Nhà Tiền Lê gồm 3 đời vua là Lê Đại Hành - Lê Trung Tông - Lê Long Đĩnh
Lê Đại Hành
(980 - 1005)
Tên là Hoàn sinh năm 941 ở Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa), cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị.
Đặng Thị khi mới có thai nằm mộng thấy trong bụng mình nở ra hoa sen, chỉ chốc lát hoa đã kết thành hạt, liền lấy hạt chia cho mọi người, còn mình thì không ăn.
Tỉnh dậy, Đặng Thị không hiểu nguyên do ra sao?
Đến năm Tân Sửu 941, vào ngày rằm tháng 7 thì sinh ra Hoàn, có tướng mạo khác thường, nên Đặng Thị nói với mọi người rằng:
-Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó.
Được vài năm Đặng Thị chết, sau đó ông Lê Mịch cũng chết theo, khiến Lê Hoàn trơ trọi một mình, đói rách khổ sở.
Trong vùng có một vị quan Quán Sát họ Lê gặp Hoàn, thấy có tướng lạ, nghĩ 'Tư cách đứa trẻ này người thường không sánh được', lại thấy cùng họ Lê với mình nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ.
Một đêm mùa đông giá lạnh, Hoàn nằm đắp áo cối ngủ. Đêm ấy ánh sáng đẹp hiện đầy nhà, vị quan Quán Sát đến coi, thấy có một con rồng vàng che ấp lên Hoàn, nên lại càng qúy trọng hơn.
Lớn lên, Lê Hoàn theo giúp Nam Việt Vương Đinh Liễn, tỏ ra phóng khoáng, có chí lớn. Vua Đinh Tiên Hoàng nhận xét, khen Lê Hoàn là người trí dũng, giao cho cai quản đội binh 2.000 quân, thăng dần đến chức Thập Đạo tướng quân Điện tiền Đô chỉ huy sứ.
Khi vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương bị Đỗ Thích sát hại, rồi Đỗ Thích bị Đinh Quốc công Nguyễn Bặc giết. Nguyễn Bặc cùng Đinh Điền và Lê Hoàn tôn con thứ ba của vua là Vệ Vương Toàn mới 6 tuổi lên nối ngôi, mẹ của Toàn là Dương Vân Nga làm Hoàng Thái hậu.
Lê Hoàn tư thông với Thái hậu Dương Vân Nga, tự xưng là Phó Vương, chuyên quyền rất mực, khiến Nguyễn Bặc và Đinh Điền cùng nhau đem quân thủy bộ về triều hỏi tội Lê Hoàn.
Lê Hoàn giao chiến, Bộ binh của Nguyễn Bặc và Đinh Điền thua chạy, trở về đem thủy binh quay lại đánh tiếp, bị Lê Hoàn dùng hỏa công lợi dụng chiều gió thuận đốt cháy hết chiến thuyền của Bặc và Điền, chém Điền tại trận, bắt Bặc đưa về triều xử trảm.
Năm Tân Sửu 980, Quan Tham tri Ung Châu (nay là huyện Nam Ninh, tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc) là Hầu Nhân Bảo, dâng thư lên vua nhà Tống, kể nội tình cha con vua Đinh bị giết, Lê Hoàn chuyên quyền, xin đem quân đánh để thôn tính.
Nghe tin quân Tống sắp sang đánh, Thái hậu Dương Vân Nga lệnh cho Lê Hoàn tuyển quân chống giặc. Hoàn chọn Phạm Cự Lượng là đại tướng. Cự Lượng mang ơn Lê Hoàn, cùng các tướng vào triều tâu với Dương Thái hậu:
-Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh, là phép sáng để thi hành việc quân. Nay Chúa thượng còn trẻ thơ, chúng tôi dẫu hết sức liều chết để chặn giặc, may có chút công lao thì có ai biết cho? Xin tôn Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua để điều binh khiển tướng, sau đó sẽ xuất quân đánh giặc thì hơn'.
Quân sĩ dưới trướng của Hoàn và Lượng đều tung hô vạn tuế, khiến triều thần không ai dám phản đối. Dương Thái hậu vốn đã tư tình với Lê Hoàn, liền lấy áo long cổn của nhà vua khoác cho Lê Hoàn.
Lê Hoàn lên ngôi vua năm 980, lấy niên hiệu là Thiên Phúc.
Tháng 3 năm 981, quân Tống chia quân làm 3 ngả tấn công: Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàn Hưng tiến vào ngả Lạng Sơn, Khâm Tộ tiến vào ngả Tây Kết, Lưu Trừng đem chiến thuyền vào ngả sông Bạch Đằng.
Lê Hoàn tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn quân địch ở sông Bạch Đằng, khiến quân Tống phải lui lại khúc sông Thương chảy qua Chi Lăng, Lạng Sơn.
Lê Hoàn lại sai một cánh quân trá hàng, dụ Hầu Nhân Bảo, bắt được Hầu Nhân Bảo chém đầu.
Lúc đó Lê Hoàn mới đem đại binh đánh Khâm Tộ ở Tây Kết. Quân Khâm Tộ thua to, chết quá nửa thây chất đầy đồng, Lê Hoàn bắt sống hai tướng giặc là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân.
Vua nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên cả sợ ra lệnh lui binh, trách cứ giết bọn bày mưu đánh nhà Lê: Lê Trừng phát bịnh chết, Vương Soạn bị giết ở Ung Châu. Bại tướng Tôn Hoàn Hưng cũng bị vua Tống chém bêu thây giữa chợ.
Năm 982 Lê Hoàn xưng là Đại Hành Hoàng Đế, lập Dương Vân Nga làm Hoàng hậu cùng 4 hoàng hậu nữa là Phụng Cân chỉ Lý Hoàng hậu, Thuận thánh Minh đạo Hoàng hậu, Trịnh quốc Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu. Cùng lúc phong cho 12 người con làm tước Vương, chia đi ở các châu thành. Sau này nhà Lý và nhà Trần cũng bắt chước lệ này.
Thấy quân Chiêm Thành bắt sứ giả là Từ Mục và Ngô Tử Canh, vua Lê Đại Hành thân chinh cầm quân đánh dẹp, chém vua Chiêm là Bế Mi Thuế tại trận tiền, san phẳng thành trì, lấy về rất nhiều vàng bạc. Trước đó có viên quan là Dương Tấn Lộc xúi dân hai châu Hoan và Ái làm phản theo Chiêm Thành. Nay nhà vua bắt được Dương Tấn Lộc đem chém, rồi giết người ở hai châu Hoan và Ái rất nhiều, bị sử sách coi là thất đức, nên con cháu không được hưởng phúc dài lâu.
Năm 983 nhà vua sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống.
Năm 984 nhà vua sai xây nhiều cung điện nhà cửa, dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân cột dát vàng bạc, dựng điện Long Lộc lợp ngói bằng bạc, rất hoang phí.
Năm 985 - ngày rằm tháng 7 mùa thu, là ngày sinh của vua, nhà vua sai người làm thuyền giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền, gọi là Nam Sơn. Rồi bày lễ vui đua thuyền, sau thành thường lệ.
Nhà Tống sai sứ sang thăm, vua sai sứ qua triều đình nhà Tống đáp lễ, xin phong chức Tiết Độ Sứ.
Nhà Tống cử Lý Nhược Chuyết và Lý Giác mang chế sang phong chức Tiết Độ Sứ cho Lê Đại Hành.
Năm 987, mùa xuân, nhà vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi (tên chữ Hán là Long Đội Sơn, ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, nay thuộc tỉnh Hà Nam Ninh) được hũ vàng nhỏ. Lại cày ở núi Bàn Hải, được hũ bạc nhỏ, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân.
Nhà Tống sai Lý Giác sang sứ. Lý Giác thích nói chuyện văn thơ, vua sai Pháp sư Thuận cũng giỏi thơ văn giả làm người coi sông đón tiếp. Hai bên đối đáp tương đắc. Khuông Việt đại sư ca ngợi, được nhà vua sai làm khúc ca tiễn Lý Giác, ghi lại trong sử sách một số thi ca còn được truyền tụng đến nay.
Năm 1005, vào tháng 3 vua mất, thọ 65 tuổi, làm vua được 24 năm.
Lê Trung Tông
(1005)
Vua Lê Đại Hành đã định người con thứ ba là Long Việt làm thái tử, nhưng đến lúc nhà vua mất, các hoàng tử tranh ngôi đánh nhau trong 7 tháng.
Long Việt lên ngôi đặt hiệu là Lê Trung Tông, thọ 23 tuổi.
Khi Long Việt vừa lên ngôi được 3 ngày, thì bị em là Long Đĩnh sai người vào cung giết, rồi lên thay thế.
Lê Long Đĩnh
(1005 - 1009)
Lê Long Đĩnh là con thứ năm vua Lê Đại Hành, ở ngôi 4 năm, thọ 24 tuổi (986 - 1009).
Long Đĩnh là người tính tình rất bạo ngược, thích chém giết. Sau khi giết anh chiếm ngôi vua, Long Đĩnh tha hồ thỏa mãn ác tính: lấy rơm thiêu sống tội phạm, bỏ người vào sọt ném xuống sông, róc mía trên đầu các vị sư...
Khi thiết triều, sai bọn hề nhại lời quan tâu trình chính sự làm trò vui. Nhà vua dâm dật quá độ mất sức, thường phải nằm khi thiết triều, nên còn gọi là vua Ngọa Triều.
Long Đĩnh làm vua được 2 năm, khi được vua Tống phong làm Giao Chỉ Quận Vương thì đổi niên hiệu là Cảnh Thụy, một năm sau thì mất. Long Đĩnh dâng vua Tống con tê tê, để xin giát vàng mũ áo, được vua Tống y cho.
Long Đĩnh mất khi con còn nhỏ tuổi, do làm nhiều việc bại hoại nên bị đình thần chán ghét, tôn Lý Công Uẩn lên làm vua.
**
Nhà Tiền Lê làm vua được 3 đời, tổng cộng 29 năm.
Lời bàn của sử sách
**Lê Văn Hưu:
'Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được.
'Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn?
'Thưa rằng: Kể về mặt trừ gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống, thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khó hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu, thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ.
'Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư?
'Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên noi theo họ Lý.
'Thiên tử và Hoàng hậu khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng, thì gọi là Đại Hành hoàng đế, Đại Hành hoàng hậu. Đến khi chôn vào sơn lăng yên rồi, thì hợp bầy tôi bàn xem đức hạnh hay dở để đặt thụy là Mỗ hoàng đế hay Mỗ hoàng hậu, không gọi là Đại Hành nữa.
'Lê Đại Hành thì lấy Đại Hành làm luôn thụy hiệu mà truyền cho đến ngày nay là làm sao? Vì Ngọa Triều là con bất hiếu, lại không có bề tôi Nho học để giúp đỡ bàn về phép đặt thụy hiệu, cho nên thế.
'Ngoạ Triều giết anh, tự lập làm vua, bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác đến nỗi mất nước mất ngôi, không phải là sự bất hạnh của nhà Lê, lỗi ở Đại Hành không sớm đặt thái tử và do Trung Tông không biết phòng giữ từ khi mới chớm, nên đến nỗi thế.
**Ngô Sĩ Liên:
'Tam Cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. Khi Lê Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người đều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn? nên lui về dấy quân hỏi tội Đại Hành, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghiã đấy. Việc không xong mà chết, thế là bầy tôi tử tiết đấy.
'Lời bàn của Lê Văn Hưu lại đánh đồng với hàng loạn tặc, khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho những kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, vì thế không thể biện bác...
'Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ Kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Lê Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?
'Sách Dã Sử chép rằng: Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì tình anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông. Thế thì Trung Tông về tình anh em tuy là hậu, nhưng về việc đứng chủ cúng tế, nối dõi tổ tiên, thì xã tắc là trọng, anh em là khinh, huống chi là anh em bất đễ!
'Lúc ấy Trung Tông phải nêu việc Quản Thúc, Thúc Nha mà trị tội thì mới phải, nếu không làm thế thì đem giam cầm ở một nơi riêng cho đến chết cũng được. Nhưng Trung Tông lại thả lỏng thì sao cho khỏi bị phản, rốt cuộc tan họ, diệt dòng, là do Trung Tông tự làm ra cả. Ngọa Triều thì có bõ trách làm chi? Cho nên người làm vua tất phải cư xử cho thật đúng đắn và phải biết xét hết lẽ vậy.
**Sách Thông Luận:
'Vua Đại Hành biết rõ cái cớ nhà Đinh mất nước, muốn làm cho nước được lâu bền, nghĩ cũng đã chu đáo. Thế mà chưa được bao lâu, người trong nhà xẩy ra tàn sát lẫn nhau. Quân Tứ Xương chỉ đứng bên ngoài xem ai thành ai bại, để cho người họ khác nắm binh quyền. Công Uẩn dần mạnh lên, rồi họ Lý nổi lên không ai ngăn nổi. Than ôi! mười điều ác không có một điều lành, chả phải là tại không biết ở thiện, không biết dạy con đó sao?
**Ngô Thời Sĩ:
'Lê Đại Hành thừa lúc trong cung vua có hoạn nạn mà chiếm lấy nước, đánh lui được quân giặc bên ngoài để yên dân. Nhưng vì tam cương bất chính, đến nỗi mất nước, đó không phải là sự không may.
'Vua Đại Hành là người thông minh, quả quyết, nhiều mưu trí, dụng binh khéo như thần, cho nên khu sách các anh hào, vang động cả quân Mán và người Tàu. Nhưng vì tính nghiêm khắc, ưa nịnh hót, chỉ cốt làm cung điện cho lộng lẫy xa xỉ, còn chỗ dinh thự và trại lính thì để chật hẹp quê kệch. Sứ thần Tống thấy thế chê cười.
**Thiên Nam Ngữ Lục:
'Từ ngày Thích phạm mình rồng
'Ý Hoàn xem chẳng có lòng minh tâm
'Trong nhà thầy tớ nói thầm
'Đỗ Thích nó làm gãi chỗ ngứa tao
'Ngày sau văn vũ hòa triều
'Tôn phù Thứ tử xem chầu quốc gia
'Đại thần phụ tá vào ra
'Tên là Đinh Vệ còn thơ ấu trùng
'Ai ai khuya sớm một lòng
'Rắp Chu Thiệu hai công cùng hòa
'Chẳng ngờ Dương Hậu dâm tà
'Xảy chồng ra thói trăng hoa loạn thường
'Quả liền dồi phấn điểm trang
'Lượt the ăn mặc vẻ vang nói cười
...
**Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái:
'Nối sau Thiếu Đế thơ ngây
'Lê Hoàn nhiếp chính từ rày dọc ngang
'Tiếm xưng là Phó Quốc Vương
'Ra vào cùng ả họ Dương chung tình
'Băc, Điền vì nước liều mình
'Trách sao Cự Lượng tán thành mưu gian
'Chợt nghe binh báo Nam Quan
'Cùng nhau phù lập Lê Hoàn làm vương
'Trước mành vâng lệnh nàng Dương
'Trong cung đã thấy áo vàng đưa ra
'Trường Yên đổi mặt sơn hà
'Đại Hành trí lược thực là cũng ghê
'Vạc Đinh đã trở sang Lê
'Nàng Dương chăn gối cũng về hậu cung
'Nguy nga ngói bạc cột đồng
'Cung đài trang sức, buông lòng xa hoang
'Tự mình đã trái luân thường
'Lấy chi rủ mối dượng giường về sau
'Đoàn con đích thứ tranh nhau
'Để cho cốt nhục thành cừu bởi ai?
'Trung Tông vừa mới nối đời
'Cấm đình thoắt đã có người sinh hung
'Ngoạ Triều thí nghịch hôn dung
'Trong mê tửu sắc, ngoài nồng hình danh.
'Đao sơn, kiếm thụ đầy thành
'Thủy lao, bào lạc ngục hình gớm thay
'Bốn năm sầu oán đã dầy
'Vừa tuần Lê rụng, đến ngày Lý sinh.
**Đào Duy Anh:
'Trong suốt hai đời Lê Hoàn và Lê Long Đĩnh, nhân dân bị bóc lột và ức chế nặng nề, đã nhiều lần theo các tù trưởng và hào trưởng nổi lên...
'Sư Vạn Hạnh từng làm cố vấn cho Lê Hoàn, đã chán ghét nhà Lê đến nỗi đặt ra câu sấm đoán trước sự diệt vong của nhà Lê, sự hưng khởi của nhà Lý, để khuyên Lý Công Uẩn cướp ngôi.
**Phạm Văn Sơn:
'Ngày nay chúng ta nghĩ khác: Trên bình diện quốc gia, chính quyền không thể ở trong tay một trẻ nhỏ, một người đàn bà xưa nay chỉ có quanh quẩn ở chốn buồng the. Ai tài giỏi thì cứ việc ra lãnh đạo việc nước, miễn đảm đương nổi sứ mạng. Vai trò nguyên thủ của quốc gia chẳng là địa vị độc quyền của một dòng họ nào hết. Như vậy việc âm mưu cướp ngôi nhà Đinh không thành vấn đề, đến cả cái án Dương Hậu cũng chẳng là một điều đáng để quốc dân thắc mắc. Trái lại, người ta có thể khen Dương thị có mắt tinh đời, biết lẽ tới lui, nếu cố chấp biết đâu cuộc đảo chính sẽ chẳng xảy ra với một phương pháp khốc liệt, thì Hoàng gia khó lòng thoát được chuyện đổ máu, và nhiều nhân vật quan trọng đời bấy giờ cũng sẽ là những nạn nhân bi thảm. Bề tôi lấy vợ vua, đối với quan niệm đạo đức thời xưa tất nhiên là có tội, nhưng ở đời phải biết lẽ 'kinh quyền' mới khỏi lỡ nhiều sự việc.
Tóm lại, những biến cố xảy ra từ trong hoàng cung của vua Đinh ra đến biên thùy Hoa Việt được kết thúc một cách êm đẹp, thì nhà làm sử thiết tưởng chẳng nên rườm lời kia khác.
Nhận Định
1/ Vấn đề nổi bật trong trang sử này là việc Thái hậu Dương Văn Nga lấy Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn.
Hầu hết các sử thần kể trên đều xuất thân Nho học, lấy điều Tam Tòng & Tứ Đức của Nho Giáo làm tiêu chuẩn đánh giá sự việc, nên đã có những lời mạt sát nặng nề - chẳng khác gì bọn Việt Cộng ngày nay lên án các chế độ quân chủ, phong kiến, tư bản... rất thiên kiến và lệch lạc theo một chiều hướng tư duy độc tôn; chẳng khác gì con ngựa kéo xe bị che hai mắt, chỉ thấy một phiá mà đi tới, nên dù có tới đích cũng chỉ là thứ hiệu quả hạn hẹp nào đó.
Nhiều nhà lãnh đạo độc tài, cũng là do tư duy hạn hẹp một chiều, như con ngựa bị che mắt kéo xe. Một tổ chức hay một quốc gia mà bị lãnh đạo theo kiểu ngựa bị che mắt kéo xe, coi nhẹ mọi dư luận theo kiểu 'chó sủa mặc chó - đường ta cứ đi' thì không gì ác hại cho bằng?!
Do vậy chúng tôi mạo muội sưu tầm một số sự việc liên quan tới cảm nghĩ đương thời của người bình dân Việt Nam, mong có một cái nhìn thứ hai vào vấn đề, hầu có thể rút ra những bài học khác nhau về những giá trị lịch sử:
a/ Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có một đọan ngắn chép:
'Về sau, tục dân lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng - Đại Hành, và Dương Hậu cùng ngồi. Hồi quốc sơ đầu đời Lê vẫn còn như thế. Sau An phủ sứ Lê Thúc Hiển mới bỏ'.
(trích trang 218 - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
b/ Thần tích Đền Ngọc Lâm:
'Năm Nhâm Ngọ 982 nhân nước Chiêm Thành giữ sứ giả nước ta là Từ Mục và Ngô Tử Canh. Vua Lê Đại Hành sửa binh khí đóng thuyền, tự làm tướng đem quân đi đánh Chiêm. Vua từ kinh thành Hoa Lư ra đóng ở vùng Quảng Nạp, nay là thôn Quảng Thượng, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
'Vua xây một thành để thu chứa lương thực dùng trong việc Nam chinh. Quân tiến ra cửa Thần Phù, ngự dinh doanh đóng ở làng Ngọc Lâm.
'Về sau khi vua Lê Đại Hành mất, ngài thường hiển linh. Nhân dân thôn Ngọc Lâm lập đền thờ ở nơi ngài đóng quân trước khi xuống thuyền vượt biển đi đánh Chiêm Thành.
'Đền Ngọc Lâm quốc đảo dân cầu có nhiều linh ứng. Trải các triều đều có sắc phong mỹ tự... có đôi câu đối thờ:
'Chính thống lương thừa, Lý chi tiền, Đinh chi hậu.
'Uy danh viễn chiếu, Tống dĩ bắc, Chiêm dĩ nam.
Dịch nghiã:
'Chính thống thay nhau thừa kế, trước đời Lý, sau đời Đinh.
'Oai danh lừng lẫy cõi xa, nam nước Chiêm, bắc nước Tống.
(trích 'Thờ thần ở Việt Nam' của Lê Xuân Quang - tập I trang 170)
c/ Việt Điện U Linh:
'Hồng thánh Trung vũ Tá trị đại vương
(Đền ở hộ thứ 6, thông Ngự Sử cũ, thành phố Hà Nội, tức là đền An Thịnh hiện nay)
'Xét sử ký: Vương họ Phạm tên Cự Lượng.
'Trong thời vua Lý Thái Tôn (1028 - 1053) , ở Đô hộ phủ có nhiều việc hình án, kiện tụng đáng nghi ngờ, quan Sỹ sư (quan xử án) không thế quyết đoán được. Vua muốn lập đền thờ một vị thần có tiếng anh linh, để cho những kẻ gian tà vào lễ bái, trình bày hoặc thú nhận không dám nói sai, nói dối.
'Vua bèn tắm gội, trai giới lập đàn lễ cầu Đức Thượng Đế. Đêm hôm ấy, vua mộng thấy một sứ giả mặc áo đỏ, vâng lệnh chỉ Đức Thượng Đế, xuống phong cho Phạm Cự Lượng làm Minh chủ việc ngục tụng tại Đô hộ phủ.
'Vua hỏi sứ giả: Cự Lượng là ai?
'Sứ giả thưa rằng: Người ấy làm quan Thái úy đời vua Lê Đại Hành, hết lòng giúp nước, công bằng, thanh liêm và thẳng thắn. Sau khi chết, Thượng Đế xét, biết là một người trong sạch, không có lỗi gì nên đã bổ làm quan ở Nam Tào cục. Vì chưa hết trần duyên nên tạm cho xuống coi việc xử án ở nhân gian.
'Nói rồi biến mất. Vua thức dậy, triệu các quan đến hỏi, đều tâu: Cự Lượng thật là một người tốt, con nhà gia thế, ông là Phạm Chiêm làm Châu mục đất Vũ An giúp Ngô Tiên Chủ, có công khai quốc được phong Đồng Giáp tướng quân. Cha là Phạm Mạn giúp vua Nam Tấn, làm Tham chính Đô hộ, anh là Phạm Dật giúp Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành rất có công lao, làm đến Đô thống Quân hiệu. Đến
Cự Lượng trước giúp Đinh, sau giúp Lê sang đánh Chiêm Thành, có công to được thăng Thái úy. Nhà ấy ba đời đều có tiếng khen.
'Vua nghe cho là phải lắm, mới phong là Hoằng chính Đại vương, sau đổi phong là Hồng Thánh.
'Một hôm vua mộng thấy vương đội mũ miện, mặc áo bào, cầm hốt, đeo đai, lạy tạ ở trước điện. Vua thức dậy cho là linh dị, liền sai văn thần soạn văn khắc bia đá để ghi sự nghiệp của Vương.
(trích Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên - các trang 32, 33)
Qua 3 điển tích dân gian kể trên, chúng ta thấy người bình dân Việt Nam không chịu ảnh hưởng của Nho Giáo, có quan niệm khác hẳn với những điều sử sách do các Nho sĩ biên soạn, nên đã coi việc Thái hậu Dương Vân Nga lấy 2 đời chồng là điều hợp tình hợp lý trong hoàn cảnh đương thời, mới lập đền thờ tô tượng cả 3 người (tài liệu a). Tại đền thờ vua Lê Đại Hành ở Ngọc Lâm, có câu đối cho việc Lê Đại Hành lên ngôi là chính thống cũng như vua Lý vua Đinh trước đó (tài liệu b). Việc Phạm Cự Lượng đứng ra suy tôn Lê Hoàn lên làm vua, được người bình dân đánh giá là quang minh chính đại, nên khi chết Phạm Cự Lượng mới được phong làm Hồng Thánh để xét xử việc chốn nhân gian.
Do vậy chúng tôi thiển nghĩ sử sách bấy nay do giới Nho sĩ viết theo quan điểm của Nho Gia - chẳng khác bao nhiêu ngày nay Cộng sản Việt Nam viết sử sách theo quan điểm Mác Lê - nên nhiều chỗ không phản ảnh đúng ý dân, cần xem xét kỹ, hầu có thể đánh giá lại một số vấn đề theo tinh thần Lạc Việt khi chưa bị Tam Giáo và văn hóa ngoại lai xâm nhập, không bị giới học phiệt tha hóa vong bản, làm mất đi nhiều quan điểm của truyền thống dân tộc?
[Nơi đây chúng tôi muốn nêu vài nét về Từ Hi Thái Hậu (1835 - 1908) là người giúp phát triển nhà Thanh, đồng thời cũng làm sụp đổ nhà Thanh. Bà rất giỏi nắm tình hình, có tính quyết đoán không bao giờ để mất cơ hội, vun đắp thế lực tùy theo thời thế biến đổi. Bà tuỳ thời mà trọng dụng các đại thần hữu ích để tồn tại, không bị sự xu nịnh làm hỏng đại sự. Cuối cùng mới thất bại vì quá tham lam quyền hành, cụ thể như ủng hộ việc Duy Tân của vua Quang Tự, chỉ dẹp bỏ khi thấy quyền hành có thể bị thương tổn, khiến chế độ bị Tây phương khống chế lụi tàn - chứng tỏ không bằng Thái hậu Dương Vân Nga?]
2/ Vấn đề triều đại nhà Tiền Lê ngắn ngủi có 3 đời, tổng cộng 29 năm, là do đâu?
Lê Hoàn tuy tài trí hơn người, nhưng khi thành đạt đã không có được cái dũng khí 'Phú Qúy Bất Năng Dâm' nên không thể kiềm chế thói xa hoa mà rơi vào chỗ phù phiếm, xa rời trách nhiệm với gia đình, dân tộc.
Đây là tâm lý khá phổ biến của người nghèo khi trở nên giàu sang - mà Cộng sản Việt Nam ngày nay rơi vào từ cấp lớn đến nhỏ?!
Do vậy cái dũng thắng người thì dễ - thắng mình rất khó. Đây chính là sự khác biệt giữa kẻ 'dũng sĩ' và bậc 'anh hùng'?
Đây cũng là trường hợp các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam xuất thân bần hàn, khi có quyền hành tham lam thối nát, xa hoa phù phiếm, xa rời trách nhiệm, không thể trở thành các bậc anh hùng với quốc gia & dân tộc, mà biến thành lũ gian hùng tội đồ trong sử sách?!
3/ Theo thiển ý, nhà Tiền Lê mất ngôi là do Long Đĩnh đã không tôn trọng nhà chùa, dóc mía trên đầu các vị sư... Lúc đó Phật Giáo rất mạnh, nên Lý Công Uẩn xuất thân từ nhà chùa, đã được tôn vinh lên làm vua thay thế?
Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sụp đổ cũng chỉ vì câu nói 'nướng sư' của vợ ông Cố vấn Ngô Đình Nhu là Trần Lệ Xuân. Thời nay Cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo, đang bị các tôn giáo phản ứng mạnh mẽ, nên họ cũng sẽ bị sụp đổ khi theo các vết xe cũ mà thôi.
Tuy nhiên, do áp dụng đường lối tôn giáo quốc doanh để lợi dụng những thành phần tu sĩ đạo hạnh kém, hầu có thể duy trì một thứ tôn giáo không chính đáng, nên Cộng sản Việt Nam mới có thể kéo dài thời gian tồn tại?
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.