Ngô Quyền sinh năm 898 người Đường Lâm (nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội), dòng dõi qúy tộc. Cha là Ngô Mân làm chức Châu mục ở bản châu.
Khi ông mới sinh, ánh sáng lạ đầy nhà, trạng mạo khác thường, có ba nốt ruồi ở lưng. Thầy tướng xem cho là qúy tướng, có thể làm chúa một phương, nên mới đặt tên là Quyền.
Đến khi lớn lên, Ngô Quyền khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được cái vạc.
Ngô Quyền được làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Nghệ gả con gái, giao cho cai quản Ái Châu.
Năm 937, một nha tướng của Dương Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ đoạt chức.
Việc làm thất nhân tâm của Kiều Công Tiễn, khiến họ Kiều ngày càng bị cô lập.
Lòng dân chán ghét không những ở Châu Ái, Châu Hoan, mà còn cả ở Châu Giao. Cả nước đều một lòng hướng về Ngô Quyền, mong Ngô Quyền đứng ra lãnh đạo việc tiễu trừ kẻ phản trắc. Nhiều hào trưởng ở các nơi, như Lã Minh ở Liễu Chử (Thuận Thành, Hà Bắc), Phạm Bạch Hổ ở Ngọc Đường (Kim Động, Hải Hưng), Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Sơn Bình) Phạm Chiêm ở Nam Sách (Hải Hưng), Đinh Công Trứ ở Hoa Lư (Hà Nam Ninh)... đều theo Ngô Quyền quyết trừng phạt tên phản bội, phá giặc Nam Hán. Ngay như Kiều Công Hãn là cháu Kiều Công Tiễn cũng đứng về phiá chính nghiã, tự nguyện đem quân giúp Ngô Quyền.
Năm 938 Ngô Quyền từ Ái Châu cất quân đánh Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn cả sợ, sai sứ qua triều đình nhà Hán đút lót để cầu cứu xin giúp binh. Vua Hán là Cung muốn nhân khi nước ta có nội loạn, đánh chiếm, sai con là Vạn Vương Lưu Hoằng Thao làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao Vương, đem quân sang giúp Kiều Công Tiễn.
Vua Hán tự làm tướng, đóng quân ở Hải Môn làm thanh viện.
Vua Hán hỏi kế Sùng Văn Sứ là Tiêu Ích, Ích nói:
-Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân ta phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người dẫn đường thăm dò, rồi sau mới nên tiến binh.
Vua Hán không nghe, sai Lưu Hoằng Thao đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào, muốn giúp Kiều Công Tiễn đánh Ngô Quyền, nhưng không biết Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn rồi.
Ngô Quyền nghe tin Hoằng Thao sắp đến, bảo với các tướng rằng:
-Lưu Hoằng Thao là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến không biết rõ địa thế, quân lính còn mỏi mệt, Kiều Công Tiễn đã chết không có ai làm nội ứng. Quân ta lấy sức còn khỏe khoắn đánh với quân địch mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi thế ở chiến thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Vậy hãy sai người đem cọc lớn vạt nhọn, đầu bịt sắt, đóng ngầm trước ở cửa biển. Thuyền của chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc, thì sau đó ta sẽ dễ bề chế ngự, không cho chiếc thuyền nào chạy thoát.
Định kế rồi, Ngô Quyền bèn cho quân đóng cọc ngoài cửa biển. Khi nước triều dâng cao che lấp các cọc, Ngô Quyền cho quân dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo vào trong các hàng cọc nhọn.
Lưu Hoằng Thao quả nhiên hăng hái đưa các chiến thuyền tiến vào nơi đóng cọc. Khi nước triều rút, cọc nhô lên vây bủa các chiến thuyền lớn của Lưu Hoằng Thao. Ngô Quyền bèn đem đại binh dùng thuyền nhỏ ra đánh, không bị vướng cọc, ai nấy thấy giặc mắc mưu cao, chiến đấu càng hăng hái hơn.
Quân Lưu Hoàng Thao không thể xoay trở thuyền lớn giữa đám cọc nhọn, hoảng sợ vì chẳng thể tiến lui. Nhiều thuyền bị cọc đâm thủng, nhiều thuyền khác bị đắm vì quân sĩ hoảng sợ nhốn nháo. Quân của Lưu Hoằng Thao chết đuối quá nửa.
Ngô Quyền cả thắng, bắt được Lưu Hoằng Thao giết đi.
Vua Hán nghe tin thương khóc, thu tàn quân rút về.
Năm 939 Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa, đặt quan chức, chế triều nghi, định sắc phục, chỉnh đốn việc chính trị trong nước, chí muốn dựng nghiệp lâu dài, nhưng chỉ làm vua được 6 năm thì mất, thọ 47 tuổi.
Ngô Vương lấy con của Dương Đình Nghệ là Dương Thị, lập làm vương hậu. Khi mất Ngô Vương ủy thác con là Ngô Xương Ngập cho em Dương hậu là Dương Tam Kha giúp việc triều chính. Không ngờ Dương Tam Kha cướp quyền của cháu, tự xưng là Bình Vương.
Ngô Xương Ngập thấy biến, chạy trốn sang Nam Sách (thuộc Hải Dương), ẩn thân ở nhà Phạm Lịnh Công. Dương Tam Kha sai quân đuổi bắt, Phạm Lịnh Công dấu Ngô Xương Ngập trong núi.
Dương Tam Kha không bắt được Ngô Xương Ngập, liền bắt người em của Ngập là Ngô Xương Văn về, nuôi làm con nuôi.
Năm 950 dân ở thôn Thái Bình (thuộc Sơn Tây) làm loạn, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng hai tướng là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đi đánh dẹp.
Đi đến Từ Liêm, Ngô Xương Văn bảo với hai tướng rằng:
-Ân đức của Tiên Vương ta dân được nhờ nhiều lắm, không may Ngài mất sớm. Bình Vương làm điều bất nghiã, cướp ngôi của anh em ta, nay lại sai ta đi đánh dân vô tội, nếu dân không phục thì làm thế nào?
Hai tướng nói:
-Xin theo mệnh lệnh của ông.
Xương Văn nói:
-Ta muốn mang toàn quân về đánh úp Bình Vương, để lấy lại cơ nghiệp Tiên Vương ta, có nên không?
Hai tướng nói:
-Được lắm.
Bèn kéo quân về đánh úp Tam Kha. Dân chúng muốn giết Tam Kha, nhưng Xương Văn nghĩ rằng Tam Kha có ân với mình, không nỡ giết, giáng làm Trương Dương Công, cho có thực ấp ở bến Chương Dương Độ (nay thuộc xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Tây) để thu thuế nơi đó mà chi dụng.
Ngô Xương Văn xưng là Nam Tấn Vương, rồi sai người đi rước anh là Ngô Xương Ngập về cùng chung lo việc nước. Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương.
Cả hai anh em cùng làm vua, sử gọi là triều đại Hậu Ngô Vương.
Làm vua được ít lâu, Thiên Sách Vương toan chuyên quyền, thì mất năm 954.
Thế lực nhà Hậu Ngô ngày một yếu kém, giặc giã nổi lên khắp nơi. Nam Tấn Vương phải thân chinh đem quân đi đánh dẹp, không may trúng tên chết năm 965.
Nam Tấn Vương làm vua được 15 năm.
Khi Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập ẩn thân ở Nam Sách có lấy một cô gái, sinh được một con trai đặt tên là Ngô Xương Xí.
Khi 12 xứ quân nổi lên, Ngô Xương Xí tự xưng là Ngô Xứ Quân chiếm cứ Bình Kiều, sau bị Đinh Tiên Hoàng đánh tan, chấm dứt Ngô Triều.
Tại đình Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, cũng như đình ở các làng Đông Khê, Phụng Pháp, Dư Hàng, Nam Pháp tỉnh Hải Phòng đều thờ Ngô Quyền, 5 năm một lần vào tháng 2 âm lịch mở lễ lội cúng tế, vui chơi, tưởng niệm.
Tại đình Hương Canh và đình Ngọc Canh xã Tam Canh, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay, có đình thờ Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn.
Lời bàn của sử sách:
**Lê Văn Hưu:
'Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được'.
**Ngô Sĩ Liên:
'Tiền Ngô Vương nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được qui mô của bậc đế vương. Nhưng hưởng nước không được lâu, chưa thấy hiệu quả trị bình, đáng tiếc thay!'.
**Ngô Thời Sĩ:
'Ngô Quyền giết giặc trong nước để phục thù cho chúa, giết địch bên ngoài để cứu nạn cho nước, dựng quốc đô, nối lại chính thống, công nghiệp thật to lớn lắm.
**Sách Thiên Nam Ngữ Lục thế kỷ 17:
'Thôi bèn ra bảo ba quân
'Áo thô khăn trắng khóc rên dậy trời
'Bấy chừ thiên hạ gái trai
'Thương người Đình Nghệ, khen ngươi Ngô Quyền
'... Bảo nhau dắt trẻ phò già
'Bỏ chưng Công Tiễn, về nhà Ngô Vương
'Dưới cờ cả bé khóc thương
'Nguyện xin trả nghiã họ Dương cho tuyền
'Chúng tôi sức bé tài hèn
'Chồng nguyện quẩy vác, vợ nguyền đem cơm
'Giúp công quyết sạch giang sơn
'Uyển thành chuyển chủ mới yên lòng hờn.
**Sách Thông Luận:
'Ngô Tiên Chúa phát tích là danh gia, giết Công Tiễn để báo thù cho Đình Nghệ, liền có trận đánh ở sông Bạch Đằng, làm bại được Cường Hán, quốc thể từ đó mạnh lên, đất Nam bình yên, người Tàu sợ chạy, công nghiệp họ Triệu và họ Lý cũng chưa hơn được. Vì mấy năm sau phó thác không được người giỏi, thật đáng cảm khái!
'Tam Kha ở địa vị là họ ngoại, lân la cướp ngôi vua, bắt chước Vương Mãng, Tào Tháo, làm đầu nêu cho Qúy Ly, Đăng Dung, tội ác ấy không bút nào tả xiết.
'Hậu Ngô Vương ở chỗ thâm cung, nên tặc thần không ngờ đến, ở giữa đường quay về, mà chư tướng không dám trái ý, truất phục được kẻ gian tà dễ như thay bàn cờ, 15 năm gìn giữ cơ nghiệp, đáng gọi là Lương Chúa. Đẻ con như thế, Ngô Quyền cũng như là không chết. Đến như Thiên Sách chuyên quyền mà mình không được dự chính quyền, Tam Kha cướp ngôi mà không nỡ gia hình, luận giả cho Xương Văn là cô tức, nhưng xét bản tâm của Xương Văn thì chỉ biết cung kính anh, để kính nhường dòng con trưởng; không giết cậu để mẹ được yên lòng, cũng là người có tư chất tốt. Không thế, thì nếu không giết anh là Xương Ngập, cũng không để Tam Kha được sống. Duy chỉ có lỗi là để lộ cơ mưu, đến nỗi bị mũi tên lạc, chí khí hăng hái của thiếu niên chưa bỏ đi được, là đáng tiếc đó thôi'.
**Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái:
'Bạch Đằng một trân giao phong
'Hoằng Thao lạc vía, Kiều Công nộp đầu
'Quân thân đã chính cương trù
'Giang sơn rầy có vương hầu chủ trương
'Về Loa Thành mới đăng quang
'Quan danh cải định, triều chương đặt bày...
**Trần Trọng Kim:
'Ngô Quyền trong thì giết được nghịch thần, báo thù cho chủ. Ngoài thì phá được cường địch, bảo toàn được nước. Thật là một người trung nghiã lưu danh thiên cổ. Mà cũng nhờ có tay Ngô Quyền, nước Nam ta mới cởi được cái ách Bắc thuộc hơn một nghìn năm, và mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần, về sau này được tự chủ ở cõi nam vậy'.
**Đào Duy Anh:
'Đánh bại quân Nam Hán rồi, Ngô Quyền thấy rằng bọn quân phiệt ở Trung Quốc cát cứ và hỗn chiến liên miên, chính là cơ hội độc nhất vô nhị cho dân tộc ta tự cường mà dựng nền tự chủ. Ngô Quyền không theo gương họ Khúc và họ Dương chỉ tự lập làm Tiết độ sứ, quyết xưng vương hiệu để đặt nền móng cho một nước độc lập. Ngô Quyền là người anh hùng trung nghiã, vì đại nghiã dân tộc mà nổi lên, nên được tướng sĩ và nhân dân mến chuộng, hết lòng ủng hộ. Ngô Quyền lại là người tài lược, đã dùng chiến thuật độc đáo mà phục kích quân giặc trên sông Bạch Đằng. Đó là những yếu tố khách quan và chủ quan quyết định sự thành công của họ Ngô.
**Phạm Văn Sơn:
'Ngô vương tổ chức triều nghi đặt các phẩm tước, định việc phục sắc, chỉnh đốn mọi việc chính trị qui mô đế vương kể đã đầy đủ. Ông muốn xây dựng một sự nghiệp lâu dài, nhưng tiếc rằng số mệnh quá ngắn ngủi.
Nhận Định
Qua các lời bàn của các sử sách kể trên, chúng ta thấy Ngô Quyền là một nhân vật tài giỏi về phương diện quân sự và chính trị rất mực:
**Về Quân sự:
Ngô Quyền cả thắng vì đã biết dụng binh, dựa trên 3 yếu tố Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa:
-Thiên thời:
Ngô Quyền biết tấn công đúng lúc, khi lợi dụng thời gian thủy triều lên xuống để biến thế mạnh của giặc thành thế mạnh của mình, mà không tốn nhiều công sức. Theo Việt Sử Lược và nhiều thần tích chép về Ngô Quyền cùng các tướng đương thời, thì trận đánh trên sông Bạch Đằng thời Ngô Quyền diễn ra vào ngày 7 tháng chạp năm Mậu Tuất, tức ngày 31-12-938, là thời điểm thủy triều ở sông Bạch Đằng dâng cao.
-Địa lợi:
Ngô Quyền biết lợi dụng địa hình và thủy triều lên xuống của cửa sông Bạch Đằng để bày trận. Sau này Trần Hưng Đạo cũng theo chiến pháp của Ngô Quyền mà đánh thắng quân Nguyên Mông. Người Việt đã coi những chốn 'địa lợi' từng giúp dân tộc chiến thắng ngoại xâm là những nơi 'địa linh' mà trân trọng tôn kính duy trì, hình thành tín ngưỡng thờ 'Địa Linh & Nhân Kiệt'. Điều này chứng tỏ người Việt đã biết qúy trọng những địa thế hiểm yếu, bảo tồn rất mực để có thể dùng làm lợi khí giữ nước.
Nay Cộng sản Việt Nam đã để mất ải Chi Lăng, ải Nam Quan, đảo Hoàng Sa, nhiều đảo ở đảo Trường Sa, cho Trung Cộng đưa quân vào Tây Nguyên và Trung Việt dưới dạng thợ, cho Trung Cộng chiếm lĩnh các vùng rừng đầu nguồn các con sông, qua việc thuê rừng với giá rẻ mạt 1 mẫu rừng giá chỉ bằng giá tô phở... khiến các địa thế hiểm tuấn che chở 3 mặt Bắc - Tây - Đông rơi vào tay Trung Cộng, biến ưu điểm Địa Lợi thành Bất Lợi, bị Trung Cộng kiềm chế bắt tuân phục đủ điều, phải cấm đoán bắt giữ bất cứ ai lên tiếng chống âm mưu xâm lăng hiểm độc của Trung Cộng!!!
Vùng cửa sông và vùng hạ lưu sông Bạch Đằng được Ngô Quyền chọn làm chiến trường, đến nay nơi này vẫn còn được người dân địa phương gọi là sông Rừng có sóng to gió lớn rất dữ, như câu ca dao:
'Con ơi nhớ lấy lời cha
'Gió to sóng cả đừng qua sông Rừng.
Sông Rừng thường có sóng bạc đầu, nên mới có thêm tên chữ là Bạch Đằng giang. Sông không dài lắm, chỉ khoảng vài chục cây số, nhưng cảnh sắc thiên nhiên cho đến nay vẫn rất hùng vĩ, mang vóc dáng của một hiểm địa, như lời thơ mô tả của Trương Hán Siêu trong bài Bạch Đằng Giang Phú:
'Bát ngát sóng kình muôn dặm
'Thướt tha đuôi trĩ một màu
'Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu
'Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu...
Bộ sử Cương Mục mô tả:
'Sông rộng hơn hai dặm, ở đó có núi cao ngất, nhiều nhánh sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến.
Một nghiên cứu về địa thế gần đây cho biết:
Bạch Đằng giang là cửa ngõ phiá đông bắc, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Cửa biển Bạch Đằng to rộng, rút nước từ vùng đồng bằng Bắc Việt đổ ra vịnh Hạ Long. Từ cửa biển ngược lên gần 20km là đến cửa sông Chanh. Phía hữu ngạn có dãy núi đá vôi Tràng Kênh với nhiều hang động, sông lạch và thung lũng hiểm trở.
Hạ lưu sông Bạch Đằng thấp, độ dốc không cao nên chịu ảnh hưởng của thủy triều khá mạnh. Lúc triều dâng, nước trải lên đôi bờ đến vài cây số. Lòng sông đã rộng, lại sâu từ 8m đến 18m. Thủy triều lên xuống vào giờ cao điểm khoảng 30 cm mỗi giờ, lưu tốc từ 0.26 đến 0.89 m/s. Mực nước chênh lệch trong ngày khi cao nhất và thấp nhất khoảng 2.5m đến 3.2m.
Trước cửa sông Bạch Đằng về phiá bắc là những đảo nhỏ từ vịnh Hạ Long kéo tới. Thuyền từ biển vào sông phải len qua vùng đảo này, nên khi sóng to gió lớn vẫn được che chắn an toàn.
Hai bên bờ sông nay là đồng ruộng và xóm làng, nhưng dấu ấn của rừng rậm bạt ngàn xa xưa nay vẫn còn qua các địa danh như sông Rừng, bến đò Rừng, xóm Rừng, chợ Rừng, giếng Rừng...
-Nhân hòa:
Ngô Quyền lấy điều nhân nghiã làm đầu trong việc dụng binh, nên khởi đầu là giết kẻ phản phúc để báo thù cho chúa, cũng là nhạc gia, nên được ai nấy tin yêu tôn vinh, một lòng một dạ chung sức chiến đấu.
Khi Kiều Công Tiễn mưu toan chuyện 'cõng rắn cắn gà nhà', Ngô Quyền biết nêu cao ngọn cờ chính nghiã, giết kẻ mãi quốc cầu vinh để làm tăng khí thế ba quân. Do vậy mà lòng người từ dân đến quân đều một lòng đánh giặc, đem lại chiến thắng vẻ vang.
Truyền thuyết dân gian trong vùng còn kể chuyện 38 chàng trai làng Gia Viên (Hải Phòng) do Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận dẫn đầu đã tự võ trang xin theo Ngô Quyền đánh giặc. Trai tráng các làng Lâm Động, Đằng Châu... và nhiều nơi khác, kẻ mang vũ khí, người mang thuyền theo về rất đông.
Theo gia phả họ Dương ở làng Ràng (Dương Xá, Thiệu Hóa, Thanh Hóa), thì Ngô Quyền giữ vai trò chỉ huy tối cao. Ngô Xương Ngập (con cả Ngô Quyền), Dương Tam Kha (con Dương Đình Nghệ và cũng là em vợ Ngô Quyền), Đỗ Cảnh Thạc (hào trưởng vùng Đỗ Động) và nữ tướng Dương Phương Lan (vợ Ngô Quyền)... trực tiếp tham gia điều khiển trận chiến.
Một vị tướng mà biết dụng binh đạt cả 3 yếu tố Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa, không chỉ là một vị tướng tài cao, mà còn là một vị tướng có tâm đức lớn.
**Về Chính trị:
Tuy chỉ tại ngôi có 6 năm, nhưng Ngô Vương cũng đã thực hiện được chính sự một cách hoàn chỉnh, như đặt đủ trăm quan, dựng đủ nghi lễ triều đình, định sắc áo của các đẳng cấp quan lại.
Dù bị người thân thích bên ngoại là em vợ làm phản, nhưng ngay sau đó hoàng tử và các quan đại thần đã mau chóng dẹp kẻ phản loạn, phục hồi triều chính.
Xét ra Ngô Quyền đã giết kẻ phản bội báo ơn cho Dương Đình Nghệ, nên các tướng đã noi gương ông mà truất phế kẻ tiếm quyền, trả ơn.
***
Trong Kinh Thư của Trung Quốc ca ngợi 'Đạo Tâm' rất mực, thì thấy ở đây Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn xứng đáng được đề cao là người có Tâm Đạo rất lớn, khi biết kiên nhẫn đợi thời cơ, làm hai vị tướng cảm phục tin tưởng, sẵn sàng giúp phục hồi cơ đồ của vua cha.
Khi thành công, Nam Tấn Vương thương mẹ mà không nỡ sát hại người cậu phản phúc, còn cấp thực ấp cho cậu an hưởng.
Lúc đón anh ruột về, bị anh ruột chuyên quyền muốn lấn át, Nam Tấn Vương vẫn cam chịu, tôn trọng bào huynh rất mực.
Các tướng của Ngô triều biết lẽ hưng vong, nhận ra chính đạo, giúp nhà Ngô phục hồi, làm tròn nghiã khí của người có trọng trách với quốc gia dân tộc.
Lòng dân và các hào trưởng đương thời đều bất bình với sự phản trắc của Kiều Công Tiễn, một lòng theo Ngô Quyền, tạo nên sức mạnh đoàn kết vô song, giúp giết kẻ phản loạn, đánh tan ngoại xâm hung dữ chỉ trong một trận ở Bạch Đằng giang.
Thế nên tuy Ngô Quyền chỉ làm vua 6 năm, nhưng công đức của ông tạo được ảnh hưởng tốt, được người con kế nghiệp duy trì trong sáng 15 năm sau.
Triều đại nhà Ngô tuy chỉ tồn tại hơn 20 năm, nhưng đã lưu lại nhiều bài học giá trị về quân sự, chính trị... và nhất là về Đạo Tâm nơi triều chính rất lớn vậy.
Có thể nói Tâm Đạo cao đẹp của truyền thống Việt Nam, khi Tam Giáo chưa ảnh hưởng đáng kể, đã được thể hiện rạng rỡ qua hai triều đại nhà Ngô, được sử sách ca ngợi đề cao rất mực, rất đáng để hậu thế tìm hiểu, nghiên cứu nêu ra những bài học tinh thần truyền thống qúy giá về triều đại tự chủ đầu tiên, trên mọi phương diện, trong buổi đầu Tự Chủ Thời Đại của dân tộc Việt.
**Tinh thần Dân Tộc:
Vào thời kỳ này, ảnh hưởng của tư tưởng ngoại lai như Tam Giáo 'Nho - Lão - Phật' tuy đã hiện diện tại Việt Nam, nhưng vẫn chỉ nằm trong phạm vi các sách vở và một số thư lại, nên chưa tác động bao nhiêu đến việc triều chính như các đời Lê, Lý, Trần, Nguyễn... về sau.
Vậy mà chúng ta thấy hai vị vua của Ngô triều đã thể hiện được tình người theo truyền thống dân tộc rất mực, không có những sát phạt như các trang sử về sau, khi tư tưởng 'tôn quân' của Nho Giáo khiến hàng ngũ vua quan Việt không còn
giữ được tinh thần:
'Khôn ngoan đấu đá người ngoài
'Gà cùng một Mẹ chớ hoài đá nhau.
trở nên tương tàn trong triều chính, sát hại công thần và nhân tài, khiến chỉ những kẻ yếu kém biết nịnh bợ mới có thể tồn tại, gây ra sự hưng vong sớm nở tối tàn của nhiều triều đại Việt Nam, vô hình chung tiếp tay cho ngoại bang và bọn xấu gây tao loạn, đưa quốc gia & dân tộc vào chốn chinh chiến điêu linh, chinh phu - chinh phụ đôi ngả triền miên:
'Chàng thì đi cõi xa mưa gió
'Thiếp thì về buồng cũ gối chăn...
Ông người họ Đinh, tên húy là Bộ Lĩnh, sinh năm 924 người ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Hà Nam Ninh). Ông là con của quan Thứ sử châu Hoan tên là Đinh Công Trứ, thân mẫu họ Đàm đem ông về quê Trường Châu (nay là Ninh Bình) náu mình khi chồng mất.
Đinh Bộ Lĩnh có công dẹp yên 12 sứ quân đương thời, là các hùng trưởng nổi lên năm 966, chiếm cứ quận ấp tự cai trị:
-Ngô Xương Xí chiếm Bình Kiều (nay là huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
-Kiểu Công Hãn xưng là Kiểu Tam Chế chiếm Phong Châu (nay là huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú).
-Nguyễn Khoan xưng là Nguyễn Thái Bình chiếm Tam Đái (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Vĩnh Phú).
-Ngô Nhật Khánh xưng là Ngô Lãm Công chiếm Đường Lâm (nay là huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội).
-Đỗ Cảnh Thạc xưng là Đỗ Cảnh Công chiếm Đỗ Động Giang (nay là huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình).
-Lý Khuê xưng là Lý Lãng Công chiếm Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc).
-Nguyễn Thủ Tiệp xưng là Nguyễn Lệnh Công chiếm Tiên Du (nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc).
-Lữ Đường xưng là Lữ Tả Công chiếm Tế Giang (nay là huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng).
-Nguyễn Siêu xưng là Nguyễn Hữu Công chiếm Tây Phù Liệt (nay là huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).
-Kiểu Thuận xưng là Kiểu Lệnh Công chiếm Hồi Hồ (nay là huyện Sông Thao tỉnh Vĩnh Phú).
-Phạm Bạch Hổ xưng là Phạm Phòng Át chiếm Đằng Châu (nay là huyện Kim Thi tỉnh Hải Hưng).
-Trần Lãm xưng là Trần Minh Công chiếm Bố Hải Khẩu (nay là vùng thị xã Thái Bình).
...
Đinh Tiên Hoàng là một vị vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược, quét sạch các hùng trưởng, tự lập làm đế, ở ngôi được 12 năm (968 - 979), bị nội nhân là Đỗ Thích giết, khi 56 tuổi.
Xưa cha của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Công Trứ, làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ giao giữ chức Thứ sử châu Hoan, sau theo về với Ngô Vương, nên vẫn giữ được chức cũ cho đến khi mất.
Đinh Tiên Hoàng mồ côi cha từ thuở nhỏ, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền Sơn Thần trong động Hoa Lư.
Khi còn nhỏ tuổi, Đinh Tiên Hoàng cùng bọn trẻ chăn trâu ngoài đồng chơi đùa với nhau, tỏ ra người tài giỏi, được bọn trẻ nể phục suy tôn làm người lãnh đạo chỉ huy.
Đinh Tiên Hoàng bắt bọn trẻ chăn trâu lấy tay làm kiệu, lấy hoa lau làm cờ để rước như một vị vua.
Khi rảnh rỗi, Đinh Tiên Hoàng thường thống lãnh bọn trẻ ở các thôn xóm quanh vùng, đi đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch, kiếm củi thổi cơm.
Bà mẹ thấy vậy, giết heo cho chúng ăn. Phụ lão các nơi thấy Đinh Tiên Hoàng có phong cách của bậc đế vương, nên bảo nhau đưa con em đến theo rất đông.
Dã sử chép Đinh Hoàng chăn trâu cho người chú, đã giết trâu của chú đãi đội quân cờ lau, bị chú đuổi đánh. Khi đến một khúc sông uốn vòng, nhà vua chạy qua cầu ở Đàm Gia Loan (nay ở Điềm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), cầu bị gãy khiến nhà vua rơi xuống bờ sông. Người chú toan bắt, bỗng thấy hai con rồng vàng hiện ra bảo vệ nhà vua, nên hoảng sợ, hết lòng phụ giúp.
Bấy giờ trong nước vô chủ, Đinh Tiên Hoàng nghe tin sứ quân Trần Minh Công là người hiền mà không có con, bèn sang xin nương nhờ. Minh Công qúy trọng nuôi làm con mình, phó thác cho tất cả quân lính.
Từ đấy thế lực ngày càng mạnh, người theo về rất đông, nên đánh đâu thắng đó, được tôn là Vạn Thắng Vương.
Sau khi đánh thắng tất cả các sứ quân, ông tự xưng đế, lên ngôi năm 968, đóng đô ở Hoa Lư (nay là phủ Trường Yên, tỉnh Ninh Bình), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đắp thành lũy, xây cung điện, định ra các triều nghi, được bày tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.
Nhà vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, đặt vạc dầu lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, ra lệnh ai làm trái luật lệ sẽ tùy tội phạt bỏ vạc dầu hay cho hổ ăn thịt.
Mọi người cả sợ đều tuân phục, không dám phạm lỗi.
Năm 969, nhà vua phong con trưởng là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương. Nhà vua định phẩm hàm và giai cấp cho các tăng sĩ và đạo sĩ, ngang với các chức quan văn võ. Nhà Lý về sau cũng theo nhà Đinh lệ này. Đầu hàng tăng có chức Quốc sư, sau đến các chức Tăng thống, Tăng lục, Tăng chính... Quốc sư chỉ có nghiã là vị sư của nước, không phải là chức tể tướng như chức Thái sư... Quốc sư coi việc giữ gìn các chùa trong nước, giảng đạo, lập đàn, và giúp vua trong những việc cầu may, cầu phúc.
Năm 970 đặt niên hiệu, lập 5 vị hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cổ Quốc, Ca Ông.
Năm 971 bắt đầu qui định cấp bậc các quan văn võ, tăng đạo. Cử Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ Sĩ sư coi việc hình án, Lê Hoàn làm Thập Đạo Tướng Quân, chỉ huy quân đội. Tăng thống (người đứng đầu Phật Giáo) Ngô Chân Lưu được ban hiệu Khuông Việt Đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng Lục (dưới chức Tăng thống), Đạo sĩ Huyền Quang được trao chức Sùng Chân Uy Nghi trông coi về Lão Giáo. Gả công chúa cho Trần Thăng, phong Trần Thăng là Phò Mã Đô Úy.
Năm 972 sai Nam Việt Vương Đinh Liễn sang sứ nhà Tống, năm sau được nhà Tống phong cho nhà vua làm Giao Chỉ Quận Vương, Đinh Liễn làm Tiết độ sứ.
Tuy nhiên, sau nhà vua lại bỏ con trưởng là Đinh Liễn, lập con út là Hạng Lang làm Thái tử, bắt đầu gây mâu thuẫn trong hoàng tộc.
Năm 974, nhà vua được lời sấm nói rằng:
'Đỗ Thích thí Đinh Đinh
'Lê gia xuất thánh minh
'Cạnh đầu đa hoạnh tử
'Đạo lộ tuyệt nhân hành.
Nghiã là:
'Đỗ Thích giết hai Đinh
'Nhà Lê sinh thánh minh
'Ganh đua bao kẻ chết
'Đường đi người vắng tanh.
Năm 979, đầu năm Việt Vương Đinh Liễn sai người giết Thái tử Hạng Lang. Đến tháng 11 vua ăn yến ban đêm, bị tên Phúc hầu hoành Đỗ Thích giết cả hai cha con là Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn.
Đỗ Thích trước làm lại ở Đồng Quan, một đêm nằm mơ thấy sao rơi vào miệng, cho là điềm làm lớn, sinh lòng phản nghịch. Nhưng khi giết được vua, lại hoảng sợ trốn ngay trong cung ở dưới máng nước. Được 3 ngày thì vì quá khát, thò tay hứng nước mưa để uống, bị cung nữ trông thấy, báo với Định Quốc Công Nguyễn Bặc bắt giết chết.
Nguyễn Bặc cùng Lê Hoàn phò Vệ vương Toàn - một người con thứ của vua lên ngôi hoàng đế.
Năm 980 vào tháng 7, quân Tống đem binh đánh Việt Nam. Tướng sĩ thấy Toàn còn bé nhỏ, giáng Toàn xuống làm Vệ Vương, tôn Lê Hoàn làm hoàng đế, chính Hoàng thái hậu Dương Vân Nga đứng ra khoác áo hoàng bào cho Lê Hoàn.
Lời bàn của sử sách:
**Lê Văn Hưu:
'Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời. Đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân thu phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quận, chế độ gần đầy đủ. Có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu vương chăng?
Tuy nhiên sau đó Lê Văn Hưu lại lấy quan điểm theo Nho Giáo của mình để chê nhà vua lập 5 ngôi hoàng hậu, mà không hay rằng từ xưa người Việt đã có vũ trụ quan theo Ngũ hành, chứ không theo vũ trụ quan Lưỡng Nghi của Trung Quốc:
'Trời Đất cùng che chở, mặt trời mặt trăng cùng chiếu soi, mới sinh thành muôn vật, nảy nở mọi loài; cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới có thể đứng đầu tiêu biểu cho nội cung, tác thành cho thiên hạ. Từ xưa chỉ lập hoàng hậu một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến 5 người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nỗi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập 5 hoàng hậu. Sau đến hai triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy.
**Ngô Sĩ Liên:
'Nối nghiệp dùng con đích là đạo thường muôn đời, bỏ đạo ấy, chưa từng không gây loạn. Cũng có khi nhân đời loạn mà lập thái tử, thì trước hết chọn người có công, hoặc con đích trưởng quá ác phải bỏ thì sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng đắn, người xưa vẫn từng làm. Nam Việt Vương Liễn là con trưởng, lại có công, chưa thấy lầm lỗi gì. Tiên Hoàng yêu con thứ mà quên con trưởng, cho như thế mới đủ tỏ tình yêu qúy, không biết như thế là làm hại con. Liễn lại nhẫn tâm, đến nỗi giết em, thiên đạo nhân luân mất hết, chuốc họa chết thiệt thân, còn liên lụy cả cha nữa, há chẳng rùng rợn lắm thay! Không thế thì tội đại ác của Đỗ Thích do đâu nảy ra để hợp với lời sấm được?
'Đế vương dấy nghiệp không ai không nhờ ở trời. Nhưng thánh nhân không cậy có mệnh trời mà càng làm hết phận sự của mình. Việc đã thành lại càng lo nghĩ đề phòng. Sửa sang lễ nhạc hình án chính sự là để phòng giữ lòng người. Đặt nhiều lần cửa, đánh hiệu canh là để đề phòng kẻ hung bạo. Bởi vì lòng dục không cùng, việc đời không bến, không thể không đề phòng trước. Đó là nghĩ xa cho đời sau, mưu tính cho con cháu cũng chính là ở đó. Cho nên Tiên Hoàng không được trọn đời là do chưa làm hết việc người, không phải mệnh trời không giúp. Cũng vì vua không giữ được trọn đời, khiến cho cái thuyết sấm đồ đắc thắng, đời sau không thể không bị mê hoặc vì điều đó.
**Sách Thông Luận:
'Trời sinh ra buổi tối tăm, Đinh Tiên Hoàng đứng lên mà dẹp yên được, nổi tiếng anh hùng Vạn Thắng, gồm được cả đất đai của 12 sứ quân. Nước bị chia xẻ đã lâu, nay thành thống nhất, cha con làm Chân Vương, không phải xin ai, nước Cồ Việt được 13 năm thái bình, cũng đã thịnh lắm, sao lại mất chóng như thế?
'Là vì Tiên Hoàng vũ lược có thừa, nhưng học vấn không đủ, muốn đem cái thuật trị quân ra mà trị nước, lập 5 bà hoàng hậu là phi lễ, bỏ con trưởng là phi pháp, đặt chức thày tu làm chức quan, đặt vạc dầu làm hình phạt là phi chính. Chỉ ham vui không biết phòng bị, cho nên ở trong nhà thì con trưởng ly tâm, bỏ vợ thất tiết; ở ngoài thì không đặt quân phòng bị, người cạnh nách thành ra kẻ cừu thù. Vậy là Hạng Lang giết Tiên Hoàng, chứ không phải Đỗ Thích. Người Chiêm Thành vào cướp là Ngô Hậu chứ không phải Nhật Khánh. Người cướp ngôi vua của Vệ Vương là Dương Hậu, chứ không phải Thập Đạo tướng quân.
'Gốc cây đã đổ, cành lá tự nhiên tồi tàn, nhà Đinh ít dùng đức, không có gì để cho con cháu về sau, đáng thương thay!
**Ngô Thời Sĩ:
'Một âm một dương gọi là đạo. Các bà hoàng hậu dựng nên nhà Hạ giúp đỡ nhà Chu, không nghe có đến hai hoàng hậu, huống chi lại có 5 hoàng hậu ư?
'Từ năm Thiên Nguyên nước Chu lập 5 hoàng hậu, bài sách văn phong hoàng hậu có câu rằng: 'Đức ví với không nghi, ngũ hành là số 5' . Đó là lấy một câu kinh, để che lỗi của mình. Vua Đinh Tiên Hoàng không đọc sách, theo ý riêng mà làm càn, đúng như chuyện nước Chu; lỗi đó hai bên cũng như nhau.
'Vua định phẩm bậc các quan văn võ và tăng đạo.... Tăng Đạo là hạng người nào mà cũng phẩm trật cao, được có mũ vàng, áo đen, lẫn lộn vào hàng mũ vàng đai bạc ở triều đình, chả cũng quá lắm ư!
Ngô Thời Sĩ chẳng những bài bác việc nhà vua lập 5 hoàng hậu, mà còn đả kích nhà vua ban tước vị cho các vị tu sĩ khả kính của Phật và Lão, thể hiện sự kỳ thị tôn giáo, mầm mống của nhiều việc quốc phá gia vong về sau.
**Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái:
'Tiếc không học vấn công phu,
'Chuyện xưa ít biết, sau lo vụng đường.
'Già Tăng cũng dự quan sang,
'Bặc, Điền, Cơ, Tú đều phường vũ nhân.
'Nội đình năm vị nữ quân,
'Nặng tình kiêm ái, quên phần di mưu.
'Đã phong Đinh Liễn con đầu,
'Hạng Lang là thứ nhẽ nào đổi thay?
'Pháp hình cũng lạ xưa nay,
'Hùm nuôi trong cũi, vạc bày ngoài sân.
'Chơi bời gần lũ tiểu nhân,
'Rượu hoa ngọt giọng, đêm xuân mê lòng.
'Trùng môn thưa hở đề phòng,
'Để cho Đỗ Thích gian hùng nỡ tay...
Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca do vị quan triều Nguyễn là Án sát tỉnh Cao Bằng Lê Ngô Cát soạn thảo khoảng năm 1865 - 1870. Đây chính là thời kỳ Nho học đã bị suy vi mà trở thành quá khích, nên mới nặng lời khi viết về nhà Đinh, coi vua là không có học vấn, kỳ thị Lão Phật, khinh rẻ các võ tướng, gọi là 'lũ tiểu nhân', cũng như phê phán việc nhà vua lập 5 vị hoàng hậu...
**Trần Trọng Kim:
'Việc chính trị trong nước thì lúc bấy giờ còn có nhiều người quen thói lúc loạn, không chịu tuân theo luật lệ. Tiên Hoàng phải dùng oai để trừng trị những bọn gian ác: đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo ở trong vườn, rồi hạ lệnh rằng hễ ai phạm tội thì bỏ vạc dầu hay là cho hổ báo ăn. Hình luật uy nghiêm như thế, thì cũng quá lắm, nhưng nhờ có những hình luật ấy thì dân trong nước mới dần dần được yên.
**Nguyễn Đăng Thục:
'Đàm Thị chọn nơi bên cạnh đền Sơn Thần, ngoài cửa có đám sen núi, trên lá có dấu sò ốc thành chữ 'thiên tử'. Ở đây chúng ta đã thấy cái không khí tín ngưỡng Thần Phật hòa hợp, nhằm lấy thực nghiệm của hành động thực tế để giải thoát cho dân tộc. Bởi thế mà Bộ Lĩnh cùng vui chơi tập trận, bố trí cả một hàng ngũ quần thần, cả một triều đình vua tôi, có kiệu cờ 'giống như nghi vệ thiên tử'.
'Việc Đinh Tiên Hoàng lập ra 5 vị hoàng hậu cũng chỉ tỏ rằng họ Đinh bấy giờ thể theo tín ngưỡng văn hóa phương Nam, chưa hẳn theo về Nho giáo phương Bắc. Vậy mà bảo rằng ''Đinh Tiên Hoàng không có học, tự ý làm càn'' thì quả là nhà Nho quá thiên chấp. Nho giáo độc tôn, không biết đến sáng kiến riêng của nhà khai quốc tự chủ!
**Đào Duy Anh:
'Về tổ chức cũng như về tinh thần, Phật giáo là yếu tố thống nhất đắc lực nhất ở thời bấy giờ. Bởi thế Đinh Bộ Lĩnh lấy Phật giáo làm quốc giáo, định phẩm cấp tăng nhân để giao cho họ lãnh đạo Phật giáo trong toàn quốc.
**Phạm Văn Sơn:
'Đinh Tiên Hoàng tức Đinh Bộ Lĩnh, ra đời vừa đúng giữa khi lịch sử Việt Nam đang trải một giai đoạn hắc ám trên 30 năm, kể từ khi Dương Tam Kha thoán nghịch đến loạn 12 sứ quân, dân chúng lầm than không kể xiết. Thời thế đó đã cấu tạo nên con người hào kiệt để chấm dứt cảnh cốt nhục tương tàn và theo gót Trưng, Triệu, Lý, Mai, Ngô... họ Đinh đã đặt thêm viên đá cho nền độc lập và thống nhất của nước nhà.
Nhận Định
Qua các phê phán kể trên, chúng ta thấy phần lớn các nhà phê bình đã không thể vượt lên trên sự chủ quan của mình, khi đưa ra ý kiến về một vấn đề trọng đại, có ảnh hưởng dài lâu.
Cụ thể các Nho gia đều đặt nặng về vấn đề nhà vua lập 5 vị hoàng hậu, chê trách không đúng với quy luật của Trung Quốc, là lối đánh giá khiên cưỡng, tha hóa vong bản khi người Việt có đạo đức riêng tư của mình?!
Rồi từ quan điểm của Nho Gia lại chê Phật Gia, Đạo Gia, càng khiến người ta cảm thấy sự đố kỵ không nên có nơi các sử gia chân chính.
Điều này thể hiện yếu điểm của một số tín đồ tôn giáo thường là chỉ muốn độc tôn về giáo lý, rơi vào cảnh thầy bói rờ voi, chỉ cho mình là đúng, kẻ khác sai, dễ gây chia rẽ không kém gì các chủ thuyết chính trị đời thường, làm suy yếu tinh thần quốc gia dân tộc bấy nay?!
Trở về với triều đại nhà Đinh, chúng ta thấy:
1/ Đinh Tiên Hoàng xuất thân danh gia vọng tộc, chẳng may cha chết sớm, phải cùng mẹ luân lạc giữa chốn bình dân.
Đây chính là cơ may giúp Tiên Hoàng có dịp thâm nhập sống chan hòa với mọi người, được ai nấy qúy mến hết lòng theo về giúp đỡ, lần lượt đánh thắng 12 sứ quân là các hào trưởng, từng xưng hùng xưng bá đấu đá nhau làm khổ dân?
Cho nên có thể nói Đinh Tiên Hoàng sở dĩ chiến thắng nhanh chóng, chính là nhờ ở lòng dân khi đó chán cảnh đao binh hùng cứ tương tàn, mong có đại diện xứng đáng thống nhất lãnh đạo. Và Đinh Tiên Hoàng đã đáp ứng đúng mong đợi này của người dân đương thời.
2/ Đời nhà Đinh xuất hiện lần đầu tiên các vị tu sĩ của Phật Giáo và Lão Giáo, được ban chức trọng nơi triều đình, chứng tỏ nhà vua đã biết đặt cao vấn đề tôn giáo cần hài hòa trong đời sống tinh thần của người dân.
Tuy ngày nay có quan niệm chính trị và tôn giáo cần tách biệt, để không bị ảnh hưởng chi phối; nhưng trên thực tế trong đời sống tinh thần của dân tộc, tôn giáo một khi biết coi trọng quốc gia đề cao tinh thần dân tộc, sẽ giúp dân tộc đại đoàn kết mới có thể phát triển mạnh mẽ.
3/ Chuyện Đinh Tiên Hoàng thuở nhỏ đã biết kết hợp trẻ chăn trâu để chơi bày binh bố trận, dùng hoa lau làm cờ, dùng tay làm kiệu công kênh nhau, bước đầu kết hợp được một số người có năng khiếu về lãnh đạo chỉ huy, như 2 bộ tướng thân thiết giúp Đinh Tiên Hoàng đến cuối cuộc đời là Định quốc công Nguyễn Bặc, Đô hộ phủ Sĩ sư Lưu Cơ...
Vậy muốn làm việc lớn, cần có người tâm phúc tài giỏi, trung thành, qúy mến, nể phục, hiểu biết tin tưởng nhau... các yếu tố này thường chỉ tập trung nơi những người bạn thuở thiếu thời?
Nhìn chung, sự thành công của Đinh Tiên Hoàng nằm ở yếu tố Nhân Hòa là chính, đã biết kết hợp lòng người ngay từ khi còn nhỏ tuổi, vì hai yếu tố Thiên Thời và Địa Lợi lúc đó đã chia đều cho các sứ quân.
Lúc thành công, Tiên Hoàng phong hai chức lớn nhất cho hai người bạn từ thuở cờ lau tập trận là Nguyễn Bặc và Lưu Cơ; cùng hết sức trọng vọng hai vị lãnh đạo của tôn giáo là Ngô Chân Lưu của Phật Giáo phong làm Khuông Việt Thái Sư, Đạo sĩ Huyền Quang làm Sùng Chân Uy Nghi.
Tuy nhiên, cũng vì yếu tố Nhân Hòa mà nhà Đinh sụp đổ, khi Tiên Hoàng bỏ trưởng lập thứ, gây cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn.
Xét vậy chúng ta thấy việc phục quốc, kiến quốc, hưng quốc... quan trọng nhất là yếu tố Nhân Hòa, yếu tố này chỉ có được khi người lãnh đạo có tâm lớn biết quên mình và gia đình mình, quên đảng phái và tôn giáo của mình, thể hiện được tài đức từ việc nhỏ đến lớn, khiến ai nấy ngưỡng mộ noi theo mà một lòng phò tá.
Yếu tố Nhân Hòa ngày nay được Tây phương tôn trọng, thể hiện qua các cuộc bầu cử để kết hợp hai yếu tố Chính quyền và Dân tộc trong công cuộc phát triển quốc gia. Những cuộc bầu cử tự do, dân chủ rất mực ở Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada... chính là nguyên do giúp các nước này vượt qua các mâu thuẫn lớn nhỏ, hầu có thể đoàn kết trở nên hùng cường như hiện nay.
Một điều đáng lưu ý, là Đinh Tiên Hoàng không chỉ đánh dẹp 12 sứ quân, mà có trên 16 sứ quân đương thời. Do người chép sử lúc đó là tu sĩ Phật Giáo giữ vai trò văn hóa, đã lấy con số 12 của Thập Nhị Nhân Duyên trong giáo lý Nhà Phật làm biểu tượng cho chiến công. Chuyện 18 đời vua Hùng Vương trải 2.000 năm, cũng là do bị lấy từ con số 'Thập bát La hán'?
Đây cũng là một vấn đề cần xem xét khi nghiên cứu các sử liệu, được ghi chép dưới ngòi bút của các vị tu sĩ của các tôn giáo nội ngoại cổ kim, bị ảnh hưởng tha hóa rất mực?!
Trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, tác giả Nguyễn Gia Kiểng dùng tư liệu của tu sĩ Thiên Chúa Giáo khi nhận định về vua Quang Trung, mà không chú ý đến việc vua Quang Trung là kẻ thù của triều Nguyễn - một triều đại được Thiên Chúa Giáo giúp đỡ, ảnh hưởng, dù sau đó có thời kỳ cấm đạo và giết đạo?!
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.