Ba anh em Tây Sơn vốn họ Hồ, cùng dòng dõi với Hồ Qúy Ly, gốc gác ở tỉnh Chiết Giang bên Tàu, di cư qua Việt Nam từ đời Ngũ Qúy (907 - 959), sinh sống ở vùng Nghệ An, Thanh Hóa.
Trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, Hồ Phi Phúc bị bắt đưa vào ấp Tây Sơn, khẩn hoang vùng đất mới lấy được của Chiêm Thành, rồi sinh ra ba anh em Nhạc - Lữ - Huệ.
Ngày nay ở vùng An Khê, cách Pleiku khoảng 85 km, có làng Cửu An, là nơi Tây Sơn ấp ngày trước. Ở đây, giữa những khu rừng âm u hiu quạnh, đột khởi một quả núi tên Chà Diêm, nơi ba anh em Tây Sơn đã xây dựng mật khu, tụ tập luyện quân.
Theo Giáo sĩ Diego de Jumilla, Phong trào Tây Sơn bắt đầu hoạt động mạnh mẽ từ tháng 4-1773, đến các nơi thị tứ vùng nông thôn giữa ban ngày, trang bị vũ khí nhưng không xâm phạm tính mạng và tài sản của người dân lành, trừ gian khử bạo là bọn quan lại tham ô và bọn trọc phú gian ác. Họ lấy tài sản của những kẻ độc ác bất chính phân phát cho người nghèo, chỉ dành lại một phần dùng làm lương thực mà thôi.
Một vị giáo sĩ Tây Ban Nha kể Phong trào Tây Sơn tự xưng 'Thế thiên hành đạo' - thay trời thi hành đạo lý, giúp người dân lành thoát khỏi sự bóc lột áp bức của bọn quan lại và trọc phú.
Do vậy chẳng những họ được dân chúng tin theo, mà các tôn giáo đương thời như Phật Giáo, Lão Giáo... ủng hộ nhiệt tình.
Sử liệu có ghi nhận xét về ba anh em Tây Sơn như sau:
# Nguyễn Nhạc là con người can đảm và mưu trí, nên việc hạ thành Qui Nhơn, mở đầu việc gây thanh thế, đã thể hiện đầy đủ hai đặc tính này: Ông cho tùy tùng tâm phúc giả làm những người bắt được ông, nhốt ông vào cũi, rồi khiêng cũi vào thành nộp cho Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên vào lúc chiều tối, hầu quan tuần phủ chưa thể xét xử ngay, để nguyên trong cũi chờ sáng hôm sau mới giải quyết. Nửa đêm, Nguyễn Nhạc tháo cũi cùng thủ hạ mở cửa thành cho quân của mình vào bất thình lình, đánh chiếm được thành Qui Nhơn làm căn cứ. Hai viên tướng nhà Minh là Tập Đình và Lý Tài từ bên Tàu chạy qua, biết chuyện tâm phục, đem người dưới trướng về theo, thanh thế nhờ vậy rất lẫy lừng.
# Nguyễn Lữ từng đi tu, rất đắc đạo, được coi như một vị giáo chủ đất Nam Hà, nên được các vị lãnh đạo tôn giáo miền nam tin tưởng, ngưỡng mộ, khuyến khích các tín đồ ủng hộ.
# Nguyễn Huệ có tâm lớn, can đảm và thông minh lỗi lạc phi thường, được coi là một thiên tài về quân sự của Việt Nam. Ông chủ trương lối tấn công ào ạt, tốc chiến tốc thắng, biến hóa khôn lường, khiến kẻ địch hoảng sợ không kịp trở tay.
Ông điều khiển quân sĩ bằng kỷ luật nghiêm minh, nhưng biết chia xẻ khó khăn cùng ba quân. Khi xuất trận, ông luôn đi đầu, để có thể vừa xung trận, vừa xem xét thế trận hầu trực tiếp điều binh khiển tướng, ứng biến ngay. Do vậy ông là vị tướng bách chiến bách thắng, từ khi khởi nghiệp đến khi qua đời, chưa từng thua trận nào, dù đối thủ là những nước có binh hùng tướng mạnh như quân Xiêm La, quân nhà Thanh... Các tướng của chúa Nguyễn có thể cầm cự với chúa Trịnh, nhưng gặp Nguyễn Huệ là bị đánh tan tác ngay. Quân chúa Trịnh cũng không thể đương cự sức tấn công vũ bão của Nguyễn Huệ.
Nhận thấy địa thế đất Qui Nhơn có thể bị kẹt giữa hai thế lực Trịnh - Nguyễn, nên Nguyễn Nhạc buổi đầu vừa xin phục tùng Bắc Hà, vừa đưa dòng dõi chúa Nguyễn là Đông cung Dương về Hà Tiên ẩn náu, phòng khi cần sẽ dễ lấy lòng thần dân của chúa Nguyễn.
Sau đó Tây Sơn mới khởi binh đánh chiếm Quảng Nam, Gia Định...
Bắt đầu từ năm 1776, khi thấy thanh thế đủ lớn mạnh, Nguyễn Nhạc mới xây lại thành Đồ Bàn làm kinh đô, xưng là Tây Sơn vương, phong Nguyễn Lữ làm Thiếu phó đặc trách phía Nam, Nguyễn Huệ làm phụ chính, chuyên trách phiá Bắc.
Năm 1777 Nguyễn Lữ đem quân vào phiá Nam tiêu diệt hầu hết tàn quân của chúa Nguyễn, duy chỉ Nguyễn Ánh lúc đó mới 17 tuổi, trốn thoát chạy qua Xiêm.
Năm 1784 Nguyễn Ánh rước quân Xiêm La về giúp, đánh bại được tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa, tiến quân đến Long Hồ.
Được tin, Nguyễn Huệ đem binh đối phó, dùng kế lui binh nhử địch vào nơi phục kích vùng Định Tường. Tại Xoài Mút, Nguyễn Huệ bố trí phục binh bên Rạch Gầm, chờ quân Xiêm tới, bất thình lình đánh úp cả thủy quân và bộ quân của Xiêm La. Quân Xiêm đại bại, chết và bị thương mười phần chỉ còn hai phần chạy thoát về nước. Từ đó về sau Xiêm La tức Thái Lan ngày nay, không còn dám tính chuyện xâm lấn Việt Nam nữa.
Quân Tây Sơn coi như đã chiếm hết Nam Hà, vào tới tận Hà Tiên. Một số lực lượng không đáng kể của chúa Nguyễn còn lại, cũng phải đào thoát ra nước ngoài nương thân.
Nguyễn Ánh biết không còn nhờ cậy Xiêm La được nữa, liền nhờ Linh mục Bá Đa Lộc đưa Hoàng tử Cảnh qua Pháp cầu viện, bản thân xin tạm trú đất Xiêm để đợi chờ thời cơ.
Năm 1782 Trịnh Sâm mất, di chiếu lập Trịnh Cán nối ngôi chúa, nhờ Hoàng Đình Bảo làm phụ chính. Con trưởng Trịnh Sâm là Trịnh Khải bất tuân, đưa kiêu binh làm phản, được kiêu binh tôn lên làm chúa, nhưng rồi bị kiêu binh cậy công làm loạn cả triều chính.
Hoàng Đình Bảo trước làm Trấn thủ đất Nghệ An, có nhiều thuộc hạ giỏi - trong đó có Nguyễn Hữu Chỉnh là người cơ trí, can đảm.
Chỉnh thấy Hoàng Đình Bảo bị kiêu binh giết, liền bỏ vào nam theo Nguyễn Huệ, nói rõ tình hình miền Bắc và thúc Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc.
Được Chỉnh giúp, năm 1786 Nguyễn Huệ đem quân chiếm Thuận Hóa, rồi tiến đánh ra Thăng Long, Trịnh Khải bị dân bắt, tự tử. Họ Trịnh bị diệt từ đó.
Như vậy họ Trịnh từ khi Trịnh Tùng xưng chúa, đến Trịnh Khải, được 216 năm (1570 - 1786).
***
Sau khi dứt được họ Trịnh, Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long, ra lệnh quân sĩ không được cướp phá, rồi xin yết kiến vua Lê ở đền Vạn Thọ.
Lúc đó vua Lê Hiển Tông bị bệnh không thể ngồi tiếp, mời Nguyễn Huệ ngồi gần sập ngự phủ dụ. Nguyễn Huệ tâu bày chủ đích 'Phù Lê - Diệt Trịnh', chứ không có mưu đồ thoán đoạt.
Vua Hiển Tông cả mừng cảm tạ Nguyễn Huệ, định ngày thiết triều để Nguyễn Huệ đem các tướng vào chào và tuyên bố chính nghiã Phù Lê, hầu vua Lê nắm quyền tự chủ trở lại. Nhà vua phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên Soái Uy Quốc Công, gả con gái là Ngọc Hân công chúa cho Nguyễn Huệ.
Được ít lâu vua Hiển Tông mất, hoàng tôn là Duy Kỳ lên nối ngôi, lấy hiệu là Chiêu Thống.
Nguyễn Nhạc không có ý đánh ra Bắc Hà, nên khi nghe tin Nguyễn Huệ đã lấy được Thăng Long, ở lại phù vua Lê, sợ sinh biến, liền đem theo vài ngàn binh thân tín, tức tốc ra Thăng Long.
Tới Thăng Long gặp vua Chiêu Thống, Nguyễn Nhạc cũng bày tỏ chỉ muốn phù Lê diệt Trịnh, nay Trịnh không còn, xin trao lại chính quyền cho vua Lê, rồi cùng Nguyễn Huệ rút binh về Nam.
Thấy Nguyễn Hữu Chỉnh là người đã xúi Nguyễn Huệ ra Bắc, không tuân lệnh mình, Nguyễn Nhạc bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại. Nguyễn Hữu Chỉnh cả sợ, dùng thuyền nhỏ đuổi theo. Nguyễn Nhạc thấy vậy không nỡ dứt, cho Chỉnh giữ đất Nghệ An.
Vua Lê Chiêu Thống được Tây Sơn diệt Trịnh, trao lại tất cả binh quyền. Đây là một cơ hội lớn để phục hồi nhà Lê, nhưng Chiêu Thống không đủ tài cai quản, quần thần cũng không có ai tài đức, nên triều đình yếu kém, để cho con cháu họ Trịnh có dịp tái xuất hiện.
Nhưng họ Trịnh đã đến lúc suy vi, nên thay vì đoàn kết phục hồi sức mạnh, thì Trịnh Lệ và Trịnh Bồng chia phe đánh lẫn nhau, tranh giành quyền hành.
Vua Chiêu Thống lại phải phong cho Trịnh Bồng làm Án Đô Vương, nhưng mặt khác mật chiếu vời Nguyễn Hữu Chỉnh ra giúp.
Nguyễn Hữu Chính từ khi trấn thủ Nghệ An, biết tình hình Bắc Hà sẽ rối ren, chiêu mộ quân sĩ ngày đêm luyện tập để mưu tính chuyện lớn. Nay được vua Lê xuống chiếu tin dùng, liền đem 10.000 quân ra Bắc, dẹp Trịnh Bồng, nắm hết binh quyền mà trở nên lộng hành, chiếm đóng phủ chúa Trịnh thực hiện quyền hành như các chúa Trịnh, ép vua Lê phong cho con là Nguyễn Hữu Du làm thế tử, khiến vua Lê thúc thủ, không còn biết trông cậy vào ai.
Năm 1786, Nguyễn Nhạc tái thiết thành Đồ Bàn rồi xưng Đế sau 8 năm khởi binh.
Chỉ sau khi dẹp xong Trịnh - Nguyễn, Tây Sơn rời kinh đô về Qui Nhơn, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung Ương Hoàng Đế, phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương giữ đất Gia Định, Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương trấn đất Thuận Hóa.
Được ít lâu, Nhạc và Huệ có chuyện hiềm khích, Huệ đem quân vào toan đánh thành Qui Nhơn, ngặt đến nỗi Nhạc phải lấy tình nghiã ruột thịt ra, mới khiến Huệ động lòng lui binh về Thuận Hóa.
Nguyễn Hữu Chỉnh ngoài Bắc biết chuyện anh em Tây Sơn hiềm khích, liền mật ước với tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Duệ, thực hiện âm mưu cùng nhau diệt anh em Tây Sơn, chia quyền Nam Bắc như thời Trịnh Nguyễn.
Nguyễn Huệ được mật báo chuyện chuyên quyền của Chỉnh ở Bắc Hà, năm 1787 sai Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc đánh, giết Nguyễn Hữu Chỉnh.
Do vua Chiêu Thống cả sợ bỏ chạy trốn không tìm được, Vũ Văn Nhậm lập Sùng Nhượng Công Lê Duy Cẩn lên làm Giám quốc để thu phục lòng người.
Vũ Văn Nhậm rơi vào vết xe đổ của Nguyễn Hữu Chỉnh, còn cậy quyền hơn khi bắt Giám quốc Lê Duy Cẩn hàng ngày phải qua dinh của mình chầu chực đợi lệnh.
Hai tướng của Tây Sơn dưới quyền Vũ Văn Nhậm là Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân, liền mật báo với Nguyễn Huệ.
Được mật báo Vũ Văn Nhậm muốn làm phản, Nguyễn Huệ liền dùng kỵ binh đêm ngày đi gấp ra Bắc, nửa đêm đến Thăng Long, bắt Vũ Văn Nhậm giết đi, rồi mời Giám quốc Lê Duy Cẩn và các quan văn võ nhà Lê tới, xếp đặt lại việc triều chính nhà Lê, xin cho Ngô Thời Nhậm làm chức Lại bộ Tả thị lang để giúp Giám quốc cai trị.
Sau đó để bọn Ngô Văn Sở ở lại giúp Bắc Hà, Nguyễn Huệ lại trở về Nam.
Vua Lê Chiêu Thống thay vì về gặp Nguyễn Huệ để nắm lại quyền hành, lại chạy qua Tàu cầu cứu nhà Thanh, trở thành kẻ phản quốc, khiến nhà Lê bị diệt vong trong tủi hờn!
Triều đình nhà Lê - tính cả Tiền Lê và Hậu Lê - ở ngôi được 360 năm (1428 - 1788), có công mở mang bờ cõi, chấn chỉnh văn hóa, giúp quốc gia & dân tộc phát triển hùng mạnh về mọi phương diện. Rất tiếc đời Hậu Lê không có người tài giỏi, phát triển công nghiệp rực rỡ của các vua đời Tiền Lê, mà bị suy vong, mất ngôi một cách nhơ nhuốc vì Lê Chiêu Thống cầu cứu quân Thanh - cõng rắn cắn gà nhà, súyt khiến đất nước mất về tay nhà Thanh.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.