Ngày xưa, cách nay gần 5.000 năm, vào khoảng năm 2879 trước Tây lịch, ở vùng bờ biển Bắc Việt có một chàng trai tên Rồng, khi đi ngao du lên vùng đồng bằng sông Hồng, đã gặp một cô gái xinh đẹp tên Tiên.
Tiên và Rồng yêu nhau lấy nhau, đẻ được rất nhiều con. Khi các con khôn lớn, Rồng thấy trách nhiệm mở mang bờ cõi rất lớn lao, cần phải hy sinh cuộc sống gia đình lo cho tương lai quốc gia dân tộc, mới bảo với Tiên rằng:
Riêng Rồng đưa các con xuống vùng biển sinh sống, do vùng bờ biển Việt Nam hàng năm có nhiều phong ba bão táp, đất lún nước ngập nhận chìm nhiều vùng... nên Rồng và các con cùng hậu duệ đã không lưu truyền được nhiều các vết tích và thành quả đáng kể nào cho mai hậu.
Còn về Tiên thì nhờ cuộc sống vùng đồng bằng hoa màu tốt tươi, thời tiết bốn mùa điều hòa, cùng các con lên ở đất Phong Châu (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú, Bắc Việt) thành lập nước Văn Lang, chia nước làm 15 bộ (sau gọi là quận), gồm Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận.
Người anh cả được tôn làm vua lấy hiệu là Hùng Vương. Nước Văn Lang lúc đó rất rộng lớn: Đông giáp Nam Hải, Tây tới Ba Thục, Bắc tới Động Đình Hồ, Nam tới nước Hồ Tôn (tức Chiêm Thành ở vùng Ninh Thuận ngày nay).
A/ Xác minh một số chi tiết mang tính truyền thuyết:
1/ Theo như sách Lĩnh Nam Chích Quái, chúng ta thấy câu chuyện Tiên Rồng kể trên được thêu dệt có một muồn gốc từ Trung Quốc cho vẻ vang, như quan điểm của các Nho gia Việt Nam bị tha hóa buổi đầu. Rất có thể phải viết như thế thì sách mới được lưu hành, như trường hợp dưới chế độ Cộng sản hiện nay?!
Thật vậy, ngay giữa thời buổi văn minh hiện đại, sử sách rành rành dãy đầy, mà bọn Việt Cộng vẫn trơ trẽn lắp đặt cái 'Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghiã' của Mác Lê cho Tổ Quốc Việt Nam có từ bao đời, thì việc các Nho sĩ mấy ngàn năm trước lắp cái gốc gác Trung Quốc như Đế Minh, Lộc Tục... cho Việt Nam, là điều cũng có thể hiểu được?!
Vua Tự Đức đã nhận ra vấn đề, chỉ dụ chuẩn y cho phép sử quan đương thời làm bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, gọi tắt là Cương Mục, cắt bỏ phần Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân - sử ghi là ông và cha của vua Hùng - mà chỉ bắt đầu chép từ vua Hùng:
(Trích Cương Mục - Chỉ Dụ số 2)
Có thể cũng vì vậy mà các tên tiếng Việt như Tiên, Rồng, vua Hùng... đã được khoác cho những tên chữ Tàu như Âu Cơ, Lạc Long Quân, Hùng Vương... Riêng chữ Văn Lang thì chữ 'lang' là gốc tiếng Việt, như Lang Liêu, quan Lang... Còn chữ 'văn' được các nhà Nho thêm vào để mang ý nghiã đẹp đẽ (Văn là vẻ đẹp). Chữ 'lang' khá phổ biến thời đó như dùng để gọi quan của dân là quan lang... nên phải chăng phát sinh từ việc trồng khoai lang là món thực phẩm chính thời đó, cũng như chữ Lạc Việt do cây lạc (miền nam gọi là cây đậu phọng) mà ra? Vì đây là hai nguồn dinh dưỡng quan trọng cung cấp protide và lipide trong thảm thực vật của người Việt từ xưa cho đến nay. Chúng tôi chỉ nêu ra như một giả thuyết mới với gợi ý nhỏ nhoi, mà không hề có ý khẳng định.
Theo học giả Đào Duy Anh trong tác phẩm 'Lịch sử cổ đại Việt Nam' (1956), và tác phẩm 'Nguồn gốc dân tộc Việt Nam' (1958), đã căn cứ vào vài dòng trong thư tịch cổ của Trung Hoa gọi dân ta lúc đó là bộ tộc Lạc Việt, rồi nêu giả thuyết Lạc Việt phát tích ở Giang Nam (chỉ chung vùng đất phiá Nam sông Dương Tử), hàng năm theo gió mùa và hướng chim Lạc bay, để di cư xuống miền đồng bằng sông Hồng tránh nạn đao binh...
Học giả Đào Duy Anh viết: 'Những chim hậu điểu ấy, ta thấy khắc trên trống đồng chính là tô tem (vật tổ) của những chủ nhân trống đồng ấy, tức là của người Lạc Việt'.
Như vậy chim Lạc có thể do học giả Đào Duy Anh tự đặt ra , nhưng phân tích kỹ hình các loài chim khắc trên các trống đồng, thì thấy ít nhất có 4 giống chim khác nhau, trông từa tựa như con cò, con bồ nông, chim sẻ và chim cu gáy... là mấy loài chim có nhiều trong vùng Bắc Việt, cho đến cả ngày nay? Đây không phải là loài di điểu, vì hoặc nhỏ, hoặc có thân hình nặng nề không thể bay xa...
Một giả thuyết khác lại cho rằng Lạc theo chữ Việt cổ là 'nước', để chỉ vùng địa hình trũng thấp của đồng bằng sông Hồng, được người Trung Hoa ghi chữ 'nước' thành chữ 'lạc'?
Chữ 'Lạc' trong các từ Lạc Việt, Lạc Long, Lạc Hồng, Lạc Dân, Lạc Điểu... được ghi bằng chữ Hán theo 4 lối, thay đổi theo thời gian, tuần tự như sau:
Một vài giả thuyết cho rằng Tư Mã Thiên viết Sử Ký, chỉ viết chữ Lạc có bộ Mã mà không viết theo lối có bộ Chuy, Thủy, Trãi, vì sợ người Việt căn cứ vào nguồn gốc chữ này, đòi lại đất Ba Thục, Ngũ Hồ... như vua Quang Trung đòi đất Lưỡng Quảng?
Tuy nhiên sử sách Việt - nhất là vào thời Lê - thường viết chữ Lạc với bộ Chuy, để nhắc lại nguồn gốc của tổ tiên xưa ở Ba Thục.
2/ Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái, việc Lạc Long Quân nói với Âu Cơ hai người thuộc hai dòng giống Âm - Dương khác nhau không thể tồn tại bên nhau dài lâu, thì đây là quan điểm Âm Dương cách biệt tương khắc của Nho Lão vào Thế kỷ 5 trước Tây lịch, tức là sau thời kỳ Âu Cơ & Lạc Long Quân mấy ngàn năm.
Trên thực tế người Việt cổ xưa từ trước nhiều chục thế kỷ, đã có quan niệm Âm + Dương = Hòa, tương sinh qua hình ảnh của những cặp đôi, khác hẳn quan niệm đơn độc của Trung Quốc và Ấn Độ...
Cụ thể ở Trung Quốc chỉ có Ông Tơ Hồng, vào Việt Nam có Ông Tơ & Bà Nguyệt. Ở Ấn Độ chỉ có Phật Ông, thì vào Việt Nam có thêm Phật Bà Quan Âm...
Và người bình dân Việt Nam rất hâm mộ chuyện Quan Âm Thị Kính, được viết thành truyện thơ phổ biến sâu rộng. Nội dung truyện là một người vợ hàm oan, đi tu thành Phật, bản địa hóa rất mực:
'Bốn bề phong cảnh lạ thay!
'Bồng lai kia cũng thế này mà thôi.
'Cửa thiền sẽ lén chân coi,
'Trông lên sư cụ vừa ngồi tụng kinh.
'Mưa hoa rảy khắp bên mình.
'Nhấp nhô đá cũng xếp quanh cúi đầu.
'Mới hay phép Phật rất mầu,
'Nghĩ đây cũng dễ đổi sầu làm vui.
'Chờ khi kinh giáo vừa rồi,
'Lạy sư, mới bạch khúc nhôi tỏ tường.
'Trình bày tên tuổi gia hương,
'Nhà xưa theo dấu, văn chương cũng là.
'Chán vùng danh lợi phồn hoa,
'Chắp tay xin đến thiền già qui y...
(trích Quan Âm Thị Kính)
Nho Giáo chỉ nói Công Cha, thì Việt Nam có thêm Nghiã Mẹ:
'Công Cha như núi Thái Sơn,
'Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Gần nhất, Thiên Chúa Giáo đến Việt Nam, Đức Mẹ Maria cũng được Hàn Mạc Tử ngợi ca bằng những rung cảm mãnh liệt nhất:
'MARIA! Linh hồn tôi ớn lạnh.
'Run như run thần tử thấy long nhan,
'Run như run hơi thở chạm tơ vàng,
'Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
'Lạy Bà là Đấng tinh truyền thanh vẹn,
'Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi,
'Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy,
'Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế...
Từ quan niệm Âm Dương đối nghịch vẫn có thể hòa hợp để phát triển, qua hình ảnh nam nữ kết hợp sinh con cái, người Việt xưa đã khai triển thành nhân sinh quan rất lạc quan, cho rằng một khi trong âm có dương, thì trong rủi cũng có may, trong họa cũng có phúc... để tin tưởng mạnh mẽ vào tương lai cuộc sống.
Tục ngữ có câu:
'Chẳng ai giầu ba họ,
'Chẳng ai khó ba đời.
Ca dao có các câu:
'Chim sa, cá nhảy chớ mừng,
'Nhện sa, xà đón xin đừng có lo.
'Làm trai quyết chí tu thân,
'Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.
'Khi nên trời giúp công cho,
'Làm trai năm liệu, bảy lo mới hào.
'Trời sinh, trời chẳng phụ nào,
'Công danh gặp hội, anh hào ra tay.
'Trí khôn rắp để dạ này,
'Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Nhà thơ Nguyễn Công Trứ đến bốn mươi tuổi mới đỗ đạt, mà vẫn vui sống vì tin tưởng:
'Cơ thường, đông hết hẳn sang xuân.
Theo sự tìm hiểu của một số nhà nghiên cứu, thì quan niệm Âm Dương của Trung Quốc bắt nguồn và phát triển từ Thái Cực thành Lưỡng Nghi - Tứ Tượng - Bát Quái...
Còn quan niệm Âm Dương của người Việt bắt nguồn và phát triển từ Hỗn Mang - Âm Dương - Tam Tài - Ngũ Hành...
Người Việt xưa kia đã quan niệm được rằng: Âm (Đất) và Dương (Trời) sinh ra Người (gồm cả Âm và Dương, tức Nam và Nữ) để tạo thế Tam Tài 'Thiên - Địa - Nhân'.
Trung Quốc trọng Dương hơn Âm, nam hơn nữ; thì Việt Nam trọng Âm hơn Dương, nữ hơn nam, nên vai trò phụ nữ khởi thủy từ Tiên một tay xây dựng nước Văn Lang, phát triển thành Đạo Mẫu, với đền thờ các vị nữ thần nữ thánh từ Nam chí Bắc như Bà Đá, Bà Đen...
Tại Hà Nội hiện nay vẫn còn tới 6 ngôi chùa mang tên các bà, như chùa Bà Đá, chùa Bà Đanh, chùa Bà Nành, chùa Bà Ngô, chùa Bà Già, chùa Bà Móc. Tất cả thể hiện đặc tính Việt hóa Phật Giáo tại Việt Nam theo Âm tính rất mạnh mẽ, khi các vị anh thư có công lao với dân chúng, đều được dân chúng suy tụng thành các nữ Bồ tát của Phật Giáo để thờ phượng, hầu không sợ bị các thế lực chính trị và tôn giáo ngoại lai chống phá?
3/ Nhiều người đặt vấn đề và chưa có ai giải thích về sự biệt tăm trong sử sách của dòng con theo Rồng (Lạc Long Quân) xuống biển?
Theo chúng tôi thì Rồng đã đem con tới lập quốc ở vùng Hạ Long và rải rác khắp các vùng ven biển Việt Nam, nên hiện nay vẫn còn có một số địa danh vùng biển này mang tên Long, như Hạ Long, Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ...
Hơn thế nữa Lạc Long Quân rất cao thượng, nên đã nhường Âu Cơ trọng trách lập quốc, còn bản thân cùng các con đi kiến quốc ở vùng biển cả sông nước bão bùng, hoàn thành vai trò phát triển quốc gia dân tộc, giữ yên vùng biển cả trước sự xâm nhập của các giống dân hải đảo, cũng là một kỳ công dựng nước rất lớn lao.
Một công trình khảo cứu gần đây cho biết:
Hạ Long không chỉ có biển và hang động như hiện nay. Hạ Long đã có thời là một vùng đất phồn vinh đô hội, nhưng đã liên tục bị nhận chìm ngày càng sâu xuống lòng biển. Cụ thể nhất là khoảng từ thế kỷ 5 đến nay.
Những nghiên cứu về địa chất học mới đây cho biết sự chìm ngập của Hạ Long mạnh mẽ nhất từ thời Lý Trần đến nay. Các di tích cảnh quan về một vùng đồng bằng thấp, có sông ngòi chằng chịt... nay được phát hiện dưới đáy biển vùng Hạ Long.
Những số liệu quan trắc địa động lực mấy chục năm qua, cho thấy vùng đất Hạ Long và lân cận vẫn liên tục sụt chìm với tốc độ 2mm mỗi năm ở vùng Hải Phòng, Đồ Sơn, 5mm mỗi năm ở vùng cửa sông Bạch Đằng.
Nếu lấy trung bình tốc độ sụt chìm 3mm mỗi năm thì từ đời Trần - tức Thế kỷ 13 đến nay, vùng Hạ Long đã chìm xuống biển khoảng 2 đến 3m. Đó cũng là độ sâu ngày nay của phần lớn diện tích đáy biển ven bờ Quảng Ninh.
Thư tịch lịch sử và khảo cổ cũng cho thấy vùng biển Hạ Long đã từng là vùng đất phồn vinh trong quá khứ. Thương cảng Vân Đồn xuất hiện tận đảo Quan Lạn, nằm rất xa đất liền ngày nay. Sử gia Phan Huy Chú từng mô tả về hải cảng Vân Đồn: 'Phong thể và nhân vật đông đúc, giàu thịnh, việc buôn bán lưu thông tấp nập, cũng là chốn phồn hoa ở ngoại trấn'.
Riêng lớp mảnh vỡ sành sứ ở bến Cái Làng (đảo Quan Lạn) tạo thành tầng văn hóa dày 0.6m với hàng triệu mảnh. Cạnh đó là những nền nhà bằng đá san sát, cho thấy một dãy phố thị sầm uất chạy suốt bờ vịnh xa xưa. Rất nhiều di tích chùa, tháp... còn lưu giữ trên các hòn đảo. Chỉ riêng trên đảo Cống Đông đã có đến bốn ngôi chùa và một bảo tháp, trong đó có chùa Lấm xây dựng từ đời Trần đặc biệt rộng lớn, vẫn còn một con đường lát đá rộng 1m, dài 100m từ nhà tổ chạy thẳng ra bờ vịnh, và một nền nhà dài 50m, có 13 gian, mỗi gian rộng 3.5m.
Nhiều địa danh còn lưu lại đến nay mang ý nghiã trên đất liền như Cống Đông, Cống Tây, Cống Đỏ, Cống Nứa. Các eo biển rộng lớn có tên như Lạch Me, Lạch Trà Lao, Lạch Hoi, Lạch Cống Thẻ, Lạch Vông Vang, Cửa Đối, Cửa Thiện Môn... Các bãi biển có tên như Cái Rồng, Cái Viềng, Cái Làng, Cái Qũy... Theo tiếng Việt cổ thì 'cái' có nghĩa là dòng sông lớn, hoặc cồn bãi ven sông.
Ngoài ra còn phải kể đến các khu rừng nhiệt đới trên các hòn đảo đá vôi giữa vùng biển Hạ Long. Vùng biển Quảng Ninh có 1.600 hòn đảo, trong đó đa phần là đảo đá vôi tai mèo, vách dựng đứng khó lên. Nhờ vậy mà đến nay vẫn lưu giữ được nhiều loại động thực vật cổ chưa từng biết đến.
Từ những tư liệu cụ thể trên, phải chăng Hạ Long cũng là một kiểu như lục địa Atlantic bị động đất, bão tố tàn phá, nước biển nhận chìm, mà chôn vùi các di tích của cha Rồng Việt Nam?
4/ Việc Mẹ Tiên 'đẻ trăm trứng' hình thành nghiã 'đồng bào' của người Việt Nam, có thể phát xuất từ câu nói:
Câu nói trên có thể bắt nguồn từ một kiến thức y học mà ngày nay khoa học Tây phương mới khám phá ra, là mỗi phụ nữ đều có một buồng trứng để thụ thai sinh con.
'Trứng rồng lại nở ra rồng,
'Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.
Với nền văn minh về y học Việt cổ xưa còn lưu lại đến nay, như việc dùng vitamine C trong trái chanh và gạo rang làm thính... để làm các món tái, pha các loại nước chấm; dùng các loại rau thơm nhiều dược tính ăn sống kèm theo với các loại vật thực, để điều hòa tính âm dương của mỗi thức ăn, giúp tiêu hóa cũng như ngừa bệnh... như việc ăn trứng vịt lộn với rau răm... rất độc đáo trên thế giới, thì việc giải phẫu cơ thể để nghiên cứu về y khoa từ xa xưa của người Việt là điều khả dĩ?!
'Con gà cục tác lá chanh
'Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
'Con chó khóc đứng khóc ngồi
'Mẹ ơi, đi chợ mua tôi đồng riềng.
Trong dã sử, có sự tích kể rằng ngày xưa người Việt đã biết giải phẫu chữa bệnh trước cả Hoa Đà bên Trung Quốc, sau sách bị đốt, chỉ còn lại mấy trang dạy thiến heo, thiến gà lưu truyền đến nay ở Bắc Việt?
5/ Con số một trăm của câu chuyện không mang tính số học 100, mà chỉ mang ý nghĩa 'rất nhiều' như lối nói của người Việt 'trăm họ', 'trăm năm', 'trăm bó đuốc cũng bắt được một con ếch', 'trăm dâu đổ đầu tằm', 'trăm công ngàn việc'...
Do vậy câu nói đẻ trăm con, chỉ mang ý nghiã có nhiều con mà thôi.
6/ Cổ tích Tản Viên Sơn thần cho rằng Sơn Tinh tức Tản Viên là dòng dõi một trong 50 người con theo cha xuống biển, trở lại đồng bằng sinh sống, hiểu thủy tính rất rõ, nên đã giúp chống lại Thủy Tinh tượng trưng cho sự phá hủy của bão lụt hàng năm. Đây là một vết tích về phiá những người con theo cha Rồng xuống biển lập nghiệp?
B/ Xác minh một số Vũ trụ quan và Nhân sinh quan:
Có thể nói người Việt là một dân tộc hiếm có trên thế giới, khi có vật biểu tượng Quốc Tổ là hai nhân vật Tiên & Rồng - chứ không phải là một như thường thấy ở các nước Tây Đông, con gấu của Nga, con Ó của Mỹ, con gà của Pháp, con voi của Ấn Độ, nữ thần Mặt Trời của Nhật Bản... - thể hiện rất sớm ý thức về Âm - Dương - Hòa, mà sau này triết học mới am hiểu để nêu ra những triết lý khác nhau về Vũ trụ quan, Nhân sinh quan bên Tây phương, hay Hình nhi thượng và Hình nhi hạ bên Đông phương.
1/ Vũ trụ quan Tiên Rồng:
Qua hình ảnh Tiên Rồng, chúng ta thấy người Việt Cổ đã quan niệm về hai lẽ Âm Dương Hòa khi phát triển hình ảnh từ thế giới hỗn mang xuất hiện hai cá thể Âm Dương, tiêu biểu là Trời và Đất, kết hợp hài hòa sinh ra loài người mang cả hai tính Âm Dương qua Nam và Nữ, để hình thành thế Tam Tài 'Thiên - Địa - Nhân'.
Điều này có thể thấy rõ qua câu chuyện Bánh Dầy & Bánh Chưng, Bánh Trôi & Bánh Chay...
Tín ngưỡng thờ Trời - Đất (Địa linh) - và ông bà tổ tiên cùng các vị anh hùng liệt nữ (Nhân Kiệt) của người Việt từ xa xưa, đã phát triển từ Âm Dương - Tam Tài đến Ngũ Hành qua các hình ảnh:
-đặt Tam Sơn trên ban thờ.
Vì Hà Đồ và Lạc Thư dựa trên số lẻ (Tam Tài, Ngũ Hành) triển khai, nên có thể do người Việt sáng tạo; khác với Thái Cực dựa trên số chẵn (Lưỡng Nghi - Tứ Tượng - Bát Quái...) của Trung Quốc?
So Tam Tài - Ngũ Hành của Việt Nam với Tứ Tượng - Bát Quái của Trung Quốc, thì Tam Tài và Ngũ Hành có nhiều ứng dụng vào thực tế đặc sắc hơn, có thể lý giải nhiều điều tương sinh & tương khắc về lý số, y học, vật lý học, hoá học. toán học... một cách khoa học và phong phú hơn. Ngũ Hành thể hiện rất hữu lý và thích ứng với nền khoa học văn minh tân tiến hiện nay, hơn hẳn Tứ Tượng và Bát Quái của Trung Quốc.
Cụ thể mỗi hành có nhiều ý nghiã và thực dụng khác nhau, trong khi mỗi quẻ chỉ có một nghiã, ít công dụng thực tế.
Thế nên nếu triết lý của Ngũ Hành là Tổng Hợp và Biện Chứng, thì triết lý của Bát Quái là Phân Tích và Siêu Hình.
Nhờ Vũ trụ quan Tiên Rồng hợp nhất để hình thành thế Tam Tài bao gồm cả 'Thiên + Địa + Nhân', dân tộc Việt về sau đã dễ dàng chấp nhận và bản địa hóa Tam Giáo:
Như vậy cho thấy trong khi mỗi tôn giáo trên chỉ thiên về một chủ điểm, thì đạo lý Rồng Tiên của Việt Nam bao hàm hết cả 3 chủ điểm Thiên - Địa - Nhân, thể hiện được ước muốn 'bách giáo đồng nguyên' - mà Tam Giáo là 3 trong các tôn giáo lớn khá tiêu biểu của nhân loại.
Tìm hiểu thêm sẽ thấy Thiên Chúa Giáo vừa thiên về tâm linh và vừa thiên về tri thức, càng gần gũi hơn với đạo lý Rồng Tiên của Việt Nam. Cụ thể nhất là ý thức nam nữ bình đẳng trước Chúa Ki Tô của Thiên Chúa Giáo?
Từ Tiên & Rồng đã phát triển thành một hệ thống tín ngưỡng có nội dung bao hàm tình lý rất cao siêu qua những vị nữ thần và nam thần Việt, như Tứ Bất Tử, Ngũ Phẩm và các Nhân Kiệt & Địa Linh...
2/ Nhân sinh quan Tiên Rồng:
a/ Tiên nữ của người Việt, từ Mẹ Âu Cơ đến Bà Trưng, Bà Triệu, Tiên Dung, ý Lan Phu Nhân hay nàng Tấm trong truyện Tấm Cám, nàng Giáng Tiên trong truyện Bích Cân Kỳ Ngộ... đều là những phụ nữ đảm đang mọi công việc, từ trong gia đình đến ngoài xã hội; khác hẳn với các tiên nữ trong truyện cổ Trung Hoa và Tây phương, thiên về vẻ đẹp mỹ miều hoặc chỉ hạn hẹp vào các phép biến hóa cứu giúp người nghèo khổ. Nói khác đi, Tiên của Việt Nam giải quyết tận gốc của vấn đề nhân sinh, khi dấn thân tảo tần đảm đang mưu toan hạnh phúc từ căn bản gia đình; còn Tiên của Tàu và Tây chỉ xuất hiện cứu giúp khi cái khổ tiềm tàng bùng nổ phung phá.
Do Mẹ Âu Cơ thành công trong việc lập quốc và kiến quốc, mà vai trò của nữ nhân trong đời sống tinh thần & vật chất của người Việt có một địa vị có thể nói là cao hơn nam nhân, nên các nữ thần cũng được thờ nhiều hơn nam thần, các địa danh mang chữ 'bà' cũng nhiều hơn chữ 'ông', như Bà Đen, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom, Bà Chiểu... so với Lăng Ông, Đồng Ông Cộ...
b/ Rồng là chữ Việt, bắt nguồn từ chữ krong, klong chỉ sông nước.
Con rồng mang hai đặc trưng của tư duy nông nghiệp là tính Tổng hợp và tính Linh hoạt.
Rồng là hình ảnh tổng hợp của cả 3 loài động vật dưới nước, trên cạn và trên không. Nhiều quan điểm căn cứ vào hình một con cá sấu trên trống đồng Đông Sơn mà cho rằng rồng là sự biến hóa hình ảnh của con cá sấu. Nhưng quan sát kỹ cũng bức hình này, sẽ thấy phiá trên hình con cá sấu là hai con khủng long vẽ nhỏ hơn theo luật phối cảnh. Gần đây, Trung Quốc đã đào được nhiều bộ xương của mấy loài khủng long khác nhau ở Hoa Nam, có hình dạng giống hai loài khủng long vẽ trên trống đồng kể trên.
Rồng là vật sinh ra ở dưới nước, nhưng lại có thể bay lên trời phun lửa và phun cả mưa gió, rất biến hóa linh hoạt trong các môi trường sinh hoạt của các tầng không gian cao thấp khác hẳn nhau; thể hiện sự biến ảo và thích nghi theo thời gian, hầu có thể tồn tại chờ đợi tung hoành trong từng hoàn cảnh không gian sống thích hợp:
'Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
'Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.
(thơ Nguyễn Công Trứ)
Rồng Việt đầu tiên là Lạc Long Quân có ý thức cao về quốc gia & dân tộc ngay từ thuở ban sơ, lo chuyện dựng nước không màng danh vọng, nên đã hy sinh cuộc sống ấm êm nơi gia đình, khi tuổi đã cao, chia tay Tiên, đem 50 người con xuống vùng biển, dấn thân cùng con cái mở rộng cõi bờ. Sự việc cao cả này đã bị các trí thức chịu ảnh hưởng triết học Trung Hoa, đưa ra lý luận 'Rồng - Tiên thuộc Âm - Dương khắc chế, chẳng thế sống chung, phải chia tay', hạ thấp tinh thần trách nhiệm cao cả của Lạc Long Quân?!
Từ hình ảnh Rồng qua Lạc Long Quân cao đẹp buổi đầu, đã phát triển thành hình tượng các vị anh hùng như Phù Đổng, Tản Viên, Chử Đồng Tử, An Tiêm, Thạch Sanh... không mành danh lợi trong cổ tích, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ dấn thân cứu quốc... trong lịch sử, dũng cảm tài trí đương đầu trong các hoàn cảnh gian nguy khó khăn, cứu khốn phò nguy cho quốc gia & dân tộc khi gặp hoạn nạn, lúc sống cũng như lúc đã qua đời.
Truyền thống theo con chăm sóc còn được di truyền tới ngày nay, khi các con cái thi cử, học hành, đi làm việc nơi xa lạ... vẫn thường được các bậc cha mẹ Việt theo chân lo lắng giúp đỡ.
Sau này Rồng mới được Trung Hoa đồng tình, cho là linh vật đứng đầu Tứ Linh (Long - Ly - Qui - Phụng), công nhận là điềm lành mỗi khi xuất hiện (như trường hợp Thăng Long...), dùng làm hình ảnh tốt tiêu biểu cho nhà vua (như long môn, long bào, long xa...).
c/ Quan niệm 'Nam Nữ Bình Quyền' thể hiện rõ trong việc Rồng và Tiên chia nhau đem con đi hai vùng khác nhau, để phát triển bờ cõi, không phân biệt như Nho Giáo cho rằng 'Nam ngoại - Nữ nội'.
Quan niệm này được phổ biến phát triển thành câu 'Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh', xuất hiện nhiều bậc anh thư như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, các nữ tướng thời Hai Bà Trưng... nữ tướng Bùi Thị Xuân... cùng không biết bao nhiêu bậc nữ lưu anh hùng nhiều đời khác nhau, được người bình dân tôn thờ, phong thần, phong thánh, phong bồ tát... từ nam chí bắc.
Nổi bật nhất là hình tượng Công chúa Liễu Hạnh, chuyên trừng trị bọn tham quan vô lại, cứu khốn phò nguy cho dân cho nước, khiến vua chúa cũng phải vị nể; trở thành một bậc nữ thánh quyền uy của Việt Nam về sau này.
d/ Quan niệm dân tộc cùng huyết thống:
Từ lời nói của Mẹ Tiên Âu Cơ về bọc trứng trong bào thai sinh ra các con cái, tình tự dân tộc Việt Nam mới có được hai chữ 'đồng bào' liên kết gắn bó, mang đặc trưng cùng huyết thống thân thiết bao đời:
'Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
'Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Không chỉ hạn hẹp trong phạm vi huyết thống dân tộc, mà tình tự này đã thăng hoa thành tình cảm bao dung, bao la lớn rộng với các chủng tộc khác tới nương nhờ:
'Bầu ơi thương lấy bí cùng,
'Tuy rằng khác giống, nhưng chung một dàn.
Do vậy mà trải gần 5.000 lịch sử, chỉ xảy ra một cuộc tương tàn lớn giữa Trịnh Nguyễn. Sau này khi bị Cộng sản quốc tế chi phối, mới xảy ra cuộc chiến Nam Bắc giữa Quốc - Cộng, là lần thứ hai.
Trong khi bên Trung Quốc liên miên xảy ra các cuộc tương tranh giữa các nhân vật, các dòng họ... từ Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc, Quốc - Cộng... khiến dân tình triền miên chìm đắm trong chiến tranh tương tàn khổ đau suốt chiều dài mấy ngàn năm lịch sử?!
3/ Phát huy truyền thống Tiên Rồng:
Ở những nước hùng mạnh, thường có những mẫu người điển hình để đề cao, trở thành hình tượng cao đẹp của mỗi quốc gia dân tộc:
Những hình tượng trên của các nước chỉ biểu tượng duy nhất cho phái nam mà thôi.
Duy với Việt Nam thì Tiên Rồng biểu tượng cho cả hai phái Nam Nữ, thể hiện sự bình đẳng cân đối Âm Dương trong Vũ trụ quan, bình đẳng nhân sinh trong Nhân sinh quan...
Như vậy sự bình đẳng mang tính cân đối hài hòa bao hàm Chân - Thiện - Mỹ này, đã có trước quan niệm bình đẳng giai cấp, bình đẳng nam nữ... của Tây phương rất lâu, tạo thành nhân sinh quan thuận thảo kết hợp rất cao đẹp:
'Thuận vợ, thuận chồng,
'Tát nước bể đông cũng cạn.
Hình ảnh Tiên Rồng được người dân Việt bao đời hâm mộ tô điểm, minh họa bằng rất nhiều sự tích, vinh danh bằng rất nhiều hình tượng để thờ phượng, trở thành các điển hình về nhân luân, được ngưỡng mộ tôn kính từ đời này qua đời khác:
Hình ảnh Tiên Việt Nam:
Trong Văn chương Bình dân, hình ảnh Tiên Dung trong truyện Chử Đồng Tử, Giáng Tiên trong truyện Bích Câu Kỳ Ngộ, cô Tấm trong truyện Tấm Cám... đã hình thành những mẫu phụ nữ đảm đang có công lao rất mực trong việc duy trì và phát triển gia đình, xã hội Việt Nam.
Tất cả đã trở thành những tấm gương trong sáng tuyệt vời của người phụ nữ Việt trong đời sống tinh thần và vật chất, giúp căn bản gia đình người Việt Nam luôn vững vàng trong mọi tình huống quốc gia, dù thịnh hay suy.
Những bài văn tế, thi ca... ngợi khen vợ của các danh nho như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Bùi Hữu Nghiã... là hình ảnh cao đẹp, kết tinh từ bao ngàn năm của người phụ nữ Việt.
Biến cố 30-4-1975 cho thấy người phụ nữ Việt thêm một lần nữa nêu gương sáng ngời trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Dù ở lại trong nước hay đưa được chồng con ra nước ngoài lập nghiệp, người phụ nữ Việt vẫn thành công trong việc duy trì truyền thống gia đình Việt, giúp chồng con đứng vững một cách danh giá trong mọi hoàn cảnh và tình huống 'quốc phá - gia vong' nguy nan.
Hình ảnh Rồng Việt Nam:
Rồng từng là niềm tự hào dân tộc từ xa xưa:
-'Trứng rồng lại nở ra rồng,
'Liu điu lại nở ra dòng liu điu.
-'Rồng vàng tắm nước ao tù,
'Người khôn ở với người ngu bực mình.
Người đàn ông Việt từ xưa qua cổ tích và sự tích, đã có những hình tượng cao đẹp, nêu nhiều gương sáng về nhiều phương diện, trong nhiều tình huống thịnh suy khác nhau, để lại những bài học lớn về tư tưởng, luân lý, tâm lý, tình cảm...
Những Phù Đổng Thiên Vương, An Tiêm, Chử Đồng Tử, Lưu Bình Dương Lễ, Thạch Sanh... đã hình thành những hình tượng cao đẹp trong tâm tưởng người Việt. Những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ, Chu Văn An... đã trở thành những văn thần & võ thánh, tiêu biểu của người trai Việt trong võ công cũng như văn học, thời loạn cũng như thời bình.
Khai thác đầy đủ những bài học từ những hình tượng trên một cách sắc bén, chúng ta sẽ có được một cuốn Kinh Thư Việt Nam vô cùng sâu sắc và giá trị vậy.
4/ So sánh Lạc Long Quân với vua Thuấn:
Trong Kinh Thư Trung Hoa, ở Thiên II: Thuấn Điển, viết:
Và ở Thiên V: Ích Tắc, phần 4 viết:
Căn cứ vào hai trích đoạn văn trên của Kinh Thư Trung Quốc, chúng ta thấy Vua Thuấn được vua Nghiêu gả cho hai người con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh làm vợ, đã ở yên trong chốn cung đình ấm êm cai trị, hưởng lạc thú, sai quần thần đi các nơi bành trường thế lực. Chỉ năm năm mới đi tuần thú một lần.
Trong khi đó Lạc Long Quân đã hy sinh hạnh phúc gia đình riêng tư, tự mình đưa các con đi khắp nơi tìm hiểu tới nơi tới chốn từng vùng, cắt đặt các con tùy tình hình thích hợp. Sau đó lại còn hy sinh ở lại để gần gũi giúp đỡ các con trong việc chăm dân. Chỉ khi nào Âu Cơ cần gọi tới, mới trở về giúp đỡ. Việc này thể hiện quan niệm 'Cách vật - Trí tri' mà sau này Khổng Giáo mới khai triển làm nguyên tắc giáo dục trong sách Đại Học.
Nếu vua Thuấn coi bày tôi như bắp chân, khuỷu tay, tai, mắt để sai bảo vận dụng... thì Lạc Long Quân coi con cái ruột thịt còn thân thiết hơn, nên đích thân xông pha với con cái, để cùng chia ngọt xẻ bùi, sớm tối có nhau, tạo thành truyền thống 'thân dân' đạt các thành quả tốt đẹp suốt 18 đời Hùng Vương kế tiếp nhau thịnh trị, bảo vệ vững vàng quốc gia & dân tộc.
Nói khác đi, Vua Thuấn chỉ từ trong triều đình cai trị qua các quan lại, có thể bị bầy tôi lợi dụng làm các điều tham nhũng; còn Lạc Long Quân tự mình dấn thân cùng các con mở mang cõi bờ, hy sinh hạnh phúc và quyền hành cá nhân riêng tư, vừa quả càm vừa hào hùng biết là bao; tài đức lớn, công ơn to rất mực vậy.
Ngày nay truyền thống này vẫn còn tồn tại, khi con cái dù lớn hay nhỏ, vẫn thường được các bậc cha mẹ Việt lo toan giúp đỡ bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp... không 'đem con bỏ chợ'.
Hình ảnh những người cha, người anh đem theo vài người con em, cùng mình vượt biển tìm tự do, sau đó mới bảo lãnh cả gia đình qua đoàn tụ, là những tấm gương hy sinh xông pha mang hình ảnh của Lạc Long Quân và 50 người con bên nhau một thuở.
Còn gì cảm động cho bằng hình ảnh nơi hải ngoại, người cha đi làm cặm cụi, lấy tiền cho con đi học để khỏi lỡ tuổi học hành, trong khi chờ đợi ngày đoàn tụ cả gia đình. Rồi người con khôn lớn có ăn học trưởng thành, thay cha mẹ lo cho các em ăn học thành đạt nơi xứ lạ quê người?
Đây chính là những hình ảnh của các Lạc Long Quân hiện đại của Thế kỷ XX đưa các con ra biển, tìm đến các bến bớ tự do, lập nghiệp như thuở xa xưa thời lập quốc?
Nhận Định
Ngày nay, sau khi cuộc chiến tranh Quốc - Cộng kết thúc, quốc gia & dân tộc rơi vào thảm cảnh phân hóa do các tư tưởng chính trị và tôn giáo ngoại lai gây ra.
Do vậy muốn đoàn kết quốc gia, hợp nhất dân tộc lại một khối, để tạo thế 'hợp quần làm nên sức mạnh', chúng ta rất cần phục hưng lại tinh thần Tiên Rồng, truyền thống của các cổ tích thời Hùng Vương, cùng nhau chung sức gánh vác việc nước, loại bỏ mọi đố kỵ, kỳ thị gây chia rẽ.
Nếu đánh giá cuộc chiến quốc - cộng vừa qua chỉ hạn hẹp vào những khoảng không gian và thời gian nhất định, mới có chuyện thắng bại. Còn nếu xét về chiều dài và chiều sâu của lịch sử, sẽ thấy khi cuộc chiến chấm dứt đã giúp cho dân tộc thoát khỏi tai ách nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn.
Nếu nhìn sâu xa vấn đề một cách có ý thức, sẽ thấy thành phần được hưởng lợi nhất, trở nên ưu tú nhất, chính là những người Việt đã thoát ra được nước ngoài, hình thành một một thế lực tài giỏi rất mực, khi các thế hệ thứ nhất đã nuôi dưỡng các thế hệ thứ hai, thứ ba... học hành, làm việc... thâu tóm được những tinh hoa của các nền văn minh hàng đầu trên thế giới, trở nên đắc dụng vô cùng cho công việc tái thiết đất nước mai hậu.
Nếu Miền Nam thắng Miền Bắc, quốc gia & dân tộc chưa hẳn đã có dịp may đưa hàng triệu người dân con ra nước ngoài lập nghiệp, hình thành một thế lực ỷ dốc nội ngoại muôn đời rất qúy giá, có thể bảo tồn văn hóa một khi bị ngoại xâm đô hộ manh tâm đồng hóa. Do Thái sau mấy ngàn năm phục quốc được, chính là nhờ những con dân phiêu bạt bao năm vẫn nặng lòng với cố quốc khi tha hương.
Thắng về chính trị và quân sự, Việt Cộng chỉ thu được những thành quả tầm thường nhất thời về vật chất, nhưng họ đã thua nặng nề về tinh thần khi chủ trương đưa văn hóa Mác Lê tồi bại, toan nhuộm đỏ nền văn hóa rực rỡ vẻ vang lâu đời của dân tộc Việt, bị người Việt Tỵ Nạn ở hải ngoại vạch trần manh tâm.
Thế nên, người Việt Hải Ngoại có những ưu thế về văn hóa, giáo dục... là những ưu thế ưu việt nhất cho việc phát triển quốc gia dân tộc, cần ý thức trách nhiệm khai triển, phát huy... để ứng dụng khi quốc gia & dân tộc thanh bình thịnh trị trong tương lai dài lâu.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.