Nhà Lý có 9 đời vua:
1/ Lý Thái Tổ 1010 - 1028
2/ Lý Thái Tông 1028 - 1054
3/ Lý Thánh Tông 1054 - 1072
4/ Lý Nhân Tông 1072 - 1127
5/ Lý Thần Tông 1128 - 1138
6/ Lý Anh Tông 1138 - 1175
7/ Lý Cao Tông 1175 - 1210
8/ Lý Huệ Tông 1210 - 1224
9/ Lý Chiêu Hoàng 1224 - 1225
Nhà vua họ Lý tên Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang. Tương truyền Mẹ họ Phạm đi chơi chùa Tiêu Sơn, cùng với thần giao hợp có mang, sinh ra Công Uẩn ngày 12-2 năm Giáp Tuất 974. (Thực tế có thể liên quan tới một nhà tu hành, nên sau này được nhân vật này bí mật giúp đỡ?)
Khi Công Uẩn 3 tuổi, mẹ đưa đến nhà Thiền sư Lý Khánh Văn, được Khánh Văn nhận làm con nuôi, vì thấy vẻ người tuấn tú thông minh khác thường.
Lúc nhỏ theo học ở chùa Lục Tổ, Thiền sư Vạn Hạnh thấy mặt khen rằng: 'Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ'.
Công Uẩn lớn lên tỏ ra là người khí khái, có chí lớn.
Làm chức quan nhỏ đời vua Lê Trung Tông, khi Trung Tông bị Long Đĩnh giết, ai nấy lo sợ, chỉ có Công Uẩn dám ôm xác nhà vua khóc thương. Long Đĩnh thấy vậy khen là người trung dũng, cho làm chức Phó Chỉ Huy sứ Tứ Sương Quân có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành, rồi thăng lên chức Tả vệ Điện tiền Chỉ huy sứ.
Trước khi vua Lê Long Đĩnh mất, ở châu Cổ Pháp (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc) có cây gạo bị sét đánh, lộ ra bài thơ sấm:
'Gốc cây trăng trắng
'Vỏ cây xanh xanh
'Hoa đao mộc ngã
'Thập bát tử thành
'Đông A nhập địa
'Cây khác lại xanh
'Cung Chấn vầng nhật
'Cung Đoài ẩn tinh
'Khoảng sáu bảy năm
'Thiên hạ thái bình
(Hoa đao mộc là chữ Lê. Thập bát tử là chữ Lý. Đông A là họ Trần. Nhập địa là Bắc phương sang xâm lấn. Cây khác lại xanh là họ Lê sống lại. Ngụ ý họ Lê mạt, họ Lý nổi lên, sáu bảy năm sau thiên hạ sẽ thái bình).
Thiền sư Vạn Hạnh xem thơ, bảo riêng với Công Uẩn rằng: 'Cứ theo lời sấm này, thì họ Lý phải nổi lên, hiện nay không ai bằng ông cả'.
Công Uẩn sợ câu nói bị tiết lộ, sai người giấu Thiền sư Vạn Hạnh vào trong núi Tiêu Sơn.
Cùng lúc vua Long Đĩnh ăn quả khế thấy trong ruột có hột mận (chữ Hán gọi cây mận là cây lý), lại thấy xuất hiện bài thơ sấm, mật sai tìm người họ Lý giết, nhưng không ngờ Lý Công Uẩn ở ngay bên cạnh mà không hay.
Vua Long Đĩnh mất, thế tử nối ngôi còn nhỏ tuổi, Công Uẩn cùng với Hữu vệ Điện tiền Chỉ huy sứ là Nguyễn Đê mỗi người được đem 500 quân Tùy Long vào làm túc vệ.
Khi ấy quan Chi Hậu là Đào Cam Mộc biết Công Uẩn có ý muốn làm vua, thừa lúc vắng người nói với Công Uẩn: 'Lòng dân ngong ngóng, muốn được có bậc chân chúa, sao ông không nhân lúc này, theo gương vua Thang, Vũ, bắt chước việc làm của nhà Đinh, Lê, khư khư giữ tiểu tiết làm gì?'.
Thấy Công Uẩn không tỏ ý phản đối, Đào Cam Mộc lập tức nói với các triều thần họp ở triều đường rằng: 'Quan Thân Vệ là người từ thứ khoan nhân, lòng dân chúng đều hướng về ông ấy'.
Rồi đem việc tâu với Thái hậu, đồng lòng phò Công Uẩn lên ngôi vua, trăm quan tung hô vạn tuế.
Ngày trước ở chùa Thiên Tâm, châu Cổ Pháp, có con chó đẻ ra chó con sắc trắng, lưng có lông đen hình thành hai chữ 'thiên tử', người ta cho đó là điềm báo rằng sẽ có người sinh vào năm Tuất lên làm vua. Nay ứng vào Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất.
Lý Công Uẩn lên ngôi, lấy hiệu là Thái Tổ Hoàng Đế, ở ngôi 18 năm (1010 - 1028), được coi là vị vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, mở vận.
Nhà vua là người nhân từ khoan thứ, tinh tế hòa nhã, có lượng đế vương.
Nhà vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của bậc đế vương, mới dời đô ra thành Đại La ở miền Bắc, tự tay viết chiếu truyền rằng:
'... Thành Đại La đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở...'.
Mùa thu năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ thành Hoa Lư ra thành Đại La, thấy rồng vàng hiện lên trước thuyền nhà vua, nhân đó đổi tên là Thăng Long, cho dựng nhiều cung điện, xây 4 cửa nhìn về 4 hướng đông tây nam bắc, giữa xây lầu Ngũ Phượng và chùa Hưng Thiên, phát ra 1.680 lạng bạc để đúc chuông lớn 12.000 cân đồng, treo ở chùa Đại Giáo, lập hơn 300 ngôi chùa. Năm 1018, nhà vua sai quan sang Tàu thỉnh kinh Tam Tạng về phổ biến.
Nhà vua xuống chiếu đại xá thuế trong 3 năm, dựng lại các nơi thờ phượng đổ nát, ân xá cho các tội nhân.
Nhà vua lập 9 hoàng hậu, phong tước Vương cho các hoàng tử, tất cả đều phải cầm quân đi đánh giặc, nên ai nấy giỏi việc binh. Còn các công chúa lo việc thu thuế.
Nhà Tống phong Lý Thái Tổ làm Giao Chỉ Quận Vương, lĩnh Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ. Sau lại gia phong làm Nam Bình Vương.
*Về chính trị: Nhà vua lưu tâm sửa sang nhiều việc, thay đổi phép tắc của các triều đại cũ: Chia nước làm 24 lộ, gọi Hoan Châu và Ái Châu là trại. Định ra 6 thứ thuế: thuế ruộng ao đầm, thuế bãi trồng dâu và bãi phù sa bên sông, thuế sản vật ở rừng, thuế mắm muối đi qua ải quan, thuế sừng tê ngà voi và các sản phẩm trên núi, thuế tre gỗ hoa quả.
*Về quân sự: Nhà vua thân chinh đi dẹp giặc một số nơi trong và ngoài nước như giặc Cử Long ở Ái Châu năm 1011, giặc Nam Chiếu năm 1014...
*Về ngoại giao: Nhà vua giữ hòa hiếu với nhà Tống, được các nước Chiêm Thành và Chân Lạp đều qui phục, sai sứ sang triều cống.
*Về tôn giáo: Nhờ Thiền sư Khánh Vân nuôi lớn, Thiền sư Vạn Hạnh dạy dỗ, nên nhà vua rất trọng Phật Giáo, lập hơn 300 ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa rất lớn. Lấy sự thờ Phật làm quốc giáo, đánh thắng giặc cũng làm lễ tạ ơn Phật...
*Về văn nghệ, nhà vua ưa thích ca nhạc, có cô gái họ Đào hát rất hay, thường được ban thưởng. Người đương thời hâm mộ tiếng hát của Đào Thị, nên gọi các cô gái làm nghề ca hát là 'đào nương' từ đó.
Năm 1028 khi vua mất, các hoàng tử tranh ngôi gây biến trong triều.
Nguyên lúc phong Thái tử Phật Mã làm Khai Thiên vương, nhà vua thay vì để thái tử ở ngay trong triều, lại lập ra cung Long Đức ở ngoài thành cho thái tử ở, ý muốn cho thái tử gần gũi dân chúng.
Do vậy khi nhà vua mất, có 3 vị hoàng tử là Đông Chính vương, Dực Thánh vương và Vũ Đức vương, đem quân ở phủ của mình vào trong cấm thành, chờ thái tử tới lên ngôi thì đánh.
Nhờ có Lê Phụng Hiểu sức mạnh hơn người, giết Vũ Đức Vương khiến quân của 3 phủ cả sợ bỏ chạy. Nhà vua nghĩ tình cốt nhục, tha tội cho hai vị vương còn lại, cho phục chức cũ.
Lê Phụng Hiểu là người làng Băng Sơn, Ái Châu. Khi nhỏ nổi tiếng có sức mạnh hơn người, mỗi bữa ăn đến vài đấu gạo. Sau khi giúp nhà vua dẹp nội loạn, được vua ban thưởng, Lê Phụng Hiểu nói không muốn quan tước, chỉ xin đứng trên núi Băng Sơn (nay là xã Dương Sơn, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) ném thanh đại đao rơi xuống chỗ nào, thì được ban cho ruộng đất đến chỗ đó. Vua y cho, Phụng Hiểu từ trên núi ném thanh đại đao xa hơn 10 dặm, rơi xuống làng Đa My, được nhận đất đến đó, không phải nộp thuế. Từ đó, nói đến thưởng công thường dùng chữ 'ném đao'.
Thái tử Phật Mã lên ngôi, tức là vua Lý Thái Tông.
Là con trưởng của Lý Thái Tổ, mẹ họ Lê, sinh ngày 26-6 năm Canh Tí (1000) tại Hoa Lư, khi cha còn làm quan cho triều đình Tiền Lê. Được lập làm thái tử năm Nhâm Tí (1024), lên ngôi ngày 4-3 năm Mậu Thìn (1028).
Để tránh sự phản nghịch trong triều đình, vua Thái Tông lập ra lệ: Hàng năm các quan và hoàng thân quốc thích trong triều phải đến đền thờ Đồng Cổ (nay ở làng Yên Thái, Hà Nội), làm lễ đọc lời thề rằng: 'Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung. Ai bất hiếu, bất trung, xin qủy thần làm tội'.
Ở trong cung, Thái Tông quy định số hậu và phi là 13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ 100 người. Các cung nữ phải học nghề thêu dệt gấm vóc.
Lý Thái Tông khi sinh ra có tướng lạ, lại có nhiều điềm tốt, là người có thiên tư đĩnh ngộ, thông lục nghệ, có tài thao lược, nên đã thực hiện được nhiều thành quả tốt đẹp:
*Về chính trị: Nhà vua khởi công xây điện Thiên Khánh làm nơi họp bàn chính sự. Định ra mũ áo cho các quan văn võ theo từng phẩm trật.
Nhà vua chủ trương tản quyền, không đặt quan tiết trấn, việc cai trị và quân sự ở các châu giao cho các châu mục và tù trưởng, nên dễ sinh ra phản loạn.
Tuy phải đi đánh dẹp nhiều nơi, nhưng nhà vua vẫn không sao lãng chuyện triều chính, cai trị theo đường lối thương dân. Năm nào đói kém hay thắng giặc trở về, lại giảm thuế cho dân vài năm.
*Về kinh tế: Đời nhà Lý rất trọng nông nghiệp, năm nào nhà vua cũng đi xem nông dân cấy cầy. Vua xây đền thờ Thần Nông, đầu năm cày ruộng tịch điền ở cửa Bố Hải (nay là cửa Bo, thị xã Thái Bình, tỉnh Thái Bình).
Trong cung, các cung nữ phải học nghề dệt gấm vóc để may áo cho vua quan, chứ không chỉ để nhà vua dùng riêng; không dùng gấm vóc mua của Trung Quốc.
*Về tư pháp: Nhà vua thấy có nhiều bản án có thể gây oan khuất, nên nhân nằm mộng Thượng Đế sắc phong cho quan Thái úy của vua Lê Đại Hành là Phạm Cự Lượng xuống làm quan lo hình án cho hạ giới, lập đền thờ ở phiá tây nam kinh thành, cho dân kiện cáo có thể đến thề nguyền.
Nhà vua sửa lại luật pháp, định rõ các cấp bậc hình phạt, phương pháp tra hỏi. Trừ những ai phạm vào 10 tội ác, còn lại nếu già hoặc trẻ có thể lấy tiền chuộc tội.
Bấy giờ việc hình ngục phiền nhiễu, các quan xét xử chỉ cốt dụng ý thâm độc hầu có thể tham ô, nên vua sai quan Trung Thư định ra luật lệnh, châm chước các tội sao cho vừa phải với đương thời, chia ra nhiều môn loại hình án. Từ đấy pháp luật xử kiện rất minh bạch, đổi niên hiệu là Minh Đạo, đúc đồng tiền Minh Đạo để ca ngợi.
Vua sai đặt một cái chuông lớn ở sân rồng, dân chúng có sự oan ức gì được đánh chuông để thấu đến tai vua.
Triều Lý tra xét lại nhân khẩu, trai tráng 18 tuổi biên vào sổ vàng, gọi là hoàng nam. Quan chức chỉ được nuôi một hoàng nam làm đầy tớ, ai nuôi nhiều hơn bị trị tội.
*Về tôn giáo: Nhà vua phát triển Phật Giáo vào tận triều đình, đặt các tượng La Hán ngay sân rồng. Lại cho tô hơn một ngàn pho tượng Phật đặt nhiều nơi.
Vua sai đặt ra đàn Xã Tắc để bốn mùa cúng tế cầu mùa màng tốt tươi.
*Về quân sự: Do được vua cha cử đi trấn thủ, quen việc binh đao, nên nhà vua rất thiện chiến, tự cầm binh đánh dẹp nhiều nơi:
-Đánh giặc Nùng: Ở châu Quảng Nguyên (nay là Lạng Sơn) có người Nùng hay phản loạn.
Năm 1038 Nùng Tồn Phúc làm phản, tự xưng là Chiêu Thánh hoàng đế, đem quân đánh phá. Năm 1039 vua Thái Tông thân chinh đem quân đi đánh tan, bắt giết Nùng Tồn Phúc. Nhưng hoàng hậu là A Nùng cùng con là Nùng Trí Cao trốn thoát.
Năm 1041 Nùng Trí Cao cùng A Nùng chiếm châu Đảng Do (gần Lạng Sơn) lập ra Đại Lịch Quốc. Vua Thái Tông sai tướng đem quân đánh bắt được, giải về Thăng Long. Nhà vua nghĩ tình trước đã giết cha, nên thương hại không nỡ giết, tha tội rồi phong cho làm Quảng Nguyên Mục, gia phong Thái Bảo.
Năm 1048 Nùng Trí Cao lại làm phản, xưng là Nhân Huệ hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Nam. Trí Cao xin thần phục nhà Tống, nhưng không được, liền đem quân đánh Ung Châu, chiếm được 8 châu của tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Vua Tống sai Địch Thanh đánh tan. Nùng Trí Cao trốn qua nước Đại Lý, bị Đại Lý bắt chém đầu nộp nhà Tống. Giặc Nùng từ đó mới yên.
-Đánh Chiêm Thành: Thái Tông lên ngôi vua 15 năm, mà Chiêm Thành vẫn không chịu thông sứ, lại luôn quấy nhiễu vùng biển. Nên năm 1044 vua ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Quân Chiêm thua to, tướng Chiêm là Quách Gia Gi chém vua Chiêm là Sạ Đẩu rồi xin đầu hàng.
Thấy quan quân chém giết người Chiêm quá nhiều, vua Thái Tông thương xót, ra lệnh cấm không được giết nữa, tiến binh đến quốc đô của Chiêm là thành Phật Thệ (nay ở làng Nguyệt Hậu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên), vào thành bắt được Vương phi Mỵ Ê và các cung nữ đem về.
Khi nhà vua về đến sông Lý Nhân, cho đòi Mỵ Ê sang hầu, Mỵ Ê giữ tiết quấn chăn nhảy xuống sông tự tử. Vua khen là người trinh tiết, phong làm Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân. Dân chúng ở Lý Nhân đêm đêm nghe tiếng khóc ở trên sông, cảm phục lập đền thờ.
Vua Lý Thái Tông mất năm 1054, thọ 55 tuổi, ở ngôi được 27 năm.
Chính sử chép là con trưởng vua Lý Thái Tông, mẹ họ Mai, được phong Kim Thiên thái hậu. Duy Đại Việt Sử lược chép là con thứ ba của vua Lý Thái Tông, mẹ là Linh Cảm thái hậu. Sinh ngày 25-2 năm Qúy Hợi (1023), được lập thái tử ngày 6-5 năm Mậu Thìn (1028), lên ngôi ngày 1-10 năm Giáp Ngọ (1054)
Thái tử Nhật Tông lên ngôi lấy hiệu là Thánh Tông, đặt quốc hiệu là Đại Việt. Mẹ là Kim Thiên thái hậu họ Mai, nằm chiêm bao thấy mặt trăng vào bụng rồi có mang.
Nhà vua khéo kế thừa sự nghiệp, thực lòng thương dân, trọng nghề nông thương, thực hiện nền nếp sinh hoạt văn hóa từ trong triều đình đến ngoài dân gian.
** Kiệt nữ ý Lan Phu Nhân:
Tương truyền nhà vua tới 40 tuổi mà chưa có con trai, lo lắng đi cầu tự khắp nơi, đến làng Thổ Lội (sau đổi là Siêu Loại, rồi Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) thấy một cô gái không tới xem vua ngự giá, đứng tựa dưới một cây ngọc lan. Nhà vua ngạc nhiên cho vời đến, thì thấy cô gái tuy quê mùa nhưng nhan sắc xinh đẹp, phong thái đoan trang, liền vời về cung, đặt tên là ý Lan (tức cô gái đứng dựa cây lan). Về cung, ý Lan chăm chỉ học tập, lầu thông kinh sử, giúp vua nhiều việc chính sự, được phong làm ý Lan phu nhân.
ý Lan phu nhân sinh được hoàng nam, đặt tên là Càn Đức, từ đó được phong làm Thái phi.
Theo thần tích làng Siêu Loại, khi nhà vua đi đánh Chiêm Thành, Dương hậu biết ý Lan có thai, sợ bị mất địa vị cũng nói mình có thai. Khi ý Lan sinh hoàng nam, Dương hậu sai thị nữ bắt người con nhận là của mình, vu cáo Ý Lan sinh sinh quái thai, giam vào lãnh cung. Sau việc bị lộ, mẹ con ý Lan được minh oan, nhưng nhà vua vốn nhân đạo không nỡ làm tội Dương hậu.
Khi thái tử Càn Đức được 7 tuổi, vua cha băng hà, Dương hậu cậy quyền nắm việc triều chính như một vị Thái hậu, khiến ý Lan thù hận, nói nhà vua truất quyền rồi giết Dương hậu cùng 72 cung nữ đã cùng Thái hậu mưu hại mình.
Sau việc trả thù trên, ý Lan thái hậu ân hận, tôn sùng đạo Phật, làm rất nhiều điều thiện, xây dựng 70 ngôi chùa vùng Kinh Bắc để sám hối.
**
*Về Chính trị: Vua Lý Thánh Tông định lại triều phục nghiêm trang hơn: các quan vào chầu phải đội khăn bịt đầu, đi hài có bí tất. Nhà vua phát tiền lương cho các quan, gọi là tiền 'dưỡng liêm' để tránh sự nhũng lạm. Trước đó các quan đều không được lĩnh lương, lợi tức dựa vào các loại tiền thuế thu của dân.
*Về Tôn giáo: Ngoài việc tôn sùng Phật Giáo, nhà vua cho xây miếu thờ Khổng Tử ở phiá nam thành Thăng Long, sai tô tượng Chu Công, Khổng Tử và 4 vị tứ phối của Nho Giáo là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, vẽ hình 72 người học trò giỏi của Khổng Tử, làm lễ tế xuân thu nhị kỳ để đề cao Nho Giáo. Nhờ vậy Nho Giáo phát triển mạnh từ đây.
*Về Quân sự: Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Qúy Đôn, một vị quan cai trị vùng biên giới Hoa Việt đương thời, có dâng lên vua Tống Thần Tông (1068 - 1085) cuốn sách 'An Nam Hành Quân Pháp' của triều Lý, ghi chép cách tổ chức binh bị của Việt Nam rất tinh nhuệ, để bắt chước.
Nhà vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành thắng lợi. Tục truyền khi vua quan nản lòng vì địa thế hiểm trở, muốn lui binh thì được biết ý Lan phu nhân ở nhà thay vua trị nước nghiêm minh, lại làm bánh Phu Thê gửi ra cho vua và quân sĩ dùng, khiến ai nấy nức lòng mà đánh thắng quân giặc.
Vua Lý Thánh Tông mất năm 50 tuổi, ở ngôi được 17 năm.
Là con trưởng của vua Thần Tông, mẹ là Lê thái hậu, sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136), lên ngôi ngày 1-10 năm Mậu Ngọ (1138)
Thái tử Thiên Tộ mới 3 tuổi thì vua cha qua đời, lên nối ngôi là vua Lý Anh Tông.
Thái hậu là Lê Thị nhiếp chính, tư thông với Đỗ Anh Vũ khiến Đỗ Anh Vũ chuyên quyền, lộng hành. Các vị quan to trong triều như Vũ Đài, Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc, Dương Tự Minh mưu trừ Đỗ Anh Vũ không thành, đều bị giết hại cả.
Tuy nhiên, nhờ trong triều lúc đó còn có nhiều người tài đức như Tô Hiến Thành, Hoàng Nghiã Hiền, Lý Công Tín... nên Đỗ Anh Vũ không dám có ý khác.
** Thờ Địa Linh & Nhân Kiệt:
Nhà vua khởi đầu việc lập đền thờ các vị nhân thần - là những người có công lớn với quốc gia dân tộc - như Tản Viên Sơn thần, Bố Cái Đại vương, Ông Nghiêm, Ông Mẫu... chính thức hóa tín ngưỡng thờ Địa Linh & Nhân Kiệt của người Việt từ xa xưa.
Nhà vua thể hiện được cốt cách minh quân, được vua Tống thừa nhận là đấng Chân Vương, lần đầu tiên ban cho tên nước là An Nam Quốc, cùng ấn bằng vàng.
Có thể nói nhà vua đã được quan Thái phó Tô Hiến Thành là người tài đức, giúp luyện tập quân lính, kén chọn người tài làm tướng, giúp binh thế nhà Lý phấn chấn, đánh dẹp giặc giã.
Ông Tô Hiến Thành chẳng những giỏi việc võ, mà còn chăm sóc việc văn, xin vua phát triển việc học theo chiều hướng của Nho Giáo, lập đền thờ Đức Khổng Tử ở cửa nam thành Thăng Long để tôn vinh Nho Học.
Năm 1175, trước khi mất vua Lý Anh Tông uỷ thác cho quan Thái phó Tô Hiến Thành phò tá Thái tử Long Cán lên làm vua.
Vua Lý Anh Tông trị vì được 37 năm, thọ 40 tuổi.
Là con thứ sáu của vua Anh Tông, mẹ là Thụy Châu thái hậu, họ Đỗ, sinh ngày 25-2 năm Qúy Tỵ (1173), lên ngôi tháng 7 năm Ất Mùi (1175).
Thái tử Long Cán lên ngôi khi chưa đầy 3 tuổi, bà Chiêu Linh Thái hậu muốn lập người con trưởng Long Xưởng bị tội gian dâm với cung phi giáng làm dân, là con mình lên ngôi, hối lộ cho vợ ông Tô Hiến Thành, nhưng ông Tô Hiến Thành không chấp nhận.
Ông Tô Hiến Thành giúp vua Cao Tông trị nước đến năm 1179 thì mất.
Sử chép khi ông bệnh, có quan Tham tri Chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ. Lúc ông sắp mất, bà Đỗ Thái hậu hỏi ông tiến cử ai thay thế, ông tiến cử quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá. Thái hậu ngạc nhiên hỏi sao ông không tiến cử ông Vũ Tán Đường? Ông đáp: 'Nếu Thái hậu hỏi cần người hầu hạ, tôi xin cử ông Vũ Tán Đường, còn nếu hỏi cần người lo việc nước, thì tôi xin cử ông Trần Trung Tá'.
Khi ông Tô Hiến Thành mất, triều đình không theo lời ông dặn, cử Đỗ Yên Di làm Phụ chính, Lý Kính Tu làm Đế sư, nên khi vua Cao Tông lớn khôn cầm quyền không ai cản ngăn, thích săn bắn chơi bời, lập cung xây điện, bắt trăm họ phục dịch rất vất vả.
Nhà vua sai nhạc công theo âm điệu Chiêm Thành, chế ra những tấu khúc bi ai, ai nghe cũng phải nhỏ lệ. Nhà sư Nguyên Thường nói: 'Tôi được biết âm thanh mất nước thì nghe như oán, như hờn. Nay nhà vua rong chơi vô độ, việc triều chính rối loạn, lại còn chế ra âm điệu này là điềm mất nước đó!'.
(Điều này khiến người ta liên tưởng đến loại nhạc của Trịnh Công Sơn, báo hiệu sự mất nước của Miền Nam Việt Nam hồi 1975?!)
Giặc giã nổi lên ở nhiều nơi, vua tôi không lo chấn chỉnh việc nước, lại chỉ mua quan bán tước, ức hiếp dân lành lấy tiền chi tiêu xa xỉ.
Năm 1208 có Phạm Du ở Nghệ An, làm phản. Vua sai quan Phụng ngự là Phạm Bỉnh Di đi đánh dẹp. Phạm Bỉnh Di đánh đuổi Phạm Du, tịch biên tài sản, đốt phá nhà cửa.
Phạm Du cho người đem bạc vàng về đút lót các quan trong triều, vu Phạm Bỉnh Di hung bạo, giết cả người vô tội. Rồi Phạm Du xin về triều kêu oan.
Vua Cao Tông tin lời dèm pha của bọn triều thần ăn hối lộ của Phạm Du, triệu cả hai về triều, bắt Phạm Bỉnh Di làm tội.
Bộ tướng của Phạm Bỉnh Di là Quách Bốc đem quân phá thành vào toan cứu
Phạm Bỉnh Di. Vua Cao Tông liền giết Phạm Bỉnh Di, rồi cùng Thái tử chạy lên sông Qui Hòa (sông Thao, Phú Thọ). Thái tử Sam chạy vào Hải ấp, ngụ nhà Trần Lý là người đánh cá giàu có, quê huyện Mỹ Lộc, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thái tử Sam thấy Trần Lý có cô con gái xinh đẹp, liền lấy làm vợ, phong cho Trần Lý tước Minh Tự, người cậu của Trần Thị là Tô Trung Từ làm Điện tiền Chỉ huy sứ.
Họ Trần bỏ tiền chiêu binh mãi mã, đem quân về kinh dẹp loạn, rồi rước vua Cao Tông và Thái tử về triều.
Vua Cao Tông về kinh được một năm thì mất năm 1210, trị vì được 35 năm, thọ 38 tuổi.
Là con trưởng vua Cao Tông, mẹ là Đàm thái hậu, sinh tháng 7 năm Giáp Dần (1194), được lập làm thái tử tháng 1 năm Mậu Thìn (1208), lên ngôi cuối năm Canh Ngọ (1210)
Thái tử Sam lên ngôi, tức là vua Huệ Tông, sai quan rước Trần Thị về phong làm Nguyên phi.
Lúc bấy giờ Trần Lý đã bị giặc giết, người con thứ ba là Trần Tự Khánh thay thế, được nhà vua phong làm Chương Tín hầu, và Tô Trung Từ làm Thái úy Lưu Bá.
Thấy họ Trần thế lực mạnh, có thể cướp ngôi, Thái hậu đối xử tàn tệ với Trần Thị. Trần Tự Khánh đem quân về kinh, khiến nhà vua nghi Trần Tự Khánh làm phản, giáng Trần Thị xuống làm Ngự nữ, rồi cùng Thái hậu chạy lên Lạng Châu (Lạng Sơn). Thái hậu tức giận định bỏ thuốc độc cho Trần Thị, khiến nhà vua đến bữa ăn chỉ ăn một nửa, còn một nửa cho Trần Thị ăn, rồi bắt Trần Thị phải cận kề ngày đêm. Sau thấy Thái hậu làm ngặt quá, Huệ Tông và Trần Thị đang đêm phải bỏ trốn, vời Trần Tự Khánh đến hộ giá.
Trần Tự Khánh đem quân đến đưa vua về kinh, nhà vua phong cho Trần Thị làm Hoàng hậu, Trần Tự Khánh làm Phụ chính, anh Tự Khánh là Trần Thừa làm Nội thị Phán thủ. Họ Trần sửa sang quân ngũ, thanh thế mạnh dần lên.
Vua Huệ Tông bỗng lâm bệnh, thỉnh thoảng nổi cơn điên, rồi uống rượu ngủ cả ngày, việc triều chính đều do tay Trần Tự Khánh quyết đoán cả.
Năm 1228, Trần Tự Khánh mất, Huệ Tông phong Trần Thừa làm Phụ quốc Thái úy. Năm sau cho người em họ Hoàng hậu là Trần Thủ Độ làm Điện tiền Chỉ huy sứ. Trần Thủ Độ tìm cách nắm hết binh quyền trong tay.
Huệ Tông bệnh không khỏi, không có con trai nối giõi, chỉ sinh được hai người con gái. Người chị là Thuận Thiên công chúa gả cho con trưởng của Trần Thừa là Trần Liễu, người em là Chiêu Thánh công chúa mới 7 tuổi, được vua qúy mến lập làm Thái tử cho nối ngôi.
Năm 1224 vua Lý Huệ Tông truyền ngôi cho Chiêu Thánh công chúa, vào chùa Chân Giáo tu.
Vua Lý Huệ Tông trị vì được 14 năm thì rời ngôi.
Là con thứ vua Huệ Tông, mẹ là Trần Thị Dung, được phong Thuận Trinh thái hậu, được lập làm thái tử năm Giáp Thân (1224), và truyền ngôi ngay sau đó. Nữ hoàng ở ngôi hơn một năm, đến tháng 12 năm Ất Dậu (1225) thì nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, trở thành hoàng hậu.
Chiêu Thánh công chúa lên ngôi, là vua Chiêu Hoàng, nhưng quyền hành trong tay Trần Thủ Độ.
Trần Thủ Độ tư thông với Trần Thái hậu, mưu cướp cơ nghiệp nhà Lý, đưa con cháu họ Trần vào triều làm quan rất đông. Lại đưa cháu là Trần Cảnh vào hầu cận Lý Chiêu Hoàng. Cuối năm Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh, rồi nhường ngôi cho chồng.
Triều đại nhà Lý đến đây là chấm dứt, làm vua được 9 đời, tổng cộng 216 năm.
Lời bàn của sử sách
**Lê Văn Hưu:
-'Lý Thái Tổ mới lên ngôi được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Bậc vua sáng nghiệp tự mình cần kiệm, còn lo con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới mới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?'
...
'-Năm trước Nùng Tồn Phúc phản nghịch, tiếm hiệu, lập nước, đặt quan thuộc, Thái Tông đã trị tội Tồn Phúc mà tha cho con là Trí Cao. Nay trí Cao lại noi theo việc trái phép của cha thì tội lớn lắm, giết đi là phải. Nếu lấy lại tước và ấp phong, giáng làm thứ dân thì cũng phải. Thái Tông đã tha tội, lại cho thêm mấy châu quận nữa, ban cho ấn tín, phong làm thái bảo, như thế là thưởng phạt không có phép tắc gì. Đến khi Trí Cao gây tai họa ở Quảng Nguyên, lại đem quân đi đánh, mượn cớ là viện trợ láng giềng, có khác gì thả cọp beo cho cắn người, rồi từ từ đến cứu không? Đó là vì Thái Tông say đắm cái lòng nhân nhỏ nhặt của nhà Phật, mà quên mất cái nghiã lớn của người làm vua.
...
'-Phàm việc trù tính ở trong màn trướng, quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm, đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên thắng lợi. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận. Thần Tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở Thái miếu, xét công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc. Nay lại qui công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công, cổ lệ chí khí của quân sĩ'.
**Ngô Sĩ Liên:
'-Sư Vạn Hạnh mới trông thấy Lý Thái Tổ, biết là người khác thường, đến khi thấy sét đánh thành vết chữ thì đoán biết thời thế thay đổi, như thế là có trí thức vượt người thường vậy. Nhưng dứt tính mệnh, bỏ nhân luân, chán trần tục ồn ào, nương cửa thiền tịch mịch, để trong sạch lấy một mình, người quân tử không cho là phải.
...
'-Cùng lòng, cùng đức, tất sự nghiệp có thể thành. Có vua, có tôi, gian hiểm nào cũng vượt được. Thái Tông đương lúc đau xót, biến loạn sinh ngay kẽ nách mà vua tôi xử trí gẫy gọn phải lẽ, vượt được hiểm nạn, làm nên sự nghiệp, tông miếu nhờ đó được vững yên. Không phải vua tôi gặp gỡ, cùng đức, cùng lòng mà được như thế ư?
...
'-Lý Thái Tổ dấy lên, trời mở điềm lành hiện ra ở vết cây sét đánh. Có đức tất có ngôi bởi lòng người theo về, lại vừa sau lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược, mà vua thì vốn có tiếng khoan nhân, trời thường tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức, nếu bỏ vua thì còn biết theo ai! Xem việc vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc đế vương. Duy có việc ham thích đạo Phật, đạo Lão là chỗ kém.
...
'-Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay!
...
'-Chức việc của thái tử, ngoài việc thăm hỏi hầu cơm vua ra, khi ở lại giữ nước thì gọi là giám quốc, khi đem quân đi thì gọi là phủ quân, có thế mà thôi, chưa nghe thấy ai xử kiện bao giờ. Phàm xử kiện là việc của hữu ty. Thái Tông sai Khai Hoàng vương làm việc đó không phải là chức phận của thái tử, lại lấy điện Quảng Vũ làm nơi vương xử kiện là không đúng chỗ.
...
'-Sử khen vua Thái Tông là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy, nên có thể làm mọi việc, song câu nệ về lễ yến hưởng vua tôi, đương lúc đau thương mà cũng vui chơi, khiến cho đạo chí hiếu có thiếu sót. Mê hoặc bởi cái thuyết từ ái của Phật, mà tha tội cho bề tôi phản nghịch, thì lòng nhân ấy thành ra nhu nhơ, đó là chỗ kém.
...
'-Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong; phiá nam bình Chiêm; phiá bắc đánh Tống, uy vũ biểu dương hiển hách bên ngoài. Tuy có việc lầm lỗi nhỏ khác cũng vẫn là bậc vua hiền. Hoặc là có người bảo là vua nhân nhu có thừa mà cương đoán không đủ, ngụ ý chưa cho là phải.
...
'-Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Bấy giờ vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to. Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián việc ấy?
...
'-Nhân Tông học thức cao minh, hiểu sâu cớ sống chết, như lẽ tất nhiên có ngày thì có đêm. Lời di chiếu nói rất thấu lẽ, đủ biết cái ý ''không gõ chậu hát ca, đến lúc tuổi già than tiếc'' (Dẫn lời quẻ Ly trong Kinh Dịch). Dạy người như thế thật sâu xa vậy. Tuy nhiên, ở Nhân Tông thì đó là lời nói sáng đạo, mà ở Thần Tông thì lại là việc làm thất hiếu. Văn Hưu bàn thế là phải.
...
'-Nhân Tông thường nhân việc mở hội Phật mà tha cho người có tội, là không phải lẽ, nhưng mà còn mượn tiếng hội Phật. Còn như vua Thần Tông thì không có việc gì mà cũng tha bổng. Phàm người có tội phạm pháp, có kẻ nặng người nhẹ, năm bực hình phạt, có trên có dưới, sao lại có thể tha bổng được? Nếu nhất loạt tha cả thì kẻ tiểu nhân may mà được khỏi tội, đó không phải là phúc cho người quân tử. Cho nên thời xưa nói về đạo trị nước, tuy nói rằng không thể không xá tội, nhưng cũng cho rằng xá tội là có hại. Tha lỗi thì được, tha tội thì không được. Kinh Dịch nói ''Tha lỗi, giảm tội''. Kinh Thư nói ''Lầm lỗi thì tha cho, cố phạm thì trị tội''. Thế là phải.
...
'-Tô Hiến Thành nhân việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng dập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng. Thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy.
...
'-Đến đời Huệ Tông, cái độc hại cho thiên hạ đã ăn sâu lắm, mà vua không phải người giỏi giang cứng cát, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa cái độc đã sâu thì làm thế nào được. Huống chi vua lại bị chứng hiểm, chữa không khỏi, lại không có con trai để nối nghiệp lớn, thế là điềm nguy vong đã hiện ra rồi. Tục truyền rằng Lý Thái Tổ khi mới được thiên hạ, xa giá về Cổ Pháp ngự chơi chùa hương Phù Đổng, có thần nhân đề thơ ở cột chùa rằng:
'Nhất bát công đức thủy
'Tùy duyên hóa thế gian
'Quang Trung trùng chiếu chúc
'Một ảnh nhật đăng san
Nghiã là:
'Một bát nước công đức của Phật
'Theo duyên sinh hóa ở thế gian
'Sáng rực 2 lần đuốc dọi
'Mặt trời gác núi là hết bóng.
'Chiết tự chữ 'bát' ở câu đầu có nghiã là 8 đời...
'Đến khi là Lý mất, mới cho bài thơ ấy là nghiệm. Vì từ đời Huệ Tông trở lên đến Thái Tổ là 8 đời. Huệ Tông tên là Sảm, gồm phần trên của chữ Sảm là chữ Nhật, phần dưới là chữ Sơn, mang hình ảnh 'mặt trời gác núi' của câu thơ cuối trong bài thơ trên'.
**Ngô Thời Sĩ:
'Xét nhà Lý có 8 vua nối nhau, 218 năm không có vua nào thất đức lớn, nhiều vua thánh hiền, lâu năm thái bình, từ tiền cổ đến khi ấy chưa có triều nào hơn. Đại ước cách thống trị của đời vua, chỉ cần pháp độ, chứ không cần người cho lắm, chính sự thì chuộng khoan hậu, không chuộng sự bạo tàn; đương khi vô sự thì cứ theo sách cũ, giữ chế độ cũ, tuy là vua còn nhỏ tuổi, mà vẫn thống trị nổi. Đến lúc suy thì pháp trị đổ nát, không lấy lại được, hết oai thế, không thể gượng lên được, quân đội không tinh thần chiến đấu, quan chức không có người đảm đang được việc đó. Đó là vì quá nhân nhu, thành ra cô tức, sau khi việc bỏ bê đến nỗi đắm đuối, chất phác thì bị bọn quyền gian lừa dối, nhu nhược thì bị kẻ cường bạo sai khiến. Tuy bảo là Huệ Tôn làm mất nước, nhưng cái mầm mất nước mọc ra đã lâu, đó cũng là tình thế xui nên. Các hàng quan tại triều cũng có Đào Cam Mộc giúp cho hưng quốc, Lê Phụng Hiểu bình định biến loạn trong gia đình, Lý Thường Kiệt mở rộng biên cương. Bá Ngọc phò tá vua nhỏ tuổi, Đạo Thành giúp đỡ chính sự khi vua mới lên ngôi, Kính Tư phò tá luôn bên cạnh, Tử Tư giỏi việc bang giao. Ông nào cũng có công lớn để lại, duy có người đủ tài lược, phẩm vọng, hết lòng trung thành, gánh vác công việc rất khó, làm cho vua được yên trên ngôi báu, nước được hưởng phúc thái bình, thì lại chỉ có một Tô Hiến Thành là hơn hết.
'Thế nhưng mà trọn triều Lý thì lễ văn thiếu sót, chính sự thô sơ, chậm chạp, không biết thêm bớt, có nhiều cơ hội làm được mà không biết sửa sang thể cách chính trị, điều đó là lỗi ở các vị đại thần không sao chối cãi được.
...
'-Suốt đời nhà Lý chỉ thấy có 2 lần nhắc đến lập nhà học, mà qui chế thi cử không nhất định. Sĩ phu ở vào thời bấy giờ không có gì để mài dũa học vấn, bồi dưỡng khí tiết. Người đã vào vòng sĩ hoạn thì chỉ mượn sự báo tin có điềm tốt để làm bậc bước lên chức cao. Người nào đã hiển đạt rồi thì chỉ y a phụ họa để làm kế giữ vững địa vị. Như thế hỏi sao mà sĩ phu chả thối nát, nhân tài chả suy kém, bị lôi cuốn và lưu tục, không thụ lập được ở trên đời; có được vài người như Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt cũng là ngẫu nhiên đó thôi. Cổ nhân nói: 'Trời không cho có hiền tài xuống giúp nhà vua, là tại không biết cách gây dựng lấy nhân tài đó, không thể đổ lỗi tại thời đại không có nhân tài được.
**Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái:
'-Bà ý Lan nhiếp chính:
'Nhân Tông tuổi chưa là bao,
'Ngoài ra triều yết, trong vào giảng minh.
'Thụ di có Lý Đạo Thành,
'ý Lan hoàng hậu buông mành giúp nên.
'Mở khoa bác học cầu hiền,
'Ba thăng một mẫu, thuế điền nhẹ thay!
'Có khi xem gặt xem cầy,
'Lòng chăm điền dã một ngày mấy tao.
'Mưa ân ngấm khắp dồi dào,
'Chuộc người bần nữ gả vào quan phu.
'-Lý Thường Kiệt bại Chiêm phá Tống:
'Thân chinh xe ngựa trì khu,
'Phá Sa động bắt man tù Ngụy Phang.
'Chiêm Thành nộp đất xin hàng,
'Ba châu quy phục một đường thanh di.
'Tống binh xâm nhiễu biên thùy,
'Tướng quân Thường Kiệt dựng kỳ Bắc chinh.
'Bên dòng Như Nguyệt trú dinh,
'Giang sơn dường có thần linh hộ trì.
'Miếu tiền phảng phất ngâm thi,
'Như phân địa thế, như trì thiên binh.
'Bấy giờ Tống mới hoảng kinh,
'Giảng hòa lại trả mấy thành cố cương.
'Lại còn hối hận một chương,
'Tham voi Giao Chỉ, mất vàng Quảng Nguyên.
'Năm mươi năm lẻ lâu bền,
'Võ công, văn đức rạng truyền sử xanh.
'-Tài kinh quốc của Tô Hiến Thành:
'Thác cô nhờ có tôi hiền,
'Dẫu người hối chức mà quyền chẳng sai.
'Cao Tông ba tuổi nối đời,
'Hiến Thành cư nhiếp trong ngoài đều yên.
**Trần Trọng Kim:
'Nhà Lý có công làm cho nước Nam ta nên được một nước cường thịnh: ngoài thì đánh nước Tàu, bình nước Chiêm; trong thì chỉnh đốn việc võ bị, sửa sang pháp luật, xây vững nền tự chủ. Vì vua Cao Tông hoang chơi, làm mất lòng người, cho nên giặc giã nổi lên, loạn thần nhiễu sự. Vua Huệ Tông lại nhu nhược bỏ việc chính trị, đem giang sơn phó thác cho người con gái đang thơ dại, khiến cho kẻ gian hùng được nhân dịp mà lấy giang sơn nhà Lý, lập ra cơ nghiệp nhà Trần vậy.
**Đào Duy Anh:
-'Lý ThườngKiệt là người anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh vào nội địa Trung Quốc, phá âm mưu xâm lược của địch. Trong cuộc đánh Ung Châu, với tư tưởng "tiên phát chế nhân', Lý Thường Kiệt đã dùng chiến lược độc đáo phá trước những căn cứ địa của địch, và đã dùng những chiến thuật nghi binh, chặn đường tiếp viện, đánh gọng kìm để bao vây tiêu diệt địch. Cuộc đại thắng Ung Châu đã tỏ rằng Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự lỗi lạc.
-'Trong cảnh tượng 'thái bình thịnh trị', các vua chúa và đại quí tộc thu thập được nhiều của cải, cho nên sinh hoạt của họ rất xa xỉ phung phí.
-'Nhà Lý sụp đổ là do sự nổi dậy của nhân dân không chịu nổi sự bóc lột tàn bạo của bọn qúi tộc quan liêu dâm ô xa xỉ.
**Phạm Văn Sơn:
'Từ Khúc Hạo dấy nghiệp đến Dương Đình Nghệ, Kiểu Công Tiễn, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, nền tự chủ của dân tộc Việt Nam mới thành hình nên mọi qui mô chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa còn phôi thai ấu trĩ. Nhưng đến Lý triều đời sống của dân tộc ta bành trướng mỗi ngày một mạnh. Nền tảng đã vững chắc, các vương triều sau đã thúc đẩy dân tộc đi khác xa trên con đường tiến hóa.
Nhận Định
Qua một số nhận xét phê bình tiêu biểu của các sử quan, sử gia, sử sách kể trên, chúng ta thấy:
1/ Một số sử sách do sử quan, sử gia xuất thân Nho Học, đã bị tha hóa khi lấy Nho Giáo làm căn bản để nhận định và phê phán các tôn giáo khác. Đây là khuyết điểm tai hại của lối học hành vọng ngoại xưa nay - từ thời Nho Giáo thịnh hành đến thời Cộng sản độc tôn - đã khiến không ít giới học thức Việt bị vong bản, mất gốc, tư duy chủ quan tha hóa xu nịnh, không thể trở thành người ''Trí Thức'', di hại cho các đời sau rất nhiều.
Việc Việt Nam từng mất nước một thời vì Tàu, vì Pháp, vì Cộng Sản... chính là do lối giáo dục vong bản, chỉ ca ngợi tư tưởng ngoại lai, không còn nhìn ra sức mạnh bản địa hóa của tinh thần Lạc Việt, coi nhẹ các giá trị tư tưởng cổ truyền trong cổ tích, ca dao... đã giúp Việt Nam trở thành một trong mấy nền văn hóa uyên thâm lâu đời nhất trên thế giới.
Cụ thể như trong các sách của Dương Quảng Hàm, được dùng làm căn bản giáo khoa trong suốt thời kỳ cận đại, đã không nhận ra nội dung rất 'bác học' của ca dao và cổ tích Việt Nam, đánh giá hạ thấp bằng hai chữ 'bình dân' khiến cả một nền văn học uyên bác bị vùi dập đau thương?!
Ngày nay, muốn phục hưng sức mạnh quốc gia dân tộc, trước tiên cần phục hồi được nền văn hiến của dân tộc, tiềm tàng trong văn học từng bị miệt thị là 'bình dân'. Sau đó xét đến sức mạnh bản địa hóa của văn hóa Việt nam với các nền văn hóa Đông Tây ngoại nhập, mới có thể thấy được và tự hào về sự ưu việt của Văn Hóa Lạc Việt - qua thông điệp 'Hùng Vương' của Long Quân và Âu Cơ...
Những người có học mà thiếu xét suy quên cội nguồn, chủ trương độc tôn về một giáo điều nào đó, gây chia rẽ, chứng tỏ họ chỉ là kẻ có vốn học thức về những gì họ đã học được, rồi tuân thủ một chiều như con ngựa kéo xe bị che hai bên mắt; họ chưa thể trở thành một người 'Trí Thức' đúng nghiã?
2/ Về nội dung nền tảng tư tưởng văn hóa dân tộc, tức phong tục tôn thờ Địa Linh Nhân Kiệt, đã được thể hiện rõ nét dưới triều đại nhà Lý, nhưng không được các sử quan, sử gia, sử sách chịu ảnh hưởng ngoại lai trân trọng ghi nhận, chỉ chép lại một cách sơ lược mấy câu trong cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư mà chúng tôi xin trích dẫn. Rồi sau đấy ít thấy ai nhắc nhở khai thác thêm:
'Năm Bính Thìn 1016, động đất làm lễ tế vong các danh sơn (tức Địa Linh). Vua nhân đi xem núi sông, đến bến đò Cổ Sở (có tên nôm là bến Giá, nay ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội), thấy khí tốt của núi sông, tâm thần cảm động, bèn làm lễ rưới rượu xuống đất, khấn rằng: ''Trẫm xem địa phương này, núi lạ sông đẹp, nếu có nhân kiệt địa linh thì hưởng lễ''. Đêm ấy, vua chiêm bao thấy có dị nhân đến cúi đầu lạy hai lạy, nói: ''Thần là người làng này, họ Lý tên Phục Man, làm tướng giúp Nam Đế, có tiếng là người trung liệt, được giao trông coi hai giải núi sông Đỗ Động và Đường Lâm, bọn Di Lão không dám xâm phạm biên giới, một phương yên bình. Đến khi chết, Thượng Đế khen là trung trực, sắc cho giữ chức như cũ. Cho nên phàm giặc Man Di đến cướp đều chống giữ được cả. Nay may được bệ hạ thương đến, biết cho thần giữ chức này đã lâu rồi''. Rồi thung dung nói: ''Thiên hạ khi mờ tối, trung thần giấu tính danh giữa trời nhật nguyệt sáng, ai chẳng thấy dáng hình''. Vua thức dậy nói việc ấy với Ngự sử Đại phu Lương Nhậm Văn rằng: ''Đó là ý thần muốn tạc tượng''. Vua sai bói xin âm dương, quả nhiên thấy đúng như thế, bèn sai người trong châu lập đền đắp tượng đúng như hình dạng người trong chiêm bao, tuế thời cúng tế. Khoảng niên hiệu Nguyên Phong (1251 - 1258) đời Trần, người Thát Đát vào cướp, đi đến địa phương này, ngựa khuỵu chân không đi được, người trong thôn dẫn dân chúng ra chống đánh, chém được đầu giặc, giặc chạy tan. Khoảng năm Trùng Hưng (1285 - 1293) Thát Đát lại vào cướp, đến đâu cũng đốt phá, mà ấp ấy vẫn như được che chở, không bị xâm phạm mảy may, quả đúng như lời thần nói.
(sđd các trang 247, 248)
Và cũng chỉ vào triều đại các vua nhà Lý, các nơi thờ phượng của Tam Giáo mới bắt đầu được xây dựng, nhưng các chùa của Phật Giáo, các miếu của Khổng Giáo, các đền của Lão Giáo vẫn phải nhường địa điểm trung tâm của các làng để thành lập đình làng, thờ Địa Linh Nhân Kiệt - hầu hết là các bậc anh hùng liệt nữ Việt Nam.
Xét về đạo lý, nếu Phật Giáo đề cao Bi - Trí - Dũng, Nho Giáo đề cao Nhân - Trí - Dũng, thì người Việt đề cao Nhân - Trí - Hùng ngay từ khởi thủy khi Tiên & Rồng kết hợp hai đức Nhân & Trí sinh ra các vua Hùng, từ đó sản sinh ra các vị anh hùng & liệt nữ dân tộc, được dân chúng thờ phượng sùng bái khắp nơi, được các nhà vua của các triều đại tôn vinh phong làm Phúc Thần.
Ngoài ra người Việt đã dần dần bản địa hóa Tam Giáo thành Việt Nho, Việt Lão, Việt Phật, khiến Tam Giáo tại Việt Nam đã biến đổi đáng kể từ hình thức tu tập xưng hô đến nội dung thờ phượng.
3/ Về hình thức Văn hóa của dân tộc Việt Nam, có các nội dung văn hóa được chuyên chở bằng thể điệu thơ lục bát, qua những điệu ru, câu hát, lời hò, những bài ca dao. Khi gặp thể thơ thất ngôn của Trung Quốc, đã hình thành thể Truyện với hình thức Song Thất Lục Bát.
Dưới thời nhà Lý, vào năm 1025 đã hình thành lối hát ca trù, tức hát Ả Đào, với phần mưỡu đầu và mưỡu hậu phải là những câu thơ lục bát; ở giữa mới là các khổ làm bằng thơ thất ngôn và thất ngôn biến thể. Âm thanh của lối hát Ả Đào phảng phất vẻ buồn ảo não của âm nhạc Chiêm Thành, được thể hiện qua điệu ca Nam Ai, Nam Bình tại Huế sau này?
Như vậy có thể nói đưới triều đại nhà Lý với 216 năm - tức hơn 2 thế kỷ độc lập tự chủ - đã giúp dân tộc Việt Nam hình thành được một nền tảng văn hóa đặc sắc, cùng cơ cấu tổ chức xã hội vững vàng; giúp dân tộc chẳng những hưng thịnh mà còn duy trì và phát triển bản sắc, dù sau đó bị bao thăng trầm do các cuộc chiến tranh nội ngoại gây ra.
Những ảnh hưởng của Tam Giáo buổi đầu dưới thời nhà Lý, tuy được triều đình sùng bái rất mực, nhưng trong dân gian người dân vẫn không bị ảnh hưởng bao nhiêu. Do vậy song song với nền văn học vong bản vọng ngoại do giới học thức sáng tác, người bình dân Việt Nam vẫn có những sáng tác đề cao truyền thống anh hùng & liệt nữ dân tộc, được truyền khẩu, phổ biến rộng rãi nơi dân gian liên tục cho đến nay.
Một sự kiện cũng cần được quan tâm, là khi tôn giáo hết lòng phục vụ Quốc gia & Dân tộc, như Phật Giáo với triều Lý, sẽ giúp Quốc gia & Dân tộc hùng mạnh. Trái lại, một khi quá tôn sùng sẽ đưa đẩy Quốc gia & Dân tộc đến chỗ bại vong khó hồi phục, như cuối đời nhà Lý... cũng như thời Việt Nam Cộng Hòa hậu bán Thế kỷ XX?
Do vậy giải pháp cứu quốc cho mọi thời đại, là cần phục hồi được tinh thần văn hóa truyền thống tôn thờ Địa linh & Nhân kiệt, coi trọng Quốc gia & Dân tộc - bản địa hóa các nền văn hóa khác khi giao tiếp... mới không bị các hệ thống tư tưởng tôn giáo và chính trị ngoại lai gây chia rẽ, tương tàn?
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.