Các nền văn hóa minh triết hàng đầu trên thế giới, buổi đầu đều sở hữu những kinh sách có nội dung trình bày những tư tưởng truyền thống, hầu lấy đó làm nền tảng xây dựng văn hóa quốc gia & dân tộc.
Trước Thế kỷ 6 trước công nguyên, lúc Âu Châu chưa có kinh sách về triết học, thì ở Ấn Độ, Trung Hoa đã có những sách tư tưởng mang tính tôn giáo duy ngã độc tôn khi tự thị là 'kinh'.
Riêng ở Do Thái cũng vào thời kỳ này, đã có nhiều tác phẩm mang nội dung xứng đáng gọi là 'kinh', nhưng vẫn chỉ được gọi là 'sách', nên đã tránh được sự độc tôn một chiều tai hại, mà sớm có được những trí tuệ uyên bác tân tiến?.
Ba cuốn sách của dân tộc Do Thái mang nhiều giá trị văn hóa tư tưởng buổi đầu là:
A/ Sách Lề Luật Torah:
Torah mang ý nghiã 'giáo huấn, hướng dẫn', có nội dung chủ yếu gồm 5 loại tài liệu:
1- Những chuyện kể huyền thoại.
2- Nhữ tư liệu về lịch sử.
3- Các luật lệ về nghi thức và cấm kỵ trong cuộc sống, như về ăn uống, sinh sống, hôn nhân, thờ phượng, phong tục, tập quán.
4- Các bài thuyết giáo, tiên đoán về chính trị, xã hội.
5- Những tác phẩm về triết học, thi văn.
B/ Sách Pháp Điển Talmud:
Talmud mang ý nghiã 'tìm kiếm', là công trình văn học mang nội dung vừa là luật pháp quốc gia, vừa là nguồn mạch của tôn giáo; trong đó hướng dẫn cách ăn ở hàng ngày, nền tảng cơ cấu gia đình và cấu trúc xã hội.
C/ Sách Bí Pháp Cabbalah:
Là cuốn sách quan trọng trong Văn học Hebreu, tác phẩm phản kháng âm thầm chống lại sự vụ hình thức, qua đề tài chính là 'Thiên Chuá trước buổi sáng thế, và linh hồn con người sau đó'.
Qua một số nét chính chủ yếu trên, chúng ta thấy 3 cuốn sách trên có nội dung gần giống với những truyền thuyết - cổ tích - ca dao tại Việt Nam, khi:
**Đều thể hiện quan điểm thông thoáng, không 'duy ngã độc tôn', nên dừng lại ở khu vực 'sách, truyện' phổ thông, không coi là 'kinh'?
**Đều thu thập từ trong dân gian.
***
Bấy lâu nay người Việt thường tự hào về 'Bốn Ngàn Năm Văn Hiến' của mình, nhưng hình như chưa mấy ai nắm bắt được nền văn hiến này đã khởi đầu ra sao, nội dung lưu truyền như thế nào trong đời sống dân tộc?
Văn hiến chính là những nét lớn cao đẹp trong đời sống tinh thần và vật chất chủ yếu của một nền văn hóa, được coi là những khuôn vàng thước ngọc để ''mọi người trong một nước'' đều truyền tụng, noi theo.
Hầu như các nền văn hóa hàng đầu trên thế giới chưa đạt tới cảnh giới văn hiến, vì văn hóa của họ từ khởi thủy không có những quan điểm đặc trưng cao đẹp, được các hậu duệ tìm cách thống nhất bảo trọng phát huy, mà thường bị chia thành nhiều môn phái khác biệt, mâu thuẫn kình chống nhau:
*Trung Quốc có hai nguồn tư tưởng chính là Lão Giáo và Khổng Giáo có nhân sinh quan khác hẳn nhau, được các đệ tử khai triển theo nhiều chiều hướng dần dần xa rời nhau, đối kháng nhau như vô vi của Lão Giáo với hữu vi của Khổng Giáo - đưa tới chủ trương nhập thế khác hẳn xuất thế?
*Ấn Độ có nhiều tôn giáo khác nhau, như Ấn Độ Giáo, Phật Giáo... Trong Phật Giáo cũng chia thành Đại Thừa - Tiểu Thừa... tu tập theo các mục đích giúp đời (Đại Thừa) hay giúp mình (Tiểu Thừa) khác nhau?
*Tây phương có nền triết học khởi nguồn từ Hy Lạp, phát triển theo đường lối tư duy phóng khoáng, không tôn sùng bất cứ một thần tượng nào, hình thành nhiều trường phái khác hẳn nhau trong tư duy, như Duy Linh, Duy Tâm, Duy Lý, Duy Vật...
Những sự việc trên đã khiến Triết gia Jean Paul Sartre (1905 - 1980) đánh giá các triết gia cổ kim chỉ đề cao một tầm nhìn về một phiá duy nhất, chẳng khác gì đưá bé cởi truồng chạy nhông, mà không hề biết mắc cở, vì nó mới chỉ có được cái nhìn một chiều từ nó đến người khác - mà chưa có được cái nhìn chiều thứ hai, từ người khác vào nó.
Nói khác đi, là hầu hết các triết gia Tây Đông bấy nay khư khư khai triển quan điểm của mình, như các chủ trương Duy Tâm, Duy Lý, Duy Linh, Duy Vật... chẳng khác kẻ soi gương tự vái mình, ít ai chịu thừa nhận sự hay đẹp của người khác, môn phái khác?!
Đây cũng chính là hình ảnh của câu chuyện thầy bói sờ voi, khi ai cũng cho mình đúng, mà không hiểu rằng mình chỉ đúng trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình mà thôi. Trong khi người khác cũng đúng trong sự hiểu biết hạn hẹp của họ. Bi thảm ở chỗ mọi người chưa biết chấp nhận cái đúng của người khác, nên tuy có mắt mà rơi vào hoàn cảnh như người khiếm thị?!
Về phương diện vật chất, nếu người Việt có những món ăn truyền thống đạt cảnh giới văn hóa, khi có kèm theo những sự tích uyên áo như Bánh Dày & Bánh Chưng, Bánh Mẹ Trăm Con, Bánh Phu Thê, Trầu Cau, Dưa Hấu... thì các món ăn đặc trưng của các dân tộc khác trên thế giới hầu như ít khi có được một sự tích cao đẹp nào, mang tính giáo dục nhân luân kèm theo?
Đâu có sự tích Văn hóa nào cho các món như Hotdog của Mỹ, Hắc cảo của Trung Hoa, Sushi của Nhật, Pizza của Ý, Bánh mì Bagette của Pháp, Cà ri của Ấn Độ...?
Ngoài ra các món ăn Việt còn có giá trị y khoa, khi dùng nhiều loại rau củ có dược tính để không chỉ tạo hương vị thơm ngon, mà còn giúp hóa giải những độc chất, điều hòa tính âm dương nóng lạnh của mỗi loại thịt cá.
Chiếc áo dài thướt tha của người phụ nữ Việt, qua bao thay đổi vẫn giữ nguyên được nét chính của vẻ đẹp duyên dáng, cũng là một nét văn hiến về vật chất vậy.
***
Một khi các tư duy triết học bị thoái hóa, lạm dụng biến thành thần học của tôn giáo, chính trị học thế tục của các đảng phái... thì đều mang 'bản chất của Tôn giáo và Chính trị là muốn vượt lên trên mọi tôn giáo đảng phái khác' mà rơi vào tham vọng 'duy ngã độc tôn'... khiến không ít các hàng giáo phẩm và các lãnh tụ cũng bị thoái hóa theo, đến độ nhiều dân tộc lâm vào bi kịch coi các giáo điều tôn giáo & tư tưởng chính trị ngoại lai hơn cả tư tưởng nền tảng truyền thống quốc gia & dân tộc của mình?!
Thực tế bấy nay cho thấy các hình thức tinh túy nhất của tôn giáo là làm mất đi 'cái tôi bình thường', để tìm đến 'cái tôi phi thường' đầy ảo tưởng hầu mong được ai ủi, cứu rỗi?
Đường lối chính trị của Khổng giáo và Cộng sản cũng độc tôn & độc tài tương tự, nên Trung Cộng nay mới xây dựng các Viện Khổng học khắp nơi trong và ngoài nước?!
Chính điều này đã phát sinh ra các quan niệm Bái Thiên, Bái Địa, hoặc Bái Nhân một cách quá đáng, thể hiện qua cung cách cúi đầu qụy lụy đến 'qùy lậy' - khiến con người mất đi 'thế đứng' hài hòa cần thiết giữa Thiên = Địa = Nhân, trở thành tự ti hơn bao giờ hết lúc chỉ còn biết van xin các ơn trên phù hộ giúp đỡ - thay vì chính mình cần có hùng tâm dũng khí và trí tuệ, để có thể tư duy sáng suốt, nhận ra trách nhiệm hành động thực hiện bổn phận ''Làm Người'' cao cả với bản thân, gia đình, xã hội, quốc gia, dân tộc, nhân loại.
Ít có ai cảm nhận được rằng: ''Tôn giáo thâm thúy cao đẹp nhất chính là sự thiết lập được tính đồng nhất giữa Thượng Đế và Con Người - khi Đức Tin nâng đỡ Ý Thức và Ý Chí; chứ không phải Ý Thức và Ý Chí phải luồn lụy đề cao Đức Tin''.
Qua phần Trung Thư này - chúng tôi cố gắng ghi lại một số nét chính yếu qua người và việc trong gần 4.000 năm lịch sử Việt Nam, từng bộc lộ được nhiều nét cụ thể của Văn hiến Rồng Tiên ''Nhân + Trí = Hùng'' Việt Nam, thể hiện sự nhất quán từ thời lập quốc đến nay, qua tình Đồng Bào và tín ngưỡng tôn thờ Anh hùng & Liệt nữ nơi đình đền của mỹ tục thờ phượng 'Địa Linh & Nhân Kiệt', bộc lộ lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong sáng & tự trọng, không hề bị vong thân hay tha hóa, qua thông điệp 'Hùng' của các đời vua Hùng khi lập quốc trong 2.000 năm đầu, đã lập đi lập lại qua cùng một vương hiệu chính là ''Hùng Vương''.
Những tư duy truyền thống của dòng giống Tiên Rồng, dù bị các tín đồ tư tưởng ngoại lai tìm cách vùi dập để đồng hóa, nhưng chỉ mai một phần nào nơi giới 'học thức' thư lại bị giáo dục ngoại lai làm tha hóa mà vong thân, cam tâm làm tôi đòi các nên văn hóa ngoại lai, viết các loại sử sách vong bản hư đốn cực kỳ. Vì nếu là người 'trí thức', chắc sẽ không bị sa đà ngu muội tệ hại đến như vậy?!
Đó là lý do tại sao bấy nay chúng ta không thể nào tìm thấy trong phần lớn các sử sách Việt, những tư duy cao đẹp truyền thống của tổ tiên, hầu được phát triển thành một hệ thống tư tưởng triết học nhất quán độc lập và sán lạn.
Đó là tình cảm 'đồng bào' - hành động dấn thân 'tri hành đồng nhất' và tư tưởng 'anh hùng', được nêu lên và nhắc nhở kinh qua lời dặn của Mẹ Âu Cơ, cùng hành động của Cha Long Quân dạy bảo con cháu chắt chút chít... phải lấy chữ 'Hùng' làm đầu, tuân thủ suốt các đời vua đầu tiên của Việt Nam, khi vương nghiệp của dòng họ chưa rơi vào tay kẻ chịu ảnh hưởng ngoại lai?!
Nhỡn tiền, chúng ta thấy Cộng sản Việt Nam hiện nay tôn sùng tư tưởng Mác Lê một cách vong bản và đốn mạt ra sao, thì chúng ta cũng có thể hình dung ra phần nào các triều đại trước, coi Khổng Tử là 'vạn thế sư biểu'... thấp hèn đến thế nào?!
Tín ngưỡng Địa Linh & Nhân Kiệt thể hiện tư tưởng và tình cảm yêu Dân & Nước, coi mỗi dãy núi, mỗi dòng sông là thiêng liêng thân thiết (Đất có Thổ Công - Sông có Hà Bá, Đất lành chim đậu, Đất cam thảo - Dân lão thần...), coi các nhân vật có công lao với dân tộc là các bậc anh hùng & liệt nữ để tôn thờ, noi theo gương hai nhân vật quốc tổ Tiên & Rồng và 4 vị được đề cao là Thánh Tứ Bất Tử của dân tộc qua các gương sáng thực hiện Nhân Trí Hùng, có những hành trạng được người bình dân bao đời ca ngợi, tôn kính rất mực, nhắc nhở trong các hèm lễ hội & đình đám truyền thống diễn ra hàng năm.
Từ đó, các nét tiêu biểu đặc trưng của truyền thống ''Văn hiến Việt Nam'' được minh định một phần nào, như sau:
Nếu Phật Giáo đề cao Bi Trí Dũng, Nho Giáo đề cao Nhân Trí Dũng... thì khi phân tích cổ tích Rồng & Tiên Việt Nam, chúng ta sẽ thấy nội dung nêu cao Nhân Trí Hùng:
**Lòng Nhân:
Lòng nhân của Mẹ Tiên Âu Cơ Việt Nam thể hiện tình yêu thương máu mủ ruột thịt qua nghiã 'Đồng Bào', sớm hình thành ý tưởng 'chung - cùng' được người bình dân Việt diễn giải phát triển sâu rộng nghiã tình truyền thống thành nghiã tình 'Đồng Hương', qua các câu ca dao như:
-'Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
'Người chung một nước phải thương nhau cùng.
-'Bầu ơi thương lấy bí cùng.
'Tuy rằng khác giống, nhưng chung một dàn.
Trong khi đó Khổng Tử tuy đề cao Nhân Nghiã Lễ Trí Tín, nhưng hình tượng cao nhất là người quân tử vẫn chỉ đạt tới chỗ 'Quân tử hòa nhi bất đồng'!
Chính nhờ tình nghiã 'đồng bào' mà trong khi giới sĩ, công, thương nơi thành thị bị tha hóa luôn chia rẽ nhau về phe đảng chính trị, phe phái tôn giáo... thì người bình dân Việt ở nông thôn vẫn chung sống yên vui trên cùng một mảnh đất: Mỗi làng đều xây dựng ngôi đình ở trung tâm thờ Địa Linh & Nhân Kiệt; còn các chùa chiền, đền thờ, nhà thờ, am miếu... của các tôn giáo chỉ chiếm các vị trí thứ yếu trong cấu trúc làng xóm Việt Nam.
Văn hiến 'Đồng Bào' coi mọi người trong cùng một nước như họ hàng, thể hiện qua việc xưng hô theo thứ tự tuổi tác, liên hệ... để ai nấy có thể dễ dàng thưa gửi & gọi nhau là Cụ - Ông - Bà - Cô - Bác - Chú - Thím - Cậu - Dượng - Dì - Anh - Em - Cháu... một cách thân tình như có liên hệ huyết thống gần gũi thân thuộc với nhau.
Ở Miền Nam nhờ xa lìa Trung Quốc hơn Miền Bắc được vài trăm năm, truyền thống này còn phát huy cao hơn, khi tùy trường hợp và tuổi tác gọi nhau là bác ba, bác tư, anh năm, anh sáu, chị bảy, chị tám... Lý thú nhất là ở miền Nam còn đặc cách xếp người Hoa vào hàng 'Chú Ba', người Ấn Độ vào hàng 'Anh Bẩy'... thể hiện 'khác giống - nhưng chung một giàn'?
Điều này ít quốc gia & dân tộc nào trên thế giới có được, khi thường chỉ dùng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai để xưng hô với nhau, bất kể thân sơ và tuổi tác hơn kém nhau nên rất bất kính, như 'I -You' của Anh, 'Je - Vous' của Pháp, 'Ngộ - Nị' của Trung Quốc...
Cuộc tương tranh tôn giáo giữa Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo hồi Hậu bán Thế kỷ XX dưới thời Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam, phần nào làm suy yếu lực lượng quốc gia, đưa đến thảm họa mất nước về tay Cộng Sản, thực tế chỉ diễn ra gay gắt ở các đô thị như Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng... mà thôi.
Lúc đó giới Sĩ, Công, Thương... thành thị đâu còn ai nhớ đến lời ca dao từ Nông dân thống thiết:
'Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
'Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau...
Sự tương tranh giữa các thành phần trong dân tộc chỉ có thể diễn ra khi người ta quên nghiã 'đồng bào' mà chỉ nghĩ đến 'đồng bọn' - qua các xu hướng thấp kém như 'đồng môn', 'đồng đạo', 'đồng chí'... của những người có quan niệm hẹp hòi chưa đúng về tôn giáo, chính trị?
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là vị tu sĩ chân chính hiếm hoi từ xưa đến nay của Việt Nam, vì chỉ riêng ngài mới có được phát biểu cao cả:
'Trước khi là một linh mục, tôi là một người Việt Nam'.
Tức là đặt Quốc gia & Dân tộc lên trên tôn giáo, dù đang được ở địa vị cao trong tôn giáo.
Cần quan niệm như thế mới đúng, vì khi quốc gia dân tộc mất về tay ngoại bang hay bọn cầm quyền vô thần như Cộng sản Việt Nam hiện nay, các tôn giáo đều bị họ tìm cách kiềm chế bằng những tổ chức quốc doanh, và tù đầy các nhà lãnh đạo tôn giáo chân chính không chịu cúi đầu tuân lệnh chủ trương tha hóa tôn giáo của họ?!
Ngày nay muốn hóa giải sự chia rẽ đánh phá nhau không chút khoan nhượng của chính những người Việt Quốc Gia, và cả giữa Quốc - Cộng... cách duy nhất là ai nấy cùng đề cao tôn chỉ 'đồng bào' do Mẹ Âu Cơ đề ra, thay vì hạn hẹp trong các phạm vi 'đồng chí', 'đồng môn', 'đồng đạo'... thực tế chỉ có ý nghiã 'đồng bọn' gây tư thù, tạo tư lợi rất thấp hèn?!
***
Lòng Nhân của Mẹ Âu Cơ còn thể hiện tình yêu thương chồng con, chăm lo cuộc sống từ vật chất đến tinh thần, qua hình ảnh của Tiên Việt.
Thực vậy, Tiên Việt như cô Tấm trong Tấm Cám - Giáng Tiên trong Bích Câu Kỳ Ngộ, các Bà Mẹ, Người Vợ trong đời thường... có tài bếp núc biến hóa thay đổi khẩu vị các món ăn hàng ngày, qua các sáng tạo giúp cuộc sống gia đình, xã hội, quốc gia trở nên có những giá trị vật chất phong phú, giá trị tinh thần lý thú; hơn hẳn lối hóa phép mang tính ảo tưởng không thể nào có trong thực tế của Tiên Tàu và Tiên Tây; nhất là sự biến hóa nơi bếp núc này ai cũng có thể làm được, không có tính hão huyền như các vị Tiên Đông Tây.
Cụ thể, trải bao đời từ những hạt gạo nếp tẻ nhỏ bé tầm thường, Người Phụ Nữ Việt đã sáng tạo ra hàng trăm thứ bánh, thứ bún, thứ xôi, các món ăn uống chay mặn... ngon lành bổ dưỡng với các vị mặn ngọt chua cay... khác hẳn nhau, từ trẻ đến già đều ưa thích, có thể bày thành những mâm cỗ nhiều tầng trong đời thường mà huyền ảo như trong các chuyện thần tiên.
Còn nói về biến hóa từ nghèo nàn thành giàu sang phú qúy, thì hình ảnh các phụ nữ Việt VNCH sau năm 1975 nhanh chóng giúp chồng con có cuộc sống thành công, sung túc, nhà cao cửa rộng hoành tráng nơi hải ngoại chỉ sau một thời gian mươi năm... nào có khác gì các câu chuyện cổ tích mô tả về phép biến hóa rất hão huyền không tưởng của các vị Tiên Tàu, Tiên Tây?
**Trí Sáng:
Trí của Cha Rồng Lạc Long Quân thuộc hàng 'Trí Sáng thượng thừa' khi không một lầm lẫn nào, thể hiện qua sự 'Tri Hành đồng nhất' ngay từ thuở ban sơ, không có sự thắc mắc tranh cãi yếu kém như các lý thuyết gia của Khổng Giáo, khi người thì cho là 'biết dễ - làm khó' (tri dị - hành nan), người thì cho là 'biết khó - làm dễ' (tri nan - hành dị), rồi thì kẻ nói 'biết rồi hãy làm' (tri tiên - hành hậu), kẻ lại nói 'làm rồi sẽ biết' (hành tiên - tri hậu)...
Đang xum họp gia đình hạnh phúc đông vui, Cha Rồng đã biết hy sinh niềm vui nhỏ của tình yêu gia đình, để nghĩ đến niềm vui lớn của tình yêu Quốc gia & Dân tộc, đích thân đem một nửa số con xuống biển để 'cùng ăn - cùng ở - cùng làm - cùng chiến đấu' mở mang dân trí, phát triển dân sinh, khai phá đất đai, bảo vệ cõi bờ, ổn định cả vùng duyên hải rất dài dọc theo bờ biển Việt Nam.
Phải nói rằng Lạc Long Quân là vị vua đầu tiêu trên thế giới hiểu rõ sự quan trọng của biển đảo trong đời sống kinh tế dân tộc, nên mới có thể sớm khai thác chiếm cứ, giúp Việt Nam là một trong những nước có nhiều bờ biển và hải đảo nhất thế giới. Tương truyền Hạ Long là nơi Long Quân đặt bản doanh đầu tiên, đến đời nhà Trần nơi này còn chưa bị biển lấp nên vẫn còn những địa danh ghi nhận các sự tích - Bái Tử Long là nơi Long Quân cắt đặt các con cháu khai hoang sinh sống - Bạch Long Vĩ là nơi cuối cùng Long Quân tới chiếm hữu trên vùng biển đảo xa bờ nhất.
Sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim ghi:
'Sử chép rằng đời vua Hùng Vương thứ nhất, người nước Văn Lang làm nghề chài lưới, cứ hay bị giống thuồng luồng làm hại, vua mới bắt dân lấy chàm vẽ mình để những giống ấy tưởng là đồng loại không làm hại nữa. Sử lại chép rằng thuyền của ta ở đằng mủi thường hay làm hai con mắt, cũng có ý để cho các giống thủy quái ở sông ở bể không quấy nhiễu đến.
(sđd các trang 13, 14)
Đây chính là hành vi của bậc tài trí, 'nghĩ là làm - tri hành đồng nhất' luôn song song đi đôi với nhau cùng một lúc, không ngồi một nơi chỉ tay năm ngón như các nhà lãnh đạo cổ kim - kể cả những vị được coi là thánh nhân như Nghiêu Thuấn cũng 5 năm mới đi kinh lý một lần, thăm dân cho biết sự tình theo lối cưỡi ngựa xem hoa. Đâu có ai ở ngôi cao mà dám từ bỏ tổ ấm, xa vợ giữa tuổi trung niên đầy sinh lực qua việc sinh nở nhiều, dấn thân nơi đầu sóng ngọn gió giữa biển cả để lo việc kinh bang tế thế?
Trong các trận chiến chống xâm lăng, Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Quang Trung... đều dấn thân ngoài trận tiền với binh sĩ, không có chuyện như Lưu Bị yên thân nơi hậu cứ, Hồ Chí Minh chui nhủi trong hang Pác Bó... để mặc các tướng tá xông pha nơi trận mạc nguy hiểm?!
Đó cũng là hình ảnh phổ biến làm gương của trò chơi Rồng Rắn...
Nét văn hiến cao đẹp này đã đi vào tâm thức của người Việt Nam, khi những người cha Việt luôn chăm lo, sát cánh với con trong việc ăn học từ tấm bé đến lớn, qua hình ảnh những người cha đưa con đi học, đi thi, ngóng đợi con ngoài cổng trường thi. Khi con đỗ đạt đi làm nơi đâu, người cha cũng cất công đưa con tới tận nơi làm việc, xem xét nơi ăn chốn ở và chỗ làm việc của con, mới yên lòng.
Rõ ràng nhất là khi Cộng sản Việt Nam chiếm miền Nam, thực hiện chế độ kỳ thị chính trị rất hà khắc, những người cha khi dấn thân vượt biển tìm tự do, tái dựng cuộc sống mới, thường để vợ ở lại quán xuyến, đem theo mấy người con cùng đi, nếu điều kiện tài chính cho phép - một hình ảnh cũ càng của truyền thống Cha Rồng đưa con xuống biển thời lập quốc gần 5.000 năm trước, vô củng hào hùng cảm động, mà nay nào có mấy ai hay?
**Tính Hùng của truyền thống Việt:
Người Việt xưa không có phong tục tự đặt tên thụy, tên hiệu... thể hiện ý chí của mình như người Tàu, mà thường gửi tâm ý này ngay vào việc đặt tên con của mình - theo truyền thống của Cha Rồng & Mẹ Tiên, qua nhân sinh quan ''con hơn cha là nhà có phúc'' coi việc kế thừa trong gia đình là quan trọng hơn bản thân, có ích nhất đối với dân tộc.
Rồng lấy Tiên, sinh ra các con dặn phải lấy chữ 'Hùng' làm khuôn vàng thước ngọc, nên các đời vua suốt 2.000 năm đầu tiên đều lấy chữ Hùng làm vương hiệu chính, cho thấy sự kết hợp giữa lòng Nhân của Mẹ Tiên và Trí Sáng của Cha Rồng, đã sản sinh nuôi dưỡng giáo dục tâm thức các con Tính Hùng.
Giữa Hùng và Dũng khác nhau rất xa, khi Dũng chỉ là 'brave', còn Hùng là 'hero'. Dũng chỉ là sự can đảm hoàn thiện bản thân - Hùng đòi hỏi sau khi hoàn thiện bản thân một cách dũng cảm tốt đẹp, còn phải dấn thân dâng hiến công sức bản thân giúp quốc gia, dân tộc, xã hội... làm nên những điều hữu ích cho nhân quần xã hội. Nếu đạt tới những 'thắng lợi' mới được xưng tụng là 'anh hùng' - còn 'thắng hại' như Việt Cộng' sẽ bị nguyền rủa là 'gian hùng'?!
Trí Sáng cao nhất còn lưu truyền lại với chúng ta ngày nay, là Lạc Long Quân đã đặt tên con khởi đầu bằng chữ 'Hùng', để được duy trì suốt các đời vua đầu tiên, trở thành những đời vua Hùng phát triển rất hào hùng.
Dũng chỉ là tự thắng mình như quan niệm:
'Phú qúy bất năng dâm
'Bần tiện bất năng di
'Uy vũ bất năng khuất.
Như vậy, Hùng cao hơn nhiều bậc khi không chỉ dũng cảm tự thắng mình để 'thành nhân', mà sau đó còn phải 'thành công' thắng những kẻ ác hại, giúp dân nước 'cư an - tư nguy', đạt 'thắng lợi' chứ không phải 'thắng hại' như Cộng sản Việt Nam nói riêng, Cộng sản Quốc tế nói chung?!
Đây chính là nền giáo dục & đào tạo tư tưởng và hành động truyền thống của Văn Hiến Việt Nam, lưu truyền từ thời Rồng & Tiên mở nước, khi người dân Việt luôn tự hào mình là ''Con Rồng & Cháu Tiên'':
'Trứng Rồng lại nở ra Rồng.
'Liu điu chỉ nở ra dòng Liu điu.
Ở Trung Quốc, Dũng được coi đứng thứ 3 trong ba điều kiện Nhân - Trí - Dũng để kiện toàn bản thân, nếu muốn được tôn trọng.
Như vậy Dũng chỉ bao hàm sự tự 'thắng mình' trước các cám dỗ, sợ hãi, hầu không bị mất tư cách con người, khi thịnh cũng như lúc suy - tức chỉ giúp 'thành nhân'.
Trong khi đó Hùng ngoài sự tự 'thắng mình', còn đòi hỏi 'thắng người' & 'thành công' một cách quang minh chính đại, phải là 'thắng lợi' chứ không 'thắng hại', khi dấn thân giúp nước, giúp người, giúp đời.
Nhân sinh quan dấn thân 'giúp người' phải đến thời cận đại mới được triết học Tây phương đề cao, phát triển, hình thành những chương trình nhân đạo phổ biến, như 'Y sĩ không biên giới'...
Ngay như 5 vị tướng của Lưu Bị thời Tam Quốc, cũng chỉ được coi là Ngũ Hổ Dũng Tướng do chỉ một lòng phục vụ Lưu Bị, hơn là nghĩ đến quốc gia đại sự.
Chính vì vậy Tào Tháo mới nói với Lưu Bị là 'Trong thiên hạ chỉ có tôi với ông là kẻ anh hùng' - thực ra cả hai đều chỉ là gian hùng.
Trong khi đó các vị tướng tá của Việt Nam đều là các bậc anh hùng, khi xả thân chỉ với mục đích cứu quốc, giúp dân tộc chống xâm lăng, không hề cúc cung tận tụy một vị vương giả nào. Chính vì vậy mà nhiều người đã từ quan hay bỏ đi ở ẩn, hoặc nổi dậy chống đối... khi thấy bề trên lạm quyền làm hại đất nước. Thậm chí còn đứng lên phất cờ khởi nghiã... để rồi bị các sử gia vong bản thiển cận - nô lệ ảnh hưởng Nho Giáo, Cộng sản - gọi là phản loạn, phản bội, phê phán chê trách rất bất công?!
Phải chăng nhờ tinh thần này mà các nhà cai trị tàn bạo ở Việt Nam bấy nay đã không thể tồn tại lâu dài như ở nhiều nước trên thế giới?
Thế nên chỉ những người 'cứu quốc thắng lợi - không thắng hại' như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... mới được coi là các bậc anh hùng & anh thư của quốc gia dân tộc, được tôn kính và thờ phượng ở các đình đền nhiều nơi. Còn 'thắng hại' như Hồ Chí Minh và Cộng sản Việt Nam sau nhiều dối trá lừa bịp ác hại, chỉ là lũ 'gian hùng', bọn 'gian ác' sẽ bị lịch sử muôn đời nguyền rủa.
[Tưởng cũng nên biết việc xác Hồ Chí Minh bị mổ bụng moi ruột gan phơi bày ở Lăng Ba Đình, cũng như tượng của hắn hầu hết là loại tượng bán thân, cụt chân tay... là điều tối kỵ trong việc thờ phượng, tưởng nhớ của đạo đức Đông phương?
Vì các tượng Thần Phật để thờ ở các đình chùa tại Á Đông đều đầy đủ toàn thân, dù lớn hay nhỏ? Đây phải chăng ứng với đạo lý 'Quả báo nhỡn tiền' khi làm ác sẽ bị chặt đâu, phanh thây, phơi xác ghê hồn của tín ngưỡng Việt?].
Triết lý Nhân + Trí = Hùng của Mẹ Tiên & Cha Rồng Việt đã hình thành một nhân sinh quan mang tính Triết học cao thâm, kết tinh thành Văn Hiến Rồng Tiên đại đồng - trong khi tại các nước Đông Tây, các nhân sinh quan đều chỉ đạt tới trình độ Thần học của các Tôn Giáo, tư duy duy ngã độc tôn mà biến thành chia rẽ dân tộc, gây ra các cuộc Nội chiến - Thánh Chiến vô cùng đẫm máu?! Hồi Giáo đang rơi vào chỗ hung hiểm, là viễn cảnh nhân loại cần báo động, phải mau chóng phục hồi tinh thần cao đẹp nguyên thủy của các vị thánh thần sáng lập các tôn giáo?!
Đặc điểm của tín ngưỡng Việt ngay từ khởi đầu đã vượt qua hình thức gián tiếp của các tôn giáo, đạt tới trình độ trực tiếp giao cảm, khi sự thờ phượng không bị lệ thuộc vào các kinh sách và tu sĩ, ai nấy đều có thể tự ý khấn vái cầu xin trực tiếp với các vị thần thánh mà mình tin tưởng. Nơi các đình đền tại Việt Nam đều chỉ có người thủ từ coi giữ, không rao giảng.
Nhân sinh quan Nhân + Trí = Hùng không khỏi khiến chúng ta liên tưởng đến nhân sinh quan của Triết gia người Đức Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 - 1900) khi Nietzsche xác tín 'giả thuyết Thượng Đế' là không thể chấp nhận, qua những cách lý giải của các tôn giáo về thế giới, sự hiện hữu của con người, các biến thiên siêu hình.
Nietzsche cho rằng các lý giải của các tôn giáo thể hiện tính 'luân lý nô lệ', không phù hợp với bản chất của tự do của con người, nhất là con người có văn hóa.
Trên núi Nghiã Lĩnh tại tỉnh Vĩnh Phú cho đến nay vẫn còn đền thờ các vua Hùng, trước đây mở lễ hội kéo dài từ mồng 7 tới 17 tháng 3 lịch. Kể từ năm 1922, triều đình nhà Nguyễn quyết định lấy ngày 10-3 là lễ chính do triều đình cử quan lại về chủ lễ, sau đó mới đến lượt dân địa phương và các nơi đổ về tế lễ, tham dự hội hè:
'Dù ai đi ngược về xuôi
'Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
hình thành văn hiến 'uống nước nhớ nguồn' mang tính nhân luân rất cao đẹp của dân tộc Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, chính kiến.
Ngoài nơi trên còn nhiều nơi lập đình đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương như:
-Đình Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, thờ Cao Sơn Dại Vương - tương truyền ngài là một trong 50 người con của Lạc Long Quân.
-Đình Lương Khế, ở thị xã Kon Tum, thành lập năm 1911 do dân làng dù đi xa vẫn nhớ ơn Quốc Tổ lập làm thần thành hoàng, đến năm 1925 được vua Khải Định ban sắc phong.
-Đình Long Thanh, ở thị xã Vĩnh Long, xây dựng năm 1754, đến năm 1844 dời về ấp Long Thanh, thờ Quốc tổ làm thần thành hoàng.
...
Ba đền thờ ở 3 miền Bắc - Trung - Nam tiêu biểu kể trên, thể hiện tinh thần văn hiến 'uống nước nhớ nguồn' của Người Việt khắp nơi trong nước.
Tinh thần truyền thống cao đẹp này, nay còn được phát huy tại hải ngoại, khi có nhiều đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương nơi có đông đảo Người Việt sinh sống. Rất tiếc không ít các đền thờ Quốc Tổ ở hải ngoại đã không tìm hiểu về các lễ nghi theo truyền thống dân tộc cổ truyền Việt Nam, thực hiện nhiều lễ nghi theo kiểu Trung Quốc, nhất là không tôn thờ các bậc 'Tiên Hiền' là những người có công với Quốc gia & Dân tộc, Hậu Hiền có công tạo lập nơi thờ phượng, những người có công phát triển cộng đồng & nơi thờ phượng, bằng những đóng góp công sức hoặc tiền bạc đáng kể, cần ghi nhận để làm gương. Chính các việc này sẽ giúp nơi thờ phượng được nhiều người lui tới, giúp đỡ, tham gia tiếp nối phát triển... hình thành nơi học tập, hội họp bàn việc chung như các đình làng xa xưa.
Phù Đổng Thiên Vương chỉ là một đứa trẻ nhỏ, tật nguyền vì không nói được, vậy mà vẫn được nhà vua tin tưởng đúc ngựa sắt, kiếm thép, roi đồng để đi đánh giặc.
**Ngụ ý của truyện đầu tiên là dù nhỏ tuổi, tật bệnh... một khi có lòng giúp nước, vẫn ích quốc lợi dân hơn là những người lớn tuổi khỏe mạnh mà ươn hèn, bẻm mép?
**Ngụ ý thứ hai của việc Phù Đổng sinh ra mà không nói, phải chăng mang ý nghiã 'khi đất nước lâm nguy cần động thủ chiến đấu hơn là chỉ đánh võ miệng', hoặc chỉ viết lách bày tỏ các ý tưởng vô bổ như nhiều nhà văn, nhà báo bấy nay?
Nếu ở Tây hay Tàu ít có những tấm gương tuổi nhỏ mà đã dấn thân đánh giặc khi đất nước bị ngoại xâm, thì ở Việt Nam sau Phù Đổng đã có thêm ít nhất 2 vị anh hùng tuổi nhỏ trong sử sách là Đinh Tiên Hoàng và Trần Quốc Toản. Vì các nhân vật này khi dấn thân đều có ý thức giúp dân cứu nước, khác với những lũ trẻ Á Phi ngày nay bị bọn ác sát bắt cầm súng mượn danh Thánh Chiến giết người?
Cộng sản Việt Nam cũng từng lợi dụng truyền thống văn hiến này, bịa ra các nhân vật như Lê Văn Tám, Kim Đồng... kích thích giới trẻ dấn thân hy sinh cho họ, đã thu lợi rất nhiều trong cuộc chiến bán nước buôn dân bất chính.
Những bài hát cho nhi đồng thời kháng chiến của Cộng sản Việt Nam, đều có nội dung mượn danh nghiã quốc gia & dân tộc, kích động kiểu 'thánh chiến' của bọn Hồi Giáo quá khích, vinh danh sự chém giết rất hung tàn:
'Mai về sau khi chúng em lớn lên,
'Xin hết sức hy sinh cho quốc gia thân yêu.
'Trông gương đàn anh, em noi theo bước đi,
'Cùng nguyện thề xin thành người chiến sĩ.
'Ước sao chúng em được dâng máu xương,
'Ước sao chúng em được ra nơi chiến trường.
Còn bản quốc ca thì:
'Thề phanh thây uống máu quân thù...
**Ngụ ý thứ ba của văn hiến Phù Đổng thể hiện qua việc 'công thành - thân thoái'... không đòi hỏi phải trả công ơn như kiểu Cộng sản Việt Nam, luôn bắt các đảng viên ca tụng công ơn Bác và Đảng.
'Văn hiến Phù Đổng' như trên đã bị Nho Giáo và Cộng sản làm cho lu mờ, nên rất ít nhân vật quan lại văn võ Việt biết tiến lui vì nước vì dân, mà chỉ vì 'danh lợi' bản thân vậy.
Cần phân biệt 'Công Danh' cao đẹp, khác với 'Lợi Danh' thấp hèn mà Nguyễn Công Trứ coi nhẹ:
'Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
'Cúc, tùng, phong, nguyệt, mới vui sao.
'Chốn phồn hoa trót bước chân vào,
'Sực nghĩ lại, giật mình bao kể xiết!
nhưng luôn đề cao:
'Không công danh thời nát với có cây.
Truyền thống Anh Hùng của Thánh Gióng được lưu truyền tới ngày nay, qua việc thờ phượng ngài ở làng Gióng, tức làng Phù Đổng, nằm giữa 2 con đê sông Hồng và Sông Đuống thuộc huyện Gia lâm, Hà Nội.
Hàng năm vào ngày 9 tháng giêng làng Gióng mở hội, tái hiện lễ ra quân giết giặc của Thánh Gióng, khi mọi tầng lớp già trẻ trai gái đều bỏ công việc hàng ngày theo Thánh Gióng ra trận, tạo thành một khí thế chống xâm lăng đoàn kết nhất trí rất hào hùng.
Thi hào Nguyễn Du từng tới đề thơ:
'Thiên Gióng thánh nhân bình Bắc định
'Địa lưu thần tích trấn Nam bang.
(Trời sinh người thánh trừ giặc Bắc
Đất giữ dấu thần trấn nước Nam.)
Đời vua Hùng Vương thứ ba, nơi làng Chử Xá có nhà họ Chử rất nghèo khổ, hai cha con làm nghề đánh cá phải chung một cái khố. Khi người cha chết, dặn con chôn mình trần truồng, giữ lại cái khố duy nhất mà mặc. Người con thương cha, không nỡ để cha chết chôn lõa lồ, nên chôn khố theo. Từ đó người con chỉ ban đêm mới dám đi đánh bắt cá, ban ngày ẩn mình dưới cát trong những bãi nổi trên sông. Một lần Công chúa Tiên Dung đi du ngoạn bằng thuyền qua, thấy cảnh đẹp, liền sai quân dừng thuyền, buông màn trên một bãi sông vắng để tắm. Không ngờ đó lại chính là nơi chàng trai họ Chử trần truồng đang dùng cát che thân ẩn nấp. Công chúa Tiên Dung tắm, đội nước trôi cát, lộ ra thân hình một chàng trai lạ.
Thay vì hoảng sợ, Công chúa Tiên Dung biết đây là duyên số của mình, nên tự làm lễ thành hôn, bất kể vua cha có bằng lòng hay không, khiến Vua Hùng tức giận ra lệnh từ con. Công chúa Tiên Dung và chàng trai họ Chử lưu lại nơi bến sông, tổ chức cho dân tụ tập buôn bán, trở nên phát đạt.
Chử Đồng Tử nghe lời bàn của vợ, còn theo các thương lái xuất dương đến các nơi xa lạ buôn bán, trau giồi kiến thức và y học, nên khi trở về giúp dân càng nhanh chóng thịnh vượng giàu có hơn.
Một lần họ Chử hải hành đến một nơi kia gặp một đạo sĩ đạo hạnh cao, cảm phục xin ở lại thụ giáo đạo pháp. Sau khi truyền đạo, vị đạo sĩ còn tặng Chử một cây gậy và một cái nón.
Trở về nước, vợ chồng Chử Đồng Tử & Tiên Dung hiểu đạo, tặng hết của cải cho người nghèo, rồi cùng nhau vân du các nơi giúp đời. Một đêm đi tới giữa một vùng đồng không mông quạnh, không nhà cửa làng xóm, chẳng chỗ trú thân, tại vùng 2 huyện Khoái Châu (Hải Hưng) và huyện Thường Tín (Hà Tây) ngày nay, Chử Đồng Tử cắm cây gậy, treo nón lá lên trên, toan tìm lá trải trên mặt đất, làm chỗ ngủ qua đêm. Bỗng cả vùng đất chuyển động, hiện ra thành quách nguy nga, với đầy đủ quan quân và người hầu.
Dân chúng các nơi kéo đến sinh sống đông đúc, khiến nhà vua lo sợ đưa quân tới chinh phạt. Nhưng ngay trước khi xảy ra trận chiến, chỉ trong một đêm cả khu vực thành trì cùng Chử Đồng Tử và Tiên Dung biến mất, để lại một khu đầm lầy, giữa nổi lên một khu đất cao, được dân chúng gọi là Đầm Nhất Dạ, lập đền thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
Đền thờ này rất linh ứng, nên vào Thế kỷ VI, khi Triệu Quang Phục (549 - 571) chống quân nhà Lương, đến lập chiến khu trong vùng đầm này, được phù hộ đánh thắng nhiều trận, xưng là Triệu Việt Vương.
Đầu Thế kỷ XV, Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi đến đền cầu mộng, được chỉ dẫn vào Thanh Hóa giúp Lê Lợi khởi binh, trở thành hai vị Đệ nhất công thần triều Lê.
Chử Đồng Tử đã thể hiện chữ 'Hiếu Việt' cao siêu và tốt đẹp hơn hẳn quan niệm về chữ 'Hiếu' của Khổng Giáo.
Nếu Khổng Giáo quan niệm con cái phải tuyệt đối tuân lời cha mẹ, mới là có hiếu; thì việc Chử Đồng Tử không tuân lời cha giữ cái khố lại cho mình, chôn cái khố duy nhất theo cha, vì không nỡ để cha trần truồng khi chết... cho thấy họ Chử đã làm theo điều tốt đẹp nhất của chữ Hiếu, khi không tuân thủ một nguyên tắc cứng nhắc nào, mà chỉ tuân theo tiếng gọi của lương tri.
Chính nhờ nghiã cử này, mà Chử Đồng Tử mới gặp duyên may cùng nàng Tiên Dung, như một đền đáp xứng đáng cho người con đã biết thực hiện Đạo Hiếu theo chiều hướng ưu việt nhất.
Rồi khi thành công về thương mại, tạo lập nên một vùng thịnh vượng, thấy nhà vua không hiểu sự tình, đem quân đến toan đánh dẹp, Chử Đồng Tử đã bỏ hết sự nghiệp cùng vợ đi đây đó chữa bệnh giúp đời... coi việc thuận thảo thanh bình là quan trọng nhất trong một quốc gia & dân tôc.; là chữ Trung của Người Việt với Quốc gia & Dân tộc
Tương truyền nơi thành lũy của Chử Đồng Tử chỉ một đêm biến mât, để lại một cái đầm lớn, được gọi là Nhất Dạ Trạch. Giữa đầm còn một bãi đất cao tức nền nhà cũ của Chử Đồng Tử, được thành lập một đền thờ.
Trần Hưng Đạo cũng không nghe lời cha là Trần Liễu, không chịu làm phản cướp ngôi vua, hết lòng giúp vua chống quân Mông Cổ, đem lại thắng lợi vẻ vang.
Do vậy mà cả Chử Đồng Tử và Trần Hưng Đạo đều được người dân Việt tôn kính phong thánh, lập đền thờ phượng.
Khi vua Tự Đức làm 2 câu:
'Thần khả báo Quân ân,
'Tử năng thừa Phụ nghiệp.
với ý nghiã 'làm tôi phải báo đáp ơn vua, làm con phải kế thừa sự nghiệp của cha', thì Cao Bá Quát đã chỉnh lại là:
'Quân ân, Thần khả báo,
'Phụ nghiệp, Tử năng thừa.
với ý nghiã 'Chỉ khi vua có ân đức, kẻ làm tôi mới phải báo đáp. Chỉ khi sự nghiệp của cha tốt đẹp, con cái mới cần kế thưà'.
Thực vậy, nếu vua thất đức tàn ác làm khổ dân, mà bầy tôi vẫn trung thành báo đáp tôn trọng bảo vệ, thì còn gì hại dân hại nước cho bằng? Nếu cha làm ăn bất lương, mà con cái không tìm cách can ngăn, vẫn hùa theo, thì còn gì nguy hại cho bằng?
Như vậy thì ra câu:
'Cá không ăn muối cá ươn,
'Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
không phải là do người bình dân Việt làm ra, mà là do các đệ tử Nho Giáo làm để phổ biến giáo điều 'Quân - Thần, Phụ - Tử, Phu - Phụ'.
Chính do giáo điều này, mà các sử gia Việt Nam cần xem xét lại các cuộc lật đổ những ông vua bạo tàn, không phê phán tốt xấu theo quan điểm của Khổng Giáo có chủ trương 'Tôn Quân' mù quáng bất công bấy nay; cần tìm hiểu các chủ trương và hành động khi cầm quyền - mà nhiều khi do quá cấp tiến đã bị phản đối như trường hợp Hồ Qúy Ly...?
Hùng Duệ Vương không có con trai, muốn truyền ngôi cho con rể là Sơn Tinh, tức Tản Viên Sơn Thần, nhưng Sơn Tinh khuyên nhà vua nên trao ngôi báu cho Thục Phán, để tránh nạn đao binh tương tàn, từ bỏ mọi quyền hành, chuyên chăm lo trị thủy giúp dân phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên Sơn Tinh ra điều kiện bắt Thục Phán phải lập lời thề sẽ phục vụ Quốc gia & Dân tộc bền vững, xây đền thờ dòng họ Hùng lưu lại đến ngày nay.
Việc trên cho thấy Sơn Tinh là người tài đức vẹn toàn, nhưng không vì tài mà làm giảm đi đức lớn, khi đặt sự thanh bình thịnh vượng của Quốc gia & Dân tộc lên trên danh lợi bản thân.
Các đức lớn của Sơn Tinh đã bị các giáo điều của Khổng Giáo làm cho mai một, khi các triều đình và giới học thức vì lợi ích của triều đại, bản thân... tham quyền cố vị, tranh giành quyền lợi, tạo ra các cuộc tương tàn giữa các dòng họ vua chúa, giữa các quan lại lớn nhỏ... mất đi bản sắc truyền thống cao đẹp có từ đời Hùng Vương, cụ thể qua việc Sơn Tinh sẵn sàng nhường quyền lợi riêng tư cho người khác, để đổi lấy sự thịnh vượng yên vui chung của Quốc gia & Dân tộc.
So sánh với quan niệm 'Công thành - Thân thoái' của Trung Quốc, chúng ta thấy các bậc được coi là 'quân tử' của Trung Quốc như Trương Lương... vẫn còn nghĩ nhiều đến bản thân, nên chỉ khi nào đạt được cao vọng thành danh mới chịu nhường chỗ cho người khác tiến thân - nên quan điểm 'Vị quốc - Thân thoái' của Sơn Tinh thể hiện đức lớn và cao thượng hơn nhiều so với quan điểm 'Công thành - Thân thoái' từng được các sử sách xưa nay ca ngợi?
Thế nên người học thức Việt Nam muốn phục vụ Quốc gia & Dân tộc, cần phải noi gương Sơn Tinh, quên quyền lợi của đảng phái, tôn giáo, gia đình, bản thân... đặt quyền lợi của Quốc gia & Dân tộc lên trên hết. Không làm được điều này, ai nấy dù có bằng cấp cao, cũng chỉ là người 'học thức' giỏi trong phạm vi chuyên môn của mình để vinh thân phì gia mà thôi, chưa thể thành 'trí thức'?
Việc giết hại công thần và đàn áp người tài đức dám chống các hành vi bất chính, của các vua chúa xưa và các chế độ chính trị hiện nay, như triều đình nhà Nguyễn, Cộng Sản Việt Nam... nguyên do chính là vì tất cả đã chỉ đặt quyền lợi riêng của bản thân, gia đình, tôn giáo, đảng phái... lên trên quyền lợi chung là Quốc gia & Dân tộc.
Nói khác đi, tôn giáo - đảng phái chỉ là tử số; còn Quốc Gia & Dân Tộc mới chính là mẫu số chung của mọi người dân trong một nước.
Sơn Tinh là nhân vật của thần thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh tranh tài, cả thắng lấy được công chúa Mỵ Nương. Thần tích có nội dung nói về công cuộc trị thủy chống lụt của Thánh Tản Viên, giúp dân vùng đồng bằng sông Hồng đắp đê chống lũ lụt hàng năm.
Hiện nay ở tỉnh Sơn Tây, còn núi Ba Vì là nơi thờ Tản Viên cùng một số vị thần tướng đã theo ngài trừ lụt, cứu dân. Núi Ba Vì còn gọi là núi Tản Viên (Sông Đà - Núi Tản) với 3 ngọn cao sừng sững như một bức tường thành bảo vệ phiá Tây thành Thăng Long (Hà Nội hiện nay). Ngọn giữa rất cao là nơi thờ phượng: Đỉnh núi, sườn núi, chân núi có các điện Thượng cung - Trung cung - Hạ cung, mây bao phủ.
Ngoài ra còn một số đình thờ Tản Viên:
-Đình Tây Đằng, ở thị trấn Ba Vì.
-Đình Quang Húc, ở xã Đông Quang, huyện Ba Vì.
Tương truyền Cao Biền là viên tướng Tàu rất giỏi về phong thủy, làm Tiết độ sứ tại Việt Nam từ năm 866 - 874, tìm cách yểm bùa các nơi địa linh tại Việt Nam, phá các long mạch. Khi đến chân núi Tản Viên, Cao Biền thấy Đức Thánh Tản Viên cưỡi bạch mã xuất hiện, khiến Cao Biền hoảng sợ không dám hành dộng, than:
'Linh khí phương Nam không thể lường được. Vượng khí chẳng thể dứt'.
Nước Việt kể từ Mẹ Tiên Âu Cơ thay chồng giúp các con dựng nước, đến Bà Trưng - Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc giữ nước, các nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan... làm thơ nêu các tình ý cao đẹp, các thôn nữ dùng ca dao khuyên chồng & ru dạy con... phát triển văn học truyền thống dân gian - đã phong phú hóa đời sống tinh thần, nâng cao vai trò của người phụ nữ Việt rất mực trên nhiều phương diện khác nhau.
Điểm văn hiến nổi bật của phụ nữ Việt, là dù bị văn hóa Nho Giáo áp chế rất mực từ sau thời Bà Trưng - Bà Triệu, phải thu mình trong vai trò nội tướng, giúp chồng nuôi con thời bình cũng như thời loạn, nhưng vẫn có những đóng góp rất lớn vào các công việc kiến quốc, phục quốc... được chồng con biết ơn, tôn thờ như bậc nữ thánh từ trong gia đình đến ngoài xã hội:
'Nghiã Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
'Một lòng thờ Mẹ, kính Cha
Đặc trưng của người phụ nữ thường được văn hóa mỗi nước đề cao theo những tư duy khác nhau, thăng hoa thành những vị tiên để mơ ước qua các cổ tích, sự tích.
Nếu các bà tiên, cô tiên trong các cổ tích Đông Tây thường mang dáng vẻ đẹp hiền từ, giỏi múa hát, có nhiều phép thần thông để biến hóa đất đá thành vàng bạc, lâu đài, bánh kẹo, cỗ bàn... nhưng cũng chỉ giúp người đời khi cùng quẫn, khá cách xa với thực tế của cuộc đời... thì Tiên Việt từ Mẹ Âu Cơ đến nàng Giáng Kiều trong tiên tích Bích Câu Kỳ Ngộ, cô Tấm trong cổ tích Tấm Cám... đều mang vẻ đẹp phúc hậu đảm đang, chăm lo việc gia đình hơn là múa hát. Sau này một số phụ nữ Việt dù có theo nghiệp múa hát, thì hầu hết cũng vẫn giữ truyền thống làm tròn công việc nội tướng một cách đảm đang.
Danh ca Thái Thanh... điển hình.
Nhờ vậy mà trải qua bao cuộc chiến chống xâm lăng, nam giới phải tòng chinh xa nhà lâu dài, nữ giới vẫn một mình thay chồng quán xuyến mọi việc rất hiệu quả, như hình ảnh được khắc họa trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm:
'Lòng mẫu thân buồn khi tựa cửa,
'Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.
'Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,
'Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân.
'Nay một thân nuôi già, dạy trẻ,
'Nỗi quan hoài mang mể siết bao...
Và những nét văn hiến trên đã kết tinh thành hình tượng Bà Chúa Liễu Hạnh, chẳng những thương chồng con, quan tâm tới bố mẹ chồng, mà khi thấy triều chính thối nát, quan lại tham ô... đã ra tay chấn chỉnh trừng trị.
Những Người Mẹ, Người Vợ của các quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, vững vàng trong cơn quốc phá gia vong sau năm 1975, đã vượt bao khó khăn lo thăm nuôi chồng con bị tù đầy. Khi chồng con ở tù về lại lo cho chồng con vượt biên, một mình ở lại quán xuyến đương đầu bao khó khăn. Rồi lúc được chồng bảo lãnh tới các nước tự do dân chủ, giúp chồng làm lại cuộc đời dựng nên những khu thị tứ, tạo thành quả về kinh tế, giáo dục... vượt bực, nào có khác gì các nàng tiên biết hóa phép biến khổ đau thành hạnh phúc trong các cổ tích đông tây, nhưng lại rất thực tế theo một diễn tiến khả thi?
Ngay thế kỷ 21 tại Việt Nam dưới gông cùm Cộng sản, cũng xuất hiện nhiều bậc anh thư hy sinh thân thế cho đại nghiã Quốc gia & Dân tộc, như Nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, Nữ sĩ Trần Khải Thanh Thủy, Nữ sinh viên Phương Uyên, Nữ Thiếu tá công an Tạ Phong Tần, Mẹ Nấm...
Đây chính là nền Văn Hiến rất đặc thù của Nữ Giới Việt Nam, so với nữ giới thế giới.
***
Ngoài các nét văn hiến lớn kể trên, truyền thống văn hiến Việt Nam từ xa xưa còn lưu truyền một số khuôn vàng thước ngọc, để làm những bài học về nhân luân rất cao đẹp, như:
**Câu chuyện Lang Liêu được chọn nối ngôi vua đời Hùng Vương, thể hiện tinh thần tuyển lựa người lãnh đạo qua tài đức, không qua các định lệ bất công như lối cha truyền con nối của Đông Tây xưa nay; gần gũi với nguyên tắc tranh cử của các chế độ chính trị tự do & dân chủ hiện nay.
**Câu chuyện Trầu Cau được dùng làm lễ vật trong các lễ hội, đề cao vai trò 'tình vợ chồng & nghiã anh em' trong việc xây dựng gia đình theo tinh thần Việt Nam, đã giúp củng cố sự bền vững và hoàn hảo của nền tảng gia đình tại Việt Nam theo thế Chân Vạc ''Vợ + Chồng + Anh Chị Em'' bấy nay:
'Xẩy cha còn chú,
'Mất mẹ bú dì.
**Câu chuyện An Tiêm không thừa nhận 'Ơn Vua', khẳng khái tự lực tự cường lập thân, xây dựng một sự nghiệp, hình thành một cộng đồng phồn thịnh nơi đảo hoang... vượt qua thử thách của vua Hùng, đã được người Việt ở hậu bán thế kỷ 20 thể hiện, qua việc không chấp nhận 'Ơn Bác và Đảng' do Cộng sản Việt Nam đề ra một cách láo xược; vượt biên đi tìm tự do, thành lập các cộng đồng tỵ nạn cường thịnh chỉ trong vòng vài chục năm, hơn hẳn những gì 'Bác và Đảng' làm trong nước hơn nửa thế kỷ qua... trở thành các An Tiêm mới của Thế kỷ XX.
**Câu chuyện Từ Thức thể hiện tình yêu nước thương nòi của người Việt vượt xa Tây Tầu, khi khắp Đông Tây - Cổ Kim chỉ có một mình Từ Thức của Việt Nam từ bỏ cõi Tiên trở về với quê hương. Nhưng nếu về quá trễ, sẽ mất hết tất cả.
Điều này lý giải việc người Việt ngày nay tuy căm thù bọn Cộng sản Việt Nam, nhưng vẫn không sao dứt được tình hoài hương, thúc đẩy mọi người phải nghĩ đến chuyện quang phục quê hương, thay vì bình thản an hưởng cuộc sống sung sướng nơi quê người.
Bài học thấm thiá nhất của câu chuyện Từ Thức, là nếu về trễ quá sẽ không còn cảnh cũ người xưa, khi bị Tàu Cộng đô hộ?!
...
***
Một lần nữa, nơi những trang viết này chúng tôi chỉ mong được là kẻ đánh trống khua chiêng mở đường, nhắc nhở lại một số ý tưởng thể hiện Văn Hiến Cao Đẹp của truyền thống Việt Nam, nên nếu đạt được vài phần hữu ích cho mai hậu, cũng lấy làm thỏa nguyện.
Rất mong được các bậc Thức Giả quan tâm đóng góp ý kiến, hầu có thể chấn chỉnh, bổ túc, phát huy.
Trân trọng
Nguyễn Xuân Khoan & Nguyễn Xuân Hương
Australia 2004
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.