Tương truyền Mẹ Âu Cơ khi khi cùng Lạc Long Quân chia đôi số con theo hai ngả lên rừng và xuống biển để phát triển quốc gia & dân tộc, đã làm ra thứ bánh bằng bột nếp hình tròn, hình thức và chất liệu bánh dính liền với nhau giống buồng trứng trong lòng mẹ, nội dung hình ảnh mang ý nghiã người mẹ với trăm người con quây quần gắn bó bên nhau.
Thứ bánh này được dùng làm lễ vật dâng cúng chính yếu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm từ lâu đời, nhắc nhở hậu thế chuyện trăm con cùng sinh ra từ một buồng trứng của Mẹ Âu Cơ - để từ đó dân tộc Việt là dân tộc duy nhất có thể gọi nhau bằng hai tiếng 'Đồng Bào' (cùng sinh ra trong một bào thai của mẹ Âu Cơ) rất thân thương.
Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở Đền Vua Hùng tại Phú Thọ, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, dân làng địa phương làm một mâm bánh Trôi 100 chiếc để cúng. Cúng xong chia đôi, đặt 50 chiếc trên bè sen thả xuống sông, 50 chiếc còn lại mang đặt lên núi, để nhắc lại chuyện xưa, cha Rồng và mẹ Tiên chia tay nhau đưa con đi dựng nước ở hai miền núi và biển.
Đời Hai Bà Trưng, có một truyền thuyết kể rằng, trên đường đánh quân Mã Viện, đến cửa sông Hát - tức Hát Môn, Phú Thọ - Hai Bà Trưng nghỉ chân trong một quán nhỏ bên đường. Chủ quán là một bà lão trông rất phúc hậu.
Trong quán chỉ có hai đĩa bánh chay và hai quả muỗm xanh (một loại soài nhỏ ở miền Bắc Việt), bà lão dâng bánh và trái cây lên hai bà. Hai bà cảm động rơi nước mắt, ăn xong vội tiếp tục lên đường đánh giặc.
Trận đó Hai Bà Trưng thua phải trẫm mình tuẫn tiết tại Hát Giang, vào ngày 3 tháng 3 âm lịch năm 43.
Khi Hai Bà Trưng đi khỏi, quán hàng và bà lão đều biến mất, nên mọi người tin đó là một bà tiên hiện xuống. Hai hạt muỗm sau mọc thành hai cây muỗm xanh tốt.
Từ đó cho tới nay, ở Hát Môn tổ chức lễ hội vào ngày 6 tháng 3 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ Hai Bà Trưng, với lễ vật chính là Bánh Trôi & Bánh Chay. Nhưng là bánh không có nhân được nặn từ bột nếp để trong bát rồi rưới nước mật theo kiểu xa xưa.
Người dân Hát Môn làm lễ dâng Bánh Trôi & Bánh Chay rất cẩn trọng, thành kính:
Trước ngày lễ hội độ 1 tháng, các bô lão trong làng họp lại, bầu chọn ra 10 cụ có gia đình con cháu nội ngoại đề huề, không mắc tang chế, có sức khỏe và kinh nghiệm làm Bánh Trôi & Bánh Chay, tuyển vào ban tu lễ.
Mọi người tin rằng nếu làm tốt dân làng sẽ được Hai Bà phù hộ. Bằng không, nếu Hai Bà quở trách thì các vị bô lão này sẽ là những người đầu tiên phải gánh chịu. Do vậy 10 vị bô lão này phải 'dọn mình' trước ngày lễ khoảng 2 tuần, ăn uống chay tịnh, sống thanh tịnh.
Làng lại chọn một gia đình phúc hậu sống hòa thuận có con trai, không vướng tang chế, làm địa điểm nấu bánh cúng. Nhà này được dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị một chum nước to, đổ đầy nước từ một giếng sạch nhất của làng, để lắng rồi mới lọc qua vải ba lần.
Đến ngày lễ, nước này được lọc thêm một lần nữa rồi mới được dùng để vo gạo, rửa các dụng cụ làm bánh, nấu bánh.
Vào chiều ngày 5 tháng 3 âm lịch, các cụ trong ban tu lễ họp nhau lại tiến hành làm bánh cúng.
Đầu tiên gạo nếp được vo, đãi sạch, tãi cho ráo nước. Sau đó ngâm ủ cho 'rích' nước khoảng 3 giờ, rồi mới đem giã trong cối đá lớn. Chày giã gạo là chày riêng chỉ được dùng làm bánh cúng mà thôi, chày dài khoảng 1 thước.
Sáng sớm ngày 6, bột đã giã được rảy nước nhào cho đến khi thật dẻo, rồi lại đưa vào cối giã tiếp, cho đến khi bột thật mềm, mịn, dẻo mới được coi là đạt.
Bột 'luyện' xong đổ ra mâm nặn bánh cúng. Mỗi bánh to tròn bằng trái mận, được các cụ bô lão nặn rất khéo và cẩn trọng, nên đều đặn đẹp đẽ.
Bánh nặn xong, cụ chủ tế thả từng mẻ bánh vào nồi nước đang sôi già, khoắng nhẹ cho các viên bánh không dính kết vào nhau. Lửa luộc bánh phải đều, không to quá mà cũng không nhỏ quá.
Khi thấy bánh có màu trắng trong mà không nát, cụ chủ tế mới vớt bánh ra thau nước đun sôi để nguội, rồi thận trọng xếp bánh lần lượt vào từng bát, mỗi bát 12 viên bánh xếp hơi chờm ra xung quanh miệng bát. Bên ngoài kết dây lạt giang hình hoa sen cho bánh khỏi rơi. Giữa bát rỗng để rót mật. Mật được trộn thêm hồi, quế, thảo quả rang vàng, tán nhỏ lọc qua vải, bỏ bã. Mật phải có mầu trong như hổ phách, sánh, ngọt và thơm.
Sau đó các bát bánh được xếp vào quả làm bằng gỗ sơn then, có nắp đậy.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 6, đoàn rước bánh lễ đến sân đền thờ. Chủ tế thắp nhang làm lễ rửa bánh bằng nước trong đã đun sôi để nguội, khiến bánh dẻo và mướt. Sau đó mới rót mật vào bát bánh và dâng lên ban thờ.
Ngoài ban thờ Hai Bà Trưng, còn có ban thờ ở miếu Tiên Cô - tức thờ bà lão đã dâng bánh lên Hai Bà Trưng.
Khi đền thờ làm lễ dâng bánh, thì các gia đình ở Hát Môn cũng làm lễ dâng cúng bánh do nhà mình làm, lên ban thờ tổ tiên tại nhà mình.
Chờ lễ xong, cả làng mới được bắt đầu ăn bánh.
Ở đền thờ thì ban tế lễ và các chức sắc trong làng thụ lộc ngay tại đền. Ở nhà thì cả nhà cùng ăn sau khi tắt nhang trên ban thờ.
Người dân Hát Môn không ăn Bánh Trôi & Bánh Chay vào ngày 3 tháng 3 theo Tết Hàn Thực của Trung Hoa. Ai ăn trước như vậy bị coi là phạm thượng.
**Trên là cách làm bánh Trôi theo lối cổ truyền.
Ngoài ra người dân Việt còn làm bánh theo lối dân gian có những biến cải, ăn cũng vào dịp lễ Hàn Thực theo Trung Hoa, nhưng không liên quan, trong tháng 3 như sau:
Bánh Trôi
Nguyên liệu:
Cách làm:
Bánh Chay
Nguyên liệu:
Cách làm:
Chè Xôi Nước
Miền Nam cũng làm Bánh Trôi & Bánh Chay nhưng kết hợp cả hai lại và gọi là Chè Xôi Nước (Có lẽ từ chữ Bánh Trôi Nước mà ra?).
Chè Xôi Nước của miền Nam mang hình ảnh Mẹ Con thân thương khi phải đèo bòng nhau di dân trên đường nam tiến, nên thường là một cái bánh Chay lớn kèm theo mấy cái bánh Trôi không nhân - thường chỉ là những hạt bột mà thôi.
Nguyên liệu:
Cách làm:
Những Ý Nghiã:
**Về Hình thức:
Nhìn hình ảnh đĩa Bánh Trôi & Bánh Chay nguyên thủy của miền Bắc, nhớ đến câu chuyện Mẹ Trăm Con, hiểu chuyện bọc trứng của Mẹ Âu Cơ; nghĩ đến hai chữ 'đồng bào'... mới thấy thấm thía ý tình của người xưa.
Rồi khi di cư vào Nam thấy chén chè Xôi Nước (Trôi Nước) kết hợp Bánh Trôi và Bánh Chay với nhau một cách giàn dị hài hòa, mang hình ảnh một mẹ và mấy con, liên tưởng đến cảnh người xưa thời Nguyễn Hoàng cũng như người nay thời 1954 rồi 1975, bồng bế dắt díu nhau di cư vào Nam, rồi lại phải di tản & vượt biên chạy ra nước ngoài... càng thấy súc động tâm linh.
Thế nên mới chỉ nhìn hình ảnh chìm nổi của mấy chiếc bánh mẹ bánh con trong bát bánh nhỏ nhoi, cũng đủ gợi được bao súc cảm về những nghiã tình thân thương. Bát bánh giống như một tác phẩm điêu khắc có hình thức và nội dung cao thâm khôn xiết về tình mẹ con.
Người bình dân Việt đã có câu đố về Bánh Trôi & Bánh Chay như sau:
'Sông sâu nước đục lờ lờ,'
'Thằng lặn, thằng hụp, thằng thò đầu lên.'
Đây phải chăng cũng là hình ảnh nổi trôi mất còn của người Việt miền Nam sau năm 1975, qua mấy câu thơ của Nguyễn Tycal:
'Bạn bè đứa tử, đứa sinh!'
'Đứa còn cải tạo, đứa chìm biển khơi!'
'Vài đứa đi được đến nơi,'
'Thì cuộc sống cũng nổi trôi vật vờ!'
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã ví Bánh Trôi & Bánh Chay với thân hình và thân phận của người phụ nữ Việt:
'Thân em vừa trắng lại vừa tròn,'
'Bẩy nổi ba chìm với nước non.'
'Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,'
'Mà em vẫn giữ tấm lòng son'
.Bánh Trôi không có nước đường, Bánh Chay có nước đường, cả hai còn mang hình ành trên núi và dưới biển - gợi ý buổi đầu về Rồng Tiên chia tay nhận trách nhiệm phát triển quốc gia dân tộc. Sau giới trí thức chịu ảnh hưởng Tam Giáo căn cừ vào đó mới lý giải thành Âm & Dương qua hai quẻ Sơn & Thủy tiêu biểu cho nước non; trong ý nghiã 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển. Vùng núi có Mẹ & Vùng Biển có Cha, như hai điểm Âm & Dương của bát quái đồ, cũng như bản đồ Việt Nam hình chữ S, có Biển Hồ trong đất liền, đảo Hải Nam ngoài biển... một địa hình trời định mang hình ảnh của dịch lý, đã có những ảnh hưởng kỳ bí đến dân tộc Việt Nam?
Bài thơ Thề Non Nước của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã nói về nghiã tình giữa Non và Nước, thấm đượm hình ảnh chia tay mà vẫn không xa rời giữa Rồng và Tiên, rất sâu sắc như sau:
'Nước non nặng một lời thề,'
'Nước đi, đi mãi, không về cùng non.'
'Nhớ lời ''nguyện nước thề non'','
'Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
'Non cao những ngóng cùng trông,'
'Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày.'
'Xương mai một nắm hao gầy,'
'Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.'
'Trời tây ngả bóng tà dương,'
'Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.'
'Non cao tuổi vẫn chưa già,'
'Non thời nhớ nước, nước mà quên non.'
'Dù cho sông cạn đá mòn,'
'Còn non còn nước, hãy còn thề xưa.'
'Non xanh đã biết hay chưa?'
'Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.'
'Nước non hội ngộ còn luôn,'
'Bảo cho non chớ có buồn làm chi.'
'Nước kia dù hãy còn đi,'
'Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.'
'Nghìn năm giao ước kết đôi,'
'Non non nước nước không nguôi lời thề'
.Đây cũng là cội nguồn của các chuyện Hòn Vọng Phu, Đá Vọng Phu... ở nhiều nơi từ Bắc chí Nam?
Mỗi khi ăn bánh, thấy chất nếp dính các chiếc bánh lại với nhau, thể hiện nghĩa tình đồng bào gắn bó thân thương; thấy vị ngọt của đường thấm đượm tình tự dân tộc, xã hội, gia đình; thấy vị cay của gừng thể hiện những cay đắng của cuộc sống khi đất nước lâm cảnh ly loạn, hoặc dân tộc tương tàn...
Nếu nhai thật kỹ, sẽ thấy tất cả tạo thành dư vị thơm ngon tinh khiết, thơm thảo kết tinh của cánh đồng lúa chín vàng, của ruộng mía đỏ tươi, của vườn đậu xanh trĩu trái... đầy hương đồng gió nội trên một thảm thực vật xanh có hai vùng phù sa đỏ của sông Hồng và sông Cửu Long.
**Về nghệ thuật Ẩm Thực:
Có thể nói Bánh Trôi & Bánh Chay là thứ bánh cổ xưa nhất, tuy cách làm đơn giản, nhưng cũng đã đầy vẻ sáng tạo trong nghệ thuật nấu ăn của người Việt Nam. Nhìn những chiếc bánh nhỏ bé trắng trẻo, thể hiện phong cách ăn uống thanh nhã từ một thời rất xa xưa, khi nhân loại nhiều nơi vẫn còn ăn lông ở lỗ; người quan tâm không khỏi ngưỡng mộ?
**Về Y học:
Bánh Trôi & Bánh Chay chỉ làm bằng nếp và đường mía, ăn mát mà lại no lâu, để nhiều ngày không bị hư. Xét về phương diện dinh dưỡng, hai chất bột và đường - tức protide và glucide rất bổ dưỡng, giúp lao động đầu óc và chân tay đều giảm mệt mỏi, trở thành món ăn lý tưởng của các nhà tu hành cần sự chay tịnh.
Ngày nay với trào lưu ăn uống 'diet' của nhân loại, hai loại bánh này đáng được đề cao, phổ biến?
**Về Triết học:
Bánh Trôi & Bánh Chay mang hình ảnh bộ đôi liên kết, một thứ có nước và một thứ không có nước, là một bộ đôi duyên dáng hài hòa mang hình ảnh của sơn và thủy, đất và nước, khởi thủy của nguyên lý âm dương hòa, được thể hiện mỹ hóa qua Bánh Trôi & Bánh Chay, biến hóa thành công cha nghiã mẹ như nước như non:
'Công cha như núi Thái Sơn,'
'Nghiã mẹ như nước trong nguồn chảy ra...'
Đối với xứ nông nghiệp như Việt Nam, nơi đất và nước chan hòa với nhau ở khắp nơi, từ những gò đống với ao chuôm, đồi núi với sông hồ... trùng trùng điệp điệp, thì hình ảnh của bánh trôi & bánh chay là những điêu khắc siêu hình về một thảm thực vật thiên nhiên có đất và nước nối tiếp nhau liền lạc, trữ tình, gợi những ý tưởng gắn bó vô cùng mà cũng siêu thoát vô tận, như bài thơ Thề Non Nước mang những ý nghiã sâu sắc của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Hình ảnh của bánh còn gợi ra những chuỗi hình tròn đặc và rỗng của Hà Đồ & Lạc Thư.
**Về Xã hội học:
Hình ảnh kết hợp của cả một dân tộc lớn lao, được hình dung gói ghém vào hình ảnh một đĩa bánh, thì quả là một điều kỳ diệu.
Mỗi chiếc bánh tròn nhỏ như hòn bi chính là hình ảnh phóng đại của Trứng Mẹ Âu Cơ, tạo nên nghiã 'đồng bào', liên kết người Việt trong cuộc sống xã hội nhân quần hơn mọi dân tộc khác trên thế giới.
Đĩa bánh với những viên bánh trắng trẻo tròn trĩnh, mang hình ảnh buồng trứng của mẹ, của cội nguồn dân Việt phát sinh từ trăm trứng & trăm con, tạo thành một xã hội kết liên chặt chẽ, không bị phân hóa, bằng ý tưởng 'đồng bào' máu mủ ruột thịt thân thiết đời đời.
Hai chữ 'đồng bào' được thể hiện cụ thể bằng đĩa bánh trôi, giống như một bức họa có bố cục mang hình ảnh của sự bình đẳng giữa các cá nhân, công bằng trong cuộc sống xã hội; sát cánh bên nhau và ràng buộc với nhau nhưng vẫn hài hòa, chen chúc ganh đua mà vẫn trật tự.
Chúng ta có thể dùng đĩa bánh trôi mời người bạn nước ngoài ăn, và thao thao bất tuyệt nói cho họ nghe về tình nghiã 'đồng bào' đã hình thành xã hội Việt Nam, được hình dung cụ thể qua đĩa bánh dùng làm lễ vật thờ phượng tiêu biểu trong ngày Giỗ Tổ, để nhắc nhở về cội nguồn 'trăm con & trăm trứng' rất uyên bác mà cũng rất trữ tình.
**Về Quốc gia & Dân tộc:
Câu chuyện Bánh Trôi & Bánh Chay hay Bánh Mẹ Trăm Con thể hiện một cách siêu tuyệt việc nhớ về cội nguồn của tình tự Việt Nam, nhắc nhở chúng ta mỗi khi nhìn thấy bánh lại tưởng nhớ đến tích xưa, suy nghĩ đến đạo lý Việt Nam chứa chan tình người, ngẫm đến hai chữ 'đồng bào' mà gạt bỏ mọi tỵ hiềm, đoàn kết chung lưng xây dựng phát triển quốc gia dân tộc.
Việc ăn bánh vào dịp lễ Hàn thực của người Trung Hoa, thực ra chỉ là một sự trùng hợp về ngày tháng của nhiều sự tích đồng thời, chứ không phải là người Việt ăn Tết Hàn thực như giới trí thức chịu ảnh hưởng Nho Giáo quan niệm?
Do tinh thần yêu nước thương nòi được thể hiện qua việc làm bánh - cúng bánh - ăn bánh rộng rãi khắp trong dân chúng, nên khi bị Bắc thuộc người Việt đã mượn cớ ăn tết Hàn thực để thực hiện việc Giỗ Tổ, Giỗ Hai Bà Trưng cũng vào tháng 3 âm lịch hàng năm, che mắt các bạo quyền thống trị, sau dần dần bị hiểu sai lầm hẳn đi?
Bánh trôi & bánh chay rất thích hợp để chúng ta cùng nhau dùng để cúng rồi ăn vào dịp này, để trong khi thưởng thức hương vị của bánh có thể ngẫm nghĩ về cội nguồn Tổ quốc Hùng Vương chứ không hề là thứ Tổ quốc XHCN, về nghiã tình 'đồng bào' bao la, hơn hẳn thứ nghiã tình 'đồng chí' phe đảng thủ lợi xấu hết chỗ nói... nhắc nhở con cháu những ý nghiã 'thực vực đạo' của miếng ăn Việt Nam.
**Về lễ nghi tôn giáo:
Việc dùng Bánh Trôi & Bánh Chay làm lễ vật chính cùng với Bánh Dày & Bánh Chưng trong ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, mang nội dung văn hóa hơn tôn giáo. Ít có tôn giáo nào trên thế giới có được những lễ vật dâng cúng thờ phượng mang nội dung đạo lý sâu sắc, nhắc nhở mọi người trong lúc thờ phượng nhớ chuyện xưa & ngẫm nghĩ về chuyện nay, kết hợp hóa giải các mâu thuẫn cách biệt, để vẹn tình nghiã 'đồng bào' trong việc xây dựng và phát triển quốc gia dân tộc.
Nếu người Trung Hoa thương Giới Tử Thôi chết cháy không nổi lửa nấu ăn trong Tết Hàn Thực, thì người Việt vẫn nổi lửa nấu ăn, làm bánh, để nhớ về Quốc Tổ của mình. Vì trên thực tế ở Việt Nam, giới bình dân ít ai biết đến sự tích ông Giới Tử Thôi bên Trung Hoa?
Bánh trôi & bánh chay cùng bánh dày & bánh chưng dùng làm lễ vật trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, đã khẳng định thêm tính văn hóa nhiều hơn tính tôn giáo trong việc thờ phượng của người Việt Nam.
Nhận Định:
'Uống nước nhớ nguồn', 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây'... ăn miếng bánh Bánh Trôi & Bánh Chay tức Bánh Mẹ Trăm Con, nhớ lại ý tình của Mẹ Âu Cơ gửi gấm vào hình thức và nội dung của bánh, hình thành nghiã 'đồng bào' cùng một mẹ sinh thành, để yêu thương đùm bọc nhau:
'Khôn ngoan đối đáp người ngoài,'
'Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.'
Có thể nói đây là câu chuyện thể hiện sâu sắc nhất về tình cảm yêu nước thương nòi của nhân loại, rất đáng để chúng ta hãnh diện nhắc nhở với nhau, kể cho người nước ngoài nghe về tình nghiã và cội nguồn của dân tộc Việt Nam... đặc sắc hơn hẳn những cổ tích Đông Tây xưa nay nói về tình tự dân tộc.
Lấy đĩa bánh để lưu truyền một lời dạy về đạo lý 'đồng bào' chan chứa tình người, đồng thời còn có thể biến miếng bánh thành một thứ lễ vật thanh khiết chan hòa nghiã tình mỗi khi làm lễ, lại giúp ăn uống bỗ dưỡng tốt lành trong dịp tưởng niệm Quốc Tổ, quả là một sự sáng tạo cao đẹp đặc sắc hiếm thấy xưa nay vậy.
Ngày 30-4 hàng năm thường rơi vào tháng 3 âm lịch, nhất là những năm nhuận, rất đáng để chúng ta hình thành một nghi thức lễ kỷ niệm mới với món bánh trôi & bánh chay, để cùng nhau thắt chặt nghĩa tình 'đồng bào', nhớ về cội nguồn Mẹ Âu Cơ, dứt bỏ mọi tỵ hiềm gây chia rẽ do các nền văn hóa ngoại lai xâm nhập gây ra.
Phải chăng hơn 4000 năm lịch sử bị đô hộ, bị các thế lực cai trị tìm mọi cách chia để trị, nhưng người Việt vẫn giữ được tình tự dân tộc đoàn kết thân thương... là nhờ ở những bài học 'Thực Vực Đạo' đã đi vào tâm thức mỗi người, bắt nguồn từ những món ăn có nội dung cổ tích sâu sắc, dễ thấm đượm vào chỗ sâu thẳm của lòng người, về cả vật chất lẫn tinh thần?
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.