Vào đời vua Hùng Vương thứ tư, có một gia đình họ Cao sinh đôi hai người con trai khôi ngô giống nhau như đúc, cả về tính tình và hình dạng, đặt tên người anh là Tân và người em là Lang. Hai anh em thương yêu nhau rất mực.
Khi hai anh em mới được mười sáu tuổi, cha mẹ đều qua đời. Sau đó, một trận hỏa hoạn lại đốt cháy hết nhà cửa, khiến Tân và Lang phải đến nương nhờ nhà họ Lưu, vốn là bạn thân cũ của gia đình họ Cao.
Họ Lưu có một cô con gái xinh đẹp cùng tuổi với anh em họ Cao, tên là Liên, định gả cho một người trong hai anh em họ Cao. Nàng Liên muốn chọn người anh làm chồng, nhưng không sao phân biệt ai là anh, ai là em.
Một lần, Liên nghĩ ra cách dọn cơm cho hai anh em họ Cao ăn, nhưng chỉ có một đôi đũa. Người em lễ phép nhường đũa cho người anh, nên Liên mới biết Tân là anh mà lấy làm chồng.
Tân có vợ, vui duyên mới, nên có phần không còn thân thiết với em như trước, khiến Lang cảm thấy trơ trọi buồn tủi.
Một lần hai anh em ra đồng làm việc trở về nhà, Lang về trước. Liên thấy Lang tưởng là Tân, vồn vã âu yếm khiến Lang phải cho chị biết mình là em.
Tân về thấy vậy cũng sinh lòng ghen tuông, đối với em càng nhạt nhẽo hơn, còn Liên từ đấy cũng thận trọng, không còn dám vồn vã với Lang nữa.
Lang bị cả anh ruột và chị dâu dần dần lạnh nhạt, nên cảm thấy mình như người thừa trong nhà, buồn bã bỏ đi. Lang cứ phía trước mặt mà đi, băng qua rừng tới một con sông lớn, thì không thể đi được nữa. Lang mệt nhọc ngồi buồn tủi cô đơn một mình, rồi ủ rũ chết trong cô quạnh, hóa thành một phiến đá trơ trọi bên sông.
Tân ở nhà lâu không thấy em về, mới cảm thấy lòng trống trải khi thiếu hình bóng người em thân thương, chợt hối hận vì bấy nay mình đã thắm thiết với vợ, đối xử lạnh nhạt với em, nên ân hận rời nhà đi tìm kiếm em.
Tân cũng đi theo con đường của Lang, tới bờ sông không thể đi được nữa, thấy có tảng đá trơ trọi bên bờ sông thì ngồi nghỉ mệt.
Giữa cảnh sông nước mênh mông, Tân nhớ lại những ngày anh em vui buồn có nhau mà càng thương em hơn bao giờ hết. Tân cũng ngồi buồn ủ rũ tới chết trên phiến đá, hóa thành một một cây Cau cao vút không có cành, chỉ có lá ở tuốt trên ngọn cao, trông cô đơn trống vắng khác hẳn với các loại cây bình thường.
Người vợ ở nhà, chờ mãi không thấy chồng và em chồng về, cũng rời nhà đi tìm. Khi tới bờ sông, nàng mệt mỏi, ngồi trên phiến đá, dựa lưng vào thân cây cau trơ trọi, nhớ lại những ngày gia đình êm ấm bên chồng và em chồng, càng buồn bã trong lòng mà chết, hóa thành cây Trầu - một loại dây leo quấn lấy thân cây cau mọc cạnh phiến đá.
Ít lâu sau, dân chúng trong vùng được ba người về báo mộng, rằng họ đã được cùng nhau xum họp quây quần bên kia thế giới, kể lại câu chuyện buồn thương để khuyên mọi người hãy biết qúy trọng cả tình vợ chồng lẫn tình anh em.
Dân làng liền lập đền thờ để tỏ lòng kính trọng tình nghiã thâm sâu của anh em vợ chồng hai họ Cao & Lưu.
Vua Hùng Vương một lần tới nơi, thấy trước ngôi đền có mấy loại cây kỳ lạ mọc tốt tươi, hỏi biết chuyện, liền sai người hái quả trên cây cao, cùng lấy chiếc lá cây leo quanh cây cao, cho vào miệng nhai thử, thì thấy có hơi nóng ấm áp thơm tho trong miệng, có thể chống với sự lạnh lẽo của thời tiết mùa đông. Khi nhổ nước miếng thì thấy có màu đỏ tươi.
Nhà vua lấy làm lạ, sai lấy thêm chút đá vôi ăn kèm thêm cho đủ bộ ba, thì thấy hương vị càng đằm thắm nồng nàn hơn.
Vua Hùng Vương ngẫm nghĩ, thấy từ câu chuyện tình cảm của vợ chồng anh em họ Cao & Lưu trong đời sống lúc sinh thời, đến việc kết hợp trở lại với nhau qua trái cau & lá trầu & hòn đá vôi, hình thành một bài học cao đẹp về tình chồng vợ & nghiã anh em, nên ra lệnh cho dân chúng đem hai thứ cây về trồng, dùng ăn sạch miệng ấm lòng cùng là một cách tưởng nhớ đến một câu chuyện chứa chan nghiã tình, đáng để mọi người suy ngẫm.
Từ đó, người dân Việt Nam có tục ăn trầu cau, dùng trầu và cau làm lễ vật trong việc thờ phượng, nhất là trong các dịp cưới hỏi để nhắc nhở lại một bài học thấm thía về tình vợ chồng và nghiã anh em.
Những giá trị của tích Trầu Cau Vôi:
Việc ăn Trầu Cau Vôi phổ biến ở Đông Nam Á Châu từ bao đời nay, đem lại những lợi ích lớn lao về y học trong đời sống tinh thần và vật chất của nhiều dân tộc; nhưng chỉ người Việt Nam là dân tộc duy nhất đã có những tư duy thâm trầm về Trầu Cau Vôi, hình thành một cổ tích có nội dung chan chứa tình người , nêu được nhiều giá trị đạo đức sâu sắc.
Chúng tôi xin nêu lên một số giá trị đáng kể như sau:
1/ Dân tộc Thực Vật học:
Theo học giả Jaques Barrau của Viện Dân Tộc Thực Vật Học Pháp, thì bộ môn khoa học này có đối tượng nghiên cứu sâu rộng, nhưng có thể tóm tắt vào 3 chủ điểm:
Những sách của hai vị danh y Tuệ Tĩnh, Lãn Ông và học giả Lê Qúy Đôn... chỉ là kết quả của một công trình nghiên cứu lâu dài, mà công trình nghiên cứu thâm sâu và xưa cũ nhất, có lẽ là kiến thức về Trầu Cau Vôi từ đời vua Hùng Vương?
Câu chuyện Trầu Cau Vôi cho thấy tiền nhân chúng ta đã tách rời từ thảm thực vật thiên nhiên ra hai loại cây này, để kết hợp thành một món ăn mang nhiều tính văn hóa phong phú, thể hiện vừa tình yêu thiên nhiên lẫn kiến thức về thảm thực vật, để ứng dụng hữu ích trong cuộc sống hàng ngày.
Việc người Việt biết dùng các loại rau củ hoa trái vừa có nhiều chất dinh dưỡng lẫn dược tính, hầu vừa làm tăng khẩu vị, hương vị và màu sắc của các món ăn, là một trong nhiều bằng chứng phong phú, cho thấy từ xưa người Việt đã hình thành một môn Dân Tộc Thực Vật Học rất đặc thù và khoa học?
Có thể nói thảm thực vật tại Việt Nam rất phong phú về các loại củ, được người Việt từ xưa đào bới, tìm hiểu, vun trồng phát triển và bảo tồn thành những loại thực phẩm và dược phẩm qúy giá.
Trên thế giới, có lẽ người Việt là một dân tộc biết khai thác lợi ích của các loại cây có củ nhiều nhất, chế biến các loại củ thành những thực phẩm và dược phẩm phổ biến trong cuộc sống, nhờ vậy mà giảm thiểu được sự thiếu lương thực do gió bão gây ra.
Điểm qua các loại củ dùng làm thực phẩm, chúng ta thấy có rất nhiều loại khoai, như khoai lang, khoai mỡ, khoai mì, khoai sọ, khoai môn, khoai ráy... và những loại củ như củ đậu, củ súng, củ giong, củ mài, củ sắn dây... cung cấp rất nhiều chất bột và đường. Riêng củ lạc (đậu phọng) là nguồn dầu ăn lẫn chất đốt qúy giá. Do vậy mà hai chữ Lang và Lạc rất phổ biến, có thể vì vậy mà được dùng để đặt tên những chức vị, quốc hiệu... như Lạc Việt, Lạc Hồng, Lạc Long, Lạc Hầu, Lạc Tướng, Văn Lang, Lang Liêu, quan lang, thầy lang...?
Những loại củ mang nhiều dược tính, như hành, tỏi, gừng, riềng, nghệ... được người Việt dùng trong cả y dược lẫn gia vị trong thức ăn, thể hiện sự ưa thích rất mực của người Việt với thảm thực vật ẩn tàng dưới mặt đất, ắt có ảnh hưởng đáng kể về y lý, tâm lý, luân lý, triết lý... mà chúng ta chưa tìm hiểu nghiên cứu tường tận?
Các quốc hiệu như Lạc Việt, Văn Lang, dễ giúp cho chúng ta hình dung một hình ảnh về Dân tộc Thực vật học có thảm thực vật chứa nhiều loại cây khoai củ, được khai thác, phát triển và trân qúy.
2/ Siêu Hình học:
Phải đến Hậu bán Thế kỷ III trước Công nguyên, triết gia Aristote (384 - 322) mới nêu ra khái niệm về Siêu Hình Học, rồi đến Thế kỷ 12 vấn đề mới được phục hưng qua sự quan tâm của Thomas d'Aquin (1225 - 1274), chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế, sự bất tử của linh hồn.
Trước đó dăm thế kỷ, triết học Đông phương qua Tam Giáo cũng đã nhắc đến linh hồn với các thuyết như Nhân quả, Luân hồi, Thiên mệnh, Định Mệnh...
Vậy mà từ Thế kỷ 28 trước Công nguyên, tức thời các vua Hùng Vương, người Việt đã có những câu chuyện về linh hồn, như Trương Chi... đặc biệt là Trầu Cau.
Qua câu chuyện Trầu Cau Vôi, chúng ta thấy anh em vợ chồng họ Cao khi chết đã hóa thân thành những vật thể thể hiện đời sống tâm linh của họ khi sống cũng như khi đã chết:
Hòn đá vôi:
Nhân loại từ Đông qua Tây, từ Cổ chí Kim, đều coi hòn đá như một hình ảnh biểu tượng của sự cô độc, trơ trọi... giữa cuộc sống.
Thú chơi đá non bộ của người Nhật thể hiện rõ những tư duy về đá, khi dùng những hòn đá trần trụi không một trang trí để tạo những ấn tượng cho các suy tư về nhân sinh quan, vũ trụ quan.
Thú chơi đá non bộ của Trung Hoa và Việt Nam đã tìm cách đưa cây cỏ tạo cảnh trí thiên nhiên cho những tảng đá, nhưng khi ngắm các hòn non bộ người ta vẫn nguyên vẹn những ý tình đơn độc khắc khoải?
Thế nên chuyện người em phải sống đơn côi từ khi mồ côi cha mẹ, đến khi anh vui duyên mới bỏ rơi, bị vất trả về cuộc sống cô đơn trơ trọi giữa dòng đời... thể hiện bằng hình ảnh hóa thân thành phiến đá trơ vơ bên dòng sông, như dòng đời... đã tạo ra linh hồn cho những phiến đá đơn côi?
Cây cau:
Trong thế giới thực vật, cây nào cũng có cành lá xum xuê từ gốc tới ngọn, thể hiện sự tươi vui đằm thắm trong cuộc sống. Chỉ có cây cau và một số loại cây cùng họ, mang hình dáng không cành lá trơ trụi từ dưới gốc đến thân, tuốt trên ngọn cao mới có chòm lá... thể hiện một hình ảnh cũng trơ trọi cô đơn như phiến đá, nhưng hơn phiến đá là còn có chút biểu hiện sinh khí của tình vợ chồng giữa trời cao gió lộng.
Thế nên cây cau biểu hiện hóa thân cho linh hồn người anh, khi chết trong niềm ân hận 'vì tình vợ chồng, quên tình anh em', bao hàm nỗi trống trải bơ vơ do thiếu tình máu mủ huyết mạch thân thương?
Cây Trầu:
Trầu là một loại cây thân dây, phải leo bám rễ vào thân cây khác để hút nhựa mà sống. Đây chính là hình ảnh người vợ cần sự giúp đỡ của người chồng, để có thể hoàn thiện trách nhiệm cao cả mang nặng đẻ đau trong thời gian dài, hầu giúp dòng họ, giống nòi có thể nối giõi mà tồn tại & phát triển mãi mãi.
Thế nên người phụ nữ ở nông thôn thường chọn chồng có sức khỏe để lao động chân tay, người phụ nữ thành thị thường chọn chồng có học thức để lao động trí thức, kiếm nhiều tiền bảo đảm cuộc sống lứa đôi.
Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã rất tâm lý khi mô tả việc Thúy Kiều đánh giá Kim Trong trước tiên là về giá trị vật chất:
'Nền phú hậu, bậc tài danh.
Thế nên hóa thân của nàng Liên là cây trầu, thể hiện hình ảnh của người phụ nữ trong quan hệ vợ chồng nương tựa nhau, rất thỏa đáng.
3/ Đạo Đức học:
Câu chuyện Trầu - Cau - Vôi nêu lên những tương quan giữa tình vợ chồng và tình anh em, khi đều có những quan hệ mật thiết về liên đới huyết thống và liên đới di truyền huyết thống.
Hai mối liên hệ này trong câu chuyện Trầu - Cau - Vôi nhìn qua tưởng như khó bề hòa hợp - thể hiện qua cuộc sống của ba người với những khuyết điểm nhất thời do tâm lý, tình cảm chưa biết kết hợp bao dung để hài hòa gây ra.
Chỉ khi từng người chết đi, người này biến ra khỏi cuộc đời người kia, thì người còn lại mới cảm thấy mất mát, thiếu thốn, trống vắng. Cuối cùng, sự tái hợp khách quan từ nhà vua và dân chúng, đã giúp cả ba nối lại nghiã tình son sắt, lưu lại cho đời một bài học sâu xa về sự kết hợp tình vợ chồng yêu thương đầu gối tay ấp, và tình anh em thân thương ruột thịt:
Vợ chồng dù quấn quít yêu thương nhau như cây trầu với cây cau, nhưng nếu không có hòn đá giúp gốc rễ bám chặt ăn sâu xuống đất, thì chẳng thể vững vàng, dễ bị giông tố quật ngã.
Cuộc sống của chúng ta ngày nay nếu biết kết hợp, giữ vững được tình thân thương giữa vợ chồng với anh em, sẽ giúp tình vợ chồng bớt nhàm chán cũng như dễ hàn gắn, khi xảy ra bất đồng có anh em can ngăn, khuyên bảo. Lũ trẻ lớn lên cũng rất cần đến sự giúp đỡ của các cô chú thân thương, để hình thành một tình cảm về đại gia đình phong phú, sâu rộng, hữu ích lâu dài:
'Sẩy cha còn chú,
'Sẩy mẹ bú dì.
Thế nên người bình dân Việt đã đúng cả về tình cảm và đạo lý, khi quan niệm người anh hóa thân thành cây cau, người vợ thành cây trầu, người em thành phiến đá... mỗi mỗi đều mang hình ảnh có ý nghiã cao đẹp về nhân luân, về sự kết hợp hài hòa ưu việt của mô hình đại gia đình Việt Nam.
4/ Y Dược học:
Sống giữa muôn vàn thứ cỏ cây khác nhau, từ xưa người Việt đã biết tìm hiểu, nghiên cứu các đặc tính y dược của từng loại quả, loại hoa, loại lá, loại củ... cả vỏ ngoài trái cây, đến hạt trong trái cây... ứng dụng vào khoa ẩm thực lẫn khoa y dược.
Độc đáo hơn nữa, người Việt còn biết tìm hiểu để kết hợp những loại thực vật khác nhau, để tạo thành một sự hài hòa tuyệt hảo, phát huy được dược tính của những chất khác nhau, bổ túc cho nhau, trở thành ích dụng nhiều hơn nữa.
Việc kết hợp giữa quả cau tận trên cao, với lá cây trầu mọc lan dưới thấp, hòn đá vôi lăn lóc đó đây... thành một món có nhiều ích lợi cho sức khỏe lẫn tâm lý, tình cảm:
Dược tính của trái cau:
Trong hạt cau non có 70% tanin, khi cau già lượng tanin chỉ còn 20%. Ngoài ra trong hạt cau còn 14% chất lipid, 20% myristin, 15% olein, các chất đường sacaroze, galactan, muối vô cơ...
Hoạt chất chính của trái cau là arecolin, làm tiết nhiều nước bọt, tăng sự bài tiết của dịch vị và ruột, tác dụng co nhỏ đồng tử giúp giảm áp huyết ở mắt, khiến tim đập chậm trừ khi có tác dụng của vôi. Liều nhỏ kích thích thần kinh, liều lớn có thể làm tê liệt thần kinh.
Dung dịch hạt cau với hạt bí ngô diệt sán lải của người và gia súc. Hạt cau pha chế trong thuốc kích thích tiêu hóa, chữa viêm ruột, kiết lỵ. Mài hạt cau khô thành bột, pha với dầu, chữa trẻ bị chốc đầu. Chất chát của cau làm co lợi ở chân răng, khiến vi trùng không thể xâm nhập làm hại chân răng.
Dược tính của lá trầu:
Trong mỗi là trầu có khoảng 2.4% tinh dầu bao hàm 2 chất phenol và chavicol, cùng một số hợp chất phenolic khác.
Tác dụng dược lý của lá trầu về kháng sinh rất mạnh với các loại vi trùng như Tụ cầu, Subtilit và Trực trùng.
Dân Việt ngày trước thường dùng lá trầu giã nhỏ, đắp lên chỗ lở loét cho mau khỏi. Nước lá trầu pha loãng với nước dùng để rửa vết thương, nhỏ vào mắt chữa viêm kế mạc, chữa bệnh chàm mặt của trẻ. Có nơi giã lá trầu đắp lên ngực chữa ho và hen, đắp lên vú cho sữa không ra nữa.
Phụ nữ bị nhức đầu dán lá trầu lên hai bên thái dương sẽ bớt nhức.
Do những dược tính trên, người Việt từ xưa đã ăn trầu cau vôi, để có các tác dụng:
Vào thời thượng cổ thiếu quần áo ấm, ăn trầu giúp ấm áp cơ thể khi lặn xuống sông hay biển bắt cá, lên rừng đốn củi bị khí lạnh vây bủa.
5/ Tình cảm:
Nông thôn Việt Nam trồng rất nhiều cây cau, khiến cây cau đã trở thành một hình ảnh quen thuộc thân thương của xóm làng trong tâm tưởng mọi người:
'Ra đi ngó trước, ngó sau,
'Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng.
Nhà thơ của đồng nội Việt Nam là Nguyễn Bính đã mô tả trầu cau trong tình yêu rất thi vị:
'Nhà anh có một dàn trầu,
'Nhà em có một hàng cau liên phòng.
'Thôn đoài thì nhớ thông đông,
'Cau thôn đoài nhớ trầu không thôn nào?
'Láng giềng đã đỏ đèn đâu,
'Chờ em ăn dập miếng trầu, em sang.
'Đôi ta cùng ở một làng,
'Cùng đi một ngõ, vội vàng chi anh?
'Em nghe họ nói mong manh,
'Hình như họ biết chúng mình... với nhau.
'Ai làm cả gió, đắt cau,
'Mấy hôm sương muối cho trầu đổ non?
Có thể nói trầu cau chẳng những là lễ vật của hôn lễ, từ nghi lễ đầu tiên đến nghi lễ cuối cùng; mà còn thể hiện tâm tình của nam nữ nông thôn trong mọi tình huống không gian và thời gian, từ lúc mới gặp nhau đến khi lấy nhau:
'Gió đưa tờ giấy lên mây,
'Gió đưa cô ấy lại đây ăn trầu.
'Trầu đã có đây, cau đã có đây,
'Nhân duyên chưa định, trầu này ai ăn?
'Trầu này trầu túi trầu khăn,
'Cùng trầu giải yếm, anh ăn trầu nào?
'Anh về cuốc đất trồng cau,
'Cho em vun xẻ dây trầu một bên.
'Chừng nào trầu nọ bén lên,
'Cau kia bén trái lập nên cửa nhà.
'Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân,
'Nay anh học gần, mai anh học xa.
'Tiền gạo thì của mẹ cha,
'Cái nghiên, cái bút, thật là của em.
Trong các câu đố dân gian, Cây cau được đem ra đố bằng những hình ảnh mô tả khác nhau:
'Cây bung xung, lá bung xoe,
'Mùa đông nở trứng, mùa hè ấp con,
'Có cây mà chẳng có cành,
'Có quả để dành mà cúng tiên sư.
Nhận Định
Qua những phân tích trên, Trầu - Cau - Vôi hình thành một thế chân vạc vững vàng, để liên kết và phát triển hình thức đại gia đình gồm Vợ & Chồng & Anh Em bền chặt lâu dài.
Thiếu một trong ba nhân tố trên, đại gia đình trở thành tiểu gia đình chông chênh như kiềng hai chân.
Có thể nói hình thức bộ ba Thiên - Địa - Nhân đã được người Việt cảm nhận sâu sắc, để biến hóa thành những bộ ba liên hợp khác nhau trong cuộc sống gia đình, xã hội... từ vật chất đến tinh thần... như bộ ba ông đồ rau đun bếp, bộ ba vợ chồng - anh em - bạn bè... thể hiện cao đẹp sự đoàn kết, liên kết.
Trong hoàn cảnh cuộc sống nơi hải ngoại hiện nay, câu chuyện Trầu - Cau - Vôi rất cần được phát huy và ứng dụng trong gia đình, cộng đồng, xã hội:
'Một cây làm chẳng nên non,
'Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
So sánh với Kinh Thư của Trung Quốc
Sau này, trong Kinh Thư các nhà đạo đức học Trung Quốc mới nêu Ngũ Giáo:
So với hai điều dạy về vợ chồng 'có phân biệt', anh em 'có thứ tự' của Kinh Thư Trung Quốc, với câu chuyện Trầu - Cau - Vôi của Việt Nam, chúng ta thấy người Việt đã biết cụ thể hóa những đạo lý về vợ chồng, anh em, qua một câu chuyện mang nhiều hình ảnh và tình tiết có ý nghiã giáo dục sâu xa rất gợi hình, gợi cảm, dễ thấm thía sâu đậm vào lòng người.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.