Vua Lý Thánh Tôn lên ngôi năm 1054, là một nhà chính trị tài giỏi, tề gia trị quốc chu đáo, nhưng đến năm 40 tuổi nhà vua vẫn chưa có hoàng tử nối ngôi, dù đã đi cầu tự ở nhiều nơi.
Một lần thăm dân ở vùng Kinh Bắc, trong khi ai nấy thấy nhà vua và đoàn tùy tùng đi đến đâu đều đổ ra chào đón, thì có một cô gái xinh đẹp mải hái dâu vẫn tiếp tục công việc của mình.
Chỉ khi nhà vua tới gần, cô gái mới dừng tay tựa mình vào một cây lan nhìn ra, chứ không chạy tới xem như những người bình thường.
Lúc đó, trên đầu cô gái bỗng hiện ra một đám mây ngũ sắc rực rỡ, khiến nhà vua lấy làm lạ, cho là điềm lành, đón về cung, ban cho tên là Ỷ Lan - tức cô gái đứng tựa cây lan.
Ỷ Lan từ khi vào cung, thay vì chỉ trau chuốt nhan sắc như các cung nữ khác, lại lo thêm việc đọc sách học hành chăm chỉ, trở nên người có kiến thức, được nhà vua qúy mến khác thường.
Vài năm sau, Ỷ Lan sinh được một hoàng nam là Lý Càn Đức, được phong làm Thần phi, luôn ở bên vua giúp vua một số việc triều chính đắc lực.
Năm 1069, vua Lý Thánh Tôn thân chinh cầm quân đi đánh Chiêm Thành, giao một số việc trong triều chính cho Ỷ Lan, để cùng với quan đại thần Lý Đạo Thành chung lo chính sự lúc nhà vua vắng mặt.
Khi thấy cần thêm lương thực gửi ra ngoài tiền tuyến, Ỷ Lan thân hành trở về quê ở Kinh Bắc, vận động dân chúng đóng góp được rất nhiều.
Thấy gạo mới gặt hái thơm ngon, Ỷ Lan chạnh lòng nghĩ đến chồng là nhà vua đang vì việc nước phải vất vả gian nguy nơi chiến trường, liền làm ra một thứ bánh mới mẻ, lấy bột gạo nếp trộn với nước màu vàng của trái dành dành, dùng đậu xanh làm nhân cùng cùi dừa và hạt sen, gói bằng lá dừa thành từng cặp xinh xắn duyên dáng, đặt tên là bánh 'Phu Thê' gửi ra ngoài trận tiền, để tỏ tấm lòng luôn tưởng nhớ đến nhà vua.
Nghĩ đến những người đồng cảnh, Ỷ Lan cho làm thêm nhiều bánh cùng gửi đi, để quân sĩ cũng được chung hưởng hương vị ngọt bùi, khi đồng cam cộng khổ với vua quan ngoài chiến địa.
Khác với các loại bánh thường gói đơn lẻ từng chiếc, Ỷ Lan gói bánh Phu Thê thành từng cặp hai chiếc với nhau, thể hiện tình vợ chồng gắn bó keo sơn.
Những cặp bánh màu vàng vương giả, trong suốt thấy cả nhân như thấy được cả tấm lòng chung thủy trong trắng tựa những sợi cùi dừa trắng nõn...
Khi đó thế giặc rất mạnh, quân triều đình gặp nhiều trở lực khó khăn, tinh thần mỏi mệt, nhà vua định lui binh.
Nhưng khi nhận được món bánh mới lạ, thể hiện 'tình nhà' rất sâu đậm, ai nấy thấy 'nợ nước' cũng phải làm tròn mới tương xứng, trở nên hăng hái tiến binh với khí thế mới hùng mạnh khác thường, khiến giặc hoảng sợ thua to.
Vua tôi chiến thắng vẻ vang trờ về trong hào quang huy hoàng... trong đó có đượm cả sắc màu của bánh Phu Thê, sau được dân chúng gọi trại ra thành bánh Xu Xê.
Nhờ gắn liền với lịch sử, thể hiện cao đẹp cả nghiã nhà với tình nước, bánh Phu Thê được triều đình tôn vinh, dùng làm lễ vật chính dâng cúng nơi thờ phượng các vua nhà Lý ở Đình Bảng mãi mãi về sau. Rồi nhân đó người dân Kinh Bắc trân trọng, dùng làm một trong mấy thứ bánh chính trong các lễ hỏi, lễ cưới.
Cách làm bánh Phu Thê:
Do được dùng làm lễ vật trong các dịp tế lễ thiêng liêng, nên bánh Phu Thê ở Đình Bảng, Bắc Ninh, được làm theo những nguyên tắc tinh khiết và công phu rất mực.
Gạo nếp dùng làm bánh phải là thứ gạo nếp cái hoa vàng, thơm ngát ngay từ lúc mới trổ đòng đòng. Khi làm phải chọn từng hạt no tròn không bị gẫy. Đậu xanh phải là thứ đậu nghệ, có màu vàng tươi sau khi đãi vỏ.
Theo các vị bô lão làng Đình Bảng kể lại, ngày trước việc chọn gạo làm bánh phải diễn ra tại sân Đền Đô, do các cô gái còn trinh trắng đảm nhận.
Bột làm bánh phải qua 7 lần chắt, 3 lần lọc, 2 lần thái, rồi mới phơi khô cho thật tơi mịn.
Lúc làm bánh phải nhào bột thật kỹ, cho đến khi nào đặt trong bàn tay bột quánh lại và bóng bẩy, mới được đem trộn với nước dành dành vàng óng, lấy từ những cây dành dành trồng ở khu đồi cuối làng Đình Bảng, có không khí trong lành thoáng đãng.
Một người làm bánh ở Đình Bảng ngày nay cho biết thêm một số chi tiết về cách làm bánh Phu Thê nữa, như sau:
Bánh được gói bằng những tấm lá dừa giản dị, kết khéo léo thành chiếc hộp nhỏ vuông vắn xinh xắn như một hộp đựng nữ trang, rồi mới luộc. Khi bóc ra đặt lên đĩa, ai nấy đều bị kích thích vì dưới lớp vỏ bánh sắc vàng óng trong suốt, có lấm tấm những hạt mè. Ngoài đậu xanh đãi sạch vỏ hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen, hương ngũ vị.
Bột làm bánh là loại gạo nếp hoa vàng chọn lọc, xay bằng cối xay nước, sau đó lọc lấy phần tinh hoa nhất (bột thô chỉ dùng làm bột bánh rán), vắt cho ráo nước bằng cách bọc trong túi vải mịn, rồi mới phơi khô.
Lúc đem bột làm bánh, dùng nước quả dành dành nhào vào bột, để có màu vàng óng của thực vật thanh khiết tự nhiên, không được dùng phẩm màu hay màu vàng của bột nghệ....
Nạo đu đủ xanh, ngâm phèn, thái nhỏ nhào lẫn vào bột để bánh có thêm độ giòn, mà không cần dùng hàn the.
Khi ăn một miếng bánh, sẽ thấy sự dẻo của nếp, sự giòn của đu đủ, sự ngậy của đậu xanh, sự béo của cùi dừa, sự bùi của hạt sen, sự ngọt của đường... ngũ hành qua ngũ vị hòa quyện vào nhau, tạo thành một hương vị thơm ngon rất thanh tao của bánh, gợi lại ý vị của mối tình vương giả đằm thắm một thời xa xưa, đã làm nên một chiến công thắng giặc vẻ vang trong Sử Việt.
Về hình thức bên ngoài, nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh hình vuông đặt trong chiếc hộp nhỏ xinh xắn làm bằng lá dừa, mang hình ành vuông tròn của triết lý Trời Đất, Âm Dương, Vợ Chồng... từng được ca ngợi qua câu ca dao:
'Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
'Phải dò cho rõ ngọn nguồn trước sau.
Việc dàn một lớp bột mỏng, đặt nhân bánh vào giữa, rồi đắp phần bột còn lại lên nhân bánh, thể hiện sự ôm ấp che chở rất tình tứ của nghiã phu thê, đạo vợ chồng sớm tối 'đầu gối tay ấp' khăng khít bên nhau lúc tối lửa tắt đèn, sau khi đã làm xong một số bổn phận với gia đình, xã hội, quốc gia, dân tộc.
Triết lý Ngũ Hành của người Việt cũng được thể hiện một cách tinh tế qua hình ảnh của các màu sắc ẩn hiện trong chiếc bánh: Màu trắng nõn của cùi dừa, màu vàng óng của dành dành và nhân đậu xanh, màu đen lấm tấm điểm xuyết của những hạt mè đen, màu xanh của lá dừa, màu đỏ của lạt buộc.
Từ hình thức bề ngoài đến nội dung chất lượng bên trong của bánh, sẽ khiến người ăn trong lúc nhàn nhã thanh thản, có thể suy nghiệm ra cả một triết lý về trời đất, ngũ hành, một luân lý về tình người rất thâm sâu:
'Miếng ngon đánh ngã bát đầy.
'Miếng ngon nhớ lâu,
'Lời đau nhớ đời.
Những câu chuyện bên dòng lịch sử
1/ Chính sử về Ỷ Lan Phu Nhân:
Trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, viết:
Lý Thánh Tông (1054 -1072)
...
Lấy đất Chiêm Thành:
Vua Thánh Tông đã nhân mà lại dũng: nước Chiêm Thành hay sang quấy nhiễu, ngài thân chinh đi đánh. Đánh lần đầu không thành công, đem quân trở về. Đi đến châu Cư Liên (?) nghe thấy người khen bà Nguyên Phi ở nhà giám quốc, trong nước được yên trị, Thánh Tông nghĩ bụng rằng: 'Người đàn bà trị nước còn được như thế, mà mình đi đánh Chiêm Thành không thành công, thế ra đàn ông hèn lắm à!'. Lại đem quân trở lại đánh bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ. Năm ấy là năm Kỷ Dậu (1069). Thánh Tông về triều, đổi niên hiệu là Thần Võ.
...
Ỷ Lan Thái Phi:
Vua Nhân Tông là con bà Ỷ Lan Thái Phi, người ở Siêu Loại (Bắc Ninh). Khi trước vua Thánh Tông đã 40 tuổi mà không có con, đi cầu tự qua làng Thổ Lội (sau đổi là Siêu Loại rồi lại đổi là Thuận Quang), người đi xem đứng đầy đường, có một người con gái đi hái dâu, thấy xe nhà vua đi cứ đứng tựa vào cây lan chứ không ra xem. Vua thấy thế làm lạ, truyền gọi đem vào cung, phong là Ỷ Lan phu nhân. Được ít lâu đẻ ra hoàng tử là Càn Đức, được phong làm Nguyên Phi.
Càn Đức làm thái tử rồi lên nối ngôi, tức là vua Nhân Tông, phong cho mẹ là Ỷ Lan thái phi.
Thái phi tính hay ghen ghét, thấy bà Dương Thái Hậu giữ quyền, trong bụng không yên, bèn xúi vua bắt Thái Hậu và 72 người thị nữ bỏ ngục tối, rồi đem giết cả.
Riêng về vua Lý Nhân Tông, hoàng tử con Ỷ Lan phu nhân, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết:
Vua Lý Nhân Tông trị vì được 56 năm, thọ 62 tuổi, là vị vua ở trên ngôi lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhà vua không chỉ trị vì lâu dài, mà còn giúp nước thái bình thịnh trị lâu dài nhất dưới triều đại của mình, đánh Tống bảo vệ quốc gia dân tộc khỏi nạn Bắc xâm hắc ám bao đời.
Ngoài việc đánh Tống, vua Lý Nhân Tôn cùng mẹ là bà Ỷ Lan còn ghi lại hai công lớn về giáo dục:
Vua Lý Nhân Tông còn được sử sách ca ngợi hết lời về bài Di Chiếu chan chứa tình cảm yêu nước, lo cho dân ngay cả khi mình đã qua đời.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép lại bài Di Chiếu, chúng tôi xin trích dẫn hai đoạn quan trọng, như sau:
2/ Ngoại sử về Ỷ Lan Phu Nhân:
Hàng năm cứ vào các ngày 19, 20, 21 tháng 2 âm lịch, các đền và chùa thờ Bà Tấm - tức Nguyên phi Ỷ Lan ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, lại có rất đông người tới chiêm bái.
Trong nước hiện có tới 72 nơi lập đền thờ Ỷ Lan phu nhân, nhưng nơi thờ ngay quê bà ở làng Dương Xá lớn lao nhất, nằm trên 1.5 mẫu đất.
Bà Tấm Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, thuở nhỏ khổ như cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám, vì cũng lâm vào cảnh dì ghẻ con chồng, suốt ngày phải đầu tắt mặt tối trong việc hái dâu nuôi tằm cho dì ghẻ.
Nhờ đẹp và thông minh cùng phong thái ung dung tự tại, nên được vua Lý Thánh Tông gặp trong khi hái dâu, đưa về cung, đặt tên là Ỷ Lan vì khi gặp đang đứng tựa vào một cây hoa Ngọc Lan trong vườn dâu.
Do biết chăm lo học hành khi vào cung, Ỷ Lan trở nên tài giỏi, hai lần thay nhà vua trị nước:
Sự tích trong dân gian kể lại rằng:
Năm 1072 vua Lý Thánh Tông mất, Lý Càn Đức lên ngôi mới 7 tuổi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Hai quan đại thần văn võ là Lý Đạo Thành và Lý Thường Kiệt cùng Lan phu nhân giúp vua chăm sóc việc nước và đánh tan quân nhà Tống mấy lần.
Khi thiên hạ thái bình, Ỷ Lan đi du ngoạn nhiều nơi thắng cảnh trong nước, chọn nhiều thắng tích để xây dựng các chùa tháp. Việc sửa sang các nơi như hồ Linh Chiểu, hồ Bích Trì... dựng tháp ở các chùa Diên Hựu, chùa Lãm Sơn... đều có ý của bà.
Ỷ Lan phu nhân lại giỏi về lễ nghi, là người bày ra nghi thức Tắm Phật, sau thành tục lệ chung của các hội hè trong nước.
Bà cũng giỏi về kinh tế, biết con trâu là sức mạnh chính giúp nông dân làm mùa màng, nên nhờ vua ra lệnh hạn chế việc giết trâu, phạt nặng những ai giết trâu lậu. Người dân hiểu rõ lợi ích của việc này, rất biết ơn bà.
Bà mất ngày 25 tháng 7 âm lịch năm Đinh Dậu 1117, thọ khoảng ngoài 70 tuổi. Triều đình làm lễ hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu.
Một tư liệu khác ghi chép:
Khi mới bước chân vào cung, Ỷ Lan còn rất trẻ, nhưng đã ý thức được sự cần thiết của học vấn, nên lao vào việc học hành rất chăm chỉ, đọc nhiều sách vở... khác với phần lớn các cung nữ khác chỉ lo điểm trang nhan sắc, trau chuốt vẻ đẹp thể xác hơn vẻ đẹp tinh thần.
Đó cũng chính là cách để được nhà vua sủng ái hơn - điều mà các cung nữ khác không ý thức được, hoặc ý thức được nhưng không đủ khả năng và sự kiên tâm bền chí rèn luyện.
Nhờ có học vấn uyên bác, nên khi có cơ hội tham chính, Ỷ Lan đã có những quyết định uyên bác và sáng suốt, phụ giúp các đại thần tài giỏi, cùng nhau lo toan phát triển thịnh trị.
Trình độ học vấn giúp Ỷ Lan có thể đàm đạo thơ văn nghĩa lý với các vị cao tăng đương thời, tức là có thể đi sâu vào cả lãnh vực tư tưởng triết học.
Học giả Hoa Bằng trên tạp chí Tri Tân, có ghi lại một bài kệ của Ỷ Lan sau khi đàm đạo với đại sư Thông Biện, như sau:
Nguyên văn bằng chữ Hán:
'Sắc thị không, không tức sắc,
'Không thị sắc, sắc tức không.
'Sắc, không câu bất quản,
'Phương đắc khế chân tông
Dịch nghiã:
'Sắc là không, không tức là sắc,
Không là sắc, sắc tức là không.
'Sắc, không đều chẳng vương vấn gì,
'Thì mới khế hợp được với chân tông.
Khi mới làm nhiếp chính năm 1073, Ỷ Lan phu nhân đã theo đề nghị của Lý Thường Kiệt, cho các vị đại công thần cao tuổi được phép chống gậy ngồi ghế khi lâm triều.
Nếu Lý Thánh Tông là vị vua đầu tiên xây dựng Văn Miếu năm 1070, thì Ỷ Lan phu nhân là người đầu tiên cho mở liền 2 khoa thi Minh Kinh Bác Học và Nho Học Tam Trường vào năm 1075.
Dưới triều đại của hai mẹ con bà Ỷ Lan, quân Việt hai lần đánh thắng quân Tống - một đội quân từng được sử sách Trung Hoa ca ngợi qua những cuộc chinh phạt của nhân vật nửa thực nửa huyền thoại là Tống Địch Thanh... qua những truyện như Ngũ Hổ Bình Liêu, Ngũ Hổ Bình Đông, Ngũ Hổ Bình Tây... mà không có Ngũ Hồ Bình Nam... mặc dù có cả nữ tướng Phàn Lê Huê, được mô tả nhiều phép biến hóa dũng mãnh phi thường?!
Lần thứ hai vào năm 1075, Lý Thường Kiệt đã mở cuộc tấn công trước vào sâu lãnh thổ Trung Hoa, tận Châu Khâm, khi quân nhà Tống đang chiêu binh mãi mã, toan đánh phục thù Việt Nam, sau khi quân Tống bị đại bại lần thứ nhất vào năm 1059.
Trong các lần đánh Tống, bình Chiêm, nơi hậu phương nhờ tài huy động nhân lực và vật lực của Ỷ Lan, tạo tin tưởng và tinh thần đoàn kết, nên mọi việc mới có thể hoàn thành tốt đẹp.
Công lao nội trị thời bình của Ỷ Lan phu nhân, còn phải kể đến việc năm 1077 bà cho đắp đê sông Như Nguyệt, năm sau đắp đê Đại La xung quanh thành Thăng Long. Năm 1084 bà xin vua xuống chiếu cho dân chúng bắt đầu được xây nhà ngói, cải thiện môi trường sống của người dân.
3/ Việc thờ phượng Ỷ Lan qua hình ảnh cô Tấm
Ỷ Lan phu nhân tên thật là Lê Thị Yến, mẹ mất lúc 12 tuổi, cha lấy vợ kế, nên Ỷ Lan có cuộc sống bị đầy ải khổ sở như cô Tấm trong cổ tích Tấm Cám.
Do vậy mà dân gian gọi đền thờ bà, nơi quê bà ở xã Dương Xá là đền thờ Bà Tấm. Cả ngôi chùa gần bên do bà xây dựng năm 1115 có tên Linh Nhân Phúc Tự, cũng được dân chúng gọi là Chùa Bà Tấm.
Đền thờ Ỷ Lan ở Dương Xá xây dựng vào Thế kỷ 11, kiến trúc qui mô lớn lao theo kiểu cung đình có 72 cửa. Trong đền thờ đến nay vẫn còn nhiều hiện vật qúy giá, nổi bật là hai sư tử bằng đá liền khối cao 1.2m, rộng 1.36m trong tư thế phủ phục, có đường nét mỹ thuật mềm mại. Sư tử đang vờn viên ngọc có khắc chữ 'Vương', khẳng định chúa tể muôn loài, đồng thời cũng thể hiện uy quyền của vương triều.
Trong đền còn có một bậc đá chạm nổi hình rồng và kỳ lân đang chạy xuống, dài 1.3m, cao 0.8m.
Nơi hậu cung của đền có tượng Ỷ Lan phu nhân được tạo tác rất đẹp, tạc khi bà là Nguyên phi cùng 6 vị cung nữ được trọng vọng trong triều đương thời, thành mô hình 'Thất Tiên'.
Gian ngoài có đặt ngai thờ và một số đồ tế khí. Trên ngai có bài vị 'Lý Triều Đệ Tam Hoàng Thái Hậu'.
Trong các ngày lễ hội, tương tuyền ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày sinh của bà, kéo dài trong 3 ngày 19, 20 và 21 tháng 2 âm lịch, hàng năm các phường hát ở các nơi kéo về xin đăng cai giữ chỗ, hát giữ cửa đền suốt 3 ngày đêm. Khi rã đám mới lấy tiền công đức trả công. Ngoài ra trong lễ hội còn tổ chức đấu cờ người, tổ tôm điếm, đánh vật, chọi gà...
Vào ngày 19 tháng 2 âm lịch, lễ hội được mở đầu bằng một đám rước nước long trọng, khởi hành từ đền Bà Tấm lên tới giếng nước cạnh chùa làng Phú Thị, cách đền khoảng 2 km.
Đi đầu đám rước là 5 lá cờ theo ngũ hành, tổng cờ, dàn chiêng trống và bát bửu. Tiếp theo là long đình rước bài vị của Bà Tấm với đoàn tùy tùng mũ áo gươm giáo chỉnh tề. Đi sau là kiệu của các thôn thuộc làng Dương Xá và của các làng khác nhận cấy ruộng của đền, do vua ban trước đây, trải dài rộng tới tận các làng Nghiã Trai, Bình Trù, Liên Mỹ...
Khi tới giếng nước, các chánh tế làm lễ lấy nước giếng đem về đền dùng trong tế lễ.
Do qui mô đám rước rộng lớn, nên đám rước rất đông, kéo dài tới 5 giờ mới rước trở lại về đền.
Trong lúc diễn ra lễ chính rước nước kể trên, các thôn tiến hành rước lễ vật ra đền tế lễ.
Sau khi kiệu của bà và nước được đưa vào đền an vị, cuộc tế lễ chính mới bắt đầu.
Trước tiên các vị bô lão hàng đầu của 5 thôn, được cử vào ban tế lễ, kiểm tra các lễ vật rất nghiêm, tuy lễ vật chỉ toàn là trầu cau, trái cây và rượu. Sau này mới thêm vào oản xôi, bánh phu thê, bánh gai, bánh mật... không có loại lễ vật bằng thịt hay cá nào.
Nước dùng làm bánh và xôi phải rất tinh khiết, lấy từ nước giếng Quán Đôi, đầu thôn Dương Đình, mang về trước 3 ngày, để lắng trong mới đem vo gạo, hầu lễ vật tinh khiết.
Sau buổi lễ chính của các vị bô lão trong hội đồng làng, là các cuộc dâng lễ của các thôn và các làng khác. Cuối cùng mới tới lượt dâng lễ vật của dân làng và khách thập phương, kéo dài tới tận khuya trong không khí trang nghiêm bên trong đền, cùng lúc với các cuộc vui hào hứng diễn ra bên ngoài đền.
Khi hết 3 ngày lễ hội, lễ vật được chia đôi. Làng Dương Xá là nơi sinh của bà Tấm được hưởng một nửa, nửa còn lại mới chia cho các thôn làng dự lễ hội. Riêng vị chủ tế được hưởng 60 phẩm oản và 60 quả chuối.
Tuy lễ hội chính chỉ diễn ra trong 3 ngày, nhưng thực chất dân chúng trong vùng đã rục rịch sửa soạn từ ngày 16, và đến tận ngày 25 mới dứt hẳn không khí tưng bừng của lễ hội.
Ngay từ những ngày đầu xuân, dân làng đã tụ hội bàn bạc chuẩn bị cắt đặt các thứ cho ngày lễ hội, từ công việc rước lễ, hành lễ đến thực hiện các loại lễ vật... để mong mọi thứ chu đáo, mới có thể được Bà Tấm phù hộ cho thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống thanh bình âu ca.
4/ Nhận định về bánh Phu Thê:
Cũng như Bánh Mẹ Trăm Con (tức Bánh Trôi & Bánh Chay), Bánh Dày & Bánh Chưng, Bánh Phu Thê do Ỷ Lan phu nhân sáng tạo cũng bao hàm tính Âm Dương, mang hình ảnh Trời Đất, ý nghiã Vợ Chồng & Nam Nữ hòa hợp, hình thành một sự hài hòa giữa Thiên - Địa - Nhân, thể hiện Chân - Thiện - Mỹ, qua hình thức thờ phượng Địa Linh & Nhân Kiệt giàu tính văn hóa hơn tính tôn giáo - một đặc điểm của đời sống tâm linh Việt Nam.
Từ một câu chuyện có thực trong lịch sử, bánh Phu Thê đã được dân gian qúy trọng, thăng hoa dùng làm lễ vật thờ phượng phổ biến trong lễ nghi cưới hỏi - sự kết hợp ban đầu trân trọng giữa nam nữ, để từ đó đơm hoa kết trái, tạo ơn nghiã sinh thành, giúp nòi giống & dân tộc phát huy và trường tồn trong đạo lý nhân luân cao đẹp.
Trong kết cấu của bánh Phu Thê, Ỷ Lan phu nhân đã gửi gấm nhiều ngụ ý từ triết học về âm dương & ngũ hành trong trời đất, đến đạo đức học về nghiã tình vợ chồng, thể hiện một trí thức sâu sắc được cụ thể hóa thành miếng bánh, mang tính giáo dục cao siêu; tiếp nối và phát huy được tinh thần của Mẹ Âu Cơ và Lang Liêu.
Bánh Phu Thê ra đời sau các loại Bánh Mẹ Trăm Con, Bánh Dầy & Bánh Chưng, là thứ bánh minh chứng cho những dụng ý có thật từ xa xưa của cổ nhân Việt Nam, qua quan điểm dùng miếng ăn để nhắc nhở giáo dục quần chúng, về những triết lý và luân lý chứa chan tính nhân bản... từng được tục ngữ Việt quan niệm:
'Có thực mới vực được Đạo'
Khác với quan điểm 'Văn dĩ tải đạo' của Trung Quốc...
5/ Nhận định về Ỷ Lan phu nhân:
Ỷ Lan phu nhân là một nhân vật có thật, nhưng nhờ tài giỏi làm được nhiều việc công đức... nên đã được dân chúng đề cao, tôn vinh thần thánh hóa như một vị thánh nữ để thờ phượng ở nhiều nơi.
Xét về khả năng và công trạng của Ỷ Lan phu nhân, thì thấy bà là một phụ nữ có nhiều điểm đáng khen như:
Về cá nhân:
Từ một cô gái quê mùa, mẹ mất sớm lâm cảnh khổ dì ghẻ con chồng, không được học hành; nhưng khi có hoàn cảnh thích hợp, Ỷ Lan đã sớm biết cố gắng theo đòi chữ nghiã, trở nên một phụ nữ thông thái, được nhà vua và triều đình trọng vọng, Phật Giáo qúy trọng, quần chúng mến mộ, dân chúng tôn thờ từ đời này qua đời khác.
Vai trò của Ỷ Lan trong gia đình - dù là trong một hoàng gia - vẫn mang tính truyền thống khi chú trọng đến việc ẩm thực để mang lại sức khỏe và sự đoàn viên quanh mâm cơm hàng ngày.
Ở đây, Ỷ Lan còn thể hiện tài nấu nướng qua việc sáng tạo ra bánh Phu Thê vừa ngon lành, vừa có nhiều ý nghiã về tư tưởng tình cảm sâu sắc, tác động được vào tình cảm mọi người đương thời và mãi mãi về sau, xứng đáng được xếp hạng sau Bánh Mẹ Trăm Con, Bánh Dầy & Bánh Chưng, để hoàn thành một bộ ba lễ vật dâng cúng thiêng liêng, thấm đượm tình tự Việt Nam.
Đây là một tấm gương sáng về đạo lập thân của người phụ nữ Việt Nam.
Về kinh tế:
Ỷ Lan biết nhận ra vấn đề kinh tế ích quốc lợi dân qua sức kéo của con trâu và sức bảo vệ mùa màng của đê điều chống lũ lụt. Khi giữ hậu phương cho nhà vua đi đánh giặc, bà đã làm tốt vai trò cung cấp quân lương, tác động tâm lý vua tôi ngoài chiến trận, đóng góp một phần đáng kể vào các cuộc chiến thắng quân Chiêm Thành và quân nhà Tống bên Trung Quốc.
Về Tâm lý chiến:
Nếu ngay đời Trần kế tiếp, nhà vua phải vận dụng đến Hội nghị Diên Hồng, mời bô lão khắp nước tới kinh đô để thực hiện một cuộc dân vận vĩ đại đánh quân Nguyên Mông, được sử Việt ca ngợi hết lời... thì trước đó trong đời Lý, chỉ một mình Ỷ Lan đã thực hiện thành công một cuộc dân vận lớn lao khác, giúp cả dân tộc hai lần đánh thắng quân Chiêm Thành và quân nhà Tống rất vẻ vang oanh liệt.
Hơn thế nữa, có lẽ Ỷ Lan là người đầu tiên đã nghĩ ra chuyện ủy lạo tinh thần binh sĩ ngay ngoài chiến trường, bằng thứ bánh Phu Thê ngọt ngào, khiến vua tôi nhà Lý đã nức lòng trở lại, đánh thắng quân Chiêm Thành. Từ cái đà đó, đã đánh thắng quân nhà Tống mạnh hơn gấp nhiều lần về sau.
Về tôn giáo:
Khi nhiều tuổi, Ỷ Lan phu nhân hình như đã ăn năn hối hận về việc ghen tức, tranh quyền, giết hại Thái hậu và 72 cung nữ, nên tìm cách dựng nhiều bảo tháp, xây và tu bổ nhiều chùa chiền, để mong chuộc lỗi. Tính đến năm 1115, Ỷ Lan đã cho xây cất trên 150 chùa và tháp.
Nếu tôn giáo có khả năng giải tội, có lẽ Ỷ Lan phu nhân đã được giảm tội không ít?
Trước khi tin sùng Phật Giáo, Ỷ Lan đã mời nhiều bậc cao tăng đương thời vào hoàng cung để tìm hiểu về Phật Pháp. Từ các buổi mạn đàm vấn đáp giữa Ỷ Lan phu nhân với các bậc cao tăng, đã làm nên nền tảng của tập sách Thiền Uyển Tập Anh (nghiã là Anh Tú Vườn Thiền), rất có giá trị mãi về sau.
Về Luân lý:
Cũng vì việc sát phạt chánh hậu, đã khiến Ỷ Lan phu nhân bị chính sử phê phán như sau:
Tháng 1 năm Nhân Tí (1072), vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức lúc đó mới được 6 tuổi lên nối ngôi, là vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127).
Thái tử Càn Đức là con đẻ của Ỷ Lan nguyên phi, nay được lên ngôi, Ỷ Lan được tôn phong là Linh Nhân Thái Phi, còn hoàng hậu họ Dương được tôn phong là Dương Thái Hậu.
Nghi lễ đương thời quy định nếu nhà vua lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi, Thái Hậu được quyền buông mành giữa triều đình, ngồi sau mành nghe triều thần tâu bày chính sự, gọi là Thùy Liêm.
Do chỉ Thái Hậu mới được phép buông mành, vì bình thường Thái Hậu là mẹ đẻ của nhà vua. Nhưng ở đây Thái Hậu không có con trai, không phải là mẹ đẻ của nhà vua, nên điều này đã khiến Linh Nhân Thái Phi bất mãn.
Năm Qúy Sửu 1073, một vụ thảm sát diễn ra khi nạn nhân là Dương Thái Hậu cùng 72 thị nữ tâm phúc.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết:
Vua bèn sai giam Dương Thái Hậu và 72 thị nữ vào cung Thượng Dương rồi bức phải chết, cho chôn theo lăng của Thánh Tông.
Sau khi viết lại câu chuyện như trên, Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận định:
Nếu nay lấy công tâm mà khách quan nhận định việc trên, sẽ thấy:
Giả sử nếu Ỷ Lan không nắm việc triều chính khi nhà vua còn nhỏ tuổi, cúi đầu theo một định lệ không đúng với hoàn cảnh đang diễn ra (Thái Hậu thường là mẹ đẻ ra vua mới giúp vua chấp chính), triều đình rơi vào chỗ đại loạn, giặc Tống qua xâm lăng chiếm đoạt đất nước, lúc đó công tội sẽ ra sao?
Nhận Định
Việc người dân gọi Ỷ Lan phu nhân là Bà Tấm trong truyện dân gian Tấm Cám được nhiều người ưa thích, tôn bà làm thần lẫn phật để thờ phượng, cho thấy bà được yêu mến kính trọng - phần nào khác với quan niệm của các sử thần và triều chính phong kiến chịu ảnh hưởng Trung Quốc, xa rời tinh thần dân tộc?
Trong sử Việt, không ít các vị vua giết hại công thần được coi là chuyện thường tình, nhưng khi một phụ nữ có thể vì sự thịnh suy của một triều đại, phải giành quyền và đã làm tốt khi nắm quyền hành trong tay... lại bị kết tội, lên án... là một quan niệm bất công và bất bình đẳng nam nữ trong các triều đình phong kiến chịu ảnh hưởng của Nho Giáo bên Trung Hoa, cần được hậu thế suy ngẫm lại?
Riêng về Bánh Phu Thê, công ơn của Ỷ Lan phu nhân với người Việt rất lớn lao, khi ngày nay món bánh này đã trở thành một thứ lễ vật mỹ tục quan trọng, mang nhiều ý nghiã tốt đẹp trong nghi lễ về hôn nhân của người Việt Nam.
So với bánh cưới của Tây phương hiện nay, bánh Phu Thê của Việt Nam ngon và lành hơn, cũng như có những nội dung luân lý cao đẹp để nhắc nhở các cặp vợ chồng mới cưới trách nhiệm và bổn phận trong hôn nhân.
So sánh với Kinh Thư Trung Quốc
Trong Hạ Thư của Kinh Thư Trung Quốc, chép về đời Hạ (2204 -2766 trước công lịch), Thiên II: Cam Thệ ghi lại lời vua Khải nhà Hạ lên nối ngôi cha là vua Vũ, thân chinh đem quân đi đánh họ Hữu Hỗ không chịu thần phục, ban lệnh:
Xem lối dụng binh thiên về kỷ luật sát phạt quá nặng của vua Khải, mới thấy Ỷ Lan phu nhân tuy là nữ giới, nhưng đã khéo dụng binh, biết vận dụng tâm lý chiến để đạt thành quả tốt đẹp trong cả mấy cuộc chiến bình Chiêm và phá Tống; để lại một kinh nghiệm tâm lý chiến dùng tình hơn dùng quân pháp, vẫn đạt thắng lợi vẻ vang.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.