Nhà Hồ được 2 đời vua là Hồ Qúy Ly (1400) và Hồ Hán Thương (1400 - 1407)
Tổ tiên của Hồ Qúy Ly là Hồ Hưng Dật, từ Tàu di cư đến Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ X, định cư làm trại chủ thôn Bào Đột, phủ Diễn Châu, Nghệ An. Đến đời thứ 12 một người là Hồ Liêm chuyển qua sống ở Đại Lại, Thanh Hóa, làm con nuôi quan Tuyên úy Lê Huấn, nên đổi sang họ Lê. Qúy Ly là cháu 4 đời của Liêm nên buổi đầu mang họ Lê, khi xưng vương mới đổi lại họ Hồ.
Tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Qúy Ly ép Trần Thiếu Đế nhường ngôi, bắt triều thần 3 lần dâng biểu xin tấn tôn, mới lên ngôi, lấy hiệu là Thành Nguyên. Gốc gác họ Hồ là dòng dõi nhà Ngu bên Tàu, nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu.
Do Trần Thiếu Đế là cháu ngoại, Qúy Ly không giết, chỉ giáng xuống làm Bảo Ninh đại vương. Tuy nhiên Qúy Ly đã giết Thượng hoàng Thuận Tông, khiến các đại thần nhà Trần dù theo họ Hồ, như Trần Nguyên Hãn, Trần Khát Chân... cũng âm mưu diệt trừ Hồ Qúy Ly, nhưng việc không thành bị giết tổng cộng 370 người.
Ngay cuối năm, Hồ Qúy Ly bắt chước các vua nhà Trần, nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, lên làm Thượng hoàng, nhưng vẫn giữ mọi quyền hành trong tay.
Hồ Hán Thương làm vua, nhưng mọi việc đều do Hồ Qúy Ly quyết đoán.
Hồ Qúy Ly tuy kém đức, nhưng lại là người có tài trong việc sửa đổi chính sự.
Nơi đây, chúng ta cần nhắc đến những công việc canh tân tốt của Hồ Qúy Ly từ năm 1374 - khi Qúy Ly chấp chính dưới triều nhà Trần, nắm hết quyền bính trong tay:
**Về Cai trị:
Nhận thấy chế độ xã thôn tự trị thoát thai từ chính sách chia đất cho các thân vương đời nhà Trần, các thân vương ngày càng trở nên mạnh mẽ, cát cứ ở địa phương như câu 'Phép vua thua lệ làng'; Hồ Qúy Ly đã tìm cách loại bỏ chính sách 'Trung ương tản quyền' của nhà Trần, đổi thành 'Trung ương tập quyền', qua việc loại bỏ các ty xã, giúp việc cai trị bớt bị phân quyền, tránh cho dân nhiều điều phiền phức. Đặt chức Liên phòng sứ ở mỗi trấn, để bí mật kiểm soát các quan lại địa phương.
**Về Quân sự:
Biết sẽ bị nhà Minh tìm cách xâm lược, ngay từ năm 1374 khi nắm quyền hành nhà Trần trong tay, Hồ Qúy Ly đã bắt làm sổ hộ tịch để biết rõ dân số, thực hiện việc tuyển quân, nên số quân đã tăng gấp mấy lần. Một người con của Qúy Ly là Hồ Nguyên Trừng chế ra súng đại bác đầu tiên, sau được nhà Minh bên Tàu trọng dụng khi bị bắt. Qúy Ly tổ chức lại quân ngũ, đặt thêm nhiều chức vụ mới. Lần đầu tiên chế loại chiến thuyền Cổ Lâu 2 tầng, tầng trên để các chiến binh chiến đấu, tầng dưới để các người chèo thuyền. Chính nhờ Cổ Lâu mà năm 1380 đã bắn đắm chiến thuyền của Chế Bồng Nga. Lại sai quân cắm nhiều cọc gỗ lớn bọc sắt trên một số cửa sông, để ngăn thủy binh của Tàu.
**Về Kinh tế:
Năm 1397 Hồ Qúy Ly là người đầu tiên tại nước ta chủ trương phát hành tiền giấy, thu hồi tiền kim loại để đúc binh khí. Thống nhất hệ thống đo lường, đo lại ruộng đất rồi phân loại đánh thuế, tránh bỏ hoang. Hạn chế diện tích trang trại của các vị thân vương, trả bớt ruộng đất cho dân canh tác. Đắp thêm đê ngăn mặn, tăng diện tích canh tác cho quốc gia.
**Về Xã hội:
Hạn chế số nông nô và việc thu dụng gia nô của các nhà quyền qúy và giàu có. Dân nghèo được tập trung, tổ chức thành đội ngũ như quân đội, cho đem cả gia đình tới các vùng mới chiếm hữu của Chiêm Thành khẩn hoang lập nghiệp. Ai tặng trâu bò cho di dân được ban phẩm tước. Năm 1403 lập bệnh viện chữa bệnh cho mọi người, chú trọng phát huy y học cổ truyền của Việt Nam, chuyên dùng châm cứu và thuốc Nam điều trị. Lâp kho mua thóc lúc giá hạ, để khi giá cao có thể bán rẻ cho dân nghèo.
**Về Văn hóa:
Hồ Qúy Ly có tinh thần tự chủ, đề cao văn nôm và văn chương quốc âm, lần đầu tiên dùng chữ nôm trong văn học và giấy tờ. Viết sách Minh Đạo phẩm bình Nho Giáo theo quan điểm mới khen Chu Công hơn Khổng Tử, nêu 4 chỗ đáng ngờ về Khổng Tử. Đây có thể nói là một tác phẩm triết học đầu tiên của Việt Nam, khi kết tội Hàn Dũ, chê các hiền giả đời Tống là học rộng nhưng tầm thường vì chỉ biết nhai lại ý cũ, không có tinh thần thực dụng. Lại đưa ra chủ trương hạn chế ảnh hưởng của Tam Giáo, nhưng do hành sử vội vàng thiếu tế nhị, khiến giới tu sĩ & nhân sĩ Phật Giáo - Nho Giáo - Lão Giáo cảm thấy bị mất uy thế, tìm cách chống lại.
Qua một số công việc như trên, chúng ta thấy Hồ Qúy Ly tuy có tài năng, nhưng thiếu khôn ngoan và đức độ khi làm chuyện thoán đoạt giết vua quá tàn ác, nên nhà Hồ đã không được lòng người.
Một số quan chức nhà Trần không phân biệt lợi hại, cầu cứu nhà Minh đem quân đánh nhà Hồ, khiến nhà Minh thực hiện thủ đoạn chính trị đưa bọn quan lại nhà Trần như Trần Thiêm Bình, Nguyễn Toán, Bùi Bá Kỷ trở về, lấy cớ khôi phục nhà Trần để đánh nhà Hồ.
Nhiều quan quân bỏ nhà Hồ theo giặc, tiết lộ nội tình giúp các tướng Tàu là Mộc Thạnh và Trương Phụ nắm rõ binh tình nhà Hồ, tiến đánh, nhanh chóng chiến thắng, bắt cha con nhà Hồ đưa về Tàu, chấm dứt 7 năm của triều đại nhà Hồ, khiến nước Nam lại rơi vào sự đô hộ hà khắc của nhà Minh.
**Ngô Sĩ Liên:
'-Đạo của tiên thánh nếu không có Khổng Tử thì không ai phát huy được. Hậu thánh sinh ra, nếu không có Khổng Tử thì không còn ai làm khuôn phép nữa. Từ khi có sinh dân đến nay, chưa ai nổi tiếng hơn Khổng Tử, thế mà Qúy Ly lại dám khinh suất bàn về ngài, thì thực là không biết tự lượng sức mình.
'-Họ Hồ giết Trần Thuận Tông mà cướp lấy nước, những người như Trần Nguyên Hãn, Trần Khát Chơn mưu giết mà không được. Sau khi họ chết, trong khoảng 7-8 năm, không còn ai có thể làm được việc ấy nữa. Họ Hồ tự cho là người trong nước không còn ai dám làm gì nữa. Nhưng bọn loạn thần tặc tử thì ai ai cũng có thể giết chúng được, và trời cũng không một ngày nào tha trừng phạt chúng dưới gầm trời này! Người trong nước giết chúng không được thì người nước láng giềng có thể giết, người nước láng giềng giết không được thì người Di người Địch có thể giết. Vì thế người Minh mới có thể giết được chăng? Còn như người Minh giả nhân giả nghiã, sát hại sinh linh thì chính là bọn giặc bạo tàn. Cho nên sau này Lê Thái Tổ Cao Hoàng Đế ta lại có thể tiêu diệt được bọn chúng. Than ôi, bọn phạm tội đại ác làm sao trốn được sự trừng phạt của trời? Đạo trời rõ ràng như vậy, đáng sợ thay!
**Ngô Thời Sĩ:
'-Qúy Ly thì phiền mà vụn vặt giống như Vương Mãng, xính học thuật thì lại quá hơn, thích việc đời cổ giống như Vũ Văn, tài kinh tế thì không bằng. Tự lúc đảm đương việc nước, đổi hết chế độ cũ, đặt ra Thượng Lâm tự mà bãi Sở Đăng văn, phát hành tiền giấy thông bảo mà cấm dùng tiền thực chất, định lệ khoa cử lập quy chế học, đổi tên châu trấn, phân biệt cấp bậc mũ áo, để sửa sang nên đời thái bình; nhưng mà gốc lớn đã lỗi rồi, còn thi hành điều gì được nữa? Huống chi nhà Minh đương chăm chú xâm lăng miền Nam, lại không biết phòng bị, quên mất sự giữ vững cửa ngõ; chăm thay đổi hòn ngói, mà cái xà nhà cưa nát, làm như thế chỉ chóng mất nước thôi.
**Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái:
'-Qúy Ly quyền lấn trong ngoài,
'Buông lời sàm gián quên bài tôn thân.
'Truyền vời Phế Đế vào sân,
'Lụa đào một tấm bể trần kết oan.
'Thuận Tông tuổi mọn tài hèn,
'Ngôi không mà để chính quyền mặc ai.
'Phải chăng bởi tại mưu người,
'Mà điềm trẫm triệu cơ trời lạ sao!
'Thượng hoàng một giấc chiêm bao,
'Bạch kê, xích chủy ứng vào câu thơ.
'Loạn trưng đã hiện từ giờ,
'Mà đồ tứ phụ ai ngờ vẽ ra!
'Chim non đem gửi ác già,
'Chắc đâu phó thác hẳn là đắc nhân!
'-Nguyễn Khang giả tiếng họ Trần,
'Sang Minh xin lấy viện quân đưa về.
'Chi Lăng nghe động cổ bề.
'Lý Bân, Mộc Thạnh trỏ cờ tới nơi.
'Quân Minh nhân thế đuổi dài,
'Nhị Hồ mới chạy ra ngoài phương xa.
'Núi Cao Vọng, bến Kỳ La,
'Đường cùng bị bắt cũng là trời xui!
'Tôn vinh kể được mấy hơi,
'Sáu năm tiếm vị, muôn đời ô danh.
**Trần Trọng Kim:
'Xem công việc của Hồ Qúy Ly làm thì không phải là một người tầm thường, nhưng tiếc thay, một người kinh tế như thế mà giả sử cứ giúp nhà Trần cho có thủy chung, thì dù giặc Minh có mạnh đến đâu đi nữa cũng chưa hầu dễ đã ăn cướp được nước Nam, mà mình lại được tiếng thơm để lại ngàn thu. Nhưng vì cái lòng tham sui khiến, hễ đã có thế lực thì sinh ra bụng muốn tranh quyền cướp nước. Bởi thế, Hồ Qúy Ly mới làm sự thoán đoạt, và nhà Minh mới có cái cớ mà sang đánh lấy nước An Nam. Mà cũng vì cái cớ ấy cho nên lòng người mới bỏ họ Hồ mà theo giặc, để đến nỗi cha con họ Hồ thua chạy bị bắt, phải đem thân đi chịu nhục đất người! Nhưng đấy là cái tội làm hại không riêng cho một họ Hồ mà thôi, còn cái tội làm mất nước Nam, thì ai gánh vác cho Hồ Quý Ly?
**Nam Phong tạp chí:
Trong Nam Sử liệt truyện khảo cứu trên tạp chí Nam Phong số 100, Lê Thúc Thông viết:
'Xem Qúy Ly đương buổi Tây Lịch 1411, khi ấy các nước Âu Châu chưa đến trình độ bán khai, mà nước ta đã có Hồ Qúy Ly bầy đặt các việc trước đã khêu đèn văn minh, phỏng Bá Kỳ chẳng đưa quân Minh về trở ngại, để cho Qúy Ly hết sức kinh lý giang sơn, trùng tân nhật nguyệt, nước ta hẳn kéo cờ văn minh, thủ xuất trước các nước Á Châu.
**Nguyễn Đổng Chi:
Trong Việt Nam Cổ Văn Học Sử do nhà Hàn Thuyên xuất bản năm 1942, Nguyễn Đổng Chi viết:
'Tư tưởng và hành vi của nhà độc tài Hồ Qúy Ly có thể sánh với Vương An Thạch (1021 - 1086) đời Tống bên Tàu. Vương cũng có một độ đã bài xích những lối học huấn hỗ và chú sở của tiên nho, cùng là chủ trương những vấn đề cải lương Trung Quốc. Họ Hồ đã chịu ảnh hưởng mạnh cái tinh thần đó, nên quyết tâm mở một lối thực học đi đôi với nền tảng quốc gia xã hội, mong làm cường thịnh nước nhà. Người sau này còn hơn người trước về chỗ chiếm lấy chiếc ngai vàng cho tiện bề hành động.
'Nhưng đáng tiếc cho chiếc ngai vàng ấy không bao lâu bị sụp đổ, và lôi cuốn mọi thứ đi mất. Bàn tay phá hoại ấy chính là người Minh, nhưng một số đông người Việt Nam lấy cớ phục hồi nhà Trần mở đường đón giặc, họ phải chịu một phần trách nhiệm.
**Báo Tin Mới
Số ngày 31-10-1944 viết:
'Đọc Nam Sử, những cuộc cải tạo về chính trị, xã hội, học thuật không phải là ít; nhưng điều khiến cho chúng ta phải ngạc nhiên và nhớ tiếc hơn cả, là chính sách táo bạo có thể coi như một cuộc cách mạng của họ Hồ vào cuối thập tứ và đầu thập ngũ thế kỷ... Đem đối chiếu những chính sách của Hồ Qúy Ly với lịch sử quốc tế hồi bấy giờ, và nhất là đem đối chiếu với hoàn cảnh Á Đông lúc ấy, cuộc cải cách của Hồ Qúy Ly thực là lớn lao về cả tinh thần lẫn phạm vi của nó. Cuộc cải cách ấy nếu được tiếp tục trong một thời gian khá lâu, tất phải đem dân tộc Việt Nam, một dân tộc lúc ấy thiếu tổ chức, đến một mức phú cường. Nhưng đem reo rắc vào một đám dân chúng chưa giác ngộ, những chủ trương không gặp được một sức hậu thuẫn đầy đủ, cho nên trước âm mưu của bọn Việt gian làm bung sung cho quân đội nhà Minh, sự nghiệp của họ Hồ đã tan tác sau một thất bại đau đớn.
**Đào Duy Anh:
'Tóm lại, sự nghiệp của Qúy Ly không được tầng lớp xã hội nào ủng hộ mà lại bị nhiều tầng lớp oán ghét, cho nên cuối cùng phải thất bại. Qúy Ly muốn giải quyết vấn đề do nguy cơ của Nhà nước phong kiến đặt ra, nhưng lập trường lưng chừng của Quý Ly - ức chế tầng lớp đại quí tộc mà không dựa hẳn vào tầng lớp bình dân là lực lượng mới đang phát triển và rất có uy tín đối với dân chúng lao động là nền tảng của xã hội, chỉ cố sức dựa vào tầng lớp tiểu qúi tộc quan liêu mà Qúy Ly chưa có điều kiện để chinh phục hẳn - không thể giải quyết được vấn đề. Nhất thời Qúy Ly trấn áp được đấu tranh giai cấp, nhưng khi quân Minh tiến công thì vì không dựa được vào sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, quân lực khá mạnh của Qúy Ly tan rã rất mau. Nhà Trần đã bị cuộc đấu tranh của nhân dân lay chuyển, để cho Qúy Ly thừa cơ cướp ngôi, nhà Hồ lại vì nhân dân không theo mà cũng sụp đổ.
**Phạm Văn Sơn:
Nguyên nhân thất bại của Hồ Qúy Ly:
'Hồ Qúy Ly bước chân vào chính trường từ năm Tân Hợi 1371 đến năm Đinh Mão 1387, giữ chức Đồng Bình chương sự nắm hết quyền chính trong tay. Đến năm Canh Thìn 1400 Qúy Ly phế bỏ Thiếu Đế và lên làm vua. Từ cuối năm Bính Tuất qua năm Đinh Hợi, Qúy Ly phải đương đầu với quân xâm lăng, sau 9 tháng chiến tranh, họ Hồ thất bại một cách đau đớn, thảm thương.
'Vì đâu họ Hồ đã đi tới các kết quả bi đát đó?
'Các vua chúa mất ngai vàng, nghiệp bá, các nhà chính trị ngã gục trên nẻo đường danh vọng xưa nay không ngoài lý do thất nhân tâm. Ta hiểu câu thất nhân tâm là mất lòng dân và trí thức trong nước, là hai thành phần quan hệ của nền tảng quốc gia. Đây là một lẽ chung. Họ Hồ cũng không thoát khỏi công lệ đó trong khi đổ sụp.
'Những hành động nào đã làm họ Hồ thất nhân tâm:
'1/ Họ Hồ đã tiến quá nhanh trên đường danh vọng, quyền thế lẫy lừng, dẫu không va chạm vào quyền lợi của ai cũng dễ khiến nhiều kẻ ghét ghen, huống chi họ Hồ đã thi hành nhiều việc cách mạng xã hội nghịch với quyền lợi của nhiều giai cấp. Tỷ dụ: hạn chế quyền tư hữu tài sản do việc cải cách điền địa có lợi cho dân nhưng có hại cho qúy tộc. Việc cách mạng hết sức táo bạo này lại kèm thêm việc hạn chế gia đồng, đã kìm hãm và giảm hẳn thế lực của đẳng cấp phong kiến, khiến họ phải tìm cách chống lại họ Hồ để bảo vệ tương lai của họ.
'2/ Việc cải cách tăng đạo cũng có tính cách hạn chế ảnh hưởng của một giai cấp rất gần dân chúng. Sự chống trả của giai cấp này không phải là không nguy hiểm, nhất là về mặt tuyên truyền.
'3/ Việc cải cách tiền tệ, tuy có thuận tiện cho việc mua bán của dân chúng, nhưng quá mới nên dân chúng chưa hiểu được lợi ích. Thấy tiền bạc của mình bắt buộc phải đổi lấy tiền giấy, dân chúng sao khỏi được sự hoang mang, hờn giận.
'4/ Việc giết hại con cháu họ Trần, nhất là vua Thuận Tông - con rể của Qúy Ly, và việc hạ sát trên 370 vương hầu, tướng lĩnh, đại thần trong vụ âm mưu ngày Hội Thề ở Đốn Sơn xúc động dân chúng rất mạnh, không kể các giai cấp quyền qúy đang bị họ Hồ uy hiếp. Ngay từ khi Qúy Ly thi hành các việc cải cách, Qúy Ly đã bị những cuộc phản tuyên truyền rất dữ dội. Việc thẳng tay đàn áp đối phương và lưu huyết sau này, lại càng gia tăng hiệu lực cho cuộc phản tuyên truyền của phe đối lập. Nhân dân vào đời Lý Trần lại đang được hun đúc trong cái lò Phật Giáo và Khổng Giáo, thấy việc giết vua triệt hạ đại thần không khỏi có sự công phẫn và nghi ngờ. Trước vấn đề này, nhà chính trị đại tài đó đã thiếu xót một cách tai hại một kỹ thuật trọng yếu là vận động nhân dân, lấy nhân dân làm hậu thuẫn. Việc làm càng bạo động càng phải sửa soạn dư luận. Họ Hồ quả đã rất khinh xuất, kể từ các việc cải cách quốc gia có lợi cho nhân dân đến việc bước lên ngôi cửu ngũ. Họ Hồ đã không hấp thụ được bài học thân dân và dân vận của Trần triều thuở trước, có lẽ vì không để ý đến nhân dân, có lẽ cho rằng ông chỉ cần hướng mọi công cuộc cải cách quốc gia về quyền lợi đại chúng là đủ. Bởi sự thiếu xót này, người ta đã nghĩ đến việc làm của ông không vì công ích, trái lại có mục đích & cứu cánh hoàn toàn tư lợi.
'Bàn về việc đàn áp phong kiến đời bấy giờ, ta nghĩ thế nào về Hồ Qúy Ly? Họ Hồ tàn nhẫn lắm chăng?
'Xét các việc đã xảy ra, quả họ Hồ đã tàn nhẫn thật, nhưng bình tĩnh và khách quan mà nói, nhà làm chính trị như họ Hồ giữa một thời vua hèn, tôi đốn, đẳng cấp phong kiến lại quá ngoan cố, tham tàn, chống lại mọi việc cải cách cấp tiến, vì nghịch với quyền lợi của họ, thì nhà làm chính trị đó nếu muốn thành công hay đứng vững, không thể không có những cử chỉ quyết liệt, mạnh bạo.
'Nói một cách khác, xã hội Việt Nam bấy giờ đang bị một bạo bệnh, Hồ Qúy Ly đã phải dùng bạo phương vì không thể còn trì hoãn được với tình thế. Họ Hồ ngồi trên lưng cọp, lên đã khó - xuống còn khó gấp bội. Có ở vào hoàn cảnh họ Hồ mới biết. Ngoài ra đứng trên quan điểm nhân dân và cách mạng, ta còn lý gì để thương tiếc đám vua quan bất lực, mục nát đời Trần? Thương tiếc bọn này để mất nước với ngoại địch, để dân hao mòn vì đói khổ? Ý niệm này vào thời nào cũng phải coi là một sự phản bội quốc gia và phản tiến hóa!
Nhận Định
Qua các lời bàn kể trên, chúng ta thấy các nhà bình luận vẫn chưa đứng trên lập trường chung của Quốc Gia & Dân Tộc để nhận định, hầu có thể rút ra những bài học lớn chung cho người Việt. Vì ai nấy vẫn nhìn vấn đề bằng quan điểm riêng tư của mình theo sở học đông tây từ bên ngoài, mà chưa thể thăng hoa lên những ý niệm cao cả của truyền thống dân tộc từ xa xưa, trước khi các tư tưởng ngoại lai du nhập vào Việt Nam.
Vì thực lòng muốn giúp nước cần phải biết quên hẳn bản thân mình, như Phù Đổng Thiên Vương không nhận công cán, Tản Viên Sơn Thần sẵn sàng nhường quyền cho kẻ khác để giúp dân yên lành, Chử Đồng Tử từ bỏ mọi thứ để đi đây đó giúp dân...
Họ Hồ cướp quyền, đặt tên nước là Đại Ngu để vinh danh dòng dõi nước Ngu của mình ở bên Tàu, là bằng chứng Qúy Ly chỉ nghĩ đến dòng họ bản thân hơn là quốc gia & dân tộc?! Đây là lỗi lầm chung lớn nhất trong lịch sử nhân loại, từ tây sang đông - từ cổ chí kim, mà các nhà học thức Việt khi cầm quyền bị ảnh hưởng rất tai hại từ xưa cho đến nay, từ đời Trần cho đến thời Ngô Đình Diệm, Hồ Chí Minh.
Chúng tôi xin lấy 3 tiêu chuẩn Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa ra, để xét sự thất bại bi thảm của Hồ Qúy Ly:
*Về Thiên thời:
Việc Hồ Qúy Ly là người tài giỏi, gặp cơ may nắm quyền bính, đã không biết tận dụng thời cơ để phát triển quốc gia & dân tộc, mà âm mưu thoán đoạt ngôi vua, thủ lợi hẹp hòi riêng tư cho dòng họ, thực hiện các hành vi ác sát, làm mất đi yếu tố thiên thời cao qúy khi nắm quyền nước.
Việc các vua nhà Trần yếu kém chính là hoàn cảnh 'thời thế tạo anh hùng' để họ Hồ tỏ tài của mình hơn bao giờ hết? Nhưng thay vì dùng tài năng để phục vụ quốc gia & dân tộc, đem lại sự thanh bình thịnh vượng cho dân nước, Hồ Qúy Ly đã rơi vào hoàn cảnh 'thời thế tạo gian hùng' thường thấy trong lịch sử các triều đại khi suy vong, bị những đại thần thay vì lo phục hưng thì lại tìm cách thoán đoạt, làm suy yếu thêm thế nước, mang tiếng xấu muôn đời?!
*Về Địa lợi:
Năm 1380 Trần Khát Chơn đã giết được Chế Bồng Nga, đánh tan Chiêm Thành, giúp đất nước thanh bình, tạo hoàn cảnh thịnh trị. Nếu Hồ Qúy Ly biết lợi dụng thời gian lâu dài 20 năm này - từ năm 1380 đến 1400 - lo kiến thiết quốc gia giàu mạnh, đoàn kết dân tộc, thì quân Minh chẳng thể dòm ngó? Chính do những âm mưu tiếm quyền, sát hại công thần nhà Trần, họ Hồ đã khiến mọi người tìm cách chống đối, kể cả việc đi theo quân Minh để đương đầu. Một khi đất nước lâm cảnh thù trong & giặc ngoài, chế độ làm sao có thể tồn tại?!
Cộng sản Việt Nam cũng rơi vào tình trạng như Hồ Qúy Ly.
*Về Nhân hòa:
Yếu tố Nhân hòa được coi là quan trọng nhất trong 3 yếu tố thành bại của một quốc gia & dân tộc. Vì nếu ai nấy đoàn kết một lòng, thì sẽ tạo ra thời cơ để khai triển địa lợi, phát triển sức mạnh quốc gia dân tộc.
Bậc Trí giả luôn biết kết hợp nhân tâm trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đánh mất yếu tố Nhân hòa, sẽ bị mọi người chống lại mà bại vong nhục nhã.
Vấn đề quan trọng của người cầm quyền là biết giáo dục quốc dân theo chiều hướng tình tự dân tộc, để ai nấy biết đặt quốc gia & dân tộc lên trên các tôn giáo & đoàn thế và ảnh hưởng ngoại lai, hết lòng vì nước vì dân. Vì chỉ khi nào đất nước mạnh, dân trí hùng, thì mọi người mới có thể an cư lạc nghiệp, vui với các giá trị tinh thần cao đẹp của các tôn giáo, tự do sinh hoạt đoàn thể chính trị một cách chính đáng?
Có thể nói các vua đầu đời nhà Trần nhờ hiểu chân lý ''yêu nước là phải thương nòi''; nên chỉ sau khi giúp đất nước thịnh trị, mới trao ngôi báu cho con để thảnh thơi tu đạo. Tuy tu đạo, các vua đầu đời Trần vẫn thường về thăm triều đình, để tâm theo dõi, cố vấn dạy dỗ các vua đang cầm quyền. Cụ thể như vua Anh Tôn say rượu, bị Thượng hoàng bắt gặp, phải nhờ Đoàn Nhữ Hài dâng biểu tạ tội...
Đến các vị vua cuối đời Trần, đã không tuân thủ nguyên tắc của tiền nhân, bỏ đi tu hành khi việc triều chính ngổn ngang, chỉ nghĩ đến sự giải thoát cho riêng mình mà mặc dân, giúp cơ hội cho bọn gian thần như Hồ Qúy Ly âm mưu phản trắc, cướp quyền, làm mất cả ngôi báu lẫn đất nước.
Cũng chỉ vì không biết đặt quyền lợi quốc gia & dân tộc lên trên quyền lợi tôn giáo, đảng phái, cá nhân, mà cả hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào hậu bán thế kỷ XX đã để đất nước bị mất về tay đảng Cộng sản, đẩy quốc gia & dân tộc tới chỗ lâm nguy trước âm mưu thôn tính của Trung Cộng; khiến các tôn giáo và đảng phái chính trị ngay sau đó, bị bạo quyền Cộng sản đàn áp cực kỳ thô bạo dã man?!
***
Bài học từ triều đại nhà Hồ, là có tài chưa đủ, mà cần có đức. 'Đức nhỏ' thu hẹp trong phạm vi gia đình, tôn giáo, xã hội. 'Đức lớn' mở rộng ra phạm vi Quốc Gia & Dân Tộc, Thế Giới & Nhân Loại.
Người có đức nhỏ là biết hy sinh bản thân cho sự thịnh vượng của gia đình, đoàn thể, tôn giáo, cộng đồng; không quản công lao gầy dựng, lấy thành quả làm niềm vui hơn danh vọng hão huyền; chấp nhận mọi thị phi của các phần tử không xứng đáng.
Người có đức lớn còn phải biết vượt qua cái đức nhỏ hạn hẹp trong phạm vi gia đình, đoàn thể, tôn giáo, cộng đồng; hết lòng lo chuyện lớn của dân, của nước, của đồng loại, hóa giải được các tỵ hiềm do vài cá nhân của các tôn giáo, đoàn thể chính trị... kém hiểu biết trong xã hội gây ra - khi họ bị va chạm quyền lợi riêng tư, chưa có ý thức chung lớn lao của các bậc đại nhân & đại nghiã.
Cộng sản Việt Nam sở dĩ có thể tác hại cùng cực, cũng là do họ coi Đảng của họ trên cả Tôn giáo, trên cả Quốc gia & Dân tộc.
Nhìn vào tình hình trong và ngoài nước hiện nay, chúng ta thấy sự chia rẽ bất đồng là do nền giáo dục hủ bại khiến ai nấy chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư của tập thể nhỏ bé như đảng phái, tôn giáo, mà quên đi quyền lợi chung lớn lao của quốc gia & dân tộc, đã và đang bị xâm hại ác liệt, khiến đất nước suy yếu, dân chúng lầm than.
Ai cũng tự cho mình là làm tốt và có đức, mà không phân biệt đâu là Đại sự - đâu là Tiểu sự, đâu là 'Đại Đức' - đâu là ' Tiểu Đức'?! Hiểu như vậy mới thấy những danh xưng tôn kính như 'đại đức' với các vị mới tu hành, chỉ đạt thành quả bước đầu của Phật Giáo (dưới địa vị Thượng tọa, Hòa thượng), 'đức cha', 'đức ông'... của Thiên Chúa Giáo... là chưa thỏa đáng?!
Khi tham gia hoạt động xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ tại tiểu bang Victoria, Úc Châu, chúng tôi chỉ thấy sự góp mặt của các vị lãnh đạo hai tôn giáo Hòa Hảo và Cao Đài. Còn các vị lãnh đạo các tôn giáo khác ít thấy léo hánh tới, như vậy có nên báo động về tinh thần quốc gia & dân tộc hiện nay hay không?!
Đây chính là chỗ khác biệt giữa quan điểm 'Nhân & Trí & Hùng' của truyền thống Rồng & Tiên, so sánh với quan điểm 'Bi - Trí - Dũng' của Phật - Giáo, và 'Nhân - Trí - Dũng' của Nho - Giáo...
Vì quan niệm 'Hùng' của người Việt là phải vừa 'Thành Nhân' theo các tiêu chuẩn đạo đức của các tôn giáo, vừa giúp quốc gia & dân tộc 'Thành Công', mới được Quốc Gia & Dân Tộc 'ghi công' - không phân biệt màu sắc tôn giáo và chính trị, đời đời phong làm thánh, tôn làm thần, thờ phượng kính ngưỡng noi gương nơi các đình chung.
Điều quan trọng là cần nghiên cứu các giá trị truyền thống uyên bác ẩn tàng qua các cổ tích Việt, hầu có thể phát huy văn hóa về nguồn, trong việc giáo dục nhân luân từ nhà trường đến xã hội, thay các thần tượng Khổng Tử, Karl Marx... bằng Thánh Gióng, Thánh Trần... vì các vị nhân thần của Việt Nam cũng có những tư tưởng và hành động rất cao siêu, có thể khai triển thành những nhân sinh quan về triết học, đạo đức học uyên thâm.
[Trước Hồ Qúy Ly, bên Trung Quốc đã có Vương Bật (226 - 249), là người tuy chỉ sống được tới năm 24 tuổi, nhưng đã lưu lại văn hóa Trung Quốc các ảnh hưởng lớn lao, vượt xa tuổi đời. Nho học thời Hán tư duy rất thấp, các sách chú giải kinh sách phồn tạp nhiều khuyết điểm, luận chứng 'thiên nhân tương dữ' thô thiển, gây ra sự mê tín dị đoan từ trong triều đình đến ngoài xã hội. Công lớn của Vương Bật là biện luận đề ra các phạm trù về 'Hữu - Vô', 'Thể - Dụng', 'Bản - Mạt', 'Ngôn - Ý', 'Động - Tĩnh', nêu các hàm ý mới về 'Trời - Người'. Từ đó, không những Vương Bật nâng cao tư duy lý luận của Triết học Trung Quốc, mà còn giúp hệ thống hóa một số phạm trù triết học, kiến lập bản thể luận trong hệ thống triết học. Ông dùng Lão chú Dịch của Nho - lại dùng Nho chú Lão, làm thay đổi cục diện tư tưởng, hình thành 'Nho & Đạo kiêm thông'.]
Hello and welcome to Giao Su XKZ, my professional blog where I share my thoughts and insights on various topics related to my industry. I aim to provide valuable information and tips that can help you enhance your skills and knowledge in this field. Stay tuned for regular updates and feel free to share your comments and feedback with me.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.