Hầu hết sử sách, hồi ký, các bài viết... trong thời kỳ này, thường tìm cách đổ lỗi cho một vài cá nhân lãnh đạo, hoặc cho cả Mỹ lẫn Cộng sản... mà quên trách nhiệm của chính bản thân mình, tôn giáo của mình, tổ chức chính trị của mình?
Nhìn vào một số sử liệu nổi bật mà chúng tôi có thể tìm được và liệt kê ở trên, nếu khách quan nhận định chúng ta thấy mất nước là chuyện quá lớn, một vài cá nhân, tôn giáo, tổ chức chính trị... không thể đơn phương gây ra, mà là do nhiều yếu tố, nhân tố nối kết nhau.
Tiền nhân thường lấy 3 yếu tố Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa để bàn việc thịnh suy của quốc gia & dân tộc, một cách khá đúng.
Nhìn vào tình hình Miền Nam Việt Nam thời kỳ sau năm 1954, nhất là sau năm 1963, chúng ta thấy:
**Yếu tố Địa Lợi:
Việt Nam tuy chia đôi, nhưng Miền Nam được hưởng vựa thóc phì nhiêu là Đồng bằng sông Cửu Long, về giao thông có 2 hải cảng thuận lợi hơn Miền Bắc trong việc liên hệ với thế giới, là Cam Ranh và Sài Gòn. Lãnh thổ Miền Nam cũng bằng phẳng hơn Miền Bắc, nhiều sông rạch và đường lộ không chỉ rất tiện lợi cho việc giao thông trong nước, mà còn vươn qua Miên, Lào, Thái Lan... trong khi Miền Bắc gần như bị Miền Nam chặn đứng ở Vĩ tuyến 17?
**Yếu tố Thiên Thời:
Khi Pháp thất trận thua Cộng sản ở Điện Biên Phủ, phải đưa ra Hội nghị Geneve để giải quyết, Miền Nam được thế giới tự do quan tâm coi như một thành trì chống cộng, để giúp đỡ. Cường quốc hàng đầu lúc đó là Mỹ đã nhận trách nhiệm thay Pháp, viện trợ cho Miền Nam một cách hào phóng, lôi kéo được cả các nước đồng minh như Thái Lan, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan... đưa quân và chuyên viên tới sát cánh chiến đấu một cách bất vụ lợi - trong khi Miền Bắc tuy được Liên Xô và Trung Cộng hỗ trợ, nhưng phải trả giá bằng đảo Hoàng Sa... và phần lớn hàng viện trợ là súng đạn, còn về kinh tế vô cùng khó khăn... nên yếu tố Thiên Thời lúc đó tốt với Miền Nam, hơn là với Miền Bắc?
**Yếu tố Nhân Hòa:
Tuy được hưởng sự thuận lợi về Thiên Thời, Địa Lợi hơn Miền Bắc, nhưng Miền Nam đã thua là vì mất dần yếu tố Nhân Hòa buổi đầu, lúc mới có cuộc di cư, khi không tuyên truyền phát huy được chính nghiã quốc gia, lại còn gây ra chia rẽ dân tộc một cách tai hại, giữa các tôn giáo, giữa các tướng lãnh, giữa các đảng phái, giữa chính quyền và các đảng phải chính trị....
A/ Về Tôn Giáo:
Có thể nói đây là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra chia rẽ, làm suy yếu sức mạnh quốc gia dân tộc?
Hai trong các tôn giáo lớn chính yếu của Miền Nam vào thời kỳ này là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, đã bị những nguyên nhân chủ quan và khách quan làm cho mất đi các giá trị về tinh thần, phân tán suy yếu về nhân lực... đưa đẩy Miền Nam đến chỗ không chỉ bại vong bi thảm vào năm 1975, mà còn kéo dài ra tới tận hải ngoại sau này, chưa biết đến bao giờ mới hết, nếu một số hàng giáo phẩm lãnh đạo không sớm cảnh tỉnh, giác ngộ... biết coi trọng và đặt quyền lợi Quốc gia & Dân tộc lên trên quyền lợi tôn giáo của mình?!
1/ Phật Giáo:
Phật Giáo truyền vào nước ta rất sớm, và được hội nhập theo chiều hướng bản địa hóa, trở nên quan trọng từ thời Lý Trần, khi các vị sư được trọng vọng tham gia chính quyền, biết đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên tôn giáo, giúp quốc gia dân tộc phát triển văn hóa, tạo nên sức mạnh chống xâm lăng và mở mang bờ cõi.
Sự bản địa hóa rất mực thời kỳ đầu, đã thể hiện qua lối tu hành, cách xưng hô, và nơi thờ phượng.
Cụ thể các làng lớn có đình, chùa, miếu, đền và các nhà thờ tổ tiên của các dòng họ, được bố trí theo lớp lang gần như đồng nhất:
-Ngôi Đình làng luôn ở vị trí quan yếu nhất, thờ Thần Thành Hoàng theo niềm tin sống khôn & chết thiêng của tín ngưỡng thờ Địa Linh & Nhân Kiệt truyền thống Việt Nam.
Chúng tôi thiển nghĩ đây là nhân sinh quan, do bản chất của sự thờ phượng đã vượt qua trình độ tôn giáo, vì ở ngoài xã hội các đình thờ Thần Thành Hoàng bỏ được 2 yếu tố Kinh sách và Tu sĩ, khi chỉ dùng một ông 'từ' lo việc giữ đình, dùng các bài khấn thay cho kinh kệ. Và trong các gia đình thì nhà thờ họ là nơi thờ phượng tổ tiên, các vị tộc trưởng và gia trưởng giữ vai trò điều khiển nghi lễ thờ phượng, đọc các bài khấn chính tùy ý theo từng việc. Mỗi người đều có thể tự khấn vái trước ban thờ tổ tiên theo ý nguyện riêng của mình, rất tự do phóng khoáng, không bị ràng buộc vào các giáo điều gò bó bất biến.
Tưởng cũng nên biết, trong khi luân lý của các tôn giáo đề cao những điều tốt có khi rất khó thực hiện vì xa vời... thì luân lý cổ truyền của văn hoá Việt Nam là khuyên không làm điều xấu đã được coi là tốt, rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Do vậy mà nhiều cổ tích Việt Nam mang nội dung nêu cái xấu phần đầu & cái tốt thắng thế phần sau... để có thể răn đe 'ác giả, ác báo', 'quả báo nhỡn tiền'...
Tất cả đã hình thành triết lý sống tôn thờ 'Địa Linh & Nhân Kiệt', tức Bái Địa và Bái Nhân một cách bình đẳng, khi đặt quan hệ Thiên - Địa - Nhân theo một tam giác đều nằm ngang, chứ không phải là một tam giác cân dựng đứng mà đỉnh cao chót vót là một vị nào đó mượn uy Trời để bắt người ta qụy lụy cầu xin ban ơn; thay vì ai nấy cần tự lập, tự cường như quan điểm 'Hùng Vương' có từ thời lập quốc, phát triển tốt đẹp mấy ngàn đầu của thời kỳ Khai Quốc, giúp thời nào cũng xuất hiện các bậc anh hùng & liệt nữ luôn quên bản thân của mình, quên gia đình của mình, quên tôn giáo của mình, quên đảng phái của mình... mà chuyên tâm hết lòng vì dân vì nước.
Cụ thể, trong văn chương bình dân, người Việt tôn qúy 'Ông Trời' rất mực, nhưng khi 'Trời đúng' mới khen 'Trời có mắt', còn 'Trời sai' thì bị đánh giá ngay là 'Trời không có mắt' - ngụ ý ông Trời mà cũng mù tịt như người trần mắt thịt?
Cụ thể , từ các hình ảnh chạm khắc trên trống đồng, không hề có hình ảnh qùy lậy, mà là những hình ảnh đứng hoạt động bình thản quanh hình mặt trời chiếu sáng trong sinh hoạt... cho đến hình thức Hầu Đồng của tín ngưỡng dân gian, các đệ tử hầu đồng đứng ngồi múa hát trước các ban thờ là chính. Sau này do ảnh hưởng các tôn giáo ngoại lai, mới có sự sùng bái đến độ qùy lạy hưng bái...
Người Việt thường coi qùy lậy là hình ảnh mất nhân cách của nòi giống vua 'Hùng', bất kính hơn là cung kính, như qua một số câu mô tả:
-là hình ảnh luồn cúi:
'Quản bao kẻ mang cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phu, mỏi gối qùy mòn sân tướng phủ'.
(Cao Bá Quát)
'Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
'Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng
(Trần Tế Xương)
-hình ảnh trừng phạt:
'Mụ già hoặc có điều gì,
'Liều công mất một buổi qùy mà thôi.
(Nguyễn Du)
-hình ảnh tình dục:
'Xin quỳ hai gối, chống hai tay.
(Cống Quỳnh)
...
-Ngôi Chùa làng thường ở vị trí thứ yếu, được dân làng xây cất mang vẻ thanh tĩnh, và thỉnh một vị sư về tu thay cho cả làng theo quan niệm tu Đại Thừa. Nếu các chùa lớn có nhiều vị sư, thì sẽ tùy theo tuổi mà được gọi một cách thân kính là sư cụ, sư ông, sư bà, sư bác, sư cô, chú tiểu... theo truyền thống 'Văn hiến Đồng Bào' tùy tuổi tác xưng hô như có liên hệ bà con thân thuộc với nhau, từ trong gia đình đến ngoài xã hội - khác hẳn lối xưng hô chỉ có 2 ngôi của nhiều nước như 'Toi - Moi' ở Pháp, 'You - Me' ở Anh Mỹ, 'Ngộ - Nị' ở Trung Quốc... cũng không có những danh xưng đề cao quá đáng, khiến các tu sĩ kém đạo hạnh dễ trở thành cao ngạo, mất phẩm hạnh. Cụ thể như mới 20 tuổi được xưng là Đại đức, rồi Thượng tọa. Tới Hoà thượng mà vẫn còn chia thêm các thứ bậc như 'Đại lão Hòa thượng', 'Thượng thủ Hòa thượng', 'Tăng thống'...
Thực tế cho thấy chỉ sau khi xảy ra vụ chế độ Đệ I Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo, bị Phật Giáo lật đổ, đa số giới tăng ni đương thời mới bị mất đi sự khiêm tốn theo bản chất tư tưởng 'Sắc - Không' của Phật Giáo Việt bản địa hóa nguyên thủy, thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đặt ra các cấp bậc trong tu hành qua lối xưng tụng lớn lối, nhận họ ''Thích'' vong bản, làm cho không ít người trong giới tu sĩ đánh mất sự khiêm cung cần có của bậc tu hành, cũng như mối liên hệ mật thiết với Quốc gia & Dân tộc?!
Theo một bài viết có tựa 'Cách xưng hô trong Phật Giáo Việt Nam' của tu sĩ Thích Chân Tuệ tại Tổ đình Từ Quang, Montréal, Canada (nơi Hòa thượng Thích Tâm Châu cư trú thường xuyên - Chú thích của NXK), đăng trên bản tin internet của Việt Báo, Hoa Kỳ, ngày 5-4-2008, có vài nội dung xin trích nguyên văn như sau:
*'Trong lúc hành đạo, tức là làm việc đạo trong đời, đem đạo độ đời, nói chung sự sinh hoạt của Phật giáo cần phải thiết lập tôn ti trật tự (cấp bậc) có danh xưng như sau theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo:
'1/ Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại Đức.
'2/ Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo được 20 tuổi đạo, được gọi là Thượng Tọa.
'3/ Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa Thượng.
...
*'Ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, các vị tỳ kheo thường dùng tiếng Đại Đức (bậc thầy đức độ lớn lao, phúc tuệ lưỡng toàn) để xưng tán Ngài, mỗi khi có việc cần thưa thỉnh.
Như vậy do đâu mà ngày nay Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lại có thể qui định gọi một vị tu sĩ mới 20 tuổi là 'Đại Đức' như xưng hô với Phật Tổ Như Lai ngày xưa?! Điều này phải chăng phần nào khiến không ít các tu sĩ mất đi sự khiêm cung cần thiết đối với ngay Phật Tổ Như Lai, khi trên Đại Đức còn có Thượng Tọa, Hòa Thượng...?!
Ngoài ra còn một vài ngôi chùa ở trong nước và hải ngoại còn tự xưng là 'Việt Nam Quốc Tự', cũng là điều không đúng với một quốc gia có gần 5.000 văn hiến, có Đạo Nội thờ cúng Tổ Tiên và nhiều tôn giáo khác nhau, trong khi Phật Tổ chỉ đản sinh cách nay khoảng 2.000 năm?!
Đáng suy nghĩ là vị Hòa thượng Huyền Không tu ở Việt Nam Quốc Tự, Los Angeles, khi mất được mấy ông tiến sĩ đệ tử ca ngợi là tác giả câu thơ:
'Mái chùa che chở hồn dân tộc'
thì quả là đã bị tha hóa cùng cực, mà quên cội nguồn, xem nhẹ hồn thiêng dân tộc Tiên Rồng và các vị anh hùng liệt nữ, khi thiển cận coi mấy vong hồn được thờ nơi chùa là hồn dân tộc?
Rồi việc các tu sĩ Phật Giáo nay đều từ bỏ họ của cha sinh mẹ đẻ, lấy họ Thích của Thích Ca, đã khiến không ít vị tu sĩ trở thành vong bản, chỉ nghĩ đến Phật mà không còn lý gì tới Gia đình & Quốc gia & Dân tộc đã giúp mình khôn lớn, mới có thể theo con đường tu hành?
Nhận định này được minh chứng cụ thể qua 'Nhật ký Vesak 2008' của tác giả Trần Kiêm Đoàn - một kẻ có học thức trong giới Việt kiều, xin trích nguyên văn vài đoạn như sau:
*'Trong số mấy chục qúy thầy và sư cô mà tôi được duyên lành tiếp xúc, tuyệt nhiên chưa có một vị nào tự nhận rằng mình là người thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam thân chính quyền hay thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chống chính quyền cả. Tất cả chỉ một lời mà khi nhớ lại trên đường bay về Mỹ, tôi đã âm thầm đưa tay chùi nước mắt; rằng, họ là Phật tử xuất gia, là trưởng tử của Như Lai , đã nguyện xóa bỏ hết cuộc đời hạnh phúc thường tình để tu hành tìm phương giải thoát. Hạnh phúc đời thường đã không màng tới, thì sá gì những chức danh, lợi lộc, quyền thế hư ảo giữa đời thường mà phải chạy theo hay bị dính mắc. Qúy thầy và sư cô mà tôi được gặp đã nói lên một lời nhất quán rằng, đã là con Phật thì họ ở với Phật, tuyệt nhiên không ở phiá nào - bên này hay bên kia - cả.'
*'Suốt một giờ đàm đạo trên đường bay, tôi vừa hơi ngạc nhiên, vừa vui mừng khi thầy Chơn Phương nhắc đi nhắc lại một câu nói đầy ý nghiã: 'Thầy cùng tinh thần với các Phật tử như anh: Theo Phật chứ không theo bên nào cả. Đừng lôi hành chánh vào lĩnh vực thầy tu'!
Một số tư liệu trên cho thấy việc thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là ý tốt, nhưng do bị 'Tăng' làm 'Pháp' chưa hiểu ý 'Phật', mà đặt ra các giáo điều mới vong thân & vong bản, gây tai hại không chỉ cho Phật Giáo Việt Nam đương thời cho đến tận ngày nay, mà còn di hại cho cả quốc gia & dân tộc, không biết đến bao giờ mới có thể chỉnh trang lại cho tốt đẹp như xa xưa, được ai nấy dù không theo Đạo vẫn tỏ ý ngưỡng mộ?!
Phải chăng chính nhờ lối xưng hô tôn ti trong Phật Giáo trước đây, như sư cụ, sư ông, sư bác, sư cô... giống với lối xưng hô tôn ti trong gia đình ra ngoài xã hội, mà Phật giáo trước đây đã hòa đồng & bản địa hóa, được coi là tín đồ cả những ai không theo tôn giáo nào khác?
2/ Thiên Chúa Giáo:
Để phần nào khách quan, chúng tôi trích đăng vài đoạn trong bài 'Vài ý nghĩ về danh xưng Công Giáo' của tác giả Vũ Linh Châu, đăng trên trang internet của Việt Báo, Hoa Kỳ, ngày 29-1-2008, sau đó mới xin nêu vài ý kiến:
a/ 'Không thể thay bằng Thiên chúa giáo hay Ki Tô giáo được, vì ngoài Công Giáo, còn có rất nhiều tôn giáo tin thờ Thiên Chúa và Đức Ki Tô, như Chính thống giáo, các hệ phái Tin Lành, Anh Giáo... Công giáo chỉ là một trong các Thiên Chúa giáo và Ki Tô giáo đó.
b/ 'Chữ 'công' trong danh xưng Công giáo có nghiã là phổ quát, là của chung, là công cộng. Công giáo là đạo chung cho mọi người, đạo luôn luôn mở rộng vòng tay đón nhận bất cứ ai, ở mọi nơi, thuộc mọi chủng tộc, mọi quốc gia... Giống như công viên là cái vườn của mọi người, bất cứ ai muốn ghé vào cũng được...
...
'Nhân đây, cũng xin được góp ý rằng, chữ 'công', không phải chỉ có một nghiã là của Nhà nước, do Nhà nước sáng lập và điều hành, giống như 'trường công' ngày trước, hay như các công sở quốc doanh bây giờ, mà nó còn có rất nhiều ý nghiã khác nhau. Thí dụ: công nhân, công bình; quận công, công chúa; tấn công, đặc công; công bằng, bất công; công bố, công khai; công chức, công an; thông công, chiến công, công đức, công quả...
c/ 'Cha Ông chúng tôi đã sáng tạo cho con cháu nhiều danh từ tuyệt vời xuất sắc, như Linh Mục (người chăn dắt phần tâm linh)... Giám Mục (người giám sát công việc mục vụ)... Do vậy, chắc chắn khi sáng tác danh xưng Công giáo, các ngài đã phải vận dụng tất cả khả năng tài trí, tất cả sở học sẵn có và nhất là phải ưu tư cẩn trọng gấp bội, vì đây là tên gọi của cả một tôn giáo, sẽ được truyền lại muôn đời...
...
'Người Công giáo Việt Nam cũng không thể thay đổi hay loại bỏ cái tên Công giáo này được, không những vì đó là một gia bảo vô giá của tổ tiên truyền lại, mà vì nó còn liên hệ đến giáo lý nữa.
...
'Tuy nhiên, cũng có hai vị độc giả khuyên người Công giáo nên tự ý loại bỏ danh xưng Công giáo và mọi người không nên sử dụng danh xưng này, vì nó do gia đình Ngô Đình Diệm và Thực dân Pháp tặng cho đạo Công Giáo.
Đọc bài viết trên, chúng ta thấy ông Vũ Linh Châu có các lý luận cần được góp ý từng phần để rộng đường dư luận, như sau:
a/ Chính dẫn chứng của ông Vũ Linh Châu ở phần a, cho thấy các tôn giáo cùng thờ Đức Chúa Jesus Christ nhưng đã chọn những tên khác biệt, như Chính thống giáo, Tin Lành, Anh Giáo... nên đâu có thể gây ra sự nhầm lẫn?
b/ Chính ông Vũ Linh Châu đã định nghiã về chữ 'công' ' là 'phổ quát, là chung, là công cộng...' khác hẳn với các nghiã khác, trong khi tại Việt Nam số người theo Thiên Chúa Giáo chưa tới 10%?
c/ Ông Vũ Linh Châu cho rằng 'Cha Ông chúng tôi đã sáng tạo... đã phải vận dụng tất cả khả năng tài trí...' và phần dưới lại thừa nhận 'vì nó do gia đình Ngô Đình Diệm và Thực dân Pháp tặng cho Công giáo'...
Sử sách bấy nay cho thấy các vị giám mục nước ngoài truyền đạo vào Việt Nam đầu tiên, dịch và đặt ra một số chữ, phần lớn thuộc Giáo hội La Mã, mà gần đây chính Đức Giáo Hoàng John Paul II đã phải cùng nhiều vị Hồng y các nước (trong đó có Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận) chính thức xin lỗi về các việc làm của các giáo sĩ La Mã đã lộng hành gieo rắc nhiều điều không tốt, trên đường hành đạo trong mấy trăm năm qua...
Nhà văn hóa Lâm Ngữ Đường từng cho rằng Cộng sản Trung Quốc sở dĩ thành công, là phần lớn nhờ sáng tạo ra hai chữ 'nhân dân' để mượn đó làm đủ chuyện bất chính?!
Qua một số tư liệu chúng tôi trích dẫn ở trên, cho thấy buổi đầu một số giáo sĩ Thiên Chúa Giáo tới Việt Nam, đã mượn thế quân đội Pháp để truyền đạo, muốn biến Thiên Chúa Giáo thành 'đạo chung' để đồng hóa Việt Nam, mới lộng ngôn?!
Chúng tôi đồng ý với ông Vũ Linh Châu về những từ rất hay như Linh mục, Giám mục, Tổng giám mục... để tôn xưng chính thức các hàng giáo phẩm. Tuy nhiên, sau này một số nhà văn, nhà báo đã dùng danh xưng 'Đức Cha' thường chỉ dùng trong nội bộ giữa các vị linh mục và tín đồ, để tìm cách phổ biến danh xưng này ra ngoài phạm vi cộng đồng Thiên Chúa giáo, là điều mà Thiên Chúa giáo không hề chủ trương?
Ngoài ra cũng như bên Phật giáo, chữ 'Đức' cũng bị bên Thiên Chúa giáo dùng nhiều khi không đúng chỗ.
Cụ thể những vị như Hồng y Nguyễn Văn Thuận rất mực đạo hạnh, xưng tụng ngài là Đức Hồng y rất đúng. Nhưng với Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, từng bị chính Tòa Thánh La Mã cất chén, mà xưng tụng là 'Đức' là điều không nên?
Đây là quan niệm 'chính danh định phận' rất cần thiết trong cách xưng hô, để có thể phân biệt người tốt với kẻ xấu?
Đương nhiên ông Vũ Linh Châu không đại diện cho Thiên Chúa Giáo, nên việc thảo luận trên chỉ có tính cách riêng tư, giữa tác giả và một bài viết được công khai hóa trên công luận, cần có góp ý hầu rộng đường dư luận mà thôi.
Tưởng cũng nên biết, các cơ quan truyền thông quốc tế như BBC, VOA, RFA... hiện nay thường dùng danh xưng Thiên Chúa Giáo, thay vì Công Giáo.
Theo thiển ý chúng tôi, chữ Thiên Chúa Giáo thể hiện sự cao cả, không mang vẻ lạm dụng dung tục như chữ Công Giáo?
Một bản tin của báo điện tử BBC ngày 7-7-2008 có đề cập đến một thư ngỏ của Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, viết vào dịp sắp khai mạc Đại hội Giới trẻ Thiên Chúa giáo Thế giới ở Úc, cho là 'việc giương lá cờ vàng ba sọc đỏ có thể cản trở con đường hiệp thông của các bạn trẻ từ Việt Nam'.
Hồng y Mẫn đưa ra các lý lẽ:
'Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng của đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng cho một chủ nghiã... có lúc chỉ biểu trưng cho một thói đời mang tính đối kháng...
'Người mẹ Việt Nam, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ)... vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân Việt Nam'.
Xin được thưa rằng:
Người Mẹ Việt Nam (cần viết hoa cả 3 chữ ?) không bao giờ mặc áo đỏ, vì bấy nay cái áo đỏ này chỉ thể hiện sự chém giết đàn áp đẫm máu đồng bào, làm cho Quốc gia & Dân tộc lụn bại bao nhiêu năm qua? Có bà mẹ tử tế nào mà làm khổ con cái như vậy?!
Người Mẹ Việt Nam nếu có, chỉ mặc áo vàng, vì màu áo này không hề là riêng tư của một đảng phái nào, được mọi đảng phái dưới màu cờ VNCH tôn kính, đã tiêu biểu cho Quốc gia & Dân tộc một thời kỳ tốt đẹp. Ngay cả khi lá cờ màu vàng này bị một số lãnh đạo tôn giáo, chính trị, quân sự... đưa đẩy đến chỗ nước mất nhà tan, vẫn còn đủ khả năng cưu mang, được quốc tế công nhận, giúp đưa được mấy triệu đứa con thân yêu thoát khỏi lũ qủy áo đỏ, tạo nên cuộc sống tự do thịnh vượng nơi hải ngoại, hình thành các cộng đồng danh giá vững mạnh về giáo dục, kinh tế... gửi hàng chục tỷ ngoại tệ về nước mỗi năm, cứu giúp các thân nhân còn bị đọa đầy dưới màu cờ đỏ?
Do vậy mà Người Việt Tỵ Nạn ở hải ngoại mới tri ân và tôn vinh cờ vàng, coi cờ vàng là biểu hiện xứng đáng nhất cho Quốc gia & Dân tộc Việt Nam.
Thưa Hồng y Mẫn,
Chính ngài viết rằng 'vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân Việt Nam', vậy thì hành động cao đẹp đúng với cờ vàng hay cờ đỏ?
Chính ngài viết rằng 'có lúc lá cờ được coi là biểu trưng của đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng cho một chủ nghiã', vậy do đâu ngài đánh đồng hai lá cờ của 'đất nước' và của 'chủ nghiã' như nhau, theo kiểu Cộng sản Việt Nam nhập nhằng giữa lá cờ Đảng với lá cờ Tổ Quốc? Nhất là chủ nghiã cộng sản vô luân, vô thần, đâu có thể đem so sánh với một nước Việt Nam có gần 5.000 văn hiến, có mỹ tục thờ phượng anh hùng & liệt nữ, các bậc tiên hiền, hậu hiền, và ông bà cha mẹ?!
Một linh mục mà lầm đường lạc lối, như linh mục Phan Khắc Từ trước và sau 1975, đã gây nhiều phiền toái khiến chính các linh mục phản chiến như Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín... còn phải than phiền qua nhiều bài viết. Vậy mà nay một hồng y lầm lạc một cách thấp kém qua các nhận định được khẳng định trên giấy trắng mực đen, sẽ gây ra những tai hại vô kể, khiến giữa những người Thiên Chúa giáo và giữa người Thiên Chúa giáo cùng đồng bào khác tôn giáo, bỗng nhiên chẳng thể 'hiệp thông' mà còn chia rẽ tan tác hơn?
Việc Hồng y Mẫn sau này bị chính các tín đồ hải ngoại tẩy chay, cho thấy tín đồ Việt Nam đã nhận ra ngay trong hàng giáo phẩm lãnh đạo tối cao, ai là con Chúa, ai không còn xứng đáng?
B/ Các Đảng phái:
Có thể nói các đảng phái Quốc Gia ngay từ thời mới xuất hiện cho tới nay, đã mang tính tự phát, thiếu sự đào tạo qui mô, tổ chức khoa học... từ nhân sự đến cách tổ chức - từ cách thu nạp đến cách huấn luyện đảng viên - từ kế hoạch chủ trương đến hành động...
Cụ thể, từ Phong trào Văn Thân, Cần Vương của giới sĩ phu, Đông Du của Phan Bội Châu, Duy Tân của Phan Chu Trinh, Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học... đến các Phong trào đấu tranh của các tôn giáo & đảng phái thời Đệ I và II VNCH, và ra tới hải ngoại sau năm 1975... đều mang hình ảnh mạnh ai nấy làm, hầu hết theo chủ ý riêng tư của người lãnh đạo, bất kể quyền lợi Quốc gia & Dân tộc & Cộng đồng ra sao, bị ảnh hưởng tốt xấu như thế nào?!.
Hầu như các lãnh tụ đều thiếu trình độ và kiến thức về các học thuyết chính trị cơ bản, không được đào tạo chính quy... yêu nước theo cảm tính riêng tư của mình, hơn là nghĩ đến sự sinh tồn của Quốc Gia & Dân tộc, nên mới không thể đoàn kết?!
Mỗi đảng tự đặt ra một 'mẫu số' riêng của mình, thay vì cần ý thức mình chỉ là một 'tử số' để có thể liên kết với các đảng phái khác hướng về một 'mẫu số chung', như quan niệm của các đảng phái Âu Mỹ?
Ở Mỹ, ở Anh, ở Úc... các đảng phái tuy đối đầu nhau kịch liệt khi tranh cử, nhưng chấp nhận nhau một cách quân tử sau các cuộc bầu cử, để liên kết chặt chẽ xây dựng bảo vệ phát triển đất nước.
Đại sứ Mỹ Cabot Lodge từng là ứng viên Phó tổng thống Mỹ, nhưng khi thất cử, ông nhận nhiệm vụ làm đại sứ tại Việt Nam lúc nơi này đang bị coi là chỗ khó khăn, địa đầu diễn ra trận chiến giữa hai phe Tư bản và Cộng sản.
Trong cuộc tranh cử ở Mỹ năm 2008, hai ứng viên đảng Dân Chủ là Obama và Hillary Clinton đã có những lời lẽ và hành động quyết liệt với nhau, nhưng sau khi ngã ngũ, ứng viên Hillary vui vẻ nhận chức ngoại trưởng của Tổng thống Obama.
Ngay cả ứng viên của đảng Cộng Hòa đối lập là John McCain sau khi thừa nhận thất cử, cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác trong công việc chung của Quốc gia & Dân tộc. Không hề có sự chia rẽ hận thù?
Ngược lại, các đảng phái tại Việt Nam nói riêng, người Việt nói chung, có tâm lý đương đầu nhau đến kỳ cùng, không chấp nhận thỏa hiệp khi kém phiếu trong các cuộc bầu cử công bằng.
Do vậy mà các đảng phái thắng cử cầm quyền không chấp nhận các đảng phái khác, tìm cách áp đảo gây chia rẽ, khiến sức mạnh dân tộc ngày càng bị phân tán thêm sau mỗi lần tranh cử, mà trở nên manh mún, không sao kết hợp lại được.
Từ lợi thế về Nhân Hòa buổi đầu sau năm 1954 so với Cộng sản Bắc Việt, Miền Nam đã dần rơi vào chỗ chia rẽ ngày càng trầm trọng, làm mất đi cả hai yếu tố Thiên Thời và Địa Lợi, mà thua một cách đau đớn, đưa Quốc gia & Dân tộc vào chỗ bại vong bi đát?!
C/ Quân đội:
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa vốn có truyền thống đánh giặc giỏi từ xa xưa, đã giúp Quốc gia & Dân tộc tồn tại mấy ngàn năm qua, trước những cuộc xâm lăng của các nước hùng mạnh hàng đầu trên thế giới.
Yếu tố chiến thắng là khi có những vị lãnh đạo anh minh, biết trọng dụng các tướng lãnh tài đức; các tướng lãnh cũng biết giới hạn trách nhiệm và quyền lực của mình.
Điều này không hề có ở cả hai thời kỳ Đệ I và Đệ II Cộng Hòa Việt Nam, khi các tướng lãnh kém tài đức gặp thời nhiễu nhương cậy công, nhảy lên nắm quyền, kết bè đảng tham ô tranh giành quyền hành liên miên, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của binh sĩ, tạo cơ hội cho các thế lực tôn giáo và chính trị bất chính hoành hành, giúp Cộng sản có nhiều cơ hội đưa người vào nằm vùng, quậy phá ngay từ đầu não đến các địa phương.
Có thể nói thời thế trong thời kỳ này đã không tạo ra được những anh hùng, mà chỉ là môi trường thuận lợi cho những kẻ hoạt đầu có cơ hội thực hiện các âm mưu bất chính, nắm quyền hành rồi kết bè đảng tham ô thối nát, cô lập người tài đức, thay vì lo đối đầu với kẻ thù Cộng sản.
Một điều cũng rất đáng tiếc, là một số vị tướng tá tài đức một khi bị loại ra khỏi giới chức quyền thối nát, đã không đủ hùng tâm & dũng khí nêu cao chính khí đương đầu với bọn xấu; nhắm mắt buông tay mặc thế cuộc ngày càng suy vi?!
Ít có viên tướng nào trong thời kỳ này ở Miền Nam có được những ý nghĩ sâu xa như Trần Hưng Đạo khi cầm quân, qua bài Hịch Tướng Sĩ, để thức tỉnh lòng quân sĩ:
'... khi bấy giờ chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau tiếng xấu vẫn còn mãi mãi; mà gia thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang nhục. Đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ, phỏng có được hay không?
Bản thân tướng Nguyễn Văn Thiệu là một kẻ không có trình độ học vấn đáng kể, tâm địa thấp kém khi dựa cả vào tên gián điệp Vũ Ngọc Nhạ lúc hắn đã lộ diện... chỉ nhờ khôn ranh mà dần nắm được thời cơ; nên lúc có quyền hành lớn không đủ tài đức đảm đương, phải kéo bè kết đảng với những kẻ bất tài - kể cả kẻ nằm vùng của Việt Cộng, để củng cố quyền lợi là chính, mà không hề biết lo tới sự tồn vong của Quốc gia & Dân tộc trước nạn Cộng sản, thiển cận không hề hiểu rằng khi nước mất thì nhà cũng tan hoang?!
Cùng được Mỹ trợ giúp như Đức, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan nhưng chỉ có Việt Nam là bị thất bại, cho thấy giới lãnh đạo đương thời tệ hại ra sao, chịu trách nhiệm nặng nề như thế nào?!
Nhưng chúng ta cũng chỉ nên trách ông Nguyễn Văn Thiệu ít, mà nên tự trách chúng ta nhiều, vì có một danh ngôn cho rằng: 'Dân tộc thế nào, sẽ có một lãnh đạo tương ứng'.
Đúng vậy: 'Một dân tộc ươn hèn quả là khó có chỗ đứng cho nhà lãnh đạo tài đức can đảm' - Đồng thời: 'Một lãnh đạo ươn hèn, cũng sẽ không có chỗ đứng nơi một dân tộc anh hùng'?!
Do đâu mà từ một dân tộc có truyền thống anh hùng từ thời Hùng Vương, đánh thắng không biết bao nhiêu giặc ngoại xâm, lật đổ nhiều chế độ bạo tàn... mà nay tinh thần trở nên bạc nhược?!
Theo thiển ý chúng tôi, vấn đề giáo dục bị vong bản lâu năm, và tôn giáo bị tha hóa quá nặng, đã làm thương tổn tinh thần dân tộc rất nhiều?!
Một cách trung thực với minh chứng cụ thể dài lâu, Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng phi thường cho Tự Do & Dân Chủ, được ghi công và nhắc nhở mãi mãi.
Bằng chứng là hơn 30 năm sau cuộc chiến, dư âm để lại được mọi người khắc sâu, là những bản nhạc được giới nghệ sĩ chân chính thực hiện, được đông đảo người Việt trong và ngoài nước đón nhận ủng hộ nhiệt tình, tái phổ biến phát triển rộng rãi huy hoàng.
Ở hải ngoại, các Trung tâm băng nhạc như Asia, Thúy Nga Paris, Vân Sơn, các nhóm Hùng Sử Việt, Tù Ca... đã làm sống lại những bản nhạc của dòng nhạc 'chiến sử' ca ngợi các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa một thời, gây súc cảm mãnh liệt lòng người, như ca sĩ Thanh Lan trình bày các nhạc bản Anh Không Chết Đâu Anh, Người Ở Lại Charlie... của Trần Thiện Thanh...
Về văn học, một số chiến sử của các binh chủng cũng thuật lại sự hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vì chính nghiã một cách hào hùng, được đón nhận đông đảo phải tái bản. Cụ thể như cuốn Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến do bác sĩ Trần Xuân Dũng biên tập, cẩn trọng có thêm phần ngoại ngữ để các thế hệ mai sau am hiểu phần nào.
Trong khi ở quốc nội, Cộng sản tại Việt Nam sau bao năm thống trị, không có lấy một chương trình ca nhạc nào ca ngợi chế độ và người bộ đội một cách đáng kể, được ưa thích?! Do đâu cũng là điều dễ hiểu?
Khi viết tùy bút cuối đời vào năm 2006, nhà văn hàng đầu của Cộng sản là Nguyễn Khải tâm sự một cách u uẩn, không coi giải thưởng là sự vinh danh, mà chỉ còn là tấm mộ bia:
'Năm 70 tuổi tôi bắt đầu chán viết... Cũng năm ấy tôi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2. Mừng thì rất mừng, nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc.
...
'Nói trên báo chí không báo nào dám đăng... Nhưng dân chúng vẫn có cách xả nỗi bất bình của họ bằng cách sáng tạo ra nhiều chuyện tiếu lâm chính trị... Không ra được báo viết thì làm báo mồm vậy, lời nói bay đi lấy đâu làm bằng, tưởng như vô hại mà hại vô kể. Vì nó sẽ thành dư luận, không ai bắt giam được dư luận, giết được dư luận, cái dư luận hỗn tạp, vô sở cứ mở rộng mãi ra, bao trùm mọi việc mọi người, trở thành mặt bằng mới để đặt ra các tiêu chuẩn sống cho một thời.
**
Một quốc gia muốn hùng mạnh, cần phải tuân thủ tôn ti trật tự theo hình kim tự tháp, mà đỉnh cao chót vót là quyền lợi của Quốc gia & Dân tộc.
Phần giữa kim tự tháp là vị trí của các tôn giáo, có trách nhiệm phát huy đạo đức nhân luân để cuộc sống giữa 'đời' và 'đạo' luôn song hành, lý tưởng quốc gia và đạo lý tôn giáo không mâu thuẫn triệt tiêu nhau. Vì dân có giàu, nước có mạnh, thì tôn giáo mới có môi trường phát huy một cách trong sáng.
Phần chân của kim tự tháp là vị trí của các đảng phái, có trách nhiệm kết hợp người đồng quan điểm, nêu cao lý tưởng phục vụ đỉnh cao Quốc gia & Dân tộc, coi chủ trương đảng phái của mình chỉ là một tử số nhỏ nhoi của một mẫu số chung là Quốc gia & Dân tộc trên đỉnh kim tự tháp. Vì dân có giàu, nước có mạnh, đảng phái mới có phương tiện hành động để phát triển theo một mẫu số chung, không bị chia rẽ, làm phân tán sức mạnh Quốc gia & Dân tộc.
***
Nơi đây, chúng tôi xin được bày tỏ cảm nghĩ riêng tư của mình sau ngày 30-4-1975:
Là sĩ quan biệt phái trở về môi trường giáo dục từ năm 1970, nên tôi nghĩ rằng khi cuộc chiến chấm dứt, mình sẽ tiếp tục làm công việc dạy học.
Lúc bị Cộng sản Bắc Việt gọi đi trình diện cùng với các sĩ quan hiện dịch, tôi chợt nhận ra trách nhiệm của mình trong cuộc chiến vừa qua, vì dù không còn cầm súng nơi chiến trường, tôi vẫn phải có bổn phận với Quốc gia & Dân tộc, khi được ở nơi hậu phương.
Vậy mà trước những cuộc biểu tình đấu đá làm rối loạn thêm tình hình của các tôn giáo, tôi đã bàng quang.
Dĩ nhiên cá nhân tôi lúc đó cũng chẳng thể làm gì, nhưng tôi vẫn cảm thấy có lỗi khi tự cho rằng mình làm tròn bổn phận về giáo dục là đủ, dù xung quanh đang diễn ra những biến cố mà tôi biết rất tai hại đến tương lai dân tộc.
Thế nên nếu các bạn tù cải tạo quanh tôi đa số tỏ ra cam chịu thân phận của kẻ bại trận, coi tù đầy như cái giá phải trả; thì tôi lại có ý nghĩ khác lúc thấy Cộng sản Việt Nam tỏ ra không xứng đáng khi cầm quyền.
Tôi thấy coi việc tù đầy như cái giá phải trả cho sự bại trận, chỉ đúng khi kẻ chiến thắng tỏ ra xứng đáng, như trong các trò chơi cổ truyền của thời niên thiếu, như
Chu tri rành rành, Rồng rắn...
Nếu không, tôi cần phải sống để tìm cách làm tốt cái bổn phận mà tôi cảm thấy mình chưa làm được.
Tôi chợt nhận ra chết đã khó, nhưng nếu phải cam chịu mọi hình phạt, nhẫn nhục sống chờ hoàn cảnh hầu có thể làm một điều gì đó hữu ích cho Quốc gia & Dân tộc, càng khó hơn?
Hồi 30-4-1975 tôi rất ngưỡng mộ các vị tướng tá, quân sĩ và chính trị gia tử tiết như Hoàng Diệu trước đây. Nhưng đến nay tôi mới thấy giá như các vị có tinh thần quả cảm và dũng khí hơn người này, chịu sống để lo việc phục quốc, thì các phong trào đấu tranh ở hải ngoại sẽ khác hơn hiện nay rất nhiều?!
Trong những năm tháng bị tù đầy, tôi ngẫm nghĩ xem khả năng mình còn có thể làm được gì, nên làm như thế nào, âm thầm chuẩn bị sức khỏe và tinh thần cho một cuộc chiến đấu mới, mà tôi biết khó khăn gấp bội phần.
Khi ra khỏi trại tù cải tạo, tôi bắt liên lạc được với một anh bạn đang hoạt động với Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, và tôi được giao trách nhiệm ra Hà Nội tìm cách liên hệ với các nhân vật còn lại của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.
Tôi nhờ người giới thiệu, gặp được vài vị, nhưng các vị này cho biết với biện pháp hộ khẩu kiểm soát chặt chẽ mọi người tới lui, giết người như ngoé của Cộng sản Quốc tế nói chung, Cộng sản Việt Nam nói riêng... thì chưa nên làm gì. Khi biết tôi có khả năng ra nước ngoài, tất cả đều khuyên tôi nên đi, nói với tôi những điều tâm huyết, là cần đấu tranh văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hậu chiến, hơn là vọng động. Vì Cộng sản Việt Nam thể hiện vong bản, tôn thờ chủ nghiã Mác Lê, đã và đang lâm vào thế bí về phương diện văn hóa tư tưởng. Đây chính là tử huyệt của Cộng sản Việt Nam nói riêng, Cộng sản Quốc tế nói chung, cần khai thác xoáy sâu, để tái tạo sức mạnh tinh thần, tái xây dựng nền tảng vững chắc cần thiết không chỉ cho sự thắng lợi, mà còn cần cho cả việc kiến thiết quốc gia & phát huy sức mạnh của dân tộc mai sau.
Khi tôi trở vào nam, thì Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và anh bạn tôi là giáo sư Nguyễn Quang Trù đã bị bắt. Qua người thăm nuôi, tôi được hai anh khuyên là hãy ra nước ngoài hoạt động đấu tranh văn hóa tư tưởng.
Năm 1987 tôi có tìm gặp Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân ở Virginia, thuyết trình với Bác sĩ Quân và một số vị khoảng năm người, về những gì tôi biết khi hoạt động với Bác sĩ Quế ở trong nước. Và tôi có dịp xem lá số tử vi của Bác sĩ Quế, thì thấy cung tật ách của ông có bộ sao Tứ Linh che chở, nên đưa ra lời khuyên là cứ để Bác sĩ Quế ở trong tù và có ra tù cũng nên ở lại Việt Nam, không sợ tai ách. Vì tôi thấy nhiều nhà đấu tranh từ trong nước ra hải ngoại, hầu hết bị bọn nằm vùng bủa vây, hoặc bôi bẩn, bị cô lập hay ràng buộc, mà không thể kết hợp với những người chân chính nhiều khả năng, hầu hoạt động đấu tranh một cách hữu hiệu?!
Trong thời gian một năm ở Mỹ, tôi có dịp kín đáo tham dự một số sinh hoạt đấu tranh, thì thấy các sinh hoạt này thô thiển vẫn như hồi trước 1975, nên tác dụng chẳng bao nhiêu, lòng người chán nản thất vọng, sẽ sớm bị bọn nằm vùng đột nhập phá hoại mà suy sụp.
Nhìn quanh quẩn, tôi thấy chỉ nên hoạt động về văn hóa tư tưởng, như lời khuyên của một số vị ở Hà Nội đã khuyên tôi.
Dĩ nhiên văn hóa tư tưởng phải có chiều sâu và hướng về xa, thay vì vội vã xông xáo bừa bãi, dễ rơi vào hoàn cảnh nhân vật Don Quichotte của nhà văn Tây Ban Nha Cervantès (1547 - 1616)!
Là thành viên của Nhóm Nghiên Cứu Quốc Văn tại Sài Gòn hồi trước năm 1975, tham gia soạn thảo Chương trình Quốc Văn lớp 12 của Bộ Giáo dục VNCH, tôi đã được gần gũi một số học giả, giáo sư hàng đầu tại Sài Gòn đương thời... cùng nhau nhiều năm thảo luận về các vấn đề giáo dục văn hóa tư tưởng, giúp tôi tích lũy được một số vốn liếng về tri thức văn hóa & tư tưởng thuần túy dân tộc, nên tôi trở về Úc thu mình nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam, được sự khuyến khích và giúp đỡ tài liệu của Luật sư Cung Đình Thanh - người chủ trương tập san Tư Tưởng và Tủ sách Nghiên Cứu Việt Học ở Sydney.
Càng nghiên cứu qua các tài liệu sưu tầm mới cũ về nhiều phương diện khác nhau khi có dịp qua Pháp, Mỹ, Canada... đến các thư viện tham khảo, tôi càng thấy rõ lý do Miền Nam sẽ phải thua Miền Bắc. Những lý do này kết tụ lâu đời từ cả ngàn năm, do những nền giáo dục tha hóa vong bản gây ra, chứ không hề là chuyện một sớm một chiều!
Chính nền giáo dục vong bản này đã đào tạo nên không ít các quan lại, tu sĩ, chính trị gia, tướng lãnh Miền Nam yếu kém các ý thức hệ đứng đắn về Quốc gia & Dân tộc, chỉ còn thấy tôn giáo, đảng phái, quyền lợi riêng tư một cách thiển cận.
Đến khi nước mất nhà tan, tất cả mới thấy được hậu quả tai hại. Nhưng do bị giáo dục sai lầm bao đời, ít ai có thể sớm giác ngộ, mà vẫn đắm chìm trong u mê, vẫn coi quan điểm & hành động từng làm nước mất nhà tan của mình là đúng, mà tiếp tục duy trì đường lối cũ trong công cuộc đấu tranh mới khi đã phải lưu vong, nên chỉ lụn bại thêm như hơn bốn chục năm qua ở hải ngoại mà thôi?!
Một điều đáng nói, là sau năm 1975, khi tôi ra Bắc thăm gia đình họ hàng sau bao năm cách biệt, thì ai nấy thay vì vui lại tỏ ra buồn bã mà rằng:
-Ở ngoài này ai nấy khổ cực quá, chỉ mong Miền Nam ra giải phóng. Nào ngờ binh hùng tướng mạnh như thế, được Mỹ và nhiều nước đem quân giúp như thế, mà để thua tan tành?!
Tôi giải thích sự tự do quá trớn khiến Miền Nam lâm vào cảnh cá mè một lứa, không ai có thể bảo ai, chia rẽ tột cùng; ai cũng chỉ nghĩ đến tôn giáo, đảng phái của mình, ít còn ai lo nghĩ đến tương lai Quốc gia & Dân tộc... đến khi thua mới sáng mắt ra thì đã quá muộn màng!
Với những nguyên nhân chồng chất như trên, đã làm mất nước; một sớm một chiều chẳng thể nào quang phục quê hương?
Nhất là ai nấy vẫn chưa tự xét mình có lỗi ra sao trong việc để cho quốc phá & gia vong, vẫn có không ít người tự cao tự đại về các thành quả giáo dục - kinh tế - tài chánh trong phạm vi nhỏ nhoi của gia đình và bản thân nơi cuộc sống vong quốc, thì chưa thể nói đến chuyện cứu quốc?
Trong cuốn Con Yêu Râu Xanh của tác giả Việt Thường, xuất bản năm 2002 ở hải ngoại, tác giả từng là một cán bộ Việt Cộng kể lại, khi tin chiến thắng 30-4-1975 loan ra, hàng vạn công nhân, sinh viên, học sinh có mặt tại buổi mít tinh ở một tỉnh Miền Bắc, chẳng những không hoan hô reo mừng như thường lệ, mà còn tỏ vẻ buồn nản.
Xin trích nguyên văn một đoạn như sau:
'Chẳng một ai vỗ tay, kể cả thành viên 'đoàn chủ tịch'. Quản ca của công trường bắt nhịp bài hát 'Giải phóng miền Nam', cũng chỉ có mình hắn hát. Tất cả tự động giải tán về lán...'.
'Mình cứ tưởng miền Nam sẽ ra giải phóng cho kiếp trâu chó của chúng mình, nào ngờ, đù mẹ nó, thế là hết hy vọng! Để cho bọn chúng nếm mùi xã hội chủ nghiã mới hết phản chiến với du ca. Đ... mẹ cái thằng Trịnh Công Sơn!'.
***
Một số những điều thu thập được, cùng với kinh nghiệm bản thân chứng kiến từ đầu của 2 chế độ Cộng Hòa Miền Nam từ năm 1954, đến sự tan rã năm 1975, khiến đất nước rơi vào ách Cộng sản cực kỳ hung ác tham tàn, chúng tôi hy vọng việc trình bày các diễn biến kèm các nhận xét và lời bình của nhiều sử sách khác nhau trong 3 quyển của cuốn Khởi thảo Kinh Thư Việt Nam, kỳ vọng bước đầu giúp ai quan tâm đến Quốc gia & Dân tộc có một số tư liệu cụ thể về Văn Hoá Việt qua lịch sử, như Kinh Xuân Thu ghi chép về những sự kiện lịch sử của Trung Hoa... giúp đời sau dễ dàng hơn khi cần tra cứu một số điều.
***
Chúng tôi sẽ xin bàn đến giải pháp phục hồi tinh thần truyền thống dân tộc, ở phần cuối cùng, trong chương đề cập đến Người Việt Tỵ Nạn hải ngoại sau năm 1975, tiếp theo phần nói về Cộng sản tại Việt Nam bao năm qua.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.