, thông minh, trác lạc nhờ vậy mà trong thời trung suy, Nguyễn Ánh mới 17 tuổi đã cầm đầu được binh tướng, nắm vững được lòng dân, bốn phen vinh nhục ở đất Gia Định, nhiều lần siêu bạt ngoài khơi, trôi rạt vào cả đất Tiêm, nương nhờ triều đình Vọng Các, có lúc phải hy sinh cả tính mạng (trừ giặc Miến và Mã Lai cho Tiêm) để mua thiện cảm của người, hòng có chỗ nương thân. Trên 20 năm ròng, vua Gia Long xông xáo khắp các chiến trường, từ vùng Đồng Nai ra Thuận Hóa, vượt biển trèo non trong vòng khói lửa mịt mùng, mà vẫn không bao giờ lui bước. Con người ấy thật đáng là một chiến sĩ. Trước điểm này ta không thể không vỗ tay khen ngợi Thế Tổ nhà Nguyễn.
'Về Chính trị, khi sức cùng lực tận, Gia Long đã cho Giám mục Bá Đa Lộc đem con đi cầu cứu nước Pháp, rồi luôn luôn giao thiệp khéo léo với các lân bang để lấy ngoại viện. Nhờ đó chẳng những người Âu Châu mà cả các quân Tiêm, Miên, Lào thường qua lại đánh Tây Sơn giúp mình. Ngoại giao đến thế là khéo léo, tuy rằng mang người ngoài về đánh anh em nhà là làm một hành động không đẹp, nếu so với việc 12 sứ quân trên 8 thế kỷ trước. Nhưng đến khi sự nghiệp đã thành, ngôi quốc chủ đã vững, Gia Long thay đổi luôn thái độ, lên tiếng kẻ cả với Tiêm, đặt Miên Lào vào vòng lệ thuộc. Tiến thoái, kinh quyền đến thế quả thật là mau lẹ, qủy quyệt...
'Tuy vậy vua Gia Long có ít nhiều điều sở đoản:
'1/ Các cộng sự viên người Pháp đã chê Thế Tổ ở điểm khi đang chiến tranh, ngài đã quá cẩn thận nên hay do dự. Nếu biết đánh dấn Tây Sơn đang lúc đại thần, tướng lĩnh của họ chia rẽ, thì ngày vinh quang của nhà vua còn sớm hơn nhiều.
'2/ Đối với các công thần, vì hay nghe lời sàm tấu Gia Long đã khí quá bạc bẽo và tàn nhẫn. Vì vậy Đỗ Thành Nhân, Lê Văn Câu, Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường là những kẻ đã theo phò Nguyễn Chúa từ lúc gian nan, đều bị bất đắc kỳ tử. Đời Lê còn có ''Bát Nghị''; Nguyễn Triều với bộ luật của nhà Thanh y sao chính bản, chẳng nương nhẹ cho ai dầu kẻ đó đã có nhiều công lao hãn mã. Đến Minh Mạng, nắm xương khô của Lê Văn Duyệt và Lê Chất cũng không khỏi xiềng xích, và họ tội tình gì cho cam!
'3/ Khi suy bĩ, Gia Long biết cầu cứu nước Pháp, đã mục kích được dã tâm đế quốc của Liệt cường Tây Phương trước thời của ngài và cả trong thời của ngài, vậy mà không tìm nổi một kế sách giữ nước cho khỏi 'Bạch Họa', chỉ biết 'bế quan tỏa cảng'. Các triều đại kế tiếp cũng chẳng sáng suốt hơn. Làm gì mà không mất nước.
'4/ Đặt quốc đô ở Phú Xuân là một mảnh đất gầy, dân thưa, của ít - Về phương diện quân sự nơi này là một vị trí chiến lược bất lợi cả về thủy lẫn bộ. Trái lại Bắc Hà là cỗi rễ của dân tộc, nói gần là hai chục thế kỷ trở về đây ruộng đất phì nhiêu, dân cư đông đảo, anh hùng hào kiệt đời nào cũng sẵn, chống xâm lăng nhiều phen như trúc chẻ, ngói tan. Vậy mà vua Gia Long đã bỏ thật là uổng. Phải chăng Gia Long đã e ngại những uy tín còn xót lại của hai họ Lê, Trịnh, nhưng nếu đủ tài thi thố ân uy thì mình là thái dương, mà các triều đại đã qua chỉ là những ngọn lửa tàn, đâu đáng sợ! Sau này Bắc Hà ly loạn liên miên, lòng dân khảng tảng vì triều đình ở quá xa, rồi 50 năm giặc Pháp tiến vào nội địa của ta, hàng vạn quân của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết không chống nổi mấy chiếc tàu, vài trăm lính của Francis Garnier, Henry Rivière và De Courcy. Đấy chẳng là sự vụng tính của vua Gia Long vì đã bỏ gốc lấy ngọn đó sao?
'Còn về các qui mô lập quốc, ta thấy vua Gia Long cũng làm đủ mọi việc, tỏ được sự siêng năng, cần mẫn, nhưng không có gì đặc biệt hơn các triều đại trước.
Nhận Định
Qua một số nhận xét của các sử sách kể trên, chúng ta thấy việc phê bình sử bấy nay đã không dựa trên yếu tố Quốc Gia & Dân Tộc, để đánh giá các ưu khuyết điểm, hầu có thể đưa ra những bài học quan yếu thiết thực cho dân nước.
Nếu biết xem xét trên bình diện Quốc Gia & Dân Tộc, chúng ta sẽ dễ dàng đưa ra các đánh giá tốt xấu: Một chiến thắng chỉ là 'thắng lợi', nếu ích quốc lợi dân - còn nếu không, chỉ là 'thắng hại', không có gì đáng để ca ngợi.
Từ căn bản này, chúng ta thấy Nguyễn Ánh đã tìm mọi cách nhờ ngoại bang giúp đỡ, để có thể chiếm quyền hành, dù biết rằng làm như thế sẽ ác hại về sau! Ngay khi chiếm được quyền hành, Nguyễn Ánh đã tìm cách vỗ nợ, chọn Minh Mạng lên làm vua - thay vì là con của Hoàng tử Cảnh - căn dặn trở mặt giết đạo, rất bất nghiã?
Ngay chính Nguyễn Ánh cũng tỏ ra bất nhân khi giết hại các công thần, hành hạ thân xác người đã khuất, đầy đọa người dân vùng Bình Định vô tội.
Một ông vua bất nhân và bất nghiã như vậy, chỉ làm hại cho Quốc Gia & Dân tộc, nên ngay thời Gia Long đã loạn ly, và sau đó Quốc Gia & Dân tộc rơi vào ách nô lệ của Thực dân Pháp, đưa đẩy đến chỗ Hồ Chí Minh rước Nga Tàu cộng sản tàn phá ác hại từ đời sống tinh thần đến vật chất của Quốc Gia & Dân Tộc.
Chưa thấy ai đặt ra vấn đề: 'Nếu không có Nguyễn Ánh, đất nước sẽ hồi phục được sức mạnh truyền thống tinh thần cội nguồn dưới triều Tây Sơn, giảm được một số năm đao binh tương tàn'?!
Bài học của chúng ta ở đây, là cần tự chủ & tự cường trong việc quang phục quê hương, thay vì cầu xin sự giúp đỡ của ngoại bang. Muốn vậy, việc đầu tiên là chấn chỉnh văn hóa giáo dục, phục hồi nhân tâm theo cao kiến 'Đồng Bào và
Nhân sinh quan Nhân + Trí = Hùng'.
Ngay cả như khi được ngoại bang giúp đỡ, chúng ta cũng không ỷ lại vào họ, như lãnh đạo của hai nền Đệ I và Đệ II Cộng Hòa Việt Nam, cũng như Cộng sản Việt Nam, mà mất nước.
Muốn tự chủ, tự cường, điều quan trọng là chúng ta cần xây dựng một nền giáo dục phát huy truyền thống lấy cội nguồn Tiên Rồng và triết lý Nhân Trí Hùng làm gốc, lấy Quốc Gia & Dân Tộc làm mẫu số chung, khiến ai nấy hãnh diện về mình, không bị tôn giáo, đảng phái... tha hóa mà vong thân, vong bản, vong quốc.
Sở dĩ các nước như Nhật, Đức, Nam Hàn được Mỹ giúp mà vững vàng, là nhờ họ có trình độ giáo dục văn hóa bản địa cao, không đánh mất bản sắc dân tộc, luôn tự phát triển những gì mình có, hơn là vì những gì được ngoại nhân ban phát, dù bất cứ dưới hình thức nào?
Bài học cầu ngoại viện của Gia Long và Hồ Chí Minh chẳng khác gì nhau, đều đưa tới sự đô hộ chế ngự của nước ngoài vô cùng bi thảm, rất khó tháo gỡ?!
Nguyễn Phước Hiệu, húy là Phước Đảm, con thứ 4 vua Gia Long, thân mẫu họ Trần, sau được phong là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu. Sinh năm Tân Hợi 1791, được lập làm Thái tử tháng 6-1816, lên ngôi tháng 12-1819 lấy niên hiệu là Minh Mạng.
Việc con trưởng của vua Gia Long là Hoàng tử Cảnh có công qua Pháp cầu viện, chết một cách bí ẩn, vợ con sau này cũng bị chết hết một cách rất mờ ám, khiến ngôi vua về tay Minh Mạng; nên có sách sử cho rằng vì Cảnh đã theo đạo Thiên Chúa, không chịu làm lễ trước ban thờ tổ tiên, từ bỏ luân lý truyền thống, nên bị vua Gia Long và Minh Mạng triệt hạ không thương tiếc?
Minh Mạng minh mẫn, tinh thâm Nho học, chăm lo việc nước, có công củng cố các việc nội ngoại vào kỷ cương nền nếp.
**Đối Nội:
*Lập Cơ Mật Viện:
Thành lập năm 1834 theo Khu Mật Viện nhà Tống và Quân Cơ Xứ nhà Thanh, do 4 quan đại thần, đặc cách đeo thẻ Kim Bài lo việc cơ mật quốc gia đại sự, phân biệt với các quan khác.
*Lập Tôn Nhân Phủ:
Thành lập năm 1836, để quản lý mọi việc trong dòng họ nhà vua, dựng 7 ngôi miếu thờ phân biệt các chi trong hoàng tộc, cấp dưỡng tước lộc, giúp đỡ việc quan hôn.
*Nội trị:
Đặt Cửu Phẩm chia cấp bậc quan chế, năm 1831 theo nhà Thanh đổi trấn thành tỉnh do Tổng đốc, Tuần phủ cai trị.
*Giáo dục:
Thời Gia Long chỉ có kỳ thi Hương, năm 1822 Minh Mạng mới mở khoa thi Hội, thi Đình lấy tiến sĩ. Năm 1829 lấy thêm Phó bảng, là những người trúng cách nhưng chưa đủ điểm đậu tiến sĩ. Lệ 3 năm mở một kỳ thi chọn nhân tài.
Vua Minh Mạng thường nói với các quan rằng: 'Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. Trẫm nghĩ văn chương vốn không có qui củ nhất định, mà nay những văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hủ sáo, khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó, khoa tràng lấy hay bỏ cũng tự đó. Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đã quen rồi, khó đổi ngay được, về sau nên dần dần đổi lại'.
*Xã Hội:
Nhà vua sai triều thần soạn thảo và ban thưởng cho nhiều bộ sách giá trị.
Lại soạn 10 điều huấn dụ dạy bảo dân theo chính đạo, bắt các địa phương tuân thủ khi cai trị. Lập sở Dưỡng Tế nuôi dưỡng kẻ quan quả, tàn tật không nơi nương tựa.
*Võ bị:
Nhà vua chỉnh đốn binh lực thủy lục quân từ nội địa đến ngoài bờ biển. Tuy nhà vua muốn quan tâm tới võ bị, ra lệnh thao luyện binh sĩ, nhưng ai nấy vốn vẫn 'trọng văn khinh võ' nên tập luyện bê trễ. Quân số trong sổ sách thì nhiều, mà thực lực không bao nhiêu. Đến các đời vua sau càng bê trễ hơn, nên đưa đến chỗ nhanh chóng thảm bại khi phải đương đầu quân Pháp.
*Giặc Giã:
Nhà Nguyễn có nhiều giặc giã vì khởi nghiệp ở miền Nam, không được miền Bắc coi trọng - nhất là việc dời kinh đô về Huế càng xa rời 2 miền Bắc Nam hơn nữa. Nhiều cựu thần bị bạc đãi hãm hại, một số cậy quyền làm bậy nhũng nhiễu dân, nên lòng người càng ly tán:
-Tại Miền Bắc: Các triều thần và dòng dõi họ Lê - Trịnh nổi lên chống phá, như Lê Duy Lương ở Ninh Bình, Phan Bá Vành ở Nam Định, Nông Văn Vân ở Tuyên Quang...
-Tại Miền Nam: Lê Văn Duyệt là đại công thần, không bằng lòng với việc dòng họ Hoàng tử Cảnh bị truất quyền, thêm tính tình nóng nảy, khiến nhà vua cũng như triều thần không ưa, tìm cách hãm hại. Khi Duyệt mất, con nuôi là Lê Văn Khôi bị áp chế, được các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo xúi bẩy ủng hộ, lấy danh nghiã khôi phục dòng chính thống của Hoàng tử Cảnh để phất cờ khởi nghiã. Khôi xin được viện binh Tiêm La sang giúp. Sau bị thua, Khôi và Linh mục Pháp Marchand cùng nhiều đồng bọn bị xử lăng trì. Lê Văn Duyệt tuy đã chết, vẫn bị tước đoạt quan chức, bỏ quan quách giết thây, hủy hoại mồ mả tông miếu, tịch biên gia sản. Lê Chất cũng bị xử tội tương tự.
Theo 'Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu' thì khi 'Chưởng hậu quân Quận công Lê Chất mất, ngài (Minh Mạng) thương xót, đình triều 3 ngày, tặng chức Thiếu phó - thụy là Đông Nghị'. Hành động giả dối này không khác gì Tào Tháo?!
**Đối Ngoại:
*Với Tiêm La:
Do từng giúp Nguyễn Ánh, nay lại bị mất quyền bảo hộ Chân Lạp vì nhà Nguyễn, nên Tiêm La tìm cách khôi phục lại quyền lợi, gây ra chiến tranh năm 1827, 1828, nhưng thất bại. Năm 1833 Tiêm La theo lời xin cứu viện của Lê Văn Khôi, đem quân sang giúp Khôi cũng bị đánh bại.
*Với Ai Lao:
Do bị Tiêm La tìm cách xâm lược, nên các xứ ở Lào xin quy phục nước Nam. Năm 1827, vùng Luang Prabang thông với Tiêm La, quấy nhiễu Trấn Ninh. Tù trưởng Trấn Ninh là Chiêu Nội xin sáp nhập vào nước Nam. Sau đó vùng Vạn Tượng cũng xin sáp nhập cùng một số nơi khác. Triều Nguyễn chia các vùng đất trên làm 3 phủ là Trấn Biên, Trấn Định, Trấn Nam. Như vậy các vùng Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn, Savannekhet thời đó đều thuộc nước Nam.
*Với Chân Lạp:
Sau khi giúp Chân Lạp phá tan quân Tiêm La, triều đình Nguyễn cử Trương Minh Giảng sang giúp Chân Lạp, lập Trấn Tây Thành. Năm 1840 do quan lại triều Nguyễn làm nhiều điều sai trái, bị Nữ hoàng Ngọc Vân phản đối, Trương Minh Giảng liền bắt Ngọc Vân đem về Gia Định, khiến dân Chân Lạp tức giận nổi dậy. Nặc Ong Chân và Nặc Ong Đôn nhờ Tiêm La trợ giúp đánh đuổi, quân Nam cả thua phải rút về An Giang. Việc mất Chân Lạp là do các quan quân triều Nguyễn lộng hành áp bức quá đáng mà ra.
*Với Thiên Chúa Giáo:
Từ Thế kỷ 17, thời Hậu Lê đã có người Tây phương vào buôn bán ở Phố Hiến, Hưng Yên, Bắc Việt và Hội An, Quảng Nam, Trung Việt. Lúc đó hai họ Trịnh Nguyễn phân tranh, đều tìm cách liên lạc với người Tây phương để mua súng đạn, nên đối với các nhà truyền giáo tuy có cấm cản, nhưng không quá khắt khe.
Thời Tây Sơn giặc giã khắp nơi, nên việc truyền đạo được dễ dàng. Có sách còn cho rằng việc Quang Trung mất, có sự liên hệ với một giáo sĩ Thiên Chúa Giáo đầu độc?
Khi Gia Long nhờ Thiên Chúa Giáo giúp thống nhất đất nước, tuy bề ngoài tỏ ra ưu ái với Thiên Chúa Giáo, nhưng thực tâm trong lòng nghi ngại; nhất là từ khi thấy Hoàng tử Cảnh qua Pháp theo Thiên Chúa Giáo trở về, không chịu làm lễ trước ban thờ tổ tiên.
Việc Thiên Chúa Giáo truyền vào Việt Nam buổi đầu do các giáo sĩ thuộc Dòng Tên, có chủ trương thiên về chính trị, muốn bành trướng tôn giáo theo chiều hướng không đúng với tôn chỉ chính thống của Thiên Chúa Giáo - từng bị phản ứng qua việc phát sinh ra nhiều môn phái tu đạo khác nhau ở Tây Phương - nên càng khiến các vua nhà Nguyễn thấy sự ác hại, mà phản ứng cấm cản rất quyết liệt.
Cái chết bí ẩn của Hoàng tử Cảnh thời vua Gia Long, và những cái chết không rõ ràng của vợ con Hoàng tử Cảnh thời vua Minh Mạng sau vụ Lê Văn Khôi có can dự của các linh mục, cho thấy các vua nhà Nguyễn không chỉ vì tôn sùng Nho Giáo, mà tìm mọi cách cấm đạo, giết đạo.
Chính việc cấm đạo, đã bị các giáo sĩ Dòng Tên phản ứng bất lợi, thúc đẩy các triều đình Tây Phương dùng chiêu bài 'vệ đạo', để xâm lăng đánh chiếm Việt Nam.
***
Vua Minh Mạng mất năm 1840, thọ 50 tuổi, ở ngôi 21 năm.
Lời bàn của sử sách
**Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu:
'Đức Thánh tổ ta thiên tư là bậc thượng thánh, nối nghiệp lúc thiên hạ đại định rồi, chăm lòng chính trị, sửa sang thái bình, xét điển xưa, sửa lễ nhạc, cẩn thận đồ cân lượng, xét kỹ các pháp độ, đặt khoa thi để lựa kẻ sĩ, cày tịch điền để khuyến việc nông, thường tuần hành để xem địa phương, năng khảo sát để xét quan lại, chăm việc võ thời mùa xuân duyệt binh, cẩn việc hình thời thời mùa thu thẩm án, quy mô kỹ càng, phẩm tiết đều đủ. Đến như ức quyền những người cấm cận, nghiêm răn các bọn hoạn quan, không cho Hoàng thân quốc thích tham dự việc chánh sự, ý Ngài phòng vi đỗ tiệm lại càng sâu xa lắm!
'Ngài thật là bậc Đại thánh chế tác khác xa tầm thường, đổi hết những thói quê mùa từ Lê, Lý trở về trước, mở lối trị văn minh ngàn muôn đời cho nước Đại Nam ta. Tốt thay! Thịnh thay!
**Việt Nam Sử Lược:
'Trong đời Thánh Tổ (Minh Mạng) làm vua, pháp luật, chế độ, điều gì cũng sửa sang, làm thành một nước có cương kỷ. Nhưng chỉ vì ngài nghiêm khắc quá, cứ một mực theo cổ, chứ không tùy thời mà biến hóa phong tục; lại không biết khoan dung cho sự sùng tín, đem giết hại những người theo đạo, và lại tuyệt giao với ngoại quốc làm thành ra nước Nam ta ở lẻ loi một mình.
'Đã hay rằng điều lầm lỗi ấy là trách nhiệm chung cả triều đình và cả bọn sĩ phu ta lúc bấy giờ, chứ không chỉ riêng một mình ngài, nhưng là ông vua chuyên chế một nước, việc trong nước hay dở thế nào, ngài cũng có một phần trách nhiệm rất to, không sao chối từ được. Vậy cứ bình tĩnh mà xét, thì chính trị của ngài tuy có nhiều điều hay, nhưng cũng có nhiều điều dở: ngài biết cương mà không biết nhu, ngài có uy quyền mà ít độ lượng, ngài biết có dân có nước mà không biết thời thế tiến hóa. Bởi vậy cho nên nói rằng ngài là một ông anh quân thì khí quá, mà nói rằng ngài là ông bạo quân thì không công bằng. Dẫu thế nào mặc lòng, ngài là một ông vua thông minh, có quả cảm, hết lòng lo việc nước. Tưởng về bản triều nhà Nguyễn chưa có ông vua nào làm được nhiều công việc hơn ngài vậy.
**Việt Sử Toàn Thư:
'-Ngài đã không ưa người ngoại quốc vì lý do chính trị, lại không thích cả tôn giáo của Âu Châu, một thứ tôn giáo cách mạng mà nhiều vua chúa La Mã xưa kia đã kịch liệt đả phá.
'-Ngài là một ông vua biết chăm nom việc nước, bên trong sửa sang các việc chính trị, quan chế, học hành, khoa cử, phong tục, thuế má, vũ bị khiến nước có nền nếp chỉnh tề. Bên ngoài triều đình đánh Tiêm, dẹp Lào, thu phục được nhiều bộ lạc, gây được nhiều uy thế cho quốc gia, nhưng không có sáng kiến nên việc canh cải không có gì đặc biệt lắm. Và xét cái căn bản của giai tầng trí thức thời đó, học chỉ vụ từ chương, cử nghiệp, thì cũng khó mà có những nhân tài xuất sắc, lỗi lạc để làm những việc kinh bang, tế thế cho nhân dân được nhờ.
'Tuy nhiên người ta không thể không quy trách nhiệm cho Ngài về các vụ loạn ly đã xảy ra ở Bắc Hà, Nam Hà và Chân Lạp do quan lại tham nhũng gây nên. Đáng lẽ ở những miền xa xôi này nhà vua phải lựa đặt những cán bộ ưu tú, biết lấy ân làm uy, khéo léo vỗ về dân chúng, bởi từ lâu họ đã thiếu cảm tình với tân triều. Việc bảo hộ Chân Lạp rõ rệt kém chính trị là đi đến chỗ quá ngược đãi người bản xứ, khiến Tiêm La lợi dụng được nhược điểm này, kết hợp được cùng dân Miên đánh ta bật ra khỏi Trấn Tây thành. Việc Lê Văn Khôi tuyên bố tôn lập con Hoàng tử Cảnh để có chính nghiã hoàn toàn là chuyện vu vơ, mà nhà vua lại nỡ giết cả chị dâu góa cùng cháu nhỏ, thì thật quá lo cho cái ngai vàng của mình mà xả tình cốt nhục (Sử Pháp của C.B. Maybon có chép chuyện này). Đến vụ án Lê Văn Duyệt và Lê Chất cũng đáng phàn nàn, bởi khi sống đã không làm tội (mà họ cũng chẳng có tội gì đáng kể), đến khi họ chết lại đem ra hành hạ nắm xương khô, thật là bày một chuyện cười cho hậu thế.
'Còn về việc cấm đạo, giết đạo thiết tưởng cũng nên rộng xét cho nhà vua, vì Thiên Chúa Giáo bấy giờ quá mới đối với dân ta, lại có nhiều nghi lễ không hợp với tục lệ cổ truyền gần như làm đảo lộn một phần nào đời sống tinh thần của ta. Huống hồ mỗi dân tộc có một mối sùng kính riêng, ai chẳng cho điều sùng kính của mình là hay. Và khi mình có quyền tất nhiên phải bảo vệ điều sùng kính đó bằng đủ mọi cách. Thêm vào, tình hình chính trị ở Á Châu đang rối loạn từ Ấn Độ dương quá Thái Bình dương, do các cuộc xâm lăng của các đế quốc Tây phương, vua chúa Á Đông nào mà chẳng ít nhiều tư tưởng bài ngoại. Chỉ đáng hận rằng mình thua kém người, thì việc bài ngoại chỉ đem lại sự thiệt thòi mà thôi.
**Lịch sử Việt Nam:
'Tác giả Buttinger có lẽ đã tinh tế hơn khi nhận thấy rằng giữa thái độ thù địch một cách tiêu cực của Gia Long đối với Gia Tô giáo và chính sách của Minh Mạng đặt Gia Tô giáo ra ngoài vòng pháp luật, không có sự khác biệt gì đáng kể. Những chỉ dụ cấm 'tà đạo' của Minh Mạng được ban hành sau khi Gia Long chết, 'về thực chất chỉ là sự thực hiện đường lối chính trị cơ bản của Gia Long mà thôi'.
**Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp tại Việt Nam (1858 - 1897):
'Việc truyền đạo trên đất Việt Nam có thể gây nguy cơ đảo lộn phong tục và luật lệ của xứ sở ta, và do đó đảo lộn luôn cả lâu đài tôn giáo, xã hội và chính trị của Quốc gia. Hơn nữa các vị truyền giáo còn yêu cầu người Kitô giáo Việt Nam đừng thừa nhận quyền lực Nhà Vua và luật pháp nước họ. Họ nói với các con chiên: 'Đức Giáo hoàng ở La Mã mới là vị Vua duy nhất tối cao của họ, họ chỉ tuân phục quyền lực tòa thánh Vatican'. Vậy, đây không còn là vấn đề truyền giáo nữa, mà đơn giản là một mưu đồ làm cho chính quyền của xứ sở này bị mất ổn định. Vì thế hành động của Nhà Vua, đối với trách nhiệm làm vua của ông, là hoàn toàn đứng đắn, khi ông chống lại hoạt động của một số giáo sĩ Kitô.
...
'Sau cùng, một vị giáo sĩ Pháp, linh mục Marchand, mà các linh mục Việt Nam đã mang từ Trà Vinh về Gia Định; đã nhờ sự hỗ trợ của những người nổi loạn, mà thiết lập nên tại Nam Kỳ một ''Vương quốc Kitô giáo'' ly khai. Nhà vua lo lắng tột độ, bèn trừng phạt những kẻ gây rối loạn một cách hết sức nghiêm khắc đáng sợ: gần 2.000 người nổi loạn bị chém đầu và chôn chung một hố tại 'cánh đồng mả'. Linh mục Marchand và 5 thủ lĩnh của họ bị bắt đóng cũi đem về Huế, và bị lăng trì đúng theo luật nước.
**Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam:
'Năm 1833, Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt chết. Trước khi từ trần Lê Văn Duyệt dâng sớ, có đoạn nhắc vua Minh Mạng rằng: 'Chúng ta còn ở kẽ răng hột cơm mà các giáo sĩ cho ta khi ta chết đói'. Vua Minh Mạng đọc sớ tâu của Lê Văn Duyệt, Ngài phán rằng: 'Lê Văn Duyệt đã đặt nặng tình riêng trên nghiã vụ chung đối với quốc gia. Tư tưởng này di lụy cho con cháu.
'Quả nhiên năm 1833, các giáo sĩ Gia Tô Dòng Tên súi giục Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt, nổi loạn, đòi tách Miền Nam Việt Nam ra khỏi quốc gia Việt Nam, lập thành Vương quốc Gia Tô tự trị.
**Các vua cuối nhà Nguyễn:
'-Triều Minh Mạng có thể coi như hùng mạnh nhất. Quân Nguyễn chiếm được đất Cao Miên, đổi tên làm Trấn Tây Thành. Bởi thế từ năm 1838, Minh Mạng chính thức đổi quốc hiệu làm Đại Nam.
'-Mãi đến cuối triều Minh Mạng, khi những tàu chạy hơi nước của tây phương bắt đầu giương oai ở Thái Bình Dương, cho thấy chiến thuyền Nguyễn chỉ là trò chơi, vua mới hối hả bàn việc hiện đại hóa. Nhưng quá trễ. Sứ bộ Nguyễn gửi qua Pháp năm 1840, dưới áp lực của Hội truyền giáo Pháp, bị từ chối. Nhịp cầu móc nối, tức các giáo sĩ, đã bị chém giết hoặc rút vào hầm sâu, rừng rậm trốn tránh luật cấm đạo, và tìm cách lật đổ nhà Nguyễn, những ông vua 'ngoại đạo' mà theo họ chỉ là 'ác qủy' (démon).
Nhận Định
Với các điều trong sử sách khác nhau trích dẫn kể trên, chúng ta có thêm một số tư liệu để có thể phần nào có các nhận định & suy ngẫm về một giai đoạn lịch sử quan trọng rất mực, đã có tác động lớn lao đưa đẩy dần quốc gia & dân tộc vào chỗ suy vong.
Đây chính là những bài học qúy giá cho hậu thế nghiên cứu, rút ra một số kinh nghiệm không bao giờ thừa: Đó là bài học về liên hệ giữa Dân Tộc và Tôn Giáo.
Vấn đề các tôn giáo bao giờ cũng muốn độc tôn phát triển, luôn muốn các tu sĩ coi trọng Đạo hơn Đời... vô hình chung đã bị sai lầm khi đặt địa vị của tôn giáo lên trên Quốc gia & Dân tộc, khiến một số tín đồ đã coi nhẹ yếu tố dân tộc, mà quên rằng tôn giáo nào cũng chỉ có thể phát triển trên một nền tảng Quốc gia & Dân tộc vững mạnh, có đủ các yếu tố dân chủ tự do?
Cụ thể như khi Việt Nam và một số nước mất chủ quyền về tay Cộng sản... lập tức tôn giáo bị đàn áp không thương tiếc, các tu sĩ và tín đồ bị đầy đọa, phải dũng cảm đứng lên đấu tranh, chịu bao nhiêu gian khổ.
Điều đáng tiếc là cho đến nay, không ít các nhà đấu tranh tôn giáo vẫn chưa thoát ra khỏi phạm vi tôn giáo của mình, đưa cuộc đấu tranh lên tầm vóc Quốc gia & Dân tộc, để có mẫu số chung đoàn kết thống nhất lực lượng.
Cộng sản Việt Nam đã manh tâm đánh vào yếu điểm này bấy nay, bằng cách vờ thỏa hiệp nhẹ tay với tôn giáo này, mạnh tay với tôn giáo khác - thành lập tổ chức tôn giáo quốc doanh, chia để trị như chính sách bẻ đũa của bọn Thực dân, tuy cũ mà vẫn còn hữu hiệu, rất đáng buồn?!
**
Với vua Minh Mạng, chúng ta thấy ông phải nhận một trọng trách không đơn giản, khi Gia Long trao quyền cho ông với một nhiệm vụ quá khó khăn, là phải tráo trở với ân nhân. Dù đây chỉ là những ân nhân mang tính giai đoạn của một ông vua hoạt đầu, sẵn sàng làm mọi việc kể cả cõng rắn cắn gà nhà, để mong đạt ước vọng làm vua.
Một khi biết Giám mục Bá Đa Lộc là một nhân vật Dòng Tên rất tham vọng, không hề là một nhà truyền giáo chân chính, chúng ta mới hiểu nỗi khó khăn của Minh Mạng khi phải đối đầu?
Điều đáng tiếc nhất ở vua Minh Mạng, là ông nhận ra lối học khoa cử từ chương hủ lậu, mà không dám mạnh dạn thay đổi, chỉ biết than trách, khi quyền hành nắm hết trong tay?!
Chỉ đến khi sắp chết, nhà vua mới hiểu những bản điều trần của Nguyễn Tường Tộ, Bùi Viện... nhưng đã quá muộn.
Vấn đề trọng yếu nơi đây, vẫn là vì đường lối giáo dục vong bản - tôn sùng luân lý Khổng giáo & từ bỏ đạo đức truyền thống Việt - tạo ra giới học thức bầy tôi vong thân, mau chóng đưa đến chỗ bồi tây vong quốc.
Ngày nay cuộc chiến Quốc - Cộng chấm dứt, quốc gia & dân tộc rơi vào chỗ lầm than, cũng là do sự vong bản, vong thân mà ra cả?!
Thực tại cho thấy tình hình Việt Nam hiện nay, chủ yếu là một cuộc đối đầu giữa các tín đồ tôn giáo ngoại lai, và chủ nghiã cộng sản ngoại nhập; còn chính nghiã vì Quốc gia & Dân Tộc rất mờ nhạt, nên mới không thể có mẫu số chung hóa giải các mâu thuẫn nội tại và ngoại lai, hầu kết hợp?!
Nguyễn Phúc Miên Tông là con trưởng của vua Minh Mạng, thân mẫu là bà Hồ Thị Hoa, người Bình An, Biên Hòa, sau được tôn phong là Tá Thiên Nhân hoàng hậu.
Ông sinh năm Đinh Mão 1807, lên ngôi tháng 1 năm Tân Sửu 1841, lấy niên hiệu là Thiệu Trị.
Thiệu trị và vị vua chăm lo việc nước, hiền hòa, không có sáng kiến, nên mọi việc tuân thủ nền nếp cũ. Nhà vua được nhiều người giỏi giúp ổn định tình hình, như các ông Trương Đăng Quế, Lê Văn Đức, Doãn Uẩn, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Hiệp, Nguyễn Công Trứ...
**Đối nội:
Nhà vua tuân thủ các nguyên tắc cũ về hành chánh, thuế vụ... nên không có gì thay đổi.
Riêng về giáo dục, lần đầu tiên các chức Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo được bổ dụng về tới các tỉnh, phủ, huyện vùng biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên... nên việc học được mở mang sâu rộng đến các nơi xa xăm, khiến Giáo Thụ Cao Bá Quát có vế đối dán nơi trường học của mình:
'Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái.
'Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
Năm 1841 ngay khi lên ngôi, vua Thiệu Trị ban hành một loạt chỉ dụ miễn giảm thuế, xóa án nhiều tội nhân, biệt đãi quân sĩ, nhằm xoa dịu các bất mãn gây loạn lạc. Nhờ vậy từ giữa năm 1843 đến hết đời Thiệu Trị Miền Bắc không còn cuộc nổi dậy nào đáng kể.
Nhưng tại Miền Nam ngay khi vua Thiệu Trị lên ngôi, xảy ra một loạt các cuộc nổi dậy của nông dân, khiến nhà vua phải phán: 'Sáu tỉnh Nam Kỳ là đất dựng nghiệp đế, nay việc xảy ra nhiều rắc rối, lòng trẫm phải lo nghĩ, ăn ngủ không yên'.
Tuy không sửa đổi luật pháp, nhưng năm 1843 vua Thiệu Trị ban hành bộ Đại Nam Hội Điển Sự Lệ là một tập hợp và hệ thống hóa các lệ của vua Gia Long, Minh Mệnh... khiến đời sống của người dân bị ràng buộc chặt chẽ hơn vì các loại lệ - một trong những nguyên nhân gây ra các cuộc nổi dậy của nông dân Miền Nam, khi bị các quan lại và điền chủ dựa vào lệ hơn là luật, chiếm hữu quá nhiều ruộng đất mới khai hoang.
Ngoài ra còn bị các lân bang xúc xiểm, gây phản loạn.
**Đối ngoại:
Nhà vua phải đối phó với nhiều việc khó khăn như:
*Với Chân Lạp:
Từ cuối đời vua Minh Mạng, miền Nam đã có nhiều giặc giã, đáng kể là Lâm Sâm kích động các nhà sư Miên nổi loạn ở Trà Vinh, Tiêm La giúp người Chân Lạp chống phá, khiến triều đình đã phải cử nhiều quan quân tiễu trừ, nhưng không yên.
Năm 1841, khi Thiệu Trị lên ngôi, quan đại thần Tạ Quang Cự tâu xin nhà vua bỏ đất Chân Lạp, rút quân về giữa An Giang. Nhà vua bản tính hiền hòa, nghe theo. Trương Minh Giảng phải tuân lệnh lui binh, cảm thấy trách nhiệm không hoàn thành, buồn bực sinh bệnh mà chết.
*Với Tiêm La:
Khi Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tiến Lâm dẹp loạn Lâm Sâm ở Trà Vinh, thì Tiêm La đem binh sang trợ giúp. Nhà vua cử đại binh ba mặt bao vây, phá tan quân Tiêm La, đặt quan quân trấn giữ các nơi hiểm yếu.
Tuy nhiên quân Tiêm La thấy Trương Minh Giảng lui binh, đã tiến qua Chân Lạp theo sự cầu viện của Nạc Ông Đôn, làm nhiều việc tàn bạo bị dân phản đối, sang cầu cứu Việt Nam.
Năm 1845 triều đình sai Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương đem quân giúp Chân Lạp, vây hãm Nặc Ông Đôn và tướng Tiêm La là Chất Tri ở Oudon. Chất Tri cầu hòa, được Nguyễn Tri Phương chấp nhận lui binh về Trấn Tây. Năm 1846 Nặc Ông Đôn dâng biểu tạ tội với nước Nam, được phong làm Cao Miên Quốc vương.
Vua Thiệu Trị xuống chiếu rút quân khỏi Trấn Tây, từ đó Chân Lạp có vua, miền Nam Việt mới được yên.
*Với Pháp Quốc:
Vua Thiệu Trị tính tình ôn hòa, nên việc cấm đạo cũng giảm đi. Một số giáo sĩ bị giữ ở Huế, khi được Trung tá Pháp Favin Lévêque đến xin, được tha.
Năm 1845 giám mục Lefèbvre bị kết án tử hình, cũng được tha khi thiếu tướng Cécile đến xin.
Năm 1847, lúc triều đình Huế không còn giữ giáo sĩ nào nữa, Pháp cử Đại tá De Lapierre và Trung tá Rigault de Genouilly đem 2 chiến thuyền vào Đà Nẵng, xin bỏ dụ cấm đạo. Khi hai bên đang thương nghị, Pháp thấy chiến thuyền Việt ra đóng gần chiến thuyền của mình, nghi có sự tấn công, bắn đắm hết các chiến thuyền của Việt Nam, rồi bỏ đi. Sau việc này, nhà vua thấy rõ sự yếu kém của chiến thuyền và vũ khí của nước ta, mới ra lệnh tăng cường việc binh, chế tạo thêm vũ khí.
Cũng vì việc này, Vua Thiệu Trị rất tức giận ra lệnh cấm đạo gay gắt trở lại. Nhà vua cũng buồn bực, lâm bệnh mất mấy tháng sau đó.
Vua Thiệu Trị ở ngôi được 7 năm, mất năm 1847, thọ 37 tuổi.
Lời bàn của sử sách
**Quốc Triều Chính Biên Toát yếu:
-'Ngài thông minh nhơn hiếu, Đức Thánh Tổ yêu mến khác thường. Mỗi khi tế Nam Giao, Đức Thánh Tổ đều đem Ngài mật cáo Trời xin sau truyền ngôi cho Ngài.
-'Ngài coi việc chính trị, mỗi ngày buổi mai buổi chiều mặc đồ trắng ngự đền Văn Minh, đòi các quan bàn việc chánh. Các thân công vào chầu, Ngài đều cho ngồi ban trà; đại thần như Trương Đăng Quế, Võ Xuân Xẩn, Tạ Quang Cự, Ngài đều kêu chức quan mà không kêu tên.
**Việt Nam Sử Lược:
-'Tính vua Hiến Tổ thuần hòa, không hay bày ra nhiều việc và cũng không được quả cảm như Thánh Tổ. Trong đời Ngài làm vua, học hiệu, chế độ, thuế má, điều gì cũng theo như triều vua Thánh Tổ cả.
**Việt Sử Toàn Thư:
-'Vua Thiệu Trị cũng giống vua cha ở chỗ ham văn chương, sử ký, nhưng tính tình ôn hòa hơn.
-'Vua Thiệu Trị lúc mới lên ngôi rõ rệt có thái độ hòa hoãn với người ngoại quốc. Ngài không ghét đạo quá đáng như vua cha, nhưng vẫn không bãi bỏ các sắc dụ cấm đạo và phóng thích giáo sĩ cùng giáo dân.
Nhận Định
Sử sách kể trên cùng có nhận định là vua Thiệu Trị hiền hòa, giữ nguyên các nguyên tắc cũ, ít có sự thay đổi.
Điều này cho thấy trong 7 năm Thiệu Trị trị vì, nước ta đã không có những phát triển cần thiết đáp ứng với thời cuộc đang diễn ra cấp bách, khi người Pháp đang tìm nhiều cách để thực hiện âm mưu xâm lược!
Chỉ đến khi thấy chiến thuyền Pháp bắn tan nát các chiến thuyền của ta một cách dễ dàng, nhà vua mới giật mình bừng tỉnh, ra lệnh chỉnh trang binh lực ngay trước khi qua đời vì buồn bực!
Ngày nay, nếu so thời gian 7 năm với gần 2 nhiệm kỳ tổng thống tối đa phổ biến của một số nước trên thế giới, chúng ta mới thấy vua Thiệu Trị vẫn phải chịu trách nhiệm đáng kể về những thảm bại quân sự về sau.
Bài học ở đây là câu 'không tiến tức là lùi', nên mọi việc cần có sự phát triển mới có thể theo kịp đà tiến triển của thời đại. Thế nên việc duy trì 'kiên định' các giáo điều cố hữu của các tôn giáo hay chủ thuyết chính trị, thường là nguyên do chủ yếu của sự thoái hóa, đưa đến sự bạc nhược hủ lậu của không chỉ tôn giáo - đảng phái, mà còn cả quốc gia, dân tộc?
Lo sợ các thay đổi theo chiều hướng thăng hoa, khác nào như sợ cây gốc lớn có cành lá xum xuê xanh tốt?
Nguyễn Phúc Thì, hiệu là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, con thứ hai vua Thiệu Trị, thân mẫu là bà Phạm Thị Hàng, được tôn phong là Thái hậu Từ Dũ.
Sinh ngày 25-8 Kỷ Sửu 1829, nối ngôi từ tháng 10 Đinh Mùi 1847, đặt niên hiệu Tự Đức năm 1848.
Nhà vua là người nho nhã hiền hành, học hành thông thái, ưa thích văn chương, rất có hiếu với mẹ - chép những lời hay mẹ dạy vào sách Từ Huấn Lục. Nhà vua phục hồi công trạng, lục dụng con cháu các công thần bị các tiên đế trừng phạt oan uổng, như Lê Chất, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành...
Khi Tự Đức lên ngôi, khoa học kỹ thuật phương Tây đã tiến bộ, trong lúc nước Việt vẫn tuân thủ những gì cổ hủ của Trung Hoa. Triều thần có một số người ra nước ngoài về - như các ông Nguyễn Trường Tộ (1866), Đinh Văn Điền (1868), Nguyễn Hiệp (1870)... - làm điều trần xin nhà vua cải cách theo khoa học kỹ thuật Tây phương, nhưng các quan triều thần hầu hết xuất thân Nho học, không chịu đổi mới, một niềm giữ thói cũ mong yên thân.
Do vậy vua tôi đã phạm thêm nhiều lầm lỗi, làm mất nước về tay thực dân Pháp.
**Đối Nội:
*Việc Cai trị:
Tuy triều đình tuân thủ Khổng Giáo, nhưng quyền hành vẫn chỉ giới hạn ở cấp phủ huyện, còn các xã thôn vẫn giữ truyền thống 'xã thôn tự trị' của Việt Nam từ lâu đời, 'phép vua thua lệ làng', 'quan có cần nhưng dân chưa vội - quan có vội quan lội quan đi'... các hội đồng quản trị của làng vẫn do người dân chọn lựa. Đời sống nông nghiệp khiến việc công thương nghiệp không phát triển, vì các trào lưu Đông Tây nước ngoài không chú trọng về khoa học, kỹ thuật, chú tâm về chính trị... nên chỉ có ảnh hưởng nhiều ở các nơi thành thị mà thôi.
*Việc Văn học:
Tự Đức là vị vua hay chữ & mê văn chương nhất nhà Nguyễn, rất trọng Nho học, đặt thêm các kỳ thi Nhã Sĩ, Cát Sĩ chọn người giỏi văn học ra làm quan.
Nhà vua thường tự hào về tài văn chương của các các triều thần:
'Văn như Siêu - Quát vô Tiền Hán,
'Thi đáo Tùng - Tuy bất Thịnh Đường.
Chính điều này đã khiến vấn đề võ công bị coi nhẹ - giữa khi giặc giã nổi lên ở nhiều nơi, thực dân Pháp đánh chiếm dần các tỉnh từ nam chí bắc!
*Việc Võ bị:
Phải tới năm Tự Đức thứ 14 (1861) chỉ khi thấy quá cần thiết, nhà vua mới truyền cho các tỉnh tuyển võ sinh, năm Tự Đức thứ 18 (1865) mới mở khoa thi lấy tiến sĩ võ.
Nhưng khi đó Tây phương đã có súng ống tối tân, trong khi lính ta vẫn chỉ có loại súng điểu thương phải đốt lữa châm ngòi rồi mới bắn được - mà chỉ 10% có súng, một năm chỉ tập bắn 1 lần 5 phát đạn mà thôi! Đã vậy mỗi đội 50 lính, chỉ có 20 lính tại ngũ, nên khi đụng trận gặp kẻ mạnh, không đủ sức kháng cự.
*Việc Nội loạn:
Ngay từ năm Tự Đức thứ 3 (1850), nhà vua đã phải cử 3 vị Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đăng Giai làm Kinh lược sứ đi các miền xem xét việc cai trị để yên dân, nhưng giặc giã vẫn nổi lên ở nhiều nơi, nhất là ở Bắc Kỳ có nhiều người bất bình nhân danh nhà Lê khởi binh.
1/ Giặc Tam Đường (1851) từ bên Tàu bị nhà Thanh đánh tan, chạy qua gây nhiễu loạn ở Bắc Kỳ, Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai chiêu dụ về hàng. Nhưng đến năm 1854 khi ông Giai mất, chúng lại nổi lên.
2/ Giặc Châu Chấu (1854) do Lê Duy Cự và Cao Bá Quát dấy lên ở Sơn Tây và Hà Nội. Khi nổi lên có nhiều châu cháu phá hại mùa màng, nên gọi là giặc Châu Chấu. Được ít tháng, Cao Bá Quát bị bắt đem chém, còn Lê Duy Cự mấy năm sau mới bị dẹp yên. Vụ Cao Bá Quát mang tính chất cách mạng, khi có chủ trương lật đổ một chế độ xấu, để xây dựng một chế độ tốt hơn. Cao Bá Quát từng đi sứ nước ngoài, thấy rõ sự thô lậu trong nước, muốn thay đổi để kịp thời canh tân, không cướp của giết người như các vụ nổi loạn khác.
3/ Giặc Tạ Văn Phụng (1861) do tên Phụng, từng đi lính Pháp đánh Quảng Nam, sau theo giáo sĩ ra nước ngoài học đạo, rồi mạo xưng là Lê Duy Minh - con cháu nhà Lê - kết hợp với đạo trưởng Thiên Chúa Giáo tên Trường, dấy binh ở Quảng Yên, đưa giặc Khách ngoài biển vào quấy nhiễu, vây đánh Hải Dương. Sau lại sai người vào Nam Kỳ cầu viện tướng Pháp Bonard... phải đến năm 1865 triều đình mới dẹp yên.
Sử gia Phạm Văn Sơn trong Việt Sử Toàn Thư cho rằng chính do Tạ Văn Phụng liên kết với Pháp và giáo sĩ quá nguy hại, nên triều đình Huế mới phải ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 với Pháp, để có thể tập trung hết lực lượng tiêu diệt tên Phụng sau đó?
4/ Giặc Nguyễn Văn Thịnh (1862) tục gọi là Cai Tổng Vàng, cũng liên hệ với giáo sĩ, lập tên Uẩn - mạo xưng con cháu nhà Lê, nhập đảng với Tạ Văn Phụng, vây thành Bắc Ninh.
5/ Phản nghịch ở Kinh thành: Năm 1866 vua Tự Đức xây Khiêm Lăng hoành tráng, khiến dân phục dịch khổ sở, oán giận. Trước đó người anh của nhà vua là Hồng Bảo vì phóng đãng không được nối ngôi, mưu đồ với nước ngoài làm loạn bị lộ, phải uống thuốc độc chết. Con được tha nhưng phải đổi sang họ Đinh là Đinh Đạo. Nhân dịp này Đinh Đạo lại mưu phản có liên hệ đến các giáo sĩ, nên mới bị giết.
6/ Giặc Khách ở Bắc Kỳ: Năm 1868 Ngô Côn là dư đảng của Hồng Tú Toàn chạy sang nước ta, chiếm giữ tỉnh Cao Bằng, triều đình phải nhờ quân nhà Thanh sang tiễu trừ. Đến năm 1870 Ngô Côn vây đánh tỉnh Bắc Ninh, bị tướng Việt là Ông Ích Khiêm giết chết, nhưng dư đảng là các đám giặc Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, Cờ Vàng Hoàng Sùng Anh, Cờ Trắng Bàn Văn Nhị vẫn quấy nhiễu ở vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang, đến năm 1871 mới bị dẹp tan.
**Đối Ngoại:
Đời vua Tự Đức chủ trương không cho người nước ngoài vào buôn bán. Chỉ sau khi Gia Định bị Pháp chiếm, nhà vua mới lập Bình Chuẩn Ti để coi việc giao thương với nước ngoài, nhưng người phụ trách không có khả năng phát triển.
Ngay năm 1848 khi Tự Đức mới lên ngôi, đã có dụ cấm đạo, người nước ngoài vào giảng đạo bị tội tử hình, các đạo trưởng người Việt bị khắc chữ vào mặt rồi đày đi nơi nước độc, còn dân chúng thì quan địa phương phải khuyên bảo, ngăn cấm.
Đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) lại có dụ cấm đạo khắc nghiệt hơn trước, là do Hồng Bảo mưu việc phản nghịch có sự liên hệ với các giáo sĩ, khiến mấy giáo sĩ ngoại quốc bị tử hình.
Do vậy mà Pháp và I Pha Nho có cớ đánh chiếm mấy tỉnh Nam Kỳ, rồi tiến ra Bắc Kỳ.
*Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông:
Năm Tự Đức thứ 9 (1856) Pháp đưa chiến thuyền Catinat vào Đà Nẵng, đưa thư trách triều đình giết tu sĩ. Thấy không được trả lời, Pháp bắn phá các đồn lũy ở Đà Nẵng rồi bỏ đi.
Năm Tự Đức thứ 11 (1858) tướng Pháp Rigault de Genouilly đem 14 chiến thuyền và 3.000 quân vào Đà Nẵng, hạ thành An Hải và Tôn Hải, toan đánh chiếm kinh thành Huế, nhưng thấy quân Việt do tướng Nguyễn Tri Phương cố thủ chặt chẽ, lại không thấy giáo dân nổi dậy giúp như lời các giáo sĩ cam kết, nên lui binh về Đà Nẵng.
Ở Đà Nẵng lại bị bệnh dịch tả, nên quân Pháp đưa binh vào đánh Gia Định.
Năm Tự Đức thứ 12 (1859) Pháp đánh chiếm Gia Định, lấy được nhiều tiền bạc, thóc gạo, vũ khí, do quân Việt tuy nhiều nhưng không được tập luyện, binh bị trễ nải. Nhận thấy quân Việt thực lực không mạnh, tướng Genouilly đem quân trở lại Đà Nẵng đánh tiếp, chiếm đồn Phúc Ninh. Do nhiều quân sĩ bị bệnh vì thời tiết, tướng Genouilly cũng lâm bệnh xin về nghỉ.
Pháp sai Thiếu tướng Page sang thay, muốn giảng hòa với điều kiện xin đừng cấm đạo, được đặt lãnh sự ở các hải cảng coi việc buôn bán, đặt sứ thần ở triều đình để giao hảo.
Do triều đình không có ai sáng suốt nhận định tình hình, nên đã bỏ qua một cơ hội tốt cho nền độc lập của quốc gia & dân tộc.
Khi đó Anh và Pháp đang tập trung lực lượng đánh Tàu, nên tướng Page rút quân về Gia Định, để lại một ít giữ Gia Định, rồi đem các chiến thuyền đi đánh Tàu.
Tháng 7-1860 triều đình sai Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển vào Nam để đánh chiếm lại Gia Định, nhưng không được.
Tháng 9-1860 nhà Thanh cả thua phải ký hòa ước với Anh Pháp, nên Pháp đưa quân từ Tàu về đánh chiếm Nam Kỳ.
Tháng 1-1861, trung tướng Charner đem 70 chiến thuyền và 3.500 quân tới Gia Định, đánh đồn Kỳ Hòa. Sau 2 ngày quân Việt thua chạy về Biên Hòa. Charner đưa quân tiến chiếm Thủ Đầu Một, Tây Ninh, Mỹ Tho, rồi lo đặt đồn lũy tổ chức cai trị, nên không đánh tiếp các nơi khác.
Tháng 10-1861, Pháp cử thiếu tướng Bonard sang thay trung tướng Charner. Bonard liền đem quân đánh chiếm Biên Hòa, Vĩnh Long.
Năm 1862 triều đình Huế thấy tình hình nguy ngập, cử Phan Thanh Giản vào
Nam ký Hoà ước Nhâm Tuất, chấp nhận tự do giảng đạo và theo đạo; nhường cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường; chấp nhận nếu muốn giao thiệp với nước nào phải được Pháp chấp thuận; Pháp được buôn bán tự do ở các hải cảng Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên; phải trả 4 triệu tiền binh phí cho Pháp; Pháp trả lại tỉnh Vĩnh Long, nhưng vẫn đóng quân ở tỉnh lỵ cho đến khi dẹp yên giặc giã ở Gia Định, Định Tường.
Trước các nhân nhượng quá đỗi của Triều đình, một số người không chấp nhận, tự nổi dậy chống Pháp, như Trương Định ở Gò Công. Tuy chỉ là một võ quan cấp Chánh quản, nhưng Trương Định đã được dân đồng lòng theo, xây đồn đắp lũy chống Pháp kiên cố tại Gò Công, khiến Đô đốc Bonard phải mang toàn lực thủy bộ binh vây đánh.
Cùng lúc, còn có các cuộc chống Pháp rất hào hùng khác ở Miền Nam như Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên hộ Dương... cho thấy người dân Miền Nam đã bất bình cao độ.
Năm Tự Đức thứ 16 (1863), vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ qua Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh, vì Gia Định là đất khai nghiệp của nhà Nguyễn.
Việc dùng dằng mãi không xong, thì năm 1865, Thượng thư De Chasseloup Laubat đề nghị không chấp thuận cho chuộc, chủ trương chiếm nốt 3 tỉnh còn lại.
*Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Tây:
Năm Tự Đức thứ 20 (1867) thiếu tướng De la Grandière đưa 1.000 quân đánh chiếm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Phan Thanh Giản đã 74 tuổi, từng qua Pháp thấy rõ sức mạnh quân sự của Pháp, biết không đủ sức chống lại, muốn tránh chết chóc vô ích, bảo các quan nộp thành trì cho Pháp rồi uống thuốc độc chết.
Từ đó toàn đất Nam Kỳ thành thuộc địa của Pháp.
*Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ 1:
Năm Tự Đức thứ 23 (1870), thương gia Pháp Jean Dupuis từng qua lại giữa Hoa Việt, biết có thể dùng sông Hồng chở hàng từ ngoài biển đến Vân Nam, nên đề nghị với Súy phủ Pháp tại Sài Gòn giúp. Thống đốc Nam Kỳ là thiếu tướng d'Arhaud cử tàu Bourayne ra Bắc.
Năm Tự Đức thứ 25 (1872) Jean Dupuis tự ý chở hàng qua Tàu, không cần xin phép Việt Nam. Giới chức Việt Nam bắt giữ 2 người Tàu tay sai của Jean Dupuis, thì bị Jean Dupuis đem người bắt quan Phòng thành Hà Nội và quan huyện Thọ Xương, giam dưới thuyền của hắn.
Triều đình sai Nguyễn Tri Phương ra giải quyết căn cứ theo Hòa ước Nhâm Tuất 1862, nhưng Jean Dupuis không tuân thủ.
Lúc đó Thống đốc Nam Kỳ là thiếu tướng Dupré có ý đồ đánh chiếm Bắc Kỳ để khống chế vùng Viễn Đông, nên tuy không được Bộ Thuộc Địa tại Pháp đồng ý, vẫn tìm cách thực hiện mưu đồ, cử Đại úy Francis Garnier đem mấy chiếc tàu con và 170 lính ra Bắc, tới Hà Nội vào tháng 10-1873.
Francis Garnier kết hợp với Jean Dupuis tiến đánh thành Hà Nội ngay. Phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Nguyễn Tri Phương bị thương, bị Pháp bắt không chịu cho Pháp chữa, nhịn ăn mà chết.
Lấy được thành Hà Nội quá dễ dàng, Francis Garnier cho quân đi đánh chiếm các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương. Do thấy thành Hà Nội đã thất thủ, quan ta trốn tránh, giặc cướp nổi lên, Francis Garnier cho những ngườiViệt theo hắn được làm quan các nơi chống lại triều đình.
Sự việc tệ hại đến độ chỉ có 8 người lính Pháp mà cũng chiếm được tỉnh Ninh Bình. Và chỉ trong 20 ngày Việt Nam mất luôn 4 tỉnh quan trọng vùng Trung Châu Bắc Việt là Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình.
Tướng Hoàng Kế Viêm trấn giữ Sơn Tây, cùng tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, đem quân về Hà Nội. Francis Garnier coi thường đem quân đi đánh, bị quân Cờ Đen phục kích giết chết ở Ô Cầu Giấy.
Năm Tự Đức thứ 27 (1874), viên quan Thống soái Hình luật của Pháp tại Nam Kỳ là Philastre thấy bọn Dupré - Francis Garnier - Jean Dupuis tự ý làm sai Hiệp ước Nhâm Tuất 1862, nên đồng ý trả lại các tỉnh Miền Bắc cho Việt Nam, nhưng bắt Việt Nam phải ký hòa ước thích hợp với tình hình mới.
Hòa ước Giáp Tuất ký ngày 17-1-1874 giữa Dupré và Nguyễn Văn Tường, gồm 22 khoản, nới rộng quyền hành của Pháp tại Việt Nam, như Việt Nam không phải thần phục Tàu, chỉ tuân theo chính sách ngoại giao của Pháp, được Pháp giúp về quân sự và tặng 5 chiếc tàu, 100 súng đại bác mỗi khẩu có 200 viên đạn, 1.000 súng tay với 5.000 viên đạn. Pháp giúp huấn luyện quân sự, cử chuyên viên sang giúp các việc về thương chính, tài chính, thuế vụ... Việt Nam phải nhường đứt 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp, cho các giáo sĩ tự do giảng đạo, mở các cửa biển cho người nước ngoài vào buôn bán. Pháp được quyền đặt quan sứ thần và lãnh sự từ trung ương xuống đến các tỉnh thị để thực hiện các điều ước. Pháp được quyền xét xử các kiện tụng của người nước ngoài.
Trước nỗi nhục của Hòa ước Giáp Tuất 1874, giới sĩ phu trong nước nổi lên chống Pháp khắp nơi, lập các hội Văn Thân, nêu khẩu hiệu 'Bình Tây - Sát Tả' chủ trương trước hết giết giáo dân, sau đánh đuổi Pháp, duy trì văn hóa Nho giáo cũ.
Tại Nghệ An, năm 1874 có 2 ông tú tài Trần Tấn và Đặng Như Mai kết hợp được khoảng 3.000 người, đi đốt phá các làng đạo. Tổng đốc Nghệ An là Tôn Thất Triệt có ý dung túng phong trào Văn Thân, nên Văn Thân đã đánh lấy thành Hà Tĩnh, vây phủ Diễn Châu.
Triều đình phải cử Nguyễn Văn Tường đánh dẹp trong 4 tháng mới yên.
Năm Tự Đức thứ 28 (1875) các nhóm giặc Tam Đường và con cháu nhà Lê vẫn tiếp tục gây nhiễu loạn ở Bắc Việt, triều đình cử Tôn Thất Thuyết hợp binh với Pháp mới giết được Hoàng Sùng Anh, nhưng phải đến năm 1879 khi phối hợp thêm với quân nhà Thanh bên Tàu, mới dẹp yên được các đám giặc Khách.
*Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ 2:
Năm Tự Đức thứ 33 (1881) hai người Pháp có giấy thông hành của Việt Nam cấp lên Vân Nam, nhưng đến gần Lào Kai bị giặc Khách cản trở, nên Thống đốc Pháp Le Myre de Vilers gửi thư về Pháp xin đem quân bình định Bắc Kỳ.
Năm 1882, đại tá Henri Rivière đem 2 tàu và mấy trăm quân đến Hải Phòng, rồi vào Hà Nội.
Quan Tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu thấy vậy lo phòng bị, tuy vẫn đón tiếp tử tế.
Henri Rivière bất bình, đưa tối hậu thư lúc 5 giờ sáng ngày 8-3-1882, hẹn trong 3 giờ phải giải binh, rồi ra lệnh đánh thành Hà Nội lúc 8 giờ sáng, chiếm được thành lúc 11 giờ. Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tận, khiến các quan quân thấy vậy bỏ chạy cả!
Vua Tự Đức hay tin truyền lui binh để tướng Hoàng Kế Viêm chống giữ, rồi sai Khâm sai Trần Đình Túc ra Bắc thu xếp với Henri Rivière.
Henri Rivière đồng ý trả thành Hà Nội, nhưng vẫn đóng quân ở hành cung, đòi thêm các điều khoản vào Hòa ước Giáp Tuất 1874, gồm: Việt Nam phải nhận sự bảo hộ của Pháp - nhường thành phố Hà Nội cho Pháp - Cho Pháp đặt cơ quan Thương chánh do Pháp cai quản ở Bắc Kỳ.
Triều đình họp bàn cho rằng trong nước còn tướng Lưu Vĩnh Phúc, ngoài còn nước Tàu giúp, lẽ nào chịu bó tay. Liền sai ông Phạm Thận Duật sang Thiên Tân cầu cứu Tàu, mà không biết rằng chính nước Tàu cũng đang bị Pháp xâm lăng.
Tuy nhiên Tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Thụ Thanh, thấy Việt Nam quá suy yếu, nên tâu với vua Thanh nhân dịp này đem quân chiếm miền Thượng du của Việt Nam. Do vậy triều đình nhà Thanh mới sai đem quân sang đóng ở Bắc Ninh, Sơn Tây.
Pháp thấy vậy, đưa viện binh ra Bắc giúp Henri Rivière, giữ Hà Nội, đánh chiếm thêm Nam Định.
Tướng Hoàng Kế Viêm hợp cùng quân của Lưu Vĩnh Phúc, phục binh ở Ô Cầu Giấy, giết Henri Rivière, đánh thắng 500 quân Pháp.
Tin về đến Pháp, Thượng viện Pháp liền quyết định cấp 5.5 triệu franc làm binh phí, cử một văn quan là Harmand làm Toàn quyền để thực hiện việc cai trị Việt Nam.
Quân Việt tấn công quân Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, nhưng đều thất bại, vì vũ khí cũ kỹ yếu kém, quân lính ô hợp không có tinh thần kỷ luật.
Giữa khi tình hình rối loạn, vua Tự Đức mất ngày 16-6-1883, trị vì 36 năm, thọ 55 tuổi. Nhà vua không có con, nên nuôi 3 người cháu làm con nuôi.
Lời bàn của sử sách
**Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu:
'Ngài (vua Tự Đức) truyền dụ các quan rằng: ''Quan vui thời dân khổ, trên ích thời dưới tổn, chẳng qua vì quan lại võ văn lộng pháp, tạ sự hại dân; hoặc nhân đoán ngục xét hình dụng tâm làm nặng nhẹ, mà sách người lấy của; hoặc nhân bắt lính đòi thuế, giả đốc sức để kiếm miếng chia nhau; hoặc đem đồ thỉnh thác quan trên, để nhờ nâng đỡ; hoặc sanh việc góp lướm người dưới, để lấy tiền riêng; tình tệ còn nhiều, ta thiệt lấy làm buồn lắm!'' Người xưa có nói: ''Bày một điều lợi không bằng trừ một điều hại, sanh một việc không bằng giảm một việc''. Bây giờ việc nên làm trước chi hơn ''Hình thời khoan, Chánh thời giảm, Quan thời thanh, Lại thời liêm''. Các người phải nghĩ thế nào cho quan lớn giữ phép, quan nhỏ thanh liêm, đều bỏ hết thói tệ; thức khuya dậy sớm, lòng lo cẩn thận siêng năng; trên giúp ta những điều nghĩ chưa tới, dưới khiến cho trăm họ đều được yên vui; ấy là ta trông lắm mà thiên hạ càng may lắm!!!'.
**Con Rồng Việt Nam:
'Nước Pháp năm 1882 lấy cớ là triều đình Huế đã từ chối thực hiện một số điều kiện mới của Pháp vốn trái với hiệp ước ký năm 1874, Pháp liền tung ra cuộc tấn công mới. Nhờ ở vũ khí và chiến cụ tinh vi hơn, quân Pháp lại ngược sông Hồng Hà và tái chiếm thành phố Hà Nội.
'Quan Tổng đốc Hoàng Diệu treo cổ lên một cành cây ở đồi Tam Sơn trong thành, về sau được gọi là ''Đồi Trung Liệt''.
'Chĩu nặng bi thiết, Hoàng đế Tự Đức chết ngày 10-7-1883.
**Việt Nam Sử Lược:
*'Vua Dực Tông đối với vận hội nước Nam ta thật là quan hệ, vì là đến đời ngài thì nước Pháp sang bảo hộ, đổi xã hội mình ra một cảnh tượng khác. Bởi vậy cho nên ta cần phải biết rõ ngài là người thế nào, để xét đoán những công việc thời bấy giờ cho khỏi sai lầm'.
*'Xem cái chân tượng như thế, thì ngài không phải là ông vua tàn ác bạo ngược như người ta thường nói. Chỉ vì ngài làm vua về một thời đại khó khăn, trong nước lắm việc, mà những người phò tá thì tuy có người thanh liêm, như ông Trương Đăng Quế, ông Vũ Trọng Bình, trung liệt như ông Phan Thanh Giản, ông Nguyễn Tri Phương, ông Hoàng Diệu... nhưng mà các ông ấy đều là người cũ, không am hiểu thời thế mới. Vả lại cái thế lực lúc bấy giờ kém hèn quá, dẫu có muốn cải cách duy tân, cũng không kịp nữa, cho nên mọi việc đều hỏng cả!
*'Đình thần là các quan ở trong Triều giúp vua để lo việc nước. Nhưng lúc bấy giờ thì tình thế đã nguy ngập lắm, vì từ đầu thế kỷ 19 trở đi, sự sinh hoạt và học thuật của thiên hạ đã tiến bộ nhiều mà sự cạnh tranh của các nước cũng kịch liệt hơn trước. Thế mà những người giữ cái trách nhiệm chính trị nước mình, chỉ chăm việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì phi Nghiêu Thuấn lại Hạ Thương Chu, việc mấy nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện đại, rồi cứ nghễu nghện tự xưng mình hơn người, cho thiên hạ là dã man. Ấy, các đình thần lúc bấy giờ phần nhiều là những người như thế cả. Tuy có một vài người đã đi ra ngoài, trông thấy cảnh tượng thiên hạ về nói lại, thì các cụ ở nhà cho là nói bậy, làm hủy hoại kỷ cương! Thành ra người không biết thì cứ một niềm tự đắc, người biết thì phải làm câm làm điếc, không thở ra với ai được, phải ngồi khoanh tay mà chịu.
*'Năm 1868, các quan đi sứ các nơi về tâu bày mọi sự, vua hỏi đến đình thần thì mọi người đều bác đi, cái gì cũng cho là không hợp thời'.
*'Xem lời ấy thì không phải là vua không muốn thay đổi. Chỉ vì vua ở trong cung điện, việc đời không biết rõ, phải lấy các quan làm tai mắt, mà các quan thì lại số người biết thì ít, số người không biết thì nhiều. Những người có quyền tước thì lắm người trông không rõ, nghe không thấy, chỉ một niềm giữ thói cũ cho tiện việc mình. Lại có lắm người tự nghĩ rằng mình đã quyền cả ngôi cao, thì tất là tài giỏi hơn người, chứ không hiểu rằng cái tài giỏi không cần phải nhiều tuổi, sự khôn ngoan không phải làm quan to hay là quan nhỏ. Cái phẩm giá con người ta cốt ở tư tưởng, học thức, chứ không phải ở tiền của hay là ở quyền tước.
'Đến khi nước Pháp đã sang lấy đất Nam kỳ, đã ra đánh Bắc kỳ, tình thế nguy cấp đến nơi rồi, thế mà cứ khư khư giữ lấy thói cổ, hễ ai nói đến sự gì hơi mới một tí, thì bác đi. Như thế thì làm thế nào mà không hỏng việc được.
'Đã hay rằng vua có trách nhiệm vua, quan có trách nhiệm quan, dẫu thế nào vua Dực Tông cũng không tránh khỏi cái lỗi với nước nhà, nhưng mà xét cho xác lý, thì cái lỗi của đình thần lúc bấy giờ cũng không nhỏ vậy.
**Lịch Sử Việt Nam:
'Sự bại vong của Triều đình Việt Nam chứng tỏ rằng một nhà nước phong kiến với kinh tế lạc hậu, chính trị hủ bại, tài chính nghèo nàn, quân đội yếu đuối, với binh pháp cổ hủ, vũ khí thô sơ, nếu chỉ ngoan cố thủ cựu thì không thể nào địch lại sức mạnh của một chế độ tương đối tiến bộ hơn là chủ nghiã tư bản. Một nguyên nhân nữa của cuộc bại vong, ấy là những cuộc khởi nghiã liên tiếp của nông dân khiến vua quan nhà Nguyễn rất sợ, phải vội đầu hàng giặc ngoài để có thể quay lại đàn áp nông dân, mà chúng biết là đe dọa quyền vị của chúng nhiều hơn.
**Việt Sử Toàn Thư:
*'Từ đời Tự Đức, nước Việt Nam đi dần tới chỗ ngã ba của lịch sử. Nước Việt Nam độc lập từ thế kỷ thứ 10, sau 3 thế kỷ nội chiến (1527) nguyên lực quốc gia bị hao mòn thì Tây phương với một nền văn minh mới, một nguồn sinh lực dồi dào đã tràn sang Á Châu làm đảo lộn tình thế của hầu khắp các quốc gia.
*'Ngoài ra biến cố có ảnh hưởng tai hại nhất cho Việt Nam là sự thất bại chánh trị và quân sự của Trung Quốc cuối thế kỷ 19, sau trận Nha Phiến chiến tranh. Lần lần nhà Thanh ký các Nam Kinh điều ước, Trung - Mỹ, Trung - Pháp điều ước ký vào ngày 3-7-1844, 23-10-1884, mười năm sau nữa Pháp mới cương quyết xâm chiếm Việt Nam.
*'Còn ta thì thiếu sót hẳn cái học thực tế và cái thuật phú quốc cường binh, bởi không biết trông xa thấy rộng, ai ai cũng chỉ cho rằng nước Tàu là mạnh, tự cho mình văn minh còn người Tây phương là dã man, mọi rợ. Giới trí thức do cái lò từ chương, cử nghiệp đào tạo luôn luôn nghĩ rằng thơ hay phú giỏi là đủ. Bàn đến việc đời, việc nước thì chỉ biết đem các chuyện cổ nước Tàu ra làm mực thước. Thảng hoặc có người đã qua các nước Âu Châu đem chuyện văn minh, khoa học của họ ra mà bàn thì cho là ngụy biện, tà thuyết.
**Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp tại Việt Nam (1858 -1897):
*'Người dân Nam bộ không công nhận Hiệp ước mà các phái viên Triều đình Huế vừa ký tại Sài Gòn với nước Pháp và Tây Ban Nha. Các đặc phái viên toàn quyền của vua Tự Đức, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bị dân chúng gọi là ''kẻ phản bội Tổ quốc'' và Triều đình là ''coi thường dân''; 'Phan, Lâm mãi quốc, Triều đình khi dân'.
'Nếu như Triều đình Huế khi ký Hiệp ước, là nặng tư tưởng thất bại chủ nghiã, thì ngược lại, người dân Việt Nam về phần mình, lại yêu nước sâu sắc. Trong những câu thơ dưới đây của nhà thơ Nam bộ Phan Văn Trị, diễn tả tâm trạng người dân miền Nam trong thời buổi éo le ấy, người ta nhận thấy, cùng một lúc với giọng đầy căm giận, có lẫn trộn những dòng nước mắt và tinh thần cam chịu xót xa trước cảnh nước mất nhà tan; đồng thời là một ý chí quyết tâm chiến đấu chống cuộc xâm lược của ngoại bang:
'Tan nhà căm nỗi câu ly hận,
'Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa.
'Gió bụi đôi phen xiêu ngã cỏ.
'Ngậm cười hết nói nổi quan ta!
...'Thà thua xuống láng, xuống bưng,
'Kéo ra đầu giặc bởi chưng quân thần.
'Vua Tự Đức chẳng làm gì cụ thể để giúp những người dân các tỉnh miền Nam ấy. Ngược lại, chẳng những không thông cảm với dân về thử thách đau thương này, không quay lại với họ, cùng với họ tìm một phương tiện nào có hiệu lực thu hồi các tỉnh đã mất, mà vua lại an tâm đóng kín cửa thành, ẩn mình trong đó để làm thơ, ban hành chiếu chỉ, và nhất là lấy ngân khố quốc gia xây dựng những công trình vô ích như Lăng Vạn Niên, tức ngôi mộ của nhà vua...
**Các vua cuối nhà Nguyễn:
'Từ triều Tự Đức, uy tín và quyền lực vua nhà Nguyễn ngày thêm suy giảm. Một mặt theo lối tằm ăn dâu, Pháp xâm chiếm dần Đại Nam. Ba tỉnh miền Đông Nam kỳ bị mất trong 3 năm 1859-1861. Năm 1867 Pháp chiếm thêm 3 tỉnh còn lại của Nam kỳ không tốn một viên đạn. Nhưng tham vọng của người Pháp không ngừng ở đó. Giấc mơ Ki-tô hóa Đại Nam của các giáo sĩ Ki-tô, tham vọng làm giàu của các tài phiệt, và giấc mộng công danh của những sĩ quan Hải quân Pháp đưa đến việc chinh phục những phần đất còn lại của Đại Nam vào đầu thập niên 1880.
'Mặt khác, thổ phỉ và hải tặc Trung Hoa lộng hành trên đất Bắc. Liên quân Thanh - Nguyễn nhiều lần tảo thanh vẫn không dẹp yên. Cuối cùng, Khâm sai Hoàng Kế Viêm phải cắt đất cho Tướng thổ phỉ Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc, sử dụng Lưu đối đầu với các nhóm thổ phỉ khác cũng như người Pháp. Thêm vào đó, các giai tầng xã hội mất dần lòng tin nơi triều đình. Tầng lớp hưởng nhiều đặc ân nhất là Văn Thân cũng xa lánh dần vua Nguyễn. Nông dân đói khổ nổi lên chống đối khắp nơi. Đáng sợ hơn nữa là các âm mưu xúi dục giáo dân Ki-tô làm loạn của các giáo sĩ Pháp và Espania - như Pierre Retord, Dominico Lefèbvre, Francois-Marie Pellerin, Paul Puginier, J.D. Gauthier, Th. Le Grand de Liraye - để làm suy yếu triều đình, và đồng thời khuyến khích tướng lãnh Pháp đẩy mạnh hơn cuộc xâm lăng Đại Nam. Trường hợp Pegro Tạ Văn Phụng, dưới tên giả Lê Duy Minh, hay Cai tổng Vàng (Nguyễn Văn Thịnh) chỉ là vài trường hợp tiêu biểu.
**Giáo hội La Mã nhận lỗi xâm lược bạo tàn:
Ngày 10-3-2000 tại giáo đường Phêro, La Mã, Đức Giáo Hoàng John Paul II cùng 5 vị Hồng y và 2 vị Tổng giám mục đại diện Giáo Hội Gia Tô La Mã, đã thay mặt Giáo Hội Gia Tô La mã, đọc lời ăn năn xưng thú 7 tội lỗi của các tín đồ Gia Tô Giáo từng phạm nhiều tội ác trong hơn 200 năm qua trên toàn cõi Âu Châu, Á Châu, Phi Châu và xin được tha thứ.
**Trong Cẩm Nang Triết Việt, Linh mục Kim Định nhận xét:
'Sự truyền đạo Thiên Chúa vào Việt Nam... đưa đến sự chia rẽ khối dân tộc đang thống nhất, thành 2 phe Lương - Giáo, làm cho sự liên lạc giữa đôi bên trở nên nhức nhối đầy e dè nghi kỵ. Đấy là một tai nạn lịch sử mà thời gian tuy có làm giảm đi, nhưng xem ra không sao xóa sạch được.
Nhận Định
Qua các sử liệu kể trên, chúng ta thấy các sử quan và sử gia dưới triều đình Nguyễn, cho đến 1954 vẫn chưa dám viết hết sự thực, về các nguyên cớ khiến triều Tự Đức làm mất nước quá nhanh chóng.
Phải đến các sử gia thời sau 1975 có cơ hội ra hải ngoại, tham khảo được nhiều tư liệu tại các thư viện trên thế giới & thoát khỏi vòng kiềm tỏa của các thế lực ngự trị trong nước, mới có thể viết một cách trung thực thêm các nguyên nhân mất nước về tay Pháp.
Tôn giáo nào cũng tốt, nhưng một vài dòng có chủ trương xấu, bị các tu sĩ lạm dụng vào mục đích xấu, đã gây nên cảnh nước mất nhà tan, tôn giáo suy vi 'một thời'.
Không chỉ việc mất nước thời Tự Đức, mà việc mất nước thời Việt Nam Cộng Hòa sau này, cũng một phần do tu sĩ của một số tôn giáo kém ý thức, để bọn bất chính nằm vùng lợi dụng gây ra?!
Tuy nhiên là người dân một nước, chúng ta phải soi rọi kiếm tìm ra nguyên cớ sâu xa nhất làm mất nước bấy nay?
Theo thiển ý chúng tôi, căn cớ là do từ mấy ngàn năm qua giới học thức Việt đã lần lượt bị tha hóa bởi các tư tưởng ngoại lai Đông Tây, trở thành vong bản khi nắm quyền giáo dục - viết sách & soạn thảo chương trình giảng dạy chỉ đề cao và truyền bá cái học của nước ngoài, xưng tụng là 'bác học' mà quên đi gốc gác truyền thống văn hóa & giáo dục Tiên Rồng với chủ trương triết lý đào tạo 3 đức tính Nhân Trí Hùng qúy giá của mình.
Việc các tôn giáo và đảng phái chính trị tương tranh bấy nay, từ trong nước đến hải ngoại, chính là vì ai nấy chỉ lấy 'tử số' tôn giáo hay đảng phái làm 'mẫu số chung' cho chủ trương hành động của mình, nên mới tương tàn không thương tiếc một cách mù quáng.
Một khi biết đặt mẫu số chung là Quốc gia & Dân tộc, thì không thế lực tôn giáo hay chính trị nào có thể khuynh đảo, gây chia rẽ tương tàn, làm mất chính nghiã Quốc Gia & Dân Tộc.
Nhỡn tiền ngay cuộc chiến Quốc - Cộng vừa qua, cho thấy một khi Quốc gia & Dân tộc bị các thế lực tôn giáo - chính trị khuynh đảo, thì không những nước mất nhà tan, mà các thế lực tôn giáo - chính trị chính đáng sau đó cũng rơi vào cảnh không còn đất dung thân.
Vì vậy muốn phục quốc, điều căn bản là phải làm mới lại việc giáo dục đào tạo từ đầu, bằng cách khởi công tu thư viết lại sử sách theo tinh thần Nhân Trí Hùng của truyền thống Quốc gia & Dân tộc, chứ không vì bất cứ một triều đại nào, một chủ nghiã nào, một tôn giáo nào.
[Bản thân chúng tôi đã hoàn thành cuốn ''Văn Học Việt Nam - Tân Khảo Luận'' nêu nhận thức & tư duy mới về hơn 20 Tác giả & Tác phẩm Văn học Việt Nam từ Thế kỷ XI đến XXI]
Tổ tiên chúng ta là các vua Hùng, thể hiện Hùng Tâm & Chính Khí, có một nền tảng tư tưởng về Quốc gia & Dân tộc cao siêu, không hề chấp nhận luồn lụy bất cứ thế lực ngoại lai nào:
'Nên ra tay kiếm, tay cờ,
'Chẳng nên thì chớ, chẳng nhờ cậy ai.
Do vậy muốn cứu quốc, mỗi chúng ta cần đặt tôn giáo và đảng phái chính trị của mình dưới Quốc Gia & Dân Tộc, hết lòng lo cho thế hệ Con Tiên & Cháu Rồng trong tương lai, theo phương châm 'Tổ Quốc trên hết'.
Nhận định của sách Lịch Sử Việt Nam, cho rằng do lo sợ các cuộc khởi nghiã chống đối trong nước cướp quyền, triều đình nhà Nguyễn đã chọn giải pháp chấp nhận sự đô hộ của Pháp để dẹp nội loạn, duy trì quyền hành - khá đúng với trường hợp Cộng sản Việt Nam chấp nhận phụ thuộc Trung Cộng, hầu đàn áp các phong trào đấu tranh trong và ngoài nước, duy trì chế độ... sẽ đưa đến hậu quả mất nước về tay Trung Cộng, như với Pháp trước đây?!
Nguyễn Phúc Ưng Châu tức Dục Đức, con của Nguyễn Phúc Hồng Y. Vua Tự Đức không có con, nuôi 3 người cháu làm con nuôi, là Dục Đức, Chánh Mông và Dưỡng Thiện. Di chiếu của vua Tự Đức nói Dục Đức không đáng làm vua, muốn lập Dưỡng Thiện, nhưng lúc đó Dưỡng Thiện còn nhỏ tuổi, chưa thể đảm đang chức vị, nên phải lập người con lớn.
Dục Đức lên ngôi bị hai đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết không ưa, sửa di chiếu để phế bỏ, khi nhà vua mới lên ngôi được 3 ngày 20, 21, 22-7-1883. Triều thần bất bình nhưng không ai dám nói. Chỉ có quan Ngự sử Phan Đình Phùng lên tiếng phản đối, bị Tường Thuyết cách chức, đuổi khỏi quan trường.
Vua Dục Đức sinh năm Qúy Sửu 1853, bị giam giữ rồi giết năm 1883, thọ 30 tuổi.
Nguyễn Phúc Hồng Đạt, con vua Thiệu Trị, em vua Tự Đức, được hai quan đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi thay vua Dục Đức.
Nhưng ở ngôi được 4 tháng (từ tháng 8 đến ngày 18-11-1883) thì bị Tường và Thuyết giết, chỉ vì nhà vua có ý muốn giảm quyền hành của hai viên quan này. Quan Phụ chính Trần Tiễn Thành không theo, cũng bị Tường và Thuyết giết.
Dưới thời vua Hiệp Hòa, viên Toàn quyền mới của Pháp là Harmand, đưa quân đánh Thuận An, Hải Phòng... bắt triều đình nhận sự bảo hộ của Pháp.
Triều đình sai quan Hiệp biện hưu trí là Trần Đình Túc cùng ông Nguyễn Trọng Hợp đại diện, ký Hòa ước Qúy Mùi ngày 23-7-1883, còn gọi là Hòa ước Harmand, có nội dung nhận Pháp bảo hộ, quy định ngoại giao từ nay do Pháp chủ trương, triều đình Huế chỉ còn cai trị thu hẹp từ Khánh Hòa ra đến đèo Ngang. Phiá Nam thuộc Pháp cai trị, phiá Bắc do các công sứ Pháp kiểm soát việc cai trị của quan lại Việt Nam.
Nguyễn Phúc Ưng Đăng tức Dưỡng Thiện sinh năm Kỷ Tỵ 1869, con của Kiên Thái Vương - Nguyễn Phúc Hồng Cai, là con nuôi út vua Tự Đức.
Lên ngôi ngày 7-10-1883 sau khi vua Hiệp Hòa bị giết, ở ngôi đến ngày 6-4-1884 thì mất vì bệnh, thọ 15 tuổi.
Thời vua Kiến Phúc, mọi việc triều chính đều nằm trong tay hai quan đại thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.
Nhiều vị đình thần bất bình trả ấn từ quan, tổ chức nghiã quân chống Pháp. Có người theo Tàu như Đề đốc Nam Định Tạ Hiện lãnh chức đề đốc của Tàu, Tán tương Quân vụ Sơn Tây là Nguyễn Thiện Thuật từ chức bỏ về Hải Dương tổ chức chống Pháp...
Toàn quyền Harmand ra Bắc sửa sang việc cai trị, lập binh đoàn lính khố xanh phòng giữ các nơi, đánh chiếm các tỉnh Ninh Bình, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Tuyên Quang...
Do một vài tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai còn do Tàu ảnh hưởng, nên viên Trung tá Pháp Fournier tìm cách giao thiệp với Tổng đốc Tàu là Lý Hồng Chương, ký Hòa ước Giáp Thân ngày 18-4-1884, còn gọi là Hòa ước Fournier, nội dung Tàu thuận cho Pháp được tự do xếp đặt mọi việc ở Việt Nam, không còn lệ thuộc vào Tàu nữa. Đổi lại, Tàu được miễn trả chiến phí cho Pháp.
Lúc đó Công sứ Pháp ở Bắc Kinh là Patenôtre khi qua Sài Gòn, được Pháp sai ra Huế sửa lại Hòa ước Harmand, bằng Hòa ước Patenôtre ký ngày 6-6-1884 với Nguyễn Văn Tường, công nhận quyền bảo hộ của Pháp tại cả Bắc Kỳ và Trung Kỳ, còn Nam Kỳ đã thuộc về Pháp.
Như vậy theo Hòa ước Patenôtre, Việt Nam bị Pháp chia thành 3 kỳ, mỗi kỳ có một chính sách luật lệ riêng như một nước vậy. Tuy trên lý thuyết 'kỳ' chỉ là một xứ trong một nước, nhưng người dân từ kỳ nọ qua kỳ kia phải xin giấy thông hành của Pháp.
Đây là sự kiện không những mất nước về tay Pháp, mà còn bị Pháp thâm độc dùng đường lối chia để trị.
Nguyễn Phúc Ưng Lịch sinh năm Nhâm Thân 1872, con của Kiên Thái Vương - Nguyễn Phúc Hồng Cai, em ruột của vua Kiến Phúc. Lên ngôi tháng 6-1884, đặt niên hiệu Hàm Nghi từ năm 1885.
Lẽ ra phải lập người con nuôi thứ 2 của vua Tự Đức là Chánh Mông, nhưng Nguyễn Văn Tường sợ Chánh Mông đã lớn tuổi, có thể nắm quyền hành gây nguy hại cho mình, nên lập Hàm Nghi mới 12 tuổi lên làm vua.
Tường Thuyết không xin phép Pháp khi lập vua mới theo hòa ước đã ký kết, khiến Khâm sứ Rheinart viết thư bắt phải làm quốc thư xin phép mới công nhận.
Ngày 27-6-1884, Khâm sứ Rheinart và Đại tá Guerrier vào kinh thành làm lễ tấn phong vua Hàm Nghi.
Lúc đó cuộc chiến tranh giữa Pháp và Trung Quốc lan rộng ở Lạng Sơn, Tuyên Quang đến Phúc Châu, Đài Loan... gây nhiều tổn thất cho cả hai bên. Tại biên giới Hoa Việt, quân của Lưu Vĩnh Phúc và các cựu thần Nam triều như Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiện... cũng tấn công Pháp, đánh chiếm tỉnh Lạng Sơn.
Pháp phải xin ký lại Hòa ước Thiên Tân với Trung Quốc, bãi bỏ khoản đòi Trung Quốc bồi thường chiến phí, Trung Quốc mới đồng ý tôn trọng quyền hành Pháp tại Việt Nam.
Không còn bị Trung Quốc can thiệp, Pháp tập trung quân lực khống chế Việt Nam, bắt triều đình Huế phải tuân thủ việc bảo hộ của Pháp.
Ngày 19-5-1885 Thống tướng De Courcy đem 500 quân tới Huế, đòi Tường Thuyết tới để bàn việc yết kiến vua Hàm Nghi. De Courcy còn đòi tất cả quan quân của hắn phải được vào cửa chính Ngọ Môn, trong khi theo nghi lễ chỉ viên chánh sứ với được đi vào cửa này mà thôi.
Trước thái độ ngạo mạn của De Courcy, Tôn Thất Thuyết liền bàn cùng các tướng lãnh, quyết định bất ngờ đánh Pháp.
Nhân chiều ngày 22-5-1885, De Courcy mở tiệc khoản đãi quan chức Pháp tại tòa Khâm sứ Pháp, nên Tôn Thất Thuyết mở cuộc tấn công thình lình khi tiệc vừa tan.
Quân Pháp án binh bất động, chờ đến sáng hôm sau mới phản công.
Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra khỏi kinh đô, để Nguyễn Văn Tường ở lại điều đình với Pháp. Pháp ra hạn cho Tường trong 2 tháng phải đưa vua Hàm Nghi trở lại Huế.
Ngày 27-5-1885 Pháp đưa chiến hạm đến Quảng Trị, nên Thuyết đưa vua ra Tân Sở, truyền hịch Cần Vương, kêu gọi toàn dân chống Pháp.
Các quan lại và nhân sĩ khắp nơi trong nước nghe hịch, nổi dậy chống Pháp, khiến Pháp nao núng, bị tấn công nhiều nơi. Lúc đó có bệnh dịch tả, quân Pháp bị chết vài ngàn người, nên kế hoạch tấn công vua Hàm Nghi không thể thực hiện.
Ngày 27-7 đáo hạn 2 tháng, Nguyễn Văn Tường không đem được vua về, nên bị Pháp đưa đi đầy ra Côn Đảo, rồi chết ở đảo Haiti.
Vua Hàm Nghi dấy lên phong trào Cần Vương chống Pháp rất mạnh, khiến Pháp lo sợ tìm cách mua chuộc, hứa phục chức cho các thủ lãnh Cần Vương, nhưng không ai đầu hàng.
Tháng giêng năm Mậu Tí 1888, Pháp vây hãm các tướng Lê Trực, Tôn Thất Đạm... để bắt vua Hàm Nghi trong 9 tháng, nhưng không thành công.
Khi Pháp định lui binh, thì tên Nguyễn Đình Tình hầu cận nhà vua ham bổng lộc, ra đầu thú Pháp, rồi hợp cùng tên Trương Quang Ngọc bàn mưu bắt nhà vua.
Ngày 2-11-1888, nửa đêm hai tên Ngọc và Tình cùng 20 thủ hạ xông vào nơi vua Hàm Nghi ở, bắt vua đem về nộp cho Pháp.
Pháp tiếp nhà vua theo vương lễ, nhưng vua Hàm Nghi từ chối, nên ngày 15-11-1888 Pháp đưa vua Hàm Nghi đi an trí ở Algérie.
Vua Hàm Nghi là người thông minh, có tình cảm yêu nước thương dân nhất trong các vị vua nhà Nguyễn. Khi bị lưu đầy, nhà vua đã trả lời bọn Pháp rằng:
-Tôi thấy lịch sử nước Pháp hay, nhưng nước tôi cũng có những trang sử đẹp không kém''.
Nhà vua mất ở nơi lưu đầy ngày 4-1-1943, thọ 72 tuổi.
Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Đạm cho quân ra đầu thú rồi thắt cổ tuẫn tiết. Lê Trực đưa quân về đầu hàng, nhưng tỏ thái độ khảng khái. Đại úy Monteaux từng đối đầu với Lê Trực, cảm phục nghiã khí mà bảo vệ Lê Trực, không cho Nam triều xử tội.
Ngoài ra, các tướng lãnh Cần Vương khắp nơi vẫn tiếp tục chống Pháp, Phan Đình Phùng nổi dậy ở Vụ Quang, đã bắt Trương Quang Ngọc chém đầu. Kỳ Đồng nổi dậy vùng Thái Bình...
Đến cuối Thế kỷ 19, các lãnh tụ Cần Vương già nua, không còn sức kháng cự... phong trào Cần Vương tan rã, nhưng đã lưu lại những trang sử chống Pháp bất khuất đáng kính.
Lời bàn của sử sách
**Kinh Thi Việt Nam:
'Trước khi vào đề
'Cách đây đã lâu, chừng mười hai mười ba năm, trong lúc dạo chơi hóng gió quanh hồ Gươm, tôi đã được hân hạnh gặp một ông già thuộc về cái lớp người ra đời vào khoảng vua Tự Đức băng hà. Tóc bạc phơ, râu bạc phơ, móng tay dài, quần áo lụa nội hóa, giầy Gia - định, kính trắng... ông có phong thái một nhà nho ngàn xưa còn sót lại, đang bực dọc vì phải chứng kiến những cảnh tượng giao thời của xã hội nước nhà.
'Sự tình cờ đặt tôi ngồi bên ông, trên tấm ghế gỗ mầu lá cây, dưới chân tượng Paul Bert. Phe phẩy chiếc quạt lông hình trái đào, ông đăm đăm nhìn về phiá hồ, vẻ mặt ra chiều tư lự, và nhớ tiếc. Tôi kính trọng thái độ hoài niệm của con người lạc lõng ấy nên cũng yên lặng ngồi nhìn khách thừa lương qua lại.
'Bỗng có tiếng trẻ con từ mé nhà bát giác vẳng lại...
'Chi chi trành trành
'Cá đanh thổi lửa
'Con ngựa chết trương
'Ba vương lập đế
'Ú tế đi tìm
'Hú tim bắt ập.
'Rồi tiếp đến chúng cười đùa đuổi nhau theo cái thông lệ của trò chơi mô - tê ấy.
Ông già và tôi đều quay lại ngó lũ trẻ nô rỡn đằng xa. Tôi nhận thấy nét mặt ông hơi cau cau như tức mình một điều gì trái ý.
'Đột nhiên ông hỏi tôi:
'-Thầy có nghe trẻ con chúng vừa hát chi đó không?
'Tôi ngạc nhiên và lễ phép đáp:
'-Thưa cụ có. Sao ạ?
'Ông già lắc đầu mấy cái rồi nói luôn:
'-Chúng hát sai cả. Người ta dạy chúng sai cả...
'Chưa để tôi kịp ngạc nhiên thêm nữa, ông đã tiếp lời:
'-Câu hát ấy không phải thế. Nguyên nó là một câu sấm của cổ nhân truyền lại mãi đến gần đây mới thấy nghiệm. Câu ấy là 'Chu tri rành rành' nghiã rằng bá cáo cho mọi người đều biết. Câu thứ hai là 'Cái đanh nổ lửa', nói về quân đội Pháp bắn súng vào cửa Đà Nẵng. Câu thứ ba là 'Con ngựa đứt cương' chỉ vào sự băng hà của vua Tự Đức và sự rối loạn của triều đình lúc bấy giờ. Hồi đó bọn Tường Thuyết chuyên quyền giết hại nhiều người trung trực. Chúng làm trái cả lời của tiên vương, bỏ Dục Đức vào ngục tối, lập Hiệp Hòa làm vua. Sau chúng lại giết Hiệp Hòa đem Kiến Phúc thay vào. Rồi chúng lại giết Kiến Phúc tôn Hàm Nghi lên ngôi báu. Ba ông vua kế tiếp nhau liền liền như thế nên mới có câu 'Ba vương tập đế'. Đến triều vua Hàm Nghi thì Thuyết nổi lên bài Pháp bị thất bại phải đem vua đi trốn. Một mặt quân đội Pháp lo dẹp loạn, một mặt tìm kế bắt Hàm Nghi cho yên lòng dân. Vì thế mà có câu 'Cấp kế đi tìm'. Sau rốt vì có tên Ngọc phản bội mà vua bị ập bắt ở rừng Tuyên Hóa lúc ngài đang ngủ. Đó là nghiã câu 'Hú tim òa... ập...'. Đấy thầy xem, một câu Sấm hay là thế mà rồi truyền khẩu đi sai be sai bét cả có đáng tiếc không? Còn nhiều câu nữa cũng truyền sai đi như thế...
...
'Đọc hết câu 'Chu tri rành rành' cảm tưởng đầu tiên của ta là đang chứng kiến một cái gì bị thua, một cái gì bị giam hãm, một cái gì vừa bị mất đi. Đứng xem lũ trẻ thực hiện trò chơi ấy, cảm tưởng kia mới càng rõ rệt.
'Cái bị thua là đứa bé chậm hơn các bạn, không rút ngón tay ra kịp. Cái bị giam hãm là ngón tay chỏ của đứa bé ấy (nghiã bóng là quyền sai khiến: ngón tay chỏ là biểu hiện của quyền sai khiến); cái bị mất đi là cái tự do của đứa trẻ chậm chạp kia (nó phải đuổi bắt các đứa khác để đòi lại cái tự do bị đoạt mất).
'Câu hát và trò chơi đều biểu thị một cuộc tranh hơn thua, trong đó kẻ nào chậm chạp sẽ bị thất bại, bị mất chủ quyền cho đến bao giờ nhanh nhẹn được bằng các bạn, mới lấy được về (có nhanh bằng thì mới đuổi bắt được).
'Cái tâm lý đề ra câu hát kia là tâm lý của dân gian chán ghét cái chủ quyền đại diện họ đã vì yếu, vì chậm mà bị thua, bị mất.
'Cho nên câu hát đã tận cùng bằng sự tận cùng (òa... ập!). Cái tâm lý đẻ ra trò chơi Mô Tê - mà câu 'Chu tri' chỉ là một đoạn nhập cục - là tâm lý của dân gian tin tưởng ở cuộc khôi phục tương lai của cái tự do mất đi bằng sự nỗ lực tiến hóa của chính mình.
'Tôi nói ''của chính mình'' nghiã là dân gian không còn tin ở cái chủ quyền đại diện họ nữa (Trong trò chơi, lúc ngón tay đứa bé bị giam hãm thì chính đứa bé ấy phải giải phóng nó, chứ tự nó, có giải phóng được nó đâu).
**Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu:
*'Tháng 6-1883, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế Ngài Dục Đức, lập Ngài Hiệp Hòa. Khi ấy có quan Ngự sử Phan Đình Phùng can ngăn việc ấy, phải bị Tường và Thuyết bắt giam vào ngục Cẩm Y, rồi cách chức cho về nguyên tịch.
'Ngày Ất Hợi, làm lễ tấn tôn tại đền Thái Hòa. Khi các quan đương sắp hàng lạy, có một con chim đậu trên ngọn cây trước đền kêu bốn tiếng lớn. Đến khi đọc di chiếu, lại có một đoàn dê đi qua cầu Kim Thủy. Người ta cho là điềm không tốt.
*'Vua Kiến Phúc truyền chỉ gia ân tha tội hoặc giảm tội các quan bị thất thủ tỉnh Hà Nội, Nam Định, Hải Dương và thua tại cửa Thuận An, cửa Hải Phòng. (Bởi vì triều đình nghĩ rằng: khi ấy nên đánh nên hòa chưa có nhất định. Vả lại sự biến thình lình giữ gìn cũng khó, cho nên gia ân khoan giảm). Quan Tổng đốc Hà Ninh là Hoàng Diệu đã tử tiết rồi, cho cứ nguyên hàm được thờ trong miếu Trung Nghiã, để tỏ người tiết liệt.
**Con Rồng Việt Nam:
*'Vua Tự Đức chỉ định làm kế vị người cháu mà Ngài nhận làm nghiã tử lên làm vua, nhưng dưới sự áp lực của Pháp, triều đình truất phế ông vua này mới lên ngôi được ba ngày. Thay vào đó, người ta đem người em út của vua Tự Đức lên làm vua, lấy hiệu là Hiệp Hòa. Nhưng vị thiếu quân này không chịu chấp nhận những đòi hỏi mới của Pháp, Ngài cũng bị truất phế sau bốn tháng mười ngày lên làm vua. Ngài bị đánh thuốc độc chết vào ngày 30 tháng chạp năm 1883. Người ta chọn người cháu khác của vua Tự Đức lên làm vua, lấy hiệu là Kiến Phước, mới mười hai tuổi. Khi ấy quyền hành ở trong tay hai người là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Nguyễn Văn Tường làm Phụ chính đại thần, dưới áp lực của Pháp, ký với Pháp ngày 6-6-1884 một hiệp ước mới công nhận nền bảo hộ của Pháp đối với hai xứ Bắc và Trung kỳ. Chiếc ấn bạc của vua Gia Long trước kia nộp cho vua Trung Hoa, về đời vua Càn Long nhà Thanh, coi như chư hầu, được hủy bỏ công khai trước khi ký hiệp ước này. Chỉ có một sự trao đổi tượng trưng là trả về cho triều đình tỉnh Bình Thuận, trước sát nhập vào Nam kỳ làm đất thuộc địa của Pháp, và trả lại hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh trước sát nhập và Bắc Kỳ, thì nay trả về cho Trung Kỳ. Mực còn chưa ráo thì Hoàng đế Kiến Phước chết ngày 31-7 cùng năm ấy (1884).
'Người anh của Kiến Phước lên kế vị, lấy hiệu là Hàm Nghi, cũng mới mười lăm tuổi. Chính quyền trung ương bị chia xẻ. Ngày 1-10-1884, chính phủ Pháp đặt chức Khâm sứ để cai quản cả hai miền Trung Bắc lưỡng kỳ, đặt làm đất bảo hộ của Pháp.
...
'Nước Pháp vẫn còn lằng nhằng đòi hỏi hơn nữa. Họ đòi triều đình phải cam đoan lại một lần nữa những sự cam kết với Pháp đã được ký kết trong hiệp ước trước. Trước sự tráo trở thiếu chân thành ấy, sự căm phẫn đã đến tột cùng của nó. Quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết liền đem Hoàng đế trẻ Hàm Nghi cùng một số lớn triều thần bỏ kinh thành đi trốn. Họ vào bưng. Ba năm sau, vua Hàm Nghi bị bắt trong vùng Quảng Trị và đưa đi đày ở Algerie vào năm mười tám tuổi.
'Trong thời gian này, Hội đồng Cơ mật vẫn còn ở Huế, đã cùng với bà Hoàng thái hậu dưới sự nài nỉ của viên Khâm sứ Pháp, đã đưa người cháu cuối cùng của vua Tự Đức lên làm vua vào năm 1885 lấy hiệu là Đồng Khánh...
**Việt Nam Sử Lược:
*'Vua Hàm Nghi trông thấy tên Ngọc làm phản như vậy, cầm thanh gươm đưa cho nó và bảo rằng: ''Mày giết tao đi, còn hơn đưa tao về nộp cho Tây''... Từ khi ngài bị bắt rồi, ngài không nói năng gì nữa... Vua Hàm Nghi bấy giờ đã 18 tuổi, quân Pháp lấy vương lễ mà tiếp đãi. Tuy vậy ai hỏi gì, ngài cũng không nói, chỉ nhất thiết chối rằng mình không phải là vua. Nhưng đến lúc nào trong buồng ngồi một mình, thì hai hàng nước mắt chứa chan, buồn vì nỗi nước đổ nhà tan, thân mình phải nhiều nỗi gian truân.
*'Lòng yêu nước của người Việt Nam: Người Việt Nam vì hoàn cảnh, vì tình thế bắt buộc phải im hơi lặng tiếng, nhưng lòng ái quốc mỗi ngày một nồng nàn, sự uất ức đau khổ mỗi ngày một tăng thêm. Cho nên cứ cách độ năm bảy năm lại có một cuộc phiến động, như sau việc Phan Đình Phùng rồi, có việc Kỳ Đồng và việc Thiên Binh vào khoảng 1897-1898 ở vùng Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh...
**Việt Sử Toàn Thư:
*'Ở trong nước, các đạo binh Cần Vương hưởng ứng với lời hịch, nổi lên ở khắp Trung, Bắc, để tranh đấu giành lại quyền tự do, độc lập, mặc dầu cũng dư biết rằng có thể mình chỉ làm chuyện châu chấu đá xe mà thôi. Nhưng có lẽ các vị chiến sĩ tiền bối đó đã quan niệm rằng nếu chiến đấu chẳng thành công ngay thì cũng gây được căm thù với địch, và giữ vững được cái hào khí của dân tộc cho đám người sau. Cách mạng của một quốc gia lạc hậu như nước mình, chống với một đế quốc tân tiến đang đầy sinh lực, sao có thể thâu lượm được kết quả mau lẹ như lòng người mong muốn.
*'Xét về hoạt động của Văn Thân, riêng từ Trung Kỳ trở ra Bắc ta phải kể rằng Văn Thân đã phất cờ, dóng trống từ năm 1874 tức là từ khi có hòa ước Giáp Tuất. Bắt đầu là sĩ phu Thanh - Nghệ - Tĩnh, thủ lãnh có hai ông Tú Đỗ Mai và Trần Tấn chủ trương chống cả triều đình và Pháp xâm lăng. Đồng thời Văn Thân cũng sát phạt cả giáo sĩ và giáo dân, vì giáo dân một số khá đông đã bị các giáo sĩ lôi cuốn vào chính trị của bọn thực dân, đế quốc. Nhưng khi triều đình có rõ rệt mục đích chống Pháp, thì Văn Thân gia nhập phong trào Cần Vương để cứu nước.
**Các vua cuối triều Nguyễn:
*'Bàn về giai đoạn Nguyễn mạt và chế độ bảo hộ Pháp, không thể không nhắc đến phong trào Văn Thân trước biến cố 4-5/7/1885, và rồi Cần Vương sau ngày Hàm Nghi xuất giá của giới sĩ phu Nho giáo.
'Thực chất hai phong trào này chỉ là một, tức sự biểu lộ lòng trung quân của giới sĩ phu giữa cảnh quê hương bị xâm lăng, rồi đô hộ. Vì sự nhu nhược của triều đình, và sự yếu kém của triều binh, giới sĩ phu đã tự động nổi lên chống Pháp.
*'Sự tàn lụi của phong trào Cần Vương có nhiều nguyên do:
'Lý do thứ nhất là phong trào này thoạt tiên nhiều tính cách tự phát, hơn có tổ chức chặt chẽ. Bởi thế, ngoại trừ liên minh tam tỉnh ở đất Bắc vào tháng 10-1885, các tổ chức nặng tính địa phương, cục bộ. Mỗi lãnh tụ sĩ phu là một tổ chức, với những người thân cận, hoặc cùng quê, cùng trường. Chỉ từ sau 1888, mới có nỗ lực tổ chức hàng dọc chặt chẽ hơn, do Tôn Thất Thuyết chỉ huy và cung cấp võ khí, bằng sắc từ Hoa Nam.
'Lý do thứ hai là vũ khí thô sơ. Họ không đủ khả năng trực diện với các cánh quân chính qui Pháp, và ngay cả các đơn vị lính tập hay triều binh. Từ cuối thập niên 1880, các lãnh tụ Cần Vương mới tìm cách mua súng ở các nước lân bang, hoặc tự chế súng đạn. Cao Thắng và Phan Đình Phùng đã chế biến được một số súng cá nhân thô sơ, nhưng chưa thể đúc súng đại bác. Sự yếu kém về vũ khí này là một trong những yếu tố quyết định mà vũ khí tinh thần không thể điền vào.
'Lý do thứ ba là thiếu sự ủng hộ của đại đa số dân chúng. Phong trào Cần Vương tự bản căn là một phong trào của giới nho học. Đại đa số quần chúng - trước cảnh chiến tranh điêu tàn, đổ nát hàng thập niên từ triều Tự Đức, cùng những hành vi cướp bóc, hãm hiếp, đốt phá của các phe đảng, quan binh cũng như lính Pháp và cộng sự viên - rút vào thế thụ động cố hữu của nông dân. Nhu cầu sinh tồn lớn hơn nhu cầu chính trị. Một số lãnh tụ Cần Vương lôi kéo được người nghèo khổ, hay các cá nhân quyền thế tại địa phương, nhưng việc tuyển mộ tân binh, cán bộ, tiếp vận, lương thực rất hạn hẹp. Phần Pháp, số lính đánh thuê bản xứ ngày một đông, ngày thêm nhiệt tình, nên biên độ tàn bạo, xách nhiễu càng tăng tiến. Người dân sống trong cảnh một cổ hai tròng. Tại Hà Tĩnh chẳng hạn, các làng xã phải cung cấp cho nghiã quân một tráng đinh, nếu nạp cho triều đình một lính cơ hay lính tập. Nghiã quân đặt những cán bộ bí mật tại các thôn xã, kiểm soát mọi hành vi của dân chúng, và trừng trị bất cứ ai chỉ điểm cho quân Pháp. Bởi thế sau này, một trong những mục tiêu chính của Nguyễn Thân khi đánh dẹp tổ chức của Phan Đình Phùng là truy diệt các cán bộ 'nằm vùng' trên.
'Lý do thứ tư là 'thiên mệnh' của nhà Nguyễn, kể từ vua Tự Đức, đã soi mòn. Chuyện xuất giá của vua Hàm Nghi là ngọn lửa rơm vương quyền bùng lên lần chót - nhưng bị dập tắt bởi chính những nỗ lực của Từ Dụ Thái Hoàng Thái hậu cùng một số Hoàng tử, vương tôn tại Huế để bảo vệ quyền lợi hoàng gia. Ngay chính Tự Đức, từ đầu thập niên 1860 cũng chỉ cầu hòa. Những Miên Trinh, Miên Định, Miên Lâm hay Hường Hưu, Ưng Chơn, Ưng Đường, và Bửu Lân, Bửu Đảo sau này không hề đi ra ngoài trào lưu chủ hòa. Lập trường chủ hòa này, dù khôn ngoan hay vụng về, tạo cơ hội cho những người yêu nước hoặc tham vọng chính trị đi tìm những lãnh tụ và chủ thuyết mới.
'Lý do thứ năm là chính sách thực tiễn và uyển chuyển của người Pháp. Trước hết, người Pháp có sức mạnh quân sự và họ không ngần ngại sử dụng sức mạnh súng đạn, khinh khí cầu, đại bác, hải pháo và tàu chiến. Là những người đi chinh phục thuộc địa, họ có đủ nhẫn tâm để hủy diệt mọi chống đối, kể cả việc bắt các thôn xã và gia đình phải liên đới chịu trách nhiệm. Việc bắt giữ cha mẹ, vợ con, anh em hay đào mả tổ tiên các lãnh tụ Cần Vương để uy hiếp là một thông lệ hơn biệt lệ.
...
'Không kém quan trọng, các Tướng lãnh và viên chức Pháp đã tận dụng các giáo sĩ và những giáo dân cuồng tín và tham vọng trong việc cô lập và đánh dẹp các tổ chức Cần Vương. Cho tới khi chết vào năm 1892, Puginier, Giám mục Tây Đàng Ngoài, trở thành một thứ quốc sư - và, cũng đồng thời, một Giám đốc không chính thức màng lưới tình báo - cho các Tướng lãnh và Thống sứ, Tổng trú sứ, Toàn quyền Pháp. Người duy nhất mà Puginier từ chối cung cấp tin tình báo là Jean de Lanessan.
'Puginier và các đồng liêu cũng không ngần ngại sử dụng bạo lực, dưới danh nghiã 'tự vệ' hay 'thánh chiến'. Ngay những người nổi danh ''đánh phá các giáo hội một cách điên cuồng'' như Paul Bert cũng phải - dưới ngòi bút Giám mục Colombert - ''cúp cái đuôi bài đạo'' tại Đại Nam. Riêng với các sĩ phu và vua quan Việt, Puginier chẳng mong ước gì hơn thấy họ ngưng hiện hữu, thay thế bằng giáo dân Ki-tô - những thành phần mà Puginier kiêu hãnh kể công với các viên chức Pháp là từng chỉ điểm, mật báo, giúp Pháp tìm thấy thủ cấp Rivière, và là bằng hữu chân thành, khả tín duy nhất mà lực lượng viễn chinh Pháp có thể tìm được tại An-nam... Ba muơi lăm năm sau, năm 1909, Dân biểu Francis de Pressensé cũng chua chát tường trình trước Quốc hội rằng giới quan lại An-nam phần lớn đã chỉ tuyển mộ từ giới bồi bếp, thông ngôn cũ của các viên chức thuộc địa Pháp'.
**Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam:
*'Căn cứ hành động tàn ác, dã man của thực dân Pháp lúc bấy giờ, nữ ký giả André Viollis cũng phải phẫn nộ, nói rằng: ''Dẹp xong phong trào Cần Vương, đáng lẽ chính phủ bảo hộ Pháp phải có những hành động làm yên lòng người. Đằng này lại đối xử với người khởi nghiã đã về hàng phục hay bị bắt một cách hết sức tàn ác. Không những Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Hiệu và các nghiã binh của Phan Đình Phùng bị chặt đầu, lại còn bị đốt hết nhà cửa, các mồ mả bị khai quật, làng mạc của những người đó bị phá hết hay đem nhập vào các làng khác. Những hành động đó nhiều và ác quá, không phải là công lý nữa''.
*'Huế bị giặc Pháp và bọn triều thần chủ hòa canh phòng nghiêm ngặt, nên dân chúng không thể nổi dậy, còn từ Bình Thuận ra Thanh Hóa và toàn cõi Bắc Việt, phong trào Văn Thân, Cần Vương trong dân chúng vẫn tự động võ trang kháng Pháp quyết liệt.
*'Theo Sử và truyền thuyết, cụ Hoàng Hoa Thám -
Thủ lãnh cuối cùng của Nghiã quân Cần Vương kháng Pháp từ trần năm 1912, chấm dứt phong trào Cần Vương và Văn Thân. Nhưng đường hướng duy tân, nâng cao dân trí và vận động công luận quốc tế, hậu thuẫn cho sự nghiệp kháng Pháp liên tục, đã được chuẩn bị trước đó 5 năm, do Đảng Việt Nam Quang Phục Hội thành lập năm 1907, Duy Tân Hội thành lập năm 1911, và kế sách phản kháng giặc theo phương pháp mới bắt đầu được dân chúng thể hiện trong cuộc biểu tình đòi thực dân Pháp giảm thuế năm 1912.
**Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp tại Việt Nam (1858 - 1897):
*'Nguyễn Văn Tường sau khi liên kết với người Tàu, trong lúc ông ta đang làm Thượng thư bộ Tài chánh, để chiếm độc quyền chuyên chở gạo cho nhà nước, trong những điều kiện rất tốn kém cho quốc gia, nhưng rất có lợi cho bản thân ông ta, giờ đây lại nhận hối lộ của những người Tàu đó để cho họ nhập khẩu tiền giả.
...
'Một công văn bộ Thuộc Địa, ngày 20-10-1886, cho lịnh gởi thi hài của Nguyễn Văn Tường về Huế. Khi thi hài của Tường vừa cập bến Thuận An, vua Thành Thái ra lịnh đánh quan tài Tường bằng xiên sắt, một cực hình tủi nhục theo luật Việt Nam, để dành cho những kẻ phản bội.
*'Các xứ đạo Kitô Việt Nam cũng được các giáo sĩ phiên chế tổ chức chặt chẽ, để cung cấp cho quân đội Pháp, nào thông ngôn phiên dịch, nào phòng vệ dân công, mang lại cho các quân đội chiếm đóng một sự hỗ trợ vô giá.
'Quân cờ vàng bị Harmand giải tán ngày 15-9-1883, vũ khí của họ được phân phối cho những quân đội công giáo Bắc Kỳ; những quân đội này được tuyển mộ nhờ sự giúp đỡ của các giáo sĩ, và được thành lập theo kế hoạch ưu ái nhất của bọn thực dân Pháp, là lấy người Việt đánh người Việt.
*'Những bản tường trình của Giám mục Puginier:
'Cuộc can thiệp của Pháp - Tây Ban Nha năm 1859, mà các giáo sĩ yêu cầu, đã liên kết các giáo sĩ vào mưu đồ thực dân rộng lớn của các ông Đô đốc Đệ nhị Đế chế, và những người kế tiếp họ. Từ những kẻ bị khủng bố, họ đã trở thành những kẻ 'bảo hộ'. Từ chỉ có vài ba người lúc đầu, họ đã trở thành cả một đạo quân: 75 giáo sĩ đã đổ bộ vào Annam từ 1859 đến 1868; rồi 145 từ 1870 đến 1880; 136 từ 1881 đến 1890.
'Năm 1904, tại Bắc Kỳ, trong riêng một cộng đồng công giáo Annam gồm 500.000 linh hồn, người ta tính được 4 giám mục, 105 giáo sĩ, 32 nữ tu dòng Saint Paul de Chartres và 3 nữ tu dòng Carmel.
'Tại Nam kỳ, người công giáo không đông bằng, nhưng cũng có đến 3 giám mục, 150 giáo sĩ và 90 nữ tu.
'Tại Campuchia, chỉ có một nhóm người theo đạo, mà cũng có 1 giám mục, giáo sĩ, cùng với 83 bà sơ Thiên Hựu.
...
'Khi một giáo sĩ đã thiết lập được một xứ đạo trong một làng rồi thì chuyện gì xảy ra? Người bản xứ từ chối không đóng thuế, tuyên bố không thừa nhận chính quyền nào ngoài chính quyền của ông giáo sĩ, là người đích thân dạy cho giáo dân không thừa nhận chính quyền nào ngoài chính quyền của giám mục...
**Thời Đại của tôi I:
'Cần Vương ngày càng lỗi thời vì với sự bãi bỏ nền cựu học, các thế hệ trẻ không còn tha thiết bảo vệ nền quân chủ nữa.
'Sự thật đã tỏ ra vô cùng tàn nhẫn! Cuộc thắng trận khiến cho chính quyền Pháp trở nên kiêu hãnh hơn: đặc biệt ở các thuộc địa, họ tin rằng những kẻ chóng Pháp sẽ chẳng làm gì được hết vì trong 4 năm chiến tranh, họ đã chịu bó tay, không dám lợi dụng thời cơ hiển nhiên bất lợi cho Pháp. Do đó, kết quả tức thì là Pháp quyết định tiến xa hơn, mạnh hơn trong chính sách thuộc địa của họ: họ muốn rằng những đất ''bảo hộ'' phải biến thành ''thuộc địa'' trá hình nghiã là đặt dươi sự cai trị trực tiếp của viên chức Pháp.
'... Với sự sửa đổi này, những quan lại Việt Nam ở Bắc Kỳ như: Tổng Đốc, Tuần Phủ... mất hết liên lạc hành chánh trực tiếp với Triều đình Huế.
'Rút cục, sau 80 năm Pháp thuộc ở Nam Kỳ và 60 năm ở Bắc và Trung Kỳ, dân Việt Nam vẫn không có đủ nhân tài để nhất đán thay thế người Pháp nếu xảy ra một biến cố trọng đại, khiến cho chế độ thuộc địa sụp đổ. Cuộc Thế Chiến II với sự bại trận của Pháp sẽ cho ta thấy rõ hậu quả của tình trạng này.
Nhận định
Khi vua Tự Đức mất, đất nước rơi vào tay Pháp, triều đình lại bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thao túng bất chính, khiến từ vua đến quan và dân đều chịu chung nỗi khổ đau.
Lỗi vua Tự Đức rất lớn khi dùng người, đã không nhìn ra những kẻ xấu? Xét vậy mới thấy khi chọn người làm việc quan trọng biết là bao?
Đến đời vua Hàm Nghi, Phong trào Cần Vương dấy lên một cách mạnh mẽ để rồi bị dập tắt, do không biết kết hợp sâu rộng và vận động quần chúng một lòng ủng hộ.
Sự việc xảy ra vào cuối Thế kỷ XIX, chấm dứt mấy ngàn năm ảnh hưởng tư tưởng & học thuật của Trung Quốc, sẽ khởi đầu một kỷ nguyên mới chịu ảnh hưởng Tây phương, với nhiều biến đổi do từ ngoài nước và trong nước tác động.
Điều tai hại của việc chỉ học một sách & tôn thờ một ông thầy Khổng Tử, không chỉ khiến một Việt Nam lụn bại, mà còn khiến cả ''đàn anh'' Trung Quốc cũng bị sụp đổ.
Với Việt Nam, sự tôn thờ tư tưởng ngoại lai, quên cội nguồn của giới khoa bảng trong giáo dục đào tạo con người mấy ngàn năm qua, đã khiến giới 'học thức' bao năm mất đi 'trí thức truyền thống cổ truyền' cần thiết để phục vụ Quốc Gia & Dân Tộc theo chiều hướng 'ắt có' và 'đủ'. Chính vì vậy, vấn đề tôn giáo mới có thể trở thành ác hại khi hai nền văn hóa Đông - Tây cùng hiện diện tác động, gây chia rẽ tao loạn suốt thế kỷ XX, đưa dần đất nước đến chỗ rơi vào tay chủ thuyết Cộng Sản vô luân cực kỳ man rợ, do những kẻ lãnh đạo vong bản cùng hung cực ác như Hồ Chính Minh...?
Bài học của chúng ta ngày nay ở đây, là cần nghiên cứu hình thành một nền giáo dục đậm đà truyền thống Nhân Trí Hùng của dân tộc, đề cao tinh thần quốc gia, đón nhận các tư tưởng & tôn giáo ngoại lai một cách sáng suốt & chọn lọc & hài hòa - không làm mất đi vị trí tối thượng ''Rồng & Tiên'' trong lòng dân tộc.
Trong sách 'Văn học Việt Nam - Tân Khảo Luận', chúng tôi đã phân tích nhân sinh quan truyền sống 'Nhân + Trí = Hùng' của Việt Nam qua hơn 20 tác giả & tác phẩm Văn Học Việt cổ kim.
Nền văn hóa cổ truyền Việt Nam qua Cổ tích và Ca dao (chỉ những câu thuần túy của người nông dân Việt Nam, không do các Nho sĩ, cán bộ Cộng sản) đã hình thành một nền Văn Hiến Uyên Bác thâm sâu đến mức giới học thức bao ngàn năm qua không thể hiểu biết, đã miệt thị xếp vào loại Văn học Bình dân, để phân biệt với nền Văn học Bác học chịu ảnh hưởng thâm xâu Tàu, Tây; trong khi chính nền văn học bị coi là 'bình dân' có những tư tưởng uẩn áo, vừa sâu sắc vừa cao siêu vượt bực, mà những ai thiếu quan tâm và thiển cận đã không thể nhận biết, vùi dập bao năm qua?!
Nhận định này phần nào được chúng tôi minh chứng qua các sách Khởi thảo Kinh Thi Việt Nam, Khởi thảo Kinh Thư Việt Nam, Văn học Việt Nam - Tân Khảo Luận, Bản sắc Văn hóa Việt Nam.
Điều quan yếu muôn đời, luôn là việc bảo trọng & phát triển Quốc gia theo truyền thống văn hiến của dân tộc, phát huy 3 yếu tố Thiên thời + Địa lợi + Nhân hòa cả trong và ngoài nước sở hữu một cách sáng suốt qua việc đạt cả tình và lý hài hòa.
Nay khi có được hàng triệu người Việt sinh sống ở hải ngoại, sở hữu nguồn vốn trí tuệ và kinh tế giá trị lớn lao, gồm đủ Tinh thần và Vật chất giúp phát huy, cần có chính sách giáo dục đào tạo kết hợp Đức dục + Trí dục + Thể dục uyên bác, mới có thể giúp thăng hoa các giá trị truyền thống cũ, theo chiều hướng ích quốc + lợi dân?
Nguyễn Phúc Ưng Kỹ con của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, anh của vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi.
Nhà Vua sinh năm Qúy Hợi 1863, lên ngôi ngày 6-8 Ất Dậu 1885, bệnh mất ngày 27-12 năm Mậu Tí 1888, thọ 25 tuổi.
Đúng ngày vua Đồng Khánh lên ngôi thì quan đại thần Tôn Thất Thuyết tung ra hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, có nội dung hết sức lâm ly thống thiết nói về tình cảnh quốc gia & dân tộc bị Pháp đô hộ, kêu gọi mọi người tham gia đấu tranh giành quyền tự chủ, khiến ai đọc được cũng phải nghẹn ngào sa lệ đứng lên cứu quốc.
Kết quả là các cuộc khởi nghiã Cần Vương nổi lên khắp nơi, theo bước chân vận động của Tôn Thất Thuyết từ kinh đô Huế ra Bắc. Thuyết ân hận với việc mình đã giết vua, mà các con mình quyết tử giúp vua nêu gương trung quân ái quốc được ai nấy kính trọng, nên một lòng chống Pháp cứu quốc, qua Tàu cầu viện, nhưng lúc đó Tàu đã bị Pháp không chế, Thuyết đành bó tay, bị Tây Thái Hậu lưu giữ theo đề nghị của Pháp, rồi mất năm 1912 tại Thiên Quan, được nhân sĩ Quảng Đông cảm phục, viếng bằng nhiều câu ca ngợi, như:
'Thù nhưng bất cộng đái thiên, vạn cổ phương danh lưu Tượng Quận.
'Hộ giá biệt tầm tĩnh địa, thiên niên tàn cốt ký Long Châu.
(nghiã là:
'Thù ngoài không đội trời chung, muôn thuở tiếng thơm lưu Tượng Quận - Phò chúa riêng tìm cõi thác, ngàn năm xương bạc gửi Long Châu).
Do vậy mà các nhân sĩ trong nước đều súc cảm, muốn một lòng vì vua Hàm Nghi như Tôn Thất Thuyết sau khi hối cải, tiếp tục giữ vững lập trường chống Pháp, không theo lệnh mới của vua Đồng Khánh.
Trong khi đó vua Đồng Khánh phải thân hành sang tòa Khâm sứ Pháp chịu lễ thụ phong, chấp nhận sự đô hộ của Pháp để mong tình hình ổn định, vương triều có thể tồn tại, nhằm chờ đợi thời cơ.
Thấy trong Nam, Trần Bá Lộc cùng Pháp vây đánh các nghiã sĩ rất tàn bạo, từ tháng 6 Bính Tuất 1886 đến tháng 6 năm Đinh Hợi 1887 đã dẹp yên; vua Đồng Khánh tìm cách xin với Thống đốc Paul Bert sẽ dung tha cho các thủ lãnh Cần Vương chịu buông khí giới.
Nhà vua xuống chiếu hứa sẽ phục chức và không trị tội, rồi theo gợi ý của Pháp thân chinh xa giá ra Bắc để khuyến dụ Phong trào Cần Vương bằng những lời lẽ như:
'Hào kiệt biết thời mới phải, quân tử đổi lỗi là hơn. Năm ngoái kinh thành có việc, vua Hàm Nghi ra đi. Trong các thân hào có người tức vì việc nước, khởi lên giúp vua, như người chót cưỡi cọp, bước xuống cũng gay, nên phải trốn trong rừng rú, thường thường mượn tiếng phò vua Hàm Nghi.
'Đã mấy phen ta xuống dụ rước vua Hàm Nghi về, phong cho tước Công hoặc phong làm Tổng trấn Bắc Kỳ; còn thân hào ai ra thú, đều được tha tội...
'Sao không nghĩ bây giờ đại cuộc thiên hạ đã định, cách chánh trị đổi mới, hòa với Đại Pháp đều giữ như cũ, chánh lệnh thi hành đều là quyền mình tự chủ, nào có ai trở ngại? Sao còn lấy điều làm ngờ mà thập thò như chuột?
Vua Đồng Khánh cho ông Nguyễn Tri Phương được dự thờ trong miếu Hiền Lương, các ông Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp, Trương Văn Uyển đều được khôi phục nguyên hàm... nhưng lại truyền tước bỏ tên Tôn Thất Thuyết và gia đình trong sổ Tôn Phổ.
Với giáo dân, vua Đồng Khánh đến tận Châu Thị ban bạc cho Linh mục ở làng Yên Ninh và các giáo dân, sai quan tỉnh Quảng Bình cấp 800 phương gạo cho các giáo dân bị Cần Vương đốt phá.
Với Pháp, vua Đồng Khánh chấp nhận sự đô hộ, nhường Trấn Bình Đài cho Pháp, phá súng đồng lấy kim loại đúc tiền.
Vua Đồng Khánh ở ngôi được 3 năm thì mất, để lại 6 hoàng tử và 3 công chúa.
Do tuổi các vị này còn quá nhỏ, nên các quan rước con thứ 7 của Dục Đức lên ngôi.
Theo một bản phúc trình của bác sĩ Pháp đã điều trị cho nhà vua, thì nhà vua mất ''vì những trận nôn mửa ra máu đen, sau một cơn hấp hối kéo dài 10 ngày'', nên có thể nhà vua đã bị phe ái quốc theo vua Hàm Nghi đầu độc, vì đã quá ư cúc cung tận tụy, dâng hết mọi thứ cho Pháp?!
Lời bàn của sử sách:
**Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu:
*'Tháng 8 ngày Đinh Sửu, Ngài lên ngôi tại đền Thái Hòa. Đặt niên hiệu Đồng Khánh, kể từ năm Bính Tuất (1886) làm đầu, Ban ân chiếu 12 điều.
'Truyền làm quốc thư đưa qua Đại Pháp cám ơn. Tặng Toàn quyền là ông Cô Ra Xi tước Bảo hộ quận vương, Khâm sứ là ông Sâm Bô tước Bảo hộ công.
'Quan Đại Pháp giao lại 20.000 lượng bạc và 20.000 quan tiền đồng. Trong số tiền bạc ấy dâng lên trong Nội một nửa, dâng lên Lưỡng cung một nửa... Còn kho tàng thời quan quân Đại Pháp canh giữ, cứ mỗi tháng chiếu số lương bổng hết bao nhiêu tiền gạo, thời giao cho các người giữ kho nhận phát.
*'Chế 8 lá cờ Bảo Hộ (phát cho 6 bộ, Cơ Mật, ti Hành Nhơn để dùng treo khi lễ mừng, lễ Nguyên đán, lễ Chánh trung.
*'Linh mục Bùi Quang Lộc lại xin trù tể nữa. Cơ Mật đem việc ấy thương với quan Khâm sứ, quan Khâm sứ trả lời: không cho, nhưng sức cho các người Linh mục và các quan Đại Pháp ở tỉnh ấy biết.
**Con Rồng Việt Nam:
*'Trong thời gian này (1885), Hội đồng Cơ mật vẫn còn ở Huế, đã cùng với bà Hoàng thái hậu dưới sự nài nỉ của viên Khâm sứ Pháp, đã đưa người cháu cuối cùng của vua Tự Đức, lúc ấy mới hai mươi tuổi lên làm vua vào năm 1885, lấy hiệu là Đồng Khánh - tức ông nội tôi (lời vua Bảo Đại).
'Đó là một người thức thời, có nhiều khả năng, nhưng tiếc rằng đã không gặp thời, lên làm vua trong lúc quá khó khăn này. Thêm vào đấy, các vị quan giá trị trong triều thì ngán ngẩm không thiết gì đến công danh, quyền chức nữa, nêu hầu như bỏ buông xuôi. Cũng không còn trông vào đâu về phiá bên ngoài có thể trợ giúp được gì, Đồng Khánh muốn trở lại chính sách hợp tác với Pháp như dưới thời Gia Long cũ. Ngài mong như vậy có thể cứu vãn được sự suy sụp của quốc gia, mà canh tân lên được.
'Nhưng bị sự thôi thúc hầu như liên miên của chính phủ Pháp, Ngài đành phải nhượng bộ bỏ nhiều điều khoản của họ đưa ra, mà điều quan trọng nhất là đặt viên Toàn quyền cho toàn cõi Đông Dương...
'Như vậy, là có sự vi phạm trắng trợn vào hiệp ước Bảo Hộ ký năm 1884: Ban đầu thì nhiệm vụ của viên Toàn quyền chỉ hạn định ở chỗ phối hợp giữa các hoạt động của các viên Khâm sứ, Công sứ, nay biến ra thành nhiệm vụ của một kẻ cai trị trực tiếp và dứt khoát các đất đai thuộc địa của Pháp ở Đông Dương.
*'Vua Đồng Khánh chết bất ngờ vào năm ngài 24 tuổi, năm 1889, ôm mối hận là dưới triều đại của Ngài, ngoài ý muốn, đã phải đưa toàn thể nước nhà vào ách đô hộ của nước Pháp.
**Việt Nam Sử Lược:
*'Vua Đồng Khánh ra Quảng Bình: Lúc ấy Trung kỳ từ Quảng Trị trở ra chưa được yên. Vua Đồng Khánh bèn định ra tuần thú mặt bắc, để dụ vua Hàm Nghi và những quan đại thần về cho yên việc đánh dẹp. Quan Pháp sai đại úy Henry Billet hộ giá.
'Ngày 16-5 Bính Tuất 1886, xa giá ở kinh đi ra, mãi đến cuối tháng 7 mới tới Quảng Bình. Xa giá đi đến đâu thì đảng cựu thần vẫn không phục, cứ đem quân đến chống cự, cho nên việc vua đi tuần thú lần ấy, không có kết quả gì cả.
*'Tôn Thất Thuyết làm đại tướng mà cư xử ra một cách rất hèn nhát không đáng làm người trượng phu chút nào. Nhưng hai người con thì thật là bậc thiếu niên anh hùng, có thể che được cái xấu cho cha vậy.
**Việt Sử Toàn Thư:
*'Lúc này người Pháp thấy khó có hy vọng dụ được vua Hàm Nghi trở về, liền đặt ông Chánh Mông là Kiên Giang Quận công theo lời đề nghị của Từ Dũ Thái hậu...
*'Vị Hoàng đế này tính tình hiền lành, ưa trang sức và cũng thích duy tân rất được lòng người Pháp.
**Việt Nam: Cuộc chiến tranh Quốc Gia và Cộng Sản:
*'Đây là vị vua đầu tiên do Pháp chọn và tấn phong. Khâm sứ Pháp nắm hết mọi quyền hành của Nam Triều, các quan chức tuân hành chính sách bảo hộ đều được yên thân.
**Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp tại Việt Nam (1858 - 1897):
*'Ngay sau khi Vua Hàm Nghi rời Huế ra đi, đoàn người theo Vua đã giảm dần cho nhẹ, một số những nhân vật, do tuổi tác già nua, hoặc bệnh tật, không có khả năng sống một cuộc sống lang thang. Người ta hết sức ngạc nhiên thấy trong số này, có Hoàng thân Chánh Mông, là người không thể viện những lý do nói trên để trở về, vì ông ta mới có 23 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh.
'Liền ngay tức khắc, ông Hoàng thân này xin được gặp Tướng De Courcy. Vì Courcy vắng mặt hôm đó, Chánh Mông được viên đại biện lâm thời tiếp đón. Ông yêu cầu được đặt dưới quyền bảo hộ của người Pháp; Champeaux bèn cho ông được có một chỗ ở quanh quẩn sứ quán Pháp, và mời ông hãy sống yên ổn ở đây.
'Ông ở đây không lâu. Đầu tháng 11-1885, Tướng De Courcy muốn tìm một người để đặt lên ngôi cho Triều đình Huế; tất nhiên là Courcy nghĩ đến Chánh Mông, một ''ứng cử viên'' hầu như đã được chỉ định, ở ngay tầm tay của ông ta, và lại là một ''lựa chọn tốt''. Khi đưa lên ngôi vua, người con nuôi cuối cùng của vua Tự Đức, người Pháp tự nghĩ mình đã dựng lên cho Việt Nam một ông vua do chính họ lựa chọn. Chánh Mông vừa chứng minh là ông coi nước Pháp như kẻ tâm đầu ý hợp mà đi với nước Pháp.
*'Đối với người Việt Nam, chỉ có một ông vua, và chỉ có một thôi: là Hàm Nghi - ông vua đã nổi lên chống lại quân Pháp.
'Ngày đăng quang, định vào ngày 29-9-1885, làm nổi bật lên chủ yếu một điều: ông ta chỉ là một kẻ chư hầu tội nghiệp. Chính Chánh Mông tự thân hành đi đến sứ quán Pháp, ở đó Courcy đang ''đợi'' ông ta. Chưa bao giờ một ông vua Việt Nam lại chịu chấp nhận một sự khinh mạn nhục nhã đến thế này...
'Lúc trở về cung, khi ''Hoàng Đế'' muốn theo nghi thức, lên ngồi ở chiếc cáng khiêng tay của mình, thì De Courcy cản lại 3 lần không cho. ''Hoàng Đế'' phải đi bộ bên cạnh vị tướng Pháp cho đến gian phòng đặt ngai vàng. Sau đó, Courcy hỏi một câu hỏi khá bất ngờ: ''Nhà vua muốn một đội thân binh người Pháp hay người Việt?''. Đồng Khánh trả lời luôn, không một chút do dự: '' người Pháp''. Người thấy rất rõ: chủ quyền của Việt Nam sẽ được ''giữ chặt''.
*'Vài tháng sau, ngày 23-2-1886 Đồng Khánh chuẩn y Hiệp ước Bảo Hộ năm 1884.
'Trước những điều kiện thuận lợi như thế. viên phụ tá của Tướng De Courcy, là Tướng Prudhomme luôn luôn tạo ra những cơ hội mới để chứng minh sự quy phục của Vua Đồng Khánh đối với chính quyền chiếm đóng; ông ta hy vọng bằng cách đó, khai thác được tác dụng tâm lý đối với người Việt Nam do những dấu hiệu kiêng nể đối với những kẻ đại diện của Pháp, từ những buổi dạo chơi mà bên cạnh Nhà Vua luôn luôn có một linh mục Kitô giáo Việt Nam đi kèm là cha Hoàng - được Pháp đặt bên cạnh Nhà Vua để ''phục vụ'' Nhà Vua làm thông dịch viên, mà chắc chắn là để do thám cả Nhà Vua, khi cần. Thông qua ''Cha Hoàng'', Prudhomme gợi ý cho Đồng Khánh thực hiện những cuộc kinh lý các nơi trên đất nước, có quân đội đi theo, nhằm củng cố uy tín mình trước dân chúng và kêu gọi những người khởi nghiã ''biết điều'' một chút, mà chấm dứt mọi giao tranh.
*'Nói về cuộc tuần du, thuyền trưởng chiếc ''Primauguet'' đã đi cùng Đồng Khánh trong chuyến đi trở về Huế, có viết trong bản tường trình gửi Đô đốc chỉ huy Hải quân Pháp tại Việt Nam như sau: ''Cuộc tuần du vừa qua của vị Tân vương đã làm cho mọi người Annam bất bình. Những người theo chúng ta đã thấy ở đó một dịp tặng quà thường lệ tốn kém hết sức khó chịu: kẻ thù chúng ta đã châm lửa đốt những hành cung mà vị Tân vương đã ở đó, một cách công khai, cốt cho mọi người thấy rằng, như thế, những hành cung ấy đã trở thành uế tạp.
*'Nói về Đồng Khánh, Toàn quyền Richaud viết trong báo cáo gửi về Bộ Ngoại giao Pháp năm 1888: ''Chẳng những Nhà Vua và cố vấn của mình không một mảy may nào phản kháng việc này, mà ngược lại, Nhà Vua đã đích thân hứa hẹn sẽ phát huy hết khả năng của mình, giúp chúng ta thử áp dụng phương pháp trực trị này''.
*'Nói về những người thân cận của Đồng Khánh, Toàn quyền Richaud viết: ''Chắc chắn là họ hết sức ngán ngẩm khi trông thấy vua mình, trong mối quan hệ với nhà chức trách Pháp, bộc lộ một tinh thần hòa hợp và tử tế quá đáng đã trở thành, trước con mắt họ một sự hèn yếu và một sự lãng quên đáng tiếc những lợi ích của dân tộc''. Và người ta thấy ông Bộ trưởng tự tay ghi bên lề bản báo cáo những câu ghi chú viết tay ''Tất cả những điều này có thể giải thích được cái chết bất ngờ của Nhà Vua''.
**Các vua cuối nhà Nguyễn:
*'Xuất đế Hàm Nghi trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến; trong khi Đồng Khánh - niềm vui lớn lao chung của hai quốc gia - dựng trụ mốc cho một khúc quanh mới của thời Nguyễn mạt, với những ông vua chỉ còn trơ lại khía cạnh ''nửa người'' đầy hệ lụy trong bàn tay quan chức Bảo Hộ Pháp và nhóm quan lại ''tân trào'', tuy khúm núm nhưng gian tham và giảo hoạt.
*'De Courcy tuyên bố rất hân hạnh được đặt lên ngai một hoàng tử đích truyền, có tinh thần hiếu hòa, và hiểu rõ sự cần thiết của nền đô hộ Pháp cho tương lai phú cường của vương quốc An Nam. Trong phần đáp từ, Ưng Kỹ hân hoan lập lại nhiều lần rằng tương lai An Nam tuyệt đối tùy thuộc vào nước Pháp, và cảm tạ sự rộng lượng mà người Pháp đã đối xử với dân tộc Việt sau khi xảy ra cuộc tấn công ''hèn nhát'' (lache) của Thuyết... Năm ngày sau, 19-9 Ất Dậu 1885, Ưng Kỹ chính thức đăng quang... Vua được ban tên thánh là Biện.
*'Pháp cũng cho lệnh Đồng Khánh mạnh tay với nhóm chủ chiến, Ngày 26-10-1885, Đồng Khánh cách bỏ hết quan tước cùng tịch thu tài sản của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Các con dòng chính của Phụ chính Thuyết đều bị giết, ngoại trừ hai người đang theo hầu Hàm Nghi. Các con dòng thứ phải đổi qua họ Lê...
Nhận Định
Từ những tư liệu cũ và mới về vua Đồng Khánh, chúng ta thấy có một số phê phán trái ngược nhau, cho thấy các nhà viết sử vẫn chưa thoát ra khỏi tính chủ quan, chịu ảnh hưởng nặng nề nguồn gốc học vấn và cảm tính của mình, nhất là chưa có được cái 'tâm' lớn để gạt bỏ mọi tỵ hiềm nhỏ nhen, nhìn vấn đề một cách bao quát thấu đáo?
Vấn đề đánh giá các nhân vật lịch sử vẫn còn bị các thành kiến theo một giáo lý nào đó làm cho sai lạc. Cụ thể như với Tôn Thất Thuyết, việc ông giết vua là đáng lên án; nhưng sau đó ông biết phò vua Hàm Nghi, một lòng chống Pháp cứu quốc, là điều đáng khen; nên cần khen chê theo từng việc, không nên chỉ vì một việc mà đánh giá tất cả cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử?
Theo thiển ý chúng tôi, vua Đồng Khánh có thể là người sớm nhận ra sức mạnh của Tây phương như Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật, nhưng nhà vua Việt đã không đủ tài đức lớn để vượt lên nghịch cảnh quá khó khăn; nhất là khi không có được những cận thần tài đức như các cận thần của Minh Trị Thiên Hoàng giúp đỡ?!
Nhìn vào hai phe quan lại đương thời - phe theo vua Hàm Nghi và phe theo vua Đồng Khánh - thì thấy rõ phe theo vua Đồng Khánh chỉ là những kẻ mãi quốc cầu vinh, sẵn sàng làm mọi chuyện để an hưởng vinh thân phì gia; trong khi bọn Pháp là cả một tổ chức thực dân quốc tế gian ác, có thể làm mọi điều tệ hại để cướp nước người ta. Thêm vào đấy là sự tha hóa & vong thân của một số giáo sĩ Thiên Chúa Giáo người Việt Nam, đã đưa đẩy tín đồ và triều đình vào hoàn cảnh đối đầu quyết liệt?!
Nghĩ cho kỹ, thì nguyên nhân cũng do cái học mất gốc của cả ngàn năm trước, từ đời Lý Trần đã lấy Tam Giáo làm nền tảng giáo dục (như tổ chức các kỳ thi Tam Giáo...), đánh mất truyền thống tinh thần Nhân - Trí - Hùng cao đẹp của dòng giống Tiên Rồng!
Chỉ vì bị giáo dục tha hóa, mất căn bản văn hóa dân tộc cổ truyền, nên giới ''học thức'' bao năm qua bị vong thân cả tin theo các nền văn hóa & giáo dục ngoại lai, dễ dàng cúi đầu làm tôi mọi cho phong kiến, thực dân, cộng sản... ít ai đáng đượcgọi là ''trí thức'', khi "bất trí" chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, đến tôn giáo hay đảng phái của mình, quên bổn phận đối với Quốc Gia & Dân Tộc?!
Nguyễn Phúc Bửu Lân là con của vua Dục Đức và bà Phan Thị Điểu sau được tôn phong là Từ Minh Huệ thái hậu.
Nhà vua sinh ngày 22-2 Kỷ Mão 1879, lên ngôi năm 1889, niên hiệu Thành Thái, bị Pháp đưa đi an trí tại Vũng Tàu năm 1907, rồi đưa đi đầy ở đảo Réunion, thuộc Pháp tại Phi Châu.
Năm 1947 Ngài được về nước, quản thúc tại Sài Gòn, đến năm 1953 được về thăm lại Huế một lần.
Mất ngày 24-3 Giáp Ngọ 1954, thọ 65 tuổi, an táng tại Huế.
Do Pháp có cảm tình với vua Dục Đức - người bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết truất phế rồi giết - nên đưa con của vua Dục Đức là Bửu Lân lên ngôi, khi Ngài và mẹ đang bị triều đình giam giữ trong ngục.
Vua Thành Thái là người có chí khí, sớm nhận ra sự đổ nát của triều đình và dã tâm của Pháp, muốn theo Nhật duy tân phục hưng cơ đồ, giúp quốc gia dân tộc hưng thịnh, nên ngài tìm hiểu nhiều về công cuộc Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng, mong được Nhật giúp nhưng bị Pháp và bọn triều thần tay sai Pháp cản ngăn...
Năm 1904 miền Bắc Việt bị mất mùa đói kém, Ngài thân chinh ra trông nom việc cứu giúp, được lòng người mến mộ.
Buổi đầu Ngài được quan đại thần Nguyễn Trọng Hợp có tài đức giúp, nên giữ được thể thống của triều đình với Pháp. Nhiều khi nhà vua không tiếp, Khâm sứ Pháp cũng phải chịu.
Nhưng từ khi Trần Như Cương thay thế, cùng phe cánh luồn cúi Pháp, đưa triều đình vào chỗ nô lệ hoàn toàn, khiến nhà vua bất bình nhiều lần trách mắng bọn triều thần hèn hạ, gây ác cảm với Pháp.
Thời Khâm sứ Ruverque sự giao hảo còn tử tế, đến thời các Khâm sứ Moulié và sau cùng là Lévêque thì trở nên tồi tệ, khi nhà vua không ký lệnh bổ nhiệm quan lại theo ý Pháp, bị Lévêque cho là 'mất trí khôn vì không cộng tác với Pháp' mà tìm cách phế bỏ.
Năm 1905 nhà vua định ra Bắc, bỏ trốn sang Tàu rồi qua Nhật, nhưng khi đến Thanh Hóa bị bọn phản thần tiết lộ, bị bắt đưa về Huế, một số cận thần thân tín của ngài bị bắt bị tù đày, từ đó Ngài bị cô lập không còn kẻ thân tín xung quanh.
Sau việc này, nhà vua bị Pháp cài người giám sát kiểm soát chặt chẽ, khiến Ngài phải giả điên đánh đập xua đuổi bọn cận thần theo Pháp, lập đội nữ binh canh gác hoàng thành, cho luyện tập binh bị để dùng khi hữu sự.
Bọn triều thần mãi quốc cầu vinh, tố cáo Ngài làm những bài thơ bày tỏ lòng yêu nước thương dân, rồi theo lệnh Khâm sứ Lévêque làm biểu ký tên ép vua phải thoái vị. Chỉ riêng đại thần Ngô Đình Khả không chịu ký tên.
Những tìm hiểu mới đây qua các thư viện của các dòng tu tại Pháp, cho thấy Nhà Vua được Thiên Chúa Giáo bênh vực rất mực, nhưng chính vì vậy mà bị Khâm sứ Lévêque thuộc phe Tam Điểm chiếm ưu thế rắp tâm hãm hại.
Giới sĩ phu trong nước bất bình với bọn triều thần tay sai Pháp, phản đối khắp nơi bằng những phong trào đấu tranh hòa bình với mục đích canh tân đất nước, như Duy Tân, Đông Du...
Năm 1914 Thế chiến Thứ I bùng nổ, bọn cầm quyền Pháp tại Việt Nam sợ vua Thành Thái có thể được người trong nước ủng hộ đứng lên chống Pháp, nên năm 1915 Pháp bí mật chở nhà vua từ Vũng Tàu đi đày ở đảo Réunion.
Sau 32 năm, đến tháng 5-1947 nhờ người con gái nhà vua lấy luật sư Vương Quang Nhường vận động, nhà vua mới được trở về nước với điều kiện chỉ được sinh sống ở Nam Việt.
Do ngài yêu cầu, 6 năm sau ngài mới được về Huế thăm lại mộ phần các tiên đế ngày 24-3-1953, rồi đúng một năm sau ngài mất, được đưa trở lại Huế an táng ngày 24-3-1954.
Lời bàn của sử sách
**Con Rồng Việt Nam:
*'Không ai dám nghĩ rằng, nên theo gương nước Nhựt, mà canh tân xứ sở trước, dù với sự trợ giúp của Pháp, sau đó hãy nói đến chuyện chiến đấu giành độc lập cho đất nước. Người ta nôn nóng chỉ nghĩ đến chuyện chiến đấu và đánh du kích bằng gậy tầm vông. Nhiều hội kín được mọc lên. Họ có liên lạc với bọn người từng lưu vong sang Tàu hay sang Nhựt. Hoàng thân Cường Để trước đây đã bỏ sang Nhựt, nên nhiều thanh niên đã kéo nhau sang theo.
'Hoàng đế Thành Thái không muốn sự thất thoát nguồn nhân lực ấy, phải tỏ sự chống đối với nền đô hộ của Pháp. Mặc dù viên Toàn quyền Paul Doumer nhận định về Ngài đã ghi nhận rằng Ngài rất thông minh, và tự tin ở mình, nhà vua vẫn bị coi là mắc bệnh điên, để bắt buộc phải nhường ngôi, rồi bị đưa sang an trí ở đảo Reunion vào năm 1907, lúc ấy Ngài mới 28 tuổi.
**Việt Nam Sử Lược:
*'Bấy giờ ông Rheinard lại sang làm Khâm sứ ở Huế, thấy con vua Đồng Khánh còn nhỏ, và lại nhớ ông Dục Đức ngày trước, khi vua Dực Tông hãy còn, thường hay đi lại với người Pháp, bởi vậy viên Khâm sứ nghĩ đến tình cũ mà truyền lập ông Bửu Lân là con ông Dục Đức lên làm vua.
'Ông Bửu Lân bấy giờ mới lên 10 tuổi, đang cùng với mẹ phải giam ở trong ngục. Triều đình vào rước ra, tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Thành Thái, cử ông Nguyễn Trọng Hợp và ông Trương Quang Đản làm Phụ chính.
**Việt Sử Toàn Thư:
*'Vua Thành Thái là một người thông minh và có khí phách anh hùng. Sinh ra vào buổi loạn ly, đất nước đã nằm trong tình trạng nô lệ của người Pháp nên thời cuộc bấy giờ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm hồn của Ngài, vì tính tình của Ngài cang cường độc lập bao nhiêu thì cuộc đời Ngài càng mau đi tới chỗ oan trái bấy nhiêu.
'Lúc này, Pháp đã công nhiên thao túng chính sự Việt Nam ai ai cũng biết sức mạnh của họ. Đa số các đại thần trong triều đã ngả theo Pháp, huống hồ họ lại được nhìn sự thất bại của vua Hàm Nghi trước đấy không lâu. Hơn nữa, địa vị và quyền lợi cá nhân đã làm mê muội họ rồi, bấy giờ họ chỉ đua nhau tranh giành ân huệ của Bảo Hộ. Như vậy, nhà vua gần như bị hoàn toàn cô lập. Các bề tôi đã chẳng giúp đỡ gì cho Ngài mà có khi lại còn phản bội để bí mật lập công với Pháp, ngay cả Trương Như Cương là người có con gái tiến cung và đang nắm mọi quyền hành trong nước. Phiá ngoài, phong trào Văn Thân và dân chúng bấy giờ đã gần như tắt hết.
'Vua Thành Thái tuy sở trường về Nho học, nhưng lại chịu ảnh hưởng rất nhiều những tư tưởng của các nhà Cách mạng Nhật và Trung Hoa, Ngài tìm hiểu phong trào Duy tân của hai nước này và khao khát việc cải cách quốc gia về mọi mặt, những mong sớm đưa đất nước đến chỗ phú cường. Buổi đầu Ngài bắt các hoàng thân quốc thích lo việc học theo hướng canh tân của Trung Hoa và Nhật Bản. Nhưng rồi mọi ý tưởng cấp tiến của Ngài đều bị tòa Khâm sứ ngăn trở. Ngài cắt tóc ngắn trước nhất, học lái xuồng máy và xe hơi bằng sách vở.
**Lịch Sử Giữ Nước:
*'Khi Vua Thành Thái trưởng thành, nhà vua rất ghét thực dân Pháp. Nhà vua bị cưỡng bức phải ký đạo Dụ giải tán Cơ Mật Viện, là cơ quan quyền lực cao nhất của Triều Hậu Nguyễn. Hội đồng Thượng thư, do Khâm sứ Trung kỳ chủ tọa và quyết định chính sự, thay thế Cơ Mật Viện.
'Vua Thành Thái chỉ còn hư vị, nhưng lại phải chịu trách nhiệm với quốc dân vì phải ấn ký, ban hành các chỉ Dụ do Khâm sứ Pháp ra lệnh.
'Mỗi tỉnh thực dân đặt một Công sứ, các Tổng đốc nhận lệnh trực tiếp của Công sứ. Các Thượng thư nhận lệnh trực tiếp của Khâm sứ.
'Nguyễn Thân thay thế Nguyễn Trọng Hợp làm Phụ chính đại thần chịu trách nhiệm trực tiếp với Hội đồng Thượng thư do Khâm sứ điều khiển.
'Vua Thành Thái bị tay sai giặc Pháp kềm kẹp quá, không hiểu tình thế dân nước ra sao nên nhiều khi rất buồn bực. Nhà Vua muốn đích thân tuần du Thanh Hóa để thăm dân tình Trung Bắc đang gặp thiên tai.
'Thấy tận mắt thảm trạng dân tình Trung Bắc đói rét, cực khổ, Vua thương dân, thương nước, lại xót xa tình cảnh mình, nên đã bày tỏ tâm sự trong bài thơ sau đây:
'Vũ vũ văn văn ý cẩm bào,
'Trẫm vi thiên tử thậm gian lao.
'Tam bôi hoàng tửu quần lê huyết,
'Sổ trản thanh trà bách tính cao.
'Thiên lệ lạc dữ nhân lệ lạc,
'Ca thanh cao xứ khấp thanh cao.
'Can qua thử hội hưu đàn luận,
'Lân tuất thương sinh phó nhị tào.
'Dịch nghiã:
'Văn võ xênh xang áo cẩm bào,
'Riêng phần trẫm nặng gánh gian lao.
'Ba ly rượu ngọt dân hòa máu,
'Một chén trà thơm nước đúc cao.
'Giọt lệ trời sa dân sướt mướt,
'Khúc ca vang lẫn tiếng dân gào.
'Thương nòi sót giống trông ai đó,
'Thời buổi can qua biết nói sao!
'Theo các bậc cao niên kể lại, bài thơ của vua Thành Thái đã khiến các sĩ phu, trí thức Trung Việt, Bắc Việt ứa lệ, toàn dân khắp nước xúc động, căm giận giặc Pháp và bọn tay sai phản bội quê hương, tiếp tay với giặc, sát hại nòi giống.
'Bài này được truyền tụng khắp 3 kỳ khiến thực dân Pháp lo sợ. Các quan lại từ Triều đình đến tỉnh, phủ, huyện, đều cảm động. Nhờ thế, bớt thái độ nô lệ, xu phụ giặc Pháp, hà hiếp dân chúng.
**Các Vua Cuối Nhà Nguyễn:
*'Trong khối văn chương sử học Việt ngữ, Thành Thái thường được xưng tụng như một vị vua có tinh thần cách mạng, chống Pháp, khiến bị truất phế và lưu đầy. Tuy nhiên, báo chí đương thời và tư liệu văn khố vẽ nên hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Một viên chức Pháp đã hằn học đao bút vua là ''Điểm hội tụ của mọi tật tội Đông và Tây''. Một cái nhìn khách quan cho thấy vua biểu trưng sự khủng hoảng thường trực giữa cương vị ''nửa người, nửa thánh'' mà nền chính trị nho giáo mô tả, với thực tế bẽ bàng của vai trò một ''lãnh tụ tinh thần'' mà chế độ Bảo hộ Pháp muốn vua thủ diễn.
'Vua cũng là nạn nhân tội nghiệp của những âm mưu tranh giành quyền lực trong phạm vi cấm thành, từ thông ngôn Diệp Văn Cương và đồng liêu tới những thái hậu, thái giám, cung phi cùng các phe nhóm đại thần, quan chức - những nhà độc tài khúm núm - và ngay cả sự hiếm khích âm ỉ giữa các viên chức thuộc địa có khuynh hướng Cộng Hòa hoặc Tả khuynh, với Hội Truyền giáo hải ngoại mà mục tiêu chỉ nhằm củng cố và phát triển cộng đồng Ki-tô trong xã hội Việt Nam.
*'Trong lá thư gửi cho báo Nền Độc Lập Bắc Kỳ (L'indépendance Tonkinoise) và được báo này đăng lại, Henri de Monpézat, Đại biểu An Nam viết: ''30-8-1907: .
..Như thế Thành Thái đã cải sang Ki-tô năm 1905. Tất cả đều rõ ràng: Chính việc cải đạo đã khiến ông ta mất vương quốc và bị tù đầy...
*'Hội truyền giáo còn bỏ tiền, hoặc giúp Thành Thái chuyển tiền qua Pháp, mở chiến dịch tự vệ - nhưng thực chất là ''tự vệ'' của chính Hội Truyền giáo trước những đợt tấn công của phe Radicals (Cấp tiến), Cộng Hòa và Tam Điểm (Freemason). Nói cách khác, Thành Thái chỉ là điểm nổ của cuộc chiến tranh lạnh giữa Giáo hội và các viên chức Thuộc địa từ cuối thập niên 1890.
*'Chính những tờ báo của Hội truyền giáo, nhất là tờ Tương Lai Bắc Kỳ (L'Avenir du Tonkin), đã bảo vệ vua và mở những cuộc đả kích hung bạo Khâm sứ Lévêcque. Sau khi vua bị cấm cung, các báo Hội truyền giáo và đại biểu An Nam và Tonkin (de Monpézat) ra sức bênh vực Thành Thái. Sau đây là một số trích dẫn từ các bài báo trên L'Avenir du Tonkin:
'-Ngày 2-8-1907: Người ta đã phóng đại những lỗi lầm của vua, người ta đã nghiêm trọng hóa (exaspère) thay vì thử hướng dẫn vua theo đường chính với những lời khuyên bảo tốt và dịu dàng... Gã Tam Điểm Lévêcque và thuộc hạ không tha thứ cho Thành Thái vì có một tín đồ Ki-tô tín cẩn đã quyết trung thành với đức tin bất kể những dọa nạt và sự tù đày.
'-Ngày 26 và 27-8-1907: Người ta duy trì vua, nhưng vua thấy bị thương tổn, bị phong tỏa như một tù nhân, và những Jacobins tân thời hân hoan gây khó khăn cho người mà tự bẩm sinh đã ở trên họ.
*'Được Paris chấp thuận, 2 giờ chiều hôm sau, 2-9-1907, Toàn quyền Beau vào Cấm thành thăm Thành Thái. Sau khi Beau công bố quyết định bắt vua thoái vị và đưa một hoàng tử của vua lên thay, Thành Thái hỏi số phận vua sẽ ra sao, Beau cho biết Thành Thái không thể ở lại Huế, và trong vài năm đầu vua sẽ phải xa kinh thành. Sau đó, Beau yêu cầu vua viết chiếu thoái vị ngay vì Phủ Phụ chính sắp họp. Vua vào thư phòng, rồi trở lại với một lá thư bằng chữ Hán, tuyên bố sẽ thoái vị để nhường ngôi cho 1 trong 12 người con, do Phủ Phụ chính lựa chọn... Beau hối hả đến ngay chỗ họp của Phủ Phụ chính. Đa số thành viên đón nhận thư Thành Thái với sự hài lòng sinh động, và họ quyết định thảo ngay Chiếu thoái vị.
*'Beau trao cho Thành Thái một bản chiếu thoái vị, với tên tự quân bỏ trống để vua có thể tự điền vào. Đồng thời, yêu cầu vua cho phép khám sức khỏe 4 hoàng tử lớn tuổi nhất. Vua hân hoan nhận lời, và y sĩ Tedeschi bắt đầu khám nghiệm tỉ mỉ 4 hoàng tử sau một bức trướng. Cuối cùng, hoàng tử thứ 2 Vĩnh San mới 8 tuổi (âm lịch), được vua dùng bút son điền tên vào tờ Chiếu thoái vị.
'Các đại thần đang chờ đợi ở một phòng gần đó. Hoàng tử Vĩnh San được dẫn tới. Khi các đại thần dẫn tự quân ra đi, Thành Thái tuyên bố với giọng bình tĩnh:
''Tôi gửi gấm vua cho các ông''.
'Ngày 17-10-1907, Thành Thái rời Huế, mang theo 4 vợ, 10 con, 20 người hầu. Ngày 23-10-1907 vua tới Bà Rịa, khởi đầu cuộc sống lưu đày không ít sóng gió.
**Kỷ Niệm 100 Năm (1905 -2005) Phong Trào Đông Du:
*'Vua Thành Thái cũng đã từng gởi quốc thư đến Thiên Hoàng Nhật lúc đó là Minh Trị, nhân dịp Nhật Hoàng mời nhà Vua dự lễ chiến thắng Nga sau trận Đối Mã năm 1905. Nhà vua muốn đi dự, nhưng bị Toàn quyền P. Beau ngăn cản. Vua Thành Thái đã bí mật cử một Hoàng thân đi thay. Trước khi đi, nhà vua gọi Hoàng thân ấy vào dặn dò: ''Trong cái nón có ghép thư gởi Nhật Hoàng, mong cơ hội thượng quốc giúp đỡ Việt Nam chống Pháp''. Nhưng sự kiện bị nội gián tiết lộ, nên khi sứ giả sắp xuống tàu ở Đà Nẵng thì bị Công sứ Quảng Nam tới giữ ngay chiếc nón ấy lại và khám phá được quốc thư.
Nhận định
Qua các tư liệu mới cũ trích dẫn kể trên khác với một số sử liệu trước đây, chúng ta thấy vua Thành Thái là người có tâm huyết với quốc gia & dân tộc, chấp nhận hiểm nguy kể cả việc khuất thân về tôn giáo, để mong có cơ hội giành lại chủ quyền.
Tuy nhiên, trong đám triều thần lúc đó những người có khí tiết đã thiếu sáng suốt, thay vì ở bên vua để phò tá, lại từ quan hoặc ra bưng biền tổ chức chống Pháp, hoặc đi nước ngoài thực hiện các phong trào Đông du, Tây du... giúp cơ hội cho bọn mãi quốc cầu vinh xúm xít bao vây vua, để làm mật vụ chỉ điểm tâng công với bọn thực dân Pháp!
Do vậy nhà vua dù có tài trí đến mấy, mà bị vây hãm hết vòng trong là bọn triều thần bán nước, đến vòng ngoài là bọn thực dân Pháp tham tàn... cũng khó có thể làm nên đại sự.
Xét như thế, chúng ta sẽ thương cảm nhà vua, tức giận với bọn quan lại đê tiện đương thời, sẵn lòng làm tôi tớ cho bọn ngoại xâm, hại vua lẫn quốc gia & dân tộc.
Đáng buồn là sử sách trong nước từ thời quốc gia trước đây đến cộng sản ngày nay, đã không dám viết những điều trung thực của lịch sử, không dám phê phán một cách khách quan và quang minh chính đại. Thậm chí ngay như sử gia Trần Trọng Kim... cũng có những lời lẽ thiếu lễ độ với một số nhân vật lịch sử, khiến người đọc đôi khi không khỏi ngỡ ngàng?!
Nguyễn Phúc Vĩnh San, sinh ngày 19-9-1900, con út của vua Thành Thái, lên ngôi năm 1907, ở ngôi 9 năm, niên hiệu Duy Tân.
Năm 1916 nhà vua lãnh đạo khởi nghiã chống Pháp cùng Thái Phiên, Trần Cao vân... bị bắt ngày 3-11-1916, bị đày sang đảo Réunion. Trong Thế chiến II 1939 - 1945, nhà vua tham gia lực lượng không quân của Đồng Minh, chống Đức, mất trong một tai nạn phi cơ ngày 26-12-1945 tại Bắc Phi. Thọ 45 tuổi.
Ngày 2-4-1987, thi hài nhà vua được đem về mai táng tại Huế, bên cạnh vua Thành Thái.
Vì lên ngôi khi mới 8 tuổi, nên nhà vua có một Hội đồng Phụ chánh giúp việc, đứng đầu là Trương Như Cương - một kẻ được Pháp tin dùng.
Lớn lên, nhà vua tỏ ra là người lỗi lạc, ý chí hiên ngang, nên bất bình về nỗi khổ của người dân, trước sự đô hộ của Pháp cùng sự luồn cúi Pháp của bọn triều thần.
Nhà vua luôn tìm cách đòi ra ngoài, lấy cớ chốn cung điện quá tù túng, nên người Pháp cho dựng nhà thừa lương ngoài cửa Tùng, Quảng Trị, để nhà vua nghỉ mát.
Tại nơi đây, ngài đã tìm cách bắt liên lạc được với các nhân sĩ ái quốc, như Thái Phiên, Trần Cao Vân... nối tiếp việc chống Pháp của các vua Hàm Nghi, Thành Thái.
Tháng 9-1915, đảng Việt Nam Quang Phục họp đại hội, giúp vua tổ chức khởi nghiã, có sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình... cử Thái Phiên làm chủ tịch.
Đại hội quyết định ngày 1-4 âm lịch, tức vào tháng 5-1916 sẽ khởi nghiã.
Nhưng sự việc bị lộ khi một viên cai khố xanh là Võ Cử, do tình riêng dặn người em họ làm lính tại dinh Án sát Phạm Liên, khuyên nên xin phép ở nhà.
Thái Phiên và Trần Cao Vân không hay biết tòa Khâm sứ đã ra lệnh giới nghiêm, vẫn thực hiện việc đón vua Duy Tân, nên bị bắt giữ.
Ngày 17-5-1916, cuộc khởi nghiã bị dẹp tan, Trần Cao Vân và Thái Phiên bị xử chém tại An Hòa. Vua Duy Tân sau 10 ngày Pháp bắt nhốt ở đồn Mang cá, bị đưa đi đày ở đảo Réunion, Phi Châu.
Khi Đệ II Thế Chiến bùng bổ, Ngài gia nhập quân đội Pháp Tự Do của De Gaulle, chống Phát Xít. Tháng 10-1945 Ngài giải ngũ với cấp bậc thiếu tá không quân Pháp, được Thống tướng De Gaulle dự định đưa về Việt Nam cầm quyền. Nhưng Ngài đã tử nạn phi cơ ngày 25-12-1945, trên đường bay từ Paris về Réunion thăm gia đình; một nghi vấn lịch sử cần được tìm hiểu?
Lời bàn của sử sách
**Con Rồng Việt Nam:
'Loạn khắp mọi nơi. Nhiều phong trào nổi lên chống đối, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn. Pháp liền khủng bố, nhiều lãnh tụ của các phong trào bị bắt đem đi đầy ở Côn Đảo. Trường đại học trước được mở ra dưới triều Thành Thái, nay bị đóng cửa hẳn. Nhân Dân chống lại, và bỏ ra bưng. Tháng 10-1911, nhà Thanh bị lật đổ, chính phủ Dân quốc Trung Hoa do Tôn Dật Tiên cầm đầu, làm cho những nhà cách mạng lưu vong, hay đang âm thầm hoạt động ở trong nước càng thêm phấn khởi và tin tưởng. Cho đến năm 1913, các hội kín này cho nổ ra nhiều vụ nổi dậy, nhiều vụ biểu tình, hay những cuộc ám sát, và khủng bố.
'Trước tình trạng ấy, Pháp bổ một vị Toàn quyền mới là Albert Sarraut. Vốn là tay làm báo, dân biểu thuộc miền Trung nước Pháp, ông ta đã khôn ngoan biết cách chinh phục nhân dân. Ông tổ chức lại guồng máy cai trị thuộc địa khả quan hơn trước, bằng cách ngăn chặn các cuộc lạm quyền, và thay đổi lề lối tham nhũng, cho mở cửa lại trường đại học, và mở mang ngành giáo dục công lập. Những biện pháp đó làm giảm bớt sự bất mãn, và đem lại an ninh trở lại. Đến nỗi rằng, khi Pháp có chiến tranh với Đức (kỳ Đệ nhất Thế chiến) vào năm 1914, hơn 100.000 binh lính và thợ thuyền Việt Nam đã sang Âu Châu, để trả ơn cái gọi là mẫu quốc bảo hộ.
'Tuy nhiên, các phong trào ái quốc, lợi dụng cơ hội này, nước Pháp đang bận ở Âu Châu, để tung ra sự rối loạn trong nhiều tỉnh lớn. Nhà vua vừa được 16 tuổi, tưởng rằng thời cơ đã đến, liền rời khỏi cung điện, để ra bưng cầm đầu phong trào chống đối. Đáng buồn thay, công cuộc mưu đồ đại sự của Ngài chỉ vỏn vẹn được 2 ngày, thì bị một toán lính khố xanh khám phá được chỗ ẩn. Thất bại từ trứng nước, ông bị đày sang đảo Reunion để gặp phụ hoàng Thành Thái ở nơi đó. Đó là lần cuối cùng của một ông vua trong hoàng gia đã thất bại trong mưu đồ phục quốc trong tay Pháp.
**Việt Sử Toàn Thư:
*'Lớn lên vua Duy Tân tỏ ra là một thanh niên tuấn tú, hiên ngang, lỗi lạc, và cũng như vua cha có ý bài Pháp. Tất nhiên rằng lúc đó đã có người bí mật liên lạc với Ngài để trình bày nông nỗi vua cha bị người Pháp áp bức, triều thần phản bội và sự khổ nhục của quốc dân từ ngày mất nước...
*'Cuộc cách mạng của Phong kiến lại một phen nữa đổ nhiều xương máu và vô cùng uổng phí. Rồi từ đó gọng kìm đế quốc lại xiết chặt hơn bao giờ hết vào giới quan liêu và trí thức Việt Nam.
**Lịch Sử Giữ Nước:
*'Vua Duy Tân tuy còn ít tuổi, nhưng vẫn bị thực dân Pháp đặt nhiều tay sai ngày đêm canh chừng. Có lần thị thần dâng chậu nước để Vua rửa tay dơ. Vua Duy Tân hỏi: 'Tay dơ lấy nước rửa. Nước dơ lấy gì để rửa?'. Tên thị thần sợ không dám trả lời, thầm hiểu rằng, thế nước lòng dân lúc bấy giờ, nước dơ chỉ có máu mới rửa sạch được.
**Các vua cuối nhà Nguyễn:
*'Vua Duy Tân không được chọn vì những cảm tình cá nhân của các Khâm sứ, Toàn quyền, mà thuần do nhu cầu chính trị giai đoạn - trên bối cảnh rộng lớn hơn giữa sự tranh chấp, hòa giải, và miễn cưỡng sống chung của hai thế lực đương thời: khuynh hướng Cộng Hòa, với chủ trương phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo và quốc gia, và Hội truyền giáo, với chủ trương mọi ưu quyền thuộc địa phải dành cho tín đồ Ki-tô.
*'Trong một buổi họp các Thượng thư và Hội đồng Tôn Nhơn phủ ngày 7-11-1915, Duy Tân được các Thượng thư nhắc nhở là phải sang chào hỏi Charles, vì Khâm sứ Huế mới đi xa về. Duy Tân mỉa mai rằng ai muốn hưởng ân sủng đặc biệt thì cứ việc đi chào hỏi, phần vua chẳng có gì để cầu xin. Các đại thần vội yêu cầu vua đừng quá khinh xuất, nói năng thiếu suy nghĩ. Duy Tân lớn tiếng chê trách họ là chẳng biết gì về việc người Pháp vi phạm những điều khoản của Hiệp ước 1884 và Qui ước năm 1885.
*'Nền giáo dục Tây phương được hấp thụ, kể cả những mẩu chuyện kể về cuộc đời các danh tướng Pháp, khiến khối óc đầy mộng mị của Duy Tân nhen nhúm những giấc mộng tung hoành ngang dọc. Trong thư phòng nhà vua, chân dung danh tướng Ferdinand Joffre của Pháp được treo ở chỗ trang trọng nhất.
*'Tâm trạng ẩn ức ấy đè trĩu... biến Duy Tân thành một mảnh đất màu mỡ cho những lãnh tụ kháng Pháp gieo xuống những hạt mầm tư tưởng anh hùng dân tộc, đánh đuổi ngoại xâm; đồng thời cũng dễ trở thành nạn nhân của bao âm mưu tranh giành quyền lực thâm hiểm của những cá nhân mà trọn đường hoạn lộ đã lấy việc thờ phụng ngoại nhân, đồng hóa quyền lợi bản thân và phe nhóm với quyền lợi nước Pháp làm tôn chỉ.
*'Nguyên do khiến Duy Tân chấp nhận cầm đầu cuộc khởi nghiã không rõ ràng. Ngày 5-6-1936 - tức hơn 20 năm sau ngày khởi nghiã - cựu hoàng Duy Tân khẳng định rằng ''đã nhận chỉ huy cuộc nổi dậy chỉ vì muốn cứu tính mạng cả người Pháp lẫn người Việt''. Theo Duy Tân, đầu năm 1916, một đảng tổ chức để đòi sửa lại toàn bộ các hiệp ước đã ký kết gửi người tiếp xúc với Duy Tân, yêu cầu vua cầm đầu phong trào này. Duy Tân không nỡ tố cáo với Pháp, nhưng họ tiếp tục đến gặp. Vào đầu tháng 4-1916 họ tiết lộ với vua là vì Duy Tân từ chối lãnh tụ họ đòi sửa đổi Hiệp ước, nên họ đã quyết định khởi nghiã giành độc lập. Vì Pháp đang tham chiến với Germany, Duy Tân nghĩ rằng thật điên rồ khi muốn nổi loạn, nhưng chỉ khất lần lữa cho qua. Hạ tuần tháng 4-1916, một sứ giả lại mang tới cho Duy Tân một kế hoạch tỉ mỉ tấn công Huế và các tỉnh lỵ, và nói thẳng với Duy Tân: ''Không có gì có thể ngăn cản được cuộc nổi dậy, và Ngài sẽ là người hèn nhát nếu không chỉ huy những người tự nguyện chết cho sự độc lập của vương quốc của Ngài mà Ngài đã nhận lĩnh từ tổ tiên''. Thảm kịch Duy Tân từ đó mà ra. Duy Tân đành phải nhận lời, để có thể lợi dụng chức vụ chỉ huy, ra những lệnh lạc trái ngược nhau, hầu ngăn cản một cuộc thảm sát bạn hữu người Pháp cũng như dân chúng vô tội.
Nhận Định
Với phần lớn các triều thần chỉ còn biết luồn cúi Pháp để hưởng lợi danh, song song với các nhân sĩ xét ra không đủ tài trí đảm đương tổ chức việc cứu quốc qua những nguyên do thất bại... vua Duy Tân dù tài đức bao nhiêu, cũng không thể thành công.
Tuy nhiên, cái chết vì tai nạn hàng không của Ngài vào năm 1945, được nhiều người cho là mất đi một vận may cho Việt Nam vào thời điểm đó. Vì một khi Bảo Đại đã tự ý trao quyền cho Cộng sản Việt Nam, Duy Tân sẽ là ngôi sao sáng tài đức hơn, và được các nhà đấu tranh Việt Nam đương thời mến trọng hơn Bảo Đại rất nhiều, khiến Hồ Chí Minh gặp khó khăn khi muốn đoạt quyền, hoặc Ngô Đình Diệm không dám truất phế, tạo cơ hội cho gia đình thao túng, làm hư hỏng một vận hội lớn phát triển quốc gia & dân tộc?
**
Việc cứu quốc khi dân trí đã bị nền giáo dục vong bản bao năm làm cho suy đồi vong bản mất gốc, đòi hỏi trước tiên phải tân trang lại tình cảm yêu nước của mọi người - từ kẻ học thức đến dân chúng - để ai nấy hiểu các giá trị tinh thần cổ truyền, biết đặt Quốc gia & Dân tộc lên trên Tôn giáo, Đảng phái, Gia đình, Cá nhân... mới có thể kết hợp lòng người về một mối, chung lo đại sự?
Việc thời vua Duy Tân 100 năm trước, chẳng khác bao nhiêu với ngày nay, khi Quốc gia đang bị Cộng sản Việt Nam cai trị theo một chủ trương vong bản, Dân tộc đang bị một số lãnh đạo Tôn giáo, Đảng phái kém ý thức gây chia rẽ, sao lãng việc nước, làm mất đi chính nghiã cần có để đoàn kết chung lưng đấu cật, lo đại cuộc quang phục quê hương.
Bài học ở đây ngày nay, là cần trang bị lại tinh thần yêu nước theo truyền thống dân tộc ''Nhân + Trí = Hùng'' của thời lập quốc, phục hồi các giá trị văn hiến Việt qua các hành vi của 4 vị Tứ bất Tử... vinh danh các danh nhân lịch sử Việt theo tình tự dân tộc qua tín ngưỡng tôn thờ 'Địa linh & Nhân kiệt' theo truyền thống Rồng & Tiên, để giới trẻ trong và ngoài nước cảm thấy hãnh diện về các giá trị tư duy của Quốc gia & Dân tộc cổ xưa, không bị tha hóa, vong bản, vong thân.
Đền thờ Quốc Tổ các nơi ở hải ngoại ngày nay, chính là nơi thuận tiện để kết hợp truyền bá Ý Chí Chung Tiên Rồng, giúp mọi người không phân biệt tôn giáo, đảng phái, nghề nghiệp trong cuộc đấu tranh quang phục quê hương?
Nguyễn Phúc Bửu Đảo, con của vua Đồng Khánh, sinh năm Nhâm Ngọ 1882, lên ngôi năm 1916, ở ngôi 9 năm, lấy niên hiệu là Khải Định, chủ trương thân Pháp, từng sang Pháp năm 1922, bị Phan Chu Trinh công kích qua Thất Điều thư.
Mất vì bệnh năm 1925, thọ 43 tuổi.
Vua Khải Định được Pháp và bọn quan lại Việt theo Pháp và theo Thiên Chúa Giáo, chọn theo dòng dõi phe thân Pháp, để tránh các cuộc nổi loạn của dòng dõi các vua chống Pháp như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.
Do vậy triều vua Khải Định không có những hoạt động ích quốc lợi dân nào đáng kể, chỉ làm bù nhìn, vì mọi việc đều do Pháp và bọn quan lại theo Pháp và Thiên Chúa Giáo nhiều quyền thế đương thời thực hiện.
Thậm chí Thái tử Bảo Đại mới 9 tuổi cũng bị đưa qua Paris để Pháp rèn cặp giáo dục theo một khuynh hướng mới, không còn dính líu bao nhiêu với cội nguồn Quốc gia & Dân tộc.
Trong thời gian này, Pháp đã biến Việt Nam thành một thuộc địa, khi thay đổi nhiều cơ cấu tổ chức cai trị, như bãi bỏ các chức Tổng trấn, Bố chính... đặt ra chức tham biện do trường Hành chánh Pháp đào tạo.
Ba miền Bắc - Nam - Trung có 3 chế độ đô hộ khác nhau:
*Ở Nam Kỳ, Pháp tổ chức hạ tầng xã thôn theo lối mới, với Hội đồng Hương chánh gồm 12 người có tài sản và uy tín do dân xã chọn ra. Các xã bầu ra Cai tổng, các cai tổng nhận lệnh trực tiếp từ Chủ tỉnh người Pháp. Các chủ tỉnh do viên Thống đốc Pháp điều hành, với sự phụ tá của các quan chức Việt được Pháp đào tạo như các Đốc phủ sứ, Thông ngôn, Thơ lại...
*Ở Bắc kỳ, buổi đầu cai quản các phủ huyện là các nhà khoa cử Nho học. Sau Pháp lập trường Hậu bổ và trường Luật đào tạo giới Tây học ra làm quan cai trị các tỉnh, phủ, huyện... đặt dưới quyền các viên Công sứ Pháp, do một viên Thống sứ Pháp cầm đầu.
*Ở Trung kỳ, vua và triều đình Việt chỉ còn hư vị, bao quyền hành nằm trong tay viên Khâm sứ Pháp, các cơ sở chuyên môn cũng do người Pháp quản lý điều hành.
**Các Phong trào Đấu Tranh Dân Chủ
Các cơ cấu tổ chức trên đã khiến giới tư bản Pháp tha hồ đầu tư theo kiểu bóc lột rất dã man, như việc tuyển dùng công nhân trong các đồn điền cao su... làm cho các nhà ái quốc thế hệ mới chịu ảnh hưởng Tây phương cũng nhận ra những thái quá, tìm cách thành lập các tổ chức đấu tranh dân chủ theo các phương thức mới.
Khởi đầu là các nhà Nho sớm thức tỉnh trước việc ''duy tân'' thành công vẻ vang của Nhật, đã tìm hiểu văn minh Tây phương một cách gián tiếp qua ngả Tàu, Nhật. Sau đó mới đến lớp người theo Tây học, tìm hiểu văn minh Tây phương trực tiếp qua Pháp, Nga...
*Phan Bội Châu & Đông Du:
Sau khi Nhật là một nước Á châu đầu tiên, thắng Nga là một nước Âu châu trong trận chiến năm 1905, các nhà đấu tranh Á Châu đều mong muốn theo gương Nhật để quật cường, đánh đuổi thực dân Âu châu da trắng đang đô hộ đất nước.
Năm 1906 Phan Bội Châu cùng các người đồng tâm đưa Hoàng thân Cường Để lên làm Hội trường Việt Nam Duy Tân Hội, chủ trương 'Đông Du' - đưa du học sinh qua Nhật học quân sự, về đánh Pháp.
Năm 1911 Việt Nam Duy Tân Hội đổi thành Việt Nam Quang Phục Hội.
Năm 1916 một đảng viên là Lương Ngọc Quyến bị người Anh bắt ở Hương Cảng, giải giao về Việt Nam cho Pháp. Năm 1917, dù đang bị tù, Lương Ngọc Quyến vẫn móc nối được với viên đội lính khố xanh canh giữ, nổi dậy tiến chiếm tỉnh Thái Nguyên. Nhưng chỉ giữ được 1 tuần, bị Pháp đánh chiếm lại. Nghiã quân phải chạy vào rừng, rồi bị đánh tan.
*Phan Chu Trinh & Duy Tân:
Nếu phong trào Đông Du chủ trương võ trang chống Pháp, thì một số sĩ phu chủ trương đấu tranh bất bạo động, thực hiện các chương trình canh tân về giáo dục, kinh tế công khai, nhưng vẫn bí mật liên kết đấu tranh chính trị.
Phong trào Duy Tân tổ chức các học hội, như Quảng Nam Học Hội ở Đà Nẵng do Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúy Cáp - Đông Kinh Nghiã Thục ở Hà Nội do Nguyễn Quyền, Lương Văn Can; các thương hội như Hợp Thương ở Quảng Nam, Liên Thành Công ty ở Phan Thiết, Triều Dương Công ty ở Nghệ An; ngoài ra còn tổ chức khai phá đất hoang lập đồn điền, thành lập các cơ sở công kỹ nghệ, phát triển kinh tế nuôi dưỡng các hoạt động.
Phong trào đã tạo được nhiều đổi mới nếp sống về văn hóa & kinh tế, nên được gọi là Phong Trào Duy Tân.
Về chính trị, phong trào vận động dân chúng tham gia nhiều cuộc biểu tình đòi giảm thuế từ năm 1908 đến 1912.
*Nguyễn Văn Vĩnh - Phạm Quỳnh:
Cùng chủ trương như Duy Tân, còn có các báo như Đông Dương Tạp Chí (1913) của Nguyễn văn Vĩnh, Nam Phong Tạp Chí (1917 - 1934) của Phạm Quỳnh,... có công dùng cơ quan ngôn luận để phổ biến các tư tưởng cũ mới, đánh động lòng yêu nước người đương thời, hình thành một tầng lớp học thức mới rộng lớn, giúp cho các phong trào đấu tranh về sau có nhiều nhân tài tham gia, cổ vũ.
Lời bàn của sử sách:
**Con Rồng Việt Nam:
*'Triều đình nhận chân được rằng chống Pháp quả là vô ích. Vì vậy, mới tìm đến con của vua Đồng Khánh, vốn chủ trương thân Pháp như thời vua Gia Long cũ, để lập làm vua. Đó là cha tôi năm ấy đã 32 tuổi. Nhưng cha tôi (lời Bảo Đại), đã từng trông thấy sự tai tiếng về đầu triều đại của vua cha, khi nhận ngai vàng từ tay Pháp chỉ định, hơn nữa làm vua cũng chẳng có quyền thế gì nên người không mấy tha thiết. Mãi đến khi Đức Hoàng thái hậu, đích mẫu của người, tức vợ cả vua Đồng Khánh, thúc dục để cứu vãn danh dự gia đình, người mới nhận, và lên ngôi Hoàng đế vào năm 1916.
*'Ngày 27-4-1919, tại Văn Miếu thờ Đức Khổng Phu Tử ở Hà Nội, ông đọc một bài diễn văn trứ danh, trong đó ông đề cập đến sự khuếch trương quyền hạn chính trị cho tất cả các sắc dân ở Đông Dương, đặt những nhà trí thức bản xứ vào những địa vị then chốt trước kia chỉ dành cho người Pháp, hầu đưa đến sự thân hữu của nước Pháp đối với các nước bảo hộ càng thêm thắm thiết.
*'Đọc những đoạn cuối của trang sử này, với biết bao tình trạng bi đát, mà trước kia tôi (Bảo Đại) hoàn toàn mù tịt, tôi vô cùng xúc động. Trong vòng chưa tới 50 năm, 5 bậc tiên đế đã bị đi đày, hay bị truất ngôi, 4 vị đã chết trong mờ ám. Các vụ sôi động vẫn còn âm ỉ chưa tắt hẳn. Chưa nói đến Hoàng thân Cường Để đang hoạt động ở Nhật, và ở Đài Loan...
**Việt Sử Toàn Thư:
'Thuở sinh tiền vua Khải Định không để lại được điều gì đáng kể cho quốc dân, vì công việc của nước nhà hoàn toàn do người Pháp sắp đặt và định đoạt. Vua Khải Định không hơn không kém, chỉ là một ông vua bù nhìn.
**Các Vua Cuối Nhà Nguyễn:
*'Khải Định hết lòng hợp tác với Pháp, rất được lòng Sarraut cũng như Pasquier. Trong khi đó, Khải Định liên kết chặt chẽ với Nguyễn Hữu Bài, nhân vật quyền thế nhất triều đình, ít nữa từ năm Tôn Thất Hân về hưu. Sau lưng Khải Định, dĩ nhiên, còn Hội Truyền giáo. Năm 1885, chính Giám mục Caspar đã đề cử Đồng Khánh với de Champeaux và de Courcy. Dù Khải Định chưa phải một giáo hữu Ki-tô, nhưng một tín đồ Ki-tô đã trở thành đại thần đầu triều. Bởi thế, dù lên ngôi giữa lúc chiến tranh Thứ nhất đang sôi nổi ở Âu Châu, triều Khải Định được một Khâm sứ ví von là 'đại định', đúng với cái tên 'An Nam' (Sud pacifié).
*'Khải Định rất tích cực trong việc trừng trị 'loạn đảng'. Vua giao nạp cho Pháp nhiều bằng chứng việc Duy Tân đã mưu toan 'làm loạn' từ năm 1915. Ngày 18-2-1917 (25-12-Bính Thìn) Khải Định - theo gương vua cha (Đồng Khánh) đối xử với Hàm Nghi - ra Dụ giáng Thành Thái xuống làm Hoài Trạch công. Phần Duy Tân, Khải Định nghiêm khắc lên án những việc làm của 'đứa con mất tư cách' (fils dénaturé) của Bửu Lân, và cũng là cháu họ mình, là hình tội. Bởi thế, cách xuống làm Hoàng tử, vì Vĩnh San là ''một kẻ tội phạm đối với tổ tiên và xã tắc. Tội ác của Vĩnh San đáng lẽ phải chịu cực hình, dẫu có đầy đi xa cũng chưa đủ''.
Nhận Định
Sử sách 2 phe triều đình (Con Rồng Việt Nam của Cựu hoàng Bảo Đại) và bên ngoài triều đình, đã có những nhận định khác nhau về vua Khải Định.
Nhận xét kỹ, sẽ thấy vào đời Lý Trần... tôn giáo có tinh thần dân tộc cao, đặt quốc gia trên tôn giáo, hết lòng vì nước vì dân, nên đất nước mới thịnh trị.
Đến thời vua Khải Định, sự tha hóa về tôn giáo từ đời vua Gia Long đã trở nên lớn mạnh, khuynh đảo triều đình, đưa đất nước đến chỗ suy yếu, không còn đủ sức để tự chủ & tự cường?!
Đến các phong trào đấu tranh như Đông Du, Duy Tân... muốn học theo Nhật, Pháp những điều mới, thì lại dựa trên chủ trương sai lầm: Nhật chỉ 'duy tân' học hỏi Tây phương về khoa học & kỹ thuật, chứ không hề theo đòi học hỏi về văn hóa chính trị?
Vậy mà từ Đông Du đến Duy Tân... đều có chủ trương đấu tranh văn hóa, chính trị... mà không hề biết rằng khoa học kỹ thuật mới chính là sức mạnh của Tây phương, cần sớm theo đòi học hỏi khoa học & kỹ thuật như Nhật Bản đã làm, mới có thể nhanh chóng trở nên hùng cường.
Còn về văn hóa thì cũng là thứ văn hóa vong thân mất gốc, chứ không hề là thứ văn hóa Tiên (Nhân) + Rồng (Trí) = Hùng (các vua Hùng), giá trị cao siêu hơn nhiều nền văn hóa khác.
Cây không có gốc chỉ là dây leo - Văn hóa mất gốc cũng chỉ là thứ lai căng, dễ khiến kẻ học thức không có đủ kiến thức về văn hiến cội nguồn, trở thành vong nô, vong bản, mãi quốc cầu vinh, phản bội quốc gia & dân tộc, mà không hay biết?!
Các sách vở giáo khoa cho đến trước 1975 được coi trọng, dùng để giảng dạy ở bậc trung học, từ sách của Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim... đến Phạm Thế Ngũ, Hà Như Chi và các cuốn luận đề của Nguyễn Sỹ Tế... vẫn chưa ý thức được sự bản địa hóa rất mạnh mẽ của tư tưởng Việt; mà đều viết về các 'ảnh hưởng' của Tam Giáo, của Tây phương... vào tư tưởng Việt Nam - thay vì tìm ra những ảnh hưởng của Việt Nam khi bản địa hóa các tư tưởng này?!
Điều này vô cùng quan trọng trong công cuộc vệ quốc, kiến quốc, khi tạo dựng nền tảng tư tưởng cho sự độc lập của Quốc gia & Dân tộc?
Một khi không có được tư tưởng cơ bản chỉ đạo tốt đẹp, rất khó có các hướng dẫn về hành động một cách chính đáng, được ai nấy toàn tâm & toàn ý tin theo?
Nên có thể cho rằng: 'Đến nay, không ít các nhà đấu tranh Việt Nam là những chính trị gia vô văn hóa, nên mới không thể nào đoàn kết, thống nhất với nhau, ngay cả khi cùng chung một tổ chức, mục đích?!
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy con duy nhất của vua Khải Định, mẹ là bà Hoàng Thị Cúc thuộc giới thường dân, sinh ngày 22-10-1913 tại Huế.
Mùa xuân năm 1922 khi mới 9 tuổi, vua Khải Định đích thân đưa Vĩnh Thụy qua Pháp du học, dưới sự trông nom của cựu Khâm sứ Charles, đã tòng sự ở Đông Dương 20 năm, là người từng giúp Khải Định lên ngôi.
Vua Khải Định mất ngày 6-11-1925, đến ngày 3-1-1926 Vĩnh Thụy về tới Huế. Ngày 8-1-1926 Vĩnh Thụy mới lên ngôi, lấy hiệu là Bảo Đại.
Sau lễ đăng quang, Bảo Đại trở lại Pháp đi học tiếp, đến năm 1932 mới trở về nước nắm quyền, nhưng các triều thần theo Pháp đã trao hết các quyền hành cho Pháp, nên bị bó tay.
Ngày 12-3-1945 sau khi Nhật đảo chính Pháp, Hoàng đế Bảo Đại ra văn bản Tuyên Ngôn Độc Lập, trao Trần Trọng Kim làm thủ tướng cầm quyền, chấm dứt lệ thuộc Pháp.
Nội các Trần Trọng Kim tuy chỉ tồn tại từ ngày 17-4 đến 25-8-1945, nhưng đã tạo Biểu tượng Quốc gia & Dân tộc, đặt nền tảng Pháp lý và Giáo dục cho Việt Nam Cộng Hòa, cụ thể làm tốt 5 điều vô cùng quan yếu cho tương lai:
1/ Thành lập tên nước Việt Nam và Cờ Vàng VNCH, được Quốc tế công nhận, Người Việt Quốc Gia suy tôn.
2/ Dùng tiếng Việt làm Quốc ngữ, lần đầu tiên Việt hóa nền Giáo dục.
3/ Thống nhất 3 miền Trung Nam Bắc trong Hòa bình và Độc lập và Tự do.
4/ Soạn thảo bản Hiếp pháp Độc lập Tự do đầu tiên.
5/ Tránh đổ máu tương tàn, trao quyền lại cho chế độ mới.
Ngày 24-8-1945, trong tình thế hỗn mang Bảo Đại thoái vị, nhường quyền hành cho Hồ Chí Minh, trở thành cố vấn.
Ngày 16-3-1946 Cố vấn Vĩnh Thụy rời Hà Nội sang Trùng Khánh, sống lưu vong trong khi diễn ra cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh.
Ngày 20-5-1948, Hội nghị đại diện các đảng phái quốc gia, được Pháp hỗ trợ, tôn vinh Bảo Đại làm Quốc trưởng, thành lập nước Việt Nam trong phạm vi các đô thị lớn, chống lại Hồ Chí Minh theo Cộng sản, đang lãnh đạo cuộc kháng chiến tại các vùng thôn quê, núi rừng.
Tháng 7-1950, Trung Cộng cử tướng Trần Canh qua cầm đầu một phái bộ quân sự của Trung Cộng sang vùng Việt Bắc, giúp CSVN thành lập một quân đội chính quy trang bị võ khí đầy đủ, lên kế hoạch hành quân chống Pháp.
Tới tháng 10-1950, Trung Cộng giúp CSVN chiếm toàn vùng thượng du Bắc Việt, khiến Pháp phải cử tướng De Lattre de Tassigny qua chỉ huy, giúp Việt Nam thành lập Quân đội Quốc Gia riêng.
Ngày 15-7-1951, Quốc trưởng Bảo Đại ban hành đạo dụ Tổng động viên thanh niên, hình thành 4 sư đoàn bộ binh đầu tiên, cuối năm 1952 tăng lên 8 sư đoàn.
Ngày 26-5-1954, Pháp thua Việt Minh phải đầu hàng ở Điện Biên Phủ, vận động quốc tế ký kết Hiệp định Genève, chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17 làm hai phe Quốc - Cộng, Bảo Đại đang ở bên Pháp, chấp nhận để Mỹ thay thế Pháp, đưa Ngô Đình Diệm lên làm thủ tướng Miền Nam Việt Nam.
Do Bảo Đại vẫn hỗ trợ phe theo Pháp chống lại Thủ tướng Ngô Đình Diệm, gây ra nhiều khó khăn, ngày 30-4-1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm lập Hội đồng Nhân Dân Cách Mạng, trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại, lên làm tổng thống của Đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam ở Nam Việt.
Các đảng phái chính trị:
Từ năm 1925, khi Bảo Đại lên ngôi rồi qua Pháp du học chịu ảnh hưởng Tây phương, thì giới học thức tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của Tây phương qua nền học vấn của mình do Pháp phổ biến, mạnh mẽ đứng lên thành lập các đảng phái đấu tranh đòi độc lập tự do cho Việt Nam theo đường hướng mới của Tây phương, giữ vai trò khá quan trọng trong việc chống Cộng sản, cũng như gây ra những xáo trộn nội bộ quốc gia:
*Đảng Lập Hiến:
Năm 1923, chịu ảnh hưởng của các đảng phái bên Pháp, các nhà Tây học Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long thành lập ở Nam Kỳ một tổ chức chính trị hoạt động công khai, gọi là đảng Lập Hiến, có chủ trương thành lập chế độ Quân chủ Lập hiến tại Việt Nam, theo mô thức Anh Quốc, gây được không khí mới trong hoạt động chính trị. Năm 1925 đảng Lập Hiến tranh cử vào Hội đồng Nam Kỳ, dành được nhiều ghế nhưng bị Pháp kiềm chế, nên không đạt mục đích & chủ trương mong muốn.
*Việt Nam Cách Mạng Đảng:
Năm 1925, Lê Huân, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Điền, Tôn Quang Phiệt họp tổ chức lại đảng Phục Việt, đổi tên thành đảng Hưng Nam. Đến thàng 5-1925 tại đổi tên Hưng Nam thành Việt Nam Chách Mạng đảng.
*Đông Dương Cộng Sản đảng:
Năm 1925, bên Trung Hoa chính phủ Tôn Dật Tiên có chủ trương dung Cộng sản, nên Nga cử một phái bộ qua giúp huấn luyện quân sự ở trường Hoàng Phố. Cầm đầu phái bộ Nga là Borodine, có Nguyễn Ái Quốc làm thông ngôn.
Năm 1926 Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Cách Mệnh Thanh Niên hội ở Quảng Châu.
Năm 1927, hai đảng Việt Nam Cách Mạng đảng và Việt Nam Cách Mệnh Thanh Niên hội phối hợp thành Việt Nam Cách Mệnh Đồng Chí hội - một số người của
Việt Nam Cách Mạng đảng không đồng ý, rút tên ra.
Năm 1928 Việt Nam Cách Mệnh Đồng Chí hội đổi thành Tân Việt Cách Mạng đảng; tuy nhiên nhóm đảng viên Cộng sản lộ diện thành lập Đông Dương Cộng Sản đảng, tung truyền đơn phê bình các lãnh đạo Tân Việt là tiểu tư sản và cách mạng giả hiệu.
Năm 1930 Đông Dương Cộng Sản Đảng bắt đầu hoạt động mạnh tại Nghệ Tĩnh, thẳng tay tra tấn, chém giết thủ tiêu những người không theo, bị Pháp lùng bắt, gần như tê liệt.
Đến năm 1937 khi Mặt trận Bình Dân nắm quyền ở Pháp, các đảng phái được tự do hoạt động hơn ở Đông Dương, nhờ đó Đông Dương Cộng Sản đảng hoạt động công khai, đến năm 1939 mới bị Pháp ruồng bắt trở lại, sau khi Mặt trận Bình Dân bên Pháp đổ.
(Xin xem tiếp ở phần viết về Chế Độ Cộng Sản tại Việt Nam).
*Việt Nam Quốc Dân Đảng:
Năm 1927, chịu ảnh hưởng cuộc Cách Mạng Tân Hợi của Tôn Dật Tiên bên Trung Hoa, các ông Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu... thành lập một đảng bí mật, lấy tên là Việt Nam Quốc Dân đảng, chủ trương chống Pháp dành độc lập, thiết lập thể chế Cộng hòa.
Ngày 10-2-1930 Việt Nam Quốc Dân đảng khởi nghiã võ trang bị thất bại. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và một số đảng viên cao cấp bị bắt và xử tử hình. Một số thoát qua Trung Hoa hoạt động, gây được nhiều ảnh hưởng tiếp nối về sau.
*Cộng sản Đệ Tứ Quốc tế:
Năm 1932, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm từ Pháp về, thành lập nhóm Cộng sản Đệ Tứ Quốc tế Melchevish, theo sự tách ra năm 1920 của đảng Cộng sản thành 2 nhóm Đệ Tam Bolchevish và Đệ Tứ Melchevish. Đệ Tứ do Trosky cầm đầu, nên còn có tên là Troskiste.
Nhóm này xuất bản báo La Lutte bằng chữ Pháp ở Sài Gòn, làm cơ quan ngôn luận.
*Việt Nam Phục Quốc hội:
Do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đứng đầu, kết hợp với Giáo phái Cao Đài ở Nam Kỳ, tổ chức võ trang chống Pháp.
*Đại Việt Dân Chính:
Do Nguyễn Tường Tam thành lập. Năm 1941 ông bị Pháp lùng bắt, phải trốn qua Trung Hoa. Qua Trung Hoa ông bị bắt vì tình nghi là gián điệp của Nhật. Nhờ Hải ngoại bộ của Việt Nam Quốc Dân đảng bảo lãnh ra khỏi tù, ông sáp nhập đảng Đại Việt Dân Chính vào Việt Nam Quốc Dân đảng, trở thành một trong những lãnh tụ lớn của Việt Nam Quốc Dân đảng.
*Đại Việt:
Năm 1938 ông Trương Tử Anh - một sinh viên trường luật thành lập đảng Đại Việt, hoạt động trong giới sinh viên học sinh. Năm 1945 do nhu cầu đoàn kết chống Việt Minh, ông sáp nhập Đại Việt vào Việt Nam Quốc Dân đảng, được bầu làm Đảng trưởng.
*Đại Việt Duy Dân:
Do Lý Đông A thành lập năm 1937, viết nhiều sách nói về chủ nghiã 'duy dân', chủ trương bình sản về kinh tế.
Ngoài ra trong thời gian này còn có một số đảng khác, như đảng Dân Chủ của nhóm Dương Đức Hiền, Thanh Nghị - Đại Việt Quốc Gia Liên minh của Ngô Thúc Địch, Nhượng Tống - Việt Nam Quốc Gia Độc Lập của nhóm Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm - Dân Xã Đảng của Giáo phái Hòa Hảo...
**Các đảng phái ở Trung Hoa:
Do bị Pháp đàn áp bắt giữ, nhiều nhà ái quốc Việt Nam đã phải chạy qua Trung Hoa hoạt động, thành lập một số đảng & tổ chức như Việt Nam Cách Mạng đảng của Nguyễn Hải Thần, Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội do Phan Bội Châu thành lập, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh hội do tướng Trung Hoa Trương Phát Khuê triệu tập hợp nhất một số đảng, bầu Trương Bội Công làm chủ tịch...
Lời bàn của sử sách
**Con Rồng Việt Nam
Đây là một cuốn hồi ký chánh trị của Hoàng đế Bảo Đại, tự sự về rất nhiều biến cố lịch sử mà chính nhà vua trực tiếp liên quan & hiểu biết từ 1913 đến 1987. Điều này sẽ phần nào giúp chúng ta hiểu được những khó khăn nhà vua phải đương đầu:
*'Khi hồi triều tôi cảm thấy khá nhiều thất vọng. Bởi vì, chính ngay tại nước mình, mà tôi được tiếp đón như khách, chứ không phải là chủ nhân ông thì vai trò của tôi quá bé nhỏ, làm sao mà dân chúng đợi chờ gì ở tôi được. Tất cả mọi việc từ to đến nhỏ, từ đời sống hàng ngày của dân chúng đến tương lai của đất nước, đâu tôi được quyền dòm đến? Tôi chỉ là một diễn viên sân khấu, thỉnh thoảng xuất hiện cho xôm trò, chứ đâu phải là người đạo diễn?
'Vậy thì các ý niệm làm hoàng đế như tôi đã từng tin tưởng, theo đúng tinh thần cơ bản truyền thống về nhiệm vụ của vị thiên tử, để cho triều đại được huy hoàng, thật quả đã xa vời, xa vời quá đỗi...
*'-Kính tâu Hoàng thượng, trước kia thì mỗi bộ tâu trình lên Hoàng đế, và đệ lên dự án để xin quyết định. Nhưng sau khi Đức tiên đế Khải Định băng hà năm 1925, thì đã có một thỏa ước với nước Pháp, theo đó Nội các sẽ họp dưới sự chủ tọa của viên Khâm sứ, mình phải báo cáo và xin quyết định. Tòa Khâm ra chỉ thị, nhứt là về ngân sách. Chính phủ Pháp thu thuế và trao lại cho Nam triều đủ để trả lương cho nhân viên để có thể tồn tại.
'-Chưa ai cho Trẫm biết về cái thỏa ước ấy, nếu trước đây Trẫm biết được, thì chắc hẳn Trẫm đã không chấp thuận.
'-Kính tâu Hoàng thượng, thỏa ước này là do Hội đồng Phụ chính ký. Thực tế, có trao hết quyền hạn cho viên Khâm sứ từ chính trị đến tư pháp. Ở Bắc kỳ, hiện nay, viên Thống sứ Hà Nội đang nắm quyền Phó vương rồi.
'-Vậy thì Trẫm còn gì?
'-Hoàng thượng còn giữ được quyền về nghi lễ, quyền ân xá tội nhân, quyền phong sắc cho các thần linh, quyền cấp phát tưởng lục, phẩm hàm cho người sống hay người chết...
*'-...Kể từ hôm nay, hãy bỏ ngay sự qùy lạy đối với Trẫm. Trong bất cứ buổi lễ nào chỉ cần vái ba vái đối với Hoàng đế mà thôi... Lạy để trán gập xuống đất, là một thái độ ươn hèn làm mất phẩm giá con người.
*'Ngày 10-12-1932, tôi cho công bố một đạo dụ, loan báo ý định cầm quyền của tôi dưới hình thức quân chủ lập hiến, và cải tổ bộ máy cần phải chiếu cố trước tiên là ngành quan lại, ngành quốc gia giáo dục, và ngành tư pháp.
*'Ngày 12-3-1945, tôi cho mời viên Đại sứ Yokoyama vào trao cho ông ta bản Tuyên Ngôn Độc Lập:
''Chiếu tình hình thế giới nói chung, và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia.
''Nước Việt Nam cố gắng tự lực, tự cường, để xứng đáng là một quốc gia độc lập, và sẽ theo đường hướng của bản Tuyên ngôn chung của khối Đại Đông Á, hầu giúp đỡ nhau tài nguyên cho nền thịnh vượng chung.
''Vì vậy, chính phủ nước Việt Nam đã đặt tin tưởng vào sự thành tín của nước Nhật, và đã có quyết định cộng tác với nước này, hầu đạt mục đích nói trên.
''Khâm thử.
''Huế ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại.
*'Không cần biết đến thái độ mà phe Đồng Minh sẽ đối xử với Việt Nam ra sao, chính phủ Trần Trọng Kim muốn lợi dụng cơ hội để một mặt hạn chế bớt những tham lam của Nhựt, mặt khác muốn tạo một sự bất khả kháng trường hợp người Pháp có thể quay về. Để chứng tỏ uy quyền tôi trên toàn quốc, tôi liền bổ Phan Kế Toại làm Khâm sai Đại thần ở Bắc Kỳ.
*'Trong Thông điệp gởi cho Tướng De Gaulle, tôi cố gắng giữ gìn khiêm tốn và ưu ái:
''Tôi xin quí bạn hãy hiểu cho rằng, phương tiện duy nhất để quí bạn bảo tồn được quyền lợi của Pháp, và bảo tồn nền văn hóa Pháp ở Đông Dương, chính là sự chấp nhận thành thực nền độc lập của Việt Nam, và sự từ chối mọi tư tưởng tái đặt chủ quyền và nền cai trị Pháp bất cứ dưới hình thức nào.
''Chúng ta có thể hiểu được nhau dễ dàng, và trở thành bạn tốt, nếu quí bạn đừng có dụng ý muốn trở lại làm chủ nhân ông của chúng tôi.
*'Tôi bỗng nhớ lại chiếc sà rơi và nhớ đến lời tiên tri của mẫu thân tôi: ''một chỗ ngoặt của đời con...''
'Những lời bí mật của Tạ Quang Bửu cũng nổi lên trong óc. Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh là gì, mà có thể động viên được dân chúng, cụ thể được nguyện vọng của mọi người, và đọc cho tôi đường hướng phải theo?
'Tôi không biết một lãnh tụ nào của họ. Thế mà... Họ đã liên lạc được với Đồng minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, trong khi lời kêu gọi của tôi gởi cho Tổng thống Truman, cho Thống chế Tưởng Giới Thạch, cho Quốc vương Anh, cho Tướng De Gaulle lại im lìm, không có hồi âm. Họ có súng đạn, phương tiện, còn tôi thì không có cả khả năng để tập hợp những bậc trung thần và những người thân cận xưa nay, bỗng câm như thóc, hay có âm mưu chống lại tôi... Họ đã chiếm được quyền hành không mất một mảy lông, và tôi bị bơ vơ trong một kinh thành chết.
'Tất cả như tập hợp lại cho họ, đầy bí hiểm. Sự thành công không thể chối cãi này, phải chăng là một dấu hiệu chứng tỏ họ đã nhận được thiên mệnh của Trời?
'Dân chúng vốn có một năng khiếu rất chắc chắn, để trong những giờ phút lịch sử thiêng liêng, đổ xô cả đến người có sứ mệnh lãnh đạo. Thời gian đã đến cho tôi, để sự lựa chọn mà hòa hợp với chính số mệnh của mình với số mệnh của toàn thể nhân dân.
'Tháng ba (tức thời Nhật) sự tồn vong lịch sử của đất nước, đã đòi hỏi tôi phải ở ngôi. Thì ngày nay, tôi phải theo nhân dân, cũng trong tinh thần ấy. Tôi phải thoái vị, như nhân dân đã đòi hỏi. Là Hoàng đế, tôi đã dấn thân cho nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc Việt Nam. Tôi không thể, ngày nay gây nên cảm tưởng đã đi ngược lại con đường đã mở ra cho đất nước.
*'Ngày 1-7-1949, tôi lập chính phủ Việt Nam đầu tiên, do tôi làm Quốc trưởng, và ấn định rằng, chức vụ của tôi được chính thức kể từ ngày hôm ấy. Một sắc lệnh thứ hai lập ra 3 kỳ (3 tỉnh lớn) và tổ chức về ngân sách cho 3 kỳ ấy.
'Ngày 3-7, tôi bổ nhiệm 3 vị thủ hiến cho 3 kỳ, Nguyễn Hữu Trí ở Bắc Việt, Phan Văn Giáo ở Trung Việt, và Trần Văn Hữu ở Nam Việt. Cả 3 đều đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quốc trưởng.
'Ngày 12-7, tôi trở về Huế là cố đô của Việt Nam mà tôi rời bỏ đã 4 năm qua. Tôi đọc một diễn văn vào ngày 14-7, trước cửa Ngọ Môn, nơi đó đã tập trung rất đông dân chúng. Lạ lùng sao, đám đông này như thấy một mặc cảm tội lỗi đối với tôi. Vì không phải là sự nồng nhiệt mà tôi thấy họ vui mừng như ở Sài Gòn, và ở Hà Nội. Dân chúng ở kinh thành như có vẻ ngượng ngùng đối với tôi, ngay khi tôi lái xe đi trong thành phố. Hình như họ đã hối hận, do 4 năm trước đã gây ra sự thoái vị của tôi.
*'Tôi kết thúc cuộc thị sát các thủ đô ở Hà Nội vào ngày 16-7-1949. Trước nhà hát lớn, tôi đọc một bài diễn văn nhấn mạnh về các vấn đề xã hội và kinh tế ''Chính phủ do tôi lãnh đạo, cố gắng hoàn tất một chương trình canh tân xã hội, nhằm đặt căn bản cho một chế độ quốc gia công bình và nhân ái''.
*'Hôm 25-4-1954, tôi cho Văn phòng của tôi ấn hành bản thông cáo nói rõ:
''Nước Việt Nam không thể chấp nhận những điều khoản về Hội nghị Genève dàn xếp, trong đó nước Pháp, đi trái với nguyên tắc của Liên Hiệp Pháp, mà nhân danh nó, nước Pháp lại đi điều đình với bọn phiến loạn chống lại nước Việt Nam và với những cường quốc đã chống lại Việt Nam''.
''Cả từ Quốc trưởng lẫn chính phủ và nhân dân Việt Nam đều coi như không liên hệ gì đến những quyết định đi ngược lại với nền độc lập và thống nhất của đất nước''.
*'Về phần tôi, tôi muốn tách rời hẳn với Ngô Đình Diệm, mà tôi không thể đi chung đường được. Nhứt là tôi không muốn liên hệ vào với chính sách chống Cộng, thanh trừng ở Việt Nam, nó làm cho nước tôi trở thành một quốc gia cảnh sát trị... Ông Diệm loan báo vào ngày 20-10-1955 cái gọi là trưng cầu dân ý, do ý chí của dân chúng Việt Nam quyết định.
'Ngày 26-10-1955 chính phủ Việt Nam Cộng Hòa được tuyên bố thành lập. Nhưng nó không phải là nước Việt Nam, nước mà tổ tiên tôi và triều đại của tôi đã dầy công xây dựng, bảo vệ và tái thiết. Quân đội mà tôi tạo nên để giữ vững nền độc lập ấy, đã trở thành một thứ lính bảo chính, nhằm để thực hiện các công tác mật vụ, nếu tôi còn là Hoàng đế, tôi lại phải thoái ngôi lần nữa.
**Một cơn gió bụi:
'Từ trước tôi không biết vua Bảo Đại là người như thế nào. Vì trong thời bảo hộ của nước Pháp, hình như ngài chán nản không làm gì cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Hôm mùng 7-4-1945, tôi vào yết kiến thấy có vẻ trang nghiêm và nói những điều đúng đắn.
'Ngài nói:
'Trước kia Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ Thượng Thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó với mọi việc.
(trích sđd các trang 50-51)
'Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập.
(trích sđd trang 53)
'Quan lại các tĩnh, phần nhiều là những tham quan ô lại chỉ quen sự thi hành mệnh lệnh của người Pháp, chứ không mấy người có đủ tư cách làm người công chức một nước tự chủ. Muốn thay đổi cácquan lại là một chuyện rất khó. Những người làm chính trị nói huyên thuyên thì nhiều, song những người chín chắn biết suy nghĩ và biết cách đối lại với dân chung cho êm ái thì ít. Việc chính trị là một việc rất phức tạp, cần phải có nhiều người lịch duyệt và tài cán mới làm được.
(trích sđd trang 56)
'Lá cờ vàng là từ xưa nước ta vẫn dùng. Trong sách Quốc Sử Diễn Ca nói khi bà Triệu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng lá cờ ấy khởi nghiã, nên có câu rằng ''Đầu voi phất ngọn cờ vàng''. Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ quốc; lấy dấu hiệu quẻ ly vì là trong lối chữ tối cổ của ta có tám chữ viết bằng vạch liền (dương) và vạch đứt (âm) để chỉ tám quẻ, chỉ 4 phương chính và bốn phương bàng, nói ở trong kinh dịch, mà quẻ ly chủ phương nam. Chữ Ly còn có nghiã là lửa, là văn minh, là ánh sáng phóng ra bốn phương.
'Lấy sắc vàng là hợp với lịch sử, lất quẻ ly là hợp với vị trí nước nhà, lại có nghiã chỉ một nước văn hiến như ta thường tự xưng. Như thế là lá cờ vàng quẻ ly có đủ các ý nghiã.
(trích sđd trang 60)
**Việt Sử Toàn Thư:
Cuộc xung đột Việt Pháp xảy ra đêm 19-12-1946 đã kéo dài đến tháng 9-1947, mà vẫn chẳng có sự thắng bại về bên nào hết. Pháp xoay ra dùng chính trị để giải quyết vấn đề Việt Nam... Các chính khách tại Ba Lê liền quay sang phiá quốc gia Việt Nam và mở cuộc điều đình với Cựu hoàng Bảo Đại lúc này đang lưu vong ở Hồng Kông. Rồi một chính phủ lâm thời do Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập vào cuối tháng 5-1948 dưới quyền bảo trợ của Cựu hoàng và ký tại vịnh Hạ Long một hiệp định vào ngày 5-6-1948.
**Các Vua Cuối Triều Nguyễn:
*'Bảo Đại chẳng coi việc gì quan trọng hơn nếp sống thu nhỏ trong căn nhà kính vương giả, hay những cuộc săn bắn tiệc tùng. Tuyên bố bất cứ điều gì người Pháp bảo nói. Ký bất cứ Dụ, Chỉ nào người Pháp bảo ký. Miễn hồ bảo vệ được đời sống xa hoa, nhung lụa, khác hẳn bầu không khí ảm đạm, buồn tẻ và nghèo nàn của lăng tẩm Đồng Khánh. Đây là đặc tính có một không hai của Bảo Đại, giúp vua sống còn qua bao thăng trầm của lịch sử.
*'Cá nhân Bảo Đại cũng không ưa Toàn quyền Decoux, thường tìm cách tránh mặt. Sau một tai nạn xe lửa ở Phan Thiết, Bảo Đại bỏ luôn các chuyến tuần thú.
Thái độ của Bảo Đại khiến Decoux bực tức, than phiền với Vichy vào ngày 17-4-1942:
''Rõ ràng ông ta chỉ dùng thì giờ vào những việc vô tích sự, làm việc thì ít và chứng tỏ thái độ dửng dưng với quốc sự; ông ta đặc biệt trốn tránh những cuộc tuần thú chính trị rất hữu ích và, khi tham dự, ông ta chui vào lớp vỏ nghi lễ để tránh những giao tiếp cần thiết với dân chúng'.
'Năm 1943, nhân dịp Decoux ăn mừng 3 năm chấp chánh, Bảo Đại còn tránh mặt không dự lễ trao huân chương cho Decoux, mà chỉ ủy Phạm Quỳnh - đã lên tới chức Thượng thư Bộ Lại từ ngày 12-5-1942 - đại diện.
*'Chính phủ Trần Trọng Kim mang lại nhiều đổi thay đáng kể. Trước hết là hiện tượng Việt Nam Hóa các cấu trúc xã hội và hành chính, giáo dục. Tiếng Việt mới được dùng cho các kỳ thi trong năm. Thủ tướng Kim cũng tìm được chữ Vietnamien để thay thế cho tiếng Annamite đầy sỉ nhục của các nhà truyền giáo.
'Về phương diện chính trị, chính phủ Kim thực hiện được sự thống nhất lãnh thổ.
Ngày 20-7-1945, Nhật trả cho chính phủ Kim 3 thị xã Hà Nội, Hải Phòng và Tourane, đã cắt nhượng cho Pháp làm thuộc địa từ thời Đồng Khánh. Đầu tháng 8-1945, Nhật cũng hoàn trả Nam Kỳ. Ngày 14-8-1945 Bảo Đại tuyên bố hủy hòa ước 1862 và 1884, và bổ nhậm Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai Nam Kỳ... Một loạt nhân sự mới - những thành phần ''cách mạng'' và ''chống Tây'' - được vội vã đưa lên thay thế những người bị cáo buộc là ''Việt gian, bồi bếp, tay sai Pháp''.
**Lịch Sử Các Đảng Phái Việt Nam:
'Các đảng phái Quốc Gia đã thất bại trong việc xây dựng một quốc gia độc lập, dân chủ; nhưng thất bại đó không phải là một thất bại hoàn toàn.
'Nếu chế độ chính trị gọi là chế độ Quốc Gia ngày nay đã khá vững vàng, là nhờ cuộc tranh đấu của các đảng phái. Đảng Cộng sản đã bị loại trừ ở một số khu vực, một phần nhờ các đảng phái Quốc gia đã đủ sức để tiêu diệt ảnh hưởng của đảng Cộng sản.
'Nếu các chánh quyền không khư khư giữ độc quyền ái quốc, độc quyền chính trị, thì chắc chắn đảng Cộng sản chẳng có thể bành trướng như ngày nay.
(Trích Trần Văn Tuyên - Đảng phái trước thời cuộc - tạp chí Trình Bày số 18, ngày 24-4-1971 tại Sài Gòn).
**Việt Nam Một Thế Kỷ Qua:
*'Các đảng phái quốc gia tuy nhiều, nhưng lực lượng không mạnh, chỉ huy không nhất trí, thiếu sách lược cụ thể và quyết đoán khi thời cơ đến, nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội hiếm có, khiến đảng Cộng sản Đông Dương, với Mặt Trận Việt Minh thống nhất hơn, có hệ thống hơn, đã nắm được thời cơ. Đây là một bài học đắng cay và bi đát không bao giờ có thể quên.
*'Bài học quan trọng lúc này là các đảng phái quốc gia người Việt đã không ý thức rõ rệt về tính chất phức tạp của tình hình quốc nội và quốc tế, nên đã không có một đối sách hữu hiệu, và lâm vào cảnh bị động. Cần công nhận rằng sách lược của Việt Minh tỏ ra mềm dẻo và khôn khéo, dùng đủ mọi cách để lách được con thuyền vượt qua thác ghềnh liên tiếp đổ tới. Ngày nay nghĩ lại những bài học ấy vẫn còn thấm thiá. Một chính đảng hay một con người, nếu chỉ biết chủ quan, tự đại, không nghiêm khắc với mình, không biết tự kiểm thảo, cùng chỉ cho mọi lời phê bình là nói xấu mình, thì nhất định sẽ lạc hậu và thất bại mãi mãi.
**Lịch Sử Chính Trị Việt Nam Cuối Thế Kỷ XX (1945 - 2000):
*'Quân dân kháng Pháp Nam Bộ kịch liệt phản đối Việt Minh ký Hiệp định 6-3-1946, lên án Việt Minh phản quốc. Cuộc chiến đấu đánh đuổi Pháp vẫn tiếp tục. Nhiều tổ chức dân quân kháng Pháp ở Nam Bộ ly khai Việt Minh. Cựu hoàng Bảo Đại thất vọng vì Việt Minh thỏa hiệp với thực dân Pháp, không đoàn kết được toàn dân chung sức bảo vệ độc lập quốc gia.
*'Quốc trưởng Bảo Đại vì mơ tưởng Việt Nam độc lập thống nhất trong hòa bình, nên tin nghe lời hứa hẹn giả dối của Pháp. Cuối cùng bị Huê Kỳ, Vatican và Pháp phế bỏ năm 1956.
**Việt Nam Nhân Chứng:
*'Bảo Đại đến Mỹ lần đầu tiên vào tháng 1-1982... Bảo Đại nói chuyện với chúng tôi suốt buổi sáng. Ông cho biết Trung Cộng cho người tiếp xúc nhưng ông chưa đồng ý. Bảo Đại cho rằng ông có phương cách tranh đấu, khác Shihanouk. Lập trường của ông về việc giải quyết vấn đề Việt Nam ở địa hạt quốc tế chứ không phải cục bộ. Tình thế chưa phải tuyệt vọng cho nước Việt Nam Tự do.
*'Chiều ngày thứ nhì, chúng tôi có tổ chức một buổi tiếp tân tại nhà ông bà Chiêu. Nơi đây bà Thị trường thành phố Westminster trao tặng chiếc chìa khóa thành phố cho Bảo Đại. Bảo Đại ngỏ lời cảm ơn bằng tiếng Việt:
'-Đây là lần thăm viếng nước Mỹ đầu tiên của tôi. Tôi qua thăm đồng bào tôi. Tôi thay mặt dân tộc Việt Nam cảm ơn chính quyền và dân chúng Mỹ đã dành cho dân Việt Nam lưu vong sự giúp đỡ nồng hậu để họ tạo lại đời sống mới tại nước này.
'Nhiều người cho rằng Bảo Đại không còn nói được tiếng Việt rành lắm, rõ ràng. Những lời ông nói hôm đó ngắn, có tính cách ngoại giao nhưng đầy đủ ý nghiã, đem lại lòng cảm mến đối với những người Mỹ có mặt.
'Sáng hôm sau 23-1-1982, Bảo Đại đến khai mạc Hội chợ Tết tại Westminster. Bà Thị trưởng mặc áo dài Việt Nam ra đón và cho cảnh sát hộ tống xe Bảo Đại đi đến Hội Chợ. Đồng bào tụ tập rất đông, người ôm mừng, người cầm tay bảo Đại, hô to ''Hoàng Đế Muôn Năm''.
'Kể từ năm 1947 đến nay tôi mới thấy đồng bào vui mừng chào đón Bảo Đại.
**Việt Nam 1945 - 1995:
*'Mặc dù đặt nhiều hy vọng vào Hoa Kỳ, Bảo Đại đã không được Hoa Kỳ thật tình ủng hộ và sẵn sàng bỏ rơi sau 1954, lý do chính vì ông bị coi là đã hợp tác với Nhật và là một ''bù nhìn'' của Pháp. Hoa Kỳ và những người chống ông đã không hiểu được rằng sau cuộc đảo chính 9-3-1945, Bảo Đại chỉ nhân cơ hội Pháp bị lật đổ để xây dựng một nước Việt Nam độc lập. Chính phủ Trần Trọng Kim do Bảo Đại thành lập là những người thực sự yêu nước, đã làm hết sức mình để giúp đỡ dân chúng, đã đem lại độc lập và thống nhất cho dân tộc, trước khi Nhật đầu hàng Đồng Minh.
*'Ngày 18-8-1945, đồng thời với việc chính phủ Trần Trọng Kim thành lập ''Ủy Ban Cứu Quốc'' kêu gọi các chính đảng đoàn kết để bảo vệ nền độc lập của xứ sở, Bảo Đại gửi thư cho Tổng thống Truman và các nhà lãnh đạo Đồng Minh (ngoại trừ Stalin) kêu gọi ủng hộ Việt Nam độc lập... Đáng tiếc là chính quyền Truman đã thiếu hiểu biết về tình hình ở Việt Nam và gạt bỏ lời kêu gọi chính đáng này.
'Bảo Đại không phải là một nhà cách mạng mà chỉ là một ông hoàng quen hưởng thụ cuộc sống vật chất, nhưng Bảo Đại cũng là một người yêu nước, chống chính sách thực dân và những hứa hẹn giả dối của Pháp. Ngay sau khi được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, Bảo Đại đã kêu gọi ''những nhà ái quốc hữu danh và ẩn danh'' nên mau mau ra giúp nước để ''đương đầu với một cuộc tái hồi ngoại thuộc''.
*'Nhược điểm và sai lầm của Bảo Đại là mặc dù chống đường lối của Pháp, nhưng cuối cùng vẫn để cho Pháp lèo lái. Nếu ngay từ đầu, Bảo Đại dứt khoát đòi Pháp trả lại Nam Kỳ với một lịch trình rõ rệt trao lại độc lập hoàn toàn cho Việt Nam thì chính nghiã sáng tỏ, so với hiệp định Sainteny - Hồ ngày 6-3-1946 và Tạm ước Hồ - Moutet ngày 14-9-1946. Ngoài ra, Bảo Đại đáng lẽ không nên chấp nhận việc Pháp đưa Nguyễn Văn Xuân và Trần Văn Hữu ra làm thủ tướng, mà phải nhất định thành lập lấy một chính phủ gồm những nhà ái quốc chân chính để lôi cuốn được sự tin tưởng của nhân dân. Việc Bảo Đại nhận tiền hối lộ của Bình Xuyên và ủng hộ trùm ''mafia'' Bảy Viễn cũng là một lỗi lầm trầm trọng'.
*'Cũng phải nói thêm là Bảo Đại và những chính trị gia hợp tác với ông, kể cả một số người thật lòng yêu nước, đều thiếu kinh nghiệm hoạt động ngoại giao, nhất là vận động sự ủng hộ của quốc tế.
**Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam:
*'Từ đầu năm 1951, giới ngoại giao Hoa Kỳ có ý định muốn thay Bảo Đại, và Diệm là một trong những người có thể thế chỗ.
*'Bảo Đại rất quyền thế, ông thay thủ tướng như cơm bữa. Trong 5 năm từ 1949 đến 1954, Bảo Đại thay 4 thủ tướng và ra lệnh họ đổi nội các 8 lần. Chuyện thay đổi rất dễ vì ngân sách quốc gia nằm trong tay Pháp, và Pháp có tiếng nói với Bảo Đại. Phải chờ đến năm 1954 khi nước đã đến chân và người Pháp không còn chỗ nào chạy, Mỹ mới ''đảo chánh'' được Pháp và đưa Ngô Đình Diệm vào.
**Hồi ký Richard Nixon:
*'Theo ý tôi, lẽ ra Johnson phải nói cho dân Mỹ về vai trò của chúng ta ở Việt Nam một cách thẳng thắn, không đưa ra những dự đoán lạc quan. Đất nước lẽ ra phải được thông báo về những khó khăn và cái giá của cuộc chiến đấu này. Johnson lẽ ra phải xác định Mỹ không chiến đấu vì mục đích duy nhất là giữ nền độc lập của Nam Việt Nam, mà còn phải làm thất bại sự xâm lấn gián tiếp của Trung Quốc và Liên Xô che dấu dưới những vỏ ngoài là một ''cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc''. Tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh miền Bắc Việt Nam đã tuyên bố rằng cuộc chiến tranh tiến hành chống Miền Nam Việt Nam là một mẫu mực cho phong trào cộng sản trên thế giới: nếu loạt chiến tranh này có thể thắng lợi ở đó, thì nó có thể tiến hành ở nơi khác.
Nhận Định
Bấy nay không ít sử sách thiếu khách quan và sự nghiên cứu tường tận, đã hùa nhau lên án & coi Bảo Đại như một ông vua bù nhìn, chỉ biết rong chơi và tuân lệnh Pháp, không làm được điều gì ích lợi cho dân cho nước?!
Điều này thực sự không còn đúng, vì chỉ qua một vài trích dẫn từ một số tài liệu như trên - nhất là đọc cuốn hồi ký chính trị Con Rồng Việt Nam do Bảo Đại tự sự, cho thấy ông đã bị các cận thần tước đoạt hết quyền hành trao cho Pháp trước khi lên nắm quyền. Mặc dù vậy, ông vẫn tìm cách đấu tranh đòi Pháp phải trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam, và ông đã thực hiện thành công điều này qua chính phủ Trần Trọng Kim dưới triều đại của ông.
Việc Bảo Đại không thèm dự lễ vinh danh Toàn quyền Decoux, không chịu thực hiện những chuyến tuần du tuyên truyền cho Pháp, thể hiện mạnh mẽ sự chống đối Pháp can đảm, hơn hẳn một số vị tiên đế của ông?
Rất tiếc Bảo Đại thiếu quyết tâm đến cùng, dễ chán nản, rong chơi tìm lãng quên vì bất lực trước sức mạnh của Pháp, cộng với sự mãi quốc cầu vinh của đa số triều thần đương thời... trong các cuộc giải trí khi đất nước nguy nan, khiến ông bị một số sử sách nghiên cứu chưa xét kỹ các nguyên nhân & tư liệu xa gần, nhận định và phê bình không hoàn toàn đúng?!
Ngoài ra nhận định của Tổng thống Mỹ Richard Nixon cho thấy rõ mục đích của Mỹ vào Việt Nam thay Pháp năm 1954. Rất tiếc các nhà lãnh đạo Việt sau Bảo Đại đã không lợi dụng được mục tiêu của Mỹ, để tự cường trở nên một thành trì kiên cố chống cộng như Nhật Bản, Nam Hàn, Đức Quốc cũng từng được Mỹ giúp?!
***
Một vấn đề quan trọng rất đáng nêu ra ở đây, là việc lãnh tụ đáng kính Nguyễn Thái Học khi thấy tình hình Việt Nam Quốc Dân Đảng lâm nguy, đã không chịu theo lời khuyên tạm lánh qua Tàu để giữ mình cho đại sự.
Ông tuyên bố 'Không thành công, cũng thành nhân'.
Bấy nay điều này vẫn được đề cao, và vẫn rất đáng nể trọng.
Nhưng nếu xét kỹ lại, mới thấy quan niệm 'tử tiết' mang lại nhiều hệ quả tai hại cho công cuộc đấu tranh chung về lâu về dài, khi vai trò của người lãnh đạo tài đức đã trở nên quan trọng nhất, vì thời thế đấu tranh dân chủ khác với thời thế quân chủ, vai trò của lãnh tụ quyết định sự sống còn không chỉ với một tổ chức hay đảng phái, mà còn ảnh hưởng tới cả sự tồn vong của Quốc Gia & Dân Tộc.
Thực vậy, nếu Nguyễn Thái Học chịu ẩn thân chờ thời cơ mới, Việt Nam Quốc Dân Đảng sẽ tồn tại & phát huy với một tư thế khác hẳn, sẽ đoàn kết thống nhất mạnh mẽ hơn, đất nước có người đủ uy tín đương đầu với Hồ Chí Minh, trở thành lãnh đạo tối cao để tập trung được nhân lực tạo sức mạnh cho phe Quốc Gia?
Sau này việc Nhất Linh Nguyễn Tường Tam uống thuốc độc phản đối chế độ Ngô Đình Diệm, tuy gây tác động mạnh làm chế độ sụp đổ, nhưng sau đó do thiếu lãnh tụ có tầm vóc lớn, được mọi người kính nể, mà nền Đệ II Cộng Hòa tiếp theo rơi vào tay quân đội, bị lụn tàn qua những cuộc chỉnh lý tranh giành quyền hành giữa những tướng lãnh kém ý thức và trình độ về chính trị?!
Do vậy mà ngày nay 'thành nhân' chỉ nên coi là điều kiện 'ắt phải có' ban đầu - 'thành công' mới là điều kiện 'và đủ' của một lãnh tụ Anh Hùng hoàn hảo, theo truyền thống Nhân & Trí & Hùng Việt Nam từ xa xưa - hơn hẳn quan niệm Nhân - Trí - Dũng của Trung Hoa?
Chỉ có Lạn Tương Như bên Tàu là tấm gương Trí & Dũng & Hùng vẹn toàn, rất đáng để chúng ta ngày nay tìm hiểu, noi theo: Văn quan Tương Như một mình làm nhục vua Tần không hề khiếp sợ, nhưng lại nhẫn nhục nhường nhịn Võ quan Liêm Pha, dần dần cảm hóa Liêm Pha, để có thể cùng nhau Văn + Võ kết hợp tồn tại chung lo việc nước.
***
Trên bản tin của BBC ngày 15-3-2021 có đăng bài viết của một nhà báo tự do đang sống tại Paris là ông Phạm Cao Phong, mang tựa ''Nhắc lại cuộc đời vua Bảo Đại và kết cục buồn cho Việt Nam'', trong đó có phần tìm hiểu về 2 ngôi trường mà vua Bảo Đại từng theo học ở Pháp:
- Trường thứ nhất là Cours Hattermers nơi từng đào tạo nhiều danh nhân tư tưởng của Pháp, trong đó có Jean Paul Sartre... ghi nhận: ''Ngoài việc dạy chữ khá đặc biệt, còn có những tiết giảng về mô hình xã hội thế tục, sự tôn trọng các tôn giáo không cùng màu sắc, và cùng chung sống thiện lương''.
- Trường thứ hai là Trường Khoa Học Chính Trị ELSP thường gọi ngắn gọn là ''Sciences PO'' có thành phần giảng dạy gồm nhiều chính trị gia đương quyền... Trường còn bắt buộc phải luyện tập thêm Thể lực.
Như vậy các kiến thức của vua Bảo Đại không hề tầm thường? Điều này có thể thấy qua một số hành động của Nhà Vua... nhưng bị các quyền thần hủ lậu ngăn cản, Pháp kiềm chế, sử sách không suy xét đề cập?
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.