Khởi thảo Kinh Thi Việt Nam mang mục đích mong mỏi có thể kết hợp Người Việt bằng những tư duy truyền thống cao đẹp, từng bị các nền văn hóa ngoại lai xâm nhập làm cho vong bản.
Muốn vậy, trước hết chúng ta cần minh định sự tư duy bấy nay của chúng ta ra sao?
Câu chuyện 'Thầy bói xem voi' cho thấy ai cũng đúng, nhưng chỉ đúng trong phạm vi hiểu biết của mình mà thôi. Điều ác hại gây chia rẽ đối đầu bấy lâu nay, là do ai nấy tự cho mình là đúng, người khác là sai?!
Triết gia Pháp Jean Paul Sartre từng có một ví dụ rất thú vị, khi cho rằng: Những đứa trẻ lên 3 cởi truồng mà không mắc cở, là do chúng chỉ mới có cái nhìn từ nó đến người khác, chưa có được cái nhìn của những người khác vào nó.
Như vậy nếu chúng ta không tôn trọng các ý kiến khác biệt, chúng ta sẽ chẳng khác gì đứa bé lên 3, trở nên thiển cận vì chỉ có được cái nhìn một chiều?!
Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy các lý lẽ của các tôn giáo, các đảng phái... đều đúng, nhưng chỉ đúng trong những giới hạn về không gian và thời gian nào đó mà thôi, nên không thể nào là những chân lý chung bất biến.
Việc tung hô Khổng Tử là 'Vạn thế sư biểu', lúc đầu do Tống Mỹ Linh vợ Tưởng Giới Thạch qua Mỹ vận động xưng tụng, không hiểu sao nay lại được coi như một nhận định chung?!
Đây là trường hợp điển hình cho những xưng tụng thể hiện tư duy một chiều như cái nhìn của đứa bé 3 tuổi, chưa biết trời cao đất rộng ra sao, biển học mênh mông như thế nào. Vì thế nên triết học mới khẳng định chỉ có những tư duy về tư duy gần với chân lý nhất mà thôi?
Do vậy sự hiểu biết bình thường do học vấn và kinh nghiệm, chỉ cho ta cái kiến thức của người 'học thức', chưa thể đạt tới trình độ kiến thức của người 'trí thức'.
Vì người có trí sẽ không bao giờ dám coi nhẹ các chính kiến của người khác, mà nhận ra mẫu số chung để hướng tới là Quốc gia & Dân tộc, rộng hơn nữa là nhân loại; hiểu các tôn giáo và đảng phái chỉ là những tử số làm phong phú hóa mẫu số Quốc gia & Dân tộc, chứ không thể nào vượt lên trên, vượt ra ngoài.
Một khi trong một nước mà tôn giáo và đảng phái chính trị làm tổn hại đến sự thanh bình thịnh vượng của Quốc gia & Dân tộc, tất cả sẽ bị suy vong.
Trường hợp Việt Nam Cộng Hòa từ 1954 đến 1975, cho thấy hậu quả của sự đối đầu giữa các tử số đã khiến mẫu số chung bị tàn hại ra sao? Một khi mẫu số chung không còn, thì các tử số cũng không chốn dung thân!
Vậy tư duy nào nên theo?
Nhân loại thường coi chữ 'Dũng' là trọng, như Phật Giáo đề cao 'Bi - Trí - Dũng', Nho Giáo đề cao 'Nhân Trí Dũng', tức những tao luyện chỉ nhằm kiện toàn bản thân theo một ý hướng, hơn là hướng đến những điều công ích lớn lao cho Quốc gia & Dân tộc như chữ 'Hùng'?
Thời Tam Quốc bên Trung Quốc có rất nhiều nhân vật được ca ngợi, nhưng chỉ là dũng tướng, dũng sĩ, nên Tào Tháo nói với Lưu Bị: 'Trong thiên hạ chỉ có tôi và ông là anh hùng' - nhưng cả hai đều là gian hùng?
Vậy mà từ khi Việt Nam lập quốc, Lạc Long Quân và Âu Cơ đã bắt con cháu bao đời phải sống 'Hùng', khi 18 đời vua đều lấy chữ 'Hùng' làm vương hiệu?
Vì phải sống hùng để giúp Dân & Nước, nên Người Việt từ xa xưa đã không chấp nhận bất cứ ngôn ngữ cử chỉ nào thể hiện sự thấp hèn, như bẩm báo qùy lậy qụy lụy luồn cúi...
Bằng chứng là từ các hình vẽ trên trống đồng, đến lễ nghi lên đồng của Đạo Mẫu Việt Nam, tất cả đều đứng và múa hát? Chỉ sau này khi giới học thức tha hóa vong bản, mới đưa các lối tế lễ 'hưng - bái' của Trung Quốc vào các nghi lễ của Việt Nam.
Trong Tam Tài 'Thiên - Địa - Nhân', Người Việt dù bái thiên, bái địa, hay bái nhân đều trực tiếp liên hệ, không cần thông qua kinh sách và tu sĩ. Muốn điều gì, Người Việt tự khấn vái hoặc viết sớ đọc rồi đốt, gửi thẳng cho Thánh Thần. Ông Từ tại các đình đền Việt chỉ có nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn chốn thờ phượng, không hề được lo việc lễ nghi, rao giảng.
Điều này được thi hào Nguyễn Công Trứ đề cao qua 4 câu thơ:
'Đã mang tiếng đứng trong Trời Đất,
'Phải có danh gì với núi sông.
'Trong lúc trần ai, ai dễ biết?
'Rồi ra mới rõ mặt Anh Hùng.
Bấy nay Người Việt chúng ta đều có lòng yêu nước, nhưng sở dĩ không biết đặt tình cảm này vào đâu, mang những ý nghiã nào, thực hiện ra sao... là do giới học thức bao đời, bị cái học đề cao công việc hết làm 'bầy tôi' đến làm 'bồi Tây', rồi 'bồi Nga Hoa', làm cho mụ mẫm?!
Từ các vị được sử sách tôn sùng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đình Nhu... từng một lòng tìm đường cứu nước cứu dân, nhưng đều thất bại vì chủ trương Đông Du, Duy Tân, Nhân Vị... đều không thể áp dụng cho Việt Nam.
Lý do, gần 5.000 năm trước, Việt Nam từ thời Lập quốc, hai vị khai quốc là Âu Cơ và Lạc Long Quân đã mặc khải được một hệ thống tư tưởng siêu việt, truyền dạy lại cho nhân quần xã hội, qua những cổ tích, ca dao.
Chỉ cần kết hợp những câu chuyện cổ tích của Việt Nam, rồi hệ thống hóa, cũng có thể hình thành được một nền triết học uẩn áo, cao thâm:
-Về Siêu Hình Học buổi đầu có các cổ tích Trầu Cau, Đạo Mẫu... rồi qua thực tế khai triển thành tư tưởng 'Quả báo Nhỡn tiền'. Riêng Đạo Mẫu mang tính tín ngưỡng văn hóa, có những nét đặc trưng về triết học rất uyên thâm, khiến nhiều kẻ 'mắt thịt' không thể nhận ra những tình tiết uyên nguyên, coi nhẹ. Chúng tôi sẽ phân tích về Đạo Mẫu trong cuốn Triết Học Việt Nam.
-Về Chính Trị Học có các cổ tích như Bánh Dày & Bánh Chưng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Quả Dưa Đỏ... thể hiện cách chọn người, dùng người trong việc kiến quốc, phục vụ đất nước không đòi hỏi 'đời đời nhớ ơn', 'muôn năm'... rồi dùng ơn làm công trạng trấn áp như Việt Cộng. Riêng về sau có cổ tích Từ Thức rất cao thâm, chỉ khi mất nước chạy ra hải ngoại, chúng ta mới thấy nếu không sớm về quang phục quê hương, sẽ lâm vào tình cảnh như Từ Thức trở về khi mọi sự đã đổi thay. Bi kịch đổi thay thời đại chúng ta còn bi thảm hơn bao giờ hết, nếu để bọn Việt Cộng buôn dân bán nước làm mất hết mọi truyền thống tốt đẹp?!
-Về Đạo Đức Học, luân lý 'Đồng Bào' của Bà Âu Cơ, quan niệm 'anh hùng' qua thông điệp 18 đời vua Hùng, đều dùng chữ 'Hùng' làm niên hiệu, cho thấy nhân sinh quan và vũ trụ quan Việt thể hiện trong thế Tam Tài 'Thiên - Địa - Nhân' là Nhân Hùng, chứ không phải Nhân Dũng như Nhân Trí Dũng của Nho Giáo, Bi Trí Dũng của Phật Giáo...
-Về Tâm Lý Học có các cổ tích Trầu Cau, An Tiêm, Vợ Chàng Trương... thể hiện mối quan hệ giữa vợ & chồng & anh & em.
Như vậy chứng tỏ chỉ một cổ tích cũng có thể bao hàm nhiều vấn đề triết học khác nhau, nêu nhiều bài học cao đẹp cận nhân tình, mà không cần rao giảng?
Tất cả nền triết học uẩn áo trên, được truyền dạy từ Mẹ Âu Cơ nên mang đặc tính nữ dịu hiền, có tình có lý, khác hẳn các giáo điều tôn giáo trên thế giới đều do nam nhân truyền dạy, mang tính giáo điều có lý mà ít có tình.
Về Hình Thức truyền bá, Người Việt dùng lối thơ lục bát, điệu chẵn uyển chuyển dịu dàng đầy nữ tính, khác hẳn với các thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn, điệu lẻ cứng rắn đầy nam tính. Những điệu ru lục bát êm ả theo tiếng võng đong đưa trong nhà, những điệu hát lục bát bay bổng trong gió đồng cỏ nội, những điệu hò điệu lý lục bát nhịp nhàng trong công việc hoặc lễ hội còn được luyến láy một cách nghệ thuật rất truyền cảm, khiến ý nghiã các câu lục bát được truyền tải ăm ắp trong cả không gian và thời gian, đi vào tâm thức mọi người, hình thành tâm hồn Việt lúc nào không hay?
Về Nội Dung truyền bá, các cổ tích ca dao tuy ngắn gọn nhưng lại có nội dung xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ. Nếu nội dung các kinh điển thường chỉ nêu cái tốt nhiều khi cao xa khiến người bình thường khó theo; thì cổ tích, ca dao, tục ngữ Việt thiên về nêu cái xấu để mọi người tránh, dễ theo hơn, theo hình ảnh cây sen trong bùn mà vẫn tỏa hương.
Đáng kể nhất là cổ tích, ca dao, tục ngữ Việt có nhiều truyện, nhiều câu hoàn chỉnh như một bài học, có thể tùy trình độ mà diễn giải cao thấp khác hẳn nhau.
Như truyện Thánh Gióng, ngoài chuyện đánh giặc giúp nước không cần kể công, đền công, còn nhiều ý nghiã khác cao thâm khác như:
Nhân vật Thánh Gióng nhỏ tuổi, lại không biết nói, thể hiện việc chống xâm lăng bảo vệ dân nước, ai cũng có thể làm được bất kể tuổi tác. Việc Thánh Gióng không nói, thể hiện việc chống xâm lăng cần hành động hơn là bàn bạc, nói năng vô ích? Thời Việt Nam Cộng Hòa 1954 - 1975 sở dĩ thua cũng vì các tôn giáo và đảng phái nói nhiều hơn làm, gây mâu thuẫn sát phạt nhau ác liệt, đến như ngay trong một đảng mà cũng chia thành nhiều hệ phái. Tình cảnh bại hoại tới mức bị mất nước chạy ra hải ngoại, mà hầu hết vẫn chứng nào tật ấy?!
Trong hèm được làng Gióng trình diễn hàng năm, thanh kiếm được biểu hiện việc đánh giặc, còn cái roi không chỉ dùng để thúc ngựa chạy nhanh, mà còn dùng đánh bọn giặc bị bắt sống, răn đe trước khi thả...
Tuân thủ những điều trên, trong sách Khởi Thảo Kinh Thư 3 cuốn chúng tôi đã soạn thảo, luôn tìm cách trích dẫn nhiều ý kiến của các tác giả khác nhau, khi tư duy về mỗi người, mỗi việc... tránh lối tư duy một chiều mà nhiều kinh sách mắc phải bấy nay.
Tuy nhiên do bị hạn hẹp về không gian và thời gian, chúng tôi không thể nào có được đầy đủ các tác phẩm và tác giả, nên mỗi người mỗi việc chỉ có thể trích dẫn được từ 5 đến 10 ý kiến khác nhau, mong mỏi sẽ có duyên may đọc thêm hầu bổ túc mỗi lần tái bản.
***
Hai cuốn Khởi thảo Kinh Thư và Kinh Thi kết hợp thành một bộ sách hoàn chỉnh, có nội dung ghi lại những nét tinh hoa trong đời sống tư tưởng & tâm lý & tình cảm truyền thống Việt Nam, từng được đề cao là một nền 'Văn Hiến 4.000 năm', rất xứng đáng là một món quà Tân Gia, Tân Hôn, phát thưởng trong các sinh hoạt Văn hóa, Giáo dục, Xã Hội...
Trân trọng,
GS Nguyễn Xuân Khoan &
Nguyển Xuân Hương
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.