Nhà Lê từ khi được các cựu thần trung hưng lên, con cháu vẫn giữ ngôi vua, nhưng quyền hành trong tay các chúa:
-Từ Linh Giang trở ra Bắc thuộc chúa Trịnh.
-Từ Linh Giang trở vào Nam thuộc chúa Nguyễn.
Năm 1599 từ khi Trịnh Tùng chấp nhận điều kiện của nhà Minh, cho con cháu họ Mạc giữ đất Cao Bằng, tự xưng làm Đô Nguyên Súy - Tổng Quốc Chính - Thượng phu Bình An Vương, nắm hết quyền của vua Lê.
Sở dĩ họ Trịnh chuyên quyền mà không dám cướp ngôi, là nhớ lời khuyên của Trạng Trình, đồng thời còn sợ họ Mạc ở phiá Bắc và họ Nguyễn ở phiá Nam hai đầu giáp công cùng tiến đánh.
Sự xuất hiện của hai họ Trịnh - Nguyễn, là do việc Nguyễn Kim khởi nghiã giúp vua Lê đánh nhà Mạc. Khi Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết, quyền hành về tay người con rể là Trịnh Kiểm.
Nguyễn Kim có hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng, khiến Trịnh Kiểm sợ mất quyền, tìm cách giết Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng được lời khuyên của Trạng Trình qua câu 'Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân', đã nhờ chị là vợ Trịnh Kiểm, xin cho mình vào trấn phiá Nam.
Năm 1558, đời vua Lê Anh Tông, Trịnh Kiểm tâu vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, có lòng nhân đức, biết trọng dụng nhân tài, chăm lo đời sống người dân, nên tạo được thanh thế lớn mạnh, khiến Trịnh Tùng lo ngại, gọi ra Bắc rồi giữ ở lại.
Năm 1600, nhân việc các triều thần nhà Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm, Bùi Văn Khuê khởi binh chống họ Trịnh ở Nam Định, Nguyễn Hoàng xin đem binh đi đánh, rồi trốn về Nam luôn.
Từ đấy hai họ Trịnh và Nguyễn bắt đầu phân tranh, giao tranh 7 lần, đưa đất nước vào cuộc chiến tranh Nam Bắc tương tàn lần thứ nhất trong sử Việt:
1/ Năm 1627, Trịnh Tráng sai người vào Nam đòi tiền thuế họ Nguyễn. Chúa Sãi tiếp sứ nhưng không chịu nộp thuế.
Trịnh Tráng sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5.000 binh vào đánh, rồi rước vua Lê cùng đại binh tiếp ứng. Chúa Sãi sai cháu là Nguyễn Phúc Vệ cùng tướng Nguyễn Hữu Dật ứng chiến, đánh quân Trịnh thua chết hại rất nhiều.
Cùng lúc Nguyễn Hữu Dật phao tin Trịnh Gia và Trịnh Nhạc âm mưu phản loạn ở miền Bắc, khiến Trịnh Tráng cả sợ, phải rút quân về bắc.
2/ Năm 1630, chúa Sãi nghe lời khuyên của Đào Duy Từ, sai người đem sắc dụ trả vua Lê, rồi sai tướng đánh chiếm phiá nam Linh Giang làm ranh giới phân chia Nam - Bắc.
Năm 1633, người con thứ ba của chúa Sãi là Ảnh trấn thủ Quảng Nam, muốn tranh quyền, lén sai người ra Bắc xin chúa Trịnh đem quân vào đánh, sẽ làm nội ứng. Ảnh xin chúa Sãi ra trấn thủ đất Quảng Bình để thực thiện âm mưu làm phản, nhưng chúa Sãi nghi ngờ, không chấp thuận.
Trịnh Tráng được thư của Ảnh, đem binh vào chờ hơn 10 ngày không thấy tin tức, bị quân chúa Nguyễn bất ngờ đánh úp, cả thua phải lui binh.
3/ Năm 1635, chúa Sãi là Nguyễn Phúc Nguyên mất, Nguyễn Phúc Lan lên thay gọi là chúa Thượng. Ảnh ở Quảng Nam nghe tin phát binh làm phản, bị bắt giết đi.
Trịnh Tráng thấy anh em họ Nguyễn tranh quyền, đem quân đánh, giết được tướng Bùi Công Thắng, chiếm đất Bố Chính. Do thời tiết tháng tư rất nóng, quân sĩ bị dịch bệnh chết nhiều, Trịnh Tráng phải lui binh.
4/ Năm 1648, Trịnh Tráng đem quân thủy bộ vào đánh. Bộ binh bị lũy Trường Dục ngăn lại, không sao tiến binh. Chúa Thượng sai con là Nguyễn Phúc Tần cầm đại binh phản công. Nguyễn Phúc Tần là người tài trí, bố trí thủy binh mai phục, rồi đem 100 voi xung trận lúc nửa đêm về sáng, khiến quân Trịnh thua to, chạy về Bắc lại gặp thủy binh phục kích, đánh đuổi đến tận Lam Giang.
Lúc đó trong Nam chúa Thượng mất, trao quyền cho con là Nguyễn Phúc Tần, gọi là chúa Hiền. Ngoài Bắc vua Lê Chân Tông mất, không có con, Trịnh Tráng rước Thái Thượng hoàng là Lê Thần Tông về lên ngôi.
5/ Năm 1655, chúa Hiền sai Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật vượt Linh Giang, đánh tới Nghệ An. Trịnh Tráng sai Trịnh Trượng cầm quân, bị đánh thua, lại sai Trịnh Tạc thay thế. Trịnh Tạc cũng thua, khiến Trịnh Tráng phải dùng người con út là Trịnh Toàn cầm quân.
Trịnh Toàn là người tài đức hậu đãi tướng sĩ, yêu mến dân quân, được lòng người, nên cầm cự được với Nam quân. Nhưng chẳng bao lâu Trịnh Tráng mất, Trịnh Tạc lên thay, thấy Trịnh Toàn được nhiều người mến phục, lấy cớ Trịnh Toàn không về chịu tang, bỏ ngục giết chết.
Trịnh Tạc sai con là Trịnh Căn nắm binh quyền thay Trịnh Toàn.
Năm 1657 Trịnh Căn chia quân 3 đạo đánh miền Nam, bị Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật chặn đứng ở Lam Giang.
Sau Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật hiềm khích nhau, quân Nguyễn phải lui binh khỏi Lam Giang.
6/ Năm 1661, Trịnh Tạc rước vua Lê và đem đại binh đánh chúa Nguyễn, cử Trịnh Căn thống lĩnh binh đội. Nhưng Nguyễn Hữu Dật chia quân đắp lũy, giữ vững mọi nơi, nên năm sau quân Trịnh phải lui binh.
7/ Do họ Trịnh phải đối phó với họ Mạc ở Cao Bằng, nên mãi đến năm 1672 Trịnh Tạc mới đem quân đánh chúa Nguyễn, sai Trịnh Căn thống lĩnh quân thủy bộ.
Nguyễn Hữu Dật chống giữ lũy Trấn Ninh, khiến quân Trịnh không thể tiến binh. Khi đến cuối năm trời lạnh, Trịnh Căn bị bệnh phải lui binh.
Từ đó hai bên án binh bất động, lấy Linh Giang (sông Gianh bây giờ) làm ranh giới, cho đến khi Tây Sơn khởi binh thì họ Trịnh mới nhân cơ hội đánh chiếm Thuận Hóa.
Như vậy trong 45 năm, Trịnh Nguyễn đánh nhau 7 lần, hao binh tổn tướng, dân chúng khổ về nạn binh đao. Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm xuất hiện trong bối cảnh này, đã mô tả tâm tình chinh phu và chinh phụ một cách thấu đáo, trở thành một tuyệt tác trong văn chương Việt Nam.
Từ năm 1545, chính quyền nhà Lê rơi vào tay Trịnh Kiểm, vua Lê có vị mà không có quyền hành gì nữa. Do tin vào lời khuyên không nên cướp ngôi nhà Lê của Nguyễn Bỉnh Khiêm, họ Trịnh cam phận làm chúa để lộng hành, quyền uy hơn cả vua.
Năm 1570 Trịnh Kiểm chết, quyền hành về tay Trịnh Tùng.
Do nhà Lê tuy không có quyền hành gì, nhưng vẫn giữ nguyên hệ thống quan lại cũ với 6 bộ, trong khi các chúa Trịnh chuyên quyền lập guồng máy cai trị riêng, bao gồm 6 phiên nắm quyền hành chi phối 6 bộ mọi mặt.
Để có tiền chi dụng cho hai bộ máy cai trị cồng kềnh như trên, vua Lê và chúa Trịnh đã phải thu thuế cao, bán chức tước lấy tiền, tạo ra nạn tham quan nhũng lại, giặc cướp nổi lên ở nhiều nơi lấy cớ 'Phù Lê - Diệt Trịnh' như Nguyễn Danh Phương ở Sơn Tây (nay thuộc Vĩnh Phúc), Nguyễn Hữu Cầu ở Thanh Hà (nay thuộc Hải Dương), Hoàng Công Chất ở Sơn Nam...
Sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim nhận xét:
'Tóm lại mà xét, thì những công việc của họ Trịnh sửa đổi ở miền Bắc cũng nhiều, và có thể chia ra làm 3 thời kỳ:
'-Thời kỳ thứ nhất vào khoảng Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng và Trịnh Tráng. Lúc bấy giờ còn phải lo đánh họ Mạc ở phiá Bắc, rồi lại chống với họ Nguyễn ở phiá Nam, cho nên trong thời kỳ ấy chỉ có việc chiến tranh ở ngoài mà thôi, còn những công việc trong nước không sửa sang được mấy.
'-Thời kỳ thứ hai là vào khoảng Trịnh Tạc, Trịnh Căn và Trịnh Cương. Lúc bấy giờ việc chiến tranh đã yên, trong nước bình trị, cho nên trong thời kỳ ấy các chúa mới sửa sang và chỉnh đốn lại những phép tắc, luật lệ, việc thuế khoá, sự học hành, thi cử v.v...
'-Thời kỳ thứ ba là vào khoảng Trịnh Giang, Trịnh Doanh và Trịnh Sâm. Vì Trịnh Giang thất chính cho nên trong thời kỳ này có lắm giặc giã, quan quân phải đánh đông dẹp bắc trong ba bốn năm trời, thành ra không làm được việc gì ích lợi, đến nỗi dân nghèo nước yếu, chính trị điêu tàn, bởi vậy cho nên chẳng bao lâu nhà Trịnh đổ, nhà Lê cũng mất.
Thực hiện mục đích cát cứ để tồn tại, Nguyễn Hoàng và con cháu đã ra sức khai thác đất đai, mở mang bờ cõi về phiá nam, biến Miền Nam thành một xứ độc lập với Miền Bắc trên nhiều phương diện.
Năm 1572, quân Mạc đánh vào Thuận Hóa định lấy vùng này làm bàn đạp đánh Chúa Trịnh, bị Nguyễn Hoàng đánh bại, bắt nhiều quân nhà Mạc làm tù binh, đưa đi khẩn hoang.
Năm 1648, trong một trận đánh lớn, Nguyễn thắng Trịnh, bắt được 30.000 tù binh, đưa vào Quảng Nam khẩn hoang.
Năm 1655 Chúa Nguyễn đưa quân vượt sông Gianh, đánh chiếm 7 huyện phiá nam sông Lam, bắt nhiều nông dân Nghệ An đưa về khẩn hoang, trong đó có gia đình Nguyễn Huệ.
Để khai thác vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chúa Nguyễn khuyến khích quan lại và phú nông mở đồn điền. Khi tạm ngưng chiến tranh với miền Bắc, các Chúa Nguyễn đều điều quân đi làm ruộng khẩn hoang.
Nhà Nguyễn trở nên hùng mạnh, nhờ biết trọng dụng nhân tài như Đào Duy Từ... thực hiện chính sách khẩn hoang tích cực, kèm theo các cuộc chiến tranh chiếm đất, chiếm người:
**Lấy đất Chiêm Thành:
Năm 1611, Nguyễn Hoàng đánh nước Chiêm Thành, lấy đất lập ra phủ Phú Yên.
Năm 1653 vua Chiêm Thành là Bà Thấm sang quấy nhiễu, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đánh thắng, chiếm thêm đất lập phủ Diên Khánh (nay là Khánh Hòa).
Năm 1693, vua Chiêm là Bà Tranh bỏ tiến cống, Chúa Nguyễn Phúc Chu cử binh đánh bắt được Bà Tranh, đổi đất Chiêm Thành thành Thuận Phủ, bắt dân Chiêm phải ăn mặc như người Việt để đồng hóa. Từ đó nước Chiêm Thành mất hẳn.
**Lấy đất Chân Lạp:
Năm 1658, khi vua Chân Lạp mất, chú cháu tranh quyền, sang cầu cứu Chúa Hiền. Chúa Hiền đưa 3.000 quân sang giúp, bắt được Nặc Ông Chân, giam ít lâu tha về, bắt phải triều cống.
Năm 1674, có Nặc Ông Đài cầu cứu nước Tiêm La, vua Chân Lạp lúc đó là Nặc Ông Độn cầu cứu Chúa Hiền. Chúa Hiền đem binh giúp, đánh chiếm Sài Gòn, qua vây thành Nam Vang, lập lại trật tự, định lệ triều cống.
Năm 1679, quan Tổng trấn nhà Minh là Dương Ngạn Địch, cùng Phó tướng Hoàng Tiến và Tổng binh Trần Thượng Xuyên, không chịu đầu hàng nhà Thanh, đem 3.000 quân cùng 50 chiến thuyền sang xin làm dân Việt Nam, được Chúa Nguyễn cho vào khẩn hoang vùng Gia Định, Biên Hòa.
Năm 1688 bọn quan tướng nhà Minh nổi loạn giết hại nhau, bị Chúa Nguyễn Phúc Trăn giết hết, rồi đưa quan lại người Việt vào cai trị, lập các huyện: Đồng Nai làm huyện Phước Long, Sài Gòn làm Tân Bình, Biên Hòa làm Trấn Biên Dinh, Gia Định làm Phan Trấn Dinh.
Trước đó có Mạc Cửu thấy nhà Thanh thắng nhà Minh, đã bỏ qua Chân Lạp sinh sống, chiêu mộ người thành lập Hà Tiên gồm 7 xã. Năm 1708, Mạc Cửu xin thần phục Chúa Nguyễn, được phong làm Tổng binh Hà Tiên.
Khi con cháu họ Nặc tranh quyền, bị con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ hợp cùng các quan của Việt Nam như Nguyễn Cư Trinh... bình định, lấy đất Chân Lạp lập ra 6 tỉnh Miền Nam.
Năm 1744, Chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng hiệu Vũ Vương, sửa sang phép tắc, định lại triều phục, chia Miền Nam làm 12 dinh, trong đó 3 dinh là đất Chiêm Thành (Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận), 3 dinh là đất Chân Lạp (Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ).
Sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim nhận xét:
'Những công việc họ Nguyễn làm ở phiá nam quan trọng cho nước Nam ta hơn cả, là việc mở mang bờ cõi, khiến cho nước lớn lên, người nhiều ra, và nhất là chiêu mộ những người nghèo khổ trong nước đưa đi khai hóa những đất phì nhiêu bỏ hoang, làm thành ra Nam Việt bây giờ phong phú hơn cả mọi nơi. Ấy là cái công họ Nguyễn với nước Nam thật là to tát lắm vậy.
**Thiên Nam Ngữ Lục:
'Trung hưng ra sức tôn phù,
'Lê triều đem lại cựu đô Long Thành.
'Sáng công Thái Tổ minh minh,
'An lòng liệt thánh, thuận tình hoàng gia.
'Quét loài nghịch tặc gần xa,
'Càn khôn định đỉnh, quốc gia an bình.
'Ứng điềm đoài cung ẩn tinh,
'Thiên hạ thái bình, thiên hạ Trịnh Lê.
'Cửu châu tứ hải chầu về,
'Trông xem Trịnh chúa để bia hoàng triều.
'Công lênh bao quản ít nhiều,
'An nhà là trí, hòa triều là nhân.
'Ấy mới thánh quân hiền thần,
'Ấy đời Nghiêu Thuấn, ấy dân Ngu Đường.
'Ấy là chế độ kỷ cương,
'Ấy người Tắc Tiết, ấy làng Lỗ Châu.
'Ấy mới binh khỏe nước giàu,
'Hán Đường khá sánh, Thương Châu ví tày.
'Tự đời Kinh Dương nhẫn nay,
'Trị là trị vậy sao tày Trịnh Lê?
'Kìa ai có chút tài chi,
'Nước khi gặp loạn, mình thì kể công.
'Tình này ý nọ lừa lòng,
'Chẳng ngoài mưu đoạt thì trong thụ thiền.
'Khen thay Trịnh chủ lòng tin,
'Một nguyền Y Doãn, hai nguyền Chu Ky...
**Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái:
'Gió thu lần úa cành Lê,
'Ác bay chưa biết đỗ về nhà ai.
'Ngụy Tây gắm ghé mặt ngoài,
'Trịnh Sâm trong lại sai người cầu phong.
'Vũ Trần Thiệu kể là trung,
'Mặt tuy ứng mệnh, nhưng lòng vẫn kiên.
'Động đình xa vượt bè tiên,
'Trên trời dưới nước tấm nguyền sạch trong.
'Biểu tiên phó ngọn đuốc hồng,
'Ngậm cười thề với chén nồng cho xuôi.
'Làm cho vỡ mật gian hồi,
'Mà người chìm nổi cho đời thẹn riêng.
Đoạn thơ trên thuộc phần 'Trịnh Sâm hỏng mưu thoán đoạt' ngôi nhà Lê, được 'Lời Giải' trong 'Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca' nói rõ:
'Từ khi lấy được đất Thuận Hóa, Trịnh Sâm đắc chí có ý muốn cướp ngôi nhà Lê, bèn sai quan Thị lang Vũ Trần Thiệu sang nói dối nhà Thanh rằng con cháu họ Lê không còn ai đáng làm vua; lại sai nội giám đem tiền của đi theo đút lót xin phong cho làm vua.
'Đến hồ Động Đình (ở Tàu), Vũ Trần Thiệu đem tờ biểu của chúa Trịnh đốt đi, rồi uống thuốc độc mà chết.
**Trần Trọng Kim:
'Nhà Lê kể từ vua Thái Tổ khởi nghiã, đánh đuổi quân nhà Minh về Tàu, lập lại cái nền tự chủ cho nước nhà, truyền đến vua Chiêu Tông thì bị họ Mạc cướp mất ngôi. Sau nhờ có họ Nguyễn và họ Trịnh giúp đỡ, nhà Hậu Lê lại trung hưng lên, truyền đến vua Chiêu Thống tức là Mân Đế thì hết.
'Nhà Lê làm vua, kể cả Tiền Lê và Hậu Lê, được 360 năm (1428 - 1788), trước sau sửa sang được nhiều việc: sự học hành, việc luật pháp, việc canh nông đều được mở mang ra hơn trước. Nhưng từ khi trung hưng lên trở về sau, nhà vua bị họ Trịnh hiếp chế thành ra có vua lại có chúa. Vua ngồi làm vì, chúa giữ cả quyền chính trị. Đến khi nghiệp chúa suy thì ngôi vua cũng đổ vậy.
**Sử gia Pháp Maybon:
'Nguyễn Hoàng thành công trong việc kiến tạo giang sơn và sự nghiệp ở miền Nam, là nhờ ở bàn tay của một số quan lại và tướng lĩnh miền Bắc đã mến cái đức của Hoàng mà tới. Rồi với thời gian 55 năm yên ổn, từ 1572 đến 1627, họ Nguyễn đã xây dựng được khá nhiều cơ sở ở Nam Hà, với 3 tỉnh Quảng Bình - Thuận Hóa - Quảng Nam, và dần dần trở nên cường thịnh. Do những thực lực khuếch trương kể trên, sau này họ Trịnh phải chịu công nhận nền tự chủ của họ Nguyễn, lấy con sông Gianh làm đường phân giới cho hai miền Nam - Bắc.
**Đào Duy Anh:
'Sau khi họ Mạc cắt đất 5 động miền Đông Bắc cho nhà Minh, thì họ Trịnh lại để mất nhiều đát khác nữa. Đối với các tù trưởng miền biên cảnh, họ Trịnh thắt buộc rất nghiệt, lại bắt phú cống nặng hơn ở các triều đại trước (như ở đất Cao Bằng chiếm lại của họ Mạc, họ Trịnh đặt đến 4 sở tuần ty để đánh thuế) cho nên họ rất bất bình. Đời Thanh (từ 1661) các tù trưởng ở bên đất Trung Hoa hay nhân tình thế trên và dựa thế bọn quan lại nhà Thanh mà sang lấn đất nước ta. Những khi việc ấy xảy ra, họ Trịnh lại nhờ nhà Thanh can thiệp thì cũng với vát lại được một vài phần, nhưng rốt cuộc trong thời họ Trịnh, nước ta mất rất nhiều đất ở biên giới giới phiá Bắc.
'Năm 1969, người Thổ Ty ở phủ Khai Hóa, tỉnh Vân Nam, chiếm đất 3 châu Bảo Lạc, Vị Xuyên và Thủy Vĩ - một giải biên địa từ phiá tây Cao Bằng qua Hà Giang đến Lào Cai, mãi đến năm 1726 và 1728, nhà Thanh mới trả lại cho núi Mỏ Chì và núi Mỏ Đồng ở xã Tụ Long (huyện Vĩnh Tuy). Năm 1723, thôn Na Cao thuộc châu Lộc Bình, trấn Lạng Sơn lại bị Thổ Ti châu Tư Lăng bên Trung Hoa chiếm mất. Năm 1780 quân nhà Thanh ở phủ Khai Hóa, tỉnh Vân Nam, nhân nước ta có nội biến, chiếm lấy đất 7 châu thuộc phủ Tây An, trấn Hưng Hóa, là Trung Lăng, Khiêm Châu, Lai Châu, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lễ Tuyền.
'Ở thời nhà Trịnh, Nhà nước phong kiến yếu hèn, nước ta đã mất một giải đất rộng theo suốt biên giới Việt Trung.
-'Chúa Nguyễn đã lấn chiếm cả phần nửa của nước Chân Lạp, tương đương với đất Nam Bộ ngày nay, và đã hoàn thành công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam.
**Phạm Văn Sơn:
'Những giáo sĩ ngoại quốc từng ở Việt Nam thuở đó kể rằng, bộ binh của Bắc Hà có tới 100.000 người, 500 thớt voi, 500 chiến thuyền lớn, mỗi chiến thuyền có ít nhất 3 súng thần công yểm hộ. Theo A. de Rhodes, lực lượng thủy quân này với sự mau lẹ của hỏa lực, có thể khuất phục được cả các chiến hạm Âu Châu thường vãng lai trên bờ biển Trung Hoa thuở đó.
...
'Nhờ sự giao dịch với người Bồ Đào Nha, có thể các chúa Nguyễn đã tu chỉnh được một phần nào về vũ khí của mình, như đóng tàu chiến, đúc súng đại bác, xây thành lũy rất kiên cố để chống nhau với chúa Trịnh. Và nói đến thành lũy là nói đến lũy Trường Dục và thành Đồng Hới, do Đào Duy Từ kiến thiết, quả đã bảo vệ được miền Nam rất có hiệu lực. Nếu không, với những cuộc tấn công ào ạt của các chúa Trịnh, tinh thế Nam Hà khó mà giữ vững.
Nhận Định
Qua các nhận xét của các sử sách kể trên, chúng ta thấy:
-Thiên Nam Ngữ Lục ca ngợi chúa Trịnh tôn thờ vua Lê.
-Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca chê trách chúa Trịnh mưu cướp ngôi nhà Lê, may nhờ có vị quan trung thành với vua Lê phá hỏng mưu kế, mà việc thoán đoạt không diễn ra.
-Việt Nam Sử Lược nói 'Vua Lê bị họ Trịnh hiếp chế'.
...
Chỉ qua vài cuốn sử, chúng ta đã thấy quan niệm của người viết sử trước đây đã khác nhau, do bị sự khống chế của triều đình cũng có, do cái nhìn thiên lệch của người viết sử do thiếu nghiên cứu cũng có.
Và điều nguy hại là các sử sách trước đây thiên về việc chép sử, hơn là nghiên cứu về các nguyên nhân và hậu quả của các sự kiện lịch sử?
Cuộc chiến tương tàn giữa Trịnh - Nguyễn làm suy yếu nội lực quốc gia & dân tộc, đưa đến những hậu quả suy vong về sau, đã không được sử sách quan tâm đúng mức, lý giải các ưu khuyết điểm, rút ra những bài học và kinh nghiệm cho hậu thế lấy đó làm gương?
Nhìn vào nguyên do gây ra cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai họ Trịnh và Nguyễn, chúng ta thấy xuất phát từ ý thức về quốc gia & dân tộc thấp kém, khi cả hai họ Trịnh - Nguyễn đều đặt quyền lợi gia đình & dòng họ riêng tư lên trên quyền lợi chung của quốc gia & dân tộc, nên mới có sự tương tranh để giành quyền hành, đẩy dân tộc vào chỗ tương tàn, binh biến lầm than, vô cùng bi thảm; được diễn tả phần nào qua tác phẩm Chinh Phụ Ngâm bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn, do nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn nôm, cực tả nổi khổ đau của người dân qua hai nhân vật chinh phu và chinh phụ.
Bà người huyện Đường Hải, tỉnh Hải Dương, em gái Tiến sĩ Đoàn Trác Luân (có sách nói bà họ Nguyễn), sinh vào đầu Thế kỷ 18, đời vua Thần Tông nhà Lê.
Ngay từ 16 tuổi bà đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, văn chương tài hoa... khiến nhiều danh sĩ đương thời tới xin gặp mặt, thử tài. Trong số này có Đặng Trần Côn. Tương truyền họ Đặng bị bà chê kém cỏi, trở về lập chí phô tài bằng cách viết tập Chinh Phụ Ngâm.
Khi đọc Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, bà biết mình nhìn lầm người, tạ lỗi một cách rất văn vẻ, là dịch tập thơ chữ Hán thành tập thơ chữ nôm. Tuy nhiên bà vẫn muốn tỏ ra bậc đàn chị, khi dịch hay hơn cả chính bản.
Bà cũng để lại một số giai thoại lý thú với một nhân vật danh tiếng đương thời là Cống Quỳnh, nổi tiếng nhất là câu đối cho đến nay vẫn chưa ai đối được một cách xuất sắc như câu ra 'Da trắng vỗ bì bạch'.
Bà lập gia đình muộn, làm lẽ Thượng thư Nguyễn Kiều.
Bà mở trường dạy học ở kinh thành, giúp nhiều học trò đỗ đạt làm nên.
Ngoài việc dịch Chinh Phụ Ngâm, bà còn để lại tập truyện Tục Truyền Kỳ.
Đọc Chinh Phụ Ngâm ai nấy đều thương cảm, nhưng hầu như tất cả bấy nay chỉ dừng lại ở mức độ thưởng thức, mà không mấy ai coi tác phẩm này như một điển hình hy sinh cao cả của chinh phu và chinh phụ, bị các chế độ lạm dung, hầu đưa ra những phương pháp hóa giải - không để tái diễn trong mai hậu?!
Cụ thể tác phẩm Chinh Phụ Ngâm được đem giảng dậy ở bậc trung học, nhưng chỉ giảng dậy theo lối diễn giảng văn chương, thiếu hẳn phần đào sâu về tình cảm và tâm lý... không nêu lên được những bài học, những kinh nghiệm, sự hy sinh cao cả của chinh phu và chinh phụ, những tư tưởng lên án các hành vi tương tàn - đề cao việc xây dựng tình đoàn kết quốc gia dân tộc, như lời khuyên của Mẹ Âu Cơ, được ca dao diễn giải:
'Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
'Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Đây chính là khuyết điểm rất tai hại của nền giáo dục tại Việt Nam suốt mấy ngàn năm qua, khi bị giới học thức chịu ảnh hưởng các tư tưởng ngoại lai vong bản, ưa từ chương ngâm vịnh... ít còn để tâm suy nghĩ đến sự hưng thịnh của quốc gia & dân tộc, mà chỉ cúi đầu ca ngợi tôn sùng các tư tưởng ngoại lai, coi đó là những khuôn vàng thước ngọc để học hỏi, tâm niệm... hầu có thể đỗ đạt, chiếm được các địa vị vinh thân phì gia... mà không hề biết rằng quyền lợi Quốc gia & Dân tộc mới là quan trọng, mới là chính yếu, mới là mẫu số chung lớn lao cần phục vụ. Còn các vấn đề dòng họ, tôn giáo, đảng phái... chỉ là các tử số bé nhỏ thứ yếu, chỉ đáng được đề cao khi ích dụng cho Quốc gia & Dân tộc.
Chỉ vì nền giáo dục tha hóa, mất gốc bao ngàn năm qua, tạo chia rẽ phân biệt kỳ thị giữa các tôn giáo, đảng phái... mà người Việt chúng ta mới có thể tương tàn, coi nhau như thù địch không đội trời chung; không thể nào còn tỉnh táo thấy đâu là chính nghiã phục vụ Quốc gia & Dân tộc; sẵn sàng đi tôn thờ những chiêu bài ngoại lai, để chia rẽ hãm hại nhau không thương tiếc.
Cũng chỉ vì quá tôn thờ Nho Giáo, không còn lưu tâm đến Văn hiến Dân tộc, nên khi thấy Nho Giáo lỗi thời vào đầu Thế kỷ XX, các nho gia mới thức tỉnh; nhưng thay vì về nguồn tìm hiểu, đã bỏ nước Đông du, Tây du... Nho gia Phan Bội Châu coi Nhật như mẫu mực mới, tổ chức phong trào Đông du; Nho gia Phan Chu Trinh coi Pháp như đối tượng cần theo đòi, hô hào cắt tóc ngắn, mặc âu phục... Duy Tân theo Pháp. Ác hại nhất là Hồ Chí Minh coi Cộng sản như con đường giải phóng, để rồi đẩy cả Quốc gia & Dân tộc vào một thứ gông cùm ghê khiếp hơn cả Thực dân và Phong kiến cộng lại.
Trong khi đó văn hóa Tiên Rồng với những quan điểm về Triết học bao gồm Siêu hình học, Chính trị học, Xã hội học, Tâm lý học, Đạo đức học thể hiện qua các Cổ tích, Ca dao... rất cao đẹp & văn minh & tiến bộ... đã ít được chú tâm khai thác khi bị miệt thị là ''bình dân''!
Bao ngàn năm qua, dân tộc Việt Nam đã có thể tự chủ - tự lực - tự cường, duy trì tinh thần độc lập, bản địa hóa không biết bao nhiêu phương diện văn hóa ngoại lai, là do những căn cơ tư tưởng của truyền thống Rồng & Tiên tiềm tàng vững mạnh trong lòng người dân, được người dân ở nông thôn duy trì bảo tồn, một số nhà văn hóa tâm huyết tìm cách ghi chép lưu giữ, nhưng do hoàn cảnh và nhiều nguyên nhân khiến chưa thể san định, hoằng dương.
Thiển nghĩ, giới học thức thành đạt do theo học các nền văn hóa ngoại lai, hầu hết đã bị văn hóa ngoại lai mê hoặc vì những thành quả vinh thân phì gia, mà tha hóa & vong thân, đánh mất cội nguồn, trở thành những kẻ vong nô mang tội nặng với Quốc gia & Dân tộc mà không hề hay biết?!
Việc các nho sĩ ngày xưa tin theo lời Tống Mỹ Linh tuyên xưng Khổng Tử là Vạn Thế Sư Biểu, và Cộng sản Việt Nam ngày nay tung hô Marx Lenin vĩ đại, nào có khác nhau bao nhiêu? Thế mà bấy nay giới học thức Việt đâu có cảm thấy mắc cở?!
Do vậy mà cuộc nội chiến tương tàn Trịnh - Nguyễn, so với cuộc nội chiến Quốc - Cộng, có rất nhiều điểm giống nhau, như khi nội bộ tương tranh - Trung Quốc lợi dụng chiếm đất, lấn biển, xâm lăng cai trị... cần nghiên cứu, đưa ra những biện pháp, hầu tránh một cuộc chiến tương tàn lần thứ 3 rất có thể sẽ xảy ra?
Ai nấy ngày nay sau bao biển dâu, phải quên hận thù do ngoại bang gây ra, đoàn kết chung lưng góp sức quang phục quê hương?
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.