Giới thiệu Nội Dung
Kể từ năm 1802, khi vua Gia Long lên ngôi là bắt đầu một thời kỳ mới, với những thay đổi lớn lao, lúc người Tây phương tràn vào Việt Nam truyền đạo, buôn bán... để rồi xâm lăng đặt nền đô hộ, truyền bá văn hóa Tây phương - một nền văn hóa hoàn toàn khác lạ với nền văn hóa Đông phương, từ Trung Quốc và Ấn Độ đã thâm nhập vào Việt Nam trước đó khoảng 2.000 năm.
Nếu vua Minh Trị Thiên Hoàng tại Nhật Bản sớm nhận ra sức mạnh của Tây phương, phần lớn nằm ở phần khoa học kỹ thuật, cử người đi học và đón thầy về giảng dạy, phát triển công kỹ nghệ; thì tại Việt Nam các vị vua triều đình nhà Nguyễn đã cấm đoán tất cả, bế quan tỏa cảng... đưa đến chỗ đối đầu, chuốc lấy thảm bại.
Triều đình đã yếu kém như vậy, mà giới sĩ phu Việt Nam đương thời hầu hết bị Tam Giáo làm cho tha hóa, mất gốc, nên cũng không thể nào có tư duy sáng suốt hơn: Thay vì chỉ tìm cách học hỏi khoa học kỹ thuật, thì các phong trào như Đông Du của Phan Bội Châu, Tây Du như Duy Tân của Phan Chu Trinh... lại đặt trọng tâm vào việc học đòi du nhập các tư tưởng văn hóa, chính trị... một cách thiếu thận trọng, chọn lọc; khiến trước đây nếu giới học thức đã bị tha hóa & vong thân mất gốc với Tam Giáo ngoại lai từ Đông phương, thì nay thêm một lần nữa, lại bị tha hóa & vong thân mất gốc với văn hóa tư tưởng ngoại lai từ Tây phương...
Một sĩ phu điển hình là Cao Bá Quát, từng tự thị là trong thiên hạ có 3 bồ chữ, mình giữ 1 bồ... từng được nhà vua khen 'Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán'... khi theo phái bộ sứ giả ra nước ngoài, dù mới chỉ tới được Singapore, trở về nước đã nhận ra sự thật, mà cảm thán qua mấy câu thơ:
'Nhai văn, nhá chữ buồn ta,
'Con giun còn biết đâu là cao sâu!
'Tân Ba từ vượt con tàu,
'Mới hay vũ trụ một bầu bao la.
'Giật mình khi ở xó nhà,
'Văn chương chữ nghiã khéo là trò chơi!
'Không đi khắp bốn phương trời,
'Vùi đầu án sách uổng đời làm trai.
Nguyễn Tường Tộ, Bùi Viện... khi ra nước ngoài cũng 'giật mình' như Cao Bá Quát, viết những bản tường trình tâm huyết... nhưng đều bị triều đình cổ hủ lạc hậu, giới học thức vong bản tha hóa đương thời coi nhẹ, do đầu óc thủ cựu ấu trĩ cực kỳ!
Sự việc cho thấy một phần nào giới học thức Việt đương thời, tuy đã nhận ra sự cổ hủ của Nho Giáo, nhưng thay vì sáng suốt trở về nguồn, thì lại từ bái phục Nho Giáo chạy qua đề cao các tư tưởng của Tây phương, khiến khi mất chính quyền về tay ngoại bang, thì cũng vong thân - vong bản luôn với văn hóa cội nguồn Việt Nam - một nền văn hóa có nhiều tư duy sắc bén hơn, hiện hữu từ lâu trước cả Đông Tây.
Chính nền văn hóa Việt có truyền thống văn hiến bác học lâu đời này, bị giới học phiệt vong bản u mê miệt thị là 'Bình Dân' - dù đã giúp dân tộc Việt trải mấy ngàn năm bị ngoại xâm đô hộ, vẫn giữ được bản sắc riêng, sản sinh ra các nhà lãnh đạo kiệt xuất - hầu hết xuất thân từ nông thôn, ít chịu ảnh hưởng tư tưởng ngoại lai, nhưng vẫn tài trí cao cường như Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ...
Có thể nói nếu giới Nông dân Việt ở nông thôn vẫn trước sau chung thủy, giữ gìn lưu truyền được bản sắc truyền thống văn hiến của văn hóa Việt, thì giới Sĩ - Công - Thương nơi thành thị gần gũi tiếp thu văn hóa ngoại lai theo đòi vọng ngoại, dễ bị tha hóa & vong thân, trở nên chao đảo trước các luồng gió văn minh ngoại lai, dễ dàng nhanh chóng thay đổi hùa nhau chạy theo.
Đáng trách nhất là giới học thức mà bất trí, khi bị tư tưởng ngoại lai mê hoặc, đã đem các tư tưởng này vào sách vở và các chương trình giáo dục, buộc ai nấy phải học hành thi cử - không còn đoái hoài gì đến văn hiến Việt Nam, miệt thị 'nôm na là cha mách qué', chê bai là 'văn chương bình dân' - để trở thành một lũ vong nô & vong bản làm tôi đòi văn hóa ngoại lai bao lần, rất hèn kém mà chẳng hề hay biết.
Nếu nay chúng ta chê cười Cộng sản Việt Nam là lũ vong nô, chỉ biết ca ngợi chủ thuyết Cộng Sản, lấy sách Mác Lê làm kinh điển... đề cao 'Tổ Quốc XHCN', mà quên Quốc Tổ Hùng Vương; thì trước đây chúng ta cũng chẳng khác họ bao nhiêu, khi cũng bao năm tung hô Khổng Tử là 'Vạn thế sư biểu', Nho Giáo là khuôn vàng thước ngọc, Tứ Thư - Ngũ Kinh là kinh điển phải học thuộc và tuân thủ mới đỗ đạt nên người; đã mấy ai chịu hiểu rằng đó chỉ là thứ văn hóa kiểu nô lệ dây leo, phụ thuộc muôn người vào một người qua tôn chỉ 'tam cương - tam tòng', không có gốc lớn vững bền?!
Lẽ ra chúng ta phải như người Nhật duy trì Thần Đạo, Võ Sĩ Đạo... mà nghiên cứu phân tích & tổng hợp, phát huy những tư tưởng & hành động của Lạc Long Quân & Âu Cơ lúc dựng nước, của các vị trong Tứ Bất Tử lúc giữ nước, các vị anh hùng & liệt nữ lúc cứu nước... luôn được dân tộc Việt Nam tôn thờ & hình thành đạo lý suy tôn 'Địa Linh & Nhân Kiệt' rất cao đẹp, sáng suốt đề cao quan niệm Thiên - Địa - Nhân ngang bằng, trau dồi Nhân - Trí - Hùng để ngẩng cao đầu lập thân, không qùy lạy bái Thiên, bái Địa, hay bái Nhân một cách khiếp nhược, mà đánh mất hết các giá trị Nhân Bản; rơi xuống quan niệm chỉ các vị thần thánh mới cao đạo, còn 'người trần mắt thịt' thì luôn xấu xa hèn mọn?!
Tìm hiểu tín ngưỡng Việt Nam qua các hình ảnh khắc họa trên trống đồng, qua các buổi hầu đồng của tín ngưỡng dân gian... chúng ta thấy bản sắc của người Việt luôn đứng thẳng nhảy múa ca hát ngâm vịnh, khi ca ngợi và biểu lộ sự hạnh phúc với Trời - Đất - Thần linh, chứ không có việc van xin qùy lạy mất nhân phẩm?
Đạo Hòa Hảo phần nào đã bảo trọng & phát huy được truyền thống này, khi chủ trương không dùng tu sĩ trong rao giảng, chỉ đứng khấn vái trước một ban thờ, lấy hoa thơm và nước sạch làm lễ vật... ngâm vịnh các bài văn thơ đề cao ơn Cha Mẹ sinh thành và Tổ quốc nuôi dưỡng... lên hàng đầu trong Tứ Ân...
***
Hậu quả tất yếu của sự mất gốc về tinh thần Tiên Rồng truyền thống, là sự thất bại tiếp nối bi đát của các phong trào cứu quốc nhưng vong bản, của các nhà lãnh đạo vong thân, mà nguyên do chính là sự giáo dục không thuyết phục được người dân ở nông thôn khi họ chiếm khoảng 90% dân số; chỉ lôi cuốn được những kẻ lấy sự học văn hóa ngoại lai làm con đường tiến thân tôi đòi, hết làm 'bầy tôi' - 'bồi tây', đến tôi tớ Nga Hoa, hầu vinh thân phì gia; ít ai còn đoái hoài đến tiền đồ Tổ quốc?!
Hai thế kỷ 19 và 20 gần gũi, ít bị các triều đại khác biệt kình chống tìm cách hủy hoại các tư liệu, nên những suy nghĩ của vua quan, giáo sĩ, nhân sĩ, chính trị gia, tướng lãnh đương thời... được ghi lại, lưu lại qua rất nhiều sách vở tự sự của các vị này và người cùng thời.
Nhất là nhờ lưu lạc tỵ nạn khắp nơi trên thế giới, từ sau năm 1975 nhiều nhà khảo cứu đã đến các thư viện ở Mỹ, Pháp, Úc, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn... tìm được các tư liệu liên quan tới lịch sử Việt Nam trong giai đoạn này, soi rọi làm sáng tỏ nhiều vấn đề & lấp một số các khoảng trống trong sử sách Việt Nam cận đại, giúp chúng ta nhận định rõ hơn về một số biến cố bấy nay gây ra nhiều hiểu lầm - chia rẽ, mà một thời chúng ta tưởng chừng không sao hiểu biết nổi.
Chúng tôi sẽ căn cứ vào một số ý tưởng có được trong các tư liệu này, diễn dịch & quy nạp phân định lẽ thiệt hơn, nêu lên nguyên nhân sự thất bại triền miên của từng triều đại, từng nhân vật, đưa dần đến việc quốc gia & dân tộc rơi vào thảm họa Cộng sản, khốn khổ lầm than khó thoát - nếu không biết sớm tu tỉnh giác ngộ, bắt đầu lại tất cả.
Có thể nói thế kỷ 19 và thế kỷ 20 là khoảng thời gian bi thảm nhất trong sử Việt, khi chính những người yêu nước đã không ý thức được rằng mình bị mê hoặc - mà u mê vì các tư tưởng ngoại lai về chính trị & tôn giáo, gây ra những tác hại ghê gớm, tạo ra những chia rẽ đến độ tương tàn thảm khốc, đưa đẩy đất nước đến chỗ bại vong.
Ai nấy hầu như quên hẳn mẫu số chung của mọi tư tưởng hành động ích quốc & lợi dân là phải hướng đến Quốc Gia & Dân Tộc - thay vì chỉ còn biết đến các khuynh hướng chính trị & tôn giáo mình tuân thủ, để xưng tụng theo chiều hướng duy ngã độc tôn, mà coi mọi điều khác là sai trái, rồi chia rẽ thù hận tàn sát lẫn nhau?!
Điều này chẳng khác gì câu chuyện các thầy bói rờ voi, tự cho mình là đúng, mà không biết rằng tuy đúng nhưng chỉ là cái đúng hạn hẹp trong sự hiểu biết rất giới hạn của mình?!
Một điều hiển nhiên mà ít được ai quan tâm đúng mức, là sự chuyển đổi vai trò giữa giới học thức Hán Học qua Tây học đã tùy tiện diễn ra, không được chính thức bàn giao trách nhiệm, nên mạnh ai nấy làm không theo một quy trình giáo dục & đào tạo quy củ nào, khiến sự tiếp nối bị hụt hẫng, chệch hướng?!
Nếu từ Văn học Chữ Hán chuyển sang Văn học Chữ Nôm được chính quyền do vua Quang Trung chỉ đạo đề cao, phát huy... thì từ nền văn học Chữ Nôm chuyển qua Văn học Quốc Ngữ hoàn toàn do các cá nhân như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh... phát triển một cách chậm chạp và giới hạn trong tầng lớp có học vấn. Phải nhờ đến Tự Lực Văn Đoàn, nhóm Tân Dân... sự phát triển này mới phổ biến rộng rãi một cách tương đối hơn, để có thể hình thành một nền Văn Học Mới khá hoàn chỉnh được mệnh danh là Kim Văn giảng dạy tại nhà trường song song với Cổ Văn, tạo phần nào ảnh hưởng sâu rộng vào đại chúng.
Trong phạm vi chính trị, các phong trào Văn Thân, Cần Vương, Đông Du, Duy Tân... của các Nho Gia như Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Trương Công Định, Thủ khoa Huân, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... được tiếp nối với các trí thức Tây học như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Tường Tam... nhưng hoàn toàn tự phát, không được các nhà cầm quyền thành lập các tổ chức nghiên cứu hỗ trợ, nên chỉ có thể trở thành sản phẩm riêng tư của các đảng phái & tôn giáo với các chủ trương chính kiến khác nhau, không có được một mẫu số chung để cùng nhau kết hợp xây dựng Quốc Gia, đoàn kết Dân Tộc, hầu có thể hợp quần làm nên sức mạnh.
Sau này trong cuộc chiến Quốc - Cộng 1954 - 1975, các lực lượng ái quốc còn bị các tôn giáo ngoại lai lấn sân, gây ra nạn bè phái tranh quyền & đoạt chức... hãm hại nhau... khiến tiềm năng của dân tộc bị sứt mẻ thêm một lần, mất nhiều nhân tài qua các cuộc thanh toán hoặc tù đày ở phiá Quốc Gia cũng như Cộng sản.
Nếu chúng tôi phân tích chứng minh được điều trên, khác với sử sách bấy nay, để ai nấy quan tâm nhìn ra nguyên nhân việc đất nước rơi vào tay những kẻ kém tài đức, vong bản... thiết tưởng cũng là việc làm quan trọng đáng kể, vì có thể giúp các nhà đấu tranh ái quốc chân chính hiện tại và trong tương lai không còn bị lầm đường lạc lối, mà nhìn ra mẫu số chung của vấn đề cứu quốc, phục quốc, kiến quốc... là Quốc gia & Dân tộc, chứ không hề là các tôn chỉ của các ý thức hệ tôn giáo, chính trị...
Đau lòng hơn hết, là gần đây một số giới trẻ có học thức và địa vị ở hải ngoại, đã không chịu tìm hiểu về chủ trương và hậu quả nhỡn tiền từ các hành vi tàn độc của Cộng sản Việt Nam, nhâng nháo nhân danh quyền dân chủ tự do để hợp tác ca ngợi, mà không chịu phân tích và tổng hợp những tác hại của Cộng sản Việt Nam đã và đang gây ra cho Quốc gia & Dân tộc, từ khi họ xuất hiện cho đến nay!
Lỗi này một phần nào cũng do báo chí hải ngoại - nơi duy nhất và cuối cùng có thể vạch ra những phải trái sau bao thất bại thảm thương, thì lại suy yếu đến độ hầu như các báo điện tử tiếng Việt (phương tiện truyền thông rộng rãi hữu hiệu và hiện đại nhất) khi đăng tải các bài viết, luôn có những lời rào đón cho rằng 'bài viết phản ảnh quan điểm của tác giả - tòa soạn không chịu trách nhiệm về nội dung bài viết'...
Trên đây là tâm huyết của tác giả khi cầm bút Khởi thảo Kinh Thư Việt Nam - Quyển III có nội dung viết về thời Cận Đại và Hiện Đại, khi Dân tộc Trong nước và Hải ngoại phải Đối đầu với Tây phương và Cộng sản Bắc phương, dễ bị tha hóa vì các tư tưởng ngoại lai một cách u mê, sẽ khiến không ít người trở thành xuẩn động, vong thân, vong bản...
Khác với Quyển I và Quyển II, ở phần trích dẫn Quyển III chúng tôi không để tên tác giả ở ngay phần trích dẫn - mà chỉ đề tên tác phẩm, nhằm tạo sự khách quan, tránh các thành kiến...
Chúng tôi rất mong nhận được các đóng góp ý kiến và tư liệu quý giá của Qúy vị Học giả, Độc giả, hầu có thể hoàn thiện một công việc đòi hỏi rất nhiều công sức; và nhất là duyên may gặp gỡ các nhân chứng & sách vở quan yếu, thu thập được các tài liệu giá trị.
Úc Châu tháng 3-2021
Nguyễn Xuân Khoan & Nguyễn Xuân Hương
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.