Đạo Mẫu tại Việt Nam có từ lâu đời, với những đền thờ nguy nga đẹp đẽ ở nhiều nơi.
Bà Tiên Âu Cơ là mẹ của cả dân tộc, được tôn làm Mẫu Việt. Sau đó những phụ nữ có công với lịch sử dân tộc đã được tiếp nối tôn thờ ở khắp nơi, như Bà Trưng, Bà Triệu, ý Lan Phu Nhân... cùng các nữ thần dân gian như Bà Đen ở Tây Ninh, Bà Đá ở Hà Nội...
Đến Thế kỷ 16, Bà chúa Liễu Hạnh xuất hiện - là một biểu hiện của Đạo Mẫu Việt Nam bất bình vùng lên, phản ứng tích cực với thế lực Khổng Giáo cầm quyền cai trị đương thời tại Việt Nam bắt đầu bị hủ hóa suy vi, ở tình trạng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.
Liễu Hạnh là một cô gái ở xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tương truyền bà là công chúa nhà Trời, ba lần từ bỏ cuộc sống đầy đủ trên thiên cung, xin Ngọc Hoàng cho xuống nước Việt Nam để sống cuộc đời của một phụ nữ Việt bình dị, có những khát vọng về tự do, hạnh phúc... thể hiện tinh thần nhân bản thiêng liêng của con người, khác hẳn các giáo điều quá cao xa gò bó của Tam Giáo.
Công chúa Liễu Hạnh xuất hiện vào đời nhà Lê, là thời kỳ Khổng Giáo ngoại lai độc tôn nhất, khiến vị trí truyền thống của người phụ nữ Việt bị súc phạm nghiêm trọng, nên Công chúa Liễu Hạnh thể hiện sự phản kháng của người phụ nữ Việt trước những áp bức bất công của giáo lý Tam Tòng - Tứ Đức của Khổng Giáo, đã trói buộc người phụ nữ vào nam giới suốt đời, từ nhỏ tới lớn (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử - tức là thuở nhỏ theo lời cha, lớn lên theo lời chồng, về già nếu chồng chết sớm phải theo lời con).
Bà Chúa Liễu hiện ra trừng phạt bọn tham quan ô lại nhũng nhiễu dân lành, những đàn ông con trai dâm đãng hư đốn... Đặc biệt Bà Chúa còn hiển linh giúp tướng sĩ, dân chúng những lúc binh biến can qua... khiến các triều đình phải tôn phong thần tích.
Trên phương diện thế tục, đương thời cũng xuất hiện các phản ứng với Tam Giáo như thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, cùng những chuyện tiếu lâm, ca dao và tục ngữ châm biếm rất mực, như:
'Nhất sĩ nhì nông,
'Hết gạo chạy rông,
'Nhất nông nhì sĩ.
...
Đời vua Lê Hiến Tông, triều đình nghi bà là yêu quái, sai pháp sư đi tiễu trừ, đốt phá các đền miếu thờ bà. Không bao lâu trong miền bị ôn dịch, dân chúng lập đàn cầu đảo. Đột nhiên có một người nhảy lên đàn quát:
Nhà vua phải ra lệnh sửa lại những gì đã phá hoại, sắc phong Mã Vàng Công Chúa, dân chúng mới được yên ổn trở lại. Muốn cầu xin điều gì đều được linh ứng.
Khi nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, cầu xin cũng được phù hộ thắng trận, nên gia phong là Chế Thắng Hào Hiệu Đại Vương.
Triều vua Tự Đức trong nước xảy ra nhiều chuyện nhiễu nhương, có sai đình thần đến xin cơ bút về quốc sự, được giáng bút như sau:
'Hoành sơn một dải ra vào,
'Cuốc kêu vọng đế, cáo gào giá vương.
'Cung trăng đã sẵn trời dương,
'Giang sơn lại mở một trường xuân thu.
'Tên đâu ba mũi phục thù,
'Khen cho khắc dụng bày trò cỏn con.
'Ngọn cờ phất phới đầu non.
'Thạch thành mèo lại bon bon chạy về.
'Dặm đường lai láng máu dê,
'Con quay ngả trắng, ba que cuộc tàn.
'Trời Nam vận ở Viêm bang,
'Chân nhân đâu đến những phường thầy tăng.
'Đồng dao lại có câu rằng:
'Non xanh mà mọc trắng răng mới kỳ.
'Bấy giờ quét sạch thử ly,
'Ai ơi nhớ lấy thiên ky kẻo lầm.
'Đương khi sấm sét ầm ầm,
'Ấy là khí số để găm trị bình.
'Vũ phu mà bức thư sinh,
'Long ô chấp cả mấy anh Thủy Hoàng.
'Nực cười cho lũ bàng quan,
'Cờ tàn mà lại tính đường đẩy xe,
'Thôi thôi mặc lũ thằng hề.
'Gió mây ta lại đi về gió mây.
Bài thơ của Bà Chúa Liễu giáng cơ bút kể trên được in nơi trang 285, 286 trong Quyển I sách 'Lịch sử tư tưởng Việt Nam' của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, viết năm 1963; nay sang năm 2004 đọc lại, thấy hiển hiện ra hình ảnh xảy ra thời Nguyễn triều, cuộc chiến quốc - cộng, với những chử ám chỉ đến tên Hồ Chí Minh (lai láng máu dê, quét sạch thử ly...), chuyện bọn Cộng sản đốt sách như Tần Thủy Hoàng... cho tới mấy câu cuối mang hình ảnh của người Việt ở hải ngoại?
Hình thức cơ bút này về sau được Cao Đài Giáo phát triển vào Thế kỷ XX, thịnh hành ở miền nam Việt Nam.
Như vậy Công chúa Liễu Hạnh đã buộc thế lực nhà vua độc tôn phải lùi bước; nên được dân chúng tôn thờ lên bậc Thánh Mẫu, tôn xưng thân thiết là 'Mẹ':
'Tháng 8 giỗ Cha,
'Tháng 3 giỗ Mẹ.
(Giỗ Cha là Đức Thánh Trần - Giỗ Mẹ là Công chúa Liễu Hạnh)
Nếu câu chuyện Tề Thiên Đại Thánh đánh cả Trời của Trung Quốc chỉ là một câu chuyện giả tưởng, nhằm giải tỏa các ẩn ức của người bình dân Trung Hoa bị Tam Giáo áp bức, đè nén bao năm; thì chuyện Công Chúa Liễu Hạnh chống lại triều đình, khiến triều đình phải chịu thua, thừa nhận và chính thức tôn vinh, là một chuyện có thực được dân chúng ngưỡng mộ, thêu dệt thần thánh hóa thành một biểu tượng để tôn thờ, noi theo.
Sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh được dân gian kể lại như sau:
Mẫu vốn được coi là Nhân Thần, nhưng gốc gác của Mẫu được tin tưởng là Đệ Nhị Tiên Chủ Quỳnh Nương ở chốn Thiên Cung. Vì làm vỡ một chén ngọc nên bị đày xuống cõi trần, thác sinh vào một gia đình họ Lê ở Phủ Giày, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, từ đời Thiên Hựu (1557).
Bố mẹ sinh ra thấy dung nhan khác thường, đặt tên là Giáng Tiên, rồi gả chồng năm Giáng Tiên 18 tuổi.
Ba năm sau hết hạn đọa đầy, nên dù không muốn Giáng Tiên cũng phải trở về Trời.
Nhưng cuộc sống trên Thiên Đình không làm Giáng Tiên nguôi ngoai thương nhớ chồng con, nàng thường buồn rầu ủ rũ.
Các bạn tiên thấy vậy ái ngại, đồng lòng tâu xin Ngọc Hoàng cho nàng trở lại cõi trần với chồng con. Ngọc Hoàng phong nàng làm Liễu Hạnh Công Chúa, cho xuống lại hạ giới.
Về trần, nàng về quê Phủ Giày thăm cha mẹ ruột và cha mẹ chồng, rồi mới lên kinh đô thăm chồng con. Nàng khuyên chồng phát huy đạo lý dân tộc, sống với nhau một đêm, hẹn kiếp sau sẽ gặp lại nhau.
Rồi Liễu Hạnh như mây nổi lưng trời, hiện thân ở nhiều nơi địa linh danh lam thắng cảnh không nhất định.
Thấy Bà Chúa có nhiều hiển hiện, buổi đầu dân làng lập miếu thờ ở Gò Cát, đầu làng An Thái. Những ngày sóc vọng, trên không trung Gò Cát thường xuất hiện đám mây lành năm sắc, nên được tôn hiệu là 'Vân Cát Thần Nữ'.
Khi cuộc chiến tranh Lê - Mạc diễn ra kịch liệt, gây bao tang tóc thương đau cho dân chúng, miếu được phụ nữ các nơi về lễ bái, cầu xin cho chồng con an toàn trong chiến trận.
Năm Diên Khánh thứ 3 (1580), một tướng nhà Mạc đem quân đi đánh trận, qua miếu khấn cầu Thần Nữ âm phù, đã thắng trận, xin vua Mạc phong thần hiệu là 'Mạ Vàng Công Chúa'.
Đáng kể là không những chỉ có giới bình dân, mà giới trí thức cũng thừa nhận, ghi nhận trong thơ văn bác học. Sử sách chép Bà Chúa Liễu hai lần đàm đạo văn chương với Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan ở Lạng Sơn và ở Hồ Tây, Hà Nội.,
Cụ thể trong sách Văn Học Việt Nam của Dương Quảng Hàm, chép lại một bài có tựa là Cảnh Hồ Tây, nơi trang 36, với lời dẫn giải:
Tuy nhiên, Công chúa Liểu Hạnh chỉ làm hai câu mở và kết như sau:
Mặt khác, còn xuất hiện những câu chuyện trong dân gian kể vài chuyện giữa Trạng Quỳnh và Bà Chúa Liễu, như Trạng đến đền thờ Bà Chúa khấn vái vay tiền, rồi dùng mưu mẹo láu cá để ăn quịt... cho thấy việc 'bái nhân' của người Việt mang nhiều sắc thái gần gũi giữa thần thánh và người. Tuy nhiên trường hợp này cũng khiến người ta có thể nghĩ là một cách đùa bỡn để đánh phá của giới Nho sĩ đương thời?
Việc Bà Chúa Liễu thường xuất hiện ở các danh lam thắng cảnh, thể hiện sự liên hệ với yếu tố Địa, Âm tính, hình ảnh Mẹ của Địa Linh Việt Nam; nơi thảm thực vật nuôi dưỡng dân tộc, cũng như cấu thành địa hình địa vật linh thiêng của những chiến trận vệ quốc thắng lợi vẻ vang.
Các đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh rất tráng lệ ở Phủ Giày (Nam Định), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), Đền Sòng, Phố Cát (Thanh Hóa), Phủ Giày (Sài Gòn)... Tại quê hương Vụ Bản, lăng mộ bà được xây cất rất lớn và khang trang... ngay cả dưới chế độ vô thần của bọn Việt Cộng.
Linh tượng của Chúa Liễu trong điện thần của Tam Phủ, Tứ Phủ ở vị trí ngồi giữa Tam Tòa Thánh Mẫu với y phục màu đỏ, danh xưng là Đệ Nhất Mẫu, Mẫu Thiên hoặc Thiên Tiên Thánh Mẫu.
Ngoài hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ Bất Tử, Công Chúa Liễu Hạnh còn được thờ tự ở trong khuôn viên các đền, chùa, quán. Với đền hoặc gian thờ Mẫu, có tượng và một ban thờ riêng hẳn hoi, trong hầu hết các đền chùa từ Huế ra Bắc, theo cấu trúc 'Tiên Phật - Hậu Thánh'.
Chúa Liễu đã được các triều đại làm sắc phong thần vào các năm:
Sắc phong của vua Khải Định viết:
Cuối đời Lê Trung Hưng, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết truyện Vân Cát Thần Nữ, kể lại những điều thần kỳ siêu nhiên, đã tạo cho Bà Chúa Phủ Dầy có nhiều tên như Giáng Tiên, Vân Cát Thần Nữ, Quỳnh Nga Công Chúa... mà phổ biến là hai danh hiệu 'Bà Chúa Liễu Hạnh', 'Mẫu Liễu'.
Một câu đối thờ Công Chúa Liễu Hạnh, đã tôn vinh:
'Tiên nhi Phật, Thánh nhi Thần, sự hữu vạn kỳ lưu Việt sử'
có nghiã:
'Là Tiên, là Phật, là Thánh, là Thần, muôn việc lạ kỳ lưu sử Việt'
Tôn phong:
'Mẫu Nghi Thiên Hạ - Thượng thượng đẳng Phúc Thần'.
Lối thờ phượng phát triển theo kiểu kết hợp Đạo Giáo với Đạo Tự Nhiên, mệnh danh là thờ Tam Phủ: 'Thiên Phủ - Nhạc Phủ - Thủy Phủ', tức theo Tam Tài & Ngũ Hành của Việt Nam.
Mẫu Liễu Hạnh thuộc Thiên Phủ, cùng với Đức Thánh Trần Hưng Đạo - vị anh hùng chiến thắng quân Nguyên, được tôn xưng là Cha và Mẹ:
Hàng năm ở Phủ Giày mở hội từ mồng 1 cho hết mồng 10 tháng 3 âm lịch , mới rã đám, gọi là Hội Thánh Mẫu Vân Hương. Đây là lễ hội lớn nhất miền Bắc, thu hút dân chúng khắp các miền đến cúng lễ đông đảo.
Đạo Mẫu với các lễ nghi lên đồng, hát chầu văn... buổi đầu mang nội dung thờ Địa Linh & Nhân Kiệt, với những bài hát chầu văn ngợi ca công đức của các vị anh hùng & liệt nữ và các linh địa & thắng tích Việt Nam. Về sau do phải né tránh sự cấm đoán của các triều đại ngoại xâm đô hộ, mà phải biến cải mang màu sắc Tam Giáo (như câu đối thờ 'Tiên nhi Phật, Thánh nhi Thần').
Phân tích một buổi hầu đồng nguyên thủy, khi chưa bị lệch lạc, sẽ thấy đó là một hình thức thờ phượng mang nhiều đặc tính văn hóa cao, phản ảnh một đời sống tâm linh hòa đồng thân thiết giữa thần và người, không hề bi lụy.
Sau này, do bị những thành phần yếu kém chi phối, đã biến sự thờ phượng này thành mê tín dị đoan, nên mới bị một số nhà trí thức không am hiểu, thiếu xét suy, nhận định hời hợt, châm biếm rất đáng trách cứ:
-Tú Xương thời Nho học:
'Đồng giỏi sao đồng không giúp nước?
'Hay là Đồng sợ súng thần công?
-Tú Mỡ thời Tây học:
'...Đồng bắn súng lục, Đồng bơi thuyền rồng...
Nhận định:
Lý do vì đâu mà Đạo Mẫu phát triển mạnh và tồn tại lâu dài tại Việt Nam?
Muốn giải đáp câu hỏi này, chúng ta cần phải nhìn vào vai trò của người phụ nữ Việt từ xưa trong Gia đình, đến ngoài Xã hội, Quốc Gia.
Có thể nói từ khi Nho Giáo xâm nhập Việt Nam, địa vị của người phụ nữ Việt ở ngoài Xã hội và Quốc gia đã bị giảm thiểu rất nhiều, nhưng ở phạm vi Gia đình lại tăng lên gấp bội.
Người phụ nữ tại Việt Nam từ xa xưa đã không còn đặt nặng vấn đề quyền lợi, khi vấn đề bổn phận được đặt nặng hơn, coi như một thứ trách nhiệm có giá trị cao đẹp trường cửu hơn rất nhiều hai quyền bình đẳng, tự do...
Người Việt đã bày tỏ quan niệm trên, một phần nào qua câu:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghiã mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Vì với người phụ nữ Việt thì tình vợ chồng không chỉ là 'tình ái' thuần túy như Tây phương, mà còn là 'tình nghiã' mang tính đạo đức cao khi đặt trách nhiệm trên quyền lợi, nhờ vậy nên mới ít có chuyện ly dị bỏ chồng bỏ con, vui thú tình ái riêng tư; một khi người chồng biết đền đáp & sống trọn vẹn nghiã tình.
Tình ái sẽ hết khi tình yêu hết, còn tình nghiã thì tồn tại mãi mãi khi sống cũng như khi chết, nên đã tạo truyền thống 'thờ chồng & nuôi con' khi người chồng đã mất, của người phụ nữ Việt từ xưa cho đến nay; giúp duy trì ổn định được cuộc sống gia đình Việt Nam trong can qua, trải nhiều cuộc chiến tranh khiến nam giới bị thương vong không ít.
Chính nhờ thế, mà người phụ nữ Việt đã được chồng con biết ơn, nhớ ơn, đền ơn... đề cao như các vị thiên thần, nữ thánh, bồ tát... thay vì chỉ là những giá trị ngang hàng, như kiểu bình đẳng tự do 'Lady First' nhất thời, rất giai đoạn của Tây phương.
Những bài thơ viết về vợ của các Nho gia danh tiếng lừng lẫy từ Bắc chí Nam, như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Bùi Hữu Nghiã... cho thấy vai trò của người phụ nữ chẳng những đã đi vào tâm trí của người đàn ông Việt Nam, mà đã thăng hoa vào cả cõi tâm linh thiêng liêng của nam giới nữa. Những bài thơ này khác hẳn và cao đẹp hơn hẳn những loại thơ tả tình ái của Đông Tây, mang nhiều tính vật dục thấp kém.
Câu đối khóc vợ của Nguyễn Khuyến:
'-Nhà chỉn cũng nghèo thay! nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam đá chân xiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc.
'-Bà đi đâu vội mấy! để cho lão vất va vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm?
Hai câu kết bài Văn Tế Sống Vợ của Trần Tế Xương:
'-Mình đi tu cho thành tiên, thành phật, để giong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ.
'-Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghiã vợ.
Và bài thơ Thương Vợ của Trần Tế Xương:
'Quanh năm buôn bán ở mom sông,
'Nuôi đủ năm con với một chồng.
'Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
'Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
'Một duyên hai phận âu đành phận,
'Năm nắng mười mưa dám quản công.
'Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
'Có chồng hờ hững cũng như không!
Câu đối thờ vợ của Bùi Hữu Nghiã:
'-Tớ nghèo mình lo giúp, tớ oan mình lo kêu, chòm xóm đều khen mình đáng vợ.
'-Mình đau tớ chẳng nuôi, mình chết tớ chẳng táng, non sông thẹn phận tớ làm chồng,
Nguyễn Tycal làm một vế điếu, có thể dùng cho hầu hết phụ nữ Việt Nam:
'-Sống đảm đang, thờ chồng nuôi con hiển đạt.
'Thác tròn đạo, tam tòng tức đức thành toàn.
Thông thường, một khi tử tế với người phụ nữ Việt Nam một, sẽ được người phụ nữ Việt Nam đền đáp lại gấp nhiều lần hơn; vì người phụ nữ Việt có truyền thống sống nặng về tình nghiã hơn về tình ái, khác hẳn các phụ nữ của nhiều quốc gia Cổ Kim, Đông Tây.
Dân tộc Việt đã được người phụ nữ giúp rất nhiều để tồn tại và phát triển khi thanh bình cũng như trong lúc tao loạn, gian nguy. Chính nhờ tình nghiã chung thủy của người phụ nữ Việt, mà căn bản gia đình Việt bền vững, dân tộc Việt đã không bị đồng hóa sau nhiều ngàn năm bị Bắc thuộc, ngoại thuộc.
Những gì người phụ nữ Việt Nam đã và đang làm từ thời kỳ 1975 cho đến nay, ở trong cũng như cho ngoài nước, cho thấy công lao của họ thật là trời biển: Nuôi chồng trong các trại tù đầy cải tạo, trụ lại giữ nhà cửa tài sản, chống đỡ bạo quyền cho chồng con vượt biên, rồi khi đoàn tụ lại cùng chồng xây dựng thành công nhanh chóng cuộc đời mới với hai bàn tay trắng nơi xứ lạ quê người.
Thế nên dân tộc Việt đã phong thần - phong thánh - phong bồ tát... cho rất nhiều phụ nữ tài đức có nhiều công đức lớn với dân & với nước, là điều dễ hiểu; thể hiện một truyền thống tri ân cao đẹp, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, cần phân tích & giáo dục và phát huy mãi mãi mai sau vậy.
Chỉ như vậy, căn bản gia đình Việt mới có thể tồn tại tốt đẹp như xa xưa, khi ngày nay đang phải chung sống đương đầu với các nền văn hóa ngoại lai, ở trong nước cũng như ở hải ngoại.
Đọc Kinh Thư của Trung Quốc, đoạn cuối của phần Nhị Thập Bát Tú, có viết chuyện vua Nghiêu gả một lúc hai nngười con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho vua Thuấn, như sau:
Qua đoạn văn trên trong Kinh Thư của Trung Quốc, chúng ta thấy ngay từ thời vua Nghiêu, Trung Quốc đã coi vai trò của phụ nữ rất yếu kém, phụ nữ bị coi như vật gả bán thử nghiệm tư cách của người đàn ông, bắt phải tuân phục kính cẩn vô điều kiện mới được coi là trọn đạo.
Khổng Giáo đã căn cứ vào sự tích này, để bắt người phụ nữ Trung Hoa tuân thủ triệt để 'Tam tòng + Tứ đức', thực hiện đường lối giáo dục nô lệ hóa người phụ nữ theo 4 tính phụ thuộc, hầu trói buộc hết cuộc đời của người phụ nữ vào ba thế hệ cha + chồng + con (Tại gia tòng phụ + Xuất giá tòng phu + Phu tử tòng tử).
Nếu trong suốt chiều dài lịch sử Việt có không biết bao nhiêu vị anh thư giúp dân cứu nước, được đề cao, ghi ơn... thì lịch sử Trung Quốc chỉ thấy ghi chép những phụ nữ chuyên quyền tác hại. Ngay 'Tứ đại mỹ nhân' của Trung Quốc cũng bị gán cho các tội mê hoặc nhà vua, làm suy sụp triều chính, đưa đến cảnh vong quốc.
Thời Tống Nho, học giả Trình Di còn quyết liệt khẳng định:
'Nhiên tử sự cực tiểu,
'Thất tiết sự cực đại.
tức là 'Chuyện chết là chuyện nhỏ, chuyện thất tiết mới là cực lớn.
So sánh quan điểm đối với phụ nữ của Trung Quốc và Việt Nam, xem xét các hậu quả... chúng ta thấy ảnh hưởng tốt xấu khác nhau một trời một vực vậy.
Nhìn lại diễn tiến của tín ngưỡng Việt Nam, chúng ta thấy ngay từ thuở ban sơ, đã hình thành sớm những quan niệm về văn hóa trong tín ngưỡng, qua việc thờ Quốc Tổ Hùng Vương rất dung dị, không mang các tính chất thần thánh hóa bái thiên của các tôn giáo.
Đến khi xuất hiện các niềm tin về tín ngưỡng, người Việt cũng quan niệm tôn thờ Trời Đất qua hình ảnh kết hợp hài hòa giữa Thiên - Địa - Nhân, thoát thai từ việc thờ Rồng & Tiên và Địa Linh & Nhân Kiệt.
Việc tôn vinh Bà Chúa Liễu chính là sự trỗi dậy của Đạo Mẫu truyền thống, khi thấy hình ảnh Đức Thánh Trần dần dần bị giới nho sĩ lạm dụng, để đồng hóa với Quan Công của Trung Quốc, nhằm đề cao quan niệm Tôn Quân của Khổng Giáo.
Ngày nay ảnh hưởng của văn hóa Âu Mỹ tại hải ngoại cũng như ở trong nước rất lớn mạnh, qua quan niệm 'Lady First'.
Nếu tìm hiểu kỹ càng, chúng ta sẽ thấy quan niệm 'Lady First' chưa coi trọng người phụ nữ bằng quan niệm 'Thờ Mẹ' của người Việt Nam, qua Đạo Mẫu cũng như cách đối xử và tri ân trong cuộc sống, qua thơ văn của các thi sĩ Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Bùi Hữu Nghiã... cũng như qua những bản tân nhạc nói về Lòng Mẹ, Tình Mẹ, Công Lao Của Mẹ của các nhạc sĩ Y Vân, Nhị Hà, Thu Hồ, Phạm Duy...
Điều quan trọng là chúng ta cần phổ biến những ý tình cao đẹp của việc tôn thờ Công Chúa Liễu Hạnh, để khai triển những khía cạnh đạo lý của việc thờ phượng, thay vì để việc thờ phượng thoái hóa, hạn hẹp vào những điều mê tín dị đoan.
Thần tích Bà Chúa Liễu cần được nghiên cứu, đề cao qua các khía cạnh chính trị, văn hóa, tôn giáo, xã hội, đạo lý... để từ giới trí thức đến bình dân am hiểu, qúy trọng.
So sánh với Kinh Thư Trung Quốc
Trong phần Nhị Thập Bát Tú của Kinh Thư Trung Quốc, viết:
Hai cô con gái vua Nghiêu gả cho vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh.
So với việc vua Hùng Vương mở cuộc thi kén rể giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, thì thấy vua Hùng Việt Nam tỏ ra cẩn trọng hơn, bắt thi thố tài năng chứ không chỉ tin vào lới tâu của quan nhạc như vua Nghiêu gả một lúc hai cô con gái cho vua Thuấn.
Vua Nghiêu răn con gái phải kính cẩn trọn đạo làm vợ, chính là bước đầu của đạo Tam Tòng, bắt người phụ nữ Trung Quốc phải hoàn toàn tuân phục và lệ thuộc vào phái nam từ nhỏ cho đến khi già (Tại gia tòng phụ - Xuất giá tòng phu - Phu tử tòng tử), trong khi phái nam phải theo đạo Tam Cương, tuân phục nhà vua hết mình.
Phải chăng từ đạo lý trên mà người phụ nữ Trung Quốc ít có các bậc anh thư, rồi ngay cả tứ đại giai nhân lẫn một số thái hậu đều bị kết tội làm quốc phá gia vong, không được kính trọng bao nhiêu trong sử sách.
Trong khi đó, tại Việt Nam, người phụ nữ được tự do hơn - như nàng Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử - để phát triển hình thành nhiều bậc nữ lưu anh thư, được cả dân tộc tôn thờ. Từ Bà Trưng, Bà Triệu, ý Lan Phu Nhân... đến những nhân vật dân dã như các vị nữ lưu có công đức, được tôn xưng là các 'bà' để thờ phượng, như Bà Đen, Bà Đá, Bà Đanh... tất cả đã kết tinh trong tâm thức dân tộc để hình thành nhân vật Liễu Hạnh Công Chúa phi phàm.
Thần tích Bà Chúa Liễu là sự tồn tại và thăng hoa của văn hóa Việt bao đời, là phản ứng mạnh mẽ của đạo lý Việt trước sự đánh phá xâm lược của các tư tưởng ngoại lai, cần được am hiểu và tôn thờ đúng mức, hầu phục hồi vai trò cao đẹp quan trọng của người phụ nữ Việt từ xa xưa, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, quốc gia - mang tính ưu việt hơn việc đòi hỏi tự do và bình đẳng cho phụ nữ của các nước Tây Đông hiện nay.
Hình tượng về các bậc anh thư & liệt nữ và các vị phụ nữ gương mẫu của Việt Nam xưa nay, rất cần được tìm hiểu, nghiên cứu khai triển thành các luận đề, tham luận... phổ biến trên thế giới, thành một giá trị văn hóa lớn để cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc tôn vinh, trong chiều hướng nêu cao những điển hình về phụ nữ, để hình thành những bài học qúy giá trong nhân luân của nhân loại.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.