Họ Mạc dòng dõi họ Cơ đời nhà Châu bên Trung Quốc, sau theo về nhà Hán.
Nhờ có quân công tứ tính, họ Mạc được cai trị đất Trịnh Ấp. Nay ở phủ Hà Gián bên Tàu, còn một nơi gọi là Mạc Châu - đất phát tích của dòng họ Mạc.
Về sau con cháu họ Mạc thiên cư về phương nam, rất thịnh ở Quảng Đông dưới thời nhà Tống. Một chi họ Mạc di cư sang làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đến triều vua Lý Nhân Tông có Mạc Hiển Tích đỗ thủ tuyển làm quan đến chức Thượng thư.
Sau 5 đời có Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên dưới triều vua Trần Anh Tông, đi sứ sang Tàu, thi thố tài năng, được vua Tàu phong làm 'Lưỡng Quốc Trạng Nguyên'.
Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời Mạc Đĩnh Chi, theo cha mẹ từ Hải Dương qua tỉnh Kiến An lập nghiệp, gia đình sa sút phải làm nghề đánh cá, tuy dòng dõi thế phiệt.
Nhờ có sức khỏe và võ nghệ chân truyền của dòng họ Mạc từ bên Tàu, Mạc Đăng Dung đi thi quan võ, đậu Đô lực sĩ dưới triều vua Lê Uy Mục, làm quan tới tước Vũ Xuyên Bá, thăng Vũ Xuyên Hầu dưới triều vua Lê Chiêu Tông, được giao trọn binh quyền.
Khi vua Lê Chiêu Tông bại trận qua đời, Mạc Đăng Dung tiếm quyền tự lên làm vua năm Định Hợi 1527, lấy niên hiệu là Minh Đức.
Mặc dù bị các đình thần nhà Lê phản đối, mắng chửi rồi tuẫn tiết, hoặc chiêu binh chống lại... Mạc Đăng Dung vẫn truy phong người tuẫn tiết, trọng dụng những người còn lại.
Đăng Dung ở ngôi 3 năm, bắt chước thông lệ nhà Trần, nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, lên làm Thái thượng hoàng, nhưng vẫn trực tiếp điều khiển việc nước.
Đăng Doanh là con trưởng Đăng Dung, không rõ về mẹ, được truyền ngôi ngày 1-1 năm Canh Dần (1530).
Mạc Đăng Doanh lên ngôi, đặt niên hiệu là Đại Chính, ở ngôi được 10 năm thì mất, truyền ngôi lại cho con là Mạc Phúc Hải.
Tuy Đăng Doanh làm vua, nhưng mọi quyết định đều do Đăng Dung quyết đoán.
Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, một số quan nhà Lê qua Tàu cầu cứu với vua Minh. Nhà Minh nhân dịp này muốn thôn tính nước Nam trở lại, năm 1537 sai Cừu Loan đem quân qua, một mặt truyền hịch thưởng công cho ai bắt được cha con Mạc Đăng Dung, một mặt sai người đưa thư cho Mạc Đăng Dung, nói nếu biết sang Tàu chịu tội, sẽ tha cho tội chết.
Phúc Hải là con trưởng của Đăng Doanh, không rõ về mẹ, lên ngôi tháng 1 năm Canh Tí (1540).
Mạc Phúc Hải nối ngôi, lấy niên hiệu là Quảng Hòa.
Tháng 11 năm Canh Tí 1540, Mạc Đăng Dung thấy quân nhà Minh sửa soạn sang đánh, lo sợ, để Mạc Phúc Hải ở lại giữ nước, cùng bọn quần thần hơn 40 người, tự xin đầu hàng ở của ải Nam Quan, nộp sổ đinh, sổ điền, dâng đất 5 động. Lại đem vàng bạc dâng riêng cho bọn quan nhà Minh, nhờ lo lót giúp.
Nhà Minh tuy bề ngoài tỏ vẻ hống hách, nhưng trong lòng còn nhớ đến cái chết của Liễu Thăng, nên phong cho Mạc Đăng Dung làm Đô Thống sứ, hàm quan nhị phẩm của triều đình nhà Minh.
Trước đó các công thần nhà Lê nổi dậy, chống nhà Mạc để khôi phục Lê triều.
Con của cựu thần Nguyễn Hoằng Dụ là Nguyễn Kim khởi binh, năm 1532 tìm được người con của vua Chiêu Tông là Duy Ninh, lập lên làm vua - tức vua Trang Tông. Nguyễn Kim có một người tướng giỏi là Trịnh Kiểm, được Nguyễn Kim gả con gái là Ngọc Bảo, để cùng chung sức phù Lê diệt Mạc.
Năm 1542 Nguyễn Kim giúp vua Trang Tông đánh Thanh Hóa, Nghệ An. Năm 1543 chiếm được Tây Đô, Tổng trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất ra hàng. Năm 1545 Nguyễn Kim đem quân đánh Sơn Nam, bị Dương Chấp Nhất đầu độc chết, binh quyền về tay Trịnh Kiểm.
**Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm hiệu Bạch Vân cư sĩ, được tôn là Trạng Trình - (theo ý dân gian 'Nói giỏi như Trạng) - người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, sinh năm 1492 đời vua Lê Thánh Tông, từ trẻ đã nổi tiếng học giỏi, có biệt tài về lý số. Do vậy ông không chịu đi thi vì thấy thời thế lúc đó các vua nhà Lê đã suy đồi, quan lại xấu xa gây ra lắm cảnh nhiễu nhương, bất lợi cho người ngay thẳng.
Khi ông 44 tuổi, do thấy Nhà Mạc giúp đất nước yên bình, bạn bè khuyên giục, ông mới đi thi, đỗ Trạng nguyên năm 1536.
Vua Mạc cử ông làm Đông Các Đại Học sĩ, làm quan 8 năm rồi xin về trí sĩ, sau khi dâng sớ hạch tội 18 tên lộng thần không được chấp nhận.
Ông trở về quê lập am Bạch Vân, ngao du sơn thủy làm nhiều thơ nói về thời thế có nội dung khuyên bảo răn đời. Do vậy, tuy có tư tưởng Lão Giáo, nhưng đã bản địa hóa, khi vẫn tích cực tìm cách cứu giúp các Vua Chúa - không 'vô vi' mặc thiên hạ tương tranh như triết lý Lão Trang.
Năm Quảng Thiệu (1516 - 1522) đời vua Lê Chiêu Tông có việc biến loạn, Trịnh Tuy và Mạc Đăng Dung đều muốn tranh quyền, đánh nhau mấy năm. Ông tính số Thái Ất, biết nhà Lê chưa dứt, làm một bài thơ khuyên bảo hai bên:
'Non sông nào phải buổi bình thời,
'Thù đánh nhau chi khéo nực cười!
'Cá vực, chim rừng ai khiến đuổi?
'Núi xương, sông huyết thảm đầy nơi!
'Ngựa phi ắt có hồi quay cổ,
'Thú dữ nên phòng lúc cắn người.
'Ngán ngẩm việc đời chi nói nữa,
'Bên đầm ca hát, nhởn nhơ chơi.
Câu 5 ám chỉ nhà Lê sẽ trung hưng. Câu 6 ám chỉ nhà Trịnh tiếm quyền vua.
Ông có viết một bài Sấm Ký được truyền tụng vì có nhiều câu ứng vào các sự kiện lịch sử quan trọng đương thời, và cả nhiều trăm năm sau.
Tuy ông đã về trí sĩ, vua Mạc rất tin tưởng trọng vọng, thường cho người đến hỏi về các việc lớn, phong ông làm Trình Quốc công, nên thường được gọi là Trạng Trình. Ông đã khuyên vua Mạc lên đất Cao Bằng để tồn tại, khuyên họ Trịnh không cướp ngôi các vua Lê, khuyên Nguyễn Hoàng lánh vào Nam để dấy nghiệp... tất cả đều nghe theo, khiến đương thời bớt đi nhiều cuộc tương tranh, người dân bớt khổ cực.
Ông mất năm 1587, thọ 95 tuổi.
Tương truyền Trịnh Kiểm muốn thoán đoạt ngôi vua của nhà Lê, cho người ra Hải Dương hỏi ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không trả lời, mà chỉ bóng gió nói với người hầu rằng: 'Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, nên tìm giống cũ mà gieo mạ'. Nói rồi lại sai người hầu đốt hương ngoài am, rồi nói: 'Giữ am thờ Thánh, thì sẽ được hưởng lộc Thánh'.
(Có sách sử chép đoạn này nói là ông Nguyễn Bỉnh Khiêm sai người ra chùa thắp hương, rồi khuyên 'Giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản'... có thể không đúng, vì Nguyễn Bỉnh Khiêm khi từ quan, về lập am Bạch Vân, sinh sống theo triết lý của Lão Giáo, nên đâu có ra chùa thắp nhang?)
Sứ giả về kể lại tự sự cho Trịnh Kiểm nghe, Trịnh Kiểm hiểu ý không giám manh động. Con cháu họ Trịnh cũng theo lời khuyên này mà chỉ dám xưng Chúa phò nhà Lê, tuy chuyên quyền coi vua Lê như bù nhìn, nắm hết quyền hành.
[Thiển nghĩ, khoa lý số học ngày nay cũng nên bắt chước Nguyễn Bỉnh Khiêm, nghiên cứu một cách sâu rộng về Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa..., hiểu lẽ thịnh suy ''bĩ cực - thái lai'' cố vấn giúp người lớn nhỏ biết thời vận tốt xấu mà tiến lui, sẽ là điều hữu ích vô vàn - thay vì chỉ bói toáncác việc tầm thường, thoái hóa thành mê tín dị đoan nhảm nhí?]
Các danh sĩ Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh thấy họ Trịnh một lòng phù Lê, ra giúp. Từ đó Trịnh - Mạc chia lãnh thổ làm 2 phần:
-Từ Thanh Hóa trở vào là Nam triều, thuộc nhà Lê, do họ Trịnh quán xuyến.
-Từ Sơn Nam trở ra là Bắc triều, thuộc nhà Mạc quán xuyến.
Phúc Nguyên là con trưởng của Phúc Hải, không rõ về mẹ và năm sinh, lên ngôi tháng 5 năm Bính Ngọ (1546).
Năm Bính Ngọ 1546, Mạc Phúc Hải mất, Mạc Phúc Nguyên nối ngôi, lấy hiệu là Vĩnh Định.
Chú của Mạc Phúc Nguyên là Mạc Kính Điển, hơn 10 lần đem quân vào Thanh Hóa đánh họ Trịnh, nhưng không thành công. Trong khi đó Trịnh Kiểm cũng đem quân ra Sơn Nam đánh 6 lần, cũng thất bại.
Chỉ vào năm 1559, Trịnh Kiểm đánh chiếm được các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Kinh Bắc, Lạng Sơn... sắp chiến thắng, nhưng bị Mạc Kính Điển đem quân đánh úp Thanh Hóa, khiến Trịnh Kiểm phải bỏ về giữ Tây Đô.
Cuộc chiến tranh ngoài Bắc giữa Trịnh Kiểm và Mạc Kính Điển kéo dài nhiều năm.
Mậu Hợp là con của Phúc Nguyên, không rõ về mẹ và năm sinh, lên ngôi tháng 1 năm Nhâm Tuất (1562). Vì Mậu Hợp bị giết nên theo điển lễ xưa, không được đặt miếu hiệu.
Năm 1561 Mạc Phúc Nguyên mất, Mạc Mậu Hợp lên thay.
Năm 1570 Trịnh Kiểm mất, Trịnh Cối được trao quyền, nhưng Cối là người say đắm tửu sắc, không được tin phục, bị em là Trịnh Tùng cướp quyền. Trịnh Cối đem quân đầu hàng nhà Mạc, được phong quan tước. Quân nhà Mạc nhân dịp này tấn công, khiến Trịnh Tùng phải phò vua Lê chạy về Đông Sơn. Mạc Kính Điển đánh lâu không xong, hết lương thực phải rút về Bắc.
Trịnh Tùng cậy thế hống hách, khiến vua Lê Anh Tông lo ngại, mưu cùng Lê Cập Đệ giết Tùng, nhưng âm mưu bại lộ, Lê Cập Đệ bị Trịnh Tùng giết. Vua Lê Anh Tông bỏ chạy vào Nghệ An, sau cũng bị Trịnh Tùng giết.
Nhớ lời chỉ bảo của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trịnh Tùng không giám thoán ngôi, lập hoàng tử thứ 5 là Duy Đàm lên ngôi, là vua Lê Thế Tông.
Từ năm 1573 đến năm 1583, trong 10 năm liền Trịnh Tùng cố thủ ở Thanh Hóa, các tướng nhà Mạc là Mạc Kính Điển, Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện đem quân vào đánh nhiều lần, nhưng không thành công. Khi Mạc Kính Điển mất năm 1579, nhà Mạc không còn tướng tài giỏi nữa, thế lực bị suy giảm.
Năm 1583, Trịnh Tùng biết nhà Mạc suy vi, đổi thế thủ thành thế công, đem binh đánh ra Thăng Long, khiến nhà Mạc phải đắp thành Đại La làm kế phòng bị.
Năm 1592 Trịnh Tùng đem quân vây đánh, quân Mạc thua to bỏ thành chạy.
Trịnh Tùng vẫn lo ngại thanh thế nhà Mạc, nên rút quân về Nam.
Mạc Mậu Hợp thay vì củng cố thế lực, lại rơi vào tửu sắc, muốn chiếm vợ của tướng Bùi Văn Khuê, khiến Khuê phải đầu hàng họ Trịnh.
Họ Trịnh dùng Khuê làm tiên phong dẫn quân đánh ra Bắc, thế rất mạnh khiến quân Mạc không địch nổi. Các quan nhà Mạc gồm 17 người thấy Mạc Mậu Hợp bất chính với vợ Bùi Văn Khuê, nên cũng chán nản ra hàng. Mạc Mậu Hợp thua, trốn chạy bị dân chúng chỉ dẫn cho quân Trịnh bắt giết chết.
Con của cựu tướng Mạc Kính Điển, là Mạc Kính Chỉ, nghe tin Mạc Mậu Hợp bị giết, tự xưng vương, tụ tập con cháu họ Mạc chiêu binh gây thanh thế, bị Trịnh Tùng đánh tan.
Tướng Mạc Ngọc Liễn tôn một người con của Mạc Kính Điển là Mạc Kính Cung lên làm vua, chiếm giữ đất Cao Bằng, được nhà Minh giúp tồn tại như một tù trưởng ở vùng núi rừng biên giới, đúng như lời Trạng Trình dạy bảo.
**Đại Việt Sử Ký:
'Nhà Mạc xuống lệnh cấm các xứ trong ngoài dân chúng không được cầm giáo mác, dao nhọn, binh khí đi đường, ai trái lệnh bị bắt. Từ đó kẻ buôn bán hành nhân đều đi lại tay không. Đêm không trộm cướp. Người ta đuổi trâu ra đồng chẳng cần lùa về, một tháng kiểm điểm một lần, có khi đẻ con ra thêm thì chẳng biết là súc vật nhà nào nữa. Trong mười năm liền đi đường không lượm đồ rơi. Cửa ngoài không cần đóng kín'.
**Thiên Nam Ngữ Lục:
'Trách Mạc Đăng Dung bất nhân,
'Thông Nguyên, Quang Thiệu chữ tuần gặp suy.
'Chẳng lòng trợ quốc, trợ thì,
'Học đòi Vương Mãng, phen bì A Man.
'Chưng khi bếp lạnh vạc than,
'Chẳng toan chất củi, lại toan cất nồi.
'Lấy điềm nhật xuất tranh ngôi,
'Ngọn cỏ che người bao kín được lâu.
'Gẫm xem họ Mạc sang giầu,
'Chẳng bằng một chút Lê triều bỏ rơi.
'Hùm báo còn chẳng ăn ai,
'Lọ là cáo thỏ đua hơi cùng rồng.
'Cha con Mạc ở thành Long,
'Như ruồi đỗ ổ, như ong tụ cành.
'Vượn đội đầu khăn khoe mình,
'Đất nổi trên ghềnh, sang trọng trong hang.
'Học loài ếch giếng khoe khoang,
'Tử dương ngỡ đã vẻ vang hơn người.
...
'Hễ kẻ tôi loạn can thường,
'Can danh phạm phận làm đường vong ơn.
'Quên chúa lấy mình làm hơn,
'Trời đất cùng giận, qủy thần cùng căm.
'Kể qua Bành Tổ tám trăm,
'Sáu mươi họ Mạc xem năm bằng ngày.
**Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái:
'Mạc rầy rõ mặt tiếm cường,
'Thăng Long truyền nước, Nghi Dương dựng nhà.
'Dỗ người lấy vẻ tinh hoa,
'Nhưng lòng trung nghiã, ai mà sá theo.
'Cầu phong sai sứ Bắc Triều,
'Dâng vàng, nộp đất nhiều điều đối Minh.
'Lê thần có kẻ trung trinh,
'Trịnh Ngung sang đến Bắc dinh tỏ kêu.
'Minh tham lễ hậu của nhiều,
'Phụ tình trung nghiã, quên điều thị phi.
**Trần Trọng Kim:
'Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến qùi lạy trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú qúi cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.
'Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế, thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê lại trung hưng lên được.
**Đào Duy Anh:
'Họ Mạc thất bại là bởi phần lớn giai cấp quí tộc địa chủ là thành phần có thế lực trong xã hội thời bấy giờ vẫn ủng hộ nhà Lê, rất ít người chịu theo họ Mạc. Đối với nông dân, họ Mạc vẫn giữ chế độ thuế khóa của nhà Lê, không có điều gì mới. Gia dĩ họ Mạc lại mang cái tội cắt đất cho nhà Minh để xin hàng. Trái lại, họ Lê đã thắng mà phục hưng là bởi vẫn còn được nhân dân qui phục. Tài năng của họ Trịnh cũng phải nhờ có nhân tâm mới thành tựu được cuộc phục hưng nhà Lê, và cuộc thống nhất Nhà nước. Nhưng cuộc hỗn chiến phong kiến này kết liễu, thì lại nổi lên ngay một cuộc hỗn chiến phong kiến khác dài lâu hơn.
**Phạm Văn Sơn:
-'Xét bản cáo trạng và cả lời luận tội của tác giả Việt Nam Sử Lược. ta thấy có vẻ dễ dàng và quá giản dị, khiến ta ngạc nhiên về lối suy luận của họ Trần, một nhà nho kiêm cả tân học. Căn cứ vào cuốn sử nào mà Trần Trọng Kim đã hạ những nhát búa quá nặng nề đối với nhà Mạc, một triều đại mà ta không thể phủ nhận tinh thần phục vụ quốc gia của họ?
'Trên tờ Đời Mới năm 1951, ông Lê Văn Hòe có viết một bài khảo luận khá đầy đủ để thân oan cho Mạc Đăng Dung. Họ Lê tỏ ra có công tâm trong vụ này.
'Theo ông Lê thì cả sử Tàu lẫn sử ta đã vô tình hay hữu ý; hữu ý có bề nhiều hơn trong việc miệt thị đối phương. Đó là thói thường của họ, mà gần đây các sử gia Âu Châu cũng không tránh được thói xấu này. Sử Tàu đã chép Hai Bà Trưng bị quân Đông Hán bắt được, xin làm tì thiếp không được rồi bị đem chém ở Lạc Dương, bà Triệu Thị Trinh thì gọi là Triệu Ẩu (chữ Ẩu có nghiã là 'mụ' đã phô bày sự hằn học, cục cằn của sử gia Tàu khi nói đến một nữ anh hùng cách mạng của một địch quốc).
'Sử ta như Việt Sử Toàn Thư, Đại Nam Thực Lục là những cuốn sử do chúa Trịnh sai chép từ đời Lê Trang Tông đến Lê Gia Tông. Đến sử của triều Nguyễn thì lại càng dễ hiểu. Họ Mạc thí vua Chiêu Tông, đầu độc Nguyễn Kim tổ phụ của họ Nguyễn. Tóm lại họ Mạc là kẻ thù số 1 của cả Trịnh lẫn Nguyễn luôn từ 1527 đến 1592. Hai bên đều nhúng tay vào máu của nhau khá nhiều, thì các sử thần của Trịnh và Nguyễn há dám giữ mực vô tư chăng? Dưới thời quân chủ độc tôn, phong kiến chuyên chế, đa số các nho thần chỉ biết uốn ngòi bút theo giòng tư tưởng của nhà vua, nhà chúa, thì ta không lạ gì nếu họ Mạc bị bôi nhọ, và sự nghiệp ngót 150 năm của Mạc triều bị lãng bỏ để lu mờ với thời gian.
...
'Tóm lại vào thời các vua Tương Dực, Uy Mục, Hoàng gia đã suy đốn, hôn ám, vô đạo, thác sinh đủ mối loạn, trên không ra trên, dưới không ra dưới, nghi ngờ mà giết nhau, hoang mang mà hại nhau, người làm tôi không còn biết đặt chữ trung vào đâu nữa.
'Tác giả Nho Giáo cũng là họ Trần, đã từng nói đến chữ ''Trung'' và chữ ''Trinh'' quá thiên về lý thuyết, không nhìn thấy các tội ác của mấy ông ''qủy vương'' nhà Hậu Lê, nên đã khép Mạc Đăng Dung vào tội nghịch thần.
'Ông Lê Văn Hòe trái lại, nói: ''... Muốn họ Mạc cúc cung tận tụy thờ các vua Uy Mục, Tương Dực thật là bắt Võ Thang thờ Kiệt Trụ''. Và triều Lê rối loạn 20 năm rồi, Mạc Đăng Dung mới bước lên sân khấu để thay trò đổi cảnh, kể ra cũng đã chịu nghe ngóng lòng người, xét suy thời cuộc, nên tới năm Đinh Hợi mới nhảy ra lãnh vai trò hoán cải chánh sự, không thể bảo là vội vã và thiếu thận trọng.
'Ông Lê còn nghĩ nếu giết vua là nghịch thần, bất kể trường hợp hữu lý hay không hữu lý, thì lịch sử các quốc gia hẳn chỉ có và chỉ nên có một dòng họ làm vua mà thôi chăng? Lý Công Uẩn cướp ngôi nhà Tiền Lê, Lê Hoàn tư thông với Dương Hậu thay thế nhà Đinh, Trần Thủ Độ lừa gạt một cô gái nhỏ (Lý Chiêu Hoàng)... xét việc họ Mạc cướp ngôi nhà Hậu Lê còn đàng hoàng hơn. Hạ sát vua Chiêu Tông, Mạc chỉ có mục đích hủy bỏ cái bình phong mà các lãnh tụ phong kiến đã dùng để che đậy hành động mưu đồ vương bá của họ, và vì cả lý do bảo vệ cho chính bản thân nữa.
'Và đứng trên quan điểm của nhân dân, thì lại càng vô lý, nếu người ta muốn rằng đám vua quan ác bạo thối nát đời bấy giờ cứ đè đầu cưỡi cổ người dân mãi mãi?
...
'Ngoài việc nộp 5 động, Việt Nam Sử Lược còn nói Mạc Đăng Dung cởi trần, tự trói mình trước cửa viên của địch, có thật chăng? Sử nào chép chuyện này?
'Chúng tôi e rằng việc này đã căn cứ vào tài liệu trong An Nam Truyện quyển 231 có nói đến quyết định của vua Minh Thế Tông là: ''Nếu cha con họ Mạc chịu trói và qui hàng thì sẽ tha tội chết''. Theo chúng tôi đây chỉ là một cách nói mà thôi, cũng như câu ''Bó giáo lai hàng'', còn trên thực tế miễn là có sự qui thuận của đối phương, chớ có mấy khi người ta áp dụng hẳn hoi hình thức này.
...
'Tóm lại cái án Mạc Đăng Dung cần phải xóa bỏ trên bộ quốc sử của chúng ta, để tránh một sự vu hãm và thóa mạ tiền nhân một cách bất công và vô lý. Chúng tôi tin rằng các trí thức và học giả ngày nay, suy xét hay bày tỏ sự việc không hàm hồ như một số sử thần của thời phong kiến vừa qua.
Nhận Định
Từ các tư liệu trên chúng ta thấy:
**Việc học sử mà không nghiên cứu về các lời bàn khác nhau, sẽ là điều vô cùng tai hại, chẳng khác gì chỉ đọc một quyển sách - nghe theo một chiều hướng, khó thấy hết các điều tốt xấu, hay dở?!
Cái ác hại tại Việt Nam bấy nay là Nho Giáo thịnh trị quá lâu, các nhà học thức theo Nho Giáo do lợi ích bản thân đã bị tha hóa, chỉ vận dụng đạo lý của Nho Giáo để nhìn vào các vấn đề, rồi cùng nhau viết sử sách, đầu độc dân tộc... chẳng khác gì Cộng sản Việt Nam tôn sùng chủ nghiã Cộng sản ác độc, tâng bốc Mác Lê tột đỉnh, miệt thị mọi thể chế khác, hình thành một nền giáo dục vong bản, vong quốc, vô cùng mất nhân tâm?!
**Khi phê phán một nhân vật lịch sử, một triều đại lịch sử... chúng ta cần xem xét hoàn cảnh thời đại, công và tội với dân tộc hơn là với một triều đại... theo cung cách bấy nay, một khi quan niệm bất cứ ai bất trung là có tội - mà không hiểu rằng một khi trung thành với tội phạm là đồng lõa với bọn gian ác?
Những kẻ trung thành với Cộng sản Việt Nam bán nước đáng chê hay đáng khen? Người lật đổ những kẻ bán nước buôn dân như Cộng sản Việt Nam đáng khen hay đáng chê? Chỉ cần luận suy chuyện nay, sẽ hiểu chuyện xưa nay ra sao?
-Cuốn Việt Nam Sử Lược từ khi xuất hiện đến nay, nhờ lối chép sử theo kiểu Tây phương lần đầu tiên, khá gọn gàng rõ ràng, nên được coi như một cuốn 'chính sử' để căn cứ vào đó viết sách giáo khoa một thời. Tuy nhiên tác giả Trần Trọng Kim đã thiếu thận trọng khi dụng ý & lập ngôn, đưa ra những nhận định bất công về một số nhân vật... Cụ thể gọi Bà Triệu là Triệu Ẩu, cho rằng Mạc Đăng Dung cởi trần tự trói mình ra hàng (trước đó không có sử sách nào nói việc này?)... đầu độc những đầu óc trong trắng khi học sử.
[Vì bản thân chúng tôi thuở nhỏ khi thấy sử nói 'Mạc Đăng Dung cởi trần tự trói' lúc ra đầu hàng nhà Minh, thì quả là khinh bỉ Mạc Đăng Dung vô cùng tận, trong khi nhà Mạc không hẳn là xấu. Nếu Trần Trọng Kim không căn cứ vào các tư liệu, mà tự viết ra điều này, thì ông đã dùng ngòi bút của mình sát hại nhân vật sử một cách tàn ác, nguy hại vô cùng?]
-Sử sách Việt Nam bấy nay vẫn viết theo lối trích dẫn các sử sách cũ để minh chứng, nên các sử quan trở thành những cái đinh đóng lên những lớp sơn do văn hóa ngoại lai sơn phết che phủ, vô hình chung đã gia cố, chôn vùi các chân lý và sự thật Việt bao đời, rất khó phục hồi?
Do vậy ngày nay chúng ta cần bóc các lớp sơn & nhổ các cây đinh gia cố... sáng suốt xem xét lại các vấn đề một cách trong sáng, không nên bị các sử sách cũ tạo ra các thành kiến với bất cứ nhân vật lịch sử nào, triều đại nào, khi viết sử, dạy sử cũng như khi học sử.
Sách Khởi Thảo Kinh Thư Việt Nam sẽ cố gắng thu thập nhiều tài liệu viết theo nhiều chiều hướng khác nhau, để người đọc có thể nhìn vấn đề qua nhiều khía cạnh, rút ra những bài học và kinh nghiệm hữu ích trong việc cứu quốc và kiến quốc.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.