Khác với hai phần trên, ở phần này chúng tôi xin được đưa trọng tâm lý giải về 'Tình Người' tiềm tàng hoặc được gợi ý ẩn tàng, từ những câu chuyện cổ tích thiên về tình cảm của người Việt, để có thể nêu lên những vấn đề nhân sinh thiết yếu đến cuộc sống: Đó là tình yêu - nền tảng của cuộc sống gia đình, xã hội, quốc gia, dân tộc.
Có thể nói đây là một ưu điểm tuyệt vời trong giáo dục nhân luân của dân tộc Việt Nam, khi luôn coi trọng và kết hợp hài hòa giữa lý và tình - tình & lý luôn đi đôi - tạo nên những tình tự thâm sâu ít thấy nơi các dân tộc khác trên thế giới; khác hẳn các quan niệm đạo đức duy lý khá phổ biến của nhiều nền đạo lý Đông Tây, Cổ Kim.
Một điều quan trọng của đường lối giáo dục Việt Nam từ xa xưa, là luôn đưa ra những cái xấu để ai nấy thấy, rồi chỉ dẫn cách ứng phó sao cho hữu hiệu, đạt thành quả tốt đẹp nhất.
Nếu Khổng Giáo nêu lên những đức tính tốt đẹp về Ngũ Thường cho nam giới, Tứ Đức cho nữ giới, khiến rất khó khăn tuân thủ, kém thực dụng mà nhiều khi còn đưa đẩy các nhân vật đến chỗ bế tắc, khổ đau... thì các cổ tích Việt thường đưa ra những trường hợp sai lầm, khó khăn rất thực tế trong nhân luân, để tìm cách đưa ra phương hướng giải quyết thỏa đáng nhất, trở thành những kinh nghiệm qúy giá của mọi người.
Tinh thần trên thấy khá rõ trong một số cổ tích, sự tích sẽ đươc phân tích trong các bài sau:
Ngày xưa, có một vị quan quyền qúy sinh được một cô con gái rất đẹp, đặt tên là Mỵ Nương.
Mỵ Nương được cưng chiều, sống cắm cung riêng biệt nơi lầu trang trơ trọi bên sông, nên đến khi dậy thì mới cảm thấy lòng bâng khuâng, trống vắng.
Một bữa kia giữa cảnh tịch liêu, Mỵ Nương để ý đến tiếng hát trầm bổng của một chàng trai, từ chiếc thuyền đánh cá trên sông vào mỗi buổi chiều.
Tiếng hát mang mang nỗi niềm cô đơn khao khát tình yêu của chàng trai, làm cho Mỵ Nương dần dần cảm thấy ưa thích, rồi biến thành thân thiết lúc nào không hay, khiến chiều nào Mỵ Nương cũng tựa cửa ngóng đợi con thuyền và người hát.
Thế rồi không hiểu sao con thuyền bỗng vắng bóng trên sông cùng với tiếng hát chan chứa tâm tình, khiến Mỵ Nương cảm thấy nhớ nhung, buồn bã, mất ăn mất ngủ mà sinh bệnh.
Các danh y được mời tới điều trị đều không tìm ra được bệnh trạng để chữa, nên Mỵ Nương ngày càng héo hon, bệnh tình trở nên nguy kịch.
Đúng lúc ai nấy lo âu cho sinh mệnh của Mỵ Nương, thì bỗng trên sông xuất hiện trở lại con đò và tiếng hát bổng trầm của chàng trai đánh cá. Mỵ Nương nghe thấy tiếng hát, ngồi dậy lắng nghe, bệnh tình thuyên giảm, rồi khỏi.
Nhưng rồi chỉ ít lâu sau, con thuyền và tiếng hát lại vắng bóng trên sông, khiến Mỵ Nương bị bệnh trở lại.
Lần này, người hầu gái theo dõi hiểu chuyện, nói rõ sự việc với vị quan. Vị quan thương con gái, không nề hà sai người tìm anh đánh cá có tiếng hát trên sông, biết anh ta họ Trương tên Chi, người ở một làng lân cận, cho anh ta gặp mặt con gái của mình.
Trương Chi khi gặp mặt Mỵ Nương, đã bị sắc đẹp của Mỵ Nương làm cho ngây ngất tâm hồn. Nhưng Mỵ Nương thấy Trương Chi xấu xí nghèo hèn, thì vỡ mộng. Từ đấy nàng không còn bị tiếng hát của Trương Chi làm cho mê mẩn nữa, mà dứt khỏi bệnh tình.
Trương Chi từ ngày gặp mặt Mỵ Nương, bị bệnh tương tư, nhưng biết mình không còn được Mỵ Nương đoái hoài, thì tình yêu trở thành tuyệt vọng, khô héo dần như chiếc lá úa mà chết.
Mấy năm sau, khi cải táng cho Trương Chi, người ta thấy trong quan tài có một khối đá đẹp trong suốt, đem gắn trên một con thuyền làm kỷ niệm.
Một lần vị quan qua sông, thấy khối đá đẹp, mua về thuê thợ tạc thành một chiếc chén để pha trà, rồi tặng cho con gái yêu qúy là Mỵ Nương.
Một hôm, Mỵ Nương lấy chén đá qúy ra pha trà, thì thấy trong chén hiện ra hình bóng con thuyền và anh chàng Trương Tri, cùng văng vẳng bên tai tiếng hát trầm bổng ngày nào.
Mỵ Nương bỗng cảm thấy động lòng thương người trai có tiếng hát ngày trước, một giọt lệ của Mỵ Nương nhỏ vào lòng chén, khiến chén bỗng tan thành nước.
Lý giải về tình yêu của Mỵ Nương với Trương Chi
Tình yêu của Mỵ Nương với Trương Chi thể hiện loại tình yêu thông thường phổ biến của hầu hết các thiếu nữ xưa nay.
Theo bản năng sinh tồn, loài thú vật cái luôn chọn lựa những con đực mạnh khỏe, để được bảo vệ khi sinh nở, cũng như có điều kiện truyền chủng tốt để duy trì nòi giống.
Cũng vậy, các thiếu nữ ở thôn quê thường chọn chồng là các chàng trai mạnh khoẻ, giàu có; các thiếu nữ thành thị thường chọn các chàng trai tài giỏi có địa vị và giàu sang... để được nương tựa nhờ vả khi sinh nở và nuôi dưỡng con cái.
Sự kiện tâm lý và tình cảm này đã được thi hào Nguyễn Du diễn tả rất thi vị trong truyện Đoạn Trường Tân Thanh, qua đoạn thơ mô tả khi Thúy Kiều ngay buổi đầu mới gặp Kim Trọng:
'Nguyên người quanh quất đâu xa,
'Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
'Nền phú hậu, bậc tài danh,
'Văn chương nết đất, thông minh tính trời.
'Phong tư tài mạo tuyệt vời,
'Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.
'Chung quanh vẫn đất nước nhà,
'Với Vương Quan trước vốn là đồng thân.
Chỉ cần 8 câu thơ, thi hào Nguyễn Du đã tả một cách bóng bẩy tài tình tâm lý tình cảm rất thực tế của Kiều, khi nhận xét đánh giá đầu tiên về Kim Trọng là con nhà trâm anh giàu có chứ không phải thứ trâm anh khánh kiệt.
Vậy nên 'phú hậu' mới được đặt trước 'tài danh':
'Nền phú hậu - bậc tài danh
Chỉ khi đó Kiều mới dùng 'công thức' muôn thuở đánh giá:
'Phong + Tư + Tài + Mạo = Tuyệt Vời
Nguyễn Du trước đó đã tả Kim Trọng xuất hiện với 'phong thái' hào hoa tạo được 'mỹ cảm' ngay phút ban đầu:
'Trong chừng thấy một văn nhân,
'Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng.
'Đề huề lưng túi gió trăng,
'Sau lưng theo một vài thằng con con.
'Tuyết in sắc ngựa câu dòn,
'Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời.
Và 'tư cách' của Kim Trọng khi giáp mặt đã tạo thêm được 'thiện cảm':
'Nẻo xa mới tỏ mặt người,
'Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.
'Hài văn lần bước dặm xanh,
'Một vùng như thể cây quỳnh, cành giao.
Từ cái nhìn 'mỹ cảm' qua phong thái, đến cái nhìn 'thiện cảm' qua tư cách tiếp xử, Kiều đã mau chóng đi đến cái nhìn 'tình cảm' khi 'e lệ':
'Chàng Vương quen mặt ra chào,
'Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.
Và cũng chỉ đến lúc đó, Kiều mới chịu đi đến kết luận:
'Với Vương Quan trước vốn là đồng thân.
Muốn hiểu câu này, cần phải dùng đến đẳng thức toán học:
A = B, B = C, Vậy A = C.
Kiều là thân nhân của Vương Quan. Nay Kim Trọng được Kiều thừa nhận là 'đồng thân' với Vương Quan. Như vậy có nghiã là Kiều đã coi Kim Trong vừa đôi phải lứa với mình.
**
Xét về phương diện Tâm lý học, chúng ta sẽ thấy buổi đầu Thúy Kiều không hề yêu Kim Trọng, mà chỉ yêu mình, qua những tiêu chuẩn mà mình tự đề ra, cũng như mọi thiếu nữ xưa nay đều mơ ước có người chồng hội đủ:
'Phong + Tư + Tài + Mạo = Tuyệt Vời
Tức:
Phong thái + Tư cách + Tài năng + Diện mạo = Tuyệt vời
Kim Trọng ngay buổi đầu trình diện, đã thể hiện được đầy đủ các đáp ứng cho công thức trên, cho nên mới được Kiều chấp nhận nhanh chóng.
Trong khi đó anh Trương Chi chỉ đáp ứng được 1/4 điều kiện kể trên là tài năng, nên đã bị Mỵ Nương ruồng bỏ ngay lập tức, là điều dễ hiểu; hợp tình và hợp lý với tâm lý ái tình thực dụng ở cảnh giới bình thường.
Chính lối 'yêu mình' này là nguyên nhân của bao cuộc tình đổ vỡ.
Cô A gặp anh B, do chỉ biết mặt mà không biết lòng, không tìm hiểu kỹ càng, gấp gáp vội vàng khi lấy nhau, về sau sống chung mới nhận ra những sự thật về anh B - tưởng giàu hóa không giàu, tưởng giỏi hóa không giỏi, tưởng hiền hóa dữ ... - nên mới thất vọng, đi đến chỗ tan vỡ?!
Trong khi đó anh B cũng có những thất vọng về cô A, nếu không tìm hiểu kỹ...
**
Cảnh giới cao đẹp trong tình yêu là 'Yêu người vì người, chứ không vì người đáp ứng các yêu cầu của mình'.
Đây là cảnh giới của 'tình nghiã' tức tình 'yêu dâng hiến' mang tính 'hy sinh', yêu vì tình rồi nên nghiã, nên không còn đòi hỏi một đáp ứng nào, sau khi đã kết hợp với nhau. Tức sau 'tình' là 'nghiã lý', mà không cần điều kiện nào nữa. Đó không hề là sự 'an phận' mà là sự chấp nhận để vượt qua nếu gặp khó khăn bất như ý, để thăng hoa sau khi đã vượt khó.
Phụ nữ Việt ngày xưa, tiêu biểu là Bà Tú Xương, đã yêu chiều chồng rất mực, một đời hy sinh cho chồng con, chẳng nề hà thân phận mình ra sao. Chính vì nghiã cử cao đẹp như vậy, bà đã được thi hào Tú Xương đền ơn đáp nghiã một cách cao đẹp nhất, bằng những bài văn thơ ca ngợi lưu truyền tiếng thơm muôn đời:
'Quanh năm buôn bán ở mom sông,
'Nuôi đủ năm con với một chồng.
'Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
'Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
'Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
'Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
'Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
'Có chồng hờ hững cũng như không!
Qua bài thơ trên, cho thấy sự hy sinh của bà Tú Xương, đã được chồng tri ơn qua bài thơ. Đây chính là 'tình nghiã' - một sự 'đền ơn đáp nghĩa' muôn đời, khi ghi lại công ơn trong thi ca để lưu truyền gương sáng mãi mãi về sau.
**
Trong tục ngữ và cao dao của người bình dân Việt Nam, cũng có nhiều câu thể hiện quan hệ về tình yêu nam nữ, mang tính thực dụng, nặng về lý buổi đầu, nhưng một khi đã kết hợp thì nặng về tình nghiã, như:
'Đũa mốc chòi mâm son.
'Đôi ta làm bạn thong dong,
'Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng.
Nhận định
Câu chuyện Trương Chi - Mỵ Nương thể hiện một lời khuyên về tình yêu, là nên tự lượng khả năng của mình trong quan hệ nam nữ, mới tránh khỏi thất vọng não nề. Câu chuyện cũng ẩn hiện một lời khuyên là nên lựa chọn và thử thách kỹ, mới tránh khỏi thất vọng có thể đưa đến đổ vỡ ly tán về sau.
Câu chuyện mang tính thực dụng, đúng với nhiều trường hợp trong thực tế cuộc sống: Tình và Lý đi đôi mới vẹn toàn.
Tuy nhiên, trong đời sống tình cảm vẫn có những cuộc tình vượt ra ngoài thông lệ trên - đó là tình yêu - nhưng thường gặp nhiều khó khăn trắc trở, khiến người trong cuộc phải hờn duyên tủi phận, ngậm đắng nuốt cay...
Vào đời vua Quang Thái nhà Trần (1388 - 1398), có vị quan trẻ tuổi ở đất Hóa Châu tên là Từ Thức, giữ chức quan huyện ở huyện Tiên Du, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Từ Thức tuy thi đỗ cao, ra làm quan, nhưng tính tình rất phóng khoáng và nhiều từ tâm, nên không chịu ràng buộc vào lề thói nịnh trên nạt dưới của quan trường, thích ngoạn cảnh với bầu rượu túi thơ, luôn tìm cách giúp đỡ người nghèo, nên được dân chúng trong vùng thương mến.
Gần huyện đường, có một ngôi chùa lớn, nổi tiếng về một cây mẫu đơn cổ thụ có hoa rất qúy lạ. Hàng năm khi cây ra hoa, nhà chùa mở hội để mọi người đến ngắm hoa. Nam thanh nữ tú nhiều nơi xa xôi nhân dịp này cũng tìm đến xem hoa rất đông.
Năm Bính Tị, vào dịp hội mừng hoa nở, có một cô gái trạc độ đôi tám, nhan sắc tự nhiên mà đẹp khác thường, hiếm thấy, một mình tới xem hoa.
Cô gái thấy hoa đẹp, muốn ngắm nhìn kỹ hơn, nên vin một cành hoa xuống gần để xem, chẳng may làm gẫy.
Người coi hoa liền bắt đền tiền, do không có tiền cô bị người coi hoa bắt giữ.
Đến chiều vẫn không thấy có ai đến chuộc cứu. Từ Thức nhân đi xem hoa, thấy vậy liền cởi chiếc áo lông cừu đang mặc, chuộc lỗi cho cô gái.
Cô gái được người giúp, ngỏ lời cảm ơn, rồi cho Từ Thức biết mình ở tận Ái Châu, huyện Tống Sơn, ra xem hoa, mong có ngày Từ Thức qua chơi ghé thăm.
Một năm kia, Từ Thức thấy dân mất mùa, không thể nộp thuế đúng hạn, nên gia hạn đóng thuế, liền bị quan trên khiển trách nặng nề.
Từ Thức tự nghĩ: 'Lẽ nào chỉ vì chút lương bổng, mà ta phải chịu đắm chìm trong chốn lợi danh?! Sao bằng từ bỏ tất cả, theo cuộc sống vui thú thảnh thơi giữa thiên nhiên?'.
Thế rồi Từ Thức trả ấn, từ quan, du ngoạn các nơi danh lam thắng cảnh xa gần.
Một lần đi tới Ái Châu, chợt nhớ tới lời cô gái làm gẫy cành hoa, nên Từ Thức có ý vân du tìm kiếm đó đây.
Một bữa kia đến cửa biển Thần Phù, Từ Thức nhìn ra ngoài biển thấy một lớp mây ngũ sắc kết thành hình giống đóa hoa sen, liền đi thuyền tới gần, thì thấy cảnh đẹp khác thường, chưa từng gặp bao giờ.
Từ Thức rời thuyền lên bộ ngắm cảnh, lần theo lối mòn giữa cây cỏ xanh tươi, chim hót líu lo lảnh lòt, đi đến một cửa động trông huyền ảo lạ thường. Đang đứng ngẩn ngơ trước cảnh tượng đẹp, định lấy bút đề thơ, Từ Thức bỗng thấy hai cô gái trẻ tuổi xinh đẹp, từ trong động bước ra chào hỏi, rồi thưa:
Từ Thức theo chân hai cô gái, thấy trên cổng vào có biển đề mấy chữ vàng rạng rỡ 'Quỳnh Hư Chi Điện' và một lầu cao đề 'Giao Quang Chi Các'.
Trong động là những đền đài lầu son gác tía lộng lẫy, khung cảnh như một chốn tiên cung.
Từ Thức được đưa đến một ngôi điện tráng lệ nhất, gặp một bà tiên mặc đồ trắng, ngồi ung dung trên giường thất bảo. Qua vài lời thăm hỏi xã giao, bà tiên cho biết:
Nói rồi bà Tiên Áo Trắng phất tay ra hiệu cho các tiên nữ hầu cận.
Ngay lúc đó, từ bên trong bước ra một tiên nữ yểu điệu, xinh đẹp khác thường.
Từ Thức nhận ra đó chính là cô gái đánh gẫy cành hoa mẫu đơn năm trước ở chùa, được mình cứu giúp.
Bà tiên Áo Trắng trỏ tay vào tiên nữ mới xuất hiện, nói:
Rồi bà Tiên Áo Trắng ra lệnh tổ chức đám cưới cho Từ Thức lấy Giáng Hương. Tiên cảnh rộn ràng đón chào chư tiên từ khắp 36 động về chúc mừng, người cưỡi hạc, kẻ cưỡi phượng cưỡi rồng, người đi xe ngọc, kiệu mây... quà tặng đám cưới toàn là những thứ qúy giá hiếm thấy trên thế gian, như những viên bích ngọc, hồng ngọc, bạch ngọc lớn phát sáng muôn màu, những chén ngọc, đũa ngọc, những lụa là mặc nhẹ tênh không nhuốm bụi...
Các món ăn là những sơn hào hải vị qúy hiếm, được chế biến tinh khiết, bày biện hoa mỹ, thơm ngon kỳ lạ. Rượu làm bằng những trái đào tiên ngàn năm, tỏa hương ngan ngát.
***
Ngày tháng dần trôi, cuộc sống của Từ Thức trên cõi tiên, bên người vợ tiên ngoan hiền tuyệt vời, hạnh phúc không sao tả xiết. Nhưng rồi dần dần Từ Thức vẫn cảm thấy thiếu một điều rất thân quen, là quê hương, gia đình, bạn bè, họ hàng... vì lòng trần chưa thể nào rũ sạch.
Một hôm, Từ Thức nói với Giáng Hương là muốn về thăm lại gia đình một lần, rồi sẽ ở bên Giáng Hương mãi mãi.
Giáng Hương biết rõ tương lai mọi sự, nên lòng buồn khôn tả, khuyên Từ Thức:
Từ Thức vẫn mong được một lần về thăm người xưa cảnh cũ, cho thỏa dạ nhớ mong.
Giáng Hương biết ngăn cản không được, thưa chuyện cho mẹ hay. Mẹ nàng cũng buồn bã mà rằng:
Rồi ban cho Từ Thức một cỗ xe mây, đưa chàng trở về chốn trần thế nhân gian.
Chỉ một chớp mắt, Từ Thức đã thấy mình về được nơi quê cũ. Những rặng núi, dòng sông tuy không thay đổi bao nhiêu, nhưng mọi thứ còn lại đã đổi thay, xóm làng đã có nhiều dâu biển.
Khi hỏi thăm dân làng cũ của mình, xem có ai biết nhà Từ Thức ở đâu, thì không một ai biết. Chỉ một vài cụ già còn nhớ mang máng trả lời rằng:
Tử Thức lúc đó mới hiểu một ngày trên cõi tiên dài bằng nhiều năm năm nơi cõi tục, nên vật đổi sao rời khác hẳn nhau.
Từ Thức buồn bã, rời xóm làng tìm về chốn động tiên thì không còn thấy động Nam Nhạc, núi Phù Lai đâu nữa.
Sau đó Từ Thức khoác áo lông, đội nón lá, một mình đi vào dẫy Hoành Sơn, không trở lại.
Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã làm bài thơ Tống Biệt, tả lại một cách tuyệt vời cảnh Từ Thức về trần:
'Lá đào rơi rắc chốn Thiên Thai
'Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi
'Nửa năm tiên cảnh
'Một bước trần ai
'Ước cũ duyên thừa có thế thôi!
'Đá mòn, rêu nhạt
'Nước chảy, hoa trôi
'Cái hạc bay lên vút tận trời
'Trời đất từ nay xa cách mãi
'Cửa động
'Đầu non
'Đường lối cũ
'Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Lý giải chuyện tình Từ Thức & Giáng Hương
A/ Chuyện tình Tiên & Tục Việt khác với Đông Tây:
Trung Quốc và nhiều nước khác ở Tây Đông, đều có những câu chuyện kể về người trần tục lấy được vợ hoặc chồng trên tiên giới. Nhưng nếu ở Trung Quốc Lưu Nguyễn lên Thiên Thai vui thú cảnh tiên không thèm trở về, Lộng Ngọc Lấy Tiêu Sử rồi đi luôn. Văn Tiêu gặp Thái Loan, Lan Hương gặp Trương Thạc cũng vậy... duy nhất chỉ có chàng Từ Thức của Việt Nam là người dù ở nơi tiên cảnh sung sướng hạnh phúc muôn vàn, vẫn động lòng cố quốc tha hương, nhất quyết trở về thăm lại người cũ, cảnh xưa.
Sự việc cho thấy tâm tình người Việt rất nặng lòng với quê hương, gia đình; so với các dân tộc khác trên thế giới, rất đáng ca ngợi.
Aristophane từng cho rằng:
'Ở đâu người ta sống tốt, thì đó là quê hương'
Publilius Syrus cũng cho rằng:
'Ở đâu được sống với người thân yêu của mình, người ta không nhớ tiếc quê hương'.
Nhưng người Việt luôn gắn bó với quê hương, khi quan niệm rằng:
'Không nơi nào đẹp bằng quê hương của mình cả'.
Ngày nay, nhiều người Việt từng bỏ quê hương ra đi trong nguy hiểm vì nạn cộng sản. Ra đến các xứ sở tự do dân chủ có đủ các điều kiện ưu việt về tinh thần và vật chất, chẳng khác gì cõi tiên so với chế độ XHCN trong nước, nhưng do tình cảm gắn bó với quê hương, vẫn tìm cách về thăm...
B/ Chuyện Tiên Việt đề cao nhân quần xã hội:
Câu chuyện Từ Thức là một ẩn dụ, mang ý nghiã về nhân quần xã hội rất cao, khi đề cao tình yêu gia tộc, quê hương... quan niệm không vì tình yêu vợ chồng & nam nữ riêng tư, mà quên hết cộng đồng xã hội nơi quê hương của mình.
Đạo đức nhân luân ở đây là đề cao tình cảm yêu nước thương nòi, không vì những tình yêu riêng tư của cá nhân mà quên hết các tình cảm cao đẹp khác. Tất cả cần có nhau, bổ túc cho nhau mới hoàn hảo, vẹn toàn.
Tâm tình này từng được cổ tích Việt nhiều lần ca ngợi, như trong câu chuyện Trầu Cau đã gợi ý về tình vợ chồng rất cần tình anh em ruột thịt. Câu chuyện An Tiêm 'thà chết một đống còn hơn sống một người' cho thấy tìm cảm người Việt khăng khít với nhau ra sao.
Ở đây còn đòi hỏi cả tình yêu quốc gia dân tộc, thể hiện suối nguồn tình cảm yêu thương của người Việt Nam chan chứa vô cùng.
Tuy câu chuyện kể ngắn ngủi, tình tiết ít ỏi, nhưng cũng đủ cho thấy tấm lòng nhân ái của Từ Thức rất bao la, khi giúp đỡ từ một cô gái cô đơn lâm nạn, đến đồng bào gặp cảnh thiên tai hạn hán cùng quẫn, không có tiền nộp sưu thuế. Đây chính là tình tự truyền thống của người Việt Nam, được thể hiện trải dài xuyên suốt qua các cổ tích, cố sự, tục ngữ, ca dao... cho đến văn chương, âm nhạc, hội họa... hiện đại.
C/ Thông điệp từ câu chuyện Từ Thức & Giáng Hương:
Với những người Việt Tỵ Nạn hoặc ly hương, nếu được sống ở các quốc gia tự do văn minh hiện đại, đem so sánh với cuộc sống ở trong nước dưới chế độ cộng sản bạo tàn, tham ô, thối nát... thật chẳng khác gì đang được sống ở một cõi tiên nơi trần thế, khi đời sống vật chất thoải mái, đời sống tinh thần được hưởng hạnh phúc đầy đủ từ sự tự do dân chủ.
Tuy nhiên, chúng ta nếu có chút tâm hồn như Từ Thức, chúng ta cũng sẽ có những khắc khoải về quốc gia dân tộc đang bị bạo quyền Việt Cộng tàn phá các giá trị vật chất như rừng biển... hủy hoại các giá trị tinh thần như sự tự do về tôn giáo, về tư tưởng...
Nếu chúng ta không sớm tìm cách quang phục quê hương, mau chóng trở về với quốc gia dân tộc trong vinh quang, chúng ta cũng sẽ phải ân hận như anh chàng Từ Thức, khi trở về quá muộn màng, sẽ thấy làng xóm đổi thay, người cũ không còn. Với ngày nay thì người xưa, cảnh cũ sẽ bi thảm hơn thuở Từ Thức trở về, khi bọn Việt Cộng đề cao chủ nghiã duy vật, văn hóa vô thần, hủy hoại các giá trị văn hóa cổ truyền Việt Nam, đổi Tổ quốc Tiên Rồng Việt Nam thành Tổ quốc Mác Lê XHCN!
D/ Tình yêu cao qúy:
Từ Thức giúp Giáng Hương chỉ vì tính nghiã hiệp, chứ không hề nghĩ tới sự lợi dụng thấp hèn nào. Chính hành vi hào hiệp này đã súc động tâm can Giáng Hương, khiến nàng từ cảm phục đi đến cảm mến, mà nhớ nhung yêu thương.
Đây chính là thứ tình yêu tạo được do lòng tốt, nên dễ đi sâu vào tâm hồn con người; khác hẳn loại tình dục ham muốn nhất thời thấp kém, thường gây ra sự ghen tuông giận dữ đầy khổ đau.
Ở đây là loại tình cảm cho mà không cần nhận, ban phát mà không hề nghĩ đến lợi lộc. Nhưng chính vì vậy nên đã nhận được nhiều hơn hết. Đó là 'tình hiệp' sẽ đưa đến những cuộc tình duyên gắn bó bền chặt.
Phụ nữ được xem là sinh vật dễ xúc cảm nhất trong các sinh vật có lý trí. Các triết gia như Rousseau, Kant, Hegel... đều tỏ lòng kính trọng năng lực xúc cảm, tính nhạy cảm thẩm mỹ, và các quan tâm đến gia đình của phụ nữ; từ đó cho rằng phụ nữ không thể bằng nam giới về phương diện lý trí xét đoán trong tình yêu.
Do vậy phụ nữ dễ bị tiếng sét ái tình, khi đang trong tâm trạng khó khăn bối rối, được cứu giúp một cách cao thượng bất vụ lợi. Nếu nhận ra bị lợi dụng, họ sẽ thất vọng mà chán nản tuyệt vọng. Các nữ bệnh nhân thường cảm mến vị bác sĩ cứu mình, các nạn nhân muốn đền ơn ân nhân... rơi vào hoàn cảnh của tiếng sét ái tình.
Cuộc tình giữa Từ Thức và Giáng Hương diễn ra theo chiều hướng Giáng Hương trong hoàn cảnh khó khăn, được giúp đỡ bất vụ lợi, cảm nhận ân tình của Từ Thức mà rơi vào tiếng sét ái tình. Thế rồi khi xa cách biền biệt, nàng nhận thấy chàng chỉ ra tay nghiã hiệp giúp mình, mà không hề có một đòi hỏi nào, nên càng mến phục mà yêu thương mãi mãi.
Nhận định:
Từ Thức là kẻ trần tục duy nhất trong lịch sử nhân loại đã lên được cõi tiên, mà không vì hạnh phúc cá nhân quên hết quê hương dân tộc. Tuy nhiên sự trở lại quá muộn màng, đã khiến Từ Thức rơi ngay vào hoàn cảnh bi thảm, bị mất tất cả dĩ vãng, hiện tại và tương lai.
Câu chuyện Từ Thức là một lời khuyên cho người Việt chúng ta ngày nay: Nếu không tích cực lo toan việc quang phục quê hương, chúng ta sẽ bị bọn mãi quốc cầu vinh Việt Cộng dâng đất nước cho Trung Cộng. Lúc đó Tổ quốc bị mất hết quốc gia dân tộc, bản thân chúng ta bị vong quốc mất hết dĩ vãng, tương lai, cũng như hiện tại, dù sung sướng bao nhiêu cũng chỉ là một kiếp sống ngụ cư như loại cây leo?!
Vào đời nhà Trần, ở phường Bích Câu, phía nam thành Thăng Long (nay là phố Cát Linh, Hà Nội), có một người học trò tên Trần Uyên, do đẹp trai phong nhã tài hoa rất mực nên được gọi là Tú Uyên.
Tú Uyên mồ côi cha mẹ từ năm mười lăm tuổi, sống nhờ tài bút nghiên văn chương tại phường Bích Câu, thời đó là nơi trú ngụ của các tao nhân mặc khách.
Một ngày đầu xuân, khi chùa Ngọc Hồ (chùa Bà Ngô ở Hà Nội hiện nay) mở hội, nhiều trai thanh gái lịch tới xem hội, dâng hương hoa cầu phúc nhân dịp năm mới. Tú Uyên cũng tới dự lễ, mong tìm gặp người đẹp trong mộng tưởng. Chàng lân la tới mãi chiều tối vẫn chưa ra về, tha thẩn làm thơ mong được gặp người bấy nay vẫn mơ ước.
Bỗng nhiên một chiếc lá nhẹ nhàng bay lượn tới trước mặt Tú Uyên. Tú Uyên cầm xem thì thấy trên chiếc lá có đề một bài thơ, từ lời lẽ đến tình ý thật hay, nét chữ yểu điệu như chữ của một thiếu nữ khuê các, khiến Tú Uyên nghĩ thầm: Bấy nay mình vẫn tưởng thơ của mình là hay, chữ của mình viết đẹp, nào ngờ lại có người làm thơ hay chữ tốt đến thế này. Không biết ai là tác giả bài thơ để mình có dịp bái kiến, bày tỏ tâm tình, kết bạn dài lâu.
Rồi chàng thầm thấn khấn vái Trời Phật run rủi cho mình được gặp tác giả bài thơ, cho thỏa lòng.
Chợt một mùi hương thơm nhè nhẹ thoảng qua, Tú Uyên thấy một cô gái tuổi chừng đôi tám, có vẻ đẹp thần tiên siêu thoát, cùng vài cô bạn từ trong chùa đi ra. Cô đưa mắt nhìn Tú Uyên, mỉm cười rồi đi về phiá lầu Quảng Văn.
Trước sắc đẹp lạ thường của cô gái, Tú Uyên vội lần bước theo sau, nhưng khi tới lầu Quảng Văn thì mấy cô gái biến mất.
Tú Uyên ngẩn ngơ luyến tiếc, về nhà ốm tương tư, ngơ ngẩn ngày đêm không thiết gì đến chuyện thơ văn, bò cả ăn uống.
Một người bạn đến chơi, nghe Tú Uyên kể lại câu chuyện, đưa cho xem bài thơ đề trên lá mà Tú Uyên trân trọng cất giữ. Người bạn xem thơ cũng lấy làm lạ lùng, khen bài thơ hết lời, rồi khuyên Tú Uyên đi lễ ở đền Bạch Mã, nghe nói rất linh thiêng, cầu xin một quẻ xem sao.
Tú Uyên đến đền Bạch Mã xin quẻ, rồi ngủ lại để khẩn cầu xin thần mộng ứng. Nửa đêm Tú Uyên nằm mộng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, chống gậy trúc đến bảo rằng:
Tú Uyên tỉnh dậy, trời vẫn còn tối, nhưng đã vội vã đến Cầu Đông thành tâm đứng đợi chờ từ sớm tinh mơ, mong được gặp người mình mơ ước..
Trọn ngày ngóng đợi, Tú Uyên vẫn không thấy cô gái xuất hiện. Mãi đến chiều tối, một ông lão bán tranh tố nữ đến mời Tú Uyên mua tranh. Tú Uyên thấy trong các bức tranh, có một bức vẽ y hệt cô gái mình gặp hôm trước gặp ở chùa Ngọc Hồ, nên mua về treo trên vách.
Hàng ngày, khi ăn cơm, Tú Uyên bày thêm một cái bát và đôi đũa, rồi trân trọng mời người đẹp trong tranh cùng ăn với mình. Lần nào Tú Uyên cũng mường tượng thấy như cô gái trong tranh mỉm cười, nên lấy làm sung sướng, giảm bớt căn bệnh tương tư, vui sống trở lại.
Ít lâu sau, khi Tú Uyên đi học về, định nấu cơm ăn, thì thấy đã có sẵn mâm cơm tươm tất ngon lành bày trên bàn, nhà cửa được dọp dẹp ngăn nắp sạch sẽ. Chàng lấy làm sung sướng và ngạc nhiên, nhìn quanh quẩn không thấy ai, nhìn lên bức tranh thì thấy tóc của người đẹp trong tranh có những sợi lòa xòa như người vừa phải làm việc nhiều.
Tú Uyên vẫn giữ lệ mời người đẹp trong tranh ăn với mình, cho đến một ngày chàng vờ đi đến trường, nhưng được nửa đường liền quay về nhà nấp xem động tĩnh.
Đến gần trưa, chàng bỗng thấy bức tranh lay động khẽ, người đẹp từ trong tranh bước ra, tay cầm một giỏ thức ăn, thản nhiên nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa cho chàng.
Thấy vậy, Tú Uyên đột nhiên mở cửa chạy vào nắm tay người đẹp giữ chặt, khiến cô gái không thể biến mất vào trong tranh.
Tú Uyên ngỏ lòng với cô gái, là từ ngày thấy bài thơ, được gặp mặt cô ở chùa Ngọc Hồ, trở về thương nhớ biết là bao, đến nay mới được gặp.
Cô gái mỉm cười nói:
Tú Uyên hỏi tên cô gái, thì cô gái cho biết:
Giáng Kiều làm phép mời các bạn bè trên tiên cung xuống dự đám cưới, biến căn nhà thành chốn sang trọng, để các bạn tiên tới cùng dự tiệc. Tiệc tùng vui vè xong, cô lại biến căn nhà trở về như cũ, nhưng xếp đặt mọi vật khéo léo khang trang, đâu đấy tươm tất sạch sẽ gọn gàng.
Tú Uyên và Giáng Kiều ăn ở với nhau được ít lâu, Tú Uyên quen sung sướng nhàn nhã, sinh tật rượu chè, đánh đập mắng mỏ Giáng Kiều, khi Giáng Kiều khuyên can.
Thấy khuyên bảo Tú Uyên nhiều lần không được, Giáng Kiều buồn bã bỏ về trời.
Tú Uyên tỉnh cơn say, thấy Giáng Kiều bỏ đi, một mình trơ vơ như thuở trước, nằm vắt tay lên trán nghĩ lại mọi chuyện trước sau, mới chợt thấy mình có lỗi lớn, nhưng hối lỗi không còn kịp nữa. Tú Uyên khổ sở tuyệt vọng nhiều ngày, van vái xin Giáng Kiều trở lại không được, mới lấy dây treo cổ tự tử trước bức tranh để tạ tội.
Đúng lúc đó, Giáng Kiều mới từ bức tranh bước ra. Tú Uyên tạ lỗi, xin hứa từ nay sẽ từ bỏ rượu chè dốc chí học hành, hầu đỗ đạt làm nên sự nghiệp vẻ vang, đáp đền công ơn của Giáng Kiều giúp đỡ.
Thấy Tú Uyên học hành những điều từ chương quá vất vả, mà thực dụng đối với cuộc sống không bao nhiêu, Giáng Kiều khuyên Tú Uyên nên từ bỏ sách đèn, học phép tu tiên để có thể cùng mình lên tiên giới sinh sống.
Hai người sinh được một đứa con trai, thì một hôm có hai con hạc trắng từ trên trời bay xuống, đón cả ba lên cõi tiên.
Về sau, hai vợ chồng Tú Uyên & Giáng Kiều thường hiện về làm phép màu nhiệm cứu giúp nhiều người tại vùng Bích Câu, nên được dân chúng ngưỡng mộ, xây một ngôi đền ngay nơi nhà cũ của Tú Uyên, gọi là Bích Câu Đạo Quán, đến nay vẫn còn dấu tích. Hàng năm mở hội tế vào ngày 4-2 âm lịch, là ngày Tú Uyên cùng vợ con bay về trời. Đàn ông đến dự tế đều phải mặc áo thụng xanh, đội mũ thư sinh, đi hia xanh, để tưởng nhớ người xưa, tích cũ.
Lý giải chuyện tình Tú Uyên & Giáng Kiều
A/ Quan niệm về người vợ thần tiên của người Việt:
Nếu Tây phương và Đông phương thường quan niệm các nàng tiên là những người phụ nữ đẹp đẽ dịu hiền có nhiều phép thần thông biến hóa, có thể tạo dựng nên những khung cảnh thần tiên tráng lệ huy hoàng khác biệt hẳn với khung cảnh trần gian nhân thế tầm thường, thì người Việt quan niệm Tiên nữ chính là những người vợ hiền, đảm đang, có thể chăm lo nhà cửa sao cho tươm tất, nấu những bữa ăn ngon lành giúp chồng con khỏe mạnh.
Từ nàng tiên Giáng Kiều trong truyện này, đến cô Tấm trong truyện Tấm Cám... cổ tích Việt thường chỉ quan niệm tiên nữ là người vợ hiện ra lo dọp dẹp nhà cửa sạch sẽ khang trang, nấu ăn ngon lành... trong khung cảnh trần thế, không đòi hỏi phải có cung vàng điện ngọc cao sang.
Đây chính là hình ảnh bình thường của người phụ nữ Việt xa xưa, khi hết lòng lo cho cuộc sống của chồng con tươm tất, để mở mày mở mặt với thiên hạ, còn mình chỉ biết hy sinh tân tụy, hết lòng với chồng con là đủ. Nhờ vậy, người phụ nữ Việt tuy chẳng là tiên, nhưng vẫn luôn là những vị thánh nữ trong gia đình, được chồng con biết ơn, nuôi dưỡng thờ phượng sau khi đã bò hết bao công sức vun đắp, giúp chồng con nên người.
Trong cuộc quốc biến gia vong năm 1975, nếu miền Nam Việt Nam không có những người vợ đảm đang, một mình lo nuôi con khi chồng bị bắt đi tù đầy bao năm; đến khi chồng mãn hạn tù trở về, lại lo cho chồng vượt biên, một mình ở lại cáng đáng đối phó trăm điều khó khăn với bọn công an khu vực, cán bộ cầm quyền địa phương... thì việc này nào có khác gì các phép thần thông biến hóa, giúp chồng con từ Việt Nam 'biến' được qua các quốc gia tự do dân chủ, sống một cuộc đời sung sướng - đâu có khác chi tiên cảnh.
B/ Bài học về cuộc sống chung giữa vợ chồng:
Hình ảnh Tú Uyên được sung sướng, sinh ra rượu chè say sưa hư đốn, đánh đập mắng chửi cả người vợ mang hạnh phúc tuyệt vời cho mình, nào có khác chi không ít các ông chồng kém nghĩ suy, khi đến được bến bờ tự do, thấy rượu rẻ uống li bì, sinh tật xấu hành hạ chửi mắng vợ con?
Thường các bà vợ Việt có hai phản ứng khác nhau: một là nhẫn nhục chịu đựng cho qua ngày đoạn tháng, hai là đưa ra tòa xin ly dị theo luật pháp Tây phương.
Cả hai phản ứng trên đều không bằng việc tìm cách lánh đi nơi khác, đến khi nào người chồng biết lỗi sẽ tha thứ, như Giáng Kiều đối với Tú Uyên?
Trong cuộc sống thời nay, người đàn ông do cuộc sống phải xông pha nhiều ngoài xã hội, gặp nhiều khó khăn cũng như các mê hoặc, dễ bị tha hóa hư hỏng... nên người vợ cần biết cách tùy hoàn cảnh khuyên can đối xử, mới có thể cứu vãn được gia đình thoát khỏi cơ nguy tan vỡ, do quốc biến gia vong?
Cuộc chiến Quốc Cộngbao năm, kết thúc là sự thất bại của miền Nam, đã khiến không ít phái nam bị khủng hoảng tinh thần. Sau đó là những ngày bị tù đầy, những lần vượt biên thập tử nhất sinh... càng khiến thần kinh của phái nam bị chấn động nhiều hơn nữa, dễ sinh xấu tính xấu nết... Vậy mà hầu hết các phụ nữ Việt vẫn có thể duy trì cuộc sống gia đình ấm êm, là điều siêu phàm chẳng kém gì thần tiên, cần am hiểu để trân trọng, ghi nhớ công ơn.
C/ Quan niệm về cuộc sống thần tiên:
Nguyễn Công Trứ sau bao năm học hành khổ sở, đến 40 tuổi mới thành đạt, ra làm quan mong đem hết sức bình sinh giúp nước, nhưng vẫn gặp phải nhiều chuyện khó khăn, đến độ từ một vị quan bị giáng xuống làm lính.
Do vậy Nguyễn Công Trứ mới nhận ra chân lý cuộc sống, để thể hiện qua bài thơ:
'Tuổi tác tuy rằng chửa mấy mươi
'Đổi thay ắt đã thấy ba đời
'Ra trường danh lợi vinh liền nhục
'Vào cuộc trần ai khóc trước cười
'Chuyện cũ trải qua đà chán mắt
'Việc sau nghĩ lại chẳng thừa hơi
'Đã hay đường cái thường ra thế
'Sạch nợ tang bồng mới kể người.
Rồi phải đến cuối đời, Nguyễn Công Trứ mới có được ý tưởng thoát tục:
'Ngồi buồn mà trách ông xanh
'Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
'Kiếp sau xin chớ làm người
'Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
'Giữa trời vách đá cheo leo
'Ai mà chịu rét thì trèo với thông.
Giáng Kiều là người cõi tiên, thấy và hiểu lẽ sướng khổ của cuộc sống nơi trần gian, sớm khuyên Tú Uyên từ bỏ cuộc sống danh lợi, thoát vòng bon chen lợi danh, để an hưởng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Đây chính là một triết lý sống rất cao đẹp của người Việt từ xa xưa, từng được nhiều thi gia Việt như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ làm thơ đề cao, ca dao Việt vạch rõ:
'Một mai, một cuốc, một cần câu,
'Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
'Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
'Người khôn, người đến chốn lao xao.
'Thu ăn mang trúc, đông ăn giá,
'Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
'Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
'Nhìn xem phú qúy tựa chiêm bao.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
'Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
'Cúc tùng, phong nguyệt mới vui sao!
'Đám phồn hoa trót bước chân vào,
'Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết.
(Nguyễn Công Trứ)
'Cái vòng danh lợi cong cong,
'Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào
'Sự đời nghĩ cũng nực cười
'Một con cá lội, mấy người buông câu.
(Ca dao Việt)
Ở đây chúng ta cần phân biệt rõ ý nghiã cao thấp khác nhau, khi hai chữ 'lợi danh' mang tính thủ lợi thấp kém, khác với hai chữ 'công danh' mang tính phục vụ cao đẹp bất vụ lợi.
Nhận định
Trọng tâm câu chuyện không phải là anh chàng Tú Uyên tầm thường, mà chính là nàng Giáng Kiều phi thường, mang hình ảnh của người phụ nữ Việt đảm đang, có tài quán xuyến gia đình, giúp chồng con nên người.
Việc Giáng Kiều thấy Tú Uyên dốc chí học hành vì lợi danh hơn công danh, nên mới khuyên Tú Uyên từ bỏ. Vì với tính tình của Tú Uyên từng bê tha rượu chè đánh vợ, nếu nắm danh lợi trong tay, có thể sẽ bị mê hoặc mà hư đốn?!
Như vậy có thể nói ảnh hưởng của người vợ đối với sự nghiệp của người chồng rất quan trọng, nên Tây phương có một danh ngôn cho rằng 'Bên cạnh người đàn ông thành công, luôn có một người vợ tốt'.
Và người Việt có câu:
'Của chồng, công vợ'.
Ngày xưa, ở làng Nam Xương, có một cô gái rất xinh đẹp nết na, tên là Vũ Thị Thiết. Gia đình gả nàng cho một chàng trai họ Trương, vốn người cùng làng. Trương Sinh tuy chỉ là người nông dân làm ruộng chân chỉ hạt bột bình thường, nhưng lại có tính hay ghen tuông, luôn xét nét vợ đủ điều. Vợ chàng hiểu rõ tính xấu của chồng, càng lo giữ gìn khuôn phép rất mực, nên không để xảy ra điều gì khiến chồng phải nghi hoặc.
Khi nàng Vũ có thai được mấy tháng, chàng Trương phải đi lính thú ở biên thùy phiá Bắc. Thuở ấy đường xá đi lại khó khăn diệu vợi, nên nàng Vũ chỉ còn biết ở nhà nuôi con thơ và mẹ chồng, chờ ngày đoàn tụ.
Chẳng bao lâu sau bà mẹ chồng mất, trước khi mất bà bày tỏ lòng biết ơn với người con dâu đảm đang chờ chồng nuôi con, hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng.
Đứa con lớn khôn, biết đi biết nói, nàng Vũ vẫn một mình khuya sớm tần tảo bên con.
Một đêm trời nổi giông bão lớn, làm rung chuyển nhà cửa. Đứa con sợ hãi khóc lóc, nàng Vũ dỗ mãi không được, mới chỉ cái bóng mình do ngọn đèn dầu chiếu lên vách, bảo con:
Đứa bé nhìn cái bóng của mẹ trên vách, tin đó là cha mình về che chở cho mình, mới nín không khóc nữa.
Thế rồi mỗi đêm, nàng Vũ lại chỉ bóng mình trên tường, kể những câu chuyện về chồng cho con nhỏ nghe. Trước khi ngủ, nàng Vũ còn dạy con chắp hai tay chào bố. Lâu dần thành thói quen của đứa bé.
**
Khi mãn hạn lính thú, chàng Trương được về nhà đoàn tụ cùng vợ con, sung sướng vô cùng khi thấy vợ đẹp con khôn.
Nàng Vũ nhờ chồng trông con, để đi chợ mua lễ vật tạ ơn trời giúp gia đình đoàn tụ, cùng thết đãi chồng một bữa ăn ngon.
Trong lúc vắng vợ, chàng Trương dạy con, bảo nó gọi mình là bố, thì đứa bé không chịu nhận, vùng vằng nói:
Chàng Trương gặng hỏi con:
Đứa bé mô tả:
Nghe con nói, chàng Trương cho là vợ mình đêm đêm đón tình nhân vào nhà ăn nằm, rồi lại bắt con mình gọi là bố, thì cơn ghen nổi dậy.
Thấy vợ đi chợ về, chàng Trương lớn tiếng mắng nhiếc. Hàng xóm tới, chàng kể lể sự tình khiến ai cũng lầm tưởng nàng Vũ đêm đêm đón trai vào nhà tình tự ăn nằm, nên cũng tỏ ra khinh khi nàng Vũ rất mực.
Thấy không thể bộc bạch nỗi oan, chỉ có một mẹ chồng hiểu mình thì đã mất, nên nàng Vũ đau khổ, ra bờ sông Hoàng gieo mình xuống dòng nước cuồn cuộn trôi, tự vận.
Tối đến, khi thắp đèn lên, đứa con thấy bóng người chồng trên vách, liền chỉ vào đó nói:
Rồi đứa bé chắp tay lễ phép chào theo lời mẹ dạy, nói:
Chàng Trương thấy vậy mới choáng váng, hiểu rõ sự tình, biết vợ bị hàm oan, vội vàng mời mọi người đến thanh minh cho vợ, rồi làm tang lễ thật trang trọng, suốt đời ở vậy nuôi con để sám hối.
Nàng Vũ nhiều lần linh ứng hiện về giúp dân làng, nên được dân làng nhớ công ơn lập miếu thờ, gọi là miếu Vợ Chàng Trương, đến nay vẫn còn.
Vua Lê Thánh Tôn một lần qua bến sông Hoàng thấy ngôi miếu nhỏ khói hương nghi ngút, thăm hỏi biết rõ sự tình, đã ngự bút đề một bài thơ thương tiếc người phụ nữ bị hàm oan, như sau:
'Đề Miếu Vợ Chàng Trương
'Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,
'Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
'Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ,
'Làng nước chi cho lụy đến nàng.
'Chứng tỏ có đôi vầng nhật nguyệt,
'Giải oan chi mượn đến đàn tràng.
'Qua đây mời biết nguồn cơn ấy,
'Khá trách chàng Trương quá phụ phàng!
Lê Thánh Tôn
Lý giải chuyện Thiếu Phụ Nam Xương
A/ Câu chuyện mang tính triết lý rất cao:
Nếu một trong các đặc tính của triết học là tính hoài nghi trước mọi sự kiện, để từ đó đặt ra các câu hỏi tìm hiểu chân lý, thì câu chuyện Thiếu Phụ Nam Xương của Việt Nam đã thể hiện một triết lý sống rất cao, khi coi các sự kiện hiển nhiên vẫn không phải là chân lý:
Người Việt từ xưa tin tường câu tục ngữ: 'Đi hỏi già - Về nhà hỏi trẻ', nghiã là đi đâu muốn biết rõ đường đi nước bước, cần nhờ người già cả đã đi chỉ dẫn; còn về nhà muốn biết các sự việc xảy ra, cần hỏi trẻ con, vì chúng không biết nói dối, sẽ kể hết sự thật của mọi việc.
Tuy nhiên, ở đây chính vì việc người chồng đi xa về 'hỏi trẻ' và 'tin tuyệt đối vào lời trẻ', không chịu tìm hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện, nên mới gây ra thảm kịch.
Triết học được vinh danh chính ở chỗ biết tìm hiểu sự việc qua các phương pháp suy luận, như phân tích & tổng hợp, diễn dịch & qui nạp, tam đoạn luận, biện chứng pháp... để tìm ra sự thật trước khi đi đến bất cứ một kết luận nào.
Triết học Tây phương luôn quan niệm 'không có chân lý' mà chỉ có những điều 'cận kề chân lý' trong từng khoảng không gian và thời gian khác nhau mà thôi.
Triết học Đông phương qua sách Đại Học của Khổng Giáo, cũng quan niệm 'Cách vật - Chí tri' tức là muốn biết rỏ điều gì phải tận nơi xem xét, mới không mơ hồ mà lầm lẫn.
Do vậy mà triết lý giúp người ta tránh tư tưởng hồ đồ, không tin ngay vào bất cứ điều gì, trước khi phân tích, xem xét cụ thể, đặt ra những nghi vấn để tìm hiểu.
Chàng Trương chỉ là một nông dân chất phác, chân chỉ hạt bột, cả tin... nên mới rơi vào tấn thảm kịch do chính sự thiếu xét suy, quá tin vào câu 'về nhà hỏi trẻ' của tục ngữ gây ra.
Đây là một bài học về triết lý rất sâu sắc, nhưng lại mang vẻ tự nhiên, đạt trình độ 'triết lý mà như không triết lý gì cả', giúp ai nấy cần thận trọng trước khi xét đoán bất cứ điều gì?
B/ Câu chuyện là một bài học về sự ghen tuông
Một khi nổi máu ghen, người ta thường bị tình ái làm cho đầu óc mê muội, không còn đủ bình tĩnh sáng suốt, để tìm hiểu vấn đề.
Nếu là người có chút xét suy, chàng Trương sẽ phải chờ đợi khi đêm tối, rình bắt quả tang người tình của vợ, thì đã thoát khỏi tấn bi kịch.
Cho nên trong cuộc sống vợ chồng, vấn đề ghen tuông thường làm cho người ta mất sáng suốt, rơi vào tâm trạng hồ đồ điên loạn, mà dễ dàng đưa đến đổ vỡ, gây ra thảm cảnh gia đình.
Khi nghiên cứu về khoa tử vi, nếu lấy lá số đúng giờ, có thể thấy nhiều khi vào năm xui tháng hạn, người phối ngẫu của mình bỗng nhiên rơi vào các hoàn cảnh ngang trái. Như vậy sự sai trái này không hoàn toàn do lỗi ở người phối ngẫu, mà còn là do số kiếp của mình khi vào đại hạn sinh ra. Nếu biết nín thở qua sông, chỉ trong ba năm mọi sự sẽ trở lại bình thường. Còn nếu không biết cưỡng lại số mệnh an bài, sẽ bị đưa đẩy đến những hoàn cảnh cùng quẫn khổ sở gấp bội phần, khi tan cửa nát nhà, con cái nheo nhóc.
Thế nên mới có câu 'Đức năng thắng số'.
C/ Ý nghiã cao cả trong cuộc sống vợ chồng:
Triết học Tây phương nhận định về tình yêu trong cuộc sống vợ chồng với hai quan điểm khác nhau:
Vậy mà tại Việt Nam ngay từ thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), nhà vua đã làm bài thơ Đề Miếu Vợ Chàng Trương kết luận chàng Trương phụ phàng, chỉ nghĩ đến sự trinh tiết và chung thủy của vợ, mà phũ phàng ghen tuông quên cả công ơn nuôi mẹ già dạy con thơ bao năm của người vợ đàm đang?!
Thế nên tình yêu trong cuộc sống vợ chồng của người Việt từ xưa đã đặt 'tình nghiã' nặng hơn 'tình yêu' - khác hẳn Đông Tây Cổ Kim:
'Công cha như núi Thái Sơn,
'Nghiã mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Do ảnh hưởng của Nho Giáo, sử sách sau này mới lên án việc Hoàng hậu Dương Vân Nga trao áo hoàng bào và cả bản thân mình cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn để cùng lo giữ nước?
Ngày nay, khi phải sống ở các xứ sở Tây phương, người phụ nữ Việt phải cùng chồng xông xáo ra ngoài xã hội kiếm kế sinh nhai, vấn đề trinh tiết & chung thủy càng khó khăn hơn bao giờ hết, dễ có những hồ nghi sai lầm... nên cần được xem xét lại trong hoàn cảnh sống mới, với những tập quán xã hội mới?!
Tưởng cũng nên biết rằng Hồi Giáo và Nho Giáo... ở Đông phương, bắt phụ nữ ăn mặc kín như bưng từ đầu xuống chân, che kín luôn cả mặt, vì họ cho rằng nhan sắc của người phụ nữ có sức hấp dẫn mạnh mẽ, khiến phái nam không thể cưỡng lại, nên tốt hơn hết là bắt che đậy kín mít để nam giới khỏi bị mê hoặc, mang họa.
Trong khi đó thế giới Tây phương ngày càng đòi hỏi phụ nữ mặc các kiểu thời trang phô bày vẻ đẹp của thân xác, nhằm thỏa mãn các ẩn ức về tình dục của phái nam, để rồi bị bị hấp dẫn thất điên bát đảo, mang họa lúc nào không hay.
Người Việt tỵ nạn đang từ thế giới Đông phương, bước ngay qua thế giới Tây phương hoàn toàn trái ngược và khác biệt, nên ảnh hưởng tai hại buổi ban đầu rất nặng nề, là điều có thể hiểu được, cần có các cảm quan mới?
D/ Nghệ thuật Văn chương:
Trong kho tàng văn chương của nhân loại, cũng đã có một số tác giả cổ kim - đông tây viết về hình và bóng của con người:
Trong sách Đại Học của Trung Quốc, Tăng Tử cho rằng:
'Trong khi mình ở nơi kín đáo, chớ tưởng rằng người ta không biết sự hành động bất chánh của mình... nên bậc quân tử dè dặt lấy mình, khéo giữ gìn tư tưởng và hành động trong khi ở riêng một mình'.
...
Trong câu chuyện Vợ Chàng Trương của Việt Nam, cái bóng như một nhân chứng chính đáng đúng đắn nhất của cuộc sống, luôn ở sát cạnh để theo dõi, đánh giá chẳng những hành vi, mà còn cả những tư tưởng, tình cảm sâu kín của mỗi người, khiến kẻ có ý thức đạo đức, luôn phải tự răn mình, giữ mình trong sáng.
Thế nên nếu Nho Giáo cho rằng mình làm gì nếu Người không biết, đều có Trời biết, Đất biết... thì người Việt đơn giản hơn khi cho rằng 'chính mình sẽ biết' qua cái bóng luôn đeo đẳng bên mình.
Thiếu phụ Nam Xương là một truyện tích có nội dung và hình thức hoàn chỉnh.
Bố cục của câu chuyện có thể là một chuyện có thật, nhưng dù thật hay không thật, nghệ thuật bố cục rất chặt chẽ qua từng biến thái vui buồn, kết cục bất ngờ là một bi kịch, nhưng hợp tình hợp lý, tác động sâu xa vào lòng người, nêu lên một bài học uyên thâm về tình người, tạo được sự thăng hoa về những ý tình cao đẹp.
Thái độ của bà mẹ chồng trước khi chết cảm ơn con dâu, thái độ của người vợ thay chồng ẩn nhẫn nuôi mẹ già con thơ và cam chịu tiếng oan, thái độ của người chồng từ tầm thường nông nổi trở thành biết ăn năn hối lỗi suốt đời, thái độ của mọi người xung quanh bàng quang dửng dưng với sự việc khi xảy ra, hối tiếc khi thấy oan khiên nên lập miếu thờ... cho thấy cái tốt nhiều hơn cái xấu, cái tốt có thể cảm hóa được cái xấu...
Bài thơ của nhà vua như một phê phán mang tính giáo dục nhân quần xã hội, đưa truyện tích lên một đẳng cấp cao xa, khiến từ trí thức tới bình dân đều phải coi đó như một bài học luân lý về gia đình, xã hội... phải dè chửng trước mọi thị phi. Hơn thế còn phải đặt tình người lên trên tất cả, để dẹp bỏ những thói ghen tuông, ích kỷ.
Nhận định:
Chúng ta thường cảm phục nhiều câu chuyện cổ tích đông tây, nhưng nếu xét kỹ, sẽ thấy câu chuyện Thiếu Phụ Nam Xương là một truyện tích hoàn hảo, khi diễn tả được rất nhiều tình ý cơ bản của con người trong cuộc sống chung đụng có nhiều va chạm với nhau, với những tốt xấu bộc lộ, được lý giải hợp tình hợp lý, để rồi đi đến một bi kịch mang tính luân lý rất cao, tác động mạnh đến đạo đức nhân quần, giúp giáo hóa nhân luân xã hội bớt thị phi rất mực.
Thiếu phụ Nam Xương xứng đáng được giảng dậy theo nhiều trình độ khác nhau, từ tiểu học, trung học đến đại học, để ai nấy thấm nhuần thành Ý Thức Chung, áp dụng vào cuộc sống gia đình, xã hội, sẽ mang lại những lợi ích không kể xiết.
Vua An Dương Vương của nước Âu Lạc, là người chăm lo việc nước, mở mang bờ cõi. Nhà vua muốn xây một tòa thành kiên cố, để có thể ổn định lâu dài, không lo nạn ngoại xâm.
Chọn xong dất, vua cho người xây thành, nhưng cứ xây cao hơn đầu người là thành lại bị đổ sụp. Xây đi xây lại nhiều lần, thành vẫn bị đổ.
Nhà vua nghe lời khuyên của các quan, cho rằng việc xây thành bị ma qủy phá phách, cần phải lập đàn cầu xin thánh thần giúp đỡ.
Sau khi lập đàn, lễ bái mấy ngày đêm, một buổi sáng thấy một cụ già mặt mũi phương phi, cốt cách thần tiên, từ phiá biển tới báo cho nhà vua biết sẽ có thần Kim Qui là sứ giả của thần Thanh Giang, đến giúp nhà vua xây thành.
Hôm sau, nhà vua cùng triều thần chớ đón ở cửa Đông, thì thấy trên mặt nước xuất hiện một con rùa vàng lớn, tỏa ánh hào quang rực rỡ.
Rùa bò lên mặt đất, cho biết mình là sứ giả của thần Thanh Giang đến giúp nhà vua xây thành. Thần Kim Qui cùng nhà vua và quần thần đến nơi đang xây thành.
Thần Kim Qui nhìn khu đất, quan sát các nơi, rồi mới chậm rãi cho biết:
Nhờ phép thần thông trấn áp của thần Kim Qui, yêu quái bị đánh đuổi đi hết.
Thần Kim Qui còn giúp vua đồ hình xây thành lũy vòng theo hình trôn ốc, có nhiều lớp lang ngăn chặn kẻ địch xâm nhập, rất kiên cố. Vì thế mà được gọi là Loa Thành - tức thành ốc.
Khi xây xong thành, nhà vua cảm tạ thần Kim Qui, rồi hỏi thêm:
Thần Kim Qui liền rút một cái móng vuốt của mình cùng một bản vẽ làm nỏ thần, trao cho nhà vua, nói:
Thấy nhà vua bày tỏ lòng thành kính biết ơn rất mực, thần Kim Qui khi từ biệt còn dặn thêm:
Vua An Dương Vương đưa móng vuốt của thần Kim Qui cùng đồ hình cho vị quan coi việc chế tạo vũ khí là Cao Lỗ, thực hiện chế tạo nỏ thần. Nỏ làm xong, mỗi lần bắn ra cả ngàn mũi tên khiến kẻ địch dù đông đến mấy cũng bị đẩy lui.
Nhà vua và triều đình thấy vậy thì sung sướng muôn vàn, an tâm không còn lo lắng nhiều đến việc luyện tập binh sĩ chăm chỉ nữa.
Thời đó, phiá bắc nước Âu Lạc có nước Nam Việt của Triệu Đà rất cường thịnh, muốn thôn tính nước Âu Lạc để mở mang bờ cõi.
Nhưng mỗi lần tấn công đến Loa Thành, đều bị nỏ thần bắn ra, khiến quân sĩ chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề, không sao lại gần Loa Thành. Triệu Đà đành lui binh, mưu tính kế khác.
Nghe nói vua An Dương Vương có cô con gái xinh đẹp là Mỵ Châu, Triệu Đà sai người đến cầu hòa và cầu hôn Mỵ Châu cho con trai mình là Trọng Thủy.
Vốn tính hiếu hòa, thấy chuyện binh đao là việc bất dĩ, nên khi Triệu Đà cầu hòa và xin kết thân, vua An Dương Vương vui lòng nhận lời.
Theo tục lệ đương thời, chàng rể phải sang ở nhà vợ một thời gian để thử thách. Trọng Thủy theo lời dặn của cha là phải bí mật tìm hiểu về loại vũ khí kỳ lạ của Âu Việt, nên đã tìm cách hỏi han Mỵ Châu về các bí mật của nỏ thần.
Mỵ Châu là một cô gái ngây thơ, nên không biết đề phòng, kể cho Trọng Thủy nghe hết câu chuyện vua cha được thần Kim Quy giúp xây Loa Thành, cho móng vuốt làm nỏ thần.
Trọng Thủy biết chuyện nỏ thần linh ứng nhờ chiếc móng vuốt của thần Kim Qui, nên tìm cách lấy trộm, rồi nói dối xa nhà đã lâu, xin được về thăm ít ngày cho bớt nhớ nhung.
Khi được vua An Dương Vương cho phép về thăm nhà, lúc từ biệt Trọng Thủy bày tỏ sự thương nhớ Mỵ Châu, nói:
Mỵ Châu đáp:
Khi Trọng Thủy về đến nước Nam Việt, dâng móng vuốt của thần Kim Qui, kể rõ những bí mật quân sự của nước Âu Lạc, khiến Triệu Đà mừng rỡ, đem quân đánh vua An Dương Vương ngay.
Nghe tin Triệu Đà dở mặt tấn công, vua An Dương Vương tin vào nỏ thần, coi thường Triệu Đà, không lo chuẩn bị quân sĩ phòng thủ đương đầu.
Tới khi quân địch đến nơi, nhà vua sai đem nỏ thần ra bắn, thì móng vuốt của thần Kim Qui đã bị lấy trộm mất, nỏ thần bắn ra chẳng còn linh ứng, nên không giết được nhiều quân giặc như trước nữa.
Vua An Dương Vương thấy Loa Thành sắp thất thủ vì không có nỏ thần phối hợp chống giữ, liền cùng Mỵ Châu lên ngựa nhân lúc đêm tối chạy trốn về phương nam.
Trong đêm tối, Mỵ Châu nhớ lời dặn của Trọng Thủy, rứt lông ngỗng đánh dấu đường. Lông ngỗng có lân tinh phát sáng trong đêm, giúp Trọng Thủy theo đó đuổi tìm.
Đến sáng, chạy tới bờ biển, vẫn thấy bị giặc truy đuổi gấp, không còn lối thoát, vua An Dương Vương nhớ lời thần Kim Quy dặn, kêu lớn ba lần:
Từ biển cả, thần Kim Qui hiện lên, nói:
Nhà vua quay lại nhìn không thấy ai, thấy chiếc áo lông ngỗng của Mỵ Châu bị rứt gần hết lông, hiểu chuyện con gái lấy lông chỉ đường cho giặc đuổi theo, cả giận rút kiếm chém một nhát đứt ngang vai Mỵ Châu. Đoạn nhà vua xuống ngựa, theo thần Kim Qui rẽ nước đi xuống thủy phủ.
Trọng Thủy đuổi tới nơi, thấy xác Mỵ Châu bị chém làm hai đoạn đứt từ ngang vai, thì thương cảm mang về đến gần thành Cổ Loa, tới bên chiếc giếng Mỵ Châu thường ngày ra tắm giặt, ôm xác Mỵ Châu, nhảy xuống giếng tự tận.
Máu của Mỵ Châu chảy xuống biển, những con trai biển ăn vào đều có ngọc. Ngọc trai này đem rửa ở giếng nơi Trọng Thủy ôm xác trầm mình cùng Mỵ Châu, thì ngọc sáng rực lên.
***
Vào đầu thập niên 80, bản thân chúng tôi có tới thăm Loa Thành, tận mắt thấy mấy chuyện như sau:
Những lời bàn về Mỵ Châu & Trọng Thủy
A/ Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn:
B/ Qua những điều kể trên, chúng tôi xin lạm bàn rộng các ý cũ, thêm vài ý mới như sau:
a/ Bàn về vũ khí, thì người Việt là dân tộc đầu tiên biết chế tác ra cái nỏ tiện dụng hơn cái cung của nhân loại, từ đông sang tây.
Việc xây thành Cổ Loa hình trôn ốc, là một hình thức bố trí địa hình địa vật rất thông minh, để các quân sĩ có thể thuận lợi dùng nỏ bắn ra hàng hàng, lớp lớp liên tiếp, mà hàng trước không mất thời gian phải lui lại cho hàng đằng sau tiến lên bắn tiếp, như nơi các thành lũy đông tây cổ kim, thường chỉ biết xây theo hình vuông hay hình chữ nhật...
Đây quả là những sáng kiến về binh thư và vũ khí rất thần kỳ, đáng suy tôn người sáng tạo là thần Kim Qui - mà Cao Lỗ là người thực hiện cũng có thể là người sáng tạo chăng?
b/ Chuyện kể mang ẩn ý được sử thần Ngô Sĩ Liên nêu ra, là việc thua trận và mất nước của An Dương Vương đã thể hiện ra ngay khi được thần Kim Qui giúp xây thành, lại được giúp thêm cách làm nỏ thần. Vì một khi có những thành trì và võ khí tối tân, con người dễ sinh ra ỷ lại, biếng nhác luyện tập, sao lãng phòng thủ, mà bị thất bại đớn đau.
Chính vì vậy mà cổ nhân mới dạy rằng: 'Thiên thời bất như Địa lợi - Địa lợi bất như Nhân hòa'. Tức là dù có được hai yếu tố Thiên thời và Địa lợi, nhưng nếu lòng người không thuận thảo & sức người không mạnh mẽ & trí người không chăm chỉ lo toan... thì vẫn sẽ bị thất bại.
Bài học ở đây, cho chúng ta ngày hôm nay và mãi mãi về mai sau, là muốn vệ quốc, phục quốc, điều quan trọng là kết hợp được lòng người về một mối, chứ không phải cứ có chính quyền và lãnh thổ là được. Vì chính quyền và lãnh thổ còn cần đến nhân tố dân tộc nữa.
Thời buổi ngày nay, nhiều nước quan niệm cần có bom nguyên tử để tự vệ, sao lãng việc phát triển dân tộc, dân quyền, dân sinh... thật chẳng khác chi chuyện An Dương Vương với cái nỏ thần?!
c/ Trong cuộc sống gia đình, người Việt từ xưa đã có câu:
'Con gái là con người ta,
'Con dâu mới thật mẹ cha mua về.
Hai câu này chứng tỏ người Việt coi con gái và con rể là người ngoài, nên ở nhiều làng nghề đã không truyền dạy nghề cho con gái, con rể; nhưng lại truyền dạy nghề cho con dâu. Đây phải chăng là ảnh hưởng việc làm khuất tất của Trọng Thủy từ thời xa xưa?
Tuy vậy, người con gái Việt vẫn luôn tỏ ra yêu nước thương nòi, hơn người phụ nữ Trung Hoa.
Câu chuyện Tôn phu nhân - em gái vua Tôn Quyền, khi lấy Lưu Bị đã theo đạo 'Tam Tòng' của Nho Giáo mà từ bỏ hẳn Tổ quốc.
Nhà thơ Tôn Thọ Tường mượn chuyện Tôn Phu nhân qui Thục để bênh vực lập trường theo Pháp của mình, đã bị nhà thơ Phan Văn Trị củng thời hoạ thơ chê trách nặng nề:
'Tôn Phu nhân qui Thục
'Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng,
'Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông.
'Lìa Ngô, bịn rịn chòm râu bạc,
'Về Hán, trau tria mảnh má hồng.
'Son phấn thà cam đầy gió bụi,
'Đá vàng chi để thẹn non sông.
'Ai về nhắn với Châu Công Cẩn,
'Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.
'Tôn Thọ Tường
Bài họa:
'Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng,
'Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông.
'Ngát tỏa đồi Ngô un sắc trắng,
'Duyên về đất Thục đượm màu hồng.
'Hai vai tơ tóc bền trời đất,
'Một gánh cương thường nặng núi sông.
'Anh hỡi: Tôn Quyền anh có biết?
'Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng.
'Phan Văn Trị
Khi họa thơ, Phan Văn Trị nêu quan điểm 'Trai thờ Vua - Gái thờ Chồng' là đúng đạo Tam Cương Ngũ Thưởng của đàn ông, Tam Tòng Tứ Đức của đàn bà theo Nho Giáo, để mỉa mai Tôn Thọ Tường là đàn ông, chứ đâu phải đàn bà, mà đi lấy câu chuyện 'thờ chồng' của đàn bà ra bênh vực cho trường hợp theo giặc Pháp của mình?!
Ở truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy, cho thấy giới trí thức theo Nho Giáo đã viết câu chuyện có kết cấu khác với kết cấu của người bình dân, khi cho Trọng Thủy ôm xác Mỵ Châu nhảy xuống giếng tự tận, mong làm cho câu chuyện bớt hận thù, mang vẻ lãng mạn?!
Trong Lĩnh Nam Chích Quái, kể rằng:
Vua tuốt kiếm chém Mỵ Châu, Mỵ Châu khấn rằng:
Đến thăm Cổ Loa hiện nay, không thấy có nơi nào thờ Trọng Thủy, người dân Cổ Loa kể rằng:
Dân Cổ Loa còn kể rằng: 'Sau một tiệc ăn mửng chiến thắng, Trọng Thủy lấy thuyền ra hồ chơi, bị hồn Mỵ Châu dìm thuyền chết đuối, rồi sai âm binh ném xác Trọng Thủy ra sông'.
Như vậy người dân Cổ Loa không công nhận việc Trọng Thủy chung tình, mà coi Trọng Thủy là kẻ bạc tình, bị Mỵ Châu oán hận dìm chết.
Trước kia cho đến gần đây, Cổ Loa còn giữ tục lệ ai gả con gái cho người ngoài làng, thì cấm cả con gái lẫn con rể trở về làng, vị sợ tái diễn chuyện Trọng Thủy.
d/ Đặc biệt của sự tích Mỵ Châu - Trọng Thủy là có nội dung đầu tiên nói về sự chiến bại của một triều đại, đưa ra những nguyên do của sự thất bại, để ai nấy hiểu biết, tỏ tường các âm mưu xâm lược của ngoại bang, hầu có thể rút ra những kinh nghiệm về chiến tranh chống xâm lăng trong mai hậu.
Tinh thần câu chuyện không kết tội Mỵ Châu lầm lỗi, mà chỉ coi Mỵ Châu như một trường hợp dễ bị lầm lỗi, để đưa ra một bài học cho phụ nữ trong cuộc chiến vệ quốc. Do vậy mà Mỵ Châu được thương cảm, thờ như một vị nữ thần chịu nhiều oan khiên, bị lợi dụng, nhưng biết trả thù kẻ lợi dụng - dù đó là người mình từng yêu dấu. Ở đây tình nước được coi trọng hơn tình nhà, qua việc An Dương Vương giết Mỵ Châu, cũng như Mỵ Châu dìm chết Trọng Thủy.
Chân lý của người Việt là nếu 'nước mất' thì 'nhà tan', nên lòng yêu nước được coi là tình cảm cao cả nhất, ai nấy có bổn phận phải hy sinh tất cả những tình cảm riêng tư để phục vụ quốc gia dân tộc.
Đây chính là tinh thần yêu nước đã giúp dân tộc Việt Nam trải bao ngàn năm bị ngoại bang xâm lăng, đô hộ... nhưng cuối củng do luôn giữ vững được tinh thần ái quốc cao đẹp, nên đã vượt qua mọi gian nguy, đánh đuổi quân thù, giữ vửng được nền độc lập tự chủ cho quốc gia & dân tộc.
e/ Truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy theo một số sách do giới trí thức ghi chép, phần kết khác với chuyện kể của người bình dân ở Cổ Loa.
Sự việc cho thấy thêm một lần nữa, giới trí thức tùy theo ảnh hưởng của cái học ngoại lai đương thời, mà chép sai những sự thực.
Nhận định:
Mỵ Châu - Trọng Thủy là một kinh nghiệm về thỏa hiệp - mà ngày nay chúng ta thường gọi là 'hòa giải - hòa hợp'.
An Dương Vương chỉ vì cả tin Triệu Đà, lấy lòng quân tử mà đối xử với kẻ tiểu nhân, khiến không chỉ hại mình, hại con mình, mà còn hại cả quốc gia & dân tộc.
Đã mấy ai có được cái 'Tâm' lớn như Tản Viên Sơn Thần, ở thê thắng lợi mà nhường địa vị cao quý cho Thục Phán, để hòa giải hòa hợp mưu cầu thanh bình hạnh phúc cho Quốc gia & Dân tộc
Ngày xưa, có hai người bạn rất thân nhau, một người tên là Lưu Bình, một người tên là Dương Lễ.
Dương Lễ nhà nghèo, không đủ tiền đèn sách học hành. Lưu Bình nhà giàu có, thấy vậy bèn mời bạn về nhà mình ở, ăn cùng mâm, học cùng đèn, đọc chung sách... tình bạn rất là thân thiết, sớm tối có nhau tương đắc.
Dương Lễ biết mình phận nghèo, nay được bạn giúp đỡ tận tình, thì dốc lòng học hành chăm chỉ. Trong khi Lưu Bình ỷ nhà giàu có, dần dần học hành chểnh mảng, ăn chơi phóng túng.
Đến kỳ thi, Dương Lễ đỗ cao, được bổ đi làm quan. Còn Lưu Bình thi trượt, buồn bã nên càng ăn chơi hoang đàng hơn.
Chẳng bao lâu, Lưu Bình hết tiền lâm cảnh nghèo khó, nhà cửa bán hết, sau mấy lần đi thi bị trượt hoài.
Lang thang trên con đường vô định, Lưu Bình chợt nhớ đến bạn là Dương Lễ đang làm quan ở một tỉnh gần, Lưu Bình liền tìm tới bạn cũ, mong được Dương Lễ nhớ đến tình xưa, giúp đỡ chút tiền bạc sinh sống.
Nào ngờ khi đến nơi dinh quan của Dương Lễ, Lưu Bình báo danh xin gặp, thì Dương Lễ không tiếp, sai lính hầu dọn cho tô cơm với mấy quả cà. Ăn chẳng được, Lưu Bình phẫn chí bỏ đi.
Dọc đường, đang lúc thất cơ lơ vận, Lưu Bình gặp một thiếu phụ xinh đẹp, nhờ mình cầm giúp gói hành lý nặng, để xuống ao bên đường rửa tay.
Hai bên nhân đó trò chuyện hỏi han. Thiếu phụ cho biết tên mình là Châu Long, thấy tình cảnh Lưu Bình sa sút, bị bạn cũ bỏ rơi không giúp đỡ, thì ái ngại, bày tỏ muốn giúp Lưu Bình học hành, để khi học hành thành đạt, hai người sẽ cùng nhau xây dựng gia đình.
Lưu Bình cảm động, hứa sẽ dốc chí học hành để làm lại cuộc đời.
Châu Long liền bỏ tiền thuê một căn nhà ba gian hai chái, mỗi người ở một chái riêng biệt, ba gian giữa là nơi để Lưu Bình dùi mài kinh sử.
Được sự chăm sóc và khuyến khích hết lòng của Châu Long, Lưu Bình học chăm chỉ tấn tới, văn bài được thầy bạn khen ngợi.
Có lần khi trăng thanh gió mát, Lưu Bình ngỏ lời muốn cùng Châu Long sớm kết duyên, nhưng Châu Long nhất quyết là chỉ khi nào Lưu Bình đỗ đạt ra làm quan vinh hiển, lúc đó mới kết hôn.
Lưu Bình biết không thể lay chuyển được tâm ý của Châu Long, nên càng cố gắng học hành, mong sớm thi đỗ để được cùng Châu Long gá nghiã trăm năm.
Khoa thi năm đó, Lưu Bình đi thi đỗ cao, sung sướng về nhà báo tin cho Châu Long hay, nào ngờ thấy nhà hoang vắng. Hỏi thăm chủ cho thuê nhà, thì được biết Châu Long đã trả hết tiền nhà, rồi bỏ đi đâu không rõ, cũng không để lại một lời nhắn nhủ nào.
Lưu Bình đau khổ, không hiểu do đâu mà Châu Long lại bỏ mình mà đi như vậy, nên buồn bã lên đường nhậm quan chức.
Làm quan được ít lâu, nhân có việc ngang qua nơi Dương Lễ trấn nhậm, Lưu Bình muốn ghé tới để trách người bạn cũ đã tệ bạc với mình.
Lần này khác hẳn với lần trước khi Lưu Bình sa cơ lỡ bước, Dương Lễ trang trọng đích thân ra tận ngoài cửa dinh đón Lưu Bình.
Dương Lễ mời Lưu Bình vào tư dinh tiếp đãi.
Vào trong tư dinh, Lưu Bình định mở lời trách cứ Dương Lễ ngày trước đối xử với mình không tốt, lúc mình lâm cảnh nghèo khó, thì bỗng đứng đờ người nói không nên lời, khi thấy Châu Long từ trong nhà bước ra lễ phép vái chào.
Dương Lễ giới thiệu Châu Long là người vợ thứ ba của mình.
Lưu Bình liền hiểu chuyện, là trước đây Dương Lễ đã giả vờ xử tệ để mình tự ái, rồi mới kín đáo sai vợ thứ ba thay mặt, đi nuôi mình ăn học cho đến khi thành tài.
Thay vì trách mắng bạn, Lưu Bình tạ ơn cả Dương Lễ và nàng Châu Long đã tận tình giúp mình thành người hữu dụng, vượt qua khốn khó để mở mày mở mặt với đời.
Từ đó Lưu Bình và Dương Lễ trở thành đôi bạn thân thiết mãi mãi, nêu một tấm gương sáng về tình bạn.
Lời bàn về chuyện Lưu Bình - Dương Lễ:
Một khi muốn thích nghi với cuộc sống, để có thể tồn tại và phát tiển mạnh mẽ, từ loại vật đến con người, đều phải tìm cách thích nghi khôn ngoan nhất; tức là thay vì đấu tranh sát hại nhau, thì phải làm sao tránh được sự sát phạt, chỉ gây thiệt hại cho nòi giống...
Hình thức đầu tiên cơ bản nhất chính là sự kết hợp giúp đỡ của tình bạn, mang tính tự nguyện khác với tính trách nhiệm của tình gia đình.
Sự kết hợp tình bạn từ số ít đến số nhiều, đem lại kết quả phát triển các khả năng về trí thức và đạo đức, thực hiện những điều kiện tốt nhất cho việc sinh tồn.
Thành công nhất, không phải là những ai mạnh khỏe nhất về thể xác, cũng không phải là do ai khôn ngoan nhất về tinh thần, mà chính là ở chỗ rút ra được những kinh nghiệm về phối hợp bù trừ, hỗ trợ giữa những người mạnh với người yếu, người giỏi với người không giỏi... để có thể hòa hợp, đạt thăng hoa và thịnh vượng.
Tình bạn là hình thức kết hợp đầu tiên của xã hội, qua hai khía cạnh:
Qua vài phân tích trên, chúng ta thấy tình bạn giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống tập thể, để từ đó phát triển thành các cộng đồng, các xã hội, các quốc gia.
A/ Tình Bạn theo Tây phương:
Theo Tây phương, Tình Bạn (frienship) là sự gắn bó được biểu thị bằng sự bất vụ lợi và lòng qúy trọng giữa hai người với nhau.
Định nghiã trên quá lý tưởng, vì tình bạn thường đi vào lạc thú hoặc lợi lộc.
Aristote nhận định: 'Làm sao tình bạn có thể hình thành, khi không mưu cầu lạc thú hay lợi lộc? Không ai chọn một cuộc sống không bạn bè trong hoàn cảnh sống sung túc?
Như thế cùng với tình yêu, tình bạn có nhu cầu chia xẻ?
Khi xuất hiện những chủ nghiã chính trị, cũng xuất hiện Tình Huynh Đệ (fraternity). Đây là mối quan hệ giữa những người cùng dấn thân vào một mục đích chung, mà Cộng sản tìm cách phát triển thành tình Đồng Chí (comrade).
Do quá đặt nặng vấn đề quyền lợi và quyền hành, mà chính trị đã đưa tình bạn đến những cảnh giới kỳ thị, chia rẽ ác độc, gây không biết bao nhiêu tai hại cho tình đồng loại một cách rất bi thảm, qua các chủ thuyết chính trị khác nhau, chủ trương đả phá tiêu diệt nhau, như Phát Xít, Cộng Sản?!
B/ Tình Bạn Theo Khổng Giáo:
Khổng Giáo quan niệm: 'Có biết người hay, người dở, thì mới giao kết với nhau để làm điều lành, điều phải'.
Tăng Tử chủ trương: "Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân'. Tức là người quân tử lấy văn học hội họp bạn bè, nhờ bạn bè giúp mình hoàn thành nhân cách.
Khổng Tử cho rằng: 'Trung cáo nhi thiện đạo chi, bất khả tắc chỉ, vô tự nhục yên'. Tức là 'Bạn bè lấy điều ngay thẳng mà bảo, khéo tìm cách mà khuyên răn, bạn không nghe thì thôi đừng để vấy nhục vào mình'.
Tử Du nói rõ thêm ý của Khổng Tử: 'Sự quân sác, tư nhục hỹ. Bằng hữu sác, tư sơ hỹ', Tức là 'Thờ vua can ngăn không nghe, mà can ngăn mãi sẽ mang nhục. Bạn hữu đã khuyên bảo mà không nghe, cứ khuyên bảo mãi sẽ xa nhau'.
Từ tình bạn phát triển ra cuộc sống nhân quần xã hội, sách Đại Học dạy: 'Dữ quốc nhân giao, chỉ ư tín'. Tức là giao kết với người trong nước, cốt ở chữ tín', vì nếu không có niềm tin, dối trá tráo trở với nhau, sự giao thiệp sẽ không có điểm tựa để tồn tại và phát triển.
Tuy đặt nặng đức tin trong tình bạn, trong giao tiếp xã hội... nhưng Khổng Tử lại quan niệm: 'Ngôn tất tín, hành tất quả, khanh khanh niên, tiểu nhân tai'. Tức là 'Nếu cứ đòi hỏi nói phải tin, làm phải đạt kết quả, là tâm địa nhỏ hẹp của đứa tiểu nhân'.
Nói khác khi Khổng Tử đề cao đạo lý trong tình bằng hữu, chứ không quá câu nệ đòi hỏi khăng khăng vào một điều gì. Đây là đạo lý Trung Dung của Khổng Tử vậy.
C/ Tình Bạn theo người Việt Nam:
Người Việt từ xưa đã có những câu tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích nói về tình bạn:
-Tục ngữ cho rằng: 'Giàu vì bạn - Sang vì vợ'.
Tức là nếu được bạn bè thuận thảo tử tế kết hợp làm ăn, sẽ khá giả. Nếu có người vợ biết cư xử tốt với mọi người, sẽ sang cả vì được tôn trọng và qúy mến.
-Ca dao dạy rằng:
'Thói thường: Gần mực thì đen,
'Anh em bạn hữu phải nên chọn người.
'Những người lêu lổng chơi bời,
'Cùng là lười biếng, ta thời tránh xa.
Tức là ca dao cho rằng người ta dễ bị bạn bè ảnh hưởng, ai thiếu tự chủ càng dễ bị lôi cuốn mà tha hóa, nên tốt hơn hết là giao du với những người bạn tốt, để có thế chịu ảnh hưởng các đức tính. Tránh xa các bạn xấu, để không bị đua đòi sa đọa.
Các câu chuyện cổ như Thạch Sanh, Giết chó khuyên chồng... đều nêu ra những sự tai hại của việc thân quen với những người bạn xấu. Tựu chung cho thấy thông thường người Việt quan niệm chỉ nên chơi với bạn tốt mà thôi.
D/ Tình bạn của Lưu Bình - Dương Lễ
Lưu Bình - Dương Lễ là một câu chuyện về tình bạn có đạo lý rất cao đẹp, nội dung nêu nhiều bài học qúy giá trong tình bạn:
1/ Câu chuyện cho thấy không có ai tốt hay xấu hoàn toàn, mà do hoàn cảnh đưa đẩy vào chỗ tốt xấu. Nhưng một khi được người bạn tốt tận tình và khôn khéo tìm cách giúp đỡ, có thể biến đổi từ xấu thành tốt.
2/ Câu chuyện nêu ra vấn đề bạn bè giúp đỡ nhau cần hết lòng, có sự toan tính sâu sắc. Chứ không nên giúp đỡ theo kiểu dễ dãi thiếu trách nhiệm.
Giúp theo kiểu thiếu trách nhiệm, là thấy bạn nghèo, giúp tiền bạc mà không lưu tâm giúp bạn vượt khó. Đơn giản như bạn bè trong lớp học, thấy bạn không làm được bài thì đưa bài của mình cho bạn chép.
Giúp theo kiểu có trách nhiệm đòi hỏi sự tận tâm và nhiều công khó. Thấy bạn nghèo, cần tìm hiểu do đâu bạn nghèo, bạn có khả năng ra sao, cần giúp thế nào để bạn có thể không những vượt qua cảnh nghèo, mà còn có thể trở nên sung túc. Nói khác đi, hãy tìm cách giúp bạn cái cần câu để câu cá, chứ không giúp con cá. Trong lớp học, thấy bạn không làm được bài, thay vì cho chép, thì phải giảng giải cho bạn hiểu bài, để có thể biết cách tự làm bài, giỏi dang về sau.
3/Dương Lễ nhờ bạn giúp đỡ ăn học nên người, ơn này rất lớn, nên Dương Lễ đã quan tâm nghiên cứu về con người và hoàn cảnh của Lưu Bình, để nương theo đó mà giúp sao cho hữu hiệu. Dương Lễ nói với vợ:
'Anh còn chút bạn hiền nghiã cũ,
'Danh ốc Lưu Bình,
'Cùng bạn thư sinh,
'Song anh ấy chưa làm nên danh phận,
'Đến chơi làm điều mặt giận,
'Sai quân hầu sỉ nhục nhuốc nhơ,
'Dọn lưng cơm với một quả cà,
'Ăn chẳng được, anh liền phẫn chí
'Cửa nhà sa thế,
'Biết lấy gì đèn sách học hành,
'Nàng phải đi nuôi bạn thay anh,
'Công đức ấy xem bằng Non Thái...
(trích từ Luân lý Giáo Khoa Thư)
Đọc câu chuyện chúng ta thấy Dương Lễ đã bình tĩnh và kiên nhẫn theo dõi bạn từ lâu, chuẩn bị sẵn các kế hoạch khi bạn đến, để có thể giúp đỡ tận tình và hữu hiệu.
Những việc cố tình tiếp bạn như một kẻ ăn mày, để bạn phải tự ái, rồi nhờ vợ thay mình đi nuôi bạn ăn học thành tài... là hành động của bậc trí giả, tài đức thượng thừa.
Câu chuyện cho thấy cái 'Tâm' rất lớn của người Việt trong quan hệ Tình Bạn, vượt xa quan điểm của Tây Phương và của Khổng Giáo... khi chỉ coi tình bạn như một thứ để mưu lạc thú, lợi lộc về tinh thần và vật chất.
4/ Giữa vợ và bạn, câu chuyện cho thấy đã hình thành một thế chân vạc vững vàng, để có thể đạt được một lúc cả hai thành quả qúy giá 'Giàu vì bạn - Sang vỉ vợ'.
Dương Lễ nhờ có người vợ vừa chung thủy, vừa đảm đang, giúp mình hoàn thành nghiã vụ với bạn, trả ơn bạn một cách xứng đáng. Vì nếu không được Lưu Bình giúp nuôi ăn học thành tài, Dương Lễ cũng chẳng thể có được người vợ như Châu Long.
Châu Long biết Lưu Bình có ơn lớn với chồng, nên đã đối xử rất mực kính cẩn, mà giữ trọn được đạo làm vợ với Dương Lễ.
Nhận Định
Câu chuyện Lưu Bình - Dương Lễ cho thấy trong quan hệ tình bạn, người Việt từ xưa đã có một ý thức hệ riêng biệt, không chịu ảnh hưởng của tư tưởng ngoại lai nào; xây dựng tốt đẹp mối liên hệ trọng đại, theo chiều hướng hài hòa thăng hoa cao đẹp.
Có thể nói trong tình tự Việt Nam, tình bạn được coi như một tình cảm quan trọng, song song với tình anh em, vợ chồng, để kết hợp cộng hưởng, giúp phát triển cuộc sống tình cảm trở nên phong phú rất mực.
Câu chuyện cho thấy dù có tâm lý hướng nội như Dương Lễ, hay tâm lý hướng ngoại như Lưu Bình, tình bạn chân chính vẫn có những ảnh hưởng cao đẹp, giúp phát triển tốt đẹp cuộc sống nhân quần, xã hội.
Copyright © 2024 Giao Su XKZ - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.